NỘI DUNG CHÍNH

Lời giới thiệu

PHẦN THỨ NHẤT : LƯỢC SỬ
TRUYỀN THỐNG ĐẤU TRANH

Chương I:  Lược sử hình thành và phát triển thành phố Đà Lạt

Chương II: Truyền thống đấu tranh cách mạng

PHẦN THỨ HAI : TỰ NHIÊN
VÀ DÂN CƯ

Chương I: Tự nhiên

Chương II: Dân cư

PHẦN THỨ BA : KINH TẾ

Chương I : Nông nghiệp – lâm nghiệp

Chương II :  Du lịch và dịch vụ

Chương III: Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp

Chương IV : Cơ sở hạ tầng kỹ thuật

PHẦN THỨ TƯ : VĂN HÓA XÃ HỘI

Chương I:   Văn học nghệ thuật, thiết chế văn hóa và báo chí

Chương II: Quy hoạch và kiến trúc

Chương III: Y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ

Chương IV: Tín ngưỡng và tôn giáo

TỔNG LUẬN

Niên biểu thành phố Đà Lạt

Danh sách Bà mẹ Việt Nam anh hùng thành phố Đà Lạt

Danh sách các đơn vị được tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”

Danh sách các Bí thư chi bộ, Thành uỷ Đà Lạt qua các thời kỳ

Danh sách các Thị trưởng Đà Lạt (1901-1975)

Danh sách các Chủ tịch Uỷ ban quân quản, Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Lạt

Alexandre Yersin

Về phong cách Đà Lạt

Người Cơ Ho ở Đà Lạt

Đường phố Đà Lạt

Danh mục các ngôi đình ở Đà Lạt

PHẦN THỨ BA

KINH TẾ

CHƯƠNG I:  NÔNG NGHIỆP – LÂM NGHIỆP

DỊCH VỤ

 

 

1. THƯƠNG MẠI

1.1   Thời kỳ trước thế kỷ XX

Trước thế kỷ XX, thành phố Đà Lạt và khu vực thị trấn Lạc Dương ngày nay là địa bàn cư trú chính của người Lạch trên cao nguyên Lang Biang. Khác  một  số  tộc  người  thiểu số khác trên cao nguyên này, người Lạch đã biết trồng lúa nước và buôn bán, ban đầu chỉ để bù đắp kinh phí gia đình do nguồn thu từ sản phẩm nông nghiệp không đáp ứng đủ, dần dà trở thành nghề độc quyền của người Lạch đối với các tộc người Chil, Srê hay Mnông,... ở cao nguyên Lang Biang và những vùng lân cận.

Khi vương quốc Chămpa tan rã, việc buôn bán của người Lạch tiến dần xuống phía đông thuộc các địa phận Dran (Lâm Đồng), Phan Rang (Ninh Thuận) hoặc Nha Trang (Khánh Hòa); họ còn mở rộng cả sang phía tây – bắc, tận Campuchia. Với các loại hàng hóa từ đồng bằng ngược lên miền Thượng là muối và sắt, họ trao đổi với cư dân các tộc người thiểu số khác ở trên cao nguyên này gạo, vải, dụng cụ sản xuất, chiêng, ché,...

Họ thường dùng trâu làm đơn vị định giá trong quá trình trao đổi hàng hoá, chẳng hạn ở vùng người Chil một con trâu đổi được ba mươi miếng sắt hoặc một chén muối tương đương một gùi gạo (khoảng 40 kg),…

Trong quá trình giao thương, người Lạch đã tích luỹ được khá nhiều kinh nghiệm và tạo nên mối quan hệ gắn bó giữa người bán với người mua hay ngược lại, họ biết giữ chữ tín trong quan hệ mua bán. Do đó, ngoài việc biết canh tác lúa nước, việc buôn bán cũng đã trở thành văn hóa của người Lạch trên cao nguyên này. Ví dụ, họ bán nợ cho những khách hàng quen, biết dùng mối lái và trả thù lao đầy đủ cho họ ngay cả khi bị thua lỗ.

Dịch vụ thương mại giữa người Kinh với người bản địa hay giữa những tộc người bản địa với nhau vẫn dưới hình thức trao đổi hàng hóa theo phương thức “vật ngang giá”. Hoạt động dịch vụ giữa các tộc người ở cao nguyên Lang Biang trong giai đoạn này không đáng kể về số lượng và giá trị hàng hóa. Trong quá trình giao lưu giữa các tộc người miền Thượng với đồng bằng đã hình thành ngành nghề có tính chuyên môn hóa giữa những tộc người ở cao nguyên Lang Biang. Chẳng hạn như nghề rèn dụng cụ bằng sắt của người Chil đã đạt đến một trình độ khá tinh xảo hay công việc buôn bán được xem là một nghề độc quyền của người Lạch,…

1.2   Thời kỳ đầu thế kỷ XX đến 1945

1.2.1 Giai đoạn trước năm 1916

Sau khi Toàn quyền Paul Doumer quyết định chọn Đà Lạt làm nơi nghỉ dưỡng người Pháp và người Âu bắt đầu đến Đà Lạt.

