NỘI DUNG CHÍNH

Lời giới thiệu

PHẦN THỨ NHẤT : LƯỢC SỬ
TRUYỀN THỐNG ĐẤU TRANH

Chương I:  Lược sử hình thành và phát triển thành phố Đà Lạt

Chương II: Truyền thống đấu tranh cách mạng

PHẦN THỨ HAI : TỰ NHIÊN
VÀ DÂN CƯ

Chương I: Tự nhiên

Chương II: Dân cư

PHẦN THỨ BA : KINH TẾ

Chương I : Nông nghiệp – lâm nghiệp

Chương II :  Du lịch và dịch vụ

Chương III: Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp

Chương IV : Cơ sở hạ tầng kỹ thuật

PHẦN THỨ TƯ : VĂN HÓA XÃ HỘI

Chương I:   Văn học nghệ thuật, thiết chế văn hóa và báo chí

Chương II: Quy hoạch và kiến trúc

Chương III: Y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ

Chương IV: Tín ngưỡng và tôn giáo

TỔNG LUẬN

Niên biểu thành phố Đà Lạt

Danh sách Bà mẹ Việt Nam anh hùng thành phố Đà Lạt

Danh sách các đơn vị được tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”

Danh sách các Bí thư chi bộ, Thành uỷ Đà Lạt qua các thời kỳ

Danh sách các Thị trưởng Đà Lạt (1901-1975)

Danh sách các Chủ tịch Uỷ ban quân quản, Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Lạt

Alexandre Yersin

Về phong cách Đà Lạt

Người Cơ Ho ở Đà Lạt

Đường phố Đà Lạt

Danh mục các ngôi đình ở Đà Lạt

PHẦN THỨ TƯ

VĂN HÓA XÃ HỘI

 CHƯƠNG I: VĂN HỌC NGHỆ THUẬT

THIẾT CHẾ VĂN HÓA VÀ BÁO CHÍ


VĂN HỌC NGHỆ THUẬT

 

2. VĂN NGHỆ ĐƯƠNG ĐẠI

2.1   Văn học viết

2.1.1 Thời kỳ trước năm 1954

Trên cơ sở tư liệu còn tản mạn ít ỏi như hiện nay, chỉ có thể cho rằng văn học viết của Đà Lạt  mới hình thành trong vòng hơn 100 năm qua. Tác phẩm chữ Hán nói về vùng này sớm nhất có thể kể đến Đại Nam nhất thống chí. Cuốn sách cho biết:

“Di Dinh thổ phủ có 20 buôn: Phí Bà Nam, Băng Dựng, Giang Trang, Phi Chân, Phi Lộ, Băng Trang, Tầm Bạch, Thẩm Luật, Bàn Tấu, La Miên, Năm Luân, Giang Tre, Băng Bí Thuỷ, Băng Bí Hoả, Lưu Miên, Băng Trinh, Năng Duy, Phí Cố, Chân Dựng, Phi Chinh.”

Tư liệu còn giới thiệu về sinh hoạt cư dân ở hai bên bờ sông Đồng Nai: “Ở phía Nam sông, người Hoa thỉnh thoảng có đi lại buôn bán. Ở phía Bắc sông, ít có ai đến. Năm Tự Đức thứ 19, triều đình có phái người đi thăm dò nhưng vì người Thượng sợ tránh, không dám dẫn đường nên phải trở về”.

Những tác phẩm đầu tiên viết về Đà Lạt chủ yếu là nhật ký và ghi chép của những người thám hiểm, đi khảo sát và công cán lên Đà Lạt và viết bằng tiếng Pháp.

Sau chuyến nghiên cứu  tiếp theo về vùng thượng lưu sông Đồng Nai, bác sỹ Paul Néis và trung úy Albert Septans ghi nhận trong báo cáo ngày 1-8-1881:

“…Sông Đồng Nai men theo những ngọn đồi nối liền Lang Biang với Tadoun-Tadra, nghiêng theo hướng tây nam rồi gặp núi Bréang. Tại vùng buôn Lạch cách đầu nguồn 10km có một thác nước cao từ 4-5 m và nhiều thác ghềnh, chiều rộng trung bình 10m, độ sâu 1m, đáy đá. Giữa các làng Beneur và Riong  dòng sông rộng 30-40m đáy cát.

.... Từ núi Lang Biang đến hợp lưu sông Đồng Nai dài khoảng 300km.

