NỘI DUNG CHÍNH

Lời giới thiệu

PHẦN THỨ NHẤT : LƯỢC SỬ
TRUYỀN THỐNG ĐẤU TRANH

Chương I:  Lược sử hình thành và phát triển thành phố Đà Lạt

Chương II: Truyền thống đấu tranh cách mạng

PHẦN THỨ HAI : TỰ NHIÊN
VÀ DÂN CƯ

Chương I: Tự nhiên

Chương II: Dân cư

PHẦN THỨ BA : KINH TẾ

Chương I : Nông nghiệp – lâm nghiệp

Chương II :  Du lịch và dịch vụ

Chương III: Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp

Chương IV : Cơ sở hạ tầng kỹ thuật

PHẦN THỨ TƯ : VĂN HÓA XÃ HỘI

Chương I:   Văn học nghệ thuật, thiết chế văn hóa và báo chí

Chương II: Quy hoạch và kiến trúc

Chương III: Y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ

Chương IV: Tín ngưỡng và tôn giáo

TỔNG LUẬN

Niên biểu thành phố Đà Lạt

Danh sách Bà mẹ Việt Nam anh hùng thành phố Đà Lạt

Danh sách các đơn vị được tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”

Danh sách các Bí thư chi bộ, Thành uỷ Đà Lạt qua các thời kỳ

Danh sách các Thị trưởng Đà Lạt (1901-1975)

Danh sách các Chủ tịch Uỷ ban quân quản, Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Lạt

Alexandre Yersin

Về phong cách Đà Lạt

Người Cơ Ho ở Đà Lạt

Đường phố Đà Lạt

Danh mục các ngôi đình ở Đà Lạt

PHẦN THỨ BA

KINH TẾ

CHƯƠNG I:  NÔNG NGHIỆP – LÂM NGHIỆP

DU LỊCH

 

 

3.  THỜI KỲ 1954 - 1975

3.1      Giai đoạn 1954 - 1963

Từ năm 1954 đến năm 1963, chính quyền Ngô Đình Diệm có kế hoạch phát triển Đà Lạt khá quy mô, xây dựng các công trình văn hóa - nghệ thuật, chỉnh trang đô thị; các công trình công cộng tại Đà Lạt được quan tâm đáng kể. Đà Lạt được đầu tư phát triển thành nơi nghỉ mát, một trung tâm giáo dục lý tưởng từ bậc tiểu học, trung học đến đại học và các trường đào tạo của tôn giáo, tu viện của những dòng tu, một nơi huấn luyện quân sự, vùng sản xuất rau cải, hoa quả đặc sản cung cấp cho toàn khu vực.

Với chương trình đầu tư xây dựng phát triển Đà Lạt thành một trung tâm du lịch quốc tế, nhiều công trình cơ sở hạ tầng đô thị được chỉnh trang, nâng cấp.

Nha Quốc Gia Du lịch đã chọn năm 1961 là “Năm thăm viếng Đông Dương”, ngành du lịch Đà Lạt được chuẩn bị khá chu đáo để đón du khách, nhất là khách nước ngoài. Văn phòng của Nha Quốc gia Du lịch đặt tại số 12 đường Yersin (nay là Le Café de la Poste tại số 12 đường Trần Phú).

Trong thời gian này, Tòa Thị chính Đà Lạt đã xuất bản tập sách giới thiệu về Đà Lạt viết bằng tiếng Anh do Văn phòng của Nha Quốc gia Du lịch biên soạn - Dalat, an ideal vacation land of Vietnam (Đà Lạt, một vùng đất nghỉ mát lý tưởng của Việt Nam).

