NỘI DUNG CHÍNH

Lời giới thiệu

PHẦN THỨ NHẤT : LƯỢC SỬ
TRUYỀN THỐNG ĐẤU TRANH

Chương I:  Lược sử hình thành và phát triển thành phố Đà Lạt

Chương II: Truyền thống đấu tranh cách mạng

PHẦN THỨ HAI : TỰ NHIÊN
VÀ DÂN CƯ

Chương I: Tự nhiên

Chương II: Dân cư

PHẦN THỨ BA : KINH TẾ

Chương I : Nông nghiệp – lâm nghiệp

Chương II :  Du lịch và dịch vụ

Chương III: Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp

Chương IV : Cơ sở hạ tầng kỹ thuật

PHẦN THỨ TƯ : VĂN HÓA XÃ HỘI

Chương I:   Văn học nghệ thuật, thiết chế văn hóa và báo chí

Chương II: Quy hoạch và kiến trúc

Chương III: Y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ

Chương IV: Tín ngưỡng và tôn giáo

TỔNG LUẬN

Niên biểu thành phố Đà Lạt

Danh sách Bà mẹ Việt Nam anh hùng thành phố Đà Lạt

Danh sách các đơn vị được tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”

Danh sách các Bí thư chi bộ, Thành uỷ Đà Lạt qua các thời kỳ

Danh sách các Thị trưởng Đà Lạt (1901-1975)

Danh sách các Chủ tịch Uỷ ban quân quản, Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Lạt

Alexandre Yersin

Về phong cách Đà Lạt

Người Cơ Ho ở Đà Lạt

Đường phố Đà Lạt

Danh mục các ngôi đình ở Đà Lạt

PHẦN THỨ BA

KINH TẾ

CHƯƠNG I:  NÔNG NGHIỆP – LÂM NGHIỆP

DỊCH VỤ

 

3. VẬN CHUYỂN

3.1   Vận chuyển đường bộ

Năm 1914, đoạn đường bộ từ Ma Lâm đến Djiring được thông xe và chiếc ô tô đầu tiên từ Phan Thiết đến được Đà Lạt trong vòng một ngày. Đây là một thời gian kỷ lục vào lúc bấy giờ và là sự kiện có ý nghĩa to lớn cho sự phát triển cao nguyên Lâm Viên trong thời gian sau này.

Năm 1932, đường bộ từ Sài Gòn đi Đà Lạt qua Blao hoàn tất và giao thông rất thuận lợi. Hành khách có thể đi lại giữa Sài Gòn và Đà Lạt chỉ trong vòng 6 giờ bằng ô tô.

Trước năm 1975, vận chuyển đường bộ từ Đà Lạt đến Sài Gòn và Phan Rang do hai hãng xe Minh Trung, Thuận Đức thực hiện, sử dụng các loại xe của hãng Peugeot (Pháp), Ford, Chevrolet (Mỹ), Toyota (Nhật),…

Vận chuyển đường bộ trong thành phố có các phương tiện sau:

-   Xe Renault từ khu Hòa Bình đến Chi Lăng.

-   Xe Lambretta 3 bánh (xe Lam) từ chợ đến nhiều địa điểm trong thành phố. Giá mỗi lần đi từ 15 đến 20 đồng/người, nếu bao xe phải trả 50 đồng/người. Các bến xe lam 3 bánh trong trung tâm thành phố ở góc đường Phan Bội Châu – Hoà Bình, trước Ngân Hàng Phát triển Nông nghiệp đường Hàm Nghi (Nguyễn Văn Trỗi), góc đường Tăng Bạt Hổ – Minh Mạng (Trương Công Định), cạnh khách sạn Thủy Tiên ở góc đường Duy Tân – Trương Vĩnh Ký (3/2 – Nam Kỳ Khởi Nghĩa), cạnh bến xe đò Đà Lạt – Sài Gòn,  Đà Lạt – Nha Trang (bến xe nội thành), đường Nhà Chung (gần Hôtel du Parc).

-   Taxi: Hành khách thường sử dụng xe Peugeot 203 sơn màu trắng và đen. Giá một cuốc taxi ngắn khoảng 100 đồng, cuốc dài khoảng 150 đồng. Lúc đó, taxi thường đậu ở các bến trước số 1 và 40 Khu Hoà Bình, trước khách sạn Mộng Đẹp Chợ Đà Lạt (La Tulipe).

