|
||
PHẦN THỨ TƯ VĂN HÓA XÃ HỘI CHƯƠNG I: VĂN HỌC NGHỆ THUẬT THIẾT CHẾ VĂN HÓA VÀ BÁO CHÍ
1. THIẾT CHẾ VĂN HÓA CHỦ YẾU 1.1 Thư viện tổng hợp tỉnh Lâm Đồng Địa chỉ: 22 Trần Phú, ĐT: 3822162 Thư viện tổng hợp tỉnh Lâm Đồng vốn là Thư viện Đà Lạt trực thuộc Bộ Giáo dục Chính phủ Sài Gòn, được thành lập từ năm 1958 trên cơ sở tiếp quản toàn bộ khuôn viên Toà Thị chính thị xã Đà Lạt. Đến năm 1975, cơ sở này được chính quyền cách mạng giao cho ngành văn hoá quản lý. Năm 1976, Thư viện tổng hợp tỉnh Lâm Đồng được thành lập trên cơ sở tiếp quản Thư viện Đà Lạt và hàng ngàn bản sách do Thư viện Hà Giang gửi tặng. Từ đó đến nay, Thư viện tổng hợp tỉnh đã tăng vốn tài liệu hiện có lên hơn 150.000 bản sách cùng hàng chục ngàn bản báo và tạp chí các loại. Bình quân hàng năm, thư viện tỉnh phục vụ cho hơn 61.000 lượt độc giả với số lượt báo chí và sách đưa ra phục vụ trên 129.000 bản. Hiện tại, Thư viện tổng hợp tỉnh đã tổ chức được các phòng mượn sách về nhà, phòng đọc tại chỗ, phòng tra cứu địa chí, phòng ngoại văn và phòng phục vụ thiếu nhi. Mặc dù là thư viện của một tỉnh miền núi, nhưng từ đầu năm 2001, thư viện đã áp dụng khá hiệu quả việc đưa công nghệ tin học trong một số hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của thư viện, với việc thiết lập và đưa vào sử dụng có hiệu quả mạng thông tin diện rộng (Intranet) để phục vụ việc truy tìm và tra cứu các thông tin cần thiết của độc giả.
1.2 Bảo tàng Lâm Đồng Địa chỉ: 4 Hùng Vương, ĐT: 3822339 Năm 1978, Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng được thành lập trên cơ sở tiếp thu một số hiện vật sưu tập về dân tộc học của một số tư nhân, cũng như của chính quyền cũ để lại, cùng với các hiện vật về lịch sử đấu tranh cách mạng qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ mà cán bộ Bảo tàng tỉnh đã dày công sưu tầm được ngay từ những ngày đầu giải phóng. Khi mới thành lập, Bảo tàng Lâm Đồng toạ lạc ở số 31 Trần Bình Trọng. Sau một thời gian hoạt động, Bảo tàng tỉnh được chuyển về số 1 Lý Tự Trọng, vốn là dinh của Tỉnh trưởng tỉnh Tuyên Đức. Năm 1996, theo yêu cầu của tỉnh, Bảo tàng Lâm Đồng chuyển về số 1 Hoàng Văn Thụ, Đà Lạt. Đến cuối năm 1999, Bảo tàng Lâm Đồng được Uỷ ban nhân dân tỉnh ra quyết định chính thức giao quản lý và sử dụng toàn bộ khuôn viên biệt thự số 4 Hùng Vương, Đà Lạt để làm địa điểm hoạt động. Hiện tại, Bảo tàng Lâm Đồng có hơn 9.000 hiện vật các loại, trong đó có nhiều hiện vật rất quý giá như: bộ sưu tập hiện vật gốm sứ Đại Làng; bộ sưu tập hiện vật thu được từ các đợt khai quật khu di tích Cát Tiên,….
1.3 Nhà Thiếu nhi Lâm Đồng
Địa chỉ: 38 Hoàng Văn Thụ, Nhà Thiếu nhi Lâm Đồng là một công trình kiến trúc với nhiều hạng mục được xây dựng rải rác trên một diện tích đất gần 2ha với hội trường, phòng học, sân chơi,… Đây là nơi vui chơi, sinh hoạt, bồi dưỡng về tin học, tiếng Anh, hội hoạ, âm nhạc, múa, thể dục, thể thao,… cho lứa tuổi nhi đồng và thiếu niên của địa phương.
Hoạt động của Nhà Thiếu nhi đã góp phần đáng kể vào mục tiêu đào tạo, rèn luyện văn – thể –mỹ cho lớp người trẻ tuổi kế thừa sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trong tương lai. |
||
|
|
|
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH
PHỐ ĐÀ LẠT |