|
||
PHẦN THỨ BA KINH TẾ CHƯƠNG I: NÔNG NGHIỆP – LÂM NGHIỆP DỊCH VỤ
4. BƯU CHÍNH - VIỄN THÔNG Để phục vụ thông tin liên lạc, nhu cầu nghỉ dưỡng và du lịch của du khách ở Đà Lạt, từ những thập niên đầu thế kỷ trước, người Pháp đã cho xây dựng bưu điện ở thành phố này. Năm 1915, một trạm bưu điện đầu tiên của Đà Lạt được thành lập ở khu vực Đài Phát thanh – Truyền hình Lâm Đồng hiện nay và đến năm 1919 được dời về vị trí mới (16 đường Trần Phú).
Bưu điện Đà Lạt 1919
Trong thời gian này, hoạt động của Bưu điện Đà Lạt là các dịch vụ chuyển tiền, bưu điện và phát hành thư tín. Hoạt động điện thoại, điện tín của Bưu điện Đà Lạt chủ yếu bằng hệ thống hữu tuyến với một tổng đài từ thạch có dung lượng 20 số. Năm 1921, một trạm thu phát sóng vô tuyến được xây dựng ở ngọn đồi ở đường Võ Tánh (nay là đường Bùi Thị Xuân) để liên lạc viễn thông với Sài Gòn và Nha Trang. Về trang bị, ngoài 2 máy phát vô tuyến, đài còn có máy điện báo in chữ Baudot là một trong những loại máy tương đối tân tiến thời bấy giờ. Từ năm 1965 đến năm 1975, để đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc ngày càng tăng, chính quyền cũ đã lắp đặt tổng đài điện thoại Pentaconta PC 1000 với dung lượng 1.000 số và máy thu Morolla; trạm viễn thông Cầu Đất. Trạm viễn thông Cầu Đất (hay còn gọi là đài viễn liên) là một trạm vi ba liên lạc theo phương thức tán xạ tầng đối lưu nằm trong hệ thống thông tin tổng hợp có kết nối với mạng toàn cầu ICS của quân đội Mỹ. Trạm này làm nhiệm vụ liên lạc đường dài cho thông tin quân sự, đồng thời cho phép dân sự sử dụng một số kênh để tổ chức thông tin đường dài. Trong thời gian này, chính quyền cũ cho xây dựng một mạng điện báo trên ngọn đồi gần Trường phổ thông Trung học bán công Nguyễn Du ngày nay, với các thiết bị tương đối hiện đại như LMT-400W và LMT-1000W. Hệ thống này hoạt động theo phương pháp điện báo Morse và Télétip; một máy PC 610 (50W) và một máy phát điện 3 pha hiệu ONAN có công suất 10 kVA. Ngày 19-4-1975, Đà Lạt là một đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, chịu sự quản lý của Khu uỷ Khu VI, các cơ quan của Khu VI đã chuyển từ Phan Thiết lên Đà Lạt. Để phục vụ cho sự chỉ đạo điều hành của chính quyền cách mạng và công tác thông tin liên lạc, Bưu điện Đà Lạt được thành lập. Vào tháng 4-1975, cán bộ chiến sỹ trạm T372 đã tiếp quản, khai thác bưu điện Dran, Cầu Đất (lúc này thuộc huyện Đơn Dương) và bộ phận điện đài của Thị uỷ đã tiếp quản toàn bộ cơ sở vật chất, kỹ thuật của hệ thống thông tin liên lạc của chính quyền cũ tại Đà Lạt. Tháng 1-1976, Đà Lạt trở thành tỉnh lỵ của tỉnh Lâm Đồng, UBND tỉnh Lâm Đồng ra Quyết định số 25/QĐ-UB ngày 8-3-1976 sáp nhập Bưu điện Đà Lạt vào Ty Bưu điện tỉnh Lâm Đồng. Bưu điện Lâm Đồng tiếp quản và đưa vào sử dụng toàn bộ hệ thống bưu cục, điện thoại và điện báo của chính quyền cũ trên địa bàn. Hệ thống bưu điện của thành phố Đà Lạt được tổ chức và củng cố lại, đặt thêm một bưu cục ở khu vực Cầu Đất. Để đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc cho các cấp chính quyền ở Đà Lạt, hệ thống điện thoại, điện báo của Đà Lạt được đầu tư nhiều thiết bị mới; hoạt động của toàn bộ hệ thống là phối hợp nhuần nhuyễn giữa tự động hóa, bán thủ công và thủ công. Về hoạt động bưu chính, Đà Lạt có 2 đường thư liên tỉnh: Đà Lạt – Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Lạt – Nha Trang. Quầy giao dịch ở Đà Lạt, Cầu Đất làm dịch vụ nhận - chuyển thư thường, thư bảo đảm, điện tín, điện thoại, bưu kiện, chuyển tiền,… Phương tiện vận chuyển của dịch vụ bưu chính trong giai đoạn này chủ yếu bằng đường bộ và trong một số trường hợp đặc biệt được vận chuyển bằng đường hàng không. Trong thời kỳ đổi mới, từ năm 1986, Bưu điện Đà Lạt đã được đầu tư để đẩy nhanh tốc độ phát triển các mạng lưới dịch vụ. Vào cuối năm 1992, tại Đà Lạt đã sử dụng mạng truyền dẫn số để phục vụ thông tin nội thành, nội tỉnh và liên tỉnh được thông suốt. Đến tháng 7-1994, ngoài việc duy trì hoạt động của mạng gentex và mạng télex qua tổng đài điện tử T900, Bưu điện Lâm Đồng đã trang bị một tổng đài điện thoại kỹ thuật số EWSD với dung lượng 11.000 số, đồng thời đã đưa vào sử dụng mạng vi ba kỹ thuật số, chuyển kênh khai thác điện báo lên mạng vi ba và cáp quang. Kể từ năm 1996, Bưu điện Lâm Đồng tiếp tục nâng cấp và mở rộng tuyến cáp quang, đưa dịch vụ điện thoại di động và máy nhắn tin vào hoạt động. Chất lượng hoạt động bưu chính và thông tin liên lạc của ngành bưu điện được nâng lên nhiều lần so với trước đây. Hệ thống cáp quang từ Đà Lạt đến các huyện thị xã và 19 bưu cục khu vực trong tỉnh Lâm Đồng đến nay đã được khép kín và có tổng chiều dài hơn 609 km. Để bảo đảm chất lượng hoạt động của mạng viễn thông tiếp phát từ Đà Lạt đến các tỉnh và ngược lại, tuyến vi ba Đà Lạt - Cầu Đất được Tổng Công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam đầu tư nâng cấp xây dựng một tháp ăng ten tại Đà Lạt có độ cao 100m và được khánh thành vào ngày 12-8-1996. Bưu điện Lâm Đồng đã chuyển các thiết bị dịch vụ nhắn tin từ Đà Lạt đến trạm vi ba Cầu Đất và mở rộng phạm vi phủ sóng cho các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh và Lâm Hà, đồng thời đảm nhận việc phủ sóng cho toàn tỉnh Ninh Thuận, đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngành bưu điện tỉnh bạn phát triển. Từ năm 1998, Bưu điện Lâm Đồng đã lắp đặt nhiều thiết bị điện thoại công cộng ở khu trung tâm hoặc mạng điện thoại di động dùng thẻ và đưa dịch vụ Internet vào hoạt động. Đến nay, ngoài việc liên lạc bằng điện thoại hữu tuyến, hầu hết các điểm tham quan du lịch trên địa bàn Đà Lạt đều được phủ sóng điện thoại di động.
Bưu điện Trung tâm thành phố Đà Lạt Từ năm 2007, Bưu điện trung tâm thành phố Đà Lạt (gần Bến xe nội thành - đường Lê Đại Hành) bắt đầu hoạt động, Bưu điện Đà Lạt cũ chuyển thành Bưu cục Trần Phú, Trung tâm Viễn thông Đà Lạt. Đà Lạt còn có các bưu cục: Phan Đình Phùng, Phan Chu Trinh, Mê Linh, Bùi Thị Xuân, Đa Thiện, Đa Thành, Cầu Đất,… trực thuộc Công ty Bưu chính Phát hành Báo chí. |
||
|
|
|
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH
PHỐ ĐÀ LẠT |