Sau năm 1975, trong thời kỳ bao cấp, kinh tế khó khăn, số lượng các phương tiện vận chuyển không nhiều, xăng dầu thiếu hụt nên hoạt động vận chuyển rất hạn chế.

Trong thời kỳ đổi mới, khối lượng vận chuyển hàng hoá và hành khách trên đường bộ có xu hướng gia tăng. Tổng số phương tiện kinh doanh vận tải của Đà Lạt được thống kê vào cuối năm 1998 là 1.952 xe, trong đó vận chuyển hàng hoá có 496 xe (2.271 tấn trọng tải) và vận chuyển hành khách có 1.456 xe (19.478 ghế).

Số xe kinh doanh vận tải chủ yếu thuộc các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh với tỷ lệ 90%, trong đó hợp tác xã chiếm tỷ lệ 60%. Đà Lạt có 8 hợp tác xã vận tải và 2 doanh nghiệp taxi gồm xe 4 ghế và 12 ghế với số lượng trên 20 xe.

Năm 2003, Đà Lạt có 533 xe ô tô vận chuyển hàng hoá và 1.689 xe vận chuyển hành khách gồm 251 ô tô chở khách, 189 xe 5-14 chỗ ngồi, 29 xe lam, 1.200 xe 2 bánh chở khách và 20 xe thô sơ (ba gác).

Trong thực tế, số phương tiện xuất xứ từ Đà Lạt  cao hơn so với thống kê do một số chủ phương tiện đăng ký phương tiện ở tỉnh khác nhưng vẫn tham gia kinh doanh vận tải tại Đà Lạt.

Vận chuyển hàng hoá

Hàng hoá vận chuyển từ Đà Lạt chủ yếu đi Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ, các tỉnh miền Trung,…  bao gồm các sản phẩm nông lâm nghiệp truyền thống như rau, hoa và lâm sản.

Hàng hoá vận chuyển về Đà Lạt chủ yếu từ Thành phố Hồ Chí Minh bao gồm: lương thực, hàng công nghệ phẩm, hàng kim khí – điện máy, vật liệu xây dựng, phân bón, thuốc trừ sâu,…; hàng hoá vận chuyển từ các tỉnh duyên hải bao gồm: hải sản (cá, tôm), hoa quả (nho, thanh long), nông sản,…; hàng hoá trung chuyển qua cảng Cam Ranh, ga Tháp Chàm bao gồm: xi măng, phân bón, than đá,…

Vận chuyển hành khách

Năm 1998, các tuyến vận chuyển hành khách của  Đà Lạt bao gồm 24 tuyến liên tỉnh, 16 tuyến nội tỉnh và 3 tuyến nội thành:

- 24 tuyến vận chuyển hành khách nối Đà Lạt tới các tỉnh, thành phố trong nước. Tuyến có chiều dài xa nhất là Đà Lạt – Cao Bằng, cự ly trên 1.800km, với số lượng khách khoảng 3.000 người/năm. Tuyến có số lượng khách đông nhất là Đà Lạt – Thành phố Hồ Chí Minh, lượng khách hàng năm khoảng 20 – 25 vạn người.

- 16 tuyến vận chuyển hành khách nối Đà Lạt với các huyện, thị trấn trong tỉnh Lâm Đồng. Tuyến ngắn nhất là Đà Lạt – Lạc Dương dài 12 km có lượng khách 5.000 – 5.500 hành khách/năm; tuyến dài nhất là Đà Lạt – Cát Tiên dài 200km, có 4.000 – 5.000 hành khách/năm.

- 3 tuyến vận chuyển hành khách nối trung tâm Đà Lạt với xã Tà Nung, Xuân Thọ và Xuân Trường.

Năm 1998, Đà Lạt có 2 doanh nghiệp hoạt động taxi với 20 xe. Năm 2007, số doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi gồm có: Hợp tác xã Taxi, Dalattoserco, các công ty trách nhiệm hữu hạn : Bá Thiên, Thắng Lợi 1, Thắng Lợi 5, Kim Long, Mai Linh, Phương Trang, Hoàng Anh Gia Lai.

