NỘI DUNG CHÍNH

Lời giới thiệu

PHẦN THỨ NHẤT : LƯỢC SỬ
TRUYỀN THỐNG ĐẤU TRANH

Chương I:  Lược sử hình thành và phát triển thành phố Đà Lạt

Chương II: Truyền thống đấu tranh cách mạng

PHẦN THỨ HAI : TỰ NHIÊN
VÀ DÂN CƯ

Chương I: Tự nhiên

Chương II: Dân cư

PHẦN THỨ BA : KINH TẾ

Chương I : Nông nghiệp – lâm nghiệp

Chương II :  Du lịch và dịch vụ

Chương III: Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp

Chương IV : Cơ sở hạ tầng kỹ thuật

PHẦN THỨ TƯ : VĂN HÓA XÃ HỘI

Chương I:   Văn học nghệ thuật, thiết chế văn hóa và báo chí

Chương II: Quy hoạch và kiến trúc

Chương III: Y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ

Chương IV: Tín ngưỡng và tôn giáo

TỔNG LUẬN

Niên biểu thành phố Đà Lạt

Danh sách Bà mẹ Việt Nam anh hùng thành phố Đà Lạt

Danh sách các đơn vị được tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”

Danh sách các Bí thư chi bộ, Thành uỷ Đà Lạt qua các thời kỳ

Danh sách các Thị trưởng Đà Lạt (1901-1975)

Danh sách các Chủ tịch Uỷ ban quân quản, Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Lạt

Alexandre Yersin

Về phong cách Đà Lạt

Người Cơ Ho ở Đà Lạt

Đường phố Đà Lạt

Danh mục các ngôi đình ở Đà Lạt

CHƯƠNG III

CÔNG NGHIỆP VÀ TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP

 

1.     KHÁI QUÁT VỀ CÔNG NGHIỆP VÀ TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP ĐÀ LẠT

Các ngành nghề thủ công nghiệp của cư dân bản địa Đà Lạt ngày xưa chủ yếu đáp ứng cho hoạt động sản xuất nông nghiệp và một số nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống. Đó là các nghề rèn, khai thác rừng, dệt, đan lát.

Do việc tiếp xúc, giao lưu với người Chăm và người Kinh nên một số cư dân người bản địa đã sản xuất ra sản phẩm hàng hóa để mua bán, trao đổi. Sản phẩm thủ công nghiệp được cải tiến về mặt chất lượng, hình thức. Các sản phẩm đan cói: chiếu, mũ, túi đựng... được trao đổi và buôn bán khắp nơi. Kỹ thuật đan khá sắc sảo, các hoa văn hình học trang trí có giá trị thẩm mỹ cao. Chiếu Lạch bền, gấp không bị gãy, đẹp bởi sự mềm mại, hoa văn thanh nhã nhưng rất nổi.

Những ngành nghề mang tính chất công nghiệp được hình thành ở Đà Lạt trong giai đoạn này hầu như không có gì ngoài lò gạch ngói đầu tiên được thành lập năm 1942 để phục vụ cho công việc xây cất. Ngành nghề tiểu thủ công nghiệp khá phát triển ở thị xã Đà Lạt trong những năm 50 của thế kỷ XX là nghề rang xay cà phê. Năm 1956, cơ sở Sứ Thiên Nhiên được thành lập tại Trại Mát.

Theo số liệu thống kê, từ năm 1959-1965, số tiền mà Quốc gia Nông tín Cuộc cho vay để sản xuất tiểu thủ công nghệ ở cao nguyên chỉ chiếm trung bình 1,8% tổng số cho vay tất cả các ngành.

Sau 1975, tại Đà Lạt, các công ty, xí nghiệp có vị trí quan trọng đối với nền kinh tế địa phương đều do tỉnh và các ngành thuộc tỉnh quản lý như Công ty Khoáng sản Lâm Đồng, Xí nghiệp Dược, Xí nghiệp In Lâm Đồng, Xí nghiệp Sửa chữa ô tô, Nhà máy nước Lâm Đồng, Xí nghiệp Rượu Đà Lạt, Xí nghiệp Sứ Đà Lạt, Nhà máy chè Cầu Đất, Nhà máy Sứ Thiên Nhiên,... Ngoài ra, còn có các đơn vị khác do các bộ, ngành trung ương quản lý như Xí nghiệp In bản đồ, Phân viện Vaccin, Xí nghiệp Dược liệu Dược phẩm, … 

Các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp do thành phố Đà Lạt trực tiếp quản lý gồm có Xí nghiệp May xuất khẩu, Xí nghiệp Phân bón Đà Lạt, Xí nghiệp Sản xuất chế biến gỗ, Xí nghiệp liên doanh Chế biến atisô. Các cơ sở tiểu thủ công nghiệp do phường và Phòng Công nghiệp thành phố Đà Lạt quản lý được tổ chức thành Liên hiệp xã tiểu thủ công nghiệp.

Trong thời gian này, hoạt động của ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp Đà Lạt bắt đầu phát triển với nhiều ngành nghề cũ được khôi phục và mở thêm các ngành nghề mới. Đặc biệt, hoạt động của các cơ sở cá thể sản xuất tiểu thủ công nghiệp được tổ chức thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, tổ sản xuất như Hợp tác xã Bình Minh sản xuất mộc gia dụng, Hợp tác xã Ánh Sáng làm hàng mỹ nghệ bằng gỗ, Hợp tác xã Anh Đào ngành đan, Hợp tác xã Cao Nguyên sản xuất các sản phẩm thủy tinh, Hợp tác xã Lam Sơn sản xuất thử nghiệm ván ép bán thành phẩm, Tổ hợp tác Liên Hiệp làm nông cụ, sản phẩm bằng tôn, sắt tây, Tổ hợp tác Hồng Ngọc làm hàng thêu, ... là những đơn vị kinh tế tập thể ban đầu về công nghiệp phát triển khá ở Đà Lạt.

