|
||
CHƯƠNG III Y TẾ, GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO, KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Sau khi trạm khí tượng và trạm nông nghiệp được thành lập ở Đăng Kia từ năm 1898, nhiều cơ sở hoạt động khoa học trên các lĩnh vực khác được đầu tư xây dựng như Viện Pasteur (1936), Sở Địa dư (1944), Trung tâm Nghiên cứu Lâm sinh (1947). Trong giai đoạn này còn có một số cơ sở khác được chuyển đến tạm thời như Trường Viễn Đông Bác Cổ, Trường Quốc gia Hành chính, Ban Kiến trúc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Trường Võ bị Liên quân (1950), … Từ năm 1957 đến năm 1975, nhiều cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học được thành lập như Viện Đại học Đà Lạt (1957), Trung tâm nghiên cứu nguyên tử (1958), Trung tâm Thực nghiệm rau hoa Đà Lạt (1959), Giáo hoàng Chủng viện Pio X (1959), Trường Võ bị quốc gia (1955), Trường Chiến tranh chánh trị (1966), Trường Chỉ huy – Tham mưu (1967), … Hiện nay, trên địa bàn Đà Lạt có các cơ sở nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ sau : - Về nông, lâm và sinh học: Trung tâm Nghiên cứu Lâm sinh Lâm Đồng, Trung tâm Nghiên cứu cây thực phẩm Đà Lạt, Viện Sinh học Tây Nguyên, Trung tâm Ứng dụng Kỹ thuật nông nghiệp Lâm Đồng, các cơ sở của tập thể hoặc tư nhân… - Về y tế: Công ty Vắc-xin Pasteur Đà Lạt, Trung tâm trồng và chế biến cây thuốc Đà Lạt, Công ty cổ phần Dược – Vật tư Y tế Lâm Đồng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng, Bệnh viện Y học dân tộc Phạm Ngọc Thạch, các cơ sở y dược tư nhân. - Về đào tạo: Học viện Lục quân, Trường Đại học Đà Lạt, Trường Đại học Dân lập Yersin Đà Lạt, Trường Chính trị tỉnh, Trường Cao đẳng Sư phạm, Trường Cao đẳng nghề Đà Lạt, các trường trung cấp chuyên nghiệp và đào tạo công nhân kỹ thuật. - Các lĩnh vực khoa học và công nghệ khác: Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt. 1. CƠ SỞ NGHIÊN CỨU VỀ NÔNG NGHIỆP, LÂM NGHIỆP VÀ SINH HỌC 1.1 Trạm nông nghiệp và trạm khí tượng Năm 1898, một trạm thực nghiệm nông nghiệp và một trạm khí tượng được thành lập ở Đăng Kia (Dankia), đặt dưới sự quản lý của kỹ sư M. Jacquet, thanh tra nông nghiệp. Trạm thực nghiệm nông nghiệp đầu tiên ở Đà Lạt là trạm Lang Biang đặt ở Đăng Kia có diện tích 16,67ha; trồng thử nhiều loại rau hoa phần lớn có nguồn gốc ôn đới. Ngoài ra, trạm cũng trồng thử một số loại củ cải làm thức ăn cho gia súc và chăn nuôi khoảng 250 gia súc (bò, trâu, cừu, ngựa,…). Trong thời gian này, trạm cung cấp mỗi tuần hai lần khoảng 150kg rau các loại cho số viên chức của bộ máy chính quyền và một số du khách ít ỏi ban đầu. Trạm Thực nghiệm Nông nghiệp Đăng Kia là cơ sở đầu tiên tiến hành khảo cứu, nhân giống, cung cấp một số giống rau hoa, cây ăn trái và một số giống gia súc được di nhập từ nước ngoài vào. Năm 1908, Trạm Thực nghiệm Nông nghiệp được di chuyển từ Đăng Kia về Đà Lạt, đặt tại khu vực hữu ngạn suối Cam Ly ở phía bắc Cầu Sắt hiện nay (đường Bà Huyện Thanh Quan), sau này là Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Đà Lạt. Trạm khí tượng hoạt động đều đặn cho đến cuối năm 1908. Năm 1909, Trạm được di chuyển từ Đăng Kia về Đà Lạt, đặt tại khu vực Trường