|
||
PHẦN THỨ BA KINH TẾ CHƯƠNG I: NÔNG NGHIỆP – LÂM NGHIỆP NÔNG NGHIỆP
5. CÔNG TÁC ỨNG DỤNG KHOA HỌC – KỸ THUẬT 5.1 Các biện pháp cải tạo đất Trước năm 1975, quy mô sản xuất nông nghiệp Đà Lạt ngày càng tăng từ vài chục ha năm 1940 lên đến hàng ngàn ha trồng rau hoa vào những năm 1970, ngành sản xuất rau hoa Đà Lạt đã áp dụng nhiều biện pháp canh tác mới vào sản xuất.
Do địa hình đồi dốc và bị phân cắt mạnh, để tránh xói mòn và thuận lợi cho trồng trọt, nông dân đã thực hiện việc san gạt để lấy mặt bằng sản xuất. Theo các tài liệu nghiên cứu về sản xuất rau hoa tại Đà Lạt, việc san gạt đất đồi thành các băng đất được tính theo độ dốc, đất có độ dốc 10% thì cao độ giữa 2 băng đất là 1,37m và chiều rộng của băng đất là 30m. Tuy nhiên, trên thực tế, người nông dân chỉ ước lượng và san gạt các băng đất cho “vừa mắt”. Với những vùng đất thung lũng thường bị ngập úng, việc khai mương tháo nước, đắp bờ và trồng cỏ để giữ bờ cũng được tổ chức thực hiện. Theo kết quả phân tích đất, đất Đà Lạt kém dinh dưỡng khoáng tự nhiên. Do đó, trong quá trình canh tác, các loại phân bón đã được sử dụng khá nhiều. Trong thời gian đầu, việc sử dụng phân xác mắm, phân bắc, phân khô dầu, phân chuồng đã được sử dụng khá phổ biến trong canh tác rau cải. Việc đổ bồi thêm đất mới qua vài vụ canh tác cũng đã được áp dụng từ những năm trước 1970 nhằm cải thiện đất canh tác. Từ sau 1975, các biện pháp cải tạo đất bằng phân bón hữu cơ, phân chuồng hoai mục, phân vi sinh đã được khuyến khích phát triển. 5.2 Nghiên cứu về kỹ thuật canh tác Trước đây việc sản xuất rau cải tại Đà Lạt một thời gian dài hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm của các cư dân nhập cư từ miền Bắc và miền Trung. Trước năm 1975, các nghiên cứu về sản xuất rau cải của Đà Lạt hầu hết đều do Trung tâm Thực nghiệm Rau Hoa Đà Lạt tổ chức thực hiện, nhưng hầu như chỉ tập trung vào công tác giống. Các biện pháp canh tác chưa được chú trọng nhiều. Các kỹ thuật được áp dụng trong giai đoạn này chủ yếu là thay đổi công cụ sản xuất từ thô sơ sang một phần cơ giới. Báo cáo đánh giá về tình hình bệnh lý khoai tây tại vùng cao nguyên và những đề nghị đối phó năm 1965 đã xác định bệnh “chết gục” do vi khuẩn Corynebacterium sepedonicum; Pseudomonas solanacearum gây bệnh héo nâu, bệnh đốm lá do Alternaria solani; bệnh nám lá chân do Erwinia phytophtora hoặc Bacillus atrosepticus, bệnh ghẻ ngoài da khoai tây do Streptomyces scaboes, bệnh cháy lá do Phytophtora infestans, bệnh do vi khuẩn Rhizoctonia solani, bệnh tuyến trùng (Nématodes),… Báo cáo cũng đã đề nghị một số biện pháp đối phó với tình hình bệnh lý trên như khử trùng khoai giống, khử trùng dao cắt, khử đất, chọn giống, trồng luân canh, các biện pháp lưu trữ. Báo cáo về thí nghiệm trồng hành tây tại Việt Nam của chuyên viên Trung Hoa với các giống Texas Early Grano-502, Granex, Excel Bermuda 986, White Crystal Wax đã chọn lọc được giống thích hợp là Texas Early Grano-502 và Granex. Báo cáo thí nghiệm cũng đề cập đến kỹ thuật gieo giống, kỹ thuật trồng trọt và lưu trữ sản phẩm. Theo báo cáo khảo sát dâu tây năm 1967, Đà Lạt có các giống Madame Moutot, Docteur Morère. Các giống đang được thử nghiệm tại Trung tâm Rau hoa Đà Lạt là Cambridge Latepine, Cambridge Favorite, Wiltgourd, Torrey Jine, Solano, Shasta, Rival, Vigora, Fresno, Tahara, Florida và Lassen. Sau năm 1975, tại Xí nghiệp giống rau hoa Đà Lạt, công tác nghiên cứu thực nghiệm về giống cây trồng và thử nghiệm các biện pháp canh tác mới đã được triển khai khá rộng rãi với nhiều cơ quan chức năng tham gia. Kỹ thuật nuôi cấy mô thực vật được thực hiện tại Đà Lạt từ năm 1978. Đến năm 2000, kỹ thuật này đã trở thành một kỹ thuật quan trọng trong việc nhân và cung cấp giống cây trồng sạch bệnh cho vùng nông nghiệp Đà Lạt. Theo thống kê của ngành chuyên môn, năm 2005, Đà Lạt có 28 phòng thí nghiệm nuôi cấy mô thực vật do các cơ sở nghiên cứu khoa học và cơ sở sản xuất giống của tư nhân đầu tư với 127 box cấy mô. Hàng năm, các cơ sở cấy mô này đã cung cấp cho thị trường giống rau hoa Đà Lạt trên 6 triệu cây giống sau ống nghiệm sạch bệnh.
Phòng nuôi cấy mô thực vật
Năm 1988-1990, chương trình nghiên cứu phát triển cây dược liệu atisô được thực hiện nhằm mục đích phát triển cây dược liệu đặc sản của Đà Lạt. Năm 1995, công tác nghiên cứu về sản xuất rau an toàn trên địa bàn thành phố Đà Lạt đã được thực hiện với chương trình sản xuất thử nghiệm tại xã Lát (Lạc Dương). Từ năm 1996 đến năm 2001, chương trình nghiên cứu về sản xuất rau thương phẩm chất lượng cao, phù hợp với các tiêu chuẩn rau an toàn của FAO/WHO, đã được triển khai thành công tại Đà Lạt và đã xây dựng được các quy trình sản xuất rau an toàn tại Đà Lạt cho các giống rau chủ yếu của Đà Lạt (cải bắp, cải Bắc thảo, khoai tây, cà rốt, đậu Hà Lan, pố xôi, cần tây, poarô hành), chương trình được thực hiện dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng với sự tham gia của các cơ quan: Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng, Trung tâm Nghiên cứu Cây Thực phẩm, Trung tâm Ứng dụng Kỹ thuật Nông nghiệp Đà Lạt, Phòng Công Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đà Lạt.
Sản xuất rau mầm hữu cơ
Thành phố Đà Lạt đã đầu tư cho công tác nghiên cứu xác lập các quy trình sản xuất hoa ngắn ngày của địa phương như cúc, cẩm chướng (năm 1997-1998), quy trình sản xuất hoa hồng, glayơn, lys,… (năm 1999), quy trình trồng lan gấm (1998). Năm 2003, đề tài nghiên cứu xây dựng mô hình sản xuất theo hướng công nghiệp do Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt thực hiện. Song song với chương trình nghiên cứu ứng dụng các quy trình canh tác mới, các ứng dụng về kỹ thuật sản xuất rau hoa trong nhà có mái che, kỹ thuật tưới nước theo các phương pháp mới (tưới thấm, nhỏ giọt,…), kỹ thuật sử dụng phân bón và biện pháp bón phân, kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý và an toàn, chương trình phòng chống dịch hại tổng hợp IPM, kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng công nghệ cao, bảo vệ môi trường sinh thái đã được áp dụng trên các vùng sản xuất nông nghiệp của Đà Lạt.
|
||
|
|
|
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH
PHỐ ĐÀ LẠT |