NỘI DUNG CHÍNH

Lời giới thiệu

PHẦN THỨ NHẤT : LƯỢC SỬ
TRUYỀN THỐNG ĐẤU TRANH

Chương I:  Lược sử hình thành và phát triển thành phố Đà Lạt

Chương II: Truyền thống đấu tranh cách mạng

PHẦN THỨ HAI : TỰ NHIÊN
VÀ DÂN CƯ

Chương I: Tự nhiên

Chương II: Dân cư

PHẦN THỨ BA : KINH TẾ

Chương I : Nông nghiệp – lâm nghiệp

Chương II :  Du lịch và dịch vụ

Chương III: Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp

Chương IV : Cơ sở hạ tầng kỹ thuật

PHẦN THỨ TƯ : VĂN HÓA XÃ HỘI

Chương I:   Văn học nghệ thuật, thiết chế văn hóa và báo chí

Chương II: Quy hoạch và kiến trúc

Chương III: Y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ

Chương IV: Tín ngưỡng và tôn giáo

TỔNG LUẬN

Niên biểu thành phố Đà Lạt

Danh sách Bà mẹ Việt Nam anh hùng thành phố Đà Lạt

Danh sách các đơn vị được tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”

Danh sách các Bí thư chi bộ, Thành uỷ Đà Lạt qua các thời kỳ

Danh sách các Thị trưởng Đà Lạt (1901-1975)

Danh sách các Chủ tịch Uỷ ban quân quản, Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Lạt

Alexandre Yersin

Về phong cách Đà Lạt

Người Cơ Ho ở Đà Lạt

Đường phố Đà Lạt

Danh mục các ngôi đình ở Đà Lạt

CHƯƠNG III

Y TẾ,  GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO, KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

 

Y TẾ

 

3. THỜI KỲ 1954 – 1975

Tháng 8-1961, Tỉnh ủy Tuyên Đức được thành lập, công tác y tế chỉ có 1 y sĩ vừa lo công tác y tế, vừa kiêm nhiệm công tác quản trị cơ quan Tỉnh ủy. Đến năm 1962, bệnh xá ở Kon Đú (Lạc Dương) được thành lập để chăm sóc thương binh do một y sĩ phụ trách.

Năm 1965, Ban Dân y tỉnh được thành lập do một bác sỹ phụ trách. Năm 1966, thành lập một bệnh xá đặt tại căn cứ phía Nam địa bàn huyện Đức Trọng do một y sĩ phụ trách và có 3 y tá cùng với 2 bảo vệ. Đến năm 1967, Trung ương chi viện thêm 3 bác sỹ, bệnh xá được bổ sung gồm 20 cán bộ chuyên môn, hậu cần, bảo vệ.

Cũng trong năm 1967, Ban Dân y tỉnh được củng cố, số cán bộ được bổ sung thêm có 3 bác sỹ, 2 y sĩ, 1 dược sỹ, 1 y tá. Ban Dân y đã được tổ chức sắp xếp lại và thành lập các  bệnh xá ở thị xã Đà Lạt và các huyện:

-  Bệnh xá X1 (Bệnh xá tiền phương) đóng tại rừng Trầm, sau Tết Mậu Thân di chuyển lên núi Hòn Nga và bệnh xá này được giải thể năm 1968.

-  Bệnh xá X2 (Bệnh xá hậu cứ) đóng tại căn cứ Đức Trọng, tiếp nhận các thương binh, bệnh binh của Đà Lạt, Đức Trọng và lực lượng vũ trang của tỉnh.

-  Bệnh xá X3 đóng ở căn cứ Đơn Dương, chủ yếu tiếp nhận thương binh của huyện Đơn Dương và một phần thương bệnh binh của Đà Lạt.

-  Bệnh xá X4 (Bệnh xá căn cứ) đóng tại Lạc Dương, tiếp nhận thương binh của huyện Lạc Dương và một phần thương bệnh binh của Đà Lạt.

