NỘI DUNG CHÍNH

Lời giới thiệu

PHẦN THỨ NHẤT : LƯỢC SỬ
TRUYỀN THỐNG ĐẤU TRANH

Chương I:  Lược sử hình thành và phát triển thành phố Đà Lạt

Chương II: Truyền thống đấu tranh cách mạng

PHẦN THỨ HAI : TỰ NHIÊN
VÀ DÂN CƯ

Chương I: Tự nhiên

Chương II: Dân cư

PHẦN THỨ BA : KINH TẾ

Chương I : Nông nghiệp – lâm nghiệp

Chương II :  Du lịch và dịch vụ

Chương III: Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp

Chương IV : Cơ sở hạ tầng kỹ thuật

PHẦN THỨ TƯ : VĂN HÓA XÃ HỘI

Chương I:   Văn học nghệ thuật, thiết chế văn hóa và báo chí

Chương II: Quy hoạch và kiến trúc

Chương III: Y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ

Chương IV: Tín ngưỡng và tôn giáo

TỔNG LUẬN

Niên biểu thành phố Đà Lạt

Danh sách Bà mẹ Việt Nam anh hùng thành phố Đà Lạt

Danh sách các đơn vị được tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”

Danh sách các Bí thư chi bộ, Thành uỷ Đà Lạt qua các thời kỳ

Danh sách các Thị trưởng Đà Lạt (1901-1975)

Danh sách các Chủ tịch Uỷ ban quân quản, Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Lạt

Alexandre Yersin

Về phong cách Đà Lạt

Người Cơ Ho ở Đà Lạt

Đường phố Đà Lạt

Danh mục các ngôi đình ở Đà Lạt

PHẦN THỨ BA

KINH TẾ

CHƯƠNG I:  NÔNG NGHIỆP – LÂM NGHIỆP

DU LỊCH

 

 

4.  THỜI KỲ 1975 ĐẾN NAY

4.1 Giai đoạn 1975 - 1985

Những năm đầu sau ngày miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, cũng như nhiều địa phương khác vừa thoát khỏi nhiều năm dài chiến tranh, nhiệm vụ hàng đầu là phải đáp ứng đủ nhu cầu về lương thực, thực phẩm của nhân dân. Do đó hoạt động du lịch nghỉ dưỡng của Đà Lạt cũng chịu chung hoàn cảnh khó khăn trong một thời gian. Khách du lịch, tham quan đến Đà Lạt trong giai đoạn này vắng vẻ, thỉnh thoảng mới có một vài đoàn khách ghé qua.

Công ty Du lịch tỉnh Lâm Đồng được thành lập năm 1976, sử dụng những cơ sở vật chất từ trước để lại, phục vụ khách du lịch tham quan theo chế độ nghỉ dưỡng của công đoàn. Khách nước ngoài đến Đà Lạt chủ yếu là các đoàn khách đến từ Liên Xô và các nước Đông Âu đi theo dạng ký kết hiệp định giữa Việt Nam và các nước bạn. Nguồn thu không đáng kể, các cơ sở kinh doanh du lịch không được đầu tư nâng cấp, ít chú trọng đến việc nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công nhân viên và cũng không chú trọng đến việc tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến du lịch.

Tình hình du lịch thành phố Đà Lạt có thay đổi nhất định vào những năm đầu thập niên 1980, hình thức du lịch tham quan nghỉ dưỡng do công đoàn của các cơ quan hành chính sự nghiệp hay các đơn vị sản xuất kinh doanh đến Đà Lạt ngày càng nhiều làm cho ngành du lịch Đà Lạt bắt đầu khởi sắc. Đối tượng du khách đến Đà Lạt trong thời kỳ này chủ yếu là cán bộ, công nhân viên chức Nhà nước được đi nghỉ dưỡng hằng năm.

Bên cạnh đó, chính quyền cũng tiến hành xây dựng, tôn tạo một số công trình ngoài mục đích phục vụ sản xuất còn có giá trị về mặt tạo ra cảnh quan phục vụ cho mục tiêu  phát triển du lịch nghỉ dưỡng của Đà Lạt: sửa chữa đập 3 Đa Thiện, đắp đập tạo hồ Chiến Thắng, xây dựng Nghĩa trang Liệt sỹ thành phố Đà Lạt, khánh thành nhà máy nước Suối Vàng, xây dựng công trình thuỷ lợi hồ Tuyền Lâm,…

4.2 Giai đoạn 1986 - 1994

Thực hiện chính sách đổi mới của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, từ năm 1986 cả nước đã có những bước thay đổi nhận thức về phát triển kinh tế, xã hội trong tình hình mới. Đà Lạt bắt đầu một quá trình phát triển kinh tế nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó hoạt động dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng từng bước được các cấp, các ngành quan tâm. Trên lĩnh vực phát triển du lịch trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội chung và góp phần thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có Chỉ thị số 46/CT-TW ngày 14-10-1994 về lãnh đạo, đổi mới và phát triển du lịch trong tình hình mới và các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ VI đã xác định “Đẩy nhanh tốc độ phát triển du lịch và dịch vụ, trong đó tập trung đầu tư xây dựng ngành du lịch trở thành ngành kinh tế động lực…”, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ VII nêu rõ“Du lịch và dịch vụ là kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế thành phố Đà Lạt”.

