NỘI DUNG CHÍNH

Lời giới thiệu

PHẦN THỨ NHẤT : LƯỢC SỬ
TRUYỀN THỐNG ĐẤU TRANH

Chương I:  Lược sử hình thành và phát triển thành phố Đà Lạt

Chương II: Truyền thống đấu tranh cách mạng

PHẦN THỨ HAI : TỰ NHIÊN
VÀ DÂN CƯ

Chương I: Tự nhiên

Chương II: Dân cư

PHẦN THỨ BA : KINH TẾ

Chương I : Nông nghiệp – lâm nghiệp

Chương II :  Du lịch và dịch vụ

Chương III: Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp

Chương IV : Cơ sở hạ tầng kỹ thuật

PHẦN THỨ TƯ : VĂN HÓA XÃ HỘI

Chương I:   Văn học nghệ thuật, thiết chế văn hóa và báo chí

Chương II: Quy hoạch và kiến trúc

Chương III: Y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ

Chương IV: Tín ngưỡng và tôn giáo

TỔNG LUẬN

Niên biểu thành phố Đà Lạt

Danh sách Bà mẹ Việt Nam anh hùng thành phố Đà Lạt

Danh sách các đơn vị được tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”

Danh sách các Bí thư chi bộ, Thành uỷ Đà Lạt qua các thời kỳ

Danh sách các Thị trưởng Đà Lạt (1901-1975)

Danh sách các Chủ tịch Uỷ ban quân quản, Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Lạt

Alexandre Yersin

Về phong cách Đà Lạt

Người Cơ Ho ở Đà Lạt

Đường phố Đà Lạt

Danh mục các ngôi đình ở Đà Lạt

CHƯƠNG III

Y TẾ,  GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO, KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

 

GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

 

4. THỜI KỲ SAU NĂM 1975

4.1   Khái quát tình hình giáo dục Đà Lạt

Từ năm 1975, trong khí thế chung sau ngày giải phóng, việc công lập hóa toàn bộ hệ thống giáo dục đã tạo phấn khởi chung cho toàn ngành đi vào phong trào thi đua dạy tốt, học tốt. Đây là bước mở đầu thuận lợi cho nền giáo dục cách mạng.

Giáo dục mầm non phát triển nhanh và đều khắp; từ chỗ mới có vài chục cháu ở một vài cơ sở giữ trẻ tư nhân trước năm 1975 thì đến năm 1990 có 947 cháu đi nhà trẻ và có 4.073 cháu ra các lớp mẫu giáo. Phong trào phổ cập giáo dục tiểu học và xoá mù chữ cho toàn dân được khơi dậy. Hầu hết học sinh bậc tiểu học được huy động ra lớp với 15.198 em. Trong 3 năm từ năm 1976 đến 1979, đã xóa mù chữ được 3.263 người ở nhiều độ tuổi khác nhau. Những lớp bổ túc văn hóa được hình thành và phát triển nhanh chóng trên toàn địa bàn nhằm đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập của nhân dân. Số người đi học bổ túc văn hóa vào năm học 1990-1991 ở cấp trung học cơ sở có 58 học viên, cấp trung học phổ thông có 202 học viên.

Từ năm 1990 đến 2008, ngành giáo dục và đào tạo đã khắc phục được những biến động giảm sút về quy mô phát triển giáo dục. Thành phố Đà Lạt đã tiến hành thực hiện và được kiểm tra công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ vào năm 1990. Cũng vào năm 1990, Thành phố đã chỉ đạo ngành giáo dục xây dựng chương trình, đề án để tiến hành đa dạng hóa các loại hình trường lớp trên địa bàn. Những yêu cầu của xã hội trong thời kỳ đổi mới đã kích thích, khơi dậy được truyền thống hiếu học của nhân dân; phụ huynh học sinh ngày càng quan tâm đến công tác giáo dục, đào tạo hơn trước. Sự nghiệp đổi mới trong giáo dục, đào tạo đã bắt đầu khởi sắc, xã hội hóa giáo dục, tăng thêm nguồn lực cho phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo.

Số lượng học sinh ra lớp có sự tăng trưởng khá cao, tỷ lệ các cháu mẫu giáo 5 tuổi ra lớp đạt trên 98%, trẻ em trong độ tuổi tiểu học đi học đạt 99,8%. Với quy mô tăng trưởng lớn ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, thành phố đã được kiểm tra công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập trung học cơ sở vào cuối năm 2000.

Bên cạnh những thành tựu nêu trên,  trên toàn địa bàn đã duy trì được 3 điểm học tình thương, thu hút được 187 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đến lớp theo học chương trình xóa mù chữ hoặc phổ cập giáo dục bậc tiểu học.

4.2   Hệ thống mạng lưới trường lớp

Tính đến đầu năm học 2007-2008, chưa kể số học sinh, sinh viên và cán bộ giảng dạy của các Trường Đại học Đà Lạt, Trường Đại học dân lập Yersin Đà Lạt, Trung tâm Đào tạo - Bồi dưỡng Cán bộ tại chức và các đơn vị trường học cho học sinh khuyết tật, trên địa bàn thành phố có 53.530 học sinh của ngành học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên theo học tại các trường. Thống kê cho thấy bình quân cứ  3 người dân thì  có 1 người đi học. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên ngành giáo dục đào tạo gồm 3.164 người, trong đó cán bộ quản lý:195, giáo viên: 2.519, công nhân viên: 386, quản lý nhà nước : 64.

Số trường học vào năm  2008  trên địa bàn thành phố Đà Lạt có 78 đơn vị :

- Ngành học mầm non: Toàn thành phố có 20 trường, trong đó có 1 trường công lập,  1 trường dân lập, 3 trường tư thục, 15 trường bán công, ngoài ra còn có 18 cơ sở mầm non tư thục, 74 nhà nhóm trẻ gia đình.

 - Ngành học phổ thông gồm 44 trường, trong đó có 27 trường tiểu học, 4 trường trung học cơ sở, 13 trường trung học phổ thông.              

 - Trường cho trẻ em khuyết tật: trường khiếm thính tỉnh Lâm Đồng dạy các cháu học sinh điếc - câm và trường thiểu năng Hoa Phong Lan dạy các cháu học sinh thiểu năng trí tuệ.

- Giáo dục thường xuyên: Trung tâm giáo dục thường xuyên làm nhiệm vụ giáo dục thường xuyên và dạy nghề phổ thông, Trung tâm  Đào  tạo  –  Bồi dưỡng Cán bộ tại chức Lâm Đồng thuộc Sở Nội Vụ.

- Giáo dục chuyên nghiệp: Trường Trung học Kinh tế - Kỹ thuật Lâm Đồng, Trường Trung cấp Y tế, Trường Trung cấp Du lịch, Trường Nghiệp vụ Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Trường Văn thư  Lưu trữ, Trường Chính trị.

- Giáo  dục  đại học,  cao đẳng:  Trường Đại học Đà Lạt, Trường Đại học dân lập Yersin Đà Lạt, Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, Trường Cao đẳng nghề Đà Lạt.  

GIÁO DỤC THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT
(Năm học: 1975-1976, 1990-1991, 2007-2008)

                                                                                      Đơn vị tính:   học sinh

Ngành học

Năm học

1975-1976

Năm học
1990-1991

Năm học
2007-2008

Nhà trẻ

 

947

1.942

Mẫu giáo

 

4.070

7.527

Tiểu học

15.198

15.058

15.595

Trung học cơ sở

6.185

7.320

13.651

Trung học phổ thông

2.629

2.407

9.375

Bổ túc văn hóa

 

260

1.060

GIÁO DỤC THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT
(Năm học : 2007-2008)