Tiểu học Hùng Vương và tiếp tục công việc từ tháng 6 năm 1909 đến cuối năm 1911 thì ngưng. Số liệu khí tượng thu được trong 14 năm hoạt động của trạm này đã xác định được về những điều kiện khí hậu cơ bản của cao nguyên Lâm Viên. 1.2 Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Lâm sinh Lâm ĐồngTrung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Lâm sinh Lâm Đồng có hai cơ sở là Trạm Thực nghiệm Lâm nghiệp Cam Ly và Trạm Thực nghiệm Lâm nghiệp Lang Hanh. Tiền thân của Trung tâm là Trạm Thực nghiệm Lâm học Lang Hanh được thành lập vào năm 1932 tại huyện Di Linh và Trạm Thực nghiệm Lâm học Măng Lin được thành lập vào năm 1947 tại phường 5, thành phố Đà Lạt. Đến năm 1953, Trung tâm có tên gọi là Trung tâm Thực nghiệm Lâm sản cao nguyên thuộc Trung tâm Quốc gia Khảo cứu Khoa học và Kỹ thuật trực thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục và đến năm 1956 trực thuộc Nha Khảo cứu Lâm sản của Bộ Canh nông. Vào giai đoạn mới được thành lập, Trung tâm là một cơ sở của Viện Khảo cứu Đông Dương của Pháp (IRAFI). Từ sau năm 1953, ngoài việc khảo cứu cây canh-ki-na và một vài loài thảo mộc ở rừng địa phương, chức năng của trung tâm này được mở rộng sang một số lĩnh vực khác như khảo cứu kỹ thuật gieo ươm thông; nghiên cứu kỹ thuật gây trồng rừng nhân tạo thông 2 lá và một số loài thực vật mọc nhanh nhằm mục tiêu tạo lập các khu rừng công nghiệp ở vùng độ cao 800 - 1.000 mét. Bên cạnh chức năng này, Trạm Thực nghiệm Lâm học Măng Lin có nhiệm vụ nghiên cứu về lâm học của vùng cao nguyên có độ cao trung bình trên 1.500 mét so với mực nước biển, chủ yếu là loài thông 3 lá (Pinus kesiya). Từ sau ngày miền Nam được giải phóng, Trung tâm được đổi tên là Trại Thí nghiệm Lâm nghiệp Lâm Đồng thuộc Viện Lâm nghiệp - Bộ Lâm nghiệp và từ năm 1988 cho đến nay, được đổi thành Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Lâm sinh Lâm Đồng thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp - Bộ Lâm nghiệp.
Trạm Thực nghiệm Lâm học Măng Lin đến năm 1991 được đổi thành Trạm Thực nghiệm Lâm nghiệp Cam Ly. Trung tâm xây dựng vườn ươm phục vụ công tác sưu tập thảo mộc, nghiên cứu các loài thông, khai thác nhựa thông và một số loài cây lá rộng được nhập nội, để tiến hành thực nghiệm gieo ươm và trồng rừng. Từ năm 1984, Trung tâm phối hợp với Trung tâm giống DANIDA, Trung tâm giống cây rừng tổ chức nghiên cứu, khảo nghiệm cải thiện giống thông 3 lá. Hiện nay, đang tiếp tục thu hái các cây trội để khảo nghiệm các dòng "hậu thế". Ngoài những nhiệm vụ trên, Trung tâm còn tiến hành khảo nghiệm để gây trồng loài thông đỏ (Taxus wallichiana), xây dựng mô hình vườn rừng bạch đàn vùng cao (Eucalyptus microcorys) cho Tây Nguyên; thực hiện đề tài bảo tồn nguồn gen quý hiếm ở Đà Lạt - Lâm Đồng. Trung tâm đã nghiên cứu, khảo nghiệm hàng trăm loài thực vật để gây rừng, trong đó có những loài đặc hữu bản địa như: Pinus dalatensis, Pinus merkusii, Pinus kesiya, Pinus krempfii,… và nhiều loài được nhập nội từ nhiều nước trên thế giới (như: Úc, New Zealand, Philippines, Nhật Bản, Ấn Độ, châu Phi, Đức, Hà Lan, Mỹ và vùng Caribê,… Hiện nay, Trung tâm đang bảo tồn, chăm sóc và phát triển hàng trăm nguồn