NỘI DUNG CHÍNH

Lời giới thiệu

PHẦN THỨ NHẤT : LƯỢC SỬ
TRUYỀN THỐNG ĐẤU TRANH

Chương I:  Lược sử hình thành và phát triển thành phố Đà Lạt

Chương II: Truyền thống đấu tranh cách mạng

PHẦN THỨ HAI : TỰ NHIÊN
VÀ DÂN CƯ

Chương I: Tự nhiên

Chương II: Dân cư

PHẦN THỨ BA : KINH TẾ

Chương I : Nông nghiệp – lâm nghiệp

Chương II :  Du lịch và dịch vụ

Chương III: Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp

Chương IV : Cơ sở hạ tầng kỹ thuật

PHẦN THỨ TƯ : VĂN HÓA XÃ HỘI

Chương I:   Văn học nghệ thuật, thiết chế văn hóa và báo chí

Chương II: Quy hoạch và kiến trúc

Chương III: Y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ

Chương IV: Tín ngưỡng và tôn giáo

TỔNG LUẬN

Niên biểu thành phố Đà Lạt

Danh sách Bà mẹ Việt Nam anh hùng thành phố Đà Lạt

Danh sách các đơn vị được tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”

Danh sách các Bí thư chi bộ, Thành uỷ Đà Lạt qua các thời kỳ

Danh sách các Thị trưởng Đà Lạt (1901-1975)

Danh sách các Chủ tịch Uỷ ban quân quản, Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Lạt

Alexandre Yersin

Về phong cách Đà Lạt

Người Cơ Ho ở Đà Lạt

Đường phố Đà Lạt

Danh mục các ngôi đình ở Đà Lạt

PHẦN THỨ BA

KINH TẾ

CHƯƠNG I:  NÔNG NGHIỆP – LÂM NGHIỆP

NÔNG NGHIỆP

 

1.  NÔNG NGHIỆP ĐÀ LẠT QUA CÁC THỜI KỲ

1.1     Thời kỳ trước năm 1954

Trong những năm đầu tiên khai phá vùng đất Đà Lạt, người Pháp đã chú ý đến sản xuất nông nghiệp.

Trạm nông nghiệp đầu tiên được thành lập năm 1897 tại vùng Dankia do ông Jacquet điều khiển, có diện tích 16,67 ha. Trạm đã trồng thử nghiệm nhiều loại rau, quả ôn đới như: măng tây, xà lách, khoai tây, bắp cải, cải bông, a-ti-sô, dâu tây, đậu, hành, cây công nghiệp, cây ăn quả như pom, lê, đào,… các loài hoa như hoa hồng, thược dược, cẩm chướng, hoa tím, marguerite,…

 

 Nông trại Dankia

 

Đến năm 1925, người dân mới bắt đầu trồng rau tại Đà Lạt với diện tích ban đầu chỉ một vài mẫu tây (ha).

Vào khoảng năm 1927 – 1928, ông Nguyễn Thái Hiến chuyển lên Đà Lạt làm giám thị lục lộ. Khi biết ông Nguyễn Thái Hiến tốt nghiệp Trường Canh nông Tuyên Quang, công sứ Đà Lạt đã đem hột giống rau và hoa ở Pháp qua giao cho ông trồng trong vườn công sứ. Vào cuối những năm 1930, ông về Nghệ An đem bà con thân thuộc vào Đà Lạt sinh sống, khai phá rừng hoang, trồng nhiều loại rau, hoa, a-ti-sô, mận, đào,… tại ấp Tân Lạc.

Ngày 31-5-1938, ông Hoàng Trọng Phu đưa 33 người dân từ Hà Đông vào Đà Lạt, hình thành nên ấp Hà Đông và đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển ngành nông nghiệp Đà Lạt. Từ năm 1939 đến năm 1942, ấp Hà Đông đã khai khẩn được 12ha đất nông nghiệp, sản xuất được 120 tấn rau cải các loại.

