|
||
CHƯƠNG III Y TẾ, GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO, KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Y TẾ 4. THỜI KỲ SAU NĂM 1975 4.1 Giai đoạn tiếp quản Ngày 3-4-1975, Đà Lạt được giải phóng. Đến ngày 4-4-1975, hệ thống các cơ sở y tế được tiếp quản gồm có Ty Y tế tỉnh Tuyên Đức - Đà Lạt, Trung tâm Y tế toàn khoa Đà Lạt, Trung tâm Terre des hommes, làng SOS, Viện Pasteur Đà Lạt, một bệnh viện tư, một phòng khám bệnh tư nhân và một nhà hộ sinh tư. Vào thời điểm tiếp quản, cơ sở vật chất, nhà cửa, trang bị dụng cụ, máy móc y tế còn thiếu thốn, một số đã cũ kỹ lạc hậu. Lúc bấy giờ, Trung tâm Y tế toàn khoa Đà Lạt có khoảng 370 giường bệnh với 126 nhân viên. 4.2 Hoạt động y tế trên địa bàn thành phố Đà Lạt 4.2.1 Các cơ sở y tế tuyến tỉnh Các cơ sở y tế tuyến tỉnh trên địa bàn thành phố Đà Lạt gồm có: - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng . - Bệnh viện Y học cổ truyền Phạm Ngọc Thạch. - Bệnh xá H.32 thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Lâm Đồng. - Viện điều dưỡng và phục hồi chức năng. - Trung tâm y tế dự phòng. - Trung tâm phòng chống bệnh xã hội. - Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản. - Trung tâm Kiểm nghiệm Dược phẩm – Mỹ phẩm. - Công ty cổ phần Dược - Vật tư y tế. - Trung tâm truyền thông giáo dục sức khoẻ. Ngoài ra còn có các tổ chức về hoạt động đào tạo, hoạt động khoa học và các tổ chức xã hội khác như: Trường Trung học Y tế, Hội đồng Giám định Y khoa, Hội đồng Pháp y, Hội Y học cổ truyền, Hội Chữ thập đỏ, Hội Y - Dược,... 4.2.2 Các cơ quan y tế thuộc thành phố Đà LạtCác cơ quan y tế thuộc thành phố Đà Lạt trong năm 1975-1976 gồm có y tế 3 khu phố, 6 trạm y tế. Năm 1977, thành lập Phòng Y tế thành phố Đà Lạt, Đội vệ sinh phòng dịch, Nhà hộ sinh khu vực, Phòng khám đa khoa khu vực I với 59 cán bộ, nhân viên. Đến nay mạng lưới y tế trên địa bàn thành phố tiếp tục phát triển, hiện có 22 cơ sở, trong đó tuyến thành phố có 7 cơ sở và tuyến phường xã có 15 cơ sở. - Tuyến thành phố gồm có Văn phòng Trung tâm Y tế, Nhà hộ sinh thành phố, Đội bảo vệ sức khỏe bà mẹ - trẻ em và kế hoạch hóa gia đình, Phòng khám đa khoa khu vực I được nâng cấp thành Phòng khám đa khoa trung tâm, 2 phòng khám đa khoa khu vực (Khu vực II ở Trại Mát, Khu vực III ở Xuân Trường) và Đội y tế dự phòng. Các cơ sở y tế thuộc tuyến thành phố có tổng cộng 60 giường.