Đồng thời, để thu hút du khách đến Đà Lạt, trong những năm này người ta đã đầu tư phát triển cụm du lịch ở cửa ngõ vào thành phố tại chân đèo Prenn. Khu vực này được đầu tư, tôn tạo xây dựng thành một cụm cảnh quan gồm thác nước, thảo cầm viên với nhiều chuồng thú (voi, cọp, gấu, hươu, nai, khỉ, vượn,…)

Hoài Nam đã viết trong Sáng Dội Miền Nam giới thiệu “Đà Lạt, mùa du ngoạn”:

“Khi ngọn gió lạnh bắt đầu thổi về Đà Lạt, trời bắt đầu trong xanh với mây trắng như bông, lơ lửng trên đầu núi, thì mùa du ngoạn cũng bắt đầu.

Mặt hồ Xuân Hương phẳng lì như một tấm gương trong sẵn sàng chờ đón du khách trên những du thuyền và xe đạp nước. Xung quanh hồ, hoa lá rực rỡ và tươi thắm như nở theo gót chân của du khách.

Góc cạnh nào cũng đẹp. Dù lững thững trên đường vòng quanh hồ, dù ngồi trong nhà thuỷ tạ nhìn ra, hay dù đứng trên sân thượng của khách sạn, đứng trên đỉnh đồi … khách đưa mắt nhìn ra hồ, lúc nào cũng thấy nó duyên dáng và lộng lẫy.

Duyên dáng và lộng lẫy không những ở cảnh mà còn ở người nữa. Các du khách ngoại quốc hay trong nước tới đây đều ăn vận rất sang trọng trong những bộ áo ấm hàng mầu rực rỡ giữa hoa lá rực rỡ tưng bừng.

Ngày giờ nào Đà Lạt trong mùa du ngoạn cũng là Đại hội cả.

Trong khi ở các tỉnh miền xuôi cái nóng nung nấu con người như lò lửa, thì ở Đà Lạt có những ngọn gió mát rợi như làm nhẹ hẳn người lên. Cho nên du ngoạn Đà Lạt, ai cũng lên cân, ai cũng hớn hở. Trẻ thì tươi đẹp thêm lên. Già thì lấy lại được sinh khí hùng mạnh của thủa tráng niên. Các em nhỏ giữa cảnh trời cao gió mát như đàn chim non líu lo ca hát khúc thanh bình.

Trên những con đường uốn lượn theo triền núi, khi lên khi xuống, khi quanh trái khi quanh phải, du khách được ngắm nhìn những vườn rau, những biệt thự, những rừng cây với những hoa quả chĩu chịt trên cành. Du khách được thấy mình quả nhiên lộng lẫy thêm lên giữa cảnh vô cùng lộng lẫy của một Đà Lạt hoa viên, một tỉnh duy nhất trong nước đã biến danh đô miền núi thành trung tâm du lịch để thu hút người trên khắp thế giới về du ngoạn.”

Hãng Hàng không Việt Nam và COSARA (Công ty Tiếp phẩm Sài Gòn) đảm nhiệm việc chuyên chở hành khách từ Sài Gòn đến Đà Lạt và ngược lại. Những ngày trong tuần trung bình có hai chuyến bay mỗi ngày, một chuyến vào buổi sáng và một chuyến vào buổi chiều; riêng ngày thứ hai hàng tuần có 3 chuyến bay.

Hãng Hàng không Việt Nam tổ chức 3 tuyến du lịch đến:

- Thác Gougah, làng K’Long, nông trại Thanh Bình, thác Prenn và Thảo cầm viên.

- Trung tâm đô thị Đà Lạt, chùa Linh Sơn, Ký Nhi Viện, Viện Đại học Đà Lạt, Đồi Cù, hồ Xuân Hương, hồ Than Thở, Phòng Triển lãm Thủ công - Mỹ nghệ.

- Thác Cam Ly, lăng Nguyễn Hữu Hào, hồ Suối Vàng.

3.2      Giai đoạn 1964 - 1975

Dự án phát triển Đà Lạt trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng được tiến hành trong một thời gian ngắn thì bị gián đoạn vì Ngô Đình Diệm bị lật đổ vào ngày 1-11-1963.