Năm 1940, ấp Nghệ Tĩnh được thành lập do một số người dân ở Nghệ An và Hà Tĩnh vào lập nghiệp, đây cũng là một trong những vùng sản xuất rau cải sớm nhất ở Đà Lạt.

Từ năm 1942 đến 1945, tiếp tục hình thành các vùng nông nghiệp khác như vùng cây số 4, cây số 6 (nay là vùng Đa Thành).

Từ năm 1948, người dân trồng rau đã biết áp dụng những biện pháp khoa học trong trồng trọt, sử dụng phân bón hoá học, các loại thuốc sát trùng, máy bơm nước,… Nhờ máy bơm nước, diện tích trồng rau tăng nhanh vì tưới được các phần đất trên cao.

Năm 1952, ấp Ánh Sáng được hình thành và sau đó là Vạn Thành, Đa Cát,… Các vùng này đã góp phần mở rộng vùng sản xuất nông nghiệp của Đà Lạt.

Năm 1953, Đà Lạt đã cung ứng cho thị trường được 6.000 tấn rau cải sau khi đáp ứng được nhu cầu của cư dân tại chỗ. Diện tích trồng rau hoa của người dân Đà Lạt đã lên khoảng 360 ha. Nghề trồng rau phát triển đã nuôi sống trên 3.000 gia đình trong 10 khu phố thuộc thị xã Đà Lạt.

1.2      Thời kỳ 1954 - 1975

Từ năm 1954 trở đi là thời kỳ phát triển của ngành sản xuất rau hoa tại Đà Lạt khi có một số đồng bào di cư từ miền Bắc và miền Trung vào lập nghiệp.

Năm 1955, do những biến động về chính trị xã hội, tình hình tiêu thụ rau hoa Đà Lạt bắt đầu suy giảm.

Năm 1956, một cuộc thi rau và hoa tại Đà Lạt được tổ chức để giới thiệu kết quả ứng dụng kỹ thuật nông học vào nghề trồng trọt và khuyến khích phát triển ngành nông nghiệp.

Năm 1956, ấp Đa Thiện được thành lập và trở thành một vùng sản xuất nông nghiệp trù phú và quan trọng của Đà Lạt.

Ngày 23-1-1958, Hợp tác xã Rau Đà Lạt được thành lập theo Quyết định số 144-BKT/HTX và Quyết định ngày 11-2-1958 của Bộ Kinh Tế, được tu chỉnh bằng Quyết định số 38-TV/QĐ ngày 10-12-1959 của Phủ Tổng uỷ Hợp tác xã và Nông tín.

Hợp tác xã rau được hình thành với mục đích bảo vệ quyền lợi của nhà vườn, quyết định giá bán rau và cung cấp vật tư nông nghiệp, loại bỏ giới trung gian thương mại.

Năm 1958, Đà Lạt có 37,1% tổng dân số  sống theo nghề canh nông.

Ngày 21-11-1958, lần đầu tiên Đà Lạt xuất 59 tấn rau sang Singapore.

Năm 1959, Trung tâm Thực nghiệm Rau Hoa Đà Lạt được thành lập để khảo sát và chọn lọc những giống rau hoa, cây ăn trái,… nhập nội có thể trồng trọt được tại Đà Lạt và thực hiện nghiên cứu kỹ thuật canh tác, áp dụng nông cơ, nông cụ, phân bón, thuốc sát trùng,… vào nông nghiệp. Hoạt động của đơn vị này đã cung cấp nhiều giống mới có năng suất cao cho ngành canh tác rau cải. Những giống rau cải như khoai tây, hành tây, tỏi tây,… đã sản xuất được tại Đà Lạt.

Năm 1960, sản lượng rau cung cấp cho thị trường đạt 13.000 tấn và tăng lên 27.352 tấn vào năm 1968 với 639,35 ha đất được sử dụng để canh tác rau cải.

Năm 1969, Đà Lạt có 3.202 gia đình sống bằng nghề làm vườn rẫy (chiếm 26% dân số).

