NỘI DUNG CHÍNH

Lời giới thiệu

PHẦN THỨ NHẤT : LƯỢC SỬ
TRUYỀN THỐNG ĐẤU TRANH

Chương I:  Lược sử hình thành và phát triển thành phố Đà Lạt

Chương II: Truyền thống đấu tranh cách mạng

PHẦN THỨ HAI : TỰ NHIÊN
VÀ DÂN CƯ

Chương I: Tự nhiên

Chương II: Dân cư

PHẦN THỨ BA : KINH TẾ

Chương I : Nông nghiệp – lâm nghiệp

Chương II :  Du lịch và dịch vụ

Chương III: Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp

Chương IV : Cơ sở hạ tầng kỹ thuật

PHẦN THỨ TƯ : VĂN HÓA XÃ HỘI

Chương I:   Văn học nghệ thuật, thiết chế văn hóa và báo chí

Chương II: Quy hoạch và kiến trúc

Chương III: Y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ

Chương IV: Tín ngưỡng và tôn giáo

TỔNG LUẬN

Niên biểu thành phố Đà Lạt

Danh sách Bà mẹ Việt Nam anh hùng thành phố Đà Lạt

Danh sách các đơn vị được tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”

Danh sách các Bí thư chi bộ, Thành uỷ Đà Lạt qua các thời kỳ

Danh sách các Thị trưởng Đà Lạt (1901-1975)

Danh sách các Chủ tịch Uỷ ban quân quản, Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Lạt

Alexandre Yersin

Về phong cách Đà Lạt

Người Cơ Ho ở Đà Lạt

Đường phố Đà Lạt

Danh mục các ngôi đình ở Đà Lạt

Chương IV

CƠ SỞ HẠ TẦNG KỸ THUẬT

ĐIỆN LỰC

 

1. quá trình hình thành

1.1 Thời kỳ 1918 – 1928

Năm 1918, nhà máy điện (nhà đèn) đầu tiên của Đà Lạt với công suất 50kW và đường dây hạ thế được xây dựng để cung cấp chủ yếu cho công sở và Khách sạn Hồ (Hôtel du Lac).

Với một loạt công trình mới, nhà máy điện đầu tiên không còn đủ công suất cung cấp, năm 1927, một nhà máy điện mới được khởi công xây dựng nằm trong quy hoạch của Hébrard, và sau hơn một năm thi công, được khánh thành vào năm 1928.

Nhà máy này tọa lạc tại số 118 đường 3 tháng 2 hiện nay, và vẫn còn nguyên số khắc 1928 ở mặt tiền trên cao của nhà máy. Ban đầu, nhà máy có 3 tổ máy hoạt động bằng dầu mazout: tổ máy số 1 có công suất 200kW, điện áp 3,3kV do hãng SIERRA ALSTHOM (Pháp) chế tạo; tổ máy số 2 và số 3: mỗi máy có công suất 400kW, điện áp 3,3kV do hãng WINTERTHUR (Thụy Sĩ) chế tạo.

 

 Nhà máy điện Đà Lạt

Nhà máy ban đầu chỉ có các đường dây 3,3kV cung cấp chủ yếu cho khu công sở và các khách sạn dọc đường Trần Hưng Đạo, Trần Phú hiện nay, khu vực gần nhà máy như trường tiểu học Pháp, bệnh viện,…

1.2 Thời kỳ 1928 - 1954

Năm 1929, nông trại O’Neill ở hạ lưu thác Cam Ly tự thiết kế và thi công một công trình thủy điện gồm một đập nước cao 15m, dày từ 54m đến 65m và hai tổ máy công suất 55Hp và 260Hp, tương đương 40kW và 190kW cung cấp điện cho thắp sáng, bơm nước, ướp lạnh, đóng chai sữa. Đáng tiếc, đến năm 1932, trong một cơn bão mạnh, mưa lớn, nước dâng nhanh trên dòng Cam Ly, đập nước bị phá hỏng và nước cuốn phăng hoàn toàn công trình.