- Tuyến phường xã gồm có 15 trạm y tế, trong đó vẫn tiếp tục duy trì hoạt động của 3 phân trạm trực thuộc đã có và thành lập thêm 1 phân trạm Phát Chi (xã Xuân Trường) với tổng số 50 giường, đảm bảo được yêu cầu khám, chữa bệnh hoặc sơ cấp cứu. Phòng Y tế là cơ quan giúp UBND thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động của các cơ sở y tế trên địa bàn. Về chuyên môn, các cơ sở chịu sự quản lý của Trung tâm Y tế Đà Lạt. Phòng khám đa khoa trung tâm đã được trang bị phương tiện hiện đại như máy X quang, máy siêu âm, máy xét nghiệm, một số thiết bị chuyên dùng khác. Riêng các phòng khám khu vực II và III được trang bị những phương tiện cần thiết để bảo đảm thực hiện chức năng khám chữa bệnh tại chỗ ở tuyến cơ sở. Đến nay, tất cả các trạm y tế trên địa bàn đều được bố trí bác sỹ và nữ hộ sinh, đồng thời được trang bị đầy đủ phương tiện thiết yếu để bảo đảm cho việc khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân. Tại các thôn vùng dân tộc ít người đã có nhân viên y tế thôn chăm lo sức khoẻ nhân dân. Về nhân lực, đội ngũ cán bộ y tế của thành phố Đà Lạt không ngừng phát triển về chất lượng và số lượng. Mạng lưới y tế trên toàn địa bàn đến nay đã có 174 cán bộ nhân viên. Về trình độ chuyên môn phân theo bậc đào tạo gồm 40 bác sỹ, 1 dược sỹ đại học, 15 điều dưỡng trung học, 16 y sỹ y học dân tộc, 2 dược sỹ trung học, 1 xét nghiệm viên trung học, 37 nữ hộ sinh trung học, 30 y sỹ đa khoa, 3 y tá sơ học, 3 nữ hộ sinh sơ học, 2 cử nhân sinh học, 6 y sỹ sản nhi, 18 nhân viên khác. Nếu tính cả số cán bộ y tế tuyến tỉnh và thành phố, trên địa bàn Đà Lạt có 982 người, chia ra ngành y 694 người và ngành dược 288 người. Y tế dự phòng Công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn trong nhiều năm qua đã được khống chế một cách chủ động. Trung tâm y tế thành phố đã thường xuyên tổ chức kiểm tra vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh lao động, vệ sinh thực phẩm ở các cơ sở sản xuất, vệ sinh học đường đối với các trường học và dịch vụ để đảm bảo an toàn lao động và sức khoẻ cho nhân dân. Ngành y tế đã phối hợp với cuộc vận động xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư để tuyên truyền lồng ghép các nội dung về phòng chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường, giữ gìn sức khoẻ cộng đồng. Thành phố đã không để xảy ra dịch bệnh như dịch hạch, sốt rét,… hạn chế được ngộ độc thực phẩm, chủ động phối hợp các ngành có liên quan triển khai nhiều đợt phòng chống dịch cúm gia cầm, cúm A H5N1 ở người, dịch lở mồm long móng ở đàn gia súc, tạo ý thức về vệ sinh môi trường, khuyến khích việc phát triển sản xuất rau sạch và chế biến thực phẩm hợp vệ sinh. Tuy nhiên, do các điều kiện thời tiết hoặc thiếu ý thức phòng dịch bệnh của một bộ phận dân cư nên các bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp,… cần tiếp tục quan tâm. Ngành y tế triển khai tốt các chương trình mục tiêu y tế quốc gia : - Phòng chống sốt rét: Duy trì tốt phòng chống sốt rét ở 1 xã và 4 thôn. Ngăn chặn không để dịch sốt rét diễn ra. Bệnh nhân sốt rét giảm