....Người Thượng sống trong từng làng gần như độc lập. Trong mỗi làng, cuộc sống là cuộc sống cộng đồng: họ cùng làm rẫy, chất hoa màu thu hoạch được vào trong kho và mỗi ngày lấy ra một lượng gạo cần thiết để tiêu dùng. Có thể tập hợp các buôn lại theo bộ tộc khác nhau về ngôn ngữ, phong tục và tập quán. Bộ tộc quan trọng nhất chúng tôi gặp là bộ tộc Châu Mạ. Ngày xưa, họ sống trong một vương quốc hùng cường trải dài từ Nam Kỳ đến phía bên kia núi Lang Biang từ sông Đồng Nai đến dãy núi chạy dọc theo bờ biển miền Trung.”

Hơn mười năm sau là chuyến thám hiểm của bác sỹ Alexandre Yersin lên Tây Nguyên. Trong hồi ký, ông viết về cao nguyên Lang Biang.

“…Lang Biang ở phía bắc Riong cách hai ngày đường. Cao nguyên nhấp nhô và cao dần từ 900m đến 1200m. Từ 15 đến 20km trước khi đến chân núi, tôi ra khỏi rừng và đứng trên một vùng hoàn toàn trơ trụi và đầy cỏ. Núi đồi nhấp nhô khiến tôi có ấn tượng như đang đi trên một đại dương xao động vì những ngọn sóng khổng lồ. Núi Lang Biang sừng sững ở giữa như một hòn đảo và hình như càng xa dần khi tôi đến gần. Người ta dễ tính sai khoảng cách trên những cánh đồng bao la này. Dưới chỗ trũng đất màu đen và đầy than bùn. Những đàn nai lớn để yên cho tôi đến gần vài trăm mét, rồi chạy vụt ra xa, ngoái cổ lại tò mò nhìn chúng tôi.”

Năm 1899, bác sĩ Etienne Tardif đã leo lên dãy núi Lang Biang và viết về cao nguyên Lang Biang:

“Cuối cùng, không thể nào quên một nét đẹp thật mê hồn trên cao nguyên bao la này: Ankroët  với rừng thông mênh mông và thác nước kỳ lạ cao 15m, nước tuôn xối xả. Rất tiếc, vị trí nơi đây quá hẹp không cho phép xây dựng những công trình quan trọng.”

Năm 1905, trong một dịp lên cao nguyên Lang Biang bà Gabrielle M.Vassal  đã viết:

“Vào khoảng giữa trưa, tôi thấy cao nguyên lần đầu tiên. Thật là một sự phát hiện bất ngờ, khác với những gì trước đây tôi đã từng nghĩ! Trên một vùng đất rộng là những ngọn đồi tròn, nhỏ, trơ trụi, mọc đầy cỏ thấp, cùng hình dáng và độ cao, quang cảnh giống như một vùng biển gợn sóng xanh. Ở giữa, những đỉnh núi Lang Biang cao vòi vọi như hòn đảo đá. Dankia nằm ở dưới chân núi Lang Biang, ở phía bên kia cao nguyên. Cao nguyên bình yên và êm dịu quá! Chỉ có thông mọc trong những thung lũng giữa các ngọn đồi.

Xa xa, những mái nhà gỗ ở Đà Lạt nằm cách xa nhau trên đỉnh hay lưng chừng đồi lấp lánh dưới ánh mặt trời.”

Năm 1937, để truyền bá và quảng cáo cho Đà Lạt, báo L’Asie Nouvelle Illustrée dành trọn số 56 viết về vùng du lịch nghỉ dưỡng tuyệt vời và nơi săn bắn lý tưởng.

Tác phẩm của người Việt Nam đầu tiên viết về Đà Lạt có lẽ là Lâm Viên hành trình nhật ký của Đoàn Đình Duyệt  năm 1917. Đây là  tập ký sự ghi chép những điều được quan sát cùng những suy nghĩ, nhận định về Đà Lạt và những vùng phụ cận.

Phong cảnh, khí hậu Đà Lạt được tác giả miêu tả: “Từ 50 ki-lô-mét trở lên, lại phải men theo núi mà đi. Trên dưới đồi núi chập chùng, lối đi quanh co. Vùng đất này sản sinh rất nhiều thông, hai bên đường nhìn thấy toàn màu xanh, một màu xanh biếc thật đẹp mắt… Vào mùa đông, hàn thử biểu có lúc xuống đến một hai độ, giống như khí hậu miền Nam Châu Âu, đôi khi lại có mưa tuyết nữa.”

Suối Cam Ly được ông mô tả là nơi “… nước chảy vòng quanh, trăm hoa vây bọc. Bên kia bờ là một khối đá cao ngất, hai cầu vồng bắc ngang qua làn  sóng bạc. Quả là chốn Bồng Lai tiên cảnh.

Tháng 3-1945, tạp chí Tri Tân đăng bài phóng sự Tết Đà Lạt của Trịnh Như Nghê.

