|
||
CHƯƠNG III Y TẾ, GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO, KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Y TẾ 2. THỜI KỲ 1945 – 1954Sau khi cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại Đà Lạt thành công, Uỷ ban Nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Lâm Viên đã nhanh chóng tiếp quản toàn bộ các cơ sở y tế, bệnh viện và đội ngũ nhân viên chuyên môn; cử một số y sỹ, bác sỹ phụ trách bệnh viện Đà Lạt, đồng thời đảm nhiệm công tác y tế toàn tỉnh. Nhiệm vụ chủ yếu lúc này là khám chữa bệnh cho nhân dân và tập trung cấp cứu những thương binh, nạn nhân trong các trận đánh với quân đội Nhật. Chính quyền thành lập một Ban Hồng thập tự chuyên lo đào tạo nhân viên cứu thương để bổ sung cho đội ngũ cán bộ y tế. Lớp huấn luyện cứu thương đầu tiên gồm 20 người. Mỗi đội viên đội cứu thương có nhiệm vụ đi theo các đơn vị vũ trang để chăm lo sức khoẻ, cấp cứu tại chỗ và tổ chức di chuyển thương binh về tuyến sau. Tháng 10-1945, Pháp tái chiếm Đà Lạt. Để phù hợp với tình hình thực tế nên đội cứu thương được chia nhỏ cho dễ hoạt động. Các cơ quan đoàn thể và phần lớn nhân dân Đà Lạt tản cư xuống Cầu Đất, Ninh Thuận, Bình Thuận. Đến tháng 2-1946, các phòng tuyến của lực lượng cách mạng ở Trại Mát, Dran bị vỡ, các đơn vị vũ trang, các đội cứu thương cùng với thương binh phải rút về Ninh Thuận. Đầu năm 1946, một trạm xá được thành lập tại Đá Trắng để chăm sóc thương bệnh binh Đà Lạt. Bác sỹ Nguyễn Phán ở bệnh viện Đà Lạt đã cùng đi với trạm xá, mang theo một số thuốc men, dụng cụ y tế. Khi địch tái chiếm Nam Bộ, một số y bác sỹ của các bệnh viện ở Biên Hoà, trên đường tản cư, cũng tự nguyện nhập vào trạm xá phục vụ một thời gian. Sau đó, họ quay về lại Nam Bộ. Trạm xá gặp nhiều khó khăn, thiếu thuốc men, nhân viên y tế, nhưng được sự ủng hộ của đồng bào Ninh Thuận, cái Tết đầu tiên trong kháng chiến đã được tổ chức ấm cúng, nói lên nghĩa đồng bào, tình quân dân cá nước. Tháng 10-1950, Liên Khu uỷ Khu V quyết định sáp nhập 2 tỉnh Lâm Viên và Đồng Nai Thượng, thành lập tỉnh Lâm Đồng. Hoạt động y tế cách mạng trong giai đoạn này được tổ chức chủ yếu ở 2 khu vực sau: - Ở Đà Lạt, trong thời gian từ 1951 đến 1954, Thị uỷ Đà Lạt đã thành lập một bệnh xá dã chiến do ông Cửu - y tá phụ trách bệnh xá có nhiệm vụ cấp cứu điều trị cho thương binh ở Đà Lạt và toàn bộ khu vực Tây Bắc của tỉnh Lâm Đồng. Nhiệm vụ của bệnh xá cũng được mở rộng hơn, vừa lo công tác cấp cứu, điều trị vừa chăm lo đào tạo cán bộ để đáp ứng nhu cầu của cuộc kháng chiến. - Ở chiến khu Lê Hồng Phong (khu vực hai xã Hồng Phong và Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận), thành lập 1 bệnh xá để chăm sóc sức khỏe, điều trị cấp cứu cho thương bệnh binh ở chiến khu và các chiến trường