-  Bệnh xá B57 là bệnh xá dã chiến thuộc thị xã Đà Lạt đóng gần Hố Bèo (nay là khu vực xã Tà Nung) chủ yếu tiếp nhận thương binh nhẹ điều trị ngắn ngày, các thương binh nặng thì chuyển về các bệnh xá X2 hoặc X3.

Ngoài việc khám chữa bệnh, cứu thương, Ban Dân y tỉnh còn tổ chức in ấn các tài liệu, các toa thuốc chữa bệnh thông thường, sản xuất một số thuốc chữa bệnh từ các nguồn dược liệu tại chỗ như vỏ cây canh ki na (quinquina) hoặc cây thuốc Nam rất hiệu quả.

Ngoài các bác sỹ, y sĩ được Trung ương chi viện, Ban Dân y ở thị xã Đà Lạt còn đào tạo, huấn luyện được các cán bộ chuyên môn, các y tá để lo thuốc men, phục vụ cho các đội công tác, các đơn vị giao liên và các bệnh xá.

Trong giai đoạn này, hoạt động y tế gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn song đã có những đóng góp rất lớn lao. Đội ngũ cán bộ y tế trong vùng giải phóng đã chịu nhiều hy sinh, vượt qua nhiều gian khổ, hiểm nguy, hết lòng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

*

Sau Hiệp định Genève, một số bác sỹ cùng nữ tu người Pháp vẫn còn tiếp tục làm việc tại bệnh viện Đà Lạt và ở một vài bệnh viện tư. Sau khi thực dân Pháp rút khỏi Việt Nam, bệnh viện Đà Lạt không còn phân chia khu điều trị riêng cho từng đối tượng và công việc quản lý điều hành do người Việt đảm nhiệm.

Lúc đầu bệnh viện Đà Lạt do một bác sỹ làm quản đốc và đến năm 1965 được phát triển thành một Trung tâm y tế toàn khoa trực thuộc Bộ Y tế do một bác sỹ làm giám đốc. Với quy mô về cơ sở vật chất,  trang thiết bị cùng đội ngũ thầy thuốc, nhân viên phục vụ tương đối đầy đủ,  Trung tâm Y tế toàn khoa Đà Lạt lúc bấy giờ là nơi tiếp nhận, chữa trị bệnh cho nhiều  cư dân trong tỉnh Tuyên Đức và thị xã Đà Lạt.             

Năm 1960, Ty Y tế tỉnh Tuyên Đức được thành lập, trụ sở đặt tại số 2  Calmette (nay là số 2 Phạm Ngọc Thạch). Ty này có nhiệm vụ trông coi về tình hình y tế, dịch tễ trên địa bàn thị xã Đà Lạt và các chi y tế ở các quận Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng.

Cũng trong năm 1960, Trung tâm Phục hồi Chức năng do tổ chức “Terre des hommes” là một tổ chức từ thiện phi chính phủ do Cộng hòa Liên bang Đức viện trợ được thành lập tại số 2 Trần Bình Trọng có nhiệm vụ sản xuất chân tay giả cho những người bị tàn tật. Đến cuối những năm 1960 làng SOS được thành lập để thu nhận và nuôi dưỡng những trẻ em mồ côi không nơi nương tựa. Trong giai đoạn này, Ty Vệ sinh Đà Lạt được thành lập để quản lý công tác vệ sinh dịch tễ trên địa bàn thị xã Đà Lạt và tỉnh Tuyên Đức. 

Đối với những cơ sở khám chữa trị bệnh tư nhân của người Pháp ở Đà Lạt lúc này chỉ còn một cơ sở của bác sỹ Sohier với  phương tiện và chất lượng khám chữa bệnh khá tốt. Bác sỹ Sohier tiếp tục hành nghề tại dưỡng đường của ông cho đến năm 1967 thì trở về Pháp. Bác sỹ người Pháp cuối cùng rời khỏi bệnh viện Đà Lạt để trở về Pháp vào năm 1968 là bác sỹ  Richard.