Ngành học

Số trường

Số lớp

Số
học sinh

Số

giáo viên

 1. Mầm non

- Nhà trẻ

- Mẫu giáo

2. Phổ thông

- Tiểu học

- Trung học cơ sở

- Trung học phổ thông

3. Trung tâm giáo dục

thường xuyên

4. Trung cấp chuyên nghiệp

5. Cao đẳng

20

 

 

 

27

 4

13

 

 1

 3

 2         

345

129

216

 

488

312

229

 

22

9.469

1.942

7.527

 

15.595

13.651

9.375

 

1.060

2.830

1.550

582

175

407

 

600

540

469

 

38

150

140

CỘNG

69

1.396

     53.530

2.519

 

4.3   Phát triển các ngành học và bậc học

4.3.1 Ngành học mầm non

Ngành học mầm non là ngành học mới được thành lập sau ngày giải phóng  vì trước năm 1975 chỉ có một số ít vườn trẻ, do đó gần như đi từ không đến có, từ trường lớp, học sinh lẫn cán bộ giáo viên.

Từ 1975 đến 1987, các nhà trẻ do Uỷ ban Chăm sóc bà mẹ trẻ em trực tiếp quản lý. Đến năm 1987, bàn giao về ngành giáo dục quản lý điều hành. Hệ thống nhà trẻ hàng năm đón nhận  khoảng 1.500 cháu, đa số ở các phường và vùng nông thôn dân cư phát triển. 

Sau khi hình thành ngành học mầm non, các trường mầm non bao gồm vừa mẫu giáo, vừa nhà trẻ đã được thành lập và trở thành phổ biến. Để tinh giản bộ máy, giảm bớt đầu mối, ngoại trừ các trường trọng điểm hay trường tư thục thì ở thành phố mỗi trường mầm non được gắn với một địa bàn các cấp phường, xã.

Từ năm 1990, ngành học mầm non đã tiến hành đa dạng hóa các loại hình trường lớp theo các loại trường công lập, bán công, dân lập, tư thục.

4.3.2 Bậc tiểu học

Số  học  sinh  tiểu  học  ra  lớp  năm học

2007 - 2008 là 15.595 học sinh, chiếm tỷ lệ 29,1% trong tổng số 53.530 học sinh, học viên các ngành học của thành phố. Số giáo viên tiểu học là 600 người, chiếm tỷ lệ 37,2% trong tổng số 1.609 giáo viên ngành học phổ thông. Để phát triển sự nghiệp giáo dục bền vững từ lâu trong ngành đã xem “Tiểu học là nền, lớp một là móng” của hệ thống giáo dục và đào tạo.

Thành phố Đà Lạt đã được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000. Đến nay Đà Lạt đã đủ điều kiện đạt chuẩn về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Trong 27 trường tiểu học đã có 15 đơn vị được công nhận Trường Tiểu học đạt chuẩn Quốc gia.

Mạng lưới trường tiểu học được bố trí khá hợp lý, sát với địa bàn dân cư. Chất lượng giáo dục tiểu học có nhiều chuyển biến tiến bộ; riêng về giáo dục toàn diện ngày càng có điều kiện để thực hiện khá hơn trước; khoảng cách về chất lượng các trường vùng trung tâm so với vùng ven, ngoại thành đã được thu hẹp dần. Cơ sở vật chất trường lớp ở tiểu học ngày càng khang trang sạch đẹp; tuy nhiên vẫn còn không ít khó khăn trong việc triển khai dạy hai buổi mỗi ngày và việc tổ chức bán trú cho học sinh.


 

4.3.3 Bậc trung học phổ thông

Từ năm 1975 đến năm 1990, đa số các trường tiểu học gắn với các lớp trung học cơ sở trong các trường phổ thông cơ sở hay trường phổ thông cấp I-II. Về sau do yêu cầu hình thành bậc tiểu học, cấp trung học cơ sở, cấp trung học phổ thông nên đã hình thành các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông riêng biệt. Một số nơi do điều kiện thiếu cơ sở vật chất trường học lại phải thành lập trường phổ thông trung học gồm hai cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông (trường phổ thông cấp II-III).