đưa về. Trong chiến khu và các vùng giáp ranh vùng địch kiểm soát, đời sống của cán bộ, chiến sỹ hết sức khó khăn, thiếu lương thực, thiếu thuốc men nên không ngăn được bệnh dịch như ghẻ lở, tê phù, sốt rét và các vết thương do chiến tranh bị tái phát. Trong thời gian kháng chiến chống Pháp việc cung cấp y cụ, thuốc men do bộ phận kinh tài chịu trách nhiệm. Ngoài ra, do tình hình thiếu thốn nên các đơn vị tự lo thuốc men bằng các nguồn dược liệu sẵn có tại chỗ hoặc liên hệ với các cơ sở y tế trong vùng tạm chiếm để có thêm nguồn thuốc và y cụ. Trong tháng 2-1946, khi mặt trận Trại Mát - Dran bị vỡ, kho thuốc do ta thu được của Nhật được chuyển xuống Ninh Thuận để sử dụng. Tuy địch kiểm soát chặt chẽ nhưng các cán bộ, chiến sỹ của ta vẫn tìm cách gặp gỡ anh em công nhân, nhân dân để tuyên truyền mọi người ủng hộ và tham gia kháng chiến. Các công nhân ở Nha Địa dư, ở khách sạn Cercle (nay là khu vực nhà số 2 đường Nguyễn Du - Đà Lạt) đã lấy súng và thuốc chữa bệnh đưa ra chiến khu và nhiều cơ sở đã bí mật cung cấp thuốc men, lương thực cho kháng chiến. * Sau năm 1945, quan chức, sỹ quan và binh lính người Pháp lên Đà Lạt nghỉ dưỡng, điều trị làm cho cơ sở vật chất ngày càng được tu bổ nhiều hơn. Bệnh viện tiếp tục được nâng cấp và công việc quản lý điều hành vẫn do các bác sỹ người Pháp đảm nhiệm. Giai đoạn từ sau Cách mạng tháng Tám, bác sỹ Pilo được bổ nhiệm làm quản đốc bệnh viện Đà Lạt.
Bệnh viện Đà Lạt (1948) Năm 1951, bác sỹ Adolf Sohier mở một dưỡng đường tại số 1 đường Thống Nhất (nay là Khách sạn Du lịch Công Đoàn Đà Lạt, số 1 đường Yersin) và một phòng mạch tại số 70 đường Minh Mạng (nay là đường Trương Công Định). Tại phòng mạch ông chỉ khám bệnh, kê đơn mà không bán thuốc. Lúc này đã có một số phòng khám tư của bác sỹ người Việt. Người dân Đà Lạt thường biết đến các bác sỹ Đào Huy Hách, Phạm Trọng Lương, Nguyễn Hữu Phiếm... Một số nhà hộ sinh tư như các nhà hộ sinh Tôn Thất Chí, Trương Thị Lập ở đường Phan Đình Phùng (nay là Nhà hộ sinh Thành phố), một số cô mụ hương thôn làm nhiệm vụ hộ sản cho các sản phụ ở các vùng lân cận Trại Mát, Xuân Thọ, Cầu Đất,... Các cơ sở Âu dược cũng xuất hiện trong giai đoạn này, nhiều nhà thuốc Tây hay trữ dược Âu - Mỹ được thành lập rất sớm: Pharmacie Saint Benoit (nay ở đường Chi Lăng), Pharmacie du Langbian của dược sỹ Hoàng Hy Tuần ở số 32 Place du Marché (nay là khu Hòa Bình ),… Cùng với sự phát triển Tây y tại Đà Lạt, các nhà thuốc theo y học cổ truyền xuất hiện khá sớm. Có thể đề cập một vài hiệu thuốc quen thuộc như: Thế An Đường (hiệu thuốc Con Cua), Từ Bồi Xuân, Hoài Đức Dược Phòng, Vạn Sanh Đường , Thầy Tàu (Trại Mát), Thầy Sáu (ông Bùi Thế Lộc ở Xuân Trường),…
|
||
|
|
|
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH
PHỐ ĐÀ LẠT |