|
||
CHƯƠNG III Y TẾ, GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO, KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
3. CƠ SỞ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VỀ TRẮC ĐỊASở Địa dư Đông Dương được thành lập ngày 5-7-1899 để thực hiện các công tác địa hình, đồ bản từ đo đạc trên thực địa đến công tác nội nghiệp, ấn loát, thiết lập cho toàn lãnh thổ Đông Dương một bộ bản đồ căn bản có tỷ lệ 1:100.000 và những bản đồ có tỷ lệ 1:25.000 cho các vùng châu thổ sông Hồng, sông Cửu Long, một số vùng đồng bằng ven biển miền Trung Việt Nam. Vào cuối năm 1944, Sở Địa dư Đông Dương được di chuyển đến cơ sở mới xây dựng tại Đà Lạt. Sau Hiệp định Genève, thỏa hiệp giữa 4 nước: Pháp, Việt Nam, Campuchia và Lào về việc giải thể Sở Địa dư Đông Dương và phân chia tài sản được ký kết tại Paris ngày 29-12-1954, ấn định ngày chính thức giải thể là 31-3-1955. Ngày 1-4-1955, Nha Địa dư quốc gia Việt Nam được chính thức thành lập trên cơ sở tiếp nhận toàn bộ cơ sở của Sở Địa dư Đông Dương tại Đà Lạt và hơn 60% các loại tài sản. Nha Địa dư được giao nhiệm vụ tiếp tục công việc của Sở Địa dư Đông Dương trước đây, được trang bị thêm một số thiết bị để thực hiện những công trình đồ bản có độ chính xác cao hơn. Nha Địa dư thực hiện công tác trắc địa, thiết lập những điểm tựa căn bản có vị trí chính xác trên thực địa với hệ thống trắc địa theo hệ quy chiếu UTM trên mặt bầu dục Everest; sử dụng kỹ thuật không ảnh để thiết lập bản đồ địa hình có tỷ lệ 1:50.000 và 1:25.000, riêng tại các vùng đông dân cư thiết lập các loại bản đồ chuyên dùng có tỷ lệ 1:10.000 và 1:5.000; thiết lập bản đồ chuyên dùng và đại cương cho các ngành nghiên cứu chuyên môn như bản đồ về đường sá, đất đai, hành chính, thảo mộc, địa chất, nhân văn, kinh tế, hình thể, … Trong công tác chuyên môn theo định kỳ có điều chỉnh hiện trạng, Nha Địa dư còn đảm nhiệm việc huấn luyện đào tạo cán sự, kỹ sư về thực hành trong các lĩnh vực trắc địa, trắc lượng ảnh, đo đạc, nội nghiệp (đồ họa) và ấn loát bản đồ; huấn luyện về kỹ năng khai thác, giải đoán bản đồ không ảnh cho chuyên viên của các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, xây dựng, giao thông công chính,… Ngay ngày Đà Lạt được giải phóng (3-4-1975), chính quyền đã tiếp quản toàn bộ cơ sở vật chất, sử dụng lại một số nhân viên kỹ thuật để sản xuất các tài liệu về địa hình, in cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và một số tài liệu tuyên truyền phục vụ thiết thực cho sự nghiệp giải phóng miền Nam vào những ngày cuối tháng 4-1975. Nha Địa dư được sáp nhập vào Xí nghiệp In Bản đồ trực thuộc Cục Bản đồ của Quân đội nhân dân Việt Nam. Quá trình thành lập và phát triển của Xí nghiệp bản đồ từ năm 1975 đến nay diễn biến như sau: - Từ năm 1975-1979 là Xưởng In 2. - Từ năm 1980-1990 là Nhà máy In 2 trực thuộc Cục Bản đồ - Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam. - Từ năm 1991-1993 là Xí nghiệp In 2 trực thuộc Bộ Quốc phòng. - Từ năm 1994-1996 là Xí nghiệp In bản đồ Đà Lạt, trực thuộc Bộ Quốc phòng. - Từ năm 1997 đến nay là Xí nghiệp In Bản đồ trực thuộc Công ty Trắc địa Bản đồ của Bộ Quốc phòng. Trong quá trình hoạt động, Xí nghiệp Bản đồ Đà Lạt đã củng cố và phát triển cả về đội ngũ và tăng cường máy móc trang thiết bị. Đơn vị luôn hoàn thành nhiệm vụ được Bộ Quốc phòng giao phó; đã cung cấp những thông tin, dữ liệu, in ấn tài liệu, các loại bản đồ chuyên dùng phục vụ thiết thực cho việc phát triển kinh tế - xã hội. Mặt khác, với đội ngũ cán bộ, công nhân có chuyên môn kỹ thuật khá cao và cùng với các thiết bị công nghệ in hiện đại, trong những năm gần đây Xí nghiệp được phép in những ấn phẩm văn hóa phục vụ nhu cầu của xã hội. |
||
|
|
|
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH
PHỐ ĐÀ LẠT |