Từ một thành phố vắng khách trong giai đoạn trước đó, Đà Lạt đã trở nên sinh động nhộn nhịp, đón nhiều lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng và du lịch từ Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Nam Bộ, các tỉnh duyên hải miền Trung và một lượng không nhiều khách nước ngoài. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những năm bao cấp trước đây nên cơ sở hạ tầng đô thị cũng như sản phẩm dịch vụ du lịch của Đà Lạt trong giai đoạn này vẫn còn quá ít, không đáp ứng nhu cầu của du khách. Mặt khác, lượng khách chủ yếu là người trong nước, thường tập trung đến Đà Lạt vào những ngày lễ, tết hoặc kỳ nghỉ hè cũng làm cho nhu cầu về chỗ ở không đủ đáp ứng. Tồn tại này dẫn đến tình trạng nhà nhà – người người Đà Lạt làm du lịch (kể cả một số cơ quan thuộc hệ thống chính trị cũng đưa vào làm dịch vụ lưu trú), đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động dịch vụ và môi trường du lịch của Đà Lạt. Mức tiêu dùng của lượng du khách thường ở mức từ bình dân đến trung bình, nên doanh thu từ hoạt động dịch vụ du lịch không lớn đã ảnh hưởng nhất định đến việc đầu tư tôn tạo cảnh quan môi trường, nâng cấp cơ sở vật chất hoặc đổi mới sản phẩm du lịch của địa phương.

4.3 Giai đoạn từ 1994 đến nay

Năm 1994, Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể xây dựng thành phố Đà Lạt và xác định Đà Lạt là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng của cả nước và quốc tế. Năm 1995, Thủ tướng chính phủ ban hành Quyết định số 307/TTg về việc phê duyệt phát triển tổng thể du lịch Việt Nam thời kỳ 1995-2000, chia không gian lãnh thổ du lịch của cả nước thành ba vùng, Lâm Đồng thuộc vùng du lịch Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Đồng thời, Dự án VIE/89/003 của Tổ chức du lịch thế giới về “Kế hoạch chỉ đạo phát triển du lịch Việt Nam 1991-2005” đã xác định Đà Lạt là hạt nhân thuộc một trong bốn vùng du lịch của cả nước.

Năm 1996, chương trình quy hoạch du lịch Lâm Đồng được xây dựng và phê duyệt, trong đó không chỉ phát triển du lịch ở Đà Lạt mà còn phát triển du lịch ở các huyện thị và chia không gian du lịch tỉnh Lâm Đồng thành ba cụm: cụm du lịch Đà Lạt và vùng phụ cận, cụm du lịch Bảo Lộc và cụm du lịch Cát Tiên với những loại hình du lịch được xác định gồm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, tham quan, thể thao, vui chơi giải trí, hội nghị, hội thảo,…

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ VI (1996- 2000) xác định “Du lịch là nền kinh tế quan trọng của tỉnh, cần phải đầu tư phát triển để nhanh chóng đưa ngành này trở thành ngành kinh tế động lực.” Từ đó cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cơ sở hạ tầng du lịch được đầu tư nâng cấp, việc xây dựng được quản lý chặt chẽ hơn, các thắng cảnh được tôn tạo, bộ mặt thành phố trở nên khang trang hơn, du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng đã có bước chuyển mình. Tuy nhiên, quá trình phát triển của du lịch Lâm Đồng nói chung và Đà Lạt nói riêng trong giai đoạn này vẫn còn nhiều điều bất cập, chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế vốn có của mình; đầu tư phát triển và hiệu quả hoạt động trên lĩnh vực này còn khá khiêm tốn so với tiềm năng, chưa thật sự trở thành ngành kinh tế động lực của địa phương.

Cũng vào năm 1996, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lâm Đồng đến năm 2010. Trên cơ sở đó, các cấp, các ngành đã phối hợp công tác chỉ đạo, điều hành và triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nhằm mục tiêu bảo vệ, tôn tạo và phát triển các thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa; nâng cấp cơ sở hạ tầng đô thị (giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc…); có những cơ chế phù hợp để kêu gọi đầu tư phát triển các dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng (nhà nghỉ, khách sạn, ăn uống, các dịch vụ khác).

Tính đến tháng 7-1996, trên toàn địa bàn có 19.646 hộ làm dịch vụ ăn uống, khách sạn – nhà nghỉ, các loại dịch vụ khác (sửa chữa xe máy, nghề mộc, thợ xây dựng, làm cửa sắt, trang trí,…) và sản xuất rau hoa. Trong đó, trên lĩnh vực hoạt động dịch vụ có 10.825 hộ, chiếm 55,1%.

Nhằm từng bước chấn chỉnh và không ngừng nâng cao chất lượng du lịch dịch vụ ở địa phương, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành nhiều văn bản pháp quy có tính chiến lược, như vào cuối năm 1998 đã có Quyết định số 10/QĐ-UB về việc phân hạng cơ sở lưu trú hay Chỉ thị số 16/2000/CT-UB về việc tăng cường giữ gìn trật tự, trị an và vệ sinh môi trường ở các điểm tham quan du lịch. Nhìn chung, hoạt động du lịch dịch vụ của Đà Lạt trong thời gian này đã có những chuyển biến tích cực, các cơ sở đã có nhiều cố gắng đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị nên chất lượng dịch vụ của các cơ sở cũng được nâng cao hơn thời gian trước đây khá rõ rệt.

Trong giai đoạn này, các ngành đã phối hợp tiến hành khảo sát, lập bản đồ xác định ranh giới các thắng cảnh, di tích văn hóa lịch sử trên địa bàn thành phố và được UBND tỉnh ra quyết định cắm mốc địa giới, giao cho các nhà đầu tư hoặc địa phương trực tiếp quản lý và khai thác kinh doanh. Đến năm 2001, đã hoàn thành việc thiết lập hồ sơ 28 điểm thắng cảnh và xác định địa giới để cắm mốc giao cho chủ đầu tư 21 điểm trên địa bàn thành phố Đà Lạt, đồng thời lập thủ tục trình Bộ Văn hóa xem xét quyết định xếp hạng 9 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Để phát triển du lịch Đà Lạt có hiệu quả so với tiềm năng và phát triển bền vững, các cấp có thẩm quyền đã tiến hành nghiên cứu quy hoạch chi tiết các khu du lịch và triển khai xây dựng các dự án đầu tư phát triển tiền khả thi. Đến cuối năm 2000, các dự án đầu tư nước ngoài đã được phê duyệt trên địa bàn đạt tổng số vốn 770 triệu USD và đã triển khai thực hiện được 52 triệu USD (đạt 7% tổng mức vốn các dự án được phê duyệt). Về các dự án đầu tư vốn trong nước, đến năm 2000 UBND tỉnh và các bộ, ngành Trung ương đã phê duyệt được 10 dự án với tổng mức vốn đầu tư là 128.288 triệu đồng và đến đầu năm 2001 đã triển khai thực hiện được 22.678 triệu đồng (đạt 17,6% tổng mức vốn đầu tư được phê duyệt).

