|
||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Chương IV CƠ SỞ HẠ TẦNG KỸ THUẬT HỆ THỐNG CẤP THOÁT NƯỚC 2. HỆ THỐNG THOÁT NƯỚC 2.1 Suối Giữa các dãy đồi thấp ở vùng trung tâm và các đỉnh núi cao xung quanh Đà Lạt có các dòng chảy của các suối thượng nguồn sông Đa Nhim, Đạ Đờng, Cam Ly; những dòng sông này là các nhánh chính đổ vào sông Đồng Nai. Nguồn nước của các dòng sông rất lớn trong mùa mưa nhưng lại cạn kiệt trong mùa nắng. Về phía bắc, các con suối chảy theo hướng đông nam - tây bắc và đổ vào hồ Suối Vàng như suối Phước Thành, suối Đa Phú. Phía đông có các con suối nhỏ chảy về sông Đa Nhim, thượng nguồn hồ Đơn Dương. Các con suối phía nam chảy theo hướng đông bắc - tây nam đổ về suối Đạ Tam như suối Datanla, Prenn. Chảy qua trung tâm thành phố là suối Cam Ly có chiều dài 20km trong địa phận Đà Lạt với diện tích lưu vực khoảng 50 km2. Mạng lưới suối nhỏ khá dày với mật độ bình quân 1,2km/km2. Suối Cam Ly bắt nguồn gần một ngọn núi cao ở huyện Lạc Dương, chảy qua các hồ nhân tạo gồm: hồ Than Thở, hồ Mê Linh đến hồ Xuân Hương, sau đó đổ về thác Cam Ly. Trong mùa mưa, lưu lượng nước trung bình lớn nhất vào tháng 9 – 10 từ 2 – 2,5 m3/s. Vào mùa khô các suối gần như cạn kiệt, lưu lượng nước trung bình vào các tháng 2 – 4 từ 80–90 l/s, kiệt nhất vào tháng 3 có khi xuống còn 40 l/s. Việc quy hoạch và xây dựng thành phố đã được thực hiện phần lớn dọc hai bờ suối và theo ý tưởng hình thành các khu chức năng của thành phố dựa vào một chuỗi hồ nhân tạo. 2.2 Hồ Hồ ở Đà Lạt chủ yếu là hồ nhân tạo, phân bố rải rác với số lượng khoảng 16 hồ lớn nhỏ. Một số hồ bị bồi lấp, trở thành vườn trồng rau như hồ Vạn Kiếp, hồ Mê Linh. Các hồ lớn ở Đà Lạt tạo thành các thắng cảnh, điều hoà nguồn nước tưới như hồ Đa Thiện, hồ Than Thở, hồ Tuyền Lâm, hồ Xuân Hương. Hồ Suối Vàng được sử dụng để sản xuất thủy điện. Trước năm 1984, nguồn nước thô để sản xuất nước sạch cho thành phố Đà Lạt được cung cấp từ các hồ Xuân Hương, hồ Chiến Thắng, hồ Than Thở; sau đó nguồn nước chính được cung cấp từ hồ Đan Kia. Hồ Đan Kia và Suối Vàng (Ankroёt) ở phía tây bắc Đà Lạt có ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của cư dân thành phố. DIỆN TÍCH, DUNG TÍCH HỒ
Hồ Than Thở Hồ Than Thở là hồ đầu tiên từ thượng lưu suối Cam Ly và là một thắng cảnh nổi tiếng của Đà Lạt. Hồ có diện tích lưu vực là 5,31km2, diện tích mặt hồ là 5,91ha, dung tích hồ lớn nhất là 350.000m3. Dung tích hồ giảm dần đều đặn do sự lắng đọng của bùn đất bị bào mòn trong lưu vực, hiện nay chỉ còn lại khoảng 130.000m3. Hồ Xuân Hương Hồ Xuân Hương là hồ nhân tạo ở khu vực trung tâm thành phố Đà Lạt. Hồ đầu tiên được hình thành vào năm 1919 sau khi đắp xong đập thứ nhất (từ nhà Thủy Tạ ngày nay đến ngã ba đường Đinh Tiên Hoàng), hồ được mở rộng vào năm 1923 sau khi đắp đập thứ hai; đến năm 1932, bão lớn đã phá hủy hai đập trên. Từ năm 1934 đến năm 1935, một chiếc đập lớn (cầu Ông Đạo) được xây dựng phía dưới hai đập trước kia và đã tạo thành hồ Xuân Hương ngày nay. Hồ Xuân Hương là một thắng cảnh được công nhận di tích lịch sử - văn hoá, cùng với Đồi Cù hình thành một công viên và cũng là hạt nhân của khu trung tâm thành