1.3 Thời kỳ sau năm 1975

Năm 1975, sản xuất nông nghiệp Đà Lạt chuyển sang một phương thức sản xuất mới.

Trước 1980, cây rau chiếm một tỷ lệ rất lớn trong tổng diện tích gieo trồng. Sau 1980, do điều kiện vật tư thiết bị hạn chế nên diện tích sản xuất rau giảm xuống chỉ còn một nửa. Diện tích gieo trồng cây rau 2.454 ha năm 1977 giảm còn 1.422 ha năm 1981. Từ năm 1982, diện tích gieo trồng cây rau có tăng nhưng không đáng kể. Ngược lại, diện tích canh tác cây lâu năm gia tăng rất nhanh, nhất là cây cà phê.

Giai đoạn 1986-1995, sản xuất nông nghiệp Đà Lạt đã có những bước chuyển biến mới. Công tác quy hoạch phát triển ngành nông lâm nghiệp được thực hiện đã xây dựng nền tảng cho sự phát triển của ngành nông nghiệp Đà Lạt.

Năm 1994, giá trị sản lượng toàn ngành nông nghiệp đạt 88,5 tỷ đồng, trong đó trồng trọt chiếm 71,7 tỷ đồng, chăn nuôi 16,8 tỷ đồng.

Trong 5 năm 1990-1995,  lượng vật tư cung cấp cho ngành nông nghiệp tương đối đầy đủ và phong phú về chủng loại, cơ sở hạ tầng như điện, thuỷ lợi, giao thông nông thôn được đầu tư đã tạo điều kiện giúp cho sản xuất nông nghiệp phát triển. Bên cạnh đó, công tác ứng dụng khoa học - kỹ thuật được đẩy mạnh, các giống rau cải mới được đưa vào ứng dụng và nhanh chóng mang lại hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp.

Trong thời gian này, một số công ty nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp tại Đà Lạt như Công ty Sinh học hữu cơ, Công ty DAP, Công ty Nông sản,… Năm 1994, Đà Lạt đã xuất khẩu 4.000 tấn rau sang các nước trong khu vực châu Á.

Từ năm 1996, ngành nông lâm nghiệp thành phố Đà Lạt phát triển với mức tăng trưởng hàng năm trên 10%, giá trị sản phẩm nông lâm nghiệp chiếm 18% GDP.

Năm 1997, quy hoạch phát triển nông nghiệp Đà Lạt giai đoạn 1998-2010 đã được thực hiện trên cơ sở đánh giá kết quả 10 năm thực hiện chính sách đổi mới. Ngành trồng trọt đã phát triển theo cả 3 hướng: mở rộng diện  tích,  tăng  vụ,  tăng  năng  suất  và chất  lượng sản phẩm.

Cuối năm 2000, diện tích canh tác cây ngắn ngày trên đất thuần nông tại Đà Lạt gia tăng 141% so với năm 1996. Các tiến bộ kỹ thuật về sản xuất rau theo hướng nông nghiệp tổng hợp, sử dụng các giống cây trồng mới có đặc tính chống chịu với sâu bệnh, áp dụng các chế độ phân bón hợp lý và các biện pháp quản trị dịch hại tổng hợp (IPM) đã làm năng suất và chất lượng nông sản gia tăng. Trong 5 năm 1996-2000, hàng năm vùng rau Đà Lạt đã xuất sang các nước trong khu vực với mức xuất khẩu chiếm 10% sản lượng.

Trên lĩnh vực trồng hoa, năm 2001, diện tích hoa cắt cành đã đạt đến quy mô 508 ha với sản lượng thu hoạch trên 147 triệu cành.


 

TÌNH HÌNH SẢN XUẤT RAU HOA TẠI ĐÀ LẠT

(1996-2005)

 

Năm

Diện tích
gieo trồng rau (ha)

Sản lượng
(tấn)

Diện tích gieo trồng
hoa cắt cành (ha)

Sản lượng
(tấn)

1996

3.902

82.448

174

26

1997

4.819

102.670

242

38

1998

4.984

107.041

253

46

1999

5.231

118.450

286

58

2000

5.520

143.520

453

113

2001

7.810

187.400

508

147

2002

7.638

183.300

630

183

2003

8.490

203.800

788

228

2004

8.723

209.400

930

270

2005

8.521

219.000

1.063

308

 

Các công ty Dalat Hasfarm Agrivina, Bonnie Farm, Rừng Hoa Đà Lạt, Langbiang Farm đã tạo một bước ngoặt trong nghề trồng hoa ở Đà Lạt.

Công ty Dalat Hasfarm Agrivina của Hà Lan bắt đầu hoạt động tại Đà Lạt từ năm 1994. Năm 2005 công ty đã có 34 ha đất sản xuất hoa cắt cành tại phường 8 (25 ha) và Xuân Thọ (9 ha). Với 30 ha nhà kính, công ty đang sản xuất các loại hoa cúc, hoa hồng, cẩm chướng, đồng tiền,… Thị trường tiêu thụ  chủ yếu là Nhật Bản.

Công ty Bonnie Farm của Đài Loan đóng trên địa bàn xã Xuân Trường, cung cấp giống hoa, trồng và xuất khẩu hoa anh thảo (cyclamen), lily, cúc, … sang Đài Loan và Nhật Bản.

Công ty Cổ phần Công nghệ Sinh học  Rừng Hoa Đà Lạt liên kết với nông dân để sản xuất và xuất khẩu hoa arum, cúc, hồng, lily,… sang Nhật Bản, Indonesia, Bỉ.

Công ty TNHH Lang Biang Farm  là một đơn vị doanh nghiệp tư nhân, đã thực hiện đầu tư vào lĩnh vực giống hoa, cung cấp dịch vụ, vật tư ngành hoa.

Trên lĩnh vực sản xuất rau quả các loại đã có nhiều công ty sản xuất rau hình thành tại Đà Lạt: Công ty Nông sản Thực phẩm Lâm Đồng, Công ty TNHH Đồng Vàng (Golden Garden), Công ty TNHH Kim Bằng, Công ty TNHH Bio-Organics, Công ty Rau Nhà Xanh,… Bên cạnh đó còn có một số doanh nghiệp tư nhân hoạt động trên lĩnh vực xuất khẩu rau cải Đà Lạt sang Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc như Doanh nghiệp tư nhân Khánh Cát, Công ty TNHH Mai Nguyên,… với sản lượng xuất khẩu hàng năm đạt đến 15.000 tấn.

Từ năm 2001, sản xuất nông nghiệp Đà Lạt chuyển dịch theo hướng sản xuất nông sản chất lượng cao, phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế với các vùng, miền trong nước và các nước trong khu vực; được xác định là một thế mạnh để tạo việc làm cho lao động nông nghiệp; đồng thời kết hợp chặt chẽ giữa phát triển nông nghiệp với tôn tạo và làm đẹp cảnh quan, môi trường, góp phần phát triển du lịch của thành phố Đà Lạt. Chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng lên, mức độ tồn dư các dư lượng độc hại trong sản phẩm rau thấp hơn ngưỡng cho phép nhiều lần.

Giai đoạn 2001-2005 là giai đoạn nông nghiệp Đà Lạt bắt đầu có những sự thay đổi. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo định hướng ứng dụng công nghệ cao trên các vùng nông nghiệp của Đà Lạt đã hình thành những mô hình kinh tế nông nghiệp có hiệu quả. Các chương trình, dự án đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp được đầu tư trực tiếp vào nông hộ đã góp phần kích thích sản xuất phát triển.

 

 

Về đầu trang

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT
NHÀ XUẤT BẢN TỔNG HỢP TP. HỒ CHÍ MINH
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Thiết kế trang web: Sở KH&CN Lâm Đồng