|
||
PHẦN THỨ BA KINH TẾ CHƯƠNG I: NÔNG NGHIỆP – LÂM NGHIỆP DỊCH VỤ 2. NGÂN HÀNG 2.1 Thời kỳ trước năm 1975 Trước năm 1954, ở Đà Lạt đã thiết lập Chi nhánh Ngân hàng Đông Dương. Bên cạnh Chi nhánh Ngân hàng Đông Dương, Hội Tài chính Việt Nam được thành lập nhằm thực hiện chính sách trợ giúp tài chính cho các chủ đồn điền nhỏ trên cao nguyên Lang Biang. Hoạt động của những cơ quan này chỉ giới hạn trong phạm vi rất hẹp, chủ yếu trợ giúp cho những người Pháp vay tiền vốn để phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển nông trại,… Từ năm 1955 đến năm 1966, ở miền Nam Việt Nam các cơ sở chuyên trách của chính quyền ở cấp trung ương có các cơ quan: Nông Tín Bình dân, Nha Quốc gia Tín dụng, Quốc gia Nông Tín Cuộc, Phủ Tổng uỷ Hợp tác xã và Nông Tín, Trung tâm Khuếch trương Kỹ nghệ. Để đáp ứng được nhu cầu phát triển phù hợp với tình hình thực tế, năm 1967 tổ chức Quốc gia Nông Tín Cuộc bị bãi bỏ và thành lập Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp; năm 1971, Trung tâm Khuếch trương Kỹ nghệ cũng bị bãi bỏ và được thay thế bằng Ngân hàng Phát triển Kỹ nghệ Việt Nam. Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp hoạt động trên địa bàn Đà Lạt – Tuyên Đức được đặt tại số 1 đường Hàm Nghi (nay là đường Nguyễn Văn Trỗi), có chức năng cho nông dân và hợp tác xã vay tiền để cơ giới hóa phương tiện sản xuất, mua phân bón, thuốc trừ sâu bệnh, giống và đầu tư tái sản xuất. Từ năm 1971 đến năm 1975, tại Đà Lạt có thêm một số chi nhánh ngân hàng thương mại như: Chi nhánh Nam Việt Ngân hàng, Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Kỹ nghệ, Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, Chi nhánh Nam Đô Ngân hàng, Chi nhánh Tín Nghĩa Ngân hàng, Chi nhánh Việt Nam Thương Tín và Trung tâm Khuếch trương Xuất cảng. Hoạt động của các chi nhánh ngân hàng nói trên được chia ra làm hai loại hình chính: - Cung cấp những khoản cho vay ngắn hạn hoặc bất thường (như Chi nhánh Nam Việt Ngân hàng); - Cung cấp tín dụng trung hạn và dài hạn (từ 2 năm đến 10 năm) và ưu tiên cho phát triển các ngành kỹ nghệ hoặc những dự án đầu tư mới hay mở rộng cơ sở sản xuất (như Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Kỹ nghệ, Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển); - Cấp tín dụng nhằm mục đích hỗ trợ cho hoạt động xuất cảng hàng hóa ở địa phương. Tuy nhiên, điều kiện vay tại các chi nhánh ngân hàng này tương đối khó khăn, đòi hỏi người vay phải có tài sản bảo đảm hoặc những dự án đầu tư phải mang tính khả thi cao. Trong trường hợp muốn vay được số tiền lớn hơn mức quy định thì thẩm quyền giải quyết thuộc về Tổng Giám đốc Ngân hàng trung ương ở Sài Gòn xem xét phê duyệt. Do đó, các khoản tín dụng được giải ngân trong thời gian này cũng không đáng kể và mục tiêu của các chương trình hỗ trợ cho việc khuếch trương sản xuất kinh doanh không đạt được kết quả mong muốn. 2.2 Thời kỳ từ năm 1975 đến nay Trong giai đoạn 1975 đến 1985, nền kinh tế vận hành theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung bao cấp. Hệ thống ngân hàng của thời kỳ này là loại hình một cấp, Ngân hàng Nhà nước đảm nhận luôn chức năng của các ngân hàng thương mại; hoạt động cho vay rất hạn chế, chủ yếu chỉ giải quyết cho khu vực kinh tế quốc doanh và nhận tiền gởi tiết kiệm của nhân dân thông qua hoạt động của hệ thống Quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa. Bước sang thời kỳ đổi mới từ năm 1986 đến nay, Ngân hàng Nhà nước có chi nhánh ở các tỉnh, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Lâm Đồng có trụ sở đóng tại 42 đường Hồ Tùng Mậu thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng. Đồng thời, để tạo điều kiện cho nền kinh tế nhiều thành phần được vận hành theo cơ chế thị trường, trong thời gian này hệ thống ngân hàng thương mại từng bước được hình thành, có chi nhánh ở các địa phương. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoạt động 3 cấp, từ trung ương đến cấp huyện. Ở Đà Lạt, Chi nhánh Ngân hàng Công Thương đã giải quyết cho sinh viên các trường đại học được vay từ 2 đến 3 triệu đồng với lãi suất từ 0,15 - 0,20% / tháng để chi phí cho việc học tập và thời hạn vay thường phụ thuộc vào thời gian học của sinh viên. Từ năm 2000 đến nay, thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo trên cả nước trong tình hình mới, hệ thống ngân hàng phục vụ người nghèo – Ngân hàng Chính sách xã hội đã ra đời. Về cơ chế hoạt động và tổ chức của ngân hàng này tương tự như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy nhiên, ngoài những đối tượng khách hàng như các ngân hàng khác, Ngân hàng Chính sách xã hội chủ yếu chỉ giải quyết cho cán bộ, công chức, công nhân, viên chức vay để cải thiện điều kiện sinh hoạt gia đình hay sản xuất làm kinh tế phụ và cho những hộ thuộc diện nghèo (đã được ngành thương binh – xã hội địa phương cấp sổ hộ nghèo). Điều kiện cho các đối tượng vừa nêu trên được vay thường dưới hình thức tín chấp và khoản tiền được vay cũng bị giới hạn từ dưới một triệu đến không quá 10 triệu đồng. Trong thời kỳ đổi mới, bên cạnh hoạt động tín dụng của hệ thống ngân hàng do Nhà nước trực tiếp quản lý điều hành, tại Đà Lạt đã hình thành hệ thống các quỹ tín dụng như Chi nhánh Quỹ tín dụng Trung ương khu vực Lâm Đồng, Quỹ tín dụng Liên Phương (phường 8), Quỹ tín dụng Xuân Trường, Quỹ tín dụng phường 12. Ngoài ra, trên địa bàn còn có các chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương, Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Hoa, Ngân hàng phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín,...
|
||
|
|
|
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH
PHỐ ĐÀ LẠT |