Sự phát triển rất nhanh các công trình và các khu dân cư đòi hỏi các công trình đường dây và trạm điện cũng phải được thi công nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu. Hàng loạt  các đường dây và trạm điện được xây dựng như : Pasteur, Couvent des Oiseaux (Trường Dân tộc Nội trú),  Camp Militaire (Lý Thường Kiệt), Gare (Ga) và trạm nhà máy nước Hồ Than Thở, Joffre (Ngã 5 Đại học), Dragages (Cung Thiếu Nhi), Saint Benoit (Mê Linh), Bellevue (Lê Lai), Decoux (Vạn Kiếp), Nouvelle Usine des Eaux (nhà máy nước hồ Xuân Hương), Tour de Chasse (Hùng Vương), Nha Địa Dư (Cục Bản Đồ), Cầu Quẹo.

Nhà máy thủy điện Ankroët

Năm 1942, Decoux quyết định thi công nhà máy thủy điện Ankroёt theo đồ án quy hoạch của Lagisquet. Đây là nhà máy thủy điện đầu tiên của Việt Nam được khởi công vào tháng 10 năm 1942 và khánh thành vào năm 1945.

 Nhà máy thủy điện Ankroet

Nhà máy thủy điện Ankroёt lúc bấy giờ thuộc quyền quản lý của Sở Công chánh Đông Dương, các hạng mục chính của nhà máy gồm có :

- Hồ đập Đan Kia: Cao trình đỉnh đập đất: 1427m; cao trình đỉnh tràn đập đá: 1421,8m; diện tích lưu vực: 141km2; dung tích hữu dụng: 15,2  x 106m3; đường hầm đáy đập đá đường kính 1,6m, dài 160m với cao trình 1410,8m.

- Hồ đập Ankroët nhận nước từ hồ Dankia và cung cấp cho nhà máy qua đường thủy đạo. Cao trình đỉnh đập đá: 1410,72m; diện tích lưu vực: 145km2; dung tích hữu dụng: 106 m3.

- Thủy đạo bao gồm: đường hầm bêtông cốt thép đường kính 1,6m, dài 482m, cao trình 1406,72m; giếng điều áp bê tông cốt thép đường kính 3,8m; đường ống thép đường kính 1,5m/1,3m, dài 50m; van cầu đường kính 1,3m; đường ống thủy áp bằng thép đường kính 1,3m, dài 182m; nhà máy hầm xả cao trình 1321m.

- Nhà máy có 2 tổ máy  công suất 300 kW/máy do hãng Bell của Mỹ sản xuất.

- Đường dây trung thế gồm: Đường dây 31,5kV, Suối Vàng  - Đơn Dương, dài  44km; đường dây 15kV, Suối Vàng - Đà Lạt (trạm Thi Sách) dài 12km; đường dây 31,5kV, Suối Vàng – Đơn Dương, cung cấp điện cho thị trấn Dran và một số khu vực trên tuyến đường dây đi ngang qua như: Đa Thành, Tùng Lâm, Thánh Mẫu, Trại Mát, Xuân Thọ, Cầu Đất, Trạm Hành; đường dây 15kV Suối Vàng - Đà Lạt cung cấp điện cho nhà Dòng Chúa Cứu Thế, Domaine de Marie và khu vực lân cận.

Quản lý sản xuất điện và bán điện tại Đà Lạt từ năm 1918 thuộc Công ty CEE (Compagnie des eaux et d’électricité de l’Indochine, Công ty Điện Nước Đông Dương). Kể từ năm 1945, việc sản xuất điện và bán điện tại Đà Lạt còn có thêm Sở Công chánh Đông Dương là đơn vị quản lý nhà máy thuỷ điện Ankroët. Sở Công chánh Đông Dương kinh doanh điện các khu vực sau: Đa Thành 1 + Đa Thành 2 (từ cuối đường Hai Bà Trưng đến Suối Vàng); Thánh Mẫu, Trại Mát, Cầu Đất, Trạm Hành, Dran.

1.3 Thời kỳ 1954 – 1975

Đến năm 1956, thành phố Đà Lạt đã được xây dựng và phát triển gần như toàn cảnh năm 1975. Dân số năm 1955 đã đạt 53.390 người, tăng gần gấp 3 lần năm 1948 (18.513 người), nhu cầu sử dụng điện năng từ đó cũng tăng nhanh. Để đáp ứng nhu cầu điện năng sinh hoạt và chuẩn bị cung cấp điện cho công trường xây dựng hồ đập và nhà máy thuỷ điện Đa Nhim, nhà máy điện Đà Lạt và thuỷ điện Ankroët được lắp đặt thêm các tổ máy để tăng cường công suất:

Tại nhà máy điện Đà Lạt, lắp đặt thêm tổ máy CHICAGO do Mỹ sản xuất, công suất 1.250kW, điện áp 3,3kV và vận hành phát điện năm 1957.