gen thực vật rừng của Đà Lạt - Lâm Đồng, một số loài thực vật di thực từ các nơi. 1.3 Trung tâm Thực nghiệm rau hoa Đà LạtTrung tâm Thực nghiệm rau hoa Đà Lạt (còn gọi là Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Đà Lạt) được thành lập vào tháng 2 năm 1959 trên khu đất trước đó là vườn ươm hoa của Ty Canh nông tỉnh Tuyên Đức ở phía đông bắc hồ Xuân Hương, với diện tích 14 ha. Trung tâm trực thuộc Sở Bảo vệ và Cải tiến thảo mộc Sài Gòn do một giám đốc là kỹ sư nông nghiệp điều hành và nhận được sự cộng tác về chuyên môn của một số chuyên viên của tổ chức Thanh niên chí nguyện quốc tế (IVS) và các chuyên gia Đài Loan. Trung tâm sưu tầm và thí nghiệm các loại giống rau hoa để chọn lọc các giống tốt thích hợp với điều kiện khí hậu và đất đai vùng Đà Lạt. Ngoài rau hoa, trung tâm còn thí nghiệm các loại cây ăn trái có nguồn gốc ôn đới và cải tiến kỹ thuật canh tác trên các loại cây trồng. Trong khảo nghiệm, mỗi giống rau hoa đều được trồng 2 lần, mỗi lần cách nhau một tháng. Vụ đầu tiên được trồng vào tháng 9-1960 trên diện tích 5 ha. Trung tâm đã khảo nghiệm, xác định quy trình canh tác và sản xuất được nhiều giống rau hoa có năng suất, chất lượng hơn các giống hiện có đương thời. Những thành tựu trong việc thí nghiệm và gây giống rau hoa của trung tâm đã giúp ích rất nhiều trong việc trồng rau hoa ở Đà Lạt cũng như của khu vực. Sau giải phóng, vào năm 1976, toàn bộ cơ sở vật chất của Trung tâm được sáp nhập vào Trạm giống rau Đà Lạt mới được thành lập, sau đó trở thành Xí nghiệp giống rau Đà Lạt. Vào năm 1980, được sự trợ giúp của tổ chức CCFD và Hội Việt kiều tại Pháp về kinh phí và một số trang thiết bị cần thiết, Xí nghiệp giống rau Đà Lạt được chuyển về địa điểm mới tại khu vực 450 đường Nguyên Tử Lực trên diện tích khoảng 30 ha. Xí nghiệp giống rau được đầu tư tương đối hoàn thiện, đã cung cấp hàng trăm tấn hạt giống củ cải và nhiều loại hạt giống rau. Đến cuối năm 1992, Xí nghiệp giống rau Đà Lạt được giải thể, cơ sở vật chất cùng diện tích đất sản xuất của đơn vị được chuyển giao cho Công ty Dalat Hasfarm được thành lập dưới hình thức 100% vốn đầu tư của nước ngoài. 1.4 Trung tâm nghiên cứu khoai tây, rau và hoaTrung tâm nghiên cứu cây thực phẩm Đà Lạt trực thuộc Viện cây lương thực và cây thực phẩm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành lập vào năm 1978, trên địa bàn phường 12, thành phố Đà Lạt. Từ năm 2003 Trung tâm được gọi là Trung tâm nghiên cứu khoai tây, rau và hoa. Trung tâm nghiên cứu cây khoai tây, một số loài rau có khả năng chịu lạnh, các cây thực phẩm khác và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm; sản xuất và cung cấp giống đầu dòng và giống gốc đối với một số loài khoai tây sạch bệnh (gồm cây giống, củ giống, hạt lai dòng F1) và một số giống rau, hoa, cây thực phẩm khác. Trong quá trình hoạt động, Trung tâm ký hợp đồng với các tổ chức nghiên cứu khoa học và các doanh nghiệp để nghiên cứu, khảo nghiệm giống mới, thử nghiệm kỹ thuật và công nghệ sản xuất giống mới. Trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ sản xuất bằng phương pháp lai tạo hữu tính đối với giống khoai tây và hạt giống một số giống rau hoa; nghiên