Thơ viết về Đà Lạt cũng không nhiều hơn bao nhiêu so với văn xuôi, nhưng ghi lại dấu ấn là Đà Lạt trăng mờ của Hàn Mạc Tử. Trong bài thơ này Đà Lạt hiện lên với một không gian đầy sương khói trăng sao, một không gian huyền ảo, thực mơ lẫn lộn:

“Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu

Trời mơ trong cảnh thực huyền mơ

Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt

Như đón từ xa một ý thơ.”

Bên cạnh bài thơ về Đà Lạt của Hàn Mạc Tử là bài Đà Lạt đêm sương của Quách Tấn. Bài thơ này đã được Hoài Thanh đưa vào quyển Thi nhân Việt Nam. Thứ đến phải kể tới bài Đà Lạt thần tiên của Tú Mỡ (1943) khi ông lên thăm Đà Lạt.

Sau khi Pháp trở lại, toàn dân hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, ở Đà Lạt - Lâm Đồng xuất hiện thêm dòng văn học mới - thơ ca yêu nước với nội dung là lòng căm thù giặc, giác ngộ tinh thần kháng chiến chống Pháp.

Tờ Tin Đà Lạt in trong chiến khu bí mật chuyển về thành phố, tác giả Thu Lâm viết về những người phải đi lính ngụy, phục vụ chiến tranh của Pháp. Mai Xuân Ngọc nói lên tình cảm gắn bó giữa người cán bộ với quần chúng nhân dân Đà Lạt

2.1.2 Thời kỳ 1954 – 1975

Trước hết là thơ của các chiến sỹ, cán bộ cách mạng ở chiến khu Đà Lạt như Mai Xuân Ngọc, Phan Minh Đạo, thể hiện tinh thần lạc quan trong kháng chiến. Bên cạnh đó là thơ văn yêu nước, đấu tranh cách mạng của phong trào học sinh, sinh viên Đà Lạt vào các thập niên sau. Thơ của họ thấm đẫm một tình yêu quê hương. Phong trào này có các tác giả nổi bật như: Đạm Lan, Thanh Trúc, Thạch Hà, Nguyên Hùng, Quỳnh Như, Trung Kiên…

Họ tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ, sẵn sàng chết để đổi lấy hòa bình và xót xa khi quê hương bị tàn phá, nêu lên trách nhiệm của người cầm bút.

Đà Lạt là một thành phố cao nguyên tĩnh lặng, nhưng trí thức, học sinh, sinh viên, trong quá trình tranh đấu đã hoà được tiếng nói chung vào khuynh hướng văn học yêu nước ở các đô thị miền Nam. Đặc biệt là tờ Tin Tưởng do phong trào sinh viên Phật tử Đà Lạt chủ trì. Đây là tờ báo công khai ở đô thị miền Nam dám đăng công khai 6 điểm tuyên bố của bà Nguyễn Thị Bình tại hội nghị Paris lúc bấy giờ.

Sáng tác theo xu hướng yêu nước, tiến bộ còn có thành viên của nhóm Việt - một nhóm trí thức có khuynh hướng tiến bộ ở Huế, sau chuyển vào Đà Lạt với những sáng tác tiêu biểu như truyện ngắn Địa ngục trần gian.

Trong hơn 20 năm đất nước bị chia cắt, ở các đô thị miền Nam nói chung và Đà Lạt nói riêng tồn tại nhiều xu hướng sáng tác khác nhau, rất đa dạng và phức tạp.

Sáng tác ở Đà Lạt và về Đà Lạt từ 1954 - 1975 có nhiều tác giả quen thuộc với bạn đọc như: Nguyễn Vỹ, Võ Hồng, Nhất Hạnh, Toàn Phong, Phạm Công Thiện, Nguyễn Thị Hoàng, Mai Thảo, Thái Lãng, Túy Hồng, Lệ Hằng, Trùng Dương, Nguyễn Đức Sơn, Lệ Khánh, Lê Văn Ngăn,…

Võ Hồng (còn có biệt danh Ngân Sơn, Võ An Thạch) với truyện dài Hoa bươm bướm, tác phẩm lấy Đà Lạt và những vùng phụ cận làm địa điểm cho câu chuyện, xoay quanh các nhân vật chính như Quỳ, Luân, Thức, Trang. Tác giả đã tái hiện một cách trung thực hình ảnh cuộc kháng chiến của nhân dân những vùng này ở thời điểm trước và sau Cách mạng tháng Tám. Giá trị của Hoa bươm bướm không chỉ ở cốt truyện, chủ đề, tính cách nhân vật mà còn ở tấm lòng của nhà văn với buổi đầu kháng chiến thông qua giọng văn trong sáng và trau chuốt.

Nguyễn Thị Hoàng với truyện dài Vòng tay học trò và cùng với tác giả này là Trùng Dương với Mưa không ướt đất đã bị phản ứng trong đông đảo người đọc. Vòng tay học trò xoay quanh một câu chuyện tình giữa cô giáo Trâm và một học trò trung học tên Minh. Ở tác phẩm này Nguyễn Thị Hoàng minh họa cho mặc cảm tính dục. Tác phẩm là sự thể nghiệm tổng hợp giữa các yếu tố lãng mạn, tính dục và chủ nghĩa hiện sinh.

Lệ Hằng vốn là một sinh viên của Viện Đại học Đà Lạt. Trong những sáng tác của bà xuất bản ở miền Nam trước đây, Tóc MâyThung lũng tình yêu là hai tiểu thuyết được dư luận chú ý. Con người, phong cảnh và những kỷ niệm về Đà Lạt đã được tái hiện rõ nét trong các tiểu thuyết kể trên. Nếu như Thung  lũng tình yêu chỉ là câu chuyện tình tay ba thì đến Tóc Mây là một chuyện tình mang màu sắc tôn giáo.

Phạm Công Thiện với tập truyện ngắn Bay đi những cơn mưa phùn (1970) và Nguyễn Đình Toàn với truyện dài Con đường (1967) là những sáng tác  đáng chú ý viết về Đà Lạt trong giai đoạn này.

Nguyễn Đức Sơn (có bút hiệu là Sao trên rừng) là một người làm thơ chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện đại, ông có tập thơ Những bài tình đầu. Địa danh Đà Lạt được nhắc đến trong thơ ông chỉ để thể hiện tâm trạng phức tạp của mình.

Đặc biệt, vào những năm cuối đời của mình, nữ sĩ Tương Phố (1900 – 1973) đã sống và sáng tác tại Đà Lạt. Đà Lạt cũng là nơi các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng đương thời ghé qua như: Nhất Linh, Vũ Hoàng Chương, Bùi Giáng, Tuệ Mai,… Ngoài ra còn có thể kể đến nhóm Tao Đàn Bạch Nga của Nguyễn Vỹ và nhóm thơ Trà Sơn (từ năm 1967).

2.1.3 Thời kỳ sau năm 1975

Với đại thắng mùa xuân năm 1975, đất nước ta bước sang một thời kỳ mới. Đà Lạt trở thành một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Lâm Đồng. Năm 1987, Hội Văn học – Nghệ thuật Lâm Đồng được thành lập, tập hợp đội ngũ văn nghệ sỹ thiết tha với văn học nghệ thuật. Thành tựu sáng tác còn khiêm tốn nhưng đã tạo ra một bước phát triển quan trọng, tạo tiền đề cho văn học tương lai. Lực lượng sáng tác là nghệ sỹ gốc Đà Lạt và nhiều nghệ sỹ của mọi miền đất nước đến Đà Lạt - Lâm Đồng công tác, lập nghiệp. Đã có một số tác giả được bạn đọc cả nước biết đến, trong đó có người đạt giải thưởng  quốc gia.

Các tuyển tập thơ Đất gọi thầm, Như anh em một nhà (1982), Đà Lạt mộng mơ (1993), Đà Lạt thơ (1996), Cho những mùa hoa (1996), Thơ tình Đà Lạt (1997), Đà Lạt giao mùa (2000), Thành phố tình yêu (2003-thơ văn), Đà Lạt trong thơ (2003), Thơ Đà Lạt xưa và nay (2008),… đã phần nào giới thiệu với độc giả cả nước lực lượng sáng tác và bản sắc thơ Đà Lạt. Chân trời mở của Phạm Quốc Ca đã nhận giải thưởng hạng B của Uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam năm 1995.

Ngoài ra còn có các tập thơ Hoa trinh nữ (1990), Hương lửa (2001), Ngọn gió lang thang (2006), Sắc hoa Đà Lạt (2007), Khuôn trăng (2007) của Trần Ngọc Trác, Tiếng trầm, Những cánh rừng những bài ca, Làng trong nỗi nhớ, Chân trời mở của Phạm Quốc Ca, Quê hương như chiếc nôi hồng (1992) của Trương Xuân Huy, Hành tinh cô đơn (1998), Ta và bóng (2000), Đà Lạt thơ của Phạm Vũ, Lời đá (1995) của Hà Linh Chi, Hạnh phúc (1995), Tổ quốc lớn vô cùng (2000) của Trương Quỳnh, Mái ấm (2000), Lời ru đơn côi (2005) của Nguyễn Vĩnh, Gió thông, Chùm thơ miền đất lạnh (2000), Lối hẹn hoa về (2007) của Nguyễn Thị Thanh Toàn, Nụ hôn của gió (2003), Vạt áo quỳ (2007) của Vũ Dậu, Như giấc mơ, Nắng đổ về đâu (2007) của Dung Thị Vân, Thương mảnh trăng gầy (2000), Lang thang kiếm tìm (2006) của Phú Đại Tiềm, Mùa nhớ, Thung lũng tĩnh lặng (2007) của Kiều Công Luận, Lang thang với gió, gọi nắng cho sông (2007) của Tường Huy, Cỏ dại (2001) của Phạm Vĩnh, Gió đồng (2001) của Uông Thái Biểu, Muôn mặt đời thường (1995), Màu tím Huế (1999), Thành phố trẻ (2003), Những hạt phù sa (2008) của Nguyễn Mộng Sinh, Tình của dòng sông (2003), Nói với em (2005) của Trương Thị Giàu, Hoàng hôn sông Lam (1997), Đam mê (1998), Ngẫu hứng (2000), Dấu ấn (2002) của Trần Sỹ Thứ, Giọt mưa xứ lạnh (1997), Tiếng chim Từ Quy (2000), Huyền thoại hồ Than Thở (1999), Đà Lạt trong tôi (2003), Huyền thoại thác Hang Cọp (2005), Huyền thoại Phong Nha (2006), Huyền thoại thác Yang Bay (2008), Không thể chờ xuân (2008) của Lê Bá Cảnh, Thành phố tình yêu (2000), Thơ bốn câu (2005) của Dương Gia Lễ, Phấn thông bay (2003) của Ngô Văn Dinh, Một thời và một thuở (2002) của Đặng Thanh Liễu, Lời ru của Diệp Vi, Nửa vầng trăng (2000) của Thanh Dương Hồng, Vầng trăng chia đôi (2008) của Phương Nguyên; Lời hẹn hoa ban (1999) của Vi Quốc Hiệp, Thành phố cao nguyên (2000) của Nguyễn Lương, Hoa của đất (2000), Lời thương để ngỏ (2008), của Mai Đình, Vầng trăng của mẹ (2000),  Dây neo trần gian (2005) của Lê Đình Trọng, Bầu trời khát vọng (2000) của Xuân Tràng, Mộng và Thơ (2002) của Trần Đình Thảo, Hoàng hôn dịu dàng (2004), Đàn bà (2005), Những loài hoa đi cùng năm tháng (2006) của Phan Thành Minh, Chuông gió (2005) của Nguyễn Tấn On, Đêm thức (2006) của Đào Hữu Thức, Hương quê (2006) của Ngũ Hành Sơn,… là những tập thơ gây được sự chú ý nơi người đọc.

Lý luận, phê bình nghiên cứu văn học : Văn học Việt Nam trong giai đoạn giao thời 1900 - 1930 (1988), Tính cách Việt Nam trong thơ Nôm Đường luật (2002), Những cách tiếp cận mới, những suy nghĩ mới về ngữ văn (2003),  Tương Phố đời và thơ (2005), Từ điển văn học mới (2005) - đồng tác giả của Lê Chí Dũng. Học giả với thi nhân (1994), Tiếp cận giá trị văn chương (1995), Lặng lẽ giữa trang văn (1998), Thơ trong con mắt người xưa (1999), Thổ cẩm dệt bằng thơ (1999), Thức cùng trang viết (2003)..., Đến từ con chữ (2007) của Phạm Quang Trung... được bạn đọc đánh giá cao.

Nhiều tác phẩm hồi ký cách mạng đã được xuất bản: Tây Nguyên không xa của Phạm Thuần; Ký sự một thời cầm súng, Tháng năm trăn trở của Nguyễn Xuân Du, Từ Ba Tơ đến chiến trường ba nước (2006) của Lê Kích - Trần Ngọc Trác, Tìm lẽ sống (2008) của Lương Văn Thư,…

Huyền thoại về nữ chúa rừng xanh của Khắc Dũng được trao giải ba cuộc thi bút ký, phóng sự của báo Lao động năm 1996.

Thể loại truyện ngắn có một số tác phẩm đáng nhớ của Chu Bá Nam. Truyện Người vợ của chồng tôi là tác phẩm thành công nhất của Huỳnh Chính trong tập truyện ngắn Đi theo con suối về phía mặt trời mọc của anh. Truyện ngắn Kẻ sát nhân lương thiện của Lại Văn Long được trao giải nhất cuộc thi truyện ngắn của báo Văn nghệ năm 1991.