Hệ thống các trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông tăng nhanh trong khoảng thời gian từ năm 1990 đến nay, xuất phát từ yêu cầu học sinh ra lớp ngày càng nhiều và thực hiện chủ trương đa dạng hóa trường lớp nên được thành lập thêm các trường thuộc hệ bán công, dân lập.

Số lượng học sinh trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT) trong thập niên 1980 –1990 gần như không tăng hoặc tăng không đáng kể nhưng từ năm 1990 đến nay tốc độ tăng trưởng rất nhanh, cấp THCS tăng 6.331 học sinh (1,86 lần) và cấp THPT tăng 7.328 học sinh (4,58 lần). Từ năm 1990 trở đi, khi ngành giáo dục tiến hành đa dạng hóa các loại hình trường, lớp, cùng với ngành học mầm non, bậc THPT có điều kiện sớm thực hiện.

Đối với chất lượng ngành học phổ thông, tỷ lệ tốt nghiệp tiểu học hàng năm trên 99%, tốt nghiệp THCS trên 98%, tốt nghiệp THPT trên 85%, số lượng học sinh giỏi cấp tỉnh và cấp quốc gia ở các bậc học, cấp học ngày càng gia tăng. Đối với kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia lớp 12, bình quân trong 5 năm qua, hàng năm thành phố có 30 học sinh đạt giải học sinh giỏi nên là một đơn vị mạnh so với mặt bằng chung trong cả nước. Số lượng học sinh trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng hàng năm đạt tỷ lệ từ 20 đến 26%, tỷ lệ cao so với toàn quốc.

4.3.4 Các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên

Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt được thành lập năm 1976, đến năm 1992, trường hợp nhất với hai đơn vị Trung học Sư phạm và Sư phạm Mầm non để trở thành một trường sư phạm đa hệ. Hiện nay trường đào tạo giáo viên trung học cơ sở cao đẳng sư phạm hệ 12+3 năm, giáo viên tiểu học trình độ cao đẳng sư phạm 12+3 năm và giáo viên cao đẳng mầm non hệ 12+3 năm. Trường Cao đẳng Sư phạm còn được giao nhiệm vụ bồi dưỡng cán bộ quản lý từ mầm non đến trung học cơ sở và làm công tác bồi dưỡng chuẩn hóa, bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên trong các hệ đào tạo.

Do nhu cầu giáo viên ở bậc ngành học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở ở một số bộ môn đã bảo hòa nên quy mô đào tạo của nhà trường cũng đã thu hẹp. Hiện nay nhà trường chỉ đào tạo cho 1.102 sinh viên hệ chính quy tập trung và tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa cho giáo viên đã tốt nghiệp trước đây; đồng thời triển khai kế hoạch chiêu sinh cho một số chuyên ngành theo hướng của một trường cao đẳng đa ngành.

Trường Cao đẳng nghề Đà Lạt được thành lập vào năm 2007, được nâng cấp trên cơ sở là Trường Kỹ thuật Đà Lạt thành lập từ năm 2000 đã đào tạo hệ công nhân và nhân viên được 6 khóa với gần 2.000 học sinh hệ dài hạn. Trường Cao đẳng nghề Đà Lạt là cơ sở dạy nghề, đào tạo nghề ở các hệ cao đẳng nghề, trung cấp nghề và sơ cấp nghề. Trường Cao đẳng nghề Đà Lạt hiện có 8 khoa đào tạo với trên 1.600 học sinh, sinh viên.

 

Trường Trung học Kinh tế - Kỹ thuật Lâm Đồng được thành lập năm 2000 trên cơ sở phát triển Trường Kỹ thuật Lâm Đồng gồm Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp – hướng  nghiệp Đà Lạt và Trường Công nhân Kỹ thuật Lâm Đồng trước đây. Hiện nay trường đào tạo cho học sinh bậc trung học chuyên nghiệp các ngành kinh tế du lịch, tin học, kế toán - tài chính, điện công nghiệp và công nghiệp thực phẩm với quy mô 1.800 học sinh.