mạnh, không có trường hợp bệnh nhân sốt rét ác tính và tử vong do sốt rét. - Phòng chống lao: Chương trình lao đã làm giảm tỷ lệ người mắc bệnh, đã khám phát hiện 1.544 người. Quản lý điều trị được 101 người, chữa khỏi cho 53 người. - Loại trừ bệnh phong: Đà Lạt là một trong những đơn vị đạt tiêu chuẩn thanh toán loại trừ bệnh phong đầu tiên trên quy mô cấp tỉnh do Bộ Y tế kiểm tra công nhận. Tính đến nay số bệnh nhân được quản lý chăm sóc phục hồi tàn phế là 15 người và thông qua các hoạt động chủ động hoặc tiếp xúc đã khám được 22.264 lượt người; không có bệnh nhân phong mới. - Phòng chống bướu cổ: Công tác khám bướu cổ thường được lồng ghép trong công tác khám chữa bệnh hàng ngày tại các cơ sở điều trị và trong những đợt khám quản lý sức khỏe định kỳ. Tỷ lệ dùng muối i-ốt trong nhân dân đạt 100%. - Phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em : Tổ chức quản lý và theo dõi trẻ em trong độ tuổi trên địa bàn thành phố, lập biểu đồ tăng trưởng và cân hàng tháng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, đối với trẻ từ 3 đến dưới 5 tuổi mỗi năm được cân 2 lần. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng hàng năm đều giảm so năm trước. Đến nay tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn địa bàn chỉ còn 11,5%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ chung của toàn tỉnh và cả nước. - Chương trình tiêm chủng mở rộng : Việc thực hiện tiêm chủng mở rộng cho trẻ em trong độ tuổi và phụ nữ có thai được quan tâm đúng mức và đạt hiệu quả cao, tỷ lệ trẻ em dưới một tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt 99%. Không có trẻ em bị mắc 7 bệnh truyền nhiễm của chương trình. - Bảo vệ sức khoẻ cộng đồng: Bên cạnh các chương trình mục tiêu nêu trên, ngành y tế thành phố còn duy trì công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần tại nhà với 244 bệnh nhân, chủ động tập huấn công tác phòng chống HIV/AIDS cho cán bộ chủ chốt ở phường xã. Phối hợp với các ngành chức năng vận động tuyên truyền và tư vấn chăm sóc sức khỏe cho những trường hợp đã bị lây nhiễm. Toàn thành phố có 177 trường hợp nhiễm HIV, đã chuyển sang giai đoạn AIDS 90 trường hợp và chết do AIDS 87 trường hợp. Các chương trình y tế khác Chương trình y tế học đường được duy trì thực hiện theo kế hoạch liên ngành giáo dục - y tế. Học sinh các bậc học mầm non, tiểu học được chú trọng về phòng chống suy dinh dưỡng , chăm sóc răng miệng qua việc cân đo, súc miệng bằng Fluor, khám nhổ răng. Chương trình giáo dục sức khoẻ, an toàn trong sinh hoạt đời sống cũng đã được phối hợp để giảng dạy nội ngoại khóa tại trường học. Ngoài ra, trẻ em trong độ tuổi còn được cho uống Vitamin A, tiêm vắc-xin viêm gan B, chẩn đoán và điều trị bằng kháng sinh theo quy định của chương trình ARI, cấp phát ORS và tuyên truyền rộng rãi về phòng chống các bệnh đường ruột, ngộ độc thực phẩm. Duy trì tốt các hoạt động của chương trình phục hồi chức năng – dịch vụ cộng đồng. Số người khuyết tật được quản lý là 1.016 người, số người khuyết tật có khả năng phục hồi được đưa vào chương trình 295 người, hàng tháng có cán bộ y tế giám sát và hướng dẫn bệnh nhân luyện tập. Chương trình phòng chống tai nạn thương tích và chiến dịch an toàn vẫn được duy trì, triển khai. Công tác khám chữa bệnh Trên địa bàn thành phố Đà Lạt việc khám chữa bệnh được thực hiện từ các cơ sở của thành phố, của tỉnh và các dịch vụ y tế tư nhân. Đối với tuyến thành phố, mạng lưới y tế của thành phố đã trải rộng khắp địa bàn. Đội ngũ cán bộ, công chức thuộc ngành y tế Đà Lạt thực hiện khá tốt 12 điều quy định về y đức, tạo được sự tin tưởng của nhân dân trong việc khám chữa bệnh. So với chỉ tiêu kế hoạch, số bệnh nhân đến khám bệnh điều trị luôn đạt và vượt chỉ tiêu được giao. Việc khám chữa bệnh khá đa dạng như khám chữa bệnh theo thẻ bảo hiểm y tế, khám quản lý sức khoẻ học sinh, điều trị miễn phí cho đồng bào dân tộc và người nghèo, khám nghĩa vụ quân sự, khám sức khoẻ cho lao động trong độ tuổi. Qua việc khám chữa bệnh đã phát hiện giải quyết tốt các trường hợp cấp cứu, chuyển viện, giải quyết an toàn trong thai sản, bảo đảm được sức khoẻ cho nhân dân và cộng đồng. Đối với tuyến tỉnh, trên địa bàn thành phố có 3 bệnh viện: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng, Bệnh viện Y học cổ truyền Phạm Ngọc Thạch và Bệnh viện điều dưỡng và phục hồi chức năng. Ngay sau giải phóng, Trung tâm y tế toàn khoa được đổi thành Bệnh viện thành phố Đà Lạt với quy mô 300 giường và có 126 nhân viên. Vào tháng 11-1975, Bệnh viện thành phố Đà Lạt được nhập thêm Bệnh viện cán bộ (3 Hải Thượng) thành Bệnh viện Đà Lạt. Đến tháng 4-1976, khi tỉnh Lâm Đồng được thành lập, Bệnh viện Đà Lạt được chọn làm bệnh viện của tỉnh và được đổi tên thành Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Lâm Đồng. Đến nay Bệnh viện có quy mô 400 giường bệnh, 29 khoa phòng, gần 500 cán bộ công nhân viên, được trang bị nhiều máy móc hiện đại để phục vụ chẩn đoán và chữa trị bệnh. Bệnh viện Đa khoa tỉnh là tuyến điều trị đầu ngành của tỉnh có đủ cán bộ và phương tiện để điều trị, cấp cứu, giải phẩu cho các bệnh nhân nặng, thực hiện các phẫu thuật lớn. Bệnh viện Y học cổ truyền của tỉnh được thành lập năm 1986 tại đường Cô Bắc. Năm 1993, Bệnh viện mang tên Bệnh viện Y học cổ truyền Phạm Ngọc Thạch. Năm 1998, bệnh viện được nhận thêm cơ sở 21 đường Quang Trung, đã đầu tư cải tạo nâng cấp thành cơ sở chính của Bệnh viện Y học cổ truyền Lâm Đồng. Bệnh viện hiện có 7 khoa với 170 giường, đội ngũ cán bộ chuyên khoa và các trang thiết bị hiện đại của một bệnh viện tuyến tỉnh, với nhiệm vụ khám chữa bệnh bằng các phương pháp y học cổ truyền kết hợp các phương pháp y học hiện đại. Viện Điều dưỡng được thành lập năm 1988 nhằm chăm sóc sức khoẻ cho cán bộ trong tỉnh thuộc đối tượng chính sách, cán bộ hưu trí. Năm 1990, được sự giúp đỡ của Uỷ ban điều tra hậu quả chất độc da cam (gọi tắt là Uỷ ban 10 - 90), Sở Y tế tiếp nhận cơ sở 32 đường Nguyễn Du để thành lập Trung tâm phục hồi chức năng trẻ em dị tật với sự giúp đỡ của Làng Hòa Bình Quốc tế Cộng hòa Liên bang Đức, do đó Trung tâm còn có tên là Làng Hòa Bình Đà Lạt. Trung tâm đã góp phần đáng kể vào việc chăm sóc sức khoẻ và phục hồi chức năng cho trẻ em dưới 15 tuổi bị khuyết tật. Sau đó, hai cơ quan trên đã được sáp nhập thành Bệnh viện điều dưỡng và phục hồi chức năng với tổng số 60 giường phục vụ bệnh nhân. Hệ thống y - dược, dịch vụ y tế tư nhân là một tuyến quan trọng trong nhu cầu khám, chữa bệnh. Các cá nhân được cấp phép hành nghề hiện nay ở Đà Lạt có 272 cơ sở, trong đó có 144 cơ sở Tây y, 43 cơ sở Đông y, 85 cơ sở Dược. Đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa họcNăm 1977, Trường Sơ cấp Y tế được thành lập tại Bảo Lộc, đào tạo y tá. Đến tháng 9 năm 1978, Trường được nâng cấp thành Trường Trung cấp Y tế và dời về Đà Lạt, đặt tại số 6B đường Ngô Quyền cho đến nay. Trường có nhiệm vụ đào tạo cán bộ trung sơ cấp y tế bổ sung cho các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh. Hiện nay trường đào tạo cán bộ y tế có trình độ trung học, sơ học gồm các ngành: y sỹ đa khoa, y sỹ y học dân tộc, y tá sơ học, điều dưỡng viên trung học, nữ hộ sinh trung học, dược tá sơ học, dược sỹ trung học và nhân viên y tế thôn bản, đồng thời đang trình đề án để nâng cấp thành trường cao đẳng y tế. Hàng năm ngành y tế đều tổ chức các hội nghị khoa học, khuyến khích cán bộ tham gia nghiên cứu. Các đề tài tập trung vào điều tra cơ bản tình hình sức khoẻ, bệnh tật, điều tra phân loại các loài thực vật, động vật trên toàn tỉnh Lâm Đồng làm nguyên liệu cho việc điều chế các loại dược phẩm, tổng kết ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phục vụ công tác phòng chống, khám chữa trị bệnh cho nhân dân. Dược và Vật tư y tế Hệ thống sản xuất, phân phối thuốc trên địa bàn đã sớm được hình thành, ngày càng được củng cố và hoàn thiện: Công ty Dược phẩm được thành lập năm 1976; Công ty Dược liệu, Trại Dược liệu Cam Ly và Trạm Nghiên cứu Dược liệu được thành lập năm 1977. Trạm Kiểm nghiệm Dược phẩm, Xí nghiệp Dược phẩm được thành lập năm 1978. Sau đó, Xí nghiệp Dược phẩm sáp nhập với Công ty Dược phẩm. Năm 1982, Công ty Dược phẩm, Công ty Dược liệu, Trạm Nghiên cứu Dược liệu được sáp nhập thành Xí nghiệp Liên hiệp Dược Lâm Đồng. Đến năm 1992, Công ty Dược - Vật tư y tế được thành lập, là doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm thu mua, nuôi trồng dược liệu, sản xuất kinh doanh thuốc, vật tư y tế trên địa bàn toàn tỉnh. Đến năm 1999, Công ty được chuyển đổi sang công ty cổ phần, Công ty sản xuất 30 mặt hàng thuốc, trong đó có 24 mặt hàng được Bộ Y tế kiểm tra và cho phép lưu hành trong cả nước như trà túi lọc hoà tan, hoàn a-ti-sô, cao ích mẫu, cao a-ti-sô, rượu canh-ki-na, Cynaraphytol, Paracetamol 325, Vitamin B1 và B6, …. Trên địa bàn Đà Lạt còn có Công ty Vắc-xin Pasteur Đà Lạt đã có những chế phẩm được phép lưu hành như các loại vắc-xin thương hàn, dại, viêm gan B, viêm não,... và tổ chức sản xuất một số chế phẩm sinh học như thuốc trị tiêu chảy Biosubtyl, Enzymbiosub (EBS), men vi sinh nuôi tôm cá, Alivac sản phẩm trợ tiêu hóa cho cá, trà linh chi, trà a-ti-sô, Dalat Mac.Do đặc điểm khí hậu và thổ nhưỡng của Đà Lạt, ngành y tế đã xác định công tác nuôi trồng