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Đà Lạt có nhiều thành phần kinh tế tham gia hoạt động kinh doanh lưu trú. Tính đến đầu năm 2001, Đà Lạt có 369 khách sạn (gồm 4.334 phòng với 8.259 giường và có sức chứa 15.821 khách ngày-đêm), trong đó khách sạn đạt chuẩn từ 1 đến 5 sao có 20 cơ sở, đạt loại A là 57 cơ sở, loại B là 68 cơ sở và loại C là 224 cơ sở.

Ngoài ra còn có 1.057 cơ sở nhà trọ sinh viên, học sinh và nhà trọ cho thuê tháng gồm 6.104 phòng với 7.119 giường và sức chứa 13.483 người.

Ngoài ra, trên địa bàn Đà Lạt còn có một số cơ sở làm dịch vụ lưu trú (các nhà nghỉ của các cơ quan, ngành) do các địa phương khác hay các ngành sở hữu xây dựng tại thành phố này: Khách sạn Dầu khí Vietsovpetro (đường Hùng Vương), Nhà nghỉ Cảng Sài Gòn (đường Huỳnh Thúc Kháng), Đoàn An dưỡng 198 của quân đội (đường Lữ Gia), Khách sạn Công Đoàn (đường Yersin), Nhà nghỉ Minh Tâm của Bộ Công an (đường Khe Sanh),…


 

Về công suất sử dụng buồng phòng của các khách sạn nhà nghỉ tại Đà Lạt chỉ đạt bình quân 30 – 35% công suất thiết kế và thường phân bố không đều trong năm, chủ yếu chỉ tập trung vào những ngày lễ, tết hoặc kỳ nghỉ hè hàng năm. Lượng khách du lịch đến Đà Lạt hàng năm ngày càng tăng.

 SỐ LƯỢNG DU KHÁCH
 (2000 - 2005)


Đơn vị tính: lượt người

Năm

2000

2001

2002

2003

2004

2005

Tổng số

710.000

803.000

905.000

1.150.000

1.350.000

1.560.000

Khách quốc tế

69.580

78.000

85.000

65.000

86.000

100.657

Trong thời kỳ đổi mới, chất lượng dịch vụ lưu trú trên địa bàn cũng biến thiên theo thành phần kinh tế, ngoại trừ một vài khách sạn liên doanh hoặc có vốn đầu tư nước ngoài hầu hết khách sạn thuộc thành phần kinh tế nhà nước quản lý ngày càng bị thu hẹp vì nhiều nguyên nhân; tuy nhiên nguyên nhân đầu tiên vẫn là yếu tố con người (lãnh đạo, điều hành, nhân viên tiếp tân, dịch vụ và hoạt động tiếp thị không hiệu quả) và cơ chế quản lý tài chính. Bên cạnh đó, thành phần kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế khác hoạt động có hiệu quả hơn thông qua việc đầu tư tiền vốn để nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị nội thất, tăng cường chất lượng phục vụ và nhất là hoạt động của các thành phần này rất năng động.

Nhìn chung, dịch vụ tại các khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng phong phú của du khách và hầu hết các cơ sở này đều thiếu tổ chức các dịch vụ hỗ trợ (nhà hàng, phòng xông hơi, massage, vũ trường, karaoke,…); mặt khác nếu các cơ sở có tổ chức dịch vụ hỗ trợ thì quá tẻ nhạt, đơn điệu, trùng lắp và chất lượng không cao, chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của du khách.

Phần lớn các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú trên địa bàn Đà Lạt hiện nay thuộc các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, quy mô của từng cơ sở thuộc dạng vừa và nhỏ từ 5 đến 20 phòng/cơ sở và số khách sạn có quy mô từ 20 – 50 phòng chỉ chiếm chưa tới 40%, chủ yếu tập trung ở khu vực phường 1, phường 2 và một số ít rải rác ở các phường lân cận; số khách sạn có quy mô 50 phòng trở lên mới chỉ có vài cơ sở.

Trong giai đoạn này, hầu hết các cơ sở làm dịch vụ lưu trú trên địa bàn không phân biệt quy mô đều có chuyển biến nhận thức về phong cách quản lý và mở thêm nhiều dịch vụ tại các khách sạn hay nhà nghỉ nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách. Đà Lạt đã có 30 khách sạn có nhà hàng ăn uống tại chỗ, có dịch vụ vũ trường (6 sơ sở), dịch vụ xông hơi massage (5 cơ sở), dịch vụ karaoke (17 cơ sở), 8 khách sạn mở quày bán hàng lưu niệm để phục vụ nhu cầu của du khách.

Thực hiện Luật hợp tác xã mới, nhằm tăng cường hiệu quả kinh doanh cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ đối với hoạt động dịch vụ khách sạn - nhà nghỉ trên địa bàn thành phố, tháng 9 năm 1999 UBND thành phố Đà Lạt đã ra quyết định thành lập được 3 hợp tác xã dịch vụ du lịch với số vốn hàng chục tỷ đồng và hơn 140 xã viên gồm Hợp tác xã Đồng Tâm với 76 xã viên, Hợp tác xã Thắng Lợi với 38 xã viên và Hợp tác xã Nam Kỳ với hơn 30 xã viên. Các hợp tác xã này chủ yếu ở khu vực trung tâm thành phố (phường 1 và phường 2), hoạt động theo phương thức tự nguyện, Ban quản trị hầu hết là những cán bộ đã nghỉ hưu và có nhiều kinh nghiệm trên lĩnh vực hoạt động dịch vụ, cho nên từ khi thành lập đến nay hiệu quả kinh doanh của các hợp tác xã này không ngừng gia tăng, góp phần nhất định vào nền kinh tế dịch vụ của địa phương.

