NỘI DUNG CHÍNH

Lời giới thiệu

PHẦN THỨ NHẤT : LƯỢC SỬ
TRUYỀN THỐNG ĐẤU TRANH

Chương I:  Lược sử hình thành và phát triển thành phố Đà Lạt

Chương II: Truyền thống đấu tranh cách mạng

PHẦN THỨ HAI : TỰ NHIÊN
VÀ DÂN CƯ

Chương I: Tự nhiên

Chương II: Dân cư

PHẦN THỨ BA : KINH TẾ

Chương I : Nông nghiệp – lâm nghiệp

Chương II :  Du lịch và dịch vụ

Chương III: Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp

Chương IV : Cơ sở hạ tầng kỹ thuật

PHẦN THỨ TƯ : VĂN HÓA XÃ HỘI

Chương I:   Văn học nghệ thuật, thiết chế văn hóa và báo chí

Chương II: Quy hoạch và kiến trúc

Chương III: Y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ

Chương IV: Tín ngưỡng và tôn giáo

TỔNG LUẬN

Niên biểu thành phố Đà Lạt

Danh sách Bà mẹ Việt Nam anh hùng thành phố Đà Lạt

Danh sách các đơn vị được tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”

Danh sách các Bí thư chi bộ, Thành uỷ Đà Lạt qua các thời kỳ

Danh sách các Thị trưởng Đà Lạt (1901-1975)

Danh sách các Chủ tịch Uỷ ban quân quản, Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Lạt

Alexandre Yersin

Về phong cách Đà Lạt

Người Cơ Ho ở Đà Lạt

Đường phố Đà Lạt

Danh mục các ngôi đình ở Đà Lạt

CHƯƠNG IV

TÍN NGƯỠNG VÀ TÔN GIÁO

 

2.  TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN

2.1 Khái quát về tín ngưỡng dân gian ở Đà Lạt

Đời sống tâm linh nói chung, các hình thái tín ngưỡng dân gian nói riêng, ở Đà Lạt rất phong phú do đặc điểm hình thành khối cộng đồng cư dân thành phố cũng hết sức đa dạng. Bên cạnh những hoạt động thờ Yàng gắn với các nghi lễ hiến tế tưng bừng của khối cư dân bản địa Chil, Lạch, Srê, còn có hầu như đủ loại các hình thái thờ phụng khác nhau của người Việt (Kinh) - khối cư dân đông đảo nhất trong thành phố. Có thể bắt gặp ở đây từ những hình thái phổ biến nhất ở người Việt như thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng thành hoàng, tục thờ Mẫu, thờ những người có công với non sông đất nước,… cho đến những hình thái ít nhiều nhạt mờ hơn như tục thờ cô hồn, tục thờ Quan Thánh Đế Quân (Đức Ông), tục thờ Táo Quân, Thổ Công - Thổ Địa… và kể cả không ít những loại hình có tính chất mê tín dị đoan khác (bói toán, xin xăm/xóc quẻ, lên đồng,…). Ngoài ra, trong đời sống tâm linh của khối cộng đồng cư dân thành phố còn có sự góp mặt của những hình thái tín ngưỡng dân gian của bộ phận cư dân thuộc các dân tộc thiểu số khác nữa, trong đó bộ phận có số lượng đông  đảo hơn cả là người Hoa.

2.2 Các loại hình tín ngưỡng dân gian ở người Kinh

2.2.1 Tục thờ cúng tổ tiên

Thờ cúng tổ tiên hiện hữu hầu như trong mọi hộ dân cư ở thành phố, kể cả không ít những gia đình đã theo những tôn giáo khác (như Phật giáo, Kitô giáo, Cao Đài). Tuy nhiên, do đặc điểm của khối đông cư dân Đà Lạt còn rất trẻ, họ mới tới thành phố này trong mấy thập kỷ trở lại đây cho nên ở đây hình thức phổ biến nhất của loại hình tín ngưỡng này là thờ gia tiên tức là chỉ thờ vài ba thế hệ những người thân đã quá cố trong gia đình, thường chỉ dừng lại ở việc thờ cha mẹ, ông bà  và ít bắt gặp hơn là có thờ thêm thế hệ các cụ.

Ở đây không bắt gặp những từ đường rêu phong cổ kính cùng những tộc họ đại tôn bao gồm nhiều thế hệ như ở các khu vực miền Bắc, miền Trung đất nước. Những dòng họ có mặt lâu đời nhất ở thành phố cũng chỉ khoảng 4-5 đời.

Cũng giống như một số địa phương khác ở phía Nam đất nước, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong một bộ phận cộng đồng cư dân Việt ở Đà Lạt thường có sự kết hợp giữa thờ phụng cha mẹ, ông bà với thờ Phật. Bố cục bàn thờ theo lối tiền Phật hậu Tổ là khá phổ biến. Ngay từ khi trong nhà có người vừa mất, phía trước linh cữu người quá cố thường có bàn thờ Phật.

Mặt khác, trong những thập niên gần đây, tính chất phụ hệ của hình thái thờ phụng tổ tiên ở đây cũng có những nét thay đổi ở một số gia đình. Bên cạnh việc thờ cúng cao tằng tổ khảo bên nội, còn có cả việc thờ cúng cha mẹ, ông bà bên ngoại. Có gia đình trong nhà có 2 bàn thờ bên ngoại và bên nội bài trí độc lập, nhưng cũng có khi cả 2 bên nội ngoại đều thờ tự trên cùng một bàn thờ. Hẳn điều này có liên quan tới đặc điểm cư dân thành phố còn quá trẻ, quê ngoại của phần lớn các gia đình ở tận ngoài Bắc, ngoài Trung không dễ dàng có thể về quê cúng tế bên ngoại trong các kỳ giỗ kị, và để bù đắp lại, họ đã chọn giải pháp thờ vọng đó cho phải đạo làm con.

2.2.2 Tín ngưỡng Thành Hoàng

Tín ngưỡng Thành Hoàng là một hiện tượng phổ biến trong nhiều làng ở khắp mọi miền đất nước. Về bản chất, đó là tục thờ vị thần bảo hộ cho một cộng đồng cư dân trong cùng một làng, hay nói một cách khác là tục thờ Thổ Công - Thổ Địa của một hay nhiều làng.

Thôn, làng ở Đà Lạt không có những truyền thuyết về gốc tích xưa, những câu chuyện về phong thuỷ hay thần tích gắn với thôn, làng như ở miền Bắc hay miền Trung còn lưu truyền. Khối cộng đồng người Kinh ở Đà Lạt có đặc thù là những xóm, ấp “dân tứ xứ” từ mọi miền đất nước, giữa họ hầu như không có những vị tổ tiên chung (như các làng ở miền Bắc và miền Trung); do vậy, quan hệ địa vực cư trú (quan hệ láng giềng) lấn át quan hệ huyết thống và trong trường hợp này, nhu cầu về một vị thần bảo hộ, che chở chung cho một khối cộng đồng cư dân  có chung một khu vực cư trú, bất luận họ thuộc dòng họ nào, trở nên bức xúc.

Theo truyền thống dân tộc Việt Nam, mỗi làng thường có một ngôi đình để làm nơi thờ phụng, sinh hoạt hội hè, đồng thời là nơi hội họp, bàn bạc những công việc thuộc lợi ích chung của dân làng. Thông thường đình được xây cất ở những khu đất khang trang nằm ở vị trí trung tâm của làng, có phong cảnh đẹp, cây cối sầm uất để làm tăng thêm vẻ uy nghi. Đó cũng là lý do giải thích tại sao trên một vùng lãnh thổ không lớn lắm, đã có tới hơn 40 ngôi đình lớn nhỏ khác nhau. Chỉ riêng một khu vực chưa đầy 1km2 thuộc các dãy phố Nguyễn Văn Cừ và 3 tháng 2 (phường 1) của thành phố, đã có tới 4 ngôi đình (đình Ánh Sáng, đình Thiên Thành, đình Đà Lạt, đình An Hoà).

Một đặc điểm dễ nhận thấy là, các ngôi đình ở Đà Lạt tuy nhiều về số lượng, song phần lớn đều mới được dựng lên cách đây chỉ 3 - 4 thập kỷ và quy mô thường nhỏ bé (kể cả những ngôi đình mới được trùng tu, tôn tạo trong những năm gần đây).

Về mặt kiến trúc, các ngôi đình ở Đà Lạt đều được xây dựng theo kiểu nhà 3 gian không có chái hoặc kiểu nhà nối đọi (còn gọi là sắp đọi) gồm một ngôi nhà trước 3 gian và một ngôi nhà sau liền kề song song với ngôi nhà trước, nhưng có chiều ngang hẹp hơn.

Ngôi đình cổ nhất ở đây là đình Đa Lạc, được xây vào khoảng những năm 20 của thế kỷ trước, mặc dù đã trải qua trùng tu, tôn tạo, cũng chỉ lớn hơn một căn nhà thường gặp ở Nam Bộ mà thôi. Thiếu vắng những mái đình bề thế, rêu phong cổ kính, Đà Lạt dường như cũng thiếu vắng luôn những vị Thành Hoàng có công nghiệp rõ ràng hay có sắc phong của các triều đình phong kiến.

Trong nhiều trường hợp, trên bàn thờ chính chỉ có một chữ “Thần” bằng Hán tự, và những người tham gia nghi thức tế lễ, kể cả những cụ già cao niên nhất, cũng không rõ tính danh và công tích của vị Thành Hoàng làng/ấp mình thờ phụng. Theo dõi các bản chúc văn đọc trong các kỳ Xuân tế, Thu tế tại một số ngôi đình Đà Lạt, có thể dễ dàng lập ra một danh mục dài gồm đủ các vị thần linh từ ngũ phương, ngũ hổ, long thần, thần núi, thần sông, Thổ Công, Hà Bá,… Tóm lại, người ta không nề hà gì trong việc chép lại một bản chúc văn tế Thành Hoàng của một làng quê nào đó ở ngoài miền Trung hay miền Bắc, rồi đem đọc lại trong dịp tế Thành Hoàng trên một miền quê mới.

Một đặc điểm đáng chú ý trong hình thái thờ phụng này ở Đà Lạt là những người có công khai ấp, lập làng lại không được xem là các vị Thành Hoàng. Trường hợp cụ Phạm Khắc Hoè – người đã có công lập ấp Nghệ Tĩnh, chân dung người mở ấp cũng chỉ được đặt ở tả ban của ngôi đình cùng tên, bằng vai với các bậc tiền hiền trong ấp. Trường hợp cụ Lê Phương Miễn - người lập ấp Thái Phiên và các cụ có công lập làng Mỹ Lộc còn được thờ riêng ở một ngôi nhà bên cạnh đình. Hiện tượng trên đây đã  thêm một minh chứng để khắc hoạ rõ nét hơn chân dung các vị Thành Hoàng Đà Lạt nói riêng, Thành Hoàng Việt Nam nói chung (chưa hẳn những người có công khai điền, khẩn hoang đã được xem là Thành Hoàng).

Tuy nhiên, không thể vì thế để phủ nhận vai trò to lớn và tính chất trang nghiêm của tục thờ Thành Hoàng trong đời sống của cộng đồng cư dân Việt ở đây. Theo dõi các dịp Xuân tế, Thu tế ở một số ngôi đình Đà Lạt, có thể chứng kiến sự tham gia đông đảo của dân chúng trong ấp hay làng. Các khoản chi phí cho tế lễ được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện đóng góp (với mức 10-20 ngàn đồng/người) mà số tiền thu được lên tới 7-10 triệu đã nói lên nhu cầu tâm linh của nhân dân đối với hình thái thờ phụng này là rất đáng kể. Hoàn toàn có thể xem tín ngưỡng Thành hoàng là một chất keo đặc biệt trong việc gắn kết “tình làng - nghĩa ấp” giữa các thành viên trong cùng một đơn vị cư trú trên quê hương mới.

2.2.3 Tục thờ các vị có công với dân, với nước (sùng bái vĩ nhân)

Nếu như thờ cúng tổ tiên là bày tỏ thái độ tri ân đối với công lao sinh thành, dưỡng dục của các bậc sinh thành, sùng bái vĩ nhân là sự ngưỡng mộ đối với công lao của những người có công với non sông đất nước, mà trước hết phải kể tới tục thờ Quốc Tổ Hùng Vương. Ở nội thành Đà Lạt có 2 đền thờ các vị Quốc Tổ ở khóm Võ Tánh (phường 2) và đường Ngô Quyền (phường 6). Trong dịp đầu xuân Quý Mùi (2003), tại khu đồi Hùng Vương trong quần thể khu du lịch thác Prenn đã khai trương đền thờ Âu Lạc - các bậc phụ mẫu của các vị Quốc Tổ Việt Nam. Ngoài ra, tại trường Hùng Vương và ở một số cơ quan, đơn vị khác trong thành phố (Khoa Sử và Ban Việt Nam học Đại học Đà Lạt, Hội đồng hương Vĩnh Phú tại Đà Lạt…), vào ngày 10 tháng Ba âm lịch hàng năm vẫn tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng cùng nhiều hoạt động văn nghệ với chủ đề ca ngợi sự nghiệp của các bậc khai quốc và ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc.

Bên cạnh việc thờ Hùng Vương còn có tục thờ Đức Thánh Trần với 2 cơ sở thờ tự trong thành phố: 2 An Dương Vương (phường 2) và 91 Ngô Quyền (phường 6). Nghi thức cúng tế trọng thể được tổ chức vào dịp “hoá nhật” của Hưng Đạo Vương (20 tháng Tám âm lịch hàng năm). Cũng như tục thờ Đức Quốc Tổ, tục thờ Đức Thánh Trần đã thu hút đông đảo quần chúng tham gia.

Cũng cần nói thêm, ở một số ngôi đình Đà Lạt còn có hiện tượng kết hợp giữa tín ngưỡng thờ Thành Hoàng với thờ các vị anh hùng dân tộc và những người có công với non sông đất nước - một hình thái tín ngưỡng thuộc phạm trù “sùng bái vĩ nhân”. Chẳng hạn, tại đình Cô Giang (14 Nguyễn Đình Chiểu, phường 9), vào các ngày 10 tháng Ba và 20 tháng Tám âm lịch đều có tế lễ tưởng niệm các vua Hùng, Đức Thánh Trần và các anh hùng bỏ mình vì nước.

Cùng  với các tục thờ các vị danh nhân trong lịch sử dân tộc, trong những thập niên gần đây, ở một số địa phương, cơ quan xí nghiêp trong thành phố đã xuất hiện nghi thức thờ phụng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sỹ hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Hoạt động này không chỉ diễn ra tại Nghĩa trang liệt sỹ vào ngày 27-7 hàng năm, mà còn có ở các khu tưởng niệm riêng. Nhân kỷ niệm lần thứ 110 năm hình thành và phát triển, vào ngày 30-11-2003, Thành uỷ và UBND thành phố Đà Lạt đã khánh thành Đài tưởng niệm Cam Ly với quy mô hoành tráng để tưởng nhớ 19 tù nhân đã bị thực dân Pháp sát hại bên gần sân bay Cam Ly vào ngày 11-5-1951.

 

Nghĩa trang Liệt sỹ Đà Lạt

 2.2.4 Tục thờ Mẫu

Tục thờ mẫu có liên quan tới thời kỳ mẫu quyền trong lịch sử nhân loại. Ở nước ta, hình thái thờ phụng này bùng lên mạnh mẽ từ thế kỷ XV, như là “phản ứng dội ngược” đối với sự đề cao thái quá vai trò nam giới của Nho giáo. Tục thờ này có mặt ở hầu hết các địa phương trong cả nước, song đáng chú ý nhất là ở Phủ Dày (Nam Định) - quê hương của Mẫu Liễu Hạnh.

Ở Đà Lạt hiện có một số cơ sở thờ Mẫu tiêu biểu như đền Linh Bửu (5A Nguyễn Công Trứ), