NỘI DUNG CHÍNH

Lời giới thiệu

PHẦN THỨ NHẤT : LƯỢC SỬ
TRUYỀN THỐNG ĐẤU TRANH

Chương I:  Lược sử hình thành và phát triển thành phố Đà Lạt

Chương II: Truyền thống đấu tranh cách mạng

PHẦN THỨ HAI : TỰ NHIÊN
VÀ DÂN CƯ

Chương I: Tự nhiên

Chương II: Dân cư

PHẦN THỨ BA : KINH TẾ

Chương I : Nông nghiệp – lâm nghiệp

Chương II :  Du lịch và dịch vụ

Chương III: Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp

Chương IV : Cơ sở hạ tầng kỹ thuật

PHẦN THỨ TƯ : VĂN HÓA XÃ HỘI

Chương I:   Văn học nghệ thuật, thiết chế văn hóa và báo chí

Chương II: Quy hoạch và kiến trúc

Chương III: Y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ

Chương IV: Tín ngưỡng và tôn giáo

TỔNG LUẬN

Niên biểu thành phố Đà Lạt

Danh sách Bà mẹ Việt Nam anh hùng thành phố Đà Lạt

Danh sách các đơn vị được tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”

Danh sách các Bí thư chi bộ, Thành uỷ Đà Lạt qua các thời kỳ

Danh sách các Thị trưởng Đà Lạt (1901-1975)

Danh sách các Chủ tịch Uỷ ban quân quản, Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Lạt

Alexandre Yersin

Về phong cách Đà Lạt

Người Cơ Ho ở Đà Lạt

Đường phố Đà Lạt

Danh mục các ngôi đình ở Đà Lạt

PHẦN THỨ TƯ

VĂN HÓA XÃ HỘI

 CHƯƠNG I: VĂN HỌC NGHỆ THUẬT

THIẾT CHẾ VĂN HÓA VÀ BÁO CHÍ


THIẾT CHẾ VĂN HÓA VÀ BÁO CHÍ

 

2. BÁO CHÍ

2.1   Báo Lâm Đồng

Địa chỉ: 8 Quang Trung, ĐT: 3822473

Ngày 15-5-1975, Bản tin Đà Lạt ra số đầu tiên. Từ số 1 đến số 16, bản tin được in rônêô trên hai trang khổ 21 x 27cm. Trong 3 năm (từ tháng 5-1975 đến tháng 3-1977),  Bản  tin Đà Lạt ra được 61 số.

Ngày 25-3-1977, Bản tin Đà Lạt số cuối cùng được phát hành và 3 tháng sau đó báo Lâm Đồng ra đời. Ngày 21-6-1977, đúng vào dịp kỷ niệm 52 năm ngày báo chí Việt Nam, Tỉnh uỷ Lâm Đồng ra quyết định thành lập báo Lâm Đồng. Tiếp đó, ngày 12-7-1977, Ban Biên tập báo được bổ nhiệm. Ông Phạm Thuần (lúc đó là Trưởng ban Khoa giáo Tỉnh ủy) được giao nhiệm vụ Chủ nhiệm; ông Hồ Phú Diên làm Tổng biên tập. Toà soạn báo đặt tại số 20 Hùng Vương, Đà Lạt.

Ngày 19-8-1977, báo Lâm Đồng ra số đầu tiên nhân kỷ niệm 32 năm Cách mạng tháng Tám thành công. Thời gian đầu báo phát hành mỗi tháng 3 số báo khổ lớn, sau đó, năm 1978, tăng mỗi tuần một số khổ nhỏ. Mười năm sau, báo Lâm Đồng thực hiện đổi mới bằng việc rút ngắn định kỳ ra báo từ 7 ngày một số xuống 5 ngày một số và tăng dung lượng từ 4 trang lên 8 trang một kỳ. Năm 1991, báo Lâm Đồng ra định kỳ 2 số một tuần, phát hành cũng tăng từ 1.000 tờ/kỳ lên 2.500 tờ/kỳ. Đầu năm 1995, được Bộ Văn hoá – Thông tin cho phép, báo Lâm Đồng đã xuất bản thêm tờ Đà Lạt nguyệt san nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của độc giả về văn học – nghệ thuật và văn hoá dân tộc Tây Nguyên. Cuối năm 1998, Đà Lạt nguyệt san ngưng xuất bản để chuẩn bị cho việc nâng kỳ phát hành báo. Từ năm 1999, báo Lâm Đồng tăng kỳ phát hành 3 số một tuần với chất lượng đổi mới theo hướng hiện đại hoá.

2.2 Các loại hình báo chí khác

Trong phong trào đổi mới báo chí vì sự nghiệp đổi mới đất nước và địa phương Lâm Đồng, ngoài Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng, Đài Truyền thanh - Truyền hình Đà Lạt và báo Lâm Đồng, trên địa bàn Đà Lạt đã phát hành nhiều bản tin, tờ tin, tập san và tạp chí do các ngành, các đoàn thể trong tỉnh xuất bản, bao gồm:

Tạp chí Thông tin Khoa học và Công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng), phát hành hàng quý.

Tạp chí Lang Bian (Hội Văn  học - Nghệ thuật Lâm Đồng), phát hành 3 tháng một kỳ.