Tại nhà máy thuỷ điện Ankroët, lắp đặt thêm 2 tổ máy lớn, công suất 1.250kW, tua bin loại FRANCIS trục ngang hiệu NEYPRIC và máy phát hiệu ALSTHOM do Pháp sản xuất, điện áp máy phát 6,6kV, vận hành phát điện năm 1957.

Đồng thời với việc lắp đặt các tổ máy trên, tiến hành thi công đường dây 31,5kV  Đa Phú - Đà Lạt và nâng cấp đoạn 15kV Suối Vàng - Đa Phú lên 31,5kV để nhà máy điện Đà Lạt hoà điện với nhà máy thuỷ điện Ankroët, tăng công suất chuyển tải cung cấp cho Dran và công trường xây dựng nhà máy thuỷ điện Đa Nhim.

Đoạn đường dây 15kV Đa Phú – Đà Lạt được cải tạo thành 3,3kV để cung cấp điện từ nhà máy điện Đà Lạt đến đường Hai Bà Trưng, Bạch Đằng. Đường dây 31,5kV từ Dran được kéo dài đến đèo Ngoạn Mục xuống công trường xây nhà máy thủy điện Đa Nhim tại chân núi.

Từ năm 1928 đến năm 1968, CEE chỉ quản lý độc nhất 1 cấp điện áp trung thế 3,3kV và 1 cấp điện áp sinh hoạt là 110V.

Đến năm 1957, Sở Công Chánh Đông Dương bàn giao nhà máy thủy điện Ankroёt cho Quốc gia Trùng tu Điện lực cuộc.

Nhà máy thủy điện Đa Nhim

Nhà máy thủy điện Đa Nhim được Nhật Bản viện trợ để bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm đóng Việt Nam năm 1945 và do Liên Hiệp Quốc tổ chức đấu thầu. Một loạt công ty công nghiệp lớn của Nhật Bản tham gia: tư vấn thiết kế: Nippon Koei; hồ đập: Kajima Hazama Gumi; đường ống: Sakai; máy phát: Mitsubishi; tuabin: Toshiba; biến thế chính: Fuji Denki; tủ bảng điện, rơle tự động hoá: Hitachi. Công trình được khởi công xây dựng vào năm 1959, vận hành chính thức 2 tổ máy 1, 2 vào ngày 15-1-1964 và 2 tổ máy 3, 4 vào tháng 12-1964, với tổng công suất 160MW. Đây là nhà máy có công suất lớn nhất nước. Đường dây 230kV để chuyển tải điện về Sài Gòn cũng là đường dây cao thế lớn nhất nước lúc bấy giờ.

Năm 1968, Công Ty CEE hết thời hạn quản lý kinh doanh bàn giao lại cho Quốc gia Trùng tu Điện lực cuộc kinh doanh, hệ thống điện Đà Lạt – Đơn Dương thuộc Trung tâm Điện lực Đà Lạt, trụ sở tại số 118 đường 3 tháng 2 hiện nay.

Sau khi tiếp nhận, Trung tâm Điện lực Đà Lạt phát triển lưới điện 6,6kV, cải tạo dần một số tuyến 3,3kV nâng lên 6,6kV và mở rộng khu vực cấp điện.

Đến năm 1970, Quốc gia Trùng tu Điện lực cuộc giải thể, bàn giao Trung tâm Điện lực Đà Lạt cho Công ty Điện lực Việt Nam (CDV).

Về mặt kỹ thuật, thời gian này bắt đầu áp dụng các kỹ thuật xây dựng lưới điện theo tiêu chuẩn của Mỹ: thay trụ điện bêtông vuông bằng trụ bêtông ly tâm tròn, trạm điện xây kín là trạm treo,… Với kỹ thuật mới này, công tác phát triển đường dây và trạm được thực hiện nhanh chóng hơn.

