NỘI DUNG CHÍNH

Lời giới thiệu

PHẦN THỨ NHẤT : LƯỢC SỬ
TRUYỀN THỐNG ĐẤU TRANH

Chương I:  Lược sử hình thành và phát triển thành phố Đà Lạt

Chương II: Truyền thống đấu tranh cách mạng

PHẦN THỨ HAI : TỰ NHIÊN
VÀ DÂN CƯ

Chương I: Tự nhiên

Chương II: Dân cư

PHẦN THỨ BA : KINH TẾ

Chương I : Nông nghiệp – lâm nghiệp

Chương II :  Du lịch và dịch vụ

Chương III: Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp

Chương IV : Cơ sở hạ tầng kỹ thuật

PHẦN THỨ TƯ : VĂN HÓA XÃ HỘI

Chương I:   Văn học nghệ thuật, thiết chế văn hóa và báo chí

Chương II: Quy hoạch và kiến trúc

Chương III: Y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ

Chương IV: Tín ngưỡng và tôn giáo

TỔNG LUẬN

Niên biểu thành phố Đà Lạt

Danh sách Bà mẹ Việt Nam anh hùng thành phố Đà Lạt

Danh sách các đơn vị được tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”

Danh sách các Bí thư chi bộ, Thành uỷ Đà Lạt qua các thời kỳ

Danh sách các Thị trưởng Đà Lạt (1901-1975)

Danh sách các Chủ tịch Uỷ ban quân quản, Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Lạt

Alexandre Yersin

Về phong cách Đà Lạt

Người Cơ Ho ở Đà Lạt

Đường phố Đà Lạt

Danh mục các ngôi đình ở Đà Lạt

PHẦN THỨ TƯ

VĂN HÓA XÃ HỘI

CHƯƠNG II: QUY HOẠCH VÀ KIẾN TRÚC

 

KIẾN TRÚC

 

1. KHÁI QUÁT VỀ KIẾN TRÚC CẢNH QUAN THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT

Môi trường thiên nhiên của Đà Lạt vốn là một vùng cảnh quan tự nhiên miền cao nguyên xinh đẹp với khí hậu ôn hòa mát mẻ quanh năm, đã tạo dựng nên khung nền chính làm nên những nét đặc thù của thành phố. Những công trình sáng tạo của con người đã in dấu nhẹ nhàng vào cảnh quan tự nhiên hợp thành cảnh quan đô thị Đà Lạt  đặc sắc và độc đáo.

Trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố Đà Lạt, vấn đề quan trọng xuyên suốt là cố gắng bảo vệ, tôn tạo cảnh quan đặc sắc của Đà Lạt.

Có thể nêu ra những yếu tố chính  tạo nên những cảnh quan đặc thù của Đà Lạt  là các đặc điểm:

- Địa hình nhấp nhô mềm mại của cao nguyên.

- Không gian mặt nước của các suối hồ.

- Không gian kiến trúc, di sản kiến trúc Pháp.

- Nền xanh phong cảnh của rừng thông, thảm cỏ.

1.1   Yếu tố địa hình

Địa hình Đà Lạt là yếu tố căn bản, đặc trưng, chia cắt không gian thành những mảng riêng biệt, rõ nét, tạo nên những lớp cảnh quan đa dạng.

Địa hình Đà Lạt với đặc điểm uyển chuyển, mềm mại dẫn dắt tầm nhìn hướng về dãy núi Lang Biang tạo thành một nền phong cảnh rất đặc thù. Có thể nói núi Lang Biang chính là điểm mốc cảnh quan của bức tranh tổng thể đô thị mà thiên nhiên đã dành tặng cho thành phố này.

Các đỉnh đồi cao có tầm nhìn đẹp được chọn lựa để xây dựng những công trình tôn giáo, dinh thự uy nghiêm và trang trọng.

Với diện tích rộng lớn ôm trọn cả một ngọn đồi, các công trình trên là cả một quần thể kiến trúc hài hòa khép mình với thiên nhiên, ẩn hiện trong rừng thông xanh, chấm phá thêm trong bức tranh toàn cảnh.

Các trung tâm công cộng, hành chính, văn hóa, giáo dục, du lịch, thương mại,… được bố trí  xây dựng trên những ngọn đồi hay những mặt bằng rộng rãi và bằng phẳng nhằm xây dựng hệ thống giao thông dễ dàng thuận lợi với những đại lộ lớn, thẳng và ít dốc (như trục đường Trần Phú, Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, khu Hòa Bình, Chi Lăng, Phan Đình Phùng,…). Ngoài ra, do không phải cải tạo địa hình nên các trung tâm này mặc dù chiếm những không gian lớn cũng không làm thay đổi các đường cong tự nhiên của địa thế.