Tạp chí Người làm báo (Hội nhà báo Lâm Đồng), phát hành hàng tháng.

Tạp chí Văn hoá - Thể thao (Sở Văn hoá - Thông tin Lâm Đồng).

Tạp chí Du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng  (Công ty Du lịch Lâm Đồng).

Tạp chí Du lịch Đà Lạt / Dalat traveler (Sở Du lịch và Thương mại Lâm Đồng).

Tạp chí Dalat Info (Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại, Du lịch).

Bản tin An ninh Lâm Đồng (Công an Lâm Đồng) phát hành mỗi tháng 2 kỳ.

Bản tin Tuổi trẻ Lâm Đồng (Tỉnh đoàn Lâm Đồng)  phát hành 2 tháng 1 số.

Bản tin Ngân hàng (Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Lâm Đồng xuất bản), phát hành mỗi quý một kỳ.

Bản tin Thông tin nội bộ (Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ), phát hành hàng tháng.

Bản tin Sức khoẻ (Sở Y tế Lâm Đồng).

2.3  Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng

Địa chỉ: 10 Trần Hưng Đạo, ĐT: 3822072

9 giờ sáng ngày 3-4-1975, một trung đội Quân giải phóng thuộc tiểu đoàn 186 đã triển khai đội hình từ Toà Hành chánh tỉnh Tuyên Đức xuống chiếm Đài Phát thanh Đà Lạt tại số 3 đường Chu Văn An. Đến ngày 9-4-1975, hai cán bộ của Ban Thông tin Khu VI được giao nhiệm vụ tham gia tiếp quản đài. Trong những ngày tháng tư lịch sử ấy, một đoàn cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương của Đài Phát thanh – Truyền hình Việt Nam trên đường vào Sài Gòn đã đến Đài Phát thanh Đà Lạt tập trung sửa chữa khôi phục hệ thống máy phát sóng của đài. Đến 19 giờ tối ngày 27-4-1975, Đài Đà Lạt giải phóng, tiếng nói của Đảng bộ và nhân dân Đà Lạt phát đi bản tin đầu tiên. Tiếp đó, trong 2 ngày 29 và 30-4-1975, với lực lượng trí thức trẻ tình nguyện vào làm việc cùng một số đồng chí cán bộ tuyên huấn, các chương trình phát thanh địa phương chào mừng Sài Gòn giải phóng, mừng miền Nam toàn thắng được thực hiện. Đến ngày 5-5-1975, Đài Phát thanh Đà Lạt giải phóng mới hoạt động thường xuyên.    

 

Từ ngày phát đi bản tin đầu tiên (27-4-1975) đến nay, Đài Phát thanh đã lần lượt mang nhiều tên gọi: Đài Phát thanh Đà Lạt giải phóng (1975), Đài tiếng nói nhân dân Lâm Đồng (1976).

Ngày 2-9-1977, được sự giúp đỡ của các cán bộ kỹ thuật phát thanh – truyền hình Việt Nam, Đài Phát Thanh Lâm Đồng đã đưa trạm phát lại truyền hình vào hoạt động. Ngày 20-6-1984, Uỷ ban Nhân dân tỉnh ra Quyết định số 397/QĐ/TCUB, đổi tên Đài Phát thanh Lâm Đồng thành Đài Phát thanh – Truyền hình Lâm Đồng. Truyền hình Lâm Đồng ra đời từ đó. Với quyết định này, Lâm Đồng là tỉnh thứ hai ở phía Nam (sau Thành phố Hồ Chí Minh) đầu tư ngoại tệ để lắp đặt hệ thống truyền hình màu.

2.4  Đài Truyền thanh – Truyền hình Đà Lạt

Địa chỉ : 4 Thủ Khoa Huân, ĐT: 3822331

Đà Lạt đã có đài phát thanh từ năm 1949. Đài Phát thanh Đà Lạt (Radio Dalat) là một trong 4 đài phát thanh được thành lập sớm nhất của cả nước. Ban đầu cơ sở đài phát thanh đặt trên tầng ba của Hôtel du Parc (Khách sạn Hoa Viên, nay là khách sạn Novotel Dalat) phát thanh hàng ngày 3 thứ tiếng: Việt, Pháp, Cơ Ho.

Đài Truyền thanh – Truyền hình Đà Lạt hiện nay được thành lập trên cơ sở Đài Truyền thanh Đà Lạt lúc đầu đóng ở nhà số 2, đường Đoàn Thị Điểm (nay là văn phòng Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân phường IV), về sau dời sang nhà số 4, đường Thủ Khoa Huân (nguyên là dinh Tỉnh trưởng tỉnh Lâm Viên).

 Đài Truyền thanh Đà Lạt phát trên sóng FM tần số 108 MHz.

Đài Truyền hình Đà Lạt ngoài chương trình thời sự địa phương, ca nhạc, chiếu phim,… còn tiếp phát chương trình truyền hình của Đài Phát thanh – Truyền hình Lâm Đồng và VTV1. 

 

Về đầu trang

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT
NHÀ XUẤT BẢN TỔNG HỢP TP. HỒ CHÍ MINH
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Thiết kế trang web: Sở KH&CN Lâm Đồng