Các tuyến xe buýt bắt đầu được hình thành từ năm 2006, với tuyến đầu tiên từ Đà Lạt đi Đức Trọng. Năm 2007, số doanh nghiệp kinh doanh vận tải xe buýt gồm 3 đơn vị là Công ty cổ phần vận tải ô tô Lâm Đồng, các công ty trách nhiệm hữu hạn: Thái Hoà và Phương Trang với 79 đầu xe, khai thác các tuyến nội thành và từ Đà Lạt đi Bảo Lộc, Di Linh, Đức Trọng, Đơn Dương, Xuân Trường, Xuân Thọ, Lạc Dương,…

Bến xe

Trên địa bàn thành phố Đà Lạt có bến xe liên tỉnh và nội thành.

Bến xe liên tỉnh nằm ở cuối đường 3 tháng 4, có diện tích 17.800 m2, được xây dựng khá hoàn chỉnh với các cơ sở dịch vụ như trạm xăng, nhà chờ cho khách. Số lượng xe xuất bến bình quân năm 2007 là
350 xe/ngày.

Bến xe nội thành cũ (thường gọi là bến xe Tùng Nghĩa) trước đây đặt tại khu Hoà Bình – Phan Bội Châu, sau năm 1975 đã được chuyển về đường Lê Đại Hành, gần cầu Ông Đạo, có diện tích khoảng 5.000 m2.

Các bến xe hiện do Ban Quản lý bến xe thành phố Đà Lạt quản lý.

3.2   Vận chuyển đường sắt

Vào những năm đầu của thập niên 1930, Đà Lạt đã trở thành một nơi nghỉ mát nổi tiếng của Đông Dương, rất nhiều du khách đã sử dụng đường sắt để đến Đà Lạt. Mỗi chuyến đi cũng là một cuộc du ngoạn  thú vị trên xe lửa hơi nước đi qua những phong cảnh thiên nhiên hoang sơ và rừng núi cao nguyên hùng vĩ. Lúc bấy giờ, đi từ Hà Nội đến Đà Lạt chỉ mất 48 giờ nên du khách đến nghỉ mát ở Đà Lạt rất đông.

Tuy nhiên, tuyến đường được khai thác một cách khó khăn với mật độ tàu lưu thông thấp, do trọng tải đoàn tàu được kéo bởi đầu máy trên đường răng cưa độ dốc 12% không thể vượt quá 65 tấn chiều lên và 55 tấn chiều xuống. Số lượng đầu máy và toa xe  còn rất hạn chế đã không cho phép tăng thêm nhiều hơn những chuyến tàu lưu thông trên tuyến.

Mặc dù vậy, trong thời kỳ đầu, tuyến đường hoạt động đều đặn và đáp ứng được những nhu cầu về vận tải đường sắt của cao nguyên Lang Biang.

Ban đầu, xe lửa vận chuyển một số lượng ít hành khách hạng sang đến Đà Lạt để nghỉ mát. Nhưng chỉ vài năm sau, phần lớn hành khách lại là người Việt Nam lao động sinh sống tại Đà Lạt trong những vườn rau, vườn hoa, đồn điền trà và những trại thử nghiệm của Viện Pasteur (trồng cam, canhkina) dọc theo tuyến đường  sắt.

Năm 1937, mỗi ngày có 2 chuyến tàu đi và đến ga Đà Lạt. Thời gian chạy tàu Tháp Chàm – Đà Lạt với tàu F713 và 2733 là 4 giờ 14 phút và tàu 1731 là 5 giờ. Thời gian chạy tàu Đà Lạt – Tháp Chàm với tàu 1732 là 4 giờ 43 phút và tàu 2736 và F714 là 4 giờ 11 phút.

Vật liệu, thiết bị  vận chuyển đến Đà Lạt bằng đường sắt gia tăng do nhu cầu xây dựng của thành phố. Hàng hoá chiều lên gồm: gạch từ Tháp Chàm và Dran; thép, xi măng, ống nước và thiết bị từ  Sài Gòn. Đà Lạt cũng tiếp nhận  gạo, gia súc, đồ gỗ đã gia công từ vùng đồng bằng.