Nhiều tác phẩm văn xuôi của các tác giả Đà Lạt đã lần lượt ra mắt bạn đọc như : Giọt nước mắt của mối tình đầu, Nỗi đau trong suốt cuộc đời, Ám ảnh một tình yêu, Hoa Mimosa... của Phạm Kim Anh. Tiếng Võng (2000), Một thời (2004) của Nguyễn Tùng Châu; Phản đòn (1996), Đạo và đời (2002), Đất thiêng (2005) của Trần Thăng; Con voi nhà K'Buc của Vũ Ngọc Thu; Thung lũng trắng (1997), Quy luật nghiệt ngã (1998), Giữa rừng ba biên giới (2002),… của Lê Công, Một thời (2004) của Nguyễn Trọng Chu, Nửa vầng trăng (2001), Nội tuyến A3 của Nguyễn Thái Huyền, Vụ án trong đêm, Nghiệt ngã, Từ một bức chân dung, Điều không thể nói với con của Hà Thanh Thủy; Gương mặt người đời (2000) của Bạch Nhật Phương...

Tuyển tập Mười năm văn xuôi Lâm Đồng (1988 – 1998) đã được xuất bản, giới thiệu với bạn đọc các tác giả văn xuôi đáng chú ý ở Lâm Đồng.

Năm 2008, Hội Văn học - Nghệ thuật Lâm Đồng xuất bản Tuyển tập Ba mươi năm văn xuôi Lâm Đồng là một ấn phẩm quy tụ gần 80 tác giả đã từng gắn bó với mảnh đất Đà Lạt - Lâm Đồng. Nhiều truyện ký, bút ký, truyện ngắn đã phản ảnh chân thật về mảnh đất, con người Lâm Đồng - Đà Lạt trong hai cuộc kháng chiến cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

Nhiều tác phẩm văn xuôi của các hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Lâm Đồng được chọn đăng và giới thiệu trong các tuyển tập văn xuôi của Tây Nguyên và cả nước.

Nếu ở thể loại tiểu thuyết  Phạm Kim Anh chưa thành công lắm, thì ở lĩnh vực sân khấu anh lại được ghi nhận bằng một huy chương vàng tại hội diễn sân khấu toàn quốc năm 1981 cho kịch bản Mối tình qua tết Liboong.

Đóng góp của văn nghệ Đà Lạt - Lâm Đồng còn ở lĩnh vực lý luận, phê bình và nghiên cứu văn học. Các tác giả thuộc Khoa Ngữ văn Trường Đại học Đà Lạt đã có những công trình, bài viết tham gia vào việc giải quyết những vấn đề thời sự văn học của đất nước.

Năm 2003, Uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam tặng thưởng loại B cho chuyên luận Mấy vấn đề về thơ Việt Nam 1975 - 2000 của TS Phạm Quốc Ca và tập tiểu luận Thức cùng trang  viết của PGS.TS Phạm Quang Trung.

Lâm Tuyền Tĩnh để lại cho đời bộ sưu tập S tích Lang Biang. TS. Lê Hồng Phong nhận hai giải khuyến khích của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam cho các  công trình nghiên cứu sưu tầm truyện cổ dân gian Tây Nguyên: Một số vấn đề truyện cổ Tây  Nguyên, Truyện kể dân tộc Mạ. Gần đây ông đã cho xuất bản tập truyện cổ tích dân tộc Mạ: Chàng Đu Đủ và chuyên luận  Tìm hiểu truyện cổ Tây Nguyên - trường hợp Mạ và Kơ Ho cũng đã ra mắt bạn đọc trong năm  2006. TS. Phan Thị Hồng đã sưu tầm, dịch, cho in một số tác phẩm nghiên cứu văn học dân gian Ba Na.  

Dịch thuật: Đỗ Tư Nghĩa, Nguyễn Hạnh Ngọc Anh, Thân Trọng Sơn, Đoàn Huy Long,…

2.2 Mỹ thuật

Cũng như nhiều loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật tạo hình Đà Lạt - Lâm Đồng trong hơn 20 năm qua đã gắn liền với quá trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, phản ánh đầy đủ diện mạo của xã hội. Sau năm 1975, bước ngoặt của tạo hình nghệ thuật Đà Lạt - Lâm Đồng được đánh giá bằng các loạt tác phẩm phản ánh công cuộc kiến thiết đất nước, phản ánh con người xã hội chủ nghĩa. Thời kỳ đổi mới nghệ thuật tạo hình Đà Lạt - Lâm Đồng song hành cùng với sự chuyển biến và phát triển đi lên của địa phương. Trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá hiện nay, nghệ thuật tạo hình lại một lần nữa tỏ ra cần thiết khi biết chọn cho mình đối tượng để phản ánh là nhịp sống công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong quá trình vận động đi lên của xã hội trên địa bàn Lâm Đồng.

Từ khi Hội Văn học - Nghệ thuật Lâm Đồng ra đời, các hoạt động triển lãm mỹ thuật của địa phương được quan tâm rõ rệt. Hằng năm, các hoạ sỹ, nhà điêu khắc đều có tác phẩm tham gia triển lãm ở trong tỉnh, khu vực và toàn quốc. Một số tác giả đoạt giải về mỹ thuật như Vi Quốc Hiệp, Phạm Mùi, Đinh Thanh, K’Minh Tuấn, Đặng Ngọc Trân, Vũ Long, Phạm Đức Nhận,… Bên cạnh đó, các cuộc triển lãm mỹ thuật cá nhân cũng được tổ chức như triển lãm “80 mùa hoa” của hoạ sỹ Đặng Ngọc Trân, “Hoa” của Trần Ngọc Thái Anh, tranh của Võ Trịnh Biện, Phạm Mùi tại Hà Nội, các cuộc triển lãm của hoạ sỹ Nguyễn Thái Tuấn, 15 cuộc triển lãm tranh của hoạ sỹ Vi Quốc Hiệp trong và ngoài nước,… của nhóm vẽ “Những người bạn Đà Lạt” đã tạo ra những hoạt động thiết thực bổ ích cho lực lượng sáng tác.

 Một góc triển lãm mỹ thuật Đà Lạt (2008)

 

Về mảng đồ hoạ, một số hoạ sỹ của Đà Lạt – Lâm Đồng đã giành được các giải thưởng cao qua các cuộc thi vẽ logo ở địa phương như Lê Sinh Thục, Phan Văn Gái, Nguyễn Văn Lại, Phan Thành Minh, Lâm Trọng Tường,…

Hội Văn học - Nghệ thuật Lâm Đồng luôn chú ý đến việc xuất bản các ấn phẩm về văn học - nghệ thuật. Về mỹ thuật có 2 ấn phẩm Mỹ thuật Lâm Đồng; cá nhân có tác phẩm Hội hoạ Vi Quốc Hiệp (2007), Cấu trúc hội hoạ, Tranh hoa (2007) của hoạ sỹ Đặng Ngọc Trân,…

Trong hoạt động sáng tác về điêu khắc đã xuất hiện các tác giả: Đinh Thanh, Đặng Ngọc Trân, Vũ Long, K’Minh Tuấn, Võ Kim Hiệp, Nguyễn Văn Hạng,…

Ở Đà Lạt ngày càng có thêm một số gallery trưng bày, giới thiệu và kinh doanh tranh trên đường 3 tháng 2, Huyền Trân Công Chúa, Trương Công Định,…

Những người hoạt động trên lĩnh vực nghệ thuật tạo hình Đà Lạt - Lâm Đồng đến từ mọi miền đất nước, hội tụ về đây mang theo nhiều phong cách sáng tạo khác nhau góp phần làm cho mỹ thuật Lâm Đồng thêm đa dạng, phong phú.

Trên lĩnh vực hội họa và điêu khắc, đội ngũ sáng tác ở Đà Lạt - Lâm Đồng ngày càng nhiều. Hiện nay, Chi hội Mỹ thuật Lâm Đồng có 32 hội viên, trong đó có 7 hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Bên cạnh đó, đội ngũ những người sản xuất các tác phẩm thủ công – mỹ nghệ cũng đã được hình thành và các sản phẩm của họ được trình bày khá nhiều nơi trong nước và nước ngoài. Tại Đà Lạt, hai cơ sở tranh thêu lụa XQ và Hữu Hạnh được hình thành. Chi nhánh của hai cơ sở này đã vươn ra tận Huế và Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài giá trị kinh tế, sản phẩm của các cơ sở này cũng đạt đến một giá trị nghệ thuật nhất định, góp phần làm phong phú đời sống nghệ thuật tạo hình ở Đà Lạt - Lâm Đồng.

Năm 1985, Chi hội kiến trúc sư Lâm Đồng được thành lập, gồm 16 hội viên, chủ yếu ở thành phố Đà Lạt. Trải qua hơn 20 năm hoạt động, Hội Kiến trúc sư Lâm Đồng đã trưởng thành về mọi mặt và được đánh giá là “Mô hình hoạt động tiêu biểu của tổ chức hội, quy tập được đông đảo kiến trúc sư làm tư vấn chuyên môn cho chính quyền, có mối quan hệ tốt với các ngành, nhất là ngành xây dựng, và tạo được uy tín với địa phương.”