4.3.1 Dịch vụ vận chuyển du lịch

Trong thời kỳ đổi mới, vận hành kinh tế theo cơ chế thị trường nhiều thành phần dưới sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, hệ thống dịch vụ vận chuyển chuyên phục vụ cho du lịch của Đà Lạt được các thành phần kinh tế tham gia với chất lượng ngày càng tăng.

-   Dịch vụ vận chuyển đường dài có các đơn vị: Công ty Dịch vụ Du lịch Đà Lạt (DALATTOSERCO), Công ty TNHH Xuân Hương, Thành Bưởi, Phương Trang,…

-   Các công ty DALATTOSERCO, Thắng Lợi, Mai Linh, Phương Trang, Hoàng Anh Gia Lai,… hoạt động vận chuyển du khách bằng xe taxi.

-   Có khoảng 10 điểm cho thuê xe đạp đôi, xe đạp địa hình hoặc xe gắn máy phục vụ nhu cầu của du khách muốn tự mình đi lại tham quan.

-   Dịch vụ vận chuyển bằng thuyền ở các khu du lịch có diện tích mặt nước lớn (hồ Xuân Hương, hồ Tuyền Lâm, Thung lũng Tình Yêu).

-   Dịch vụ vận chuyển bằng đường sắt trên tuyến Đà Lạt – Trại Mát (dài 6,55 km), đưa du khách ngắm cảnh và hoạt động canh tác rau hoa của cư dân sinh sống dọc hai bên đường. Đối tượng của tour này là du khách đến Đà Lạt từ đồng bằng sông Cửu Long và người nước ngoài đến tham quan nhà ga, chùa Linh Phước.

-   Ngoài dịch vụ vận chuyển kể trên, ở Đà Lạt còn có khoảng 200 xe vận chuyển hành khách, trong số này có xe vừa vận chuyển khách đường dài (thường xuyên) vừa tham gia dịch vụ vận chuyển các tuyến (tour) du lịch khi du khách có yêu cầu (không thường xuyên).

4.3.2 Công ty du lịch lữ hành

Một số công ty du lịch lữ hành, phần lớn tập trung tại đường Trương Công Định, chuyên phục vụ du khách, nhất là du khách nước ngoài, tổ chức các tour tham quan thắng cảnh, công trình kiến trúc, làng đồng bào dân tộc thiểu số, trang trại, Vườn quốc gia Cát Tiên, thể thao mạo hiểm, leo núi Lang Biang, leo vách đá bằng dây, cưỡi voi, chèo thuyền, câu cá, bơi lội, đi xe đạp, xe mô tô, xe Vespa cổ, xe lửa, cáp treo, huấn luyện tinh thần đồng đội,... Các công ty còn tổ chức các tour đến hồ Lak, thác Gia Long, Draysap, Vườn quốc gia Yak Don, Buôn Ma Thuột, Pleiku, Kontum, Quảng Ngãi, Hội An, Huế, Hà Nội, Ninh Chữ, vịnh Cam Ranh, Nha Trang, Mũi Né, đồng bằng sông Cửu Long, địa đạo Củ Chi, Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh,...

4.3.3 Các điểm du lịch

Do  kiến  tạo  địa chất, khí hậu miền núi

cao và công sức của con người, Đà Lạt có nhiều thắng cảnh (núi, rừng, hồ, thác, thung lũng, vườn hoa,…) hấp dẫn du khách muôn phương. Các thắng cảnh : hồ Than Thở, hồ Tuyền Lâm, Thung lũng Tình yêu, thác Cam Ly, thác Datanla, thác Prenn đã được Bộ Văn hoá – Thông tin công nhận là di tích lịch sử–văn hoá ngày 31-8-1998.

Hồ Xuân Hương

Hồ Xuân Hương rộng 33ha, có độ sâu trung bình 1,5m, nằm trên độ cao 1478m, là trái tim của thành phố Đà Lạt.

Vào mùa nắng, mặt hồ Xuân Hương trong xanh, phẳng lặng, nhưng vào mùa mưa, thỉnh thoảng nước đỏ ngầu do phù sa các dòng suối chảy về.

Trên mặt hồ đã tổ chức đua thuyền buồm, thuyền độc mộc, canô, lướt ván, biểu diễn máy bay điều khiển từ xa, bắn pháo hoa,…

Các con đường chạy quanh hồ Xuân Hương (Nguyễn Thái Học, Bà Huyện Thanh Quan, Yersin, Trần Quốc Toản, Lê Đại Hành) dài 5,1km, tương đối bằng phẳng, là nơi vẫn diễn ra một chặng đua xe đạp của cúp truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh trước ngày 30-4.


 

Chung quanh hồ Xuân Hương có nhà Thuỷ Tạ, khách sạn Sofitel Dalat Palace, công viên Xuân Hương, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch, nhà hàng Thanh Thuỷ, đài phun nước, khách sạn Empress, khách sạn Hương Trà, Toà Giám mục giáo phận Đà Lạt, khu vui chơi giải trí Đà Lạt, đồi Cù, vườn hoa thành phố, chùa Quan Thế Âm, khách sạn Du lịch Công đoàn, công viên Yersin, quảng trường (sân vận động), Trung tâm Văn hoá Lâm Đồng.

Hồ Xuân Hương có nhiều điểm, góc chụp hình rất đẹp, là nguồn cảm hứng để sáng tạo của nhiều thế hệ văn nghệ sỹ.

Ngày 6-11-1988, Bộ Văn hóa - Thông Tin đã ra Quyết định công nhận hồ Xuân Hương là Di tích lịch sử - văn hoá. Đây là thắng cảnh đầu tiên ở Lâm Đồng được Nhà nước xếp hạng thắng cảnh quốc gia.