Hàng hoá vận chuyển chiều ngược lại, xuống đồng bằng gồm: gỗ, chè Cầu Đất, cà phê Fimnom, nhưng khối lượng vận chuyển nhiều nhất vẫn là hoa và rau.

Cao nguyên Lang Biang với điều kiện khí hậu, đất đai, nguồn nước tưới và phân bón dồi dào nên có tiềm năng rất lớn về sản xuất rau hoa và một số loại trái cây ôn đới, không có khu vực nào ở miền Nam có thể so sánh được.

Mặc dù kết quả những năm đầu còn khiêm tốn,  lượng rau chỉ mới cung cấp được 1/30 thị trường Sài Gòn và Chợ Lớn, nhưng sự tăng trưởng  lại rất đáng khích lệ: lượng rau hàng năm vận chuyển đi từ năm 1932 đến 1937 đã tăng từ 300 tấn lên đến 1.200 tấn và lượng hoa gửi đi của năm 1936 và 1937 cũng tăng từ 70 tấn đến 90 tấn.

Tuyến đường sắt Đà Lạt có mức cước phí vận chuyển trung bình rất hợp lý với giá 20 đồng/tấn hàng hoá. Giá vé hành khách hạng tư  rất thấp. Mức thu của các nhà ga năm 1936 và năm 1937 gia tăng 50%, từ  90.000 đồng lên 133.000 đồng.

Khoảng thời gian hoạt động đều đặn của tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt tương đối ngắn do những cuộc chiến tranh nối tiếp nhau sau đó.

Từ năm 1939, thế chiến thứ hai bùng nổ đưa Đông Dương rơi vào sự bất ổn và cũng đánh dấu sự khởi đầu của giai đoạn khó khăn của tuyến đường sắt Đà Lạt. Cuối năm 1943, đường xe lửa Hà Nội – Đà Lạt bị gián đoạn vì máy bay đồng minh oanh tạc phá hủy nhiều đoạn.

Từ năm 1946, việc khai thác tiếp tục được phục hồi và duy trì khá đều đặn. Năm 1946, tuyến đường được bổ sung thêm 4 đầu máy để đáp ứng yêu cầu vận chuyển. Năm 1956 đã có nghiên cứu điện khí hoá tuyến đường này nhưng chưa thực hiện được.

Trong những năm 1950, thỉnh thoảng tuyến đường được sử dụng để vận chuyển gỗ. Từ năm 1964 trở đi, sau khi Mỹ đưa quân ồ ạt vào miền Nam, cuộc kháng chiến trở nên ác liệt hơn, dần dần tuyến đường bị phá hủy một vài đoạn, việc khai thác thưa thớt hơn và sau đó hoàn toàn bị bỏ hoang từ năm 1972.

Sau ngày thống nhất đất nước, tuyến đường sắt Đà Lạt đưa vào vận hành lại được 7 chuyến từ  Đà Lạt đến cầu Tân Mỹ (Ninh Sơn). Đoạn Tháp Chàm – Sông Pha được sửa chữa lần 1 vào năm 1978 và sửa chữa lần 2 vào năm 1985, song cũng không thể đưa vào hoạt động trở lại.

Năm 1990, Công ty đường sắt Thụy Sĩ DFB SA (Dampfbahn Furka - Bergstrecke AG -  Xe lửa hơi nước của tuyến đường núi Furka SA), trong quá trình tìm các đầu máy hơi nước để phục hồi  tuyến đường sắt vùng núi Furka đã mua lại các đầu máy hơi nước HG 4/4 số hiệu 40-304, 40-308 và chuyển về Thụy Sĩ. Sau đó, khung sườn và các bộ phận truyền động cho hệ thống răng cưa của đầu máy 40-306 cũng được thu gom và đưa về Thụy Sĩ vào năm 1997. Được phục hồi và đưa vào hoạt động trở lại, những đầu máy trên là những đầu máy hơi nước mạnh nhất châu Âu hiện nay.

Năm 1991, đoạn cuối của tuyến đường sắt từ Trại Mát đến Đà Lạt đã được Liên hiệp đường sắt Việt Nam (nay là Đường sắt Việt Nam – VNR) khôi phục đưa vào hoạt động để đáp ứng nhu cầu về du lịch.