Năm 1984, ngành tiểu thủ công nghệ Đà Lạt có 9 hợp tác xã, 27 tổ hợp tác sản xuất tiểu thủ công nghiệp với hơn 1.000 lao động. Đến năm 1986, đã phát triển thành 12 hợp tác xã và 35 tổ hợp tác, 1 cửa hàng Liên hiệp xã, 15 quầy bán với gần 3.000 lao động, trong đó có 3 đơn vị là Hợp tác xã  Bình Minh, Hợp tác xã Ánh Sáng và Hợp tác xã Lam Sơn được công nhận là hợp tác xã bậc cao của tỉnh. Đến năm 1988 toàn ngành có trên 50 đơn vị kinh tế tập thể, gần 600 hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp chuyên nghiệp, trong đó có nhiều hộ cá thể có quy mô tương đối lớn như Ngọc Mai, Thanh Hương, Phong Lan, Da Đà Lạt, Thân Hữu với tổng số lao động trên 5.000 người, chưa kể đến khu vực tiểu thủ công nghiệp không chuyên.

Các sản phẩm đáng kể trong thời kỳ này là các ngành hàng chế biến lâm sản các loại, đặc sản nông nghiệp, sành sứ thủy tinh, cơ  khí, hóa chất, đan thêu, may mặc, tinh dầu và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác. Thị trường tiêu thụ các sản phẩm đã mở rộng hơn, ngoài các địa phương trong nước còn xuất được ra một số nước khác ở châu Âu, trong đó quan trọng nhất là thị trường Liên Xô với các sản phẩm xuất khẩu quan trọng như chè đen, gỗ, sản phẩm may, đan, tinh dầu xá xị, hương nhu, một số mặt hàng thủ công mỹ nghệ bằng gỗ bạch tùng,... Những mặt hàng tiêu thụ trong địa phương và một số tỉnh bạn như chè, cà phê, cao lanh, các sản phẩm mộc, rượu mùi các loại, nước chấm,...

Sau 1986, các doanh nghiệp quốc doanh chế biến chè, đan len… hầu như mất dần các thị trường truyền thống. Các hợp tác xã, tổ hợp tác tiểu thủ công nghiệp hầu như không hoạt động, các HTX Thông Xanh, Ánh Sáng, 8/3,… gần như đóng cửa do không đủ nguyên liệu. Năm 1989, Liên hiệp xã tiểu thủ công nghiệp giải thể.

Trong giai đoạn 1991- 2000, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp phát triển chậm, tỷ trọng liên tục giảm từ 13,3% năm 1991 xuống còn 11,65% năm 1995. Hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tập trung vào các ngành khai thác đá xây dựng, chế biến bánh kẹo, rượu bia, đan thêu xuất khẩu,… Năm 1998, Đà Lạt có 754 cơ sở hoạt động  (tăng 127% so với năm 1990), giải quyết được 4.158 lao động, trong đó có trên 3.000 lao động tham gia sản xuất gia công trong ngành đan len.

Năm 2001, trên địa bàn thành phố Đà Lạt có 896 đơn vị hoạt động trên lĩnh vực công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, trong đó có 1 đơn vị quốc doanh trung ương, 8 đơn vị quốc doanh địa phương, 3 đơn vị kinh tế tập thể, 8 đơn vị kinh tế tư nhân, 860 cơ sở hộ cá thể, 8 cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài. Mức tăng trưởng đạt 10,6 %/năm.

Đến thời điểm tháng 12-2006, các cơ sở hoạt động trên lĩnh vực công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp giảm còn 749 đơn vị.

Trong thời gian này, hoạt động công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của Đà Lạt chủ yếu tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, trong đó ngành sản xuất thực phẩm - đồ uống và ngành sản xuất trang phục chiếm tỷ lệ cao.

SỐ CƠ SỞ SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP VÀ TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP
TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT (2001-2006)
 

Năm

2001

2002

2003

2004

2005

2006

Quốc doanh trung ương

1

2

1

1

2

1

Quốc doanh địa phương

8

9

8

8

6

7

Tập thể

3

3

3

4

3

3

Tư nhân

8

23

24

36

40

40

Cá thể

860

798

704

728

720

688

Vốn đầu tư nước ngoài

8

4

5

5

5

5

Tổng số

888

839

745

782

776

744

Năm 2006, hoạt động công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Lạt đã thu hút 8.519 lao động, ngành công nghiệp chế biến sử dụng 74,8% lao động, tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực sản xuất thực phẩm và đồ uống, dệt, may.

Tổng giá trị ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp tạo ra năm 2006 (tính theo giá thực tế) đạt đến 1.021 tỉ đồng, tăng 2,28 lần so với năm 2003. Ngành công nghiệp chế biến đạt mức 729,8 tỉ đồng với sản phẩm thực phẩm và đồ uống chiếm 599,2 tỉ đồng.

 

 

Về đầu trang

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT
NHÀ XUẤT BẢN TỔNG HỢP TP. HỒ CHÍ MINH
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Thiết kế trang web: Sở KH&CN Lâm Đồng