Đến năm 1973, dự án đường dây 66 kV Đa Nhim - Đà Lạt, Đa Nhim - Tháp Chàm - Cam Ranh hoàn thành. Thành phố Đà Lạt có thêm một nguồn điện lớn là trạm 66kV Đà Lạt tại số 2 đường Hùng Vương, kèm theo trạm là khu văn phòng, cư xá tương đối hoàn chỉnh.

Thông số kỹ thuật của trạm Đà Lạt

Về mặt kỹ thuật, với dung lượng 12.000kVA, điện  áp 66/6,6kV, 6 phát tuyến, trạm Đà Lạt khá hiện đại gồm: máy biến áp 12.000kVA có bộ tự điều áp dưới tải (tự động điều chỉnh điện áp khi đang mang tải); các máy cắt là loại hợp bộ trong thùng kín rất an toàn cho nhân viên thao tác; máy tải ba (power line carrier) liên lạc trực tiếp với cơ quan  điều hành nhà máy Đa Nhim.

Sau khi có trạm Đà Lạt, khu vực 3,3kV phía đông và đông bắc hồ Xuân Hương được nhanh chóng cải tạo lên 6,6kV và phát triển cung cấp điện.

Trong năm 1968,  Hợp tác xã điện khí hóa nông thôn Tuyên Đức được thành lập từ nguồn vốn viện trợ Mỹ và thực hiện kinh doanh điện trên địa bàn tỉnh Tuyên Đức là Thái Phiên, ngoại vi Dran, Tùng Nghĩa, huyện Đức Trọng.

Từ 1970, Trung tâm Điện lực Đà Lạt và nhà máy thuỷ điện Đa Nhim thuộc quyền quản lý của Khu Điện lực Cao Nguyên. Khi trạm 66kV Đà Lạt xây dựng xong, Khu Điện lực Cao Nguyên chuyển văn phòng về trong khuôn viên trạm năm 1973, nay là văn phòng Điện lực Lâm Đồng (2 Hùng Vương, Đà Lạt).

Tại nhà máy điện Đà Lạt, năm 1970, lắp đặt thêm 1 máy phát điện Diesel CATERPILLAR 400kW do Mỹ sản xuất để đáp ứng nhu cầu phụ tải bấy giờ, song tổ máy này hư hỏng ngay từ khi lắp đặt chạy thử. Đến năm 1971, lắp đặt thêm 2 máy SACM của Pháp chạy bằng dầu Diesel công suất 2 x 1.200kW. Hai máy này đặt trên giàn có bánh xe rất tiện dụng để vận chuyển đến nơi cần sử dụng.

Hai máy phát SACM được điều động ra miền Bắc năm 1976. Máy CATERPILLAR bị hư hỏng không vận hành được nên thanh lý cùng với bốn tổ máy đầu tiên vào năm 1993 - 1994 và tháo dỡ tạo mặt bằng sắp xếp cho Phòng Điều độ và Phân xưởng sửa chữa cơ điện.

1.4     Thời kỳ sau năm 1975

Từ tháng 4-1975, chính quyền cách mạng tiếp quản:

-   Nhà máy thuỷ điện Suối Vàng gồm 4 tổ máy, tổng công suất 3.100kW, 2 hồ Đan Kia và Suối Vàng.

-   Nhà máy điện Đà Lạt: 6 tổ máy tổng công suất 4.550kW.

-   Lưới chuyển tải và trung thế 31,5kV: 41km. Lưới trung thế Đà Lạt gồm lưới 6,6kV: 23,02km và lưới 3,3kV: 23,05km. Lưới trung thế Đơn Dương gồm 15kV: 8,13km và 8,6kV: 8,7km.

Sau khi tiếp quản, nhà máy điện Đà Lạt, nhà máy thuỷ điện Suối Vàng (Ankroët) và hệ thống điện vận hành bình thường nên việc cung cấp điện cho Đà Lạt không bị gián đoạn.