Vào năm 1907, Đà Lạt có khoảng 60 – 80 người Kinh sinh sống, hầu hết là những người đi buôn chuyến. Họ xuất phát từ Phan Rang hay Phan Thiết ngược lên vùng cao nguyên, với những gánh hàng hóa, đi ngang qua những làng mạc đầy nước độc, những nơi hoang vu sơn lam chướng khí và bị mắc bệnh sốt rét.

Năm 1914, khi Chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ cũng là thời điểm đoạn đường bộ Djiring đến Đà Lạt được thông xe, làn sóng người Âu ở Đông Dương lên Đà Lạt ngày càng nhiều, đã dẫn đến việc cung cấp thực phẩm và những dịch vụ cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của những người này trên cao nguyên Lang Biang.

Sau một thời gian khá dài bị quên lãng, đến tháng 11 năm 1915, Toàn quyền Roume đã đánh thức Đà Lạt bằng việc quyết định thành lập thị xã loại hai trực thuộc chính quyền trung ương ở Đông Dương. Ngày 20-4-1916, Hội đồng Nhiếp chính vua Duy Tân thông báo Dụ thành lập thị tứ Đà Lạt. Việc đầu tư xây dựng ở Đà Lạt ngày càng tăng, từ đó kéo theo nhiều dịch vụ khác cũng được hình thành ngày càng phát triển.

1.2.2 Giai đoạn 1916 - 1945

Các dịch vụ thương mại trong thời kỳ này chủ yếu nằm trong tay những người Việt, Pháp kiều và Hoa kiều. Các chuyến đi buôn của người Lạch đến vùng đồng bằng hoặc sang Campuchia bắt đầu giảm dần và chấm dứt vào những năm cuối thập kỷ 20 của thế kỷ trước.

Trong thời gian này, để đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng, năm 1927 có 12.700 tấn vật liệu gồm thiếc, xi măng, ống nước, một số máy móc được đưa từ Sài Gòn lên. Năm 1936, có 8.800 tấn vật tư các loại được vận chuyển đến Đà Lạt.

Vận chuyển bằng đường sắt Đà Lạt – Tháp Chàm với giá cả vừa phải
(20 đồng/tấn = 2 xu/kg).
Mức thu của các nhà ga năm 1937 tăng gần 50% so  với năm trước (90.000 đồng trong năm 1936 và 133.000 đồng trong năm 1937) và sự chênh lệch giá vé trên mỗi tuyến đối với các hạng là rất lớn, đặc biệt là giữa vé hạng 1 với vé hạng 4 khoảng 10 lần.

Trong giai đoạn trước Chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939 - 1945), Đà Lạt được tập trung đầu tư phát triển thêm một số công trình hạ tầng kỹ thuật và nhà cửa nhiều hơn; việc mua bán đất để xây dựng các biệt thự thời kỳ này rất sôi động.

1.3 Thời kỳ 1945 - 1954

Trong những năm 1952 và 1953, hàng năm Đà Lạt đã xuất bán cho các tỉnh 6.000 tấn rau cải, 6.000 tấn gỗ thông, 200 tấn cao lanh, 216 tấn chè và 15 tấn da khô. Đồng thời để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của dân cư, hàng tháng Đà Lạt phải nhập từ các tỉnh đồng bằng và Sài Gòn, Chợ Lớn một số nhu yếu phẩm:

-   Thực phẩm: gạo Nam Bộ (350 tấn), cá khô, cá tươi (ướp nước đá), cá hấp (556 tấn), nước mắm duyên hải miền Trung, chủ yếu Phan Thiết (51 tấn), muối ăn (128 tấn), heo thịt (hơn 100 con), bò thịt (50 con), trứng vịt (4 tấn), gà thịt (500 giỏ), trái cây các loại (19 tấn), nước giải khát và bia rượu (700 két + 8 thùng gỗ + 4,5 tấn), …

-   Vật liệu xây dựng: xi măng (100 tấn), gạch (83 tấn), vôi (7 tấn),…

-   Nhiên liệu và chất đốt: xăng (113 thùng: 130 tấn), dầu Diesel (66 thùng: 11,6 tấn), dầu Gasoil (190 thùng: 1,5 tấn), dầu lửa (44 thùng: 2 tấn).

-   Các loại hóa chất, kim loại, dược liệu, thực phẩm khô: 355 tấn.

Các hoạt động dịch vụ thương mại, công nghiệp hoặc nông nghiệp ở Đà Lạt trong thời kỳ này gồm có các cơ sở tiêu biểu sau:

-   Công ty trừ mối;

-   Hợp tác xã rau hoa Cao nguyên;

-   Công ty Lâm sản và Công nghiệp Cao nguyên;

-   Công ty Xây dựng Đà Lạt;

-   Công ty nặc danh Poinsard & Veyret (Chi nhánh Viễn Đông);

-   Công ty lâm sản và diêm quẹt Đông Dương;

-   Công ty chiếu phim và chiếu bóng Đông Dương;

-   Công ty Tiếp phẩm Sài Gòn (COSARA);

-   Công ty nước và điện Đông Dương;

-   Hàng không Việt Nam;

-   Nghiệp đoàn vận tải.