Trước đây việc xây dựng các khu biệt thự rất được chú trọng do sự hòa nhập  của công trình kiến trúc vào thiên nhiên, với địa hình được giữ hầu như nguyên vẹn. Người ta đã sắp xếp các tòa biệt thự  theo sát đường đồng mức để bám lấy địa hình mà không phải phá hủy nó. Do thiên nhiên là bức nền và không gian chính của cảnh quan nên người ta đã khống chế phạm vi xây dựng với mật độ rất thấp so với diện tích phân lô rất lớn.

Các khu vực đất thấp dưới các thung lũng lớn, ở khuất và xa trung tâm thành phố, được bố trí cho khu vực dân cư làm nông nghiệp. Đất đai được phân lô đủ lớn để sản xuất và dựng nhà. Do đó, tính chất thành phố vườn vẫn được tìm thấy tại khu vực này (ấp Hà Đông, Nghệ Tĩnh, Đa Thiện, Thái Phiên, Nam Hồ, Trại Hầm, Trại Mát, Thánh Mẫu,…). Do đặc tính của việc sản xuất nông nghiệp, người dân cần thửa vườn rộng và phẳng để tưới tiêu và chăm bón nên cải tạo địa hình dốc thành những thửa đất dạng bậc thang đi từ các thung lũng lên các sườn đồi bao quanh. Trong một chừng mực nhất định, việc cải tạo đất dưới các thung lũng thấp không ảnh hưởng nhiều đến cảnh quan, nhưng nó đã thật sự trở thành một hiểm họa to lớn một khi đã phát triển không kiểm soát được trong tầm nhìn của cảnh quan chính và lan tràn vào khu vực các dòng suối lớn, dẫn đến sự bồi lắng nhanh chóng của các hồ (do việc này mà ngày nay hồ Mê Linh, hồ Vạn Kiếp  đã hoàn toàn mất dạng).

Trong chương trình sử dụng đất từ năm 1942, để giải quyết việc di dân của người Việt, người ta đã thực hiện ý định bố trí khu ngoại ô của thành phố cho dân cư lao động, sản xuất nông nghiệp. Khu vực này trước đây được kiểm soát chặt chẽ trong một ranh giới nhất định. Nhiều vùng đất rộng lớn phía bắc được dành riêng để bảo tồn rừng cảnh quan, phục vụ săn bắn, ngoạn cảnh và du lịch. Nhiều khoảng trống khác dành cho khu thể thao, cắm trại, công viên hay khu bất kiến tạo. Tổng cộng diện tích các vùng đất nêu trên lên đến 10.000 ha (chiếm 60% diện tích thành phố) nhằm giữ gìn những giá trị tự nhiên của cảnh quan đô thị Đà Lạt, chống lại việc xâm lấn thiên nhiên thái quá của con người.

Trong một khoảng không gian rộng hình rẻ quạt về phía bắc của thành phố, các quả đồi đẹp và hoang sơ từ hồ Xuân Hương đến tận rặng núi Lang Biang đã được giữ gìn để du khách thưởng ngoạn trọn vẹn vẻ đẹp hùng vĩ của cao nguyên.

Một vài công trình quốc gia như Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử, Giáo hoàng Học viện, Viện Đại học Đà Lạt,… hình thành trong thập niên 1950 - 1960 trên những quả đồi có độ cao trung bình, thấp thoáng giữa những rặng thông đã tô điểm thêm bức tranh phong cảnh tĩnh mịch bằng những nét chấm phá sinh động.

1.2   Yếu tố mặt nước

Đà Lạt có nhiều suối nhỏ và dòng suối quan trọng nhất chảy qua thành phố là dòng Cam Ly. Việc sắp xếp bố cục thành phố đã được thực hiện phần lớn dọc hai bờ con suối này. Từ  năm 1900, kỹ sư Rousselle - Giám đốc Sở Công chánh - đã có ý nghĩ tạo lập một hồ nước. Sau này, Hồ Lớn (hồ Xuân Hương ngày nay) đã được thành hình một phần vào năm 1919, do kỹ sư công chánh Labbé thực hiện khi đắp xong đập thứ nhất. Năm 1923, hồ được mở rộng và đến năm 1935 thì hoàn chỉnh như ngày nay (sau khi xây xong đập Cầu Ông Đạo và loại bỏ các đập cũ bị bể vỡ vì mưa lũ lớn xảy ra năm 1932).