Năm 1964, biệt thự của bà Trần Lệ Xuân – vợ của Ngô Đình Nhu ở số 2 đường Yết Kiêu trở thành một nơi tham quan cho nhân dân địa phương và du khách.

Từ năm 1964 đến năm 1975, Đà Lạt trở thành nơi nghỉ mát của một bộ phận sỹ quan, quan chức có thế lực của chính quyền Sài Gòn và giới thượng lưu cũng như một số người nước ngoài đến miền Nam công tác, du lịch  hoặc hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Từ năm 1965 cho đến trước khi Hiệp định Paris được ký kết (27-1-1973), chiến tranh ngày càng ác liệt, lượng du khách đến Đà Lạt cũng bị suy giảm đáng kể. Ngành du lịch địa phương không còn phát triển như thời gian trước đó, các thắng cảnh ở Đà Lạt nói riêng và trên cao nguyên Lang Biang nói chung ngày càng hoang tàn vì thiếu nguồn kinh phí và không có cơ quan chủ quản thật sự để đứng ra tổ chức đầu tư, tôn tạo, khai thác.

Du khách đến Đà Lạt hàng năm chủ yếu là người Việt, du khách là người nước ngoài chiếm một tỷ lệ còn khá khiêm tốn. Du khách nước ngoài đến Đà Lạt cao nhất vào năm 1973 đạt mức 15.844 người.

Trong thời gian này, tình hình chính trị ở miền Nam không ổn định, các thế lực chính trị liên tục lật đổ nhau. Dưới thời Nguyễn Văn Thiệu cầm quyền, chiến tranh càng diễn ra trên diện rộng; khi Mỹ đưa quân sang tham chiến tại miền Nam Việt Nam, chính quyền Sài Gòn chỉ định các chức vụ thị trưởng, tỉnh trưởng bằng những sỹ quan cấp tá thay cho những nhà cầm quyền dân sự nên họ chú tâm xây dựng các công trình phục vụ cho mục đích quân sự; việc phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật đô thị gần như bị ngưng trệ, các tuyến đường giao thông lên Đà Lạt không được an toàn nên lượng khách đến Đà Lạt giảm dần, các hoạt động du lịch không còn nhộn nhịp như trước đó.

Trước năm 1975, Đà Lạt có hơn 20 khách sạn và một trung tâm cộng đồng, phục vụ nhu cầu lưu trú của du khách từ tầng lớp sang trọng cho đến bình dân:

- Loại sang trọng gồm có các khách sạn: Dalat Palace, Duy Tân, Ngọc Lan.

- Loại trung bình gồm có các khách sạn: Đà Lạt (nguyên là Hôtel du Parc), Mộng Đẹp (Modern Hotel), Thuỷ Tiên, Anh Đào, Cẩm Đô, Thanh Thế, Mimosa, Lâm Sơn, Lê Nguyễn.

- Loại bình dân gồm có các cơ sở: Vinh Quang, Hòa Bình, Nam Việt, Phú Hòa, Lữ quán Sài Gòn, Tịnh Tâm, Cao Nguyên, Thanh Ngọc, Liên Hiệp, Tân Tiến, Tân Thanh.

- Trung tâm cộng đồng (Lữ quán Thanh niên và Lao động).

Ngoài các cơ sở trên, Trung tâm Giáo dục Hùng Vương, Trường Trung học Bồ Đề, chùa Linh Sơn và một vài cơ sở công cộng hoặc tư nhân cũng được phép đón khách du lịch, khách vãng lai khi các cơ  sở trên không đáp ứng đủ nhu cầu lưu trú của du khách trong những ngày cao điểm.

 

 

Về đầu trang

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT
NHÀ XUẤT BẢN TỔNG HỢP TP. HỒ CHÍ MINH
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Thiết kế trang web: Sở KH&CN Lâm Đồng