Đoạn đường được khai thác hiện nay có chiều dài 6,55km, tuy không cạnh tranh được với phương tiện giao thông bằng ô tô, nhưng lại có nhiều ý nghĩa lịch sử, nhắc nhở sự tồn tại và kỳ vọng khôi phục lại một tuyến đường sắt độc đáo đã từng hoạt động 70 năm về trước.

Hiện nay, tại ga Đà Lạt có một đầu máy hơi nước kiểu 131 do Nhật Bản chế tạo năm 1936, một toa chở hàng của Đức sản xuất năm 1930, một xe kiểm tra đường của Nga sản xuất loại D6H và một ô tô ray chạy động cơ  Diesel của Nga sản xuất loại D4H. Toa xe sử dụng loại toa xe khách C với chiều dài 6,5m. Đầu máy 131 thường đậu trưng bày tại ga, nhiệm vụ kéo đoàn tàu du lịch được giao cho ô tô ray D4H.

 

Những chuyến tàu du lịch thường hoạt động quanh năm, vào tất cả các ngày trong tuần từ 8 giờ 30  đến 18 giờ 00, số chuyến phụ thuộc vào số lượng khách. Hàng ngày có 4 chuyến tàu từ Đà Lạt đi Trại Mát và ngược lại. Số lượng hành khách khoảng 12 - 15 khách/chuyến. Lượng khách đặc biệt đông vào mùa lễ, Tết, nghỉ hè; khi đó số chuyến tàu được tăng lên tới 6 chuyến/ ngày để phục vụ nhu cầu tham quan du lịch. Số lượng hành khách năm 2006 là 32.500 lượt người, trong đó có 11.000 lượt khách nước ngoài. Hành trình đi và về du lịch Đà Lạt – Trại Mát kéo dài khoảng một giờ  rưỡi, trong đó thời gian dừng lại tại Trại Mát để tham quan là 40 phút, thời gian chạy tàu mỗi chiều vào khoảng 20 phút.

3.3   Vận chuyển hàng không

Năm 1930, hãng hàng không Pháp Air Orient thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên trên đường bay Marseille - Beyrouth - Sài Gòn bằng máy bay Farman 190. Đến năm 1931, hãng khai trương tuyến đường hàng không thương mại đều đặn Paris - Marseille - Sài Gòn.

Sau đó 3 năm, sân bay Liên Khương đã được đưa vào hoạt động và hình thành tuyến giao thông hàng không nối Đà Lạt – Sài Gòn. Vào thời kỳ đó, đường hàng không chủ yếu phục vụ đưa thư.

Từ 1951 đến 1975, cảng hàng không Liên Khương  được hãng Hàng không Việt Nam (Air Vietnam) hoạt động tại miền Nam, khai thác vận chuyển hàng không thương mại.

Do chiến tranh, phương tiện giao thông đường bộ thường bị gián đoạn nên số lượng hành khách sử dụng đường hàng không tăng lên nhanh chóng. Hàng năm, cảng hàng không Liên Khương đã thực hiện khoảng 1.800 chuyến bay với mục đích dân sự và quân sự.

Năm 1971, hãng Hàng không Việt Nam có các chuyến bay từ Đà Lạt đi Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Pleiku, Kontum, Ban Mê Thuột, Sài Gòn và ngược lại bằng các loại tàu bay thân hẹp bay tầm ngắn: Cessna 170, Douglas DC-3, DC-4,…

Hoạt động vận chuyển hành khách và hàng hoá của sân bay Liên Khương, tuy có khối lượng không lớn so với vận chuyển đường bộ, nhưng có ưu điểm nổi bật của loại hình giao thông hiện đại là thời gian vận chuyển nhanh chóng và hàng hoá ít bị hư hỏng. Hàng năm, sân bay Liên Khương đã vận chuyển bình quân khoảng 20.000 hành khách, 300 – 400 tấn hàng hoá và 80 tấn bưu kiện.

Từ sau ngày 30-4-1975 đến năm 1980, cảng hàng không Liên Khương được Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp quản và điều hành, chủ yếu phục vụ cán bộ lãnh đạo đi công tác và vận chuyển nhân dân từ các tỉnh phía Bắc đi vùng kinh tế mới ở Lâm Đồng.