SẢN LƯỢNG ĐIỆN NĂM 1975

Đơn vị: kWh

 

Đà Lạt

Đơn Dương

Tỉnh Lâm Đồng

Điện nhận lưới

3.247.042

207.056

3.704.298

Điện thương phẩm

2.231.124

150.340

2.544.455

Khách hàng

6.237

585

9.229

Từ ngày 13-9-1976, Sở Quản lý và Phân phối Điện Lâm Đồng trực tiếp quản lý Trung tâm Điện lực Đà Lạt, Trung Tâm Điện lực Lâm Đồng (Bảo Lộc) và Hợp tác xã Điện hoá nông thôn Tuyên Đức. Bộ máy quản lý lúc đó gồm có: 3 phòng ban thuộc Văn phòng Sở và 2 chi nhánh điện Bảo Lộc và Đức Trọng.

Tuy gặp khó khăn về tài chánh, vật tư ngành điện như dây cáp, trụ điện, thiết bị điện, song với sự cố gắng vượt bậc, ngay trong năm đầu tiên ngành điện lực đã có thêm gần 2.000 khách hàng (11.600 khách hàng năm 1976 so với 9.229 khách hàng năm 1975).

Để tăng cường độ ổn định hệ thống, tháng 4-1978, đường dây 15kV Đà Lạt – Đức Trọng thi công hoàn tất,  liên kết với đường dây 15kV Đơn Dương – Đức Trọng trước đây, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển lưới điện vùng Đức Trọng – Lâm Hà. Đường dây này được cung cấp từ tuyến F6 (6,6kV) của trạm Đà Lạt qua một máy nâng thế 3.000kVA – 6,6/15kV.

Tại Đà Lạt, trong thời gian này nhu cầu tưới tiêu bằng động cơ điện của các hợp tác xã và tập đoàn nông nghiệp tăng rất nhanh, các đường dây trung thế được thi công đến các vùng rau.

Tháng 4-1984, nhà máy nước Đan Kia xây dựng xong bằng vốn viện trợ của Chính phủ Đan Mạch, sử dụng chung nguồn nước từ hồ Đan Kia với nhà máy thuỷ điện Suối Vàng. Nguồn điện của nhà máy nước được cung cấp từ nhà máy thuỷ điện Suối Vàng qua đường dây 6,6kV dài 4,1 km. Từ đó, nhà máy nước Đan Kia trở thành khách hàng lớn nhất của Điện lực Lâm Đồng.

Đến năm 1988, các tuyến trung thế 3,3kV tại Đà Lạt được cải tạo và nâng cấp lên 6,6kV hoàn tất. Điện áp trung thế 3,3kV sau 60 năm vận hành (từ năm 1928) được chính thức xóa bỏ.

Điện bình quân đầu người tăng từ 19,2kWh/người (1976) lên 76kWh/người (1990), tăng 3,96 lần.

Trong năm 1993, tại Đà Lạt cải tạo xong lưới hạ thế 110V lên 220V. Vậy là sau 75 năm sử dụng, điện áp dân dụng 110V được xoá bỏ. Một công trình ảnh hưởng lớn đến sự ổn định cung cấp điện là việc lắp đặt biến áp 12.500kVA – 66/15kV do Công ty Điện lực 2 điều động cho trạm Đà Lạt 1, nâng dung lượng trạm lên gấp đôi và với điện áp 15kV có thể chuyển tải cự ly xa hơn về hướng Trại Mát – Đa Thọ. Công trình này được đóng điện ngày 10-11-1994.

Ngày 12-10-1999, hoàn thành nâng công suất máy số 3 của nhà máy thuỷ điện Suối Vàng từ 300kW lên 1.600kW, hiệu HARBIN do Trung Quốc chế tạo.

Đến tháng 7-2000, Điện lực Lâm Đồng tiếp nhận quản lý đường dây 66kV Đa Nhim – Đà Lạt và trạm Đà Lạt 1 66kV – 22.500kVA – 66/15/6,6kV. Tiếp nhận 2 hạng mục này, tuy có tăng thêm nhiệm vụ công tác quản lý đường dây và trạm cao thế, song lại thuận tiện trong công tác điều độ lưới điện do được lệnh trực tiếp cho Trạm thay vì phải qua Công ty truyền tải điện 4.

Năm 2003, tiến hành nâng cấp đường dây 66kV Đa Nhim – Đà Lạt lên 110kV và đến ngày 15-4-2003, hoàn thành trạm Đà Lạt 1 mới 40MVA–110/22/15kV, với kỹ thuật mới, hệ thống đóng cắt bằng khí SF6 và rơle bảo vệ kỹ thuật số với tổng mức đầu tư 35.799.159.000đ.