và khai thác dược liệu là nhiệm vụ hàng đầu. Đến nay đã phát hiện được 890 loài cây thuốc thuộc 590 chi, 176 họ thực vật và hơn 60 loài động vật được dùng làm thuốc.Hai cây đặc sản thế mạnh của Đà Lạt là cây a-ti-sô (artichaut) và cây canh-ki-na (quinquina) trồng trên diện tích lớn. Mặt hàng của hai loại cây thuốc này chiếm 60% tổng giá trị sản lượng dược phẩm được sản xuất hàng năm. Việc di thực và trồng khảo nghiệm một số cây thuốc từ Trung Quốc và các nước khác sang Việt Nam như: Đương quy, Bạch truật, Bạch chỉ, Xuyên khung, Ngưu tất, Hoàng bá, Đỗ trọng, Hà thủ ô đỏ, Dương đại hoàng, Dương cam cúc, Lộ đẳng sâm,… đã mang lại kết quả khả quan. Ngoài việc đảm bảo nhu cầu dược liệu cho sản xuất của tỉnh còn có khả năng cung cấp dược liệu cho các tỉnh bạn.Các tổ chức hội y tếGóp phần vào sự phát triển của ngành y tế Lâm Đồng – Đà Lạt, phải kể đến vai trò Hội Y - Dược học, Hội Y học cổ truyền, Hội Chữ thập đỏ. Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Lạt được thành lập năm 1977. Qua 8 lần đại hội, các cấp Hội đã có trên 17 ngàn hội viên, 1.500 thanh thiếu niên xung kích Chữ thập đỏ, 700 cán bộ hội sinh hoạt trong 15 hội cơ sở phường xã và 40 hội trường học trực thuộc. Các chương trình hoạt động cụ thể của Hội hiện nay là: Chương trình đoàn kết, tương trợ giúp nhau vượt qua khó khăn. Vận động giúp các vùng thiên tai, lũ lụt. Vận động xây dựng và sửa chữa nhà tình thương. Chương trình bảo trợ thường xuyên cho người già neo đơn. Chương trình cứu trợ, tặng quà cho vùng sâu vùng xa. Chương trình “Tết vì người nghèo”, tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, “Góp vở giúp bạn nghèo”. Chương trình khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người nghèo, bảo hiểm sức khoẻ và sinh mạng cho người nghèo. Chương trình “Quán cơm xã hội” quy tụ, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, trẻ đường phố đặc biệt khó khăn. Chương trình “Vận động và tặng xe lăn cho người khuyết tật”; tiếp nhận và thực hiện dự án “Việc làm cho người khuyết tật và những nhóm người dễ bị tổn thương khác” do Cơ quan hợp tác quốc tế Tây Ban Nha tài trợ. Hội đã gửi 53 người hưởng lợi học nghề và giới thiệu việc làm sau khi học. Dự án phát triển cộng đồng, vận động các tổ chức phi chính phủ và các doanh nghiệp xây dựng mới các lớp mầm non, các trường tiểu học vùng sâu. Hội Y - Dược học tỉnh được thành lập năm 1977, đã giữ vai trò cầu nối giữa các cơ quan y tế của nhà nước với nhân dân, truyền bá kịp thời những kiến thức mới nhất về y học cho nhân dân. Hội Y học cổ truyền được thành lập năm 1983, đã tập hợp các lương y để có điều kiện giúp đỡ nâng cao trình độ nghề nghiệp. Hội còn tổ chức các phòng chẩn trị ở nhiều nơi trong tỉnh để khám, chữa bệnh cho nhân dân bằng các phương pháp cổ truyền, hướng dẫn trồng và sử dụng thuốc Nam. Hội đã phối hợp với Bệnh viện Y học cổ truyền Phạm Ngọc Thạch tổ chức đúc kết những kinh nghiệm quý báu thu được qua thực tiễn nhằm kế thừa và phát huy vốn y học cổ truyền của dân tộc.
|
||
|
|
|
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH
PHỐ ĐÀ LẠT |