Một số bệnh viện, phòng khám bệnh tư đã hình thành : cơ sở của BS Hoàng Ngọc Đính tại số 3 Hải Thượng, phòng khám bệnh của BS Đào Huy Hách tại số 47 đường Minh Mạng (nay là đường Trương Công Định), BS Phan Lạc Giản tại khu Hòa Bình,  BS Đinh Đại Kha tại số 70 đường Minh Mạng (nay là đường Trương Công Định), BS Trần Văn Thọ tại số 16 đường Cường Để (nay là đường Nguyễn Văn Cừ), BS Nguyễn Đình Thiều và Nguyễn Ngọc Diệp tại đường Hàm Nghi (nay là đường Nguyễn Văn Trỗi), BS Hoàng Khiêm tại đường Phan Đình Phùng, BS Bùi Khắc Thực tại số 12 đường Nguyễn Trường Tộ (nay là đường Hồ Tùng Mậu).

Do yếu tố thổ nhưỡng của vùng cao nguyên Lang Biang,  phần lớn cư dân Đà Lạt thường mắc các bệnh về răng,  các phòng khám, điều trị về răng được phát triển khá nhanh: các nha sỹ Võ Thị Sâm, Nguyễn Văn Trình, Kim Khuê tại Khu Hòa Bình, Minh  Đa tại số 33 đường Duy Tân (nay là đường 3 tháng 2), Nguyễn Bá Khuê tại đường Minh Mạng, phòng răng Nguyễn Văn Nghi tại đường Minh Mạng,…

Trong việc hộ sản, các nhà hộ sinh tư trên địa bàn Đà Lạt tiếp tục hoạt động, thu hút nhiều sản phụ: nhà bảo sanh Trương Thị Lập, Tôn Thất Chí, Thu Anh ở đường Phan Đình Phùng.

Các nhà thuốc Tây, trữ dược Âu Mỹ phát triển  khá mạnh và được mở rộng ở khắp địa bàn dân cư: Pharmacie Nguyễn Văn An (36 khu Hòa Bình), Pharmacie Đà Lạt (3 khu Hòa Bình), Pharmacie Hàm Nghi (8 đường Hàm Nghi), Pharmacie Duy Tân (35 đường Duy Tân), Pharmacie Diên Hương (3 đường Cường Để), Pharmacie Nguyễn Duy Quang (72 đường Minh Mạng), Pharmacie Lâm Viên (195 đường Phan Đình Phùng), Pharmacie Nguyễn Văn Hưng ở Cầu Đất, Pharmacie Hoàng Phương ở Trại Mát,…

Hệ thống các nhà thuốc Đông y cũng phát triển và thu hút được nhiều bệnh nhân. Có thể kể đến những cơ sở có quy mô tương đối lớn như Thế An Đường (nhãn hiệu Con Cua) ở chợ Đà Lạt và đầu đường Duy Tân, Nghĩa Hòa, Huỳnh Tế, Ngô Như Khương ở đường Phan Đình Phùng, Thiên Sinh Đường ở đường Phan Bội Châu, Tân Tế Dân ở Trại Mát,...

Ngoài ra còn có một số cửa hiệu y dược dân tộc gia truyền như  Lê Quốc Tháo (khu Hòa Bình), Nguyễn Thành Xương (đường Nguyễn Văn Trỗi) hoặc chuyên chữa trị bong gân, gãy xương của các võ sư tiêu biểu như ông Sáu Trọng, ông Lê Văn Luyện ở Đà Lạt, ông Tám Trách, ông Hai Sang ở Xuân Thọ,…

 

 

Về đầu trang

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT
NHÀ XUẤT BẢN TỔNG HỢP TP. HỒ CHÍ MINH
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Thiết kế trang web: Sở KH&CN Lâm Đồng