phố, nơi quần tụ các công trình phục vụ du lịch, thương mại, nhà hàng, khu thể thao, các công trình công cộng. Diện tích lưu vực suối Cam Ly tính đến cầu Ông Đạo là 24,5km2, dung tích hồ khi xây dựng năm 1935 là 1,2 triệu m3, diện tích mặt hồ khi xây dựng là 43ha, chiều dài suối đến đập là 8km. Dòng chảy trung bình nhiều năm là 0,7m3/s, tổng lượng nước đến bình quân hàng năm là 22,1 triệu m3. Công trình gồm hồ chứa, xi phông xả lũ, đập đất và cầu giao thông. Cao trình mực nước gia cường là 1478,5m, cao trình mực nước dâng bình thường là 1478,0m. Hồ Xuân Hương bị bồi lắng với tốc độ khá nhanh và nghiêm trọng. Năm 1974, dung tích hồ còn 0,9 triệu m3; đến năm 1997, dung tích hồ chỉ còn 0,72 triệu m3 nước và diện tích mặt hồ là 32ha. Cải tạo hồ Xuân Hương Công trình hồ Xuân Hương đã trải qua nhiều lần sửa chữa; năm 1947, sửa chữa cống xả cát; năm 1953, tu sửa các vết nứt trên kết cấu bêtông; năm 1979, gia cố sân tiêu năng và gia cố 3 đoạn trong 3 cống xi phông 5, 6, 7; năm 1984, nạo vét một phần bồi lắng, gia cố nền xi phông bị xói, gia cố bêtông cốt thép trong các cống xi phông; năm 1990, xây dựng sân tiêu năng bằng bêtông cốt thép. Đợt sửa chữa quy mô nhất được thực hiện vào năm 1998 – 1999, bao gồm 4 hạng mục chính: sửa chữa gia cố công trình xi phông tháo lũ kết hợp với cầu giao thông; nạo vét hồ, khôi phục diện tích mặt nước và dung tích ban đầu của hồ; tôn tạo bờ hồ chống sạt lở, xây dựng các tiểu công viên, cầu ngoạn cảnh; xây dựng 4 hồ lắng ngăn chặn bồi lắng và hạn chế ô nhiễm nguồn nước. 2.3 Hệ thống thoát nước Nhiều khu vực tại Đà Lạt có hệ thống thoát nước sử dụng chung cho nước mưa và nước thải sinh hoạt, mỗi hệ thống bao phủ những lưu vực nhỏ. Nước thoát trong hệ thống cống và mương rãnh thường chạy dọc theo đường giao thông, chảy vào các suối nhỏ, ao hồ và sau đó thoát chung vào các suối chính. Năm 1974, hệ thống thoát nước mưa gồm có 1.095m mương xây gạch, 1.079m cống bê tông Ø800, 383m cống bêtông Ø1000 và 350m cống bêtông Ø150. Năm 2000, Đà Lạt có tổng cộng khoảng 41.700m mương cống các loại, bao gồm: 15.646m mương xây kín, có nắp đan (gạch, đá hộc), 4.628m mương xây hở (gạch, đá hộc), 20.730 mương đất, 3.200m cống tròn bêtông cốt thép (Ø800 và 1.000mm). Cống rãnh thoát nước chỉ được xây dựng trên khoảng 60% tổng chiều dài các tuyến đường phố, nước thải thoát chung với nước mưa trong cùng một hệ thống mương - cống - rãnh. Cùng với sự phát triển đầu tư của hệ thống đường nội thị, hệ thống thoát nước cũng dần dần được xây dựng đầy đủ và kiên cố hơn. Trong thời kỳ đầu hình thành thành phố, hệ thống cống nước thải không được đặt ra như một vấn đề cấp thiết, do việc xây dựng hệ thống này rất khó khăn trong điều kiện địa hình đồi núi nhấp nhô, bị chia cắt, trải rộng và mật độ dân cư còn rất thấp; phương tiện xử lý nước thải phổ biến nhất chỉ là bể tự hoại. Tuy nhiên, khi thành phố phát triển và dân số gia tăng, lượng nước thải không được xử lý đã có nhiều tác động xấu đến môi trường, ô nhiễm nguồn nước và làm giảm vẻ hấp dẫn của cảnh quan. |
||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
|
|
|||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH
PHỐ ĐÀ LẠT |