Trung tâm vui chơi giải trí Đà Lạt rộng 7.500m2 là đơn vị hợp tác kinh doanh giữa Công ty Quản lý Công trình Đô thị Đà Lạt và TOA Economic - Lab Co. LTD Kyoto Nhật Bản được thành lập ngày 24-3-1998 với chức năng: tổ chức các loại hình vui chơi, giải trí, văn hoá - thể thao - du lịch.

Trung tâm khai trương ngày 16-2-1999 với nhiều trò chơi dành cho thiếu nhi.

Ngoài khu vui chơi giải trí Đà Lạt ở đường Nguyễn Thái Học, Trung tâm còn có Câu lạc bộ bơi thuyền thành lập năm 2001 cho thuê xe đạp nước, canô,...

 Đồi Cù gồm 3 ngọn đồi mấp mô rộng 65ha nằm giữa các đường Đinh Tiên Hoàng, Bà Huyện Thanh Quan, Trần Nhân Tông, dành cho môn thể thao thời thượng: đánh cù (golf).

Sân cù được thành lập vào năm 1922 với 9 lỗ. Năm 1992, sân cù được tôn tạo với 18 lỗ được khánh thành vào tháng 11-1993.

 

Vườn hoa thành phố Đà Lạt nằm ở phía đông bắc hồ Xuân Hương.

 

 

Vườn hoa được khởi công xây dựng ngày 21-6-1973 và phát triển từ năm 1985, rộng 11ha do Công ty Công viên hoa và cây xanh thành phố Đà Lạt quản lý. Đây là nơi hội tụ nhiều loài hoa đẹp của phương Đông và phương Tây.

Hồ Than Thở

Từ xa xưa, vùng hồ Than Thở ngày nay là một vùng đầm lầy. Vào năm 1937, người Pháp đắp đập ngăn dòng suối Cam Ly, xây dựng hồ chứa nước rộng 8,5ha cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố Đà Lạt.

 

Thuở ban đầu, nhận thấy vùng này rất hoang vu, chỉ nghe tiếng gió rì rào qua kẽ lá tạo thành một khúc nhạc buồn, người Pháp mới đặt tên là Lac des Soupirs.

Soupir có nghĩa là tiếng gió thổi trong rừng (les soupirs du vent dans les bois) nhưng cũng có nghĩa là sự than thở. Vì khó dịch theo nghĩa thứ nhất, người ta đã dịch theo nghĩa thứ hai, do đó hồ mang tên hồ Than Thở.

Sau một thời kỳ khu rừng thông quanh hồ bị đào bới để khai thác thiếc, năm 1995, hồ Than Thở được giao cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Thuỳ Dương quản lý, đầu tư, khai thác, kinh doanh du lịch. Công ty đã tôn tạo khu vực hồ Than Thở thành một công viên giải trí với đồi thông tuyệt đẹp, bồn hoa, thảm cỏ chăm sóc công phu. Năm 2003, Công ty cho dời những hàng quán sát bên lề đường Hồ Xuân Hương đến một địa điểm mới trên đồi thông, khang trang, rộng rãi hơn.

Hồ Tuyền Lâm

Khu vực hồ Tuyền Lâm cách trung tâm thành phố Đà Lạt 6km về phía nam, có khí hậu trong lành, không gian yên tĩnh, cảnh quan tự nhiên (rừng, núi, hồ, suối, thác,…) đa dạng, quyến rũ và có nhiều yếu tố nhân văn hấp dẫn.

Năm 1930, ông Farraut – một người Pháp sinh sống lâu năm ở Đà Lạt – đã thuê gần 3.000ha đất (khu vực hồ Tuyền Lâm bây giờ) làm nông trại, chủ yếu nuôi heo, gà, sau đó nuôi cừu, bò.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược, khu vực suối Tía và núi Voi là căn cứ quan trọng nhất của phong trào cách mạng thành phố Đà Lạt, thường gọi là chiến khu suối Tía hay chiến khu Quang Trung.

Từ năm 1982 đến năm 1987, Ty Thuỷ lợi Lâm Đồng, được Bộ Thuỷ lợi đầu tư, đã xây dựng một đập nước dài 235m chắn ngang suối Tía (Da Trea) tạo thành hồ Quang Trung, về sau đổi tên là hồ Tuyền Lâm (tuyền: suối, lâm: rừng).

Hồ Tuyền Lâm có diện tích 296ha, độ sâu có nơi trên 30m. Nước hồ chảy qua một đập tràn 6 bậc và cung cấp nước tưới cho vùng đất dưới chân đèo Prenn (huyện Đức Trọng) vào mùa khô.

Sau khi vãn cảnh Thiền viện Trúc Lâm, du khách có thể mua vé du thuyền đi trên hồ và tham quan các điểm du lịch nằm phía cuối hồ như khu du lịch Đá Tiên, khu du lịch dã ngoại Nam Qua,…

Khu du lịch Nam Qua có những nhà hàng, kiốt lợp tranh phục vụ du khách nghỉ ngơi, ăn uống trên chặng đường du lịch quanh hồ Tuyền Lâm.

Khu du lịch Đá Tiên - Núi Voi do Công ty Du lịch dã ngoại Phương Nam tổ chức là một khu du lịch dã ngoại liên hợp: du khách bơi thuyền, câu cá, cưỡi voi, đi săn, leo núi, nghỉ ngơi trong nhà sàn, đốt lửa trại, xem trình diễn văn nghệ của đồng bào dân tộc bản địa,…

Khu du lịch dã ngoại Đá Tiên có một nhà sàn dài, một số nhà sàn nhỏ lợp tranh, nhiều tảng đá lớn, trong đó có một tảng đá mang hình dáng ông tiên.

 

Từ bến thuyền gần đập hồ Tuyền Lâm đến Đá Tiên, thuyền đi mất khoảng 15 phút, các điểm du lịch phía cuối hồ mất khoảng 25 phút.

Thác Cam Ly

Thác Cam Ly chỉ cách khu Hoà Bình khoảng 2km về phía tây, ven đường Hoàng Văn Thụ. Đây là thác nước gần trung tâm thành phố Đà Lạt nhất.

Khu du lịch thác Cam Ly gồm 3 khu vực: thác Cam Ly, đài tưởng niệm, lăng Nguyễn Hữu Hào.

 Thác Cam Ly chảy nhẹ nhàng, êm ái qua các ghềnh đá hoa cương. Một chiếc cầu bắc ngang dòng suối để du khách đi từ bên này sang bên kia suối, chiêm ngưỡng hết vẻ đẹp của dòng thác và khung cảnh xung quanh.

Đài tưởng niệm được xây dựng vào năm 2003 trên triền đồi thông gần thác Cam Ly để tưởng niệm 19 tù nhân đã bị thực dân Pháp xử bắn vào lúc 20 giờ ngày 11-5-1951.

Lăng Nguyễn Hữu Hào (nhạc phụ vua Bảo Đại) được xây dựng vào năm 1939 theo những quy chuẩn mang đậm nét văn hoá phương Đông.

Thác Hang Cọp

Thác Hang Cọp toạ lạc tại thôn Tuý Sơn, xã Xuân Thọ, thành phố Đà Lạt.

Trên quốc lộ 20, qua khỏi Trại Mát, đến cây số 13, rẽ trái, xe chạy tiếp trên một con đường dốc quanh co dài 2,7km giữa rừng thông bạt ngàn sẽ đến thác Hang Cọp.

 Gần hang cọp, một chiếc cầu treo đong đưa bắc ngang dòng suối đưa du khách đến một đồi thông. Nếu leo ngược lên đồi thông, du khách sẽ gặp một con đường rừng dẫn đến buôn làng của đồng bào dân tộc thiểu số cách thác khoảng 8km.

Từ vườn hoa, du khách đi xuống vực sâu trên một con đường dốc với gần 150 bậc cấp bằng xi măng. Đến chân thác, hơi nước toả mù như sương, khí đá ẩm ướt bốc ra lạnh ngắt. Trước mắt du khách là thác nước cao khoảng 25m, rộng hơn 10m. Dòng nước trắng xoá từ trên cao đổ xuống một hố sâu rồi theo dòng suối, lách qua những tảng đá lớn rồi chảy trong khu rừng nguyên sinh rậm rạp.

Cảnh vật quanh thác còn hoang dã, môi trường trong lành, phù hợp với du khách ưa thích loại hình du lịch sinh thái.

Thác Datanla

Khu du lịch thác Datanla rộng 312ha nằm ven quốc lộ 20 gần đèo Prenn, cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 5km về phía nam và thuộc phường 3.

Dòng suối Datanla từ hồ Tuyền Lâm chảy ngoằn ngoèo giữa những cánh rừng thông, rừng nguyên sinh rậm rạp, dây leo chằng chịt,… rồi đổ xuống thác.

Nằm trong khu rừng dự trữ nên thác Datanla còn mang vẻ đẹp hoang dã. Nước đổ mạnh trên những tảng đá nhiều tầng chồng chất giữa hai triền dốc tạo thành nhiều thác liên tiếp. Một chiếc cầu xi măng cốt thép dáng hình cầu vòng nối liền hai bờ suối.

Muốn xuống tham quan thác, du khách có thể đi bộ hay sử dụng hệ thống xe trượt ống.

Du khách đi bộ theo một trong hai con đường dốc quanh co với trên 200 bậc cấp trong khoảng 15 phút.

Hệ thống xe trượt ống (máng trượt) do hãng Wiegand (Cộng hoà Liên bang Đức) sản xuất theo công nghệ hiện đại của châu Âu và khánh thành ngày 25-5-2006. Đây là một hệ thống khép kín gồm 2 tuyến: tuyến trượt (tuyến xuống) và tuyến kéo (tuyến lên). Hệ thống gồm 48 xe trượt đôi với công suất tối đa 700 người/giờ. Mỗi xe có hệ thống thắng tay giúp du khách chủ động điều khiển tốc độ tuỳ theo ý muốn. Trên tuyến xuống dài hơn 800m, xe nghiêng gần 40o tại các đoạn lượn quanh. Hai bên tuyến xuống và lên đều có hành lang bảo vệ và lưới an toàn. Với tốc độ xe trượt 40km/giờ, du khách chỉ mất khoảng 2 phút là đến chân thác, vừa tiết kiệm được thời gian, vừa có cảm giác mạo hiểm hào hứng. Trên tuyến lên theo đường thẳng đứng dài 200m, xe trượt kẹp chặt vào dây cáp và di chuyển nhờ dây cáp chuyển động.

Hệ thống thác Datanla ngoài thác chính dành cho khách tham quan còn có nhiều thác khác rất hùng vĩ nhưng đường rất khó đi. Khu du lịch Datanla hợp tác với Công ty trách nhiệm hữu hạn Hồng Bàng, Mai Linh tổ chức các trò chơi mạo hiểm dành cho du khách thích phiêu lưu, leo vách đá, băng rừng, đi theo dòng suối Datanla đến cầu Prenn.

Thác Prenn

Khu du lịch thác Prenn nằm sát ngay bên cạnh quốc lộ 20, dưới chân đèo Prenn, gần cửa ngõ vào thành phố Đà Lạt, cách trung tâm thành phố Đà Lạt 10km về hướng nam.

Ngày xưa, phía trên thác Prenn có buôn Prền nên thác mang tên gọi phổ biến là Prenn. Người Lạch gọi thác Prenn là Liang Tarding.

Đường xuống thác quanh co tựa sát sườn núi rợp bóng cây.

Thác Prenn cao 9m, rộng 20m, nằm trên dòng suối Prenn (Da Prenn). Từ trên cao, nước đổ qua một vòm đá huyền vũ (bazan), rơi xuống trải đều như một bức rèm trắng xoá.

Du khách đến tham quan thác Prenn thích thú đi qua chiếc cầu nhỏ bắc phía sau thác, để mặc cho bụi nước tung toé bám vào người, mang lại một cảm giác sảng khoái đặc biệt - cảm giác của con người hoà mình với thiên nhiên.

Trong những năm 1960, thác Prenn có một vườn thú nhỏ.

Hiện nay, Khu du lịch thác Prenn rộng 160ha, trong đó rừng thông và rừng nguyên sinh chiếm 90% diện tích, đã được Công ty cổ phần dịch vụ du lịch Đà Lạt tôn tạo, xây dựng cáp treo tự hành xuyên thác, cầu mây treo qua suối, nhà sàn, chòi trên ngọn cây, phòng tranh thêu lụa, quầy hàng lưu niệm, tổ chức biểu diễn nhạc dân tộc Tây Nguyên, bơi thuyền thể thao, các trò chơi dân tộc,…

Ở phía đông thác Prenn có quần thể đền thờ Âu Lạc thờ vọng các vua Hùng toạ lạc trên một ngọn đồi có thế “voi phục, hổ quỳ”.

Đền thờ được khánh thành ngày 10 tháng 3 năm Giáp Thân (2004) gồm có: đền Hạ, đền Trung và đền Thượng phỏng theo các ngôi đền thờ các vua Hùng ở Phú Thọ.

Thung lũng Tình Yêu

Nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt chừng 6km về hướng đông bắc, chìm sâu bên những sườn đồi với rừng thông quanh năm xanh biếc, Thung lũng Tình Yêu là một trong những thắng cảnh thơ mộng và trữ tình của thành phố du lịch Đà Lạt.

Năm 1972, một đập ngăn nước được xây dựng, chắn ngang dòng suối trong thung lũng tạo ra một hồ nước rộng 13ha để chứa nước phục vụ sản xuất cho vùng Đa Thiện và tạo nên một thắng cảnh thơ mộng với mặt hồ phẳng lặng giữa những đồi thông trùng điệp, hấp dẫn du khách gần xa, nhất là những lứa đôi ở khắp mọi miền đất nước.

Đập nước này thường gọi là Đập III Đa Thiện vì gắn liền với hồ Đa Thiện số 3. Trước đó, tại ấp Đa Thiện, gần đường Nguyên Tử Lực, đã xây dựng 2 đập nước khác (Đập I và Đập II Đa Thiện) nhỏ hơn dùng cho trồng rau .

Khu vực chung quanh hồ rộng 229ha thuộc Khu du lịch Thung lũng Tình Yêu.

Từ năm 1985, Thung lũng Tình Yêu được Công ty Dịch vụ Du lịch Thanh niên Đà Lạt quản lý và kinh doanh du lịch. Bằng sự nỗ lực của thế hệ trẻ, thắng cảnh Thung lũng Tình yêu từng bước được tôn tạo, nâng cấp nhưng vẫn giữ được nét nguyên sơ của mình. Công ty tổ chức những dịch vụ phục vụ cho du khách tham quan, vui chơi giải trí như cưỡi ngựa, đi dạo vòng hồ Đa Thiện (5km), đi canô trên hồ Đa Thiện, trò chơi trẻ em, picnic, cắm trại, đốt lửa trại, sinh hoạt dã ngoại, chụp hình, quay phim, mua sắm hàng lưu niệm,…

Khu du lịch cáp treo Đà Lạt

Khu du lịch cáp treo Đà Lạt nằm ở cuối đường Đống Đa, gần Bến xe Liên tỉnh, đầu đèo Prenn, trên ngọn đồi Robin. Trước năm 1975, đồi này là trận địa pháo Tân Lạc.

Mùa xuân Quý Mùi (2003), hệ thống cáp treo Xuân Hương được khánh thành. Nhà ga cáp treo có một nhà hàng rộng lớn với 800 chỗ ngồi thường tổ chức các tiệc cưới. Đây cũng là tiệm cà phê có vị trí đẹp nhất Đà Lạt. Từ nhà ga, du khách nhìn thấy toàn cảnh nội thành Đà Lạt, dãy núi Lang Biang, đồi Cù, hồ Xuân Hương, đèo Prenn, đường Mimosa, núi Voi và những dãy núi của hai huyện Đơn Dương và Đức Trọng. Du khách có thể thuê kính vọng cảnh với ống kính thu ngắn khoảng cách 40 lần để chiêm ngưỡng thiên nhiên xinh tươi và các công trình kiến trúc của thành phố trên cao nguyên.

Tuyến cáp treo dài 2.267m có 10 trụ đỡ nâng đường cáp lên cao khỏi tán rừng thông. 50 cabin cách nhau 120m chạy luân chuyển với tốc độ 1-5m/giây. Thời gian di chuyển từ đồi Robin (1575m) đến ga cuối (1490m) gần bãi đậu xe Thiền viện Trúc Lâm dài 12 phút.

Công trình do hãng Doppemay (Áo) lắp đặt theo công nghệ hiện đại châu Âu.

Khu du lịch nghỉ - dưỡng Minh Tâm

Toạ lạc tại 20A đường Khe Sanh, phường 10, thành phố Đà Lạt, Khu du lịch - nghỉ dưỡng Minh Tâm rộng hơn 18ha.

Khu du lịch - nghỉ dưỡng Minh Tâm có một khách sạn kiến trúc theo kiểu Pháp, 20 nhà rông được xây dựng theo mô hình khách sạn trên cao nguyên nằm giữa rừng thông, hội trường phục vụ hội nghị, hội thảo,...

Quanh khách sạn là những vườn hoa, cây cảnh phong phú, đa dạng với nhiều loại hoa quý hiếm trong nước và nước ngoài, đặc biệt là hoa hồng và hoa lan.

 Ngoài nhiệm vụ phục vụ cán bộ, chiến sỹ, thân nhân trong ngành công an đến công tác, điều dưỡng, nghỉ mát ở Đà Lạt, Khu du lịch - nghỉ dưỡng Minh Tâm còn phục vụ du khách đến tham quan, các cơ quan, đơn vị có nhu cầu tổ chức hội nghị, hội thảo,…

Đồi Mộng Mơ

Nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt 5km trên đường đi đến Thung lũng Tình Yêu, Đồi Mộng Mơ là một điểm du lịch khai trương năm 2003 nhân dịp kỷ niệm 110 năm Đà Lạt hình thành và phát triển.