1.4 Thời kỳ 1954 - 1975

Ngày 11-3-1955, Thủ tướng Ngô Đình Diệm đã ban hành Dụ số 21 bãi bỏ chế độ Hoàng triều Cương thổ, Đà Lạt trực thuộc chính quyền trung ương ở Sài Gòn. Trong thời kỳ này, các dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, thương mại trên thị trường Đà Lạt khá tấp nập và chủ yếu tập trung ở khu trung tâm Đà Lạt và một vài nơi tập trung dân cư ở ngoại thành (Chi Lăng, Trại Mát, Trạm Bò, Cầu Đất,…).

Mùa Xuân năm Đinh Dậu, Đại hội Lâm Viên được tổ chức tại trường Đoàn Thị Điểm và trên khu đồi giữa đường Trương Vĩnh Ký (nay là đường Phan Như Thạch, Nam Kỳ Khởi nghĩa) và Thủ khoa Huân. Hội chợ được khai mạc vào ngày 15-2-1957 với sự tham dự của Tổng thống Ngô Đình Diệm.

Đây là một Hội chợ Triển lãm được tổ chức khá quy mô, với nhiều gian hàng trưng bày hoạt động của các cơ quan, tư nhân ở Đà Lạt và ở Cao nguyên Trung Phần; các bộ và công ty ở Sài Gòn giới thiệu sản phẩm sản xuất trong nước. Mô hình Chợ Mới Đà Lạt, hệ thống thủy điện Đa Nhim, bộ sưu tập loài bướm của ngành thủy – lâm Cao nguyên Trung Phần, gian hàng “Phong Lan Đình” với nhiều loài hoa đặc hữu trên cao nguyên Lang Biang và Cao nguyên Trung Phần đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của người đến tham dự.

Hoạt động xuất khẩu rau Đà Lạt sang một số nước Đông Nam Á bắt đầu từ năm 1958, chủ yếu xuất sang thị trường Singapore.

Đến năm 1962, rau Đà Lạt cũng được xuất khẩu sang các thị trường ở Indonesia, Malaysia, Hồng Công nhưng sản lượng không đáng kể.

-   Rau hoa Đà Lạt, ngoài việc cung ứng cho nhu cầu ở địa phương, chủ yếu cung cấp cho Sài Gòn, Gia Định, một số tỉnh ở miền Đông và miền Tây Nam Bộ; duyên hải miền Trung như Phan Rang, Phan Thiết, Nha Trang, Tuy Hòa, Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Huế,...

Từ năm 1964 đến trước năm 1975, hàng hóa Mỹ tràn ngập thị trường đã ảnh hưởng khá lớn đến sản xuất và thị trường của địa phương. Bộ máy hoạt động kinh doanh lớn trong thời kỳ này chủ yếu tập trung vào giới chủ là người Hoa hoặc một số ít người Kinh có sự gắn kết chặt chẽ với các tướng lĩnh, sỹ quan hoặc viên chức có thế lực của chính quyền cũ. Do đó, lưu thông hàng hóa gặp khó khăn, dẫn đến tình trạng đầu cơ phát triển mạnh, nâng giá bán hàng hóa, cùng với các loại thuế ngày một tăng và đồng tiền bị mất giá đã tác động rất nhiều đến đời sống cư dân Đà Lạt cũng như những người hưởng lương hay sinh viên học sinh đến Đà Lạt làm việc hoặc học tập.

Trong giai đoạn này, ngoại trừ mặt hàng rau cải và hoa, thị trường Đà Lạt chủ yếu tiêu thụ hàng hóa từ các nơi khác chuyển đến, trong đó có những mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt cá, các mặt hàng thực phẩm đã qua chế biến, phân bón, thuốc trừ sâu bệnh và các loại hàng công nghiệp khác.

Trước năm 1975, ngoại trừ một ít tiệm tạp hóa hoạt động bán buôn tập trung ở khu trung tâm thành phố (Khu Hòa Bình, Minh Mạng, Duy Tân và Phan Đình Phùng) và một vài khu vực tập trung dân cư vùng ven có tính chuyên nghiệp, phần lớn các cơ sở kinh doanh tạp hóa được nằm rải rác ở trong khu dân cư phân tán.

1.5 Thời kỳ sau năm 1975

Từ năm 1975 cho đến đầu năm 1986, nền kinh tế địa phương cùng với cả nước được điều hành theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp. Hoạt động dịch vụ nói chung và thương mại nói riêng được coi là những ngành phi sản xuất vật chất, nên không được chú ý đầu tư phát triển.

Từ năm 1976, Đà Lạt thực hiện chế độ cấp phát các mặt hàng tiêu dùng và thực phẩm thiết yếu theo tem phiếu và giao nộp sản phẩm cho các cơ quan, đơn vị có liên quan cấp tỉnh. Tỉnh cân đối toàn bộ vật tư, hàng hoá phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân địa phương.

Mối quan hệ dịch vụ, thương mại trong đời sống xã hội chủ yếu là quan hệ hiện vật. Thương nghiệp quốc doanh, hợp tác mua bán nắm giữ vai trò chi phối chính các hoạt động trên thị trường. Thương nghiệp cá thể hoặc tư nhân bị hạn chế trên nhiều lĩnh vực, thậm chí trên một số lĩnh vực không thể có sự tham gia hoạt động của thương nghiệp tư nhân hoặc cá thể (chẳng hạn như kinh doanh lương thực, nhiên liệu, nguyên vật liệu  phục vụ sản xuất, xây dựng,…).

Tình trạng “ngăn sông, cấm chợ”, lập nhiều trạm kiểm soát dẫn đến việc trả lương hay tiền công không theo thành quả lao động mà có tính cào bằng. Hoạt động sản xuất cũng như thương mại, dịch vụ được điều hành theo “cơ chế xin cho” hay “thu mua”  đã bóp chết lao động sáng tạo và không phát huy được tiềm lực kinh tế của địa phương. Trên thị trường, hàng hóa khan hiếm, giá cả leo thang, đồng tiền bị mất giá với tỷ lệ rất lớn, thị trường bị chia cắt theo ý chí chủ quan của những nhà quản lý và hệ thống doanh nghiệp quốc doanh. Hệ quả là rau cải, hoa quả và các sản phẩm khác của Đà Lạt không được lưu thông tự do đến các tỉnh để tiêu thụ và ngược lại. Đến năm 1979, việc cung ứng lương thực thực phẩm cho người dân và đội ngũ cán bộ công nhân viên chức được bán theo tem phiếu, hàng tháng mỗi nhân khẩu được mua vài kí lô gạo và còn lại là hơn 10 kg bo bo, sắn khô hay bột mì. Về thực phẩm, người dân được cung cấp qua hệ thống cửa hàng thương nghiệp của Nhà nước hay các hợp tác xã tiêu thụ nhưng rất khan hiếm và chủ yếu chỉ có một vài mặt hàng thực phẩm thiết yếu. Tình trạng này kéo dài cho đến hết năm 1985, hoạt động dịch vụ, thương mại và sản xuất trên toàn địa bàn ở trong tình trạng kiệt quệ về tiền vốn, năng lực sản xuất giảm đáng kể vì chủ yếu chỉ dùng sức lao động tay chân và thiếu nguồn vật tư thiết yếu.

Để khắc phục tình trạng này, vào năm 1985 giải pháp giá – lương – tiền của Nhà nước được ban hành, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đã bộc lộ không ít nhược điểm, bất cập vì không tạo được động lực thúc đẩy sản xuất cũng như hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, lạm phát không những không kìm chế được mà tỷ lệ lạm phát đã vượt đến 3 con số.

Cũng như hoàn cảnh chung của cả nước, trong giai đoạn này, sản xuất đình đốn, cơ sở hạ tầng đô thị bị xuống cấp khá nghiêm trọng và hấu hết mọi người dân đều chỉ chú tâm đối phó với sự nghèo đói đang rình rập chung quanh họ trong đời sống thường ngày.

Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI (năm 1986) đã đánh dấu bước ngoặt của nước ta bước qua thời kỳ đổi mới, xoá bỏ cơ chế kế hoạch hóa và quản lý tập trung bao cấp, phát triển nền kinh tế đất nước theo cơ chế thị trường nhiều thành phần. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển; hàng hóa trên thị trường ngày càng phong phú và đa dạng; giá cả hàng tiêu dùng, thực phẩm ngày càng ổn định.

Nhờ chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước, nền kinh tế của Việt Nam tăng trưởng liên tục, tình hình chính trị ổn định, đời sống nhân dân được cải thiện, nhu cầu đi du lịch - nghỉ dưỡng của nhân dân trong cả nước ngày một tăng. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, hệ thống dịch vụ nhà nghỉ, nhà trọ và một số dịch vụ hỗ trợ phát triển đáng kể vào giai đoạn của quá trình đô thị hóa ở Đà Lạt, nhất là ở các khu vực trung tâm thành phố diễn ra nhanh chóng.

Thời kỳ đổi mới đã tạo điều kiện cho rau hoa Đà Lạt phát triển được nhiều chủng loại, đa dạng và phẩm chất khá tốt đáp ứng nhu cầu tiêu thụ. Từ năm 1995, rau cải Đà Lạt đã được xuất khẩu đến các nước trong khu vực như Singapore, Hồng Công, Đài Loan, Nhật Bản,… nhưng lượng xuất khẩu chỉ mới chiếm xấp xỉ 10% tổng sản lượng vì chưa có biện pháp tích cực để giải quyết một cách ổn định về thị trường xuất khẩu.

Đồng thời đã hình thành một tầng lớp trung gian khá năng động giữ vai trò tiêu thụ sản phẩm rau hoa qua hình thức trực tiếp mua hàng hóa của người sản xuất và cung cấp lại cho những nhà buôn ở các thị trường khác trong nước (đôi khi còn làm dịch vụ cung ứng cho hoạt động xuất khẩu) hoặc nhà xe từ các tỉnh đến Đà Lạt mua rau hoa.

Trong những năm gần đây, cùng với xu thế chung của thế giới và các nước trong khu vực về vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, các loại sản phẩm rau, hoa Đà Lạt có chất lượng cao, đạt yêu cầu về vệ sinh thực phẩm theo quy định chung của thế giới đang mở ra cho Đà Lạt một tương lai mới về thị trường tiêu thụ nông sản sạch – an toàn ở các thị trường truyền thống và ngày càng mở rộng hơn.

