NỘI DUNG CHÍNH

Lời giới thiệu

PHẦN THỨ NHẤT : LƯỢC SỬ
TRUYỀN THỐNG ĐẤU TRANH

Chương I:  Lược sử hình thành và phát triển thành phố Đà Lạt

Chương II: Truyền thống đấu tranh cách mạng

PHẦN THỨ HAI : TỰ NHIÊN
VÀ DÂN CƯ

Chương I: Tự nhiên

Chương II: Dân cư

PHẦN THỨ BA : KINH TẾ

Chương I : Nông nghiệp – lâm nghiệp

Chương II :  Du lịch và dịch vụ

Chương III: Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp

Chương IV : Cơ sở hạ tầng kỹ thuật

PHẦN THỨ TƯ : VĂN HÓA XÃ HỘI

Chương I:   Văn học nghệ thuật, thiết chế văn hóa và báo chí

Chương II: Quy hoạch và kiến trúc

Chương III: Y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ

Chương IV: Tín ngưỡng và tôn giáo

TỔNG LUẬN

Niên biểu thành phố Đà Lạt

Danh sách Bà mẹ Việt Nam anh hùng thành phố Đà Lạt

Danh sách các đơn vị được tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”

Danh sách các Bí thư chi bộ, Thành uỷ Đà Lạt qua các thời kỳ

Danh sách các Thị trưởng Đà Lạt (1901-1975)

Danh sách các Chủ tịch Uỷ ban quân quản, Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Lạt

Alexandre Yersin

Về phong cách Đà Lạt

Người Cơ Ho ở Đà Lạt

Đường phố Đà Lạt

Danh mục các ngôi đình ở Đà Lạt

CHƯƠNG III

Y TẾ,  GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO, KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

 

GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

 

3. THỜI KỲ 1954 - 1975

Từ những năm 1960 - 1961, Uỷ ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh Tuyên Đức đã giành quyền làm chủ được nhiều buôn làng với một vùng đất đai rộng lớn bao gồm hầu hết huyện Lạc Dương tới phía bắc huyện Đức Trọng (tức Lâm Hà ngày nay từ Fiserol trở lên). Nhưng đến đầu năm 1962, địch mở chiến dịch An Lạc càn quét vào vùng giải phóng, dồn đồng bào vào các khu tập trung Đam Rông, Đam Pao, Đa Me. Vùng giải phóng chỉ còn lại 4 buôn:  Đon Mang (B1), Danksi (B2), Datro (B3), Dakron (B4) với khoảng 400 dân, trong đó có 5 gia đình đồng bào Kinh, còn lại là đồng bào dân tộc. Về sau, có thêm một số gia đình từ Bố Lan (ở căn cứ Bắc Ninh Thuận) lên nhập cư. Từ đó hình thành vùng căn cứ cách mạng, nhân dân cùng với cán bộ, bộ đội sản xuất, chiến đấu chống giặc.

Từ cuối năm 1965, nhiều hoạt động đánh địch, diệt ác, phá kềm, phá ấp chiến lược diễn ra trong vùng địch tạm chiếm đã đẩy địch vào thế bị động, do đó vùng căn cứ tương đối ổn định. Lúc này, Tỉnh mới chủ trương mở trường học, cử cán bộ làm giáo viên giảng dạy cho con em dân tộc ở vùng căn cứ. Các giáo viên vừa dạy học, vừa lao động sản xuất tự túc và tham gia công việc bố phòng bảo vệ vùng căn cứ.

Cuối năm 1970, Trường Văn hóa tập trung tỉnh Lâm Đồng được thành lập để giảng dạy cho một số con em của cán bộ công nhân viên các ban ngành ở tỉnh, các K, các xã thuộc tỉnh Lâm Đồng cũ. Lúc đầu mới thành lập, trường lấy tên là Trường Văn hóa tập trung E 300, sau đó có tên chính thức là trường Nguyễn Văn Trỗi. Trường đóng chân tại khu vực vùng căn cứ thuộc huyện Đạ Tẻh của tỉnh Lâm Đồng hiện nay.

Vào tháng 4-1974, địch đánh phá, càn quét ở tỉnh Tuyên Đức và vùng ven thành phố Đà Lạt, do đó các giáo viên đã nhận nhiệm vụ hướng dẫn các học sinh thuộc tỉnh Tuyên Đức và thành phố Đà Lạt xuống Lâm Đồng để nhập vào trường Nguyễn Văn Trỗi. Đến tháng 4-1975, sau khi Đà Lạt – Tuyên Đức được giải phóng, các thầy cô giáo đã đưa số học sinh này ra Bảo Lộc để trở về lại Đà Lạt và Tuyên Đức.

*

Sau năm 1954, một số lượng lớn cư dân từ phía Bắc và miền Trung đến Đà Lạt và Tuyên Đức lập nghiệp nên dân số gia tăng rõ rệt. Các loại hình trường lớp trong vùng tạm chiếm khá đa dạng do có sự đan xen các hệ giáo dục từ thời Pháp cùng với các trường lớp được thành lập mới.

Đối với ngành học mầm non, Bộ Quốc gia Giáo dục (cũ) không có kế hoạch triển khai hay quản lý, chỉ có một số ít vườn trẻ, lớp mẫu giáo do các tôn giáo hoặc tư nhân thành lập. Ở bậc tiểu học có hệ thống trường sơ học và tiểu học, đa số trường học ở bậc tiểu học là trường công lập, còn lại là trường tư của tôn giáo, một số tư nhân và của người Hoa.

Bậc trung học được chia ra thành hai bậc: trung học đệ nhất cấp và trung học đệ nhị cấp.

Giai đoạn này, ở thị xã Đà Lạt đã có hai trường công lập hoàn chỉnh (Nữ trung học Bùi Thị Xuân, Nam trung học Trần Hưng Đạo), một trường của người Pháp (Lycée Yersin), còn lại là các trường tư của tôn giáo và tư nhân. Ngoài những trường trung học phổ thông, còn có các trường trung học vừa dạy chương trình phổ thông vừa giáo dục kỹ thuật và hướng nghiệp như Trường Kỹ thuật Lasan, Trường Nông - Lâm -  Súc, Trường Franciscaine.

Viện Đại học Đà Lạt bắt đầu thành lập và hoạt động từ năm 1957 đến năm 1975, là một tổ chức tư thục do giáo hội Thiên Chúa giáo quản lý. Trường chính thức dạy bậc đại học từ năm học 1958 - 1959 cho các ngành Sư phạm, Văn Khoa, Khoa học và từ năm 1964 mở ngành Chính trị kinh doanh. Số lượng sinh viên gia tăng hàng năm; năm học 1958 - 1959 mới có 49 sinh viên theo học thì sau 10 năm đã tăng đến 2.704 sinh viên và đến năm học 1974 - 1975, trường có khoảng 5.000 sinh viên theo học, trong đó thu nhận nhiều sinh viên từ các tỉnh khác đến học.

Viện Đại học Đà Lạt qua quá trình hoạt động đã mở rộng được các khoa và các hệ đào tạo:

Trường Đại học Sư phạm ban đầu có hai lớp sư phạm Triết học và Pháp văn gồm 5 khóa từ năm 1958 đến 1965. Từ giai đoạn 1966 đến 1975, Trường đào tạo cử nhân sư phạm cho nhiều bộ môn như : Toán, Văn, Sử, Địa, Tiếng Pháp, Tiếng Anh.

Trường Đại học Văn khoa khai giảng năm 1958 có 5 ban: Triết học, Việt văn, Pháp văn, Anh văn, Sử - Địa. Ngày 8-6-1971, trường được phép mở lớp và cấp văn bằng cao học.

Trường Đại học Khoa học thành lập năm 1959, ban đầu chỉ có một số chứng chỉ cho các năm đầu các môn Toán, Vật lý, Hoá học. Đến năm học 1972-1973, trường có 18 chứng chỉ các môn Toán, Vật lý, Hoá học, Sinh vật để đào tạo cử nhân các ngành Vật lý, Hoá học và Sinh vật.

Trường Đại học Chính trị - Kinh doanh thành lập năm 1964,  được phép chiêu sinh và cấp phát văn bằng cử nhân, cao học. Đây là ngành có nhiều sinh viên theo học nhất tại Viện Đại học Đà Lạt.

Ngoài Viện Đại học Đà Lạt, còn có một trường sư phạm đào tạo giáo viên tiểu học, Hội Việt – Mỹ, Trung tâm Văn hóa Pháp chuyên dạy tiếng Anh, tiếng Pháp theo hệ chứng chỉ.

Mạng lưới trường lớp trong vùng tạm chiếm đã được phát triển khá hơn thời kỳ Pháp thuộc. Hầu hết các xã, phường đều có trường, thấp nhất là sơ học.

Về quy mô trường lớp, tương tự như thời Pháp thuộc, ở Đà Lạt vẫn là một trung tâm giáo dục, đào tạo lớn của miền Nam Việt Nam. Ngoài hệ thống các trường phổ thông, đại học, thu hút các học sinh, sinh viên trong tỉnh và các địa phương khác về học, còn có các trường về quân sự và tôn giáo như Trường Võ bị Quốc gia, Trường Chiến tranh chính trị, Trường Chỉ huy và Tham mưu, Giáo Hoàng học viện.

Đến trước tháng 3 năm 1975, thành phố Đà Lạt có 61 trường học:

Các trường công lập và bán công gồm: 27 trường tiểu học, 6 trường trung học, 1 trường trung học nông - lâm - súc, 1 trường sư phạm tiểu học và 1 trường trung học bán công;

Các trường tư thục gồm: 3 trường mẫu giáo, 7 trường tiểu học, 14 trường trung học (kể cả một số trường trường dạy chương trình Pháp), 1 trường trung học kỹ thuật, 1 trường đại học.

 

 

Về đầu trang

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT
NHÀ XUẤT BẢN TỔNG HỢP TP. HỒ CHÍ MINH
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Thiết kế trang web: Sở KH&CN Lâm Đồng