cứu, xác định quy trình sản xuất rau an toàn tại Đà Lạt; nghiên cứu xác định lý thuyết về đặc tính di truyền kháng bệnh héo xanh đối với cây khoai tây. Kết quả các công trình nghiên cứu này được công nhận và công bố trên các tạp chí khoa học . Để mở rộng khả năng hoạt động nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ sinh học, trong thời gian qua, ngoài việc liên kết - hợp tác với một số tổ chức khoa học công nghệ trong nước, Trung tâm đã quan hệ hợp tác với nhiều tổ chức khoa học về cây thực phẩm trên thế giới như: Trung tâm khoai tây quốc tế (CIP), Trung tâm nghiên cứu phát triển rau châu Á (AVRDC), Hiệp hội khoai tây châu Á (APA), Hiệp hội nghiên cứu cây có củ nhiệt đới quốc tế (ISTRC), Hội nghề làm vườn quốc tế (ISH), Quỹ Phát triển Khoa học quốc tế (IFS), Trường Đại học Curtin (Tây Úc), Trường Đại học Wagenigen (Hà Lan), Chương trình nghiên cứu bệnh mốc sương khoai tây toàn cầu (GILB) và một số tổ chức khác. 1.5 Viện Sinh học Tây NguyênTrung tâm Nghiên cứu Khoa học Đà Lạt trực thuộc Viện Khoa học Việt Nam được thành lập vào năm 1977. Đến năm 1993, Trung tâm được đổi tên thành Phân viện Sinh học tại Đà Lạt trực thuộc Viện Sinh học nhiệt đới của Trung tâm Khoa học tự nhiên và công nghệ quốc gia. Năm 2008, Phân viện Sinh học tại Đà Lạt trở thành Viện Sinh học Tây Nguyên trực thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Viện ứng dụng các phương pháp công nghệ sinh học trong công tác nhân giống và cải tạo cây trồng, vật nuôi; nghiên cứu thuần hóa, nhập nội các loài động vật, thực vật; chế biến và bảo quản thực phẩm; chiết tách các hoạt chất sinh học có nguồn gốc thực vật; nghiên cứu tổng hợp các sản phẩm từ tinh dầu của một số loài thực vật. Viện còn có nhiệm vụ tìm hiểu về tính đa dạng sinh học của hệ động vật - thực vật để triển khai xây dựng bảo tàng thiên nhiên Tây Nguyên. Hiện nay, Viện đã thực hiện có kết quả các công việc như: - Bảo quản và phát triển nguồn gen thực vật quý hiếm tại địa phương, trong đó có một số loài cây thuốc, cây lâm nghiệp, cây cảnh, hoa cảnh, cây lấy củ và cây ăn trái. Tiến hành phục tráng, nhân giống để phục vụ nhu cầu sản xuất ở địa phương. Viện đang được Nhà nước đầu tư 1,7 tỷ đồng trong việc nhân giống sâm Ngọc Linh. - Nghiên cứu để xác định quy trình sản xuất hydrat terpin, terpinneol nhằm thu limoneno và tổ chức khảo nghiệm nhằm nâng cao hiệu suất của các quá trình tổng hợp camphor, tổng hợp cineol từ X-pinen, hydrocarbon thơm từ tinh dầu thông hay tổng hợp terpinnylphenol từ các terpen. Nghiên cứu xác lập các quy trình chiết tách, xác định hàm lượng hoạt chất 10 - deacetylbaccatin III và 19 - hydroxybaccatin III. Tổng hợp một số hoạt chất kích thích sinh trưởng NAA, IAA. - Triển khai việc thuần dưỡng một số loài động vật hoang dã như các loài nai, hươu sao trong điều kiện nuôi nhốt ở vùng Đà Lạt nhằm bảo tồn nguồn gen đối với một số loài động vật quý hiếm ở nước ta, đồng thời góp phần phục vụ mục tiêu chuyển đổi cơ cấu vật nuôi và nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Viện đã xây dựng được Bảo tàng Thiên nhiên Tây Nguyên với khoảng hơn 1.000 mẩu tiêu bản của gần 200 loài động vật (các loài: chim, bò sát, côn trùng, …) ; khảo