1.5.1 Hệ thống thương mại quốc doanh cấp thành phố

Doanh nghiệp thương mại quốc doanh thuộc thành phố Đà Lạt trực tiếp quản lý gồm có: Công ty Dược phẩm cấp 3, Trạm Vật tư nông nghiệp, Công ty Sản xuất Kinh doanh xuất – nhập khẩu thành phố Đà Lạt, Công ty Thương mại - Dịch vụ thành phố.

Công ty Dược phẩm cấp 3

Hiệu thuốc Đà Lạt được thành lập năm 1976 là đơn vị kinh tế quốc doanh chuyên mua bán các mặt hàng thuốc Tây y, Đông y nội và ngoại nhập, các thiết bị vật tư y tế cơ bản. Ban đầu hệ thống phân phối của Hiệu thuốc Đà Lạt gồm có 20 cửa hàng bán lẻ trực thuộc đặt ở trung tâm thành phố và các khu tập trung dân cư ở phường xã. Đến năm 1981, Công ty Dược phẩm cấp 3 thành phố được thành lập trên cơ sở chuyển đổi Hiệu thuốc Đà Lạt có mạng lưới bán lẻ gồm 25 cửa hàng trực thuộc ở trung tâm thành phố và trên địa bàn các phường xã. Đến năm 1992, thực hiện Quyết định 388/CP của Chính phủ về chấn chỉnh các hoạt động kinh tế quốc doanh, công ty được sáp nhập vào Xí nghiệp Liên hiệp Dược và Vật tư y tế Lâm Đồng.

Trạm Vật tư nông nghiệp Đà Lạt

Trạm Vật tư nông nghiệp Đà Lạt được thành lập năm 1976, là đơn vị kinh tế quốc doanh chuyên mua bán các loại vật tư nông nghiệp phục vụ trong phạm vi địa bàn thành phố Đà Lạt. Các mặt hàng hóa kinh doanh chủ yếu là phân bón hóa học, thuốc trừ sâu bệnh và một số nông cụ phục vụ sản xuất như máy bơm nước, bình xịt thuốc trừ sâu bệnh,… Đến năm 1992, Trạm Vật tư nông nghiệp Đà Lạt được sáp nhập vào Công ty Vật tư  nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng.

Công ty sản xuất kinh doanh xuất - nhập khẩu thành phố Đà Lạt

Được thành lập và đi vào hoạt động năm 1978, ban đầu là Trạm Thủ công - Mỹ nghệ thành phố Đà Lạt trực thuộc Công ty Ngoại thương Lâm Đồng, đến năm 1984 đổi tên thành Công ty Xuất khẩu thành phố Đà Lạt trực thuộc UBND thành phố Đà Lạt.

Đơn vị sản xuất gia công hàng thủ công - mỹ nghệ: áo len, khăn len, hàng gỗ mỹ nghệ,… và thu mua, chế biến hàng nông sản xuất khẩu: hoa, rau, củ,…

Trong thời gian này, mặt hàng chủ yếu là địa lan có doanh thu cao nhất, thị trường tiêu thụ chính là Liên Xô và các nước Đông Âu.

Năm 1986, Công ty Xuất khẩu Đà Lạt được đổi tên thành Công ty Cung ứng hàng xuất khẩu Đà Lạt, không trực tiếp làm dịch vụ xuất khẩu mà chỉ cung ứng hàng hóa xuất khẩu cho Công ty Ngoại thương Lâm Đồng. Đến tháng 10-1992, đơn vị được đổi tên thành Công ty Sản xuất Kinh doanh xuất – nhập khẩu thành phố Đà Lạt, có tên giao dịch là Dalexim Co., chuyên gia công áo len, sản xuất tinh dầu, sơ chế các loại nông sản để cung ứng hàng xuất khẩu, sản xuất một số mặt hàng thủ công - mỹ nghệ.

Vào năm 1991, Công ty thực hiện gia công hàng xuất khẩu Đà Lạt và thành lập 2 nhà máy đan len thu hút được hơn 1.200 lao động. Sản lượng bình quân từ 500.000 đến 600.000 sản phẩm/năm và doanh thu đạt 3,1 triệu USD. Đến năm 1998, do ảnh hưởng của sự khủng hoảng tài chính trong khu vực, thị trường gia công bị thu hẹp, 2 nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng với 180 công nhân, doanh thu còn dưới 1 triệu USD. Một năm sau, Công ty ngừng hoạt động và tiến hành các bước thanh lý giải thể.

Công ty thương mại dịch vụ thành phố Đà Lạt

Được thành lập theo Quyết định số 148/QĐ-UB ngày 19-9-1989 của UBND thành phố Đà Lạt, đơn vị có nhiệm vụ:

-   Tổ chức khai thác, chế biến kinh doanh các mặt hàng nông, lâm đặc sản và các mặt hàng khác cung ứng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu;

-   Tổ chức đầu tư phát triển các dịch vụ xuất – nhập khẩu, các dịch vụ khác phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và tiêu dùng;

-   Tổ chức các hoạt động sản xuất, gia công chế biến các nguyên vật liệu, các mặt hàng khác tại địa phương;

-   Mở cửa hàng giới thiệu mẫu mã và tiêu thụ sản phẩm thông qua các hình thức bán buôn và bán lẻ,…;

-   Thực hiện quyền tự chủ trong sản xuất, kinh doanh đúng theo Quyết định số 217/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng quy định, đồng thời làm tốt nghĩa vụ với Nhà nước.

1.5.2 Các đơn vị thương mại ngoài quốc doanh

Liên hiệp Hợp tác xã mua bán thành phố Đà Lạt

Được thành lập theo Quyết định số 229/QĐ-TC-UB ngày 20-7-1979 của UBND tỉnh Lâm Đồng, Liên hiệp Hợp tác xã mua bán thành phố (LHHTXMB) là một đơn vị quản lý sự nghiệp về dịch vụ thương nghiệp ngoài quốc doanh trực thuộc UBND thành phố Đà Lạt. LHHTXMB chịu sự lãnh đạo, quản lý, điều hành của UBND thành phố, đồng thời chịu sự chỉ đạo hướng dẫn nghiệp vụ của Ty Thương nghiệp Lâm Đồng trong các hoạt động.

Đến năm 1982, LHHTXMB thành phố có 9 HTX tiêu thụ trực thuộc ở 6 phường và 3 xã, với 152 xã viên (đây cũng là thời điểm có  số xã viên cao nhất), hàng hoá kinh doanh chủ yếu là thực phẩm và một số hàng hóa tiêu dùng, tổng doanh thu đạt 39.800.000 đồng. Đến năm 1986, trên địa bàn thành phố chỉ còn HTXMB thành phố và các HTX tiêu thụ các phường 1, 6 và 9; các HTX còn lại tự tan rã hoặc chỉ tồn tại dưới dạng hình thức tên gọi và đến nay chỉ còn HTXMB thành phố còn hoạt động.

1.5.3 Hoạt  động của thương nghiệp tư nhân, cá thể

Trong thời kỳ đổi mới, hoạt động thương nghiệp trên địa bàn thành phố ngày càng phát triển cả về bán buôn, làm đại lý và bán lẻ. Tuy nhiên, số lao động tham gia trực tiếp vào các hoạt động này không lớn so với số hộ đăng ký kinh doanh.

 

 Kinh doanh đặc sản tại chợ Đà Lạt

 

Các ngành nghề kinh doanh chủ yếu tập trung ở khu vực trung tâm thành phố; đặc biệt là đối với lĩnh vực kinh doanh thương mại, khách sạn, nhà hàng và các dịch vụ.

Tính đến ngày 31-12-2003, trên toàn địa bàn có khoảng 467 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 60 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh, không kể các doanh nghiệp cá thể hoạt động đăng ký kinh doanh theo Nghị định 66/CP (thuộc diện buôn bán nhỏ) và hợp tác xã.

Qua kết quả điều tra, 407 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố chiếm 52,24% tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh, trong đó ngành thương mại – dịch vụ tập trung nhiều nhất với 326 doanh nghiệp, chiếm 80,09%. Hoạt động kinh doanh thương nghiệp có 65 doanh nghiệp, kinh doanh khách sạn – nhà hàng có 208 doanh nghiệp, các dịch vụ khác có 53 doanh nghiệp.

Theo số liệu điều tra về tình hình sản xuất và tiêu thụ rau hoa tại Đà Lạt vào tháng 10-2000, Đà Lạt có 150 hộ thu mua sản phẩm rau, trong đó có khoảng 20 hộ có vốn lớn và tập trung. Ngoài các hoạt động cung ứng vật tư phục vụ sản xuất, đội ngũ trung gian này giữ vai trò khá tích cực cho việc tiêu thụ rau hoa của nông dân trên địa bàn thành phố Đà Lạt, đã góp phần nhất định cho việc ổn định đời sống người lao động trong canh tác nông nghiệp.

1.5.4 Một số chợ ở Đà Lạt

Trong quá trình hình thành và phát triển  đô thị Đà Lạt, cùng với các luồng người nhập cư qua từng thời kỳ, đã hình thành một số chợ tại các khu dân cư ở khu vực trung tâm cũng như một số vùng ngoại ô, vùng ven. Chẳng hạn như chợ Đà Lạt, chợ Cầu Đất hay chợ Chi Lăng, chợ Trạm Bò được xây dựng từ cuối những năm 1930; các chợ Trại Mát, chợ Cây số 4 (ở khu vực đường La Sơn Phu Tử), chợ Thái Phiên, chợ Nam Thiên, chợ Thiên Thành,… được xây dựng từ sau những năm 1950; hoặc Chợ Rau, Chợ Đêm,… mới được xây dựng vào những năm của thập niên cuối thế kỷ trước.

   Chợ Đà Lạt

Năm 1929, một ngôi chợ bằng gỗ, mái lợp tôn được xây dựng tại vị trí Khu Hòa Bình ngày nay (nên có tên gọi là chợ Cây) để thay thế cho khu họp chợ trên khoảng đất trống ở khu vực ấp Ánh Sáng. Năm 1937, chợ Cây bị cháy, nhà cầm quyền đương thời cho xây dựng lại ngôi chợ tại vị trí cũ bằng vật liệu gạch, xi măng. Năm 1939, chợ Đà Lạt khánh thành, được coi là biểu tượng một thời của Đà Lạt trước khi Chợ Mới Đà Lạt được xây dựng gần 20 năm sau đó.

 

Chợ Trời trên đường Phan Bội Châu (1955)

 

Năm 1958, chính quyền cũ đã cho tiến hành chỉnh trang lại khu vực trung tâm thương mại của thành phố, xây dựng một khu chợ mới hai tầng và một sân thượng tại khu vực sình lầy phía đông ngôi chợ cũ. Năm 1960, việc xây dựng chợ hoàn thành và đưa vào sử dụng mang tên Chợ Mới Đà Lạt. Năm 1993, Chợ Mới Đà Lạt được Chi nhánh Ngân hàng Việt Hoa Thành phố Hồ Chí Minh hợp tác bỏ vốn đầu tư nâng cấp, chỉnh trang và năm 1995 hoàn thành đưa vào sử dụng như ngày nay, lúc này chợ có tên Chợ Đà Lạt.

 Chợ Đà Lạt (2007)

  

Chợ Cầu Đất

Sau khi làng người Kinh ở Xuân Trường được thành lập, đời sống kinh tế phát triển nên năm 1931 cư dân ở đây và một số người Hoa đã đến Cầu Đất họp chợ để trao đổi mua bán những loại hàng hóa do dân cư trong khu vực sản xuất được và các loại lương thực, hàng hóa, thực phẩm được mang từ vùng duyên hải hoặc đồng bằng phía Nam lên đây. Ban đầu chỉ là một ngôi chợ tạm, đến năm 1967 chợ Cầu Đất được quy hoạch, xây dựng bằng vật liệu bán kiên cố ở khu vực mới hiện nay với diện tích khoảng 440m2. Sau năm 1975, được Nhà nước đầu tư, chợ được xây dựng kiên cố và hoạt động dưới sự quản lý trực tiếp của UBND xã Xuân Trường. Đến năm 1995, thực hiện Nghị quyết số 36/CP của Chính phủ về quản lý trật tự an toàn giao thông, quốc lộ 20B (trước năm 1975 là quốc lộ 11) đi qua thị trấn này được mở rộng, phần diện tích của chợ dọc trục lộ bị giải tỏa khoảng 100 m2 và người dân trong khu vực đã góp được 20 triệu đồng để sửa chữa lại ngôi chợ như hiện nay. Chợ có một ban quản lý gồm 5 người và khoảng 30 hộ đăng ký kinh doanh thường xuyên. Hàng hóa kinh doanh tại chợ Cầu Đất thường chỉ là các loại thực phẩm tươi sống và một số vật dụng phục vụ công việc nội trợ của cư dân địa phương.

   Chợ Trạm Bò

Chợ được hình thành rất sớm, gắn liền với việc xây dựng con đường xe lửa từ Tháp Chàm lên Đà Lạt vào những năm 20 của thế kỷ trước. Khi đoạn đường sắt từ Dran lên Đà Lạt được khánh thành, để thực hiện tốt công tác bảo vệ vệ sinh môi trường của khu trung tâm thành phố Đà Lạt, đồng thời phục vụ nhu cầu lưu thông hàng hóa ở vùng duyên hải đến Đà Lạt và ngược lại, tại Trạm Bò có một ga tương đối đủ lớn để tập kết hàng hóa lưu thông hai chiều, mà chủ yếu là gia súc, gỗ xẻ hoặc tròn, một số hàng mây tre và cá tươi, cá khô, nước mắm,... Từ khi mới thành lập cho đến trước năm 1967, diện tích toàn khu vực ga Trạm Bò (kể cả chợ) lên đến hơn 3ha. Trước ngày miền Nam được giải phóng, ga này không còn sử dụng vì tuyến đường sắt Đà Lạt – Tháp Chàm không còn hoạt động, chợ Trạm Bò không còn sử dụng làm nơi buôn bán nữa.

   Chợ Trại Mát

Từ đầu thập niên 30 của thế kỷ XX, một nhóm nhỏ người từ Nghệ Tĩnh, Thừa Thiên và Nam - Ngãi - Bình - Phú đến Trại Mát sinh cơ lập nghiệp. Ban đầu họ chỉ khai khẩn đất đai để canh tác rau hoa cung cấp cho nhu cầu thị trường. Khi dân cư đông đúc hơn, vào khoảng năm 1950, cộng đồng dân cư ở đây đã đóng góp tiền của xây dựng một ngôi chợ bằng gỗ, mái lợp tôn ở phía bên phải quốc lộ 11, cách trung tâm thành phố Đà Lạt 9km. Chợ ban đầu có diện tích khoảng 200m2 được xây dựng trên khu vực có diện tích hơn 1.000m2. Từ sau năm 1954, hoạt động của chợ này khá tấp nập, hàng hóa chủ yếu là các mặt hàng thực phẩm thịt, cá tươi, cá khô, nước mắm và rau cải, đối tượng mua bán chủ yếu là cư dân tại chỗ, xã Xuân Thọ và hai ấp Sào Nam và Tây Hồ ở lân cận.

Sau năm 1975, do ảnh hưởng chung của chính sách ngăn sông cấm chợ và quản lý tập trung bao cấp, nên sinh hoạt chợ bắt đầu tàn lụi, sản lượng mua bán không đáng kể. Bước vào thời kỳ đổi mới đến nay, các hoạt động kinh tế ở địa phương khá hơn thời kỳ trước đó đã làm phát sinh nhu cầu mua bán thực phẩm và một số mặt hàng phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày của cư dân trong khu vực ngày càng nhiều. Chợ dần dần hoạt động trở lại, nhưng lúc này người mua kẻ bán không tập trung vào khu chợ cũ mà họp chợ dọc theo vỉa hè đường lộ trước khu dân cư và khu đất trống trước đây là trạm xe lửa. Thực hiện việc chỉnh trang đô thị và khôi phục lại tuyến xe lửa Đà Lạt – Trại Mát, năm 1998, theo đề nghị của chính quyền và nhân dân địa phương, UBND thành phố Đà Lạt đồng ý cho thiết kế xây dựng ngôi chợ mới tại khu đất trước năm 1975 là đồn cảnh sát ở phía trái đường quốc lộ, cách chợ cũ khoảng 200 m. Chợ mới được xây dựng khá kiên cố và khang trang hơn với diện tích sử dụng 520m2.

   Chợ Rau

Từ sau ngày đất nước được giải phóng đến năm 1985, chợ Rau được hình thành tự phát tụ tập không cố định ở dọc đường Nguyễn Thị Minh Khai, cầu Bà Triệu, đầu đường vào ấp Ánh Sáng, bến xe Tùng Nghĩa hay khu vực đầu đường Bà Huyện Thanh Quan (gần hồ Đội Có),… Chợ chỉ hoạt động vào thời gian ban đêm cho đến trước bình minh.

Hoạt động chợ Rau trong thời gian này, ngoài vấn đề gây ô nhiễm vệ sinh môi trường còn làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị ở những khu vực họp chợ, nên đến đầu năm 1986, chính quyền thành phố đã quy hoạch một chợ rau tạm ở đầu đường Phạm Ngũ Lão (giáp với đường Lê Đại Hành) với 32 vựa rau, mỗi vựa thường có diện tích 9m2  được làm bằng vật liệu nhẹ do chủ vựa phải tự bỏ vốn xây dựng. Các chủ vựa rau trực tiếp mua rau cải từ nhà vườn ở các phường xã, phân loại và vận chuyển đi các nơi.

Đến năm 1988, để bảo đảm vệ sinh môi trường và cảnh quan khu vực trung tâm thành phố, Chợ Rau được di chuyển đến khu vực đường Đặng Thái Thân. Khu vực lập chợ lần này được quy hoạch trên diện tích khoảng hơn 2.000 m2 với 68 quày sạp có diện tích bình quân 24 m2/quày và được làm bằng vật liệu bán kiên cố.

Năm 1998, chợ Rau một lần nữa được chuyển về khu vực đường Tô Hiến Thành. Chợ được xây dựng trên khu vực có diện tích 5.500 m2, ban đầu có 85 vựa rau cải, về sau đã có hơn 90 vựa.

Năm 2004, chợ Rau chuyển đến quốc lộ 20 trên đường từ Đà Lạt đi Trại Mát.

Chợ Đêm

Ban đầu chợ Đêm được hình thành tự phát nhằm cung ứng nhu cầu ăn uống bình dân của những người tham gia hoạt động buôn bán rau. Về sau, trong thời kỳ đổi mới, nền kinh tế hoạt động theo cơ chế kinh tế thị trường, lượng du khách đến Đà Lạt ngày càng tăng, chợ Đêm chuyển qua phục vụ nhu cầu ăn uống của du khách và khách vãng lai. Trước năm 1995, hoạt động của chợ Đêm không cố định, địa điểm buôn bán trong thời gian này tụ tập ở khu vực trước Nhà hàng La Tulipe, bậc tam cấp từ chợ Đà Lạt lên đường Lê Đại Hành (cạnh khách sạn Hải Sơn) hay tại khu vực vòng xuyến giao thông bên bờ hồ Xuân Hương, đầu đường Nguyễn Thị Minh Khai.

Đến tháng 8-1995, UBND thành phố quy hoạch chợ Đêm tại khu vực bến xe vãng lai cạnh khách sạn Hải Sơn. Chợ có từ 16 đến 21 hộ kinh doanh, các hàng quán được bán dưới những tán dù trên khu vực khoảng 1.000m2. Từ khi hình thành, chợ Đêm chỉ hoạt động từ khoảng 7 giờ đêm đến trước bình minh ngày hôm sau, do đó có du khách gọi là chợ Âm Phủ.

 

 

Về đầu trang

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT
NHÀ XUẤT BẢN TỔNG HỢP TP. HỒ CHÍ MINH
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Thiết kế trang web: Sở KH&CN Lâm Đồng