|
||
CHƯƠNG III Y TẾ, GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO, KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO 1. THỜI KỲ TRƯỚC NĂM 1945 Sau khi tỉnh Lâm Viên (Lang Bian) được thành lập (6-1-1916) và triều đình Huế thông báo Dụ thành lập thị tứ Đà Lạt (20-4-1916), dân cư Đà Lạt và các vùng lân cận ngày càng đông đúc thì hệ thống giáo dục cũng bắt đầu hình thành và phát triển theo đà phát triển dân cư. Trường học đầu tiên ở Đà Lạt là trường dạy cho con em người Pháp, khai giảng vào ngày 20-12-1919, mang tên École française, sau đó đổi tên lại thành trường Nazareth. Lúc đầu qui mô trường còn nhỏ, chỉ nhận trẻ em từ 4-6 tuổi, dạy mẫu giáo và lớp đồng ấu (Cours enfantin). Đến năm 1930, trường được mở rộng đến lớp dự bị (Cours préparatoire) và lớp sơ đẳng (Cours élémentaire).
Trường Nazareth Các công sở ngày càng phát triển, người Pháp đến Đà Lạt ngày càng đông, nhu cầu giáo dục cho con em theo gia đình đến Đà Lạt ngày càng tăng, vì vậy trường Petit Lycée được thành lập. Trường này khai giảng ngày 16-9-1927, dạy chương trình tiểu học cho con em người Pháp. Ngày 7-1-1928, bắt đầu thực hiện chế độ nội trú cho học sinh và mở thêm lớp đầu tiên của bậc trung học sau này là lớp 6 của trường Grand Lycée.
Trưòng Petit Lycée. Mặc dù các quan chức người Pháp không quan tâm đến việc học của con em cư dân người Việt Nam, nhưng những người có học thức trong cộng đồng người Việt ở Đà Lạt đã không chịu để cho con em mình thất học. Họ đã đứng ra lập các trường học dạy chương trình sơ học Việt gồm ba lớp: đồng ấu, dự bị và sơ đẳng. Ngôi trường dành cho học sinh người Việt ở Đà Lạt đầu tiên do ông Bùi Thúc Bàng (thầy Bản) thành lập năm 1927 tại khu vực gần khách sạn Ngọc Lan ngày nay. Trường làm bằng gỗ, lợp tranh. Sau đó, một số trường tư khác tiếp tục được thành lập như trường ông Trần Quý Bút (thầy Ấm) ở đường Cầu Quẹo (nay là đường Phan Đình Phùng), trường Hồng Lam của ông Trần Đình Ôn, trường do ông Dương Xuân Phương lập cũng ở đường Cầu Quẹo, trường do ông Trương Văn Trình lập ở đường Tăng Bạt Hổ ngày nay ,... Trường công lập đầu tiên dạy cho con em người Việt Nam được thành lập năm 1928 lấy tên là École communale de Dalat. Lúc này trường chỉ có ba lớp: đồng ấu, dự bị, sơ đẳng. Sau khi mở trường này, học sinh hai lớp của trường ông Bùi Thúc Bàng cũng chuyển đến học ở đây. Đến năm 1931, trường mở thêm lớp nhì đệ nhất niên. Năm 1935, trường có thêm lớp nhì đệ nhị niên và lớp nhất, hoàn chỉnh hệ tiểu học. Cũng từ đây trường đổi tên thành École primaire complémentaire de Dalat (Trường tiểu học bổ túc Đà Lạt, còn gọi là trường tiểu học Pháp - Việt Đà Lạt). Đây là tiền thân của trường tiểu học Đoàn Thị Điểm ngày nay. Từ năm 1933 đến năm 1938, công trình giao thông đến Đà Lạt từng bước được hoàn chỉnh. Người Việt từ các nơi đến Đà Lạt để làm ăn sinh sống ngày càng đông. Làng mạc, khu dân cư được hình thành rải rác nhiều nơi, nhất là ở các trục đường 20 và 11. Hệ thống trường học trên địa bàn cũng được phát triển nhiều hơn và đa dạng. Trường Grand Lycée (nay là Trường Cao đẳng Sư phạm Lâm Đồng) được khởi công xây dựng năm 1929 và năm 1933 các lớp học đầu tiên của trường này được khai giảng, dạy chương trình trung học cho con em người Pháp và các quan lại Việt Nam. Đến ngày 28-6-1935, trường này khánh thành và có tên là Lycée Yersin. Vào năm học 1935–1936, trường bắt đầu mở thêm các lớp triết học, toán học là những lớp cuối của bậc phổ thông trung học. Trường Couvent des Oiseaux (nay là Trường Trung học Phổ thông Dân tộc Nội trú Lâm Đồng) khởi công xây dựng năm 1934, lúc đầu là trường mầm non được thành lập năm 1935, về sau mở rộng thành trường tiểu học và trung học. Trường còn có tên gọi Notre Dame du Langbian (Đức Bà Lâm Viên). Trường Le Sacré Coeur thành lập năm 1941, sau hai năm đổi tên là trường Adran (Collège d'Adran) (nay là trụ sở của Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng), lúc đầu dạy các lớp bậc tiểu học, về sau mở đến trung học phổ thông. Người Hoa mở trường tư thục dạy riêng cho con em họ lấy tên là trường Tân Sanh. Trường này tồn tại cho đến năm 1975, sau đó đổi tên là trường Đoàn Kết. Trường Thiếu sinh quân Đà Lạt (École d'Enfants de Troupe de Dalat) thành lập năm 1939. Trường này tập hợp trẻ em mồ côi không nơi nương tựa trong các nước ở Đông Dương, gồm cả con lai vô thừa nhận đem về tổ chức học tập văn hóa và huấn luyện quân sự, đến lúc trưởng thành thì bổ sung vào quân đội. Thời kỳ này, ở các vùng lân cận quanh Đà Lạt cũng chỉ mới có lẻ tẻ một số lớp sơ học như ở Dran, Cầu Đất, M'Lon, Phú Hội, La Ba (Phú Sơn ngày nay). Sau khi thi đậu sơ học yếu lược, học sinh nào muốn học lên bậc tiểu học phải lên Đà Lạt học. Học sinh trường tiểu học Đà Lạt tốt nghiệp xong bậc tiểu học (chương trình Việt) phải đi nơi khác thi vào bậc trung học, nam sinh thi vào Collège Khải Định (Huế) hoặc Collège Qui Nhơn (Bình Định), nữ sinh thi vào Collège Đồng Khánh (Huế). Từ năm học 1944 - 1945, Chính phủ Pháp cho mở một lớp chuyên khoa toán bậc đại học tại Đà Lạt, đặt tại Lycée Yersin. Trường Lycée Yersin có ba phân hiệu : Grand Lycée ở đường Yersin, Petit Lycée ở đường Hoàng Văn Thụ và Annexe Yersin tại địa điểm Trường Đại học Đà Lạt hiện nay. Lớp đại học đầu tiên này có khoảng 40 sinh viên chỉ tồn tại từ ngày khai giảng tháng 9-1944 đến ngày Nhật đảo chánh Pháp 9-3-1945. Một sinh viên của lớp này là ông Lê Phương, sau Cách mạng tháng Tám trở thành Phó Ty Bình dân học vụ tỉnh Lâm Viên và 30 năm sau trở về phụ trách Ty Giáo dục Đà Lạt vào năm học 1975 – 1976. Trong năm 1944, để tránh nạn chiến tranh, Chính phủ Pháp đã cho chuyển Ban Kiến trúc thuộc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương từ Hà Nội vào Đà Lạt. Lúc này trường trực thuộc Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Paris về chương trình giáo khoa, hệ thống kiểm soát, chế độ thi cử và cấp phát văn bằng. Năm 1945, Chính phủ Pháp công nhận văn bằng kiến trúc sư của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương có giá trị hành nghề tại Pháp và trên toàn cõi Đông Dương. Trong thời gian này Đà Lạt đã có dáng dấp của một thành phố học đường (ville universitaire). Đà Lạt có nhiều trí thức người Pháp thuộc nhiều ngành đến làm việc; nhiều học sinh sinh viên ở các địa phương khác đến theo học ở các trường trung, tiểu học nổi tiếng. Đặc biệt, trong lớp đại học Mathématiques Spéciales, nhà trường liên hệ với một số trí thức người Pháp nhằm thông báo cho họ biết học trình của lớp và cứ mỗi chiều thứ bảy hàng tuần giới thiệu sinh viên đến nhà để được hướng dẫn cũng như kiểm tra kiến thức. Đây là một hình thức giáo dục, học tập khá bổ ích có tác dụng tốt, bước đầu của một ý tưởng lớn là xây dựng một xã hội học tập mà ngày nay đã trở thành hiện thực. Hưởng ứng chủ trương của Đảng, đầu năm 1939 một số trí thức và giáo viên các trường ở Đà Lạt thành lập Hội Truyền bá Quốc ngữ. Đây là một hoạt động văn hóa xã hội được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng. Trí thức, giáo viên, thanh niên học sinh vừa học vừa tích cực vận động người đi học. Tại các lớp học, học viên được học văn hóa và nghe đọc sách báo nên hiểu biết thêm về phong trào cách mạng trong nước và tình hình thế giới. Ảnh hưởng các phong trào này, học sinh Trường Tiểu học Đà Lạt khi học môn Công dân giáo dục đã ngấm ngầm không chịu thừa nhận nước Đại Pháp là mẫu quốc của mình. Một số thầy cô giáo ít nhiều chịu ảnh hưởng cách mạng, có xu hướng yêu nước, gần gũi và chan hòa với học sinh. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhiều học sinh trường này đã tham gia hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Nhiều người đã anh dũng hy sinh, những người còn lại sau ngày hòa bình, thống nhất đất nước đã giữ các chức vụ quan trọng của bộ máy Đảng, chính quyền và quân đội. Các thầy giáo như Nguyễn Đình Lãm, Chu Oai,… đã tham gia kháng chiến ngay từ ngày đầu. |
||
|
|
|
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH
PHỐ ĐÀ LẠT |