cứu và bổ sung danh sách các loài thú của Tây Nguyên được 29 loài, trong đó riêng vùng Đà Lạt - Lâm Đồng có 24 loài. Sưu tập bộ tiêu bản gần 200 loài nấm lớn ở vùng Đà Lạt - Lâm Đồng; điều tra, thu thập và bảo tồn nguồn gen thực vật họ Lan (trong đó nhiều loài quý hiếm và đặc hữu), đây được coi là bộ sưu tập lan sống có số lượng về loài lớn nhất ở Việt Nam. Hàng năm Viện đã thu hút các nhà khoa học và hàng chục vạn du khách đến nghiên cứu, tham quan, học tập. 1.6 Trung tâm ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp Lâm Đồng Vào năm 1977, Viện Khoa học Việt Nam đã thành lập tại Đà Lạt một Trạm sản xuất thử khoai tây bằng phương pháp nuôi cấy mô thực vật, cơ sở đặt tại số 31 Đinh Tiên Hoàng, thành phố Đà Lạt. Được sự giúp đỡ của Trung tâm khoai tây quốc tế (CIP), Trạm đã di nhập nhiều loại giống khoai tây về để khảo nghiệm và sản xuất thử trong điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và chế độ canh tác ở địa phương. Đến tháng 11 năm 1984, Trạm nuôi cấy mô Đà Lạt được thành lập, tiếp nhận toàn bộ cơ sở của Trạm sản xuất thử khoai tây cấy mô. Trạm nuôi cấy mô đã sản xuất thêm một số giống hoa lan bằng phương pháp cấy mô nhằm cung cấp cho nhu cầu sản xuất hoa lan ở Đà Lạt, triển khai nghiên cứu sưu tập về các loài hoa lan tại Đà Lạt – Lâm Đồng. Đến đầu năm 1988, Liên hiệp Khoa học Sản xuất Đà Lạt được thành lập trên cơ sở sáp nhập Trạm nuôi cấy mô Đà Lạt và Thư viện Khoa học - Kỹ thuật Đà Lạt có trụ sở chính đặt tại số 11 đường Nguyễn Thái Học, Đà Lạt. Ngoài việc tiếp tục duy trì ngân hàng giống khoai tây của Trung tâm khoai tây quốc tế, nguồn gen các loại hoa lan để sản xuất giống cung cấp cho vùng sản xuất rau hoa ở Đà Lạt, Liên hiệp Khoa học Sản xuất còn có nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng và triển khai các tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất các chế phẩm nông hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong giai đoạn này, đơn vị đã tiến hành nghiên cứu bổ sung bộ sưu tập một số loài hoa lan tại Đà Lạt và Lâm Đồng; nghiên cứu khảo nghiệm phép lai hữu tính một số loài phong lan hiện có tại Đà Lạt và trên cao nguyên Lâm Viên; biên soạn và xuất bản tập sách Đà Lạt Cymbidium (1988). Từ năm 1996, Liên hiệp Khoa học Sản xuất giải thể và thành lập Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp Đà Lạt. Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ sinh học trên lĩnh vực giống cây trồng nhằm đáp ứng một phần nhu cầu về giống một số loài rau hoa, cây công nghiệp và cây ăn quả của địa phương. Đến năm 2003, Trung tâm ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp Đà Lạt được chuyển đổi thành Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp Lâm Đồng. Trung tâm là một đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng có trụ sở tại số 41 đường Phù Đổng Thiên Vương. Trung tâm đi vào nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật và phổ biến các quy trình sản xuất rau hoa, ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất các cây giống sạch bệnh như địa lan, phong lan, khoai tây, cẩm chướng,…
|
||
|
|
|
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH
PHỐ ĐÀ LẠT |