Từ đó đến nay, việc tạo thêm các hồ nước nhân tạo đã gia tăng đều đặn và gắn liền với lịch sử phát triển của thành phố và là những công trình tạo tác có giá trị nhất nối liền con người với thiên nhiên. Công trình hồ nước nhân tạo vừa đem lại nguồn nước sinh hoạt, nước tưới cho cư dân, vừa tô điểm thêm nét đẹp thanh lịch cho cảnh quan hoang sơ, và là trung tâm bố cục để sắp xếp các phân khu chức năng của thành phố.

Hồ Vạn Kiếp

Với tài năng và kinh nghiệm, KTS Hébrard đã tạo tiền đề quan trọng cho cảnh quan thành phố khi đề xuất quy hoạch thành phố Đà Lạt xung quanh một chuỗi hồ nhân tạo (năm 1923). Sáng kiến này vừa làm tăng vẻ đẹp của phong cảnh, vừa làm tăng giá trị của vùng đất nghỉ dưỡng đã sẵn có nhiều tiềm năng phát triển. Mỗi hồ nước nhân tạo là một trung tâm của một phân khu chức năng. Theo dòng Cam Ly, kể từ thượng lưu sẽ gồm:

Hồ Than Thở ở đầu nguồn, vừa cung cấp nước uống vừa là hồ cảnh đã cùng các đồi thông chung quanh tạo thành bức tranh hữu tình và nổi tiếng.

Một hồ nước trung bình dự kiến giữa khu Chi Lăng và Thái Phiên là tâm điểm của Trung tâm Hành chánh Trung ương.

Hai hồ nước nhỏ dự kiến trong khu vực trường học ở phía nam và trại lính ở phía bắc hồ Xuân Hương. Các khách sạn du lịch và khu giải trí được bố trí ở phía nam, vườn hoa, sân golf và khu dự kiến này đã được tổ chức theo đồ án của Hébrard và hầu như không có sự thay đổi nào đáng kể cho tới ngày nay, ngoại trừ việc dự kiến xây dựng biệt thự đã không được thực hiện do người ta e ngại sẽ làm hủy hoại tầm nhìn phong cảnh tuyệt đẹp về phía Lang Biang.

Hồ nước cuối cùng được dự kiến xây dựng trước khi dòng suối đến thác Cam Ly.

Ngoài công năng cung cấp nước uống cho cư dân thành phố, điều hòa nước tưới cho nhân dân, suối và hồ nước là trung tâm của các thắng cảnh: Không cảnh đẹp nào của Đà Lạt mà thiếu vắng hình ảnh phẳng lặng của mặt nước. Nó phản chiếu cảnh vật làm tăng chiều cao không gian, tạo bầu không khí trong lành và cảm giác thanh bình cho du khách.

Hồ Xuân Hương là bố cục chính của vùng trung tâm, nơi quần tụ của công trình khách sạn, công trình công cộng, khu thể thao, nhà Thủy tạ của bờ phía nam. Nhờ khoảng trống của hồ đã tạo được tầm nhìn gắn bó với bờ đối diện là vùng đồi và các chòm thông xanh được giữ gìn như một công viên thiên nhiên dưới chân rặng núi Lang Biang. Do địa hình khu vực lồi lõm, có đường vòng trên bờ quanh co ẩn khuất sau những rặng cây đã tạo nên cảm giác thú vị cho người xem và làm cho mặt hồ như rộng lớn hơn. Trong đồ án năm 1943, KTS Lagisquet đã dự trù bố trí một công viên dạng bậc cấp từ  Dinh II đến Hồ Lớn bao gồm những vườn hoa, cây cảnh, bể, thác phun nước và các lối đi cho người thưởng ngoạn (muốn thực hiện được phải cắt bỏ đoạn đường Trần Hưng Đạo trước Dinh 2 và chuyển tuyến qua đường Khởi nghĩa Bắc sơn ngày nay). Dự án này nếu thực hiện được, kiến trúc nguy nga của dinh thự, có cây cảnh và vườn hoa rực rỡ sẽ trải dài từ trên đồi cao đến mặt hồ.

1.3   Yếu tố cây xanh

Thành phố Đà Lạt hiện nay, nhìn một cách tổng thể vẫn là một công viên khổng lồ với rừng thông bạt ngàn bao phủ. Bất cứ nơi nào trong thành phố cũng hưởng được không khí mát lạnh và thơm mùi nhựa thông, đâu cũng thấy màu xanh cây lá, ngàn vạn sắc màu rực rỡ của hoa quả vùng cao. Ở trong thành phố công viên khổng lồ này, ta sẽ tìm thấy khá nhiều nơi giúp con người được nghỉ ngơi và thư giãn, gần gũi với thiên nhiên.

Hiện nay vườn hoa thành phố vừa là nơi tham quan, nghỉ ngơi, giải trí, vừa là nơi nghiên cứu sưu tập phát triển các loại hoa, cây kiểng đặc thù của Đà Lạt.

Các thắng cảnh như hồ Đa Thiện, Thung lũng Tình Yêu, hồ Than Thở, thác Cam Ly, Datanla, Prenn, hồ Tuyền Lâm,… hiện nay như là các công viên trong thành phố. Ở đây du khách có thể thưởng thức các tác phẩm tự nhiên của tạo hoá như thác, ghềnh, rừng cây, hồ nước,... Các biện pháp quy hoạch tổng thể  các thắng cảnh với đầy đủ các chức năng công viên, quản lý về mặt xây dựng và kinh doanh trong thắng cảnh đang được quan tâm nghiên cứu phát triển.

Công viên Yersin

Trong trung tâm thành phố Đà Lạt, trước đây còn có một số khoảng đất trống được giữ lại làm các tiểu công viên, đây chính là hệ thống cây xanh liên hoàn nối liền thành mạng lưới cây xanh thành phố. Tuy nhiên, hiện nay, các khoảng “ dự kiến xanh” này đang mất dần để tạo thành các khu nhà ở, cơ quan. Điều này có khả năng làm thay đổi bộ mặt xanh của khu trung tâm thành phố.

Hệ thống cây xanh đường phố của Đà Lạt rất ít, nhất là ở các đường phố thương mại  như khu Hoà Bình, đường Phan Đình Phùng, đường 3/2, đường Nguyễn Văn Trỗi,... Tuy nhiên cây xanh trong khuôn viên công trình giờ vẫn còn rất nhiều. Đây chính là nét khác biệt so với thành phố khác và là nét độc đáo rất tự nhiên của Đà Lạt.

1.4   Yếu tố không gian kiến trúc

Đối với địa hình bằng phẳng, việc quy hoạch ô bàn cờ là giải pháp tốt khi sử dụng và tiện lợi về mọi phương diện. Để tạo cảm giác thẩm mỹ, người ta phải dùng đến các biện pháp: đắp đất tạo đồi, đào hồ tạo mặt nước, mở các mặt hồ để tạo thành các không gian biến động.

Thành phố Đà Lạt có địa hình mấp mô, uốn lượn, cộng với việc tổ chức hệ thống giao thông hình mạng nhện, đã tạo thành những không gian linh động, biến đổi không ngừng. Đi trên đường Trần Hưng Đạo, giữa rừng thông cao vút của Dinh II, bất ngờ chợt nhìn qua phía bên kia, cả một khoảng không gian kỳ ảo bỗng hiện ra dãy Lang Biang xanh thẫm  làm nền cho toàn cảnh bức tranh.

Đồi Cù ẩn hiện mấp mô giữa những thân thông thẳng tắp soi bóng xuống mặt hồ Xuân Hương phẳng lặng. Chỉ có Đà Lạt mới có được những bức tranh phong cảnh với đầy đủ sắc độ, không gian xa mà gần như vậy. Ở mọi nơi trong thành phố người ta đều thấy được đỉnh tháp chuông của nhà thờ Chánh Tòa. Chỉ cần mấy bước chân tìm đến, qua khỏi khúc quanh của đường Lê Đại Hành, thật bất ngờ ngay trước mắt là một công trình trang nghiêm với tháp chuông cao vút, sừng sững hiện ra trước mặt. Sau sự ngạc nhiên chính là cảm giác thành kính ngưỡng mộ đối với công trình kiến trúc đặc sắc này. Để tạo cảm giác trang nghiêm, ngoài hình dáng kiến trúc đối xứng tuyệt đối theo đúng bút pháp chủ nghĩa kiến trúc cổ điển Pháp, công trình còn có không gian mở rộng được đánh dấu bằng một công viên nhỏ có đặt một bức tượng Chúa với chức năng là đảo giao thông, tránh cho con đường từ dưới dốc lên đâm trực tiếp vào cổng nhà thờ.

Vừa đến cửa ngõ thành phố, ta có một cái nhìn bao quát toàn bộ thành phố, từng lớp nhà xếp lên nhau và tràn xuống thung lũng, ẩn hiện trong màu xanh của cây và sương mù cao nguyên. Về đêm, bầu trời dường như thấp xuống dưới chân du khách với muôn ngàn ánh sao ẩn hiện. Ở đồng bằng, điều này chỉ thấy được nếu nhìn từ máy bay.

 

 

Về đầu trang

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT
NHÀ XUẤT BẢN TỔNG HỢP TP. HỒ CHÍ MINH
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Thiết kế trang web: Sở KH&CN Lâm Đồng