 

Trường Trung học Y tế trực thuộc Sở Y tế Lâm Đồng, đào tạo các y sỹ, y tá, điều dưỡng và hộ sinh bậc trung học. Trường được thành lập từ tháng 9 năm 1978 với nhiệm vụ đào tạo cán bộ y tế có trình độ trung và sơ cấp cho địa phương.

Trường Chính trị tỉnh Lâm Đồng có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng trình độ chính trị, quản lý nhà nước cho đội ngũ cán bộ, công chức từ tỉnh đến cơ sở theo các trình độ sơ cấp, trung cấp và liên kết đào tạo cao cấp, cử nhân chính trị,... theo chỉ tiêu, kế hoạch được giao.

Trường Nghiệp vụ Dân số - Kế hoạch hoá gia đình thực hiện nhiệm vụ chuyên ngành theo kế hoạch của ngành. Trường Trung cấp Du lịch, Trường Văn thư  Lưu trữ trực thuộc các ngành trung ương đang tiến hành việc kiện toàn các điều kiện để đi vào hoạt động.

Về cơ sở giáo dục thường xuyên, đến nay trên địa bàn Đà Lạt có Trung tâm giáo dục thường xuyên Đà Lạt và Trung tâm Đào tạo – Bồi dưỡng Cán bộ tại chức tỉnh Lâm Đồng.

Trung tâm giáo dục thường xuyên Đà Lạt được thành lập trên cơ sở sáp nhập Trường Bổ túc Văn hóa Đà Lạt và Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp-hướng nghiệp Đà Lạt. Trung tâm hiện có 22 lớp bổ túc trung học cơ sở và bổ túc trung học phổ thông với 1.060 học viên. Hoạt động của Trung tâm chủ yếu vẫn là dạy nghề phổ thông cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông, dạy bổ túc văn hoá, chưa vươn ra được các nhiệm vụ khác.

 Trung tâm Đào tạo – Bồi dưỡng Cán bộ tại chức tỉnh Lâm Đồng được thành lập để làm công tác đào tạo, bồi dưỡng cho các cán bộ, viên chức trong tỉnh về chuyên môn và nghiệp vụ. Ngoài chức năng trên, Trung tâm cũng mở rộng tuyển học sinh,  sinh viên theo học một số ngành, nghề có trình độ từ trung cấp đến đại học và sau đại học. Hoạt động chủ yếu của Trung tâm là liên kết với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp để ký kết các hợp đồng và chiêu sinh mở lớp.

 Các hoạt động dạy và học ngoại ngữ, tin học theo hệ chứng chỉ tin học ứng dụng, ngoại ngữ thực hành được phát triển mạnh trong những năm gần đây ở các cơ sở nhà nước và tư nhân.

4.3.5 Trường Đại học Đà Lạt

Trường Đại học Đà Lạt được thành lập theo Quyết định số 426/TTg-CP ngày 27-10-1976 trên cơ sở của Viện Đại Học Đà Lạt trước đây. Từ năm 1977 đến năm 1986, trường đào tạo cử nhân cho các ngành khoa học cơ bản. Từ năm 1987, trường đã chuyển sang chức năng đào tạo đa ngành. Đến năm 1994, trường chuyển việc tổ chức đào tạo từ niên chế sang học chế  tín chỉ.  Tiếp tục sự nghiệp đổi mới và  phát triển, đến nay Trường Đại học Đà Lạt đã phát triển thành một trường đại học  đa ngành, đa cấp đào tạo  đa lãnh vực có  quy mô tuyển sinh hàng năm 3.000 sinh viên hệ đại học, 300 sinh viên hệ cao đẳng gồm 37 ngành học đào tạo đại học, 4 ngành đào tạo trung cấp chuyên nghiệp, 4 ngành đào tạo hệ cao đẳng, 7 ngành sau đại học, 1 ngành đào tạo tiến sỹ.

Từ ngày được tái lập đến nay, số lượng sinh viên đến học tại Trường Đại học Đà Lạt không ngừng gia tăng. Năm học 1977-1978, trường tuyển 250 sinh viên; đến năm học 1996-1997, trường có 10.074 sinh viên và đến năm học 2008-2009 có 26.500 sinh viên đang được đào  tạo tại trường, trong đó có 11.200 sinh viên hệ chính quy. Số sinh viên theo học tập trung tại Trường Đại học Đà Lạt đến từ hơn 30 tỉnh thành trong cả nước, nhưng chủ yếu vẫn thu hút sinh viên  các tỉnh thuộc khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Ngoài ra, Trường Đại học Đà Lạt hợp tác với Học viện Lục quân và liên kết với một số trung tâm giáo dục thường xuyên các tỉnh Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ để đào tạo một số ngành trong lĩnh vực đào tạo của trường.

4.3.6 Trường Đại học dân lập Yersin Đà Lạt

Trường Đại học dân lập Yersin Đà Lạt được thành lập ngày 1 - 10 - 2004 và bắt  đầu chiêu sinh từ năm học 2004-2005. Trong năm  học 2008-2009 nhà trường được giao chỉ tiêu đào tạo 1.300 sinh viên thuộc các ngành công nghệ thông tin, kiến trúc, mỹ thuật công nghiệp, công nghệ sinh học, khoa học môi trường, quản trị kinh doanh, điều dưỡng và tiếng Anh. Hiện nay trường đã có hơn 3.000 sinh viên trong 4 khóa đào tạo.

 

4.3.7   Học viện Lục quân

Học viện Lục quân là một trung tâm đào tạo chỉ huy cấp chiến thuật và cấp chiến dịch binh chủng hợp thành và nghiên cứu khoa học quân sự của Quân đội nhân dân Việt Nam. Học viện đã qua nhiều giai đoạn phát triển, từ những lớp quân sự bổ túc đầu tiên ở Sơn Tây (7-1946) đến Trường Bổ túc Quân Chính trung cấp (3-1948) và sau đó sáp nhập vào Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn vào tháng 6-1950.

Đến tháng 5-1955, Bộ Quốc phòng – Tổng tư lệnh quyết định thành lập Trường Bổ túc quân sự trung cao với nhiệm vụ mở các lớp huấn luyện quân sự để nâng cao trình độ cho cán bộ trung cao cấp trong quân đội. Ngày 3-3-1961, Bộ Quốc phòng sáp nhập Trường Bổ túc quân sự trung – cao cấp vào Trường Lý luận chính trị thành Học viện Quân Chính đặt tại Nghĩa Đô, Từ Liêm, Hà Nội. Ngày 11-5-1965, Bộ Quốc phòng quyết định tách Học viện Quân Chính thành Học viện Quân sự và Học viện Chính trị trực thuộc Bộ Quốc phòng. Ngày 14-10-1975, Bộ Quốc phòng quyết định chuyển địa điểm của Học viện Quân sự từ Hà Nội vào Đà Lạt. Học viện Quân sự tiếp thu 5 cơ sở của nguỵ quân cũ là Trường Võ bị Quốc gia, Trường Chiến tranh Chánh trị (Trường Sỹ quan Tâm lý chiến), Trường Cao đẳng Quốc phòng (Trường Sỹ quan Tham mưu), Bệnh viện Quân y và Khu Tạo tác. Đây là một khu liên hoàn ở phía đông bắc thành phố Đà Lạt.

Ngày 15-12-1981, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 422/QĐ đổi tên Học viện Quân sự thành Học viện Lục quân kể từ ngày 1-1-1982 đến nay, với nhiệm vụ vừa là trung tâm đào tạo vừa là cơ quan nghiên cứu khoa học quân sự. Học viện Lục quân hoạt động theo nội dung chương trình huấn luyện cơ bản, hệ thống, toàn diện, thống nhất và chuyên sâu.

Đến nay Học viện Lục quân mở các lớp hoàn thiện cử nhân quân sự, các lớp đào tạo cử nhân, thạc sỹ và tiến sỹ về khoa học quân sự. Trong quá trình hoạt động, Học viện Lục quân đã đào tạo được nhiều sỹ quan trung – cao cấp cho quân đội, góp phần to lớn trong sự nghiệp xây dựng lực lượng vũ trang của Quân đội nhân dân Việt Nam và cho quân đội các nước bạn Lào và Campuchia.

4.4   Giáo dục học sinh dân tộc thiểu số

Đồng bào dân tộc thiểu số tại Đà Lạt gồm các cư dân bản địa người Cơ Ho và các đồng bào dân tộc ít người từ phía Bắc di dân vào. Trong cộng đồng các dân tộc ít người, cư dân bản địa chiếm đa số. Địa bàn cư trú đồng bào dân tộc bản địa ở xã Tà Nung, thôn Măng Lin (phường 7). Một bộ phận lớn đồng  bào đã được định canh, định cư, kinh tế tương đối ổn định, còn lại một số hộ về đời sống kinh tế tuy đã được nâng lên nhiều so trước đây nhưng vẫn còn có khó khăn và đây cũng là vùng trọng điểm có nhiều người mù chữ, trẻ em bị thất học.  So với cả tỉnh Lâm Đồng thì dân cư bản địa chiếm 16,16% dân số nhưng ở trên địa bàn thành phố Đà Lạt các tộc người thiểu số này chỉ chiếm 1,46%, do đó thành phố có điều kiện để tập trung chăm lo đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc. Xã Tà Nung đã phổ cập tiểu học từ năm 1994, đến nay có 75% số học sinh bậc tiểu học vào học đúng độ tuổi và hiện đang phấn đấu phổ cập trung học cơ sở. So sánh tương quan với cả tỉnh thì công tác giáo dục vùng dân tộc thiểu số ở Đà Lạt có nhiều thuận lợi và đã có nhiều nỗ lực để thu hẹp dần khoảng cách đối với các khu vực dân cư khác của thành phố về công tác phổ cập giáo dục.

Nhằm tạo điều kiện  cho một bộ phận học sinh dân tộc ít người ở các vùng sâu, vùng chậm phát triển có cơ hội học tập, Đảng và Nhà nước có chủ trương thành lập các trường phổ  thông dân tộc nội trú.

Thực hiện Chỉ thị 10/TV-TU ngày 4-9-1978 của Ban Thường vụ tỉnh ủy Lâm Đồng, Trường Thanh niên dân tộc nội trú tỉnh được thành lập vào đầu năm học  1981–1982. Ban đầu trường đặt cơ sở tại huyện Di Linh, chiêu sinh trên địa bàn toàn tỉnh đối với học sinh bậc tiểu học và trung học cơ sở với quy mô khoảng 160 học sinh. Trường đã đào tạo trên 100 học sinh dân tộc tốt nghiệp trung học cơ sở.

Để phù hợp với tình hình mới, Trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Lâm Đồng được thành lập vào ngày 24-12-1988. Địa điểm trường từ năm 1988-1992 đặt tại số 1 đường Nguyễn Khuyến - Đà Lạt, từ năm 1992, chuyển về địa điểm tại số 2 Huyền Trân Công Chúa - Đà Lạt. Trường có 398 học sinh bậc trung học phổ thông. Tổng số học sinh của trường tốt nghiệp tú tài từ năm 1992 đến 2008 là 1.128 học sinh. Trường Trung học phổ  thông dân tộc nội trú tỉnh đã góp phần rất lớn trong việc đào tạo nguồn cho học sinh dân tộc vào các trường đại học, cao đẳng và trung học  chuyên nghiệp.

 

Về đầu trang

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT
NHÀ XUẤT BẢN TỔNG HỢP TP. HỒ CHÍ MINH
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Thiết kế trang web: Sở KH&CN Lâm Đồng