Từ năm 1980, cảng hàng không Liên Khương được giao cho cho Cụm cảng hàng không Miền Nam quản lý và khai thác các chuyến bay thương mại. Cảng hàng không Liên Khương triển khai hoạt động phục vụ vận chuyển hành khách đường bay Tân Sơn Nhất – Liên Khương với tần suất 1 chuyến/ tuần bằng máy bay Yakolev YAK-40. Tuy nhiên, sau đó đường bay tạm ngưng hoạt động do lượng khách ít.

Tháng 4 năm 1993, Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) được thành lập và là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam.

Từ năm 1992, cảng hàng không Liên Khương  triển khai hoạt động phục vụ vận chuyển hành khách trở lại, ngoài đường bay Tân Sơn Nhất – Liên Khương, thời kỳ này còn mở thêm đường bay Liên Khương – Phú Bài (Huế) và ngược lại,  loại máy bay sử dụng là YAK-40 và sau đó được thay thế bằng máy bay ATR-72.

Ngày 27-5-1996, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam được thành lập, trên cơ sở sáp nhập 20 doanh nghiệp mà Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam là nòng cốt.

Trong giai đoạn 1994 – 2003, cảng hàng không Liên Khương  đã phục vụ 6.255 lần chuyến cất hạ cánh, phục vụ 263.175 lượt hành khách đi đến và vận chuyển 2.071 tấn hàng hoá, hành lý, bưu kiện.

Từ tháng 10 năm 2004,  cảng hàng không Liên Khương  mở thêm đường bay thẳng Liên Khương – Nội Bài (Hà Nội) và ngược lại bằng tàu bay Fokker-70.

Năm 2004, cảng hàng không Liên Khương  đã phục vụ 898 lần chuyến cất hạ cánh, phục vụ 49.226 lượt hành khách đi đến và vận chuyển 474 tấn hàng hoá, hành lý, bưu kiện.

Năm 2005, cảng hàng không Liên Khương  đã phục vụ 1.162 lần chuyến cất hạ cánh, phục vụ 73.872 lượt hành khách đi đến và vận chuyển 746 tấn hàng hoá, hành lý, bưu kiện.

Hiện nay, Hàng không Việt Nam có một chuyến bay hàng ngày từ Tân Sơn Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) đi Liên Khương và ngược lại. Những năm trước đây, tuyến Liên Khương – Nội Bài (Hà Nội) và ngược lại có 4 chuyến/ tuần vào thứ ba, thứ năm, thứ sáu và chủ nhật bằng máy bay Fokker-70, đến nay hàng ngày đều có chuyến bay.

Năm 2006, Bộ Giao thông - Vận tải đã phê duyệt quy hoạch tổng thể cảng hàng không Liên Khương giai đoạn 2015 và định hướng đến 2025. Theo đó, cảng hàng không Liên Khương sẽ được đầu tư  xây dựng thành cảng hàng không đạt cấp 4D (theo phân cấp của ICAO) và sân bay quân sự cấp II, với chức năng sử dụng chung quân sự và dân sự, vận chuyển nội địa và có hoạt động bay quốc tế. 

Diện tích quy hoạch là 340,84 ha. Tổng mức vốn đầu tư trên 1.100 tỷ đồng, trong đó giai đoạn đến 2015 là 485 tỷ đồng và giai đoạn sau đó đến 2025 là 615 tỷ đồng.

Trong tương lai gần, cảng hàng không Liên Khương có thể sẽ tiếp đón thêm những chuyến bay từ những thành phố khác của Việt Nam như Đà Nẵng,… Sân bay đã được nâng cấp theo tiêu chuẩn quốc tế để phục vụ những chuyến bay quốc tế từ Nga, Georgia, Nhật Bản, Singapore và Thái Lan. Khi sân bay được nâng cấp sẽ góp phần giảm giá cước đường hàng không, tạo điều kiện cho xuất khẩu rau hoa của Đà Lạt.

 

 

Về đầu trang

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT
NHÀ XUẤT BẢN TỔNG HỢP TP. HỒ CHÍ MINH
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Thiết kế trang web: Sở KH&CN Lâm Đồng