Đồi Mộng Mơ nguyên là khu du lịch Hồ Rồng nằm trên một ngọn đồi ở phía bắc thành phố Đà Lạt.

Hồ Rồng được khởi công xây dựng từ năm 1978 và chuyển thành khu du lịch từ năm 1992.

Tại đây có tượng một con rồng đúc bằng xi măng cốt sắt phun nước do một trạm bơm nước từ hồ Đa Thiện III (Thung lũng Tình yêu) và chuyển lên hồ Thống Nhất. Nhờ địa thế, nước tự động chuyển xuống vùng trồng rau Đa Thiện.

Đến khu du lịch Đồi Mộng Mơ, du khách sẽ tham quan vườn hoa lan, cây cảnh, thiên nhiên hữu tình, thác nước nhân tạo, nhà Việt cổ, vườn thơ Hàn Mạc Tử, tượng cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, làng văn hoá dân tộc, trích đoạn Vạn lý trường thành, gian hàng đá cảnh thiên nhiên, khu triển lãm sinh vật lạ, hầm rượu “Mộng Mơ tửu”,…

XQ Sử Quán

XQ Sử Quán nằm ở đường Mai Anh Đào, rộng gần 2ha, chia thành 10 khu vực, được chính thức khai trương ngày 29-12-2001.

Đến XQ Sử Quán, du khách được dịp thưởng lãm nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật thêu đặc sắc: thêu tranh hai mặt, tranh chân dung và tranh phong cảnh.

Trong khu vực phố nghệ thuật, vào những ngày nghỉ cuối tuần, XQ Sử Quán tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật.

Biệt điện Trần Lệ Xuân

Biệt điện Trần Lệ Xuân toạ lạc tại số 2 đường Yết Kiêu với diện tích 13ha.

Đây là một quần thể kiến trúc với 3 biệt thự:

-    Biệt thự Bạch Ngọc có hồ bơi nước nóng.

-    Biệt thự Hồng Ngọc dự định dành cho ông Trần Văn Chương - thân phụ của Trần Lệ Xuân.

-    Biệt thự Lam Ngọc nguyên là nơi nghỉ cuối tuần của gia đình Trần Lệ Xuân, có đường hầm thoát hiểm và hầm trú ẩn. Phía sau biệt thự Lam Ngọc là vườn hoa Nhật Bản với thảm cỏ, cây xanh, tảng đá, hồ nước địa đồ Việt Nam.

Sau khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ (1-11-1963), Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu bị ám sát, Trần Lệ Xuân - phu nhân của Ngô Đình Nhu - sống lưu vong, khu biệt thự được mở cửa để công chúng vào xem. Sau đó, khu biệt thự được dùng làm Bảo tàng Sắc tộc Tây Nguyên. Hiện nay, biệt thự Lam Ngọc I và II được sử dụng để trưng bày một số tài liệu lưu trữ quốc gia: mộc bản, ấn chương triều Nguyễn, bản đồ cổ,… và hình ảnh về các trung tâm lưu trữ quốc gia, miền Trung – Tây Nguyên, tỉnh Lâm Đồng, gia đình Trần Lệ Xuân,… Mộc bản được bảo quản trong một nhà kho 5 tầng với những thiết bị hiện đại, chứa khoảng 5.000m giá tư liệu.

Sau một thời gian trùng tu, tôn tạo, biệt điện Trần Lệ Xuân do Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV quản lý đã khai trương vào năm 2008.

Biệt thự Hằng Nga

Biệt thự Hằng Nga tọa lạc tại số 3 đường Huỳnh Thúc Kháng, do kiến trúc sư Đặng Việt Nga thiết kế.

Biệt thự vừa mang công năng một khách sạn vừa là một công trình kiến trúc thuộc trường phái biểu hiện.

Công trình được xây dựng từ năm 1990 và được du khách tham quan, đặt nhiều tên khác nhau: “Lâu đài mạng nhện”, “Căn nhà gốc cây”, “Ngôi nhà kỳ dị”,…

Một con hươu cao cổ bằng bê tông đứng nhìn những ngôi nhà 5 tầng có hình dạng cây đa. Cầu thang xung quanh ngôi nhà giống như sợi dây leo to. Mỗi tầng có một số căn phòng theo một chủ đề riêng biệt. Vườn trồng hoa cỏ với những bức tượng và mạng nhện. Tất cả tạo cho khách tham quan cảm giác đang ở trong một thế giới kỳ ảo. Phong cách nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc ở đây là sự kết hợp hài hoà những nét hiện đại với những nét truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên.

Các điểm du lịch khác

Đà Lạt là một bảo tàng thu nhỏ về kiến trúc châu Âu đầu thế kỷ XX. Du khách quan tâm đến kiến trúc có thể tham quan các công trình công cộng (chợ Đà Lạt, Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, nhà ga Đà Lạt,…), dinh III, các biệt thự dọc các đường Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, Quang Trung, Lê Hồng Phong, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Viết Xuân, Lê Lai, Trần Bình Trọng,…

Du khách thích hành hương thường đến các chùa: Linh Sơn, Linh Quang, Linh Phong, Linh Phước, Vạn Hạnh, Thiền viện Trúc Lâm, Tịnh xá Ngọc Thiền,… nhà thờ Chánh Toà, Domaine de Marie,…

Nhiều du khách nghỉ trong các khách sạn ở Đà Lạt nhưng tham quan các khu du lịch ở ngoài thành phố Đà Lạt: Thung lũng Vàng, Lang Biang (huyện Lạc Dương), thác Voi (huyện Lâm Hà), thác Gougah, Pongour, Jrai Bliang (huyện Đức Trọng),…

 

Về đầu trang

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT
NHÀ XUẤT BẢN TỔNG HỢP TP. HỒ CHÍ MINH
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Thiết kế trang web: Sở KH&CN Lâm Đồng