Trong năm 2003, hoàn thành dự án cải tạo và phát triển lưới điện thành phố Đà Lạt bằng vốn vay ADB (Ngân hàng Phát triển Châu Á). Đây là 1 trong 3 dự án ngầm hoá đường dây trung thế, trạm phân phối kín hợp bộ và đường dây hạ thế có bọc cách điện ABC trong nội ô 3 thành phố Đà Lạt, Cần Thơ, Biên Hòa.

Dự án được triển khai thực hiện theo Hiệp định số 1585 VIE (SF) ký ngày 25-11-1998 giữa Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) với tổng mức đầu tư 5.675.929 USD từ vốn vay ADB và 78.337.000.000 VNĐ vốn đối ứng trong nước. Dự án được khởi công ngày 16-11-2001 và nghiệm thu đóng điện vận hành ngày 20-4-2003.

Kèm theo dự án, ngành điện còn nhận được các dụng cụ, thiết bị thử nghiệm hiện đại phục vụ công tác kiểm tra vận hành thử nghiệm thiết bị, cáp ngầm trung thế dưới lòng đất. Dự án tại Đà Lạt hoàn thành đóng điện vận hành sớm nhất, Đà Lạt là thành phố đầu tiên trong cả nước có hệ thống điện hiện đại trong nội ô thành phố.

Sau khi vận hành hệ thống mới này, lưới 6,6kV và 15kV tại Đà Lạt được chính thức xoá bỏ, thống nhất cấp trung thế 22kV. Nội ô thành phố không còn đường dây trung thế trần chạy dọc các tuyến phố, các trạm điện cũ và đường dây hạ thế không có bọc, do đó giảm tối thiểu sự cố cho đường dây, thiết bị và con người, tăng mỹ quan đô thị.

Ngày 30-5-2004, đường dây 110kV Đức Trọng – Đà Lạt dài 41km đóng điện vận hành chính thức thuận lợi, linh hoạt cho công tác vận hành điều độ, giảm thời gian mất điện cho thành phố Đà Lạt khi có sự cố đường dây hoặc trung đại tu đường dây 110kV.

Nâng cấp nhà máy thuỷ điện Suối Vàng

Ngày 6-11-2004, tại nhà máy thuỷ điện Suối Vàng đã hoàn thành lắp đặt 2 tổ máy mới hiệu HARBIN, công suất mỗi máy 1.400kW và toàn bộ tủ bảng điện điều khiển bảo vệ của Trung Quốc. Như vậy, toàn bộ các tổ máy cũ của Pháp đã chính thức được thay thế bằng 3 tổ máy HARBIN, với tổng công suất 4.400kW, tăng sản lượng bình quân năm lên 24x106kWh. Tổng mức đầu tư là 36.923.299.000 VNĐ (2.491.000 USD).

Ngoài công tác lắp đặt 2 tổ máy mới, dự án còn bao gồm các hạng mục chính: xử lý trượt nền đường ống áp lực bằng phương pháp neo khối trượt nền đá gốc bằng cáp thép neo và khung bêtông cốt thép; xử lý thoát lũ hạ lưu nhà máy; gia cố các mố neo, mố đỡ; thiết lập và chuẩn hoá hệ thống quan trắc; xây dựng mới phòng điều khiển trung tâm kèm hệ thống đo lường, bảo vệ thiết bị nhà máy.

Chi nhánh Điện lực Đà Lạt thành lập ngày 7-9-2004, chấm dứt tình trạng quản lý chồng chéo, trùng lắp của một số phòng ban thuộc hệ thống Điện lực trên địa bàn Đà Lạt.

TỐC ĐỘ PHÁT TRIỂN ĐIỆN LỰC ( 2000 – 2006)

 

Điện thương phẩm
(106 kWh)

Khách hàng (hộ)

P max (MW)

Lưới trung thế (km)

2000

190,77

51.767

52,6

1.196,2

2006

416,536

183.260

105

2.240,8

Tăng trưởng (%)

218,34

354

200

188,16

 


 

 

Về đầu trang

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT
NHÀ XUẤT BẢN TỔNG HỢP TP. HỒ CHÍ MINH
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Thiết kế trang web: Sở KH&CN Lâm Đồng