2.3 Nhiếp  ảnh             

Thắng cảnh, con người Đà Lạt – Lâm Đồng là nguồn cảm hứng vô tận của đội ngũ sáng tác nhiếp ảnh trong và ngoài nước. Các nghệ sỹ nhiếp ảnh Lâm Đồng đã tích cực chủ động trong việc tổ chức các tuyến điền dã, thâm nhập thực tế sáng tác, tham gia các cuộc triển lãm của tỉnh, khu vực, quốc tế và mang về nhiều giải thưởng có giá trị. Nhiều nghệ sỹ nhiếp ảnh của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng trở thành các hội viên nhiếp ảnh thế giới với các tước hiệu quốc tế.

Tại Liên hoan ảnh nghệ thuật quốc tế Hassemblad Austrian Super Circuit năm 2000 tại Áo, Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Đà Lạt đã được ban tổ chức bình chọn là câu lạc bộ có bộ ảnh dự thi đẹp nhất trong số 41.000 bức ảnh dự thi từ hơn 120 nước trên thế giới và được tặng Cúp vàng.

Trong tác phẩm Ảnh Việt Nam thế kỷ XX xuất bản vào năm 2007, Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam đã giới thiệu 5 nhà nhiếp ảnh của Đà Lạt: Bùi Á, Nguyễn Bá Mậu, Nguyễn Bá Trung, Võ Văn Nghệ, Lý Hoàng Long.

2.4 Âm nhạc

Trước năm 1975, có một số ca khúc nổi tiếng về Đà Lạt như Ai lên xứ hoa đào của Hoàng Nguyên, Thương về miền đất lạnh của Minh Kỳ - Dạ Cầm, Đà Lạt hoàng hôn của Minh Kỳ,...

Hiện nay, Chi hội Âm nhạc Lâm Đồng có 23 hội viên, trong đó có 9 hội viên Hội Nhạc sỹ Việt Nam gồm nhạc sỹ sáng tác và nghệ sỹ biểu diễn ca múa nhạc. Các nhạc sỹ Đình Nghĩ, Sóng Trà, Hà Huy Hiền, Mạnh Đạt, Công Huân, Dương Toàn Thiên, Phạm Ngọc Lai, Krajan Dick, Krajan Kplin,… cùng một số nhạc sỹ nơi khác đến Đà Lạt - Lâm Đồng đã khai thác thành công một số làn điệu dân ca của các dân tộc vùng Nam Tây Nguyên như: Hoa Langbiang, Say trăng của Đình Nghĩ, Mimosa của Trần Kiết Tường, Đà Lạt mộng mơ của Từ Huy, Khúc hát ru người mẹ K’Ho của Trần Hoàn, Mặt hồ của Trọng Thuỷ, Lặng lẽ, Cánh ô đợi chờ của Dương Toàn Thiên, Khúc hát chiều Đà Lạt của Mạnh Đạt, Phượng tím của Ngô Quốc Tính, Đà Lạt lập đông của Thế Hiển, Lao xao rừng thông của Thế Bảo, Nồng nàn cao nguyên của Krajan Dick, Tình anh em của Krajan Kplin,… và một số ca khúc của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn.

Hội Văn học - Nghệ thuật Lâm Đồng đã xuất bản nhiều tuyển tập ca khúc của các nhạc sỹ trong và ngoài tỉnh viết về Đà Lạt - Lâm Đồng và các ấn phẩm ca nhạc của Công Huân, Thạc Nhơn, Dương Toàn Thiên, Dương Toàn Thắng, Mạnh Đạt, Thu Hường, Quang Nhàn, Tú Minh, Quang Minh, Hà Huy Hiền, Sóng Trà,… Ngoài ra, Hội Văn học - Nghệ thuật Lâm Đồng còn hỗ trợ kinh phí sáng tạo văn học - nghệ thuật cho các nghệ sỹ thực hiện các DVD ca nhạc cũng như giới thiệu tác phẩm và các chương trình ca nhạc trên sóng phát thanh - truyền hình của tỉnh và trung ương, tạo ra một sân chơi âm nhạc lành mạnh, bổ ích và đạt hiệu quả cao. Nhiều nhạc sỹ đã giành được các giải cao về âm nhạc của Hội Nhạc sỹ Việt Nam, Hội Văn học - Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Đài Tiếng Nói Việt Nam như Mạnh Đạt, Dương Toàn Thiên, Dương Toàn Thắng, Đình Nghĩ,…

 

Về đầu trang

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT
NHÀ XUẤT BẢN TỔNG HỢP TP. HỒ CHÍ MINH
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Thiết kế trang web: Sở KH&CN Lâm Đồng