|
||
Chương IV CƠ SỞ HẠ TẦNG KỸ THUẬT GIAO THÔNG 2. giao thông hàng không Giao thông hàng không của thành phố Đà Lạt được thực hiện chủ yếu qua cảng hàng không Liên Khương và sân bay Cam Ly. 2.1 Cảng hàng không Liên Khương 2.1.1 Vị trí Cảng hàng không Liên Khương có tên giao dịch tiếng Anh là Lien Khuong Airport, tên viết tắt theo mã AITA: DLI, mã OACI: VVDL; nằm ở toạ độ 11o 45’ 15” vĩ độ bắc và 106o 25’ 09” kinh độ đông, thuộc thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, cách trung tâm thành phố Đà Lạt 28km về phía nam và trung tâm thị trấn Liên Nghĩa 4km về phía bắc. Cao độ cảng hàng không Liên Khương là 962m so với mực nước biển. Đường băng có chiều dài 2.350m với mặt bêtông nhựa.
Ga hàng không Liên Khương Khoảng cách theo đường chim bay từ cảng hàng không Liên Khương đến một số cảng hàng không khác tại Việt Nam là: Liên Khương – Tân Sơn Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh): 214km, Liên Khương – Nội Bài (Hà Nội): 968km. 2.1.2 Quá trình hình thành Giai đoạn trước năm 1954 Sân bay Liên Khương được người Pháp xây dựng trong 3 năm và đưa vào hoạt động vào năm 1933, với một đường hạ cất cánh bằng đất nện cứng dài 700m. Khi đó, sân bay được xếp hạng ba, chỉ đáp ứng cho loại tàu bay nhẹ dưới 2 tấn. Năm 1945, trong thế chiến thứ hai, để đáp ứng nhu cầu chiến tranh, phát xít Nhật đã đã tu bổ sân bay Liên Khương. Đường hạ cất cánh được rải cán đá sử dụng cho tàu bay chiến đấu Zéro. Năm 1947, sân bay được mở rộng hơn và thiết lập đường bay Hà Nội – Đà Lạt vào năm 1948. Năm 1953, Ty Liên lạc Hàng không tại Đà Lạt được thành lập. Tháng 10 năm 1955, Ty này được đặt dưới sự quản trị của Nha Hàng không Dân sự Quốc gia thuộc Bộ Công Chánh. Giai đoạn 1954 – 1975 Năm 1960, sân bay Liên Khương được cải tạo nâng cấp, đường hạ cất cánh được kéo dài 1.480m, rộng 37m, mặt đường băng được tráng nhựa. Sân bay được trang bị đèn MIL và các thiết bị phù trợ không vận giúp cho tàu bay có thể hạ cất cánh vào ban đêm và khi thời tiết xấu. Năm 1961, sân bay Liên Khương được trang bị thêm các thiết bị liên lạc – thu phát thanh mới thay thế các thiết bị cũ, giúp cho việc liên lạc với các tàu bay hạ cất cánh hay bay ngang không phận được hoàn hảo hơn. Đồng thời, chính quyền Sài Gòn đã ban hành những quy định mới về thủ tục an ninh hàng không và quy định những liên lạc trao đổi tin tức giữa sân bay và Trung tâm không lưu tại Sài Gòn nhằm bảo đảm an toàn cho các chuyến bay. Sân bay được sử dụng chung cho các tàu bay dân sự và quân sự. Nhà ga hàng không dân dụng được xây dựng theo kiến trúc nhà 3 tầng, cấp I. Công trình được khánh thành vào ngày 24-2-1961 với công suất 50.000 khách/năm, khoảng 120 hành khách/giờ cao điểm. Những năm 1964 – 1972, toàn bộ đường hạ cất cánh, sân đậu, đường giao thông được tiếp tục nâng cấp, phủ bêtông nhựa dày từ 8 – 10cm và có thể sử dụng cho tàu bay dưới 35 tấn; diện tích sân đỗ tàu bay 23.100m2; đường ô tô có chiều dài 2.100m. Sân bay đảm bảo hạ cất cánh cho những loại tàu bay phản lực cánh quạt Viscount hay những loại tàu bay Douglas DC 3, DC4. Giai đoạn sau 1975 Từ sau ngày 30-4-1975, sân bay Liên Khương được Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp quản và điều hành. Sân bay có khả năng tiếp nhận các loại tàu bay dân dụng thân hẹp, bay tầm ngắn như YAK-40, ATR-72, Fokker-70 (áp suất bánh hơi 8 kg/cm2). Đến năm 1980, cảng hàng không Liên Khương được chuyển giao cho Cụm cảng hàng không miền Nam quản lý. Ngày 2-9-2003, Cụm cảng hàng không miền Nam khởi công thực hiện dự án “Cải tạo mở rộng, nâng cấp đường hạ cất cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay cảng hàng không Liên Khương”. Quy mô đảm bảo khai thác được các loại tàu bay dân dụng thân hẹp, bay tầm ngắn đến trung bình như A-320, A-321 và tương đương, cảng hàng không Liên Khương đạt tiêu chuẩn cấp 4C theo phân cấp của ICAO (Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế : International Civil Aviation Organisation) và sân bay quân sự cấp 2. Ngày 11-8-2006, cảng hàng không Liên Khương đã đưa đường hạ cất cánh mới vào khai thác sử dụng. Hiện tại, cảng hàng không Liên Khương với tổng diện tích đất 160ha, có một đường hạ cất cánh dài 2.350m, rộng 37m; một đường lăn dài 94m, rộng 19m; sân đậu tàu bay có diện tích 23.100m2 với 5 vị trí đậu tàu bay cho tàu bay ATR-72 và Fokker-70; sân đậu ô tô có diện tích 1.478m2. Nhà ga hành khách có diện tích 1.000m2. Trang thiết bị mặt đất có xe nạp điện tàu bay, xe chở khách, xe chở hàng, xe cứu thương, xe cứu hoả. 2.2 Sân bay Cam Ly Sân bay Cam Ly là một sân bay nhỏ trong 4 sân bay của tỉnh Lâm Đồng, có tên giao dịch tiếng Anh là Cam Ly Airport, tên viết tắt theo mã IATA: N/A; mã OACI: VVCL. Sân bay Cam Ly nằm ở độ cao 1505m, có toạ độ 11o56’34” vĩ độ bắc và 108o24’54” kinh độ đông, thuộc phường 5, cách trung tâm thành phố Đà Lạt 3km về phía tây. Phía nam, sân bay Cam Ly tiếp giáp với tỉnh lộ 725 đi Tà Nung; phía đông giáp suối Cam Ly; phía tây và bắc giáp với đồi núi và thung lũng trống. Cao độ sân bay Cam Ly là 1.505m so với mực nước biển. Đường băng theo hướng 10L/28R có chiều dài 1.390m với mặt bêtông nhựa. Trước năm 1975, sân bay Cam Ly là sân bay quân sự của quân đội Mỹ và Sài Gòn. Lúc đó, sân bay còn là một thương cảng xuất rau cho quân đội Mỹ. Sau năm 1975, sân bay Cam Ly là sân bay của Học viện Lục quân, sau đó chuyển giao cho Cụm cảng hàng không miền Nam quản lý. Sân bay Cam Ly được sử dụng chủ yếu làm sân bay quân sự và có thể phục vụ cho các tàu bay nhỏ bao gồm tàu bay thể thao và trực thăng. Hiện nay, sân bay không có chuyến bay thường xuyên theo lịch.
|
||
|
|
|
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH
PHỐ ĐÀ LẠT |