|
||
PHẦN THỨ BA KINH TẾ CHƯƠNG I: NÔNG NGHIỆP – LÂM NGHIỆP NÔNG NGHIỆP
6. HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC HỢP TÁC XÃ 6.1 Thời kỳ trước năm 1975 Trong quá trình phát triển ngành sản xuất rau cải Đà Lạt, để hỗ trợ nông dân trong việc kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm rau cải, chính quyền chế độ cũ đã cho phép thành lập Hợp tác xã rau Đà Lạt. Hợp tác xã rau Đà Lạt thành lập ngày 23-1-1958 với mục đích quy tụ và đưa nhà vườn vào một tổ chức để bảo vệ quyền lợi trên hai mặt chính là quyết định giá bán rau và cung cấp vật tư nguyên liệu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, loại bỏ giới trung gian thương mại dưới các hình thức cá nhân hay xí nghiệp. Trong quá trình hoạt động, Hợp tác xã rau Đà Lạt đã thoả thuận với Nghiệp đoàn chủ vựa Cầu Muối những điều khoản để bảo đảm quyền lợi cho nhà vườn tại Đà Lạt như: · Hợp tác xã có toàn quyền thu mua rau cải của nông dân là xã viên hợp tác xã. Điều này có mục đích loại bỏ người trung gian tại chỗ. · Hợp tác xã bán rau trực tiếp cho các chủ xe với giá do hợp tác xã ấn định. Việc vận chuyển và buôn bán tại các thị trường tiêu thụ là quyền của các chủ xe. · Hợp tác xã có chi nhánh tại Sài Gòn, đó là vựa buôn bán của hợp tác xã. Tuy nhiên, các thoả thuận trên đây chỉ có hiệu lực trong năm 1958, sau đó tình trạng thu mua và kinh doanh rau cải Đà Lạt cũng đi vào bế tắc do nhiều nguyên nhân mà quan trọng nhất là vấn đề không thống nhất trong tập thể xã viên hợp tác xã. Bên cạnh Hợp tác xã rau Đà Lạt, còn có một số hợp tác xã khác cũng được hình thành. Hợp tác xã Nông nghiệp Thánh Mẫu hình thành và hoạt động trong một thời gian ngắn rồi ngưng lại do Ban Quản trị không có kinh nghiệm điều hành. Hợp tác xã Nông nghiệp Đa Thiện - Nghệ Tĩnh hình thành với mục tiêu thành lập 60 quầy bán rau cải dành cho xã viên, xây dựng kho lạnh dự trữ nông sản, ký kết hợp đồng trực tiếp với các siêu thị không qua giới trung gian thương mại. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức hoạt động, hợp tác xã này chỉ dừng lại ở hoạt động kinh doanh phân bón, nông cơ nông cụ và cung cấp cây giống cho xã viên. Các dự tính kinh doanh và tiêu thụ nông sản không tổ chức thực hiện được. Nhìn chung, trong thời gian này không có tổ chức nào hỗ trợ được người nông dân trong lĩnh vực kinh doanh rau cải. 6.2 Thời kỳ sau năm 1975 Từ năm 1975, sản xuất nông nghiệp Đà Lạt, như đã nêu, đi vào phương thức kế hoạch hoá tập trung. Trong các năm 1976-1980, công tác hợp tác hoá nông nghiệp được triển khai một cách mạnh mẽ. Trong giai đoạn 1975-1985, với phương thức sản xuất theo kế hoạch hoá tập trung, diện tích canh tác và sản lượng nông sản thu hoạch được phân bổ và thu mua theo kế hoạch của Nhà nước. Do những biến động chung của xã hội, đến năm 1984, Đà Lạt chỉ còn 9 hợp tác xã nông nghiệp, 65 tập đoàn sản xuất và 5 tổ đoàn kết sản xuất với 3.082 hộ và 5.738 lao động. Năm 1977, thành lập được 147 tổ sản xuất tập thể và 1 tập đoàn sản xuất (Tự Phước). Sản xuất nông nghiệp được thực hiện theo kế hoạch đến từng khóm dân cư, việc thu mua rau do Công ty Nông sản Thực phẩm và Công ty Ngoại thương đảm nhận. Năm 1978, xây dựng được 1 hợp tác xã nông nghiệp, 7 tập đoàn và 6 tổ sản xuất rau cải với 3.586 hộ nông nghiệp tham gia, tổ chức sản xuất 1.076 ha rau cải, 179 ha cây lương thực. Bên cạnh đó cũng đã xây dựng được 6 tập đoàn sản xuất lương thực với 479 hộ và 171 ha đất canh tác tại các khu kinh tế mới. Tháng 9-1979, các tập đoàn, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp được hình thành trên tất cả các vùng sản xuất nông nghiệp. Trong thời gian này, Đà Lạt đã hình thành được 3 hợp tác xã nông nghiệp, 81 tập đoàn sản xuất và 9 tổ đoàn kết sản xuất với 5.962 hộ nông nghiệp, 28.118 nhân khẩu (8.989 lao động); tổ chức quản lý sản xuất 1.899 ha rau cải với 140 máy cày, 1.873 máy bơm dầu, 1.106 máy bơm xăng, 110 môtơ. Năm 1984, Đà Lạt có 65 tập đoàn sản xuất, 9 hợp tác xã nông nghiệp và 5 tổ đoàn kết sản xuất với 3.082 hộ, 5.738 lao động. Do tổ chức sản xuất theo cơ chế bao cấp nên đã bộc lộ những yếu kém nhất định do công tác quản lý tập trung. Năm 1988, các tập đoàn sản xuất cũng như các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Lạt hầu hết đều ngừng hoạt động và tự tan rã, phần lớn đất sản xuất đã được giao khoán đến từng hộ. Thời điểm này Đà Lạt còn 9 hợp tác xã nông nghiệp, 46 tập đoàn sản xuất, hình thành được 13 tổ đoàn kết sản xuất với 3.572 hộ và 5.876 lao động, tổ chức quản lý sản xuất trên 562 ha rau các loại. Chương trình hợp tác hoá nông nghiệp trong giai đoạn 1975-1988 đã đạt được một số kết quả nhất định như đã xây dựng được các công trình điện, công trình thủy lợi, giao thông theo phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm, một số công trình phúc lợi xã hội như nhà trẻ, nhà văn hoá cũng đã được xây dựng.
Đến năm 1997, Thành phố Đà Lạt còn 9 hợp tác xã sản xuất nông nghiệp nhưng hầu hết các đơn vị này không hoạt động, các tập đoàn sản xuất đã tự tan rã. Theo thống kê, toàn thành phố Đà Lạt còn 9 hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Thực hiện Luật Hợp tác xã mới và Nghị quyết 03 của Tỉnh uỷ Lâm Đồng về việc xây dựng và phát triển kinh tế hợp tác, đến hết năm 1999 đã chuyển đổi, đăng ký mới 2 hợp tác xã (HTX Tự Phước, phường 11 và HTX Đa Thiện, phường 8), giải thể 1 hợp tác xã (HTX An Sơn, phường 4). Năm 2000 tiếp tục vận động thành lập 4 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTX Lạc Thành, HTX Phú Thịnh, HTX Cà phê Xuân Trường, HTX Nam Thiên). Các hợp tác xã kiểu cũ tiếp tục tiến hành các thủ tục giải thể theo luật định. Các hợp tác xã chuyển đổi và thành lập mới đã bắt đầu đi vào hoạt động với cơ chế kinh tế thị trường. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện các dịch vụ nông nghiệp, một số hợp tác xã không tuân thủ đúng nguyên tắc theo pháp lệnh kế toán, thống kê, chưa thích nghi với những hoạt động trong cơ chế thị trường, không có những thay đổi phương thức hoạt động cho thích hợp nên kết quả hoạt động không đạt được mục tiêu đề ra trong phương án thành lập ban đầu. Đến cuối năm 2001 đã giải thể bắt buộc 3 đơn vị. Theo kết quả Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thuỷ sản năm 2001, Đà Lạt có 4 hợp tác xã nông nghiệp (HTX Lạc Thành, HTX Phước Thành, HTX Tự Phước, HTX Đa Thiện) với 621 xã viên, tổng số vốn 3,1 tỷ đồng (bình quân mỗi hợp tác xã là 775 triệu đồng), trong đó vốn chủ sở hữu là 1,74 tỷ đồng. Tổng giá trị sản phẩm bán ra trong năm là 954 triệu đồng (bình quân mỗi hợp tác xã 238 triệu đồng), hợp tác xã lãi 109 triệu đồng (bình quân mỗi hợp tác xã lãi 27,2 triệu đồng). Về các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, năm 2001 thành phố Đà Lạt có 18 doanh nghiệp hoạt động, trong đó có 3 doanh nghiệp nhà nước, 1 doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà nước, 2 doanh nghiệp cổ phần không có vốn nhà nước, 5 công ty trách nhiệm hữu hạn, 1 doanh nghiệp tư nhân và 6 đơn vị có 100% vốn nước ngoài. Lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp gồm có 15 đơn vị trồng trọt, 2 đơn vị chăn nuôi và 1 đơn vị kinh doanh dịch vụ. Tổng số lao động trong 18 doanh nghiệp là 700 người lao động. Tháng 9-2002, Hiệp hội rau quả Đà Lạt được thành lập với 92 thành viên đăng ký làm hội viên thuộc các lĩnh vực sản xuất rau quả, chế biến, kinh doanh nông sản trên địa bàn thành phố Đà Lạt và các vùng lân cận. Mục đích hoạt động của Hiệp hội rau quả Đà Lạt là ổn định sự phát triển của các ngành nghề thuộc lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ nông sản; hợp tác và hỗ trợ nhau để giữ vững và nâng cao chất lượng nông sản, phối hợp nghiên cứu cơ cấu cây trồng phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng Đà Lạt và yêu cầu của thị trường tiêu thụ nhằm mục tiêu đa dạng hoá sản phẩm và ổn định sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên, làm tốt nghĩa vụ với nhà nước, cùng chia xẻ và hỗ trợ nhau trong những khó khăn. Tháng 10-2006, Hiệp hội hoa Đà Lạt được thành lập theo Quyết định số 2885/QĐ-UBND ngày 9-10-2006 của UBND tỉnh Lâm Đồng với 84 hội viên. Mục đích của hiệp hội là ổn định, phát triển ngành sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hoa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các thành viên hiệp hội, làm tốt nghĩa vụ với nhà nước, chia sẻ và hỗ trợ nhau trong hoạt động. Lĩnh vực hoạt động chủ yếu là sản xuất, kinh doanh sản phẩm hoa và các dịch vụ liên quan đến sản phẩm hoa, phối hợp nghiên cứu nhằm đa dạng hoá sản phẩm, ổn định sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ, thảo luận và hoạch định những vấn đề phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hoa. Hiệp hội có phạm vi hoạt động trên toàn địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
|
||
|
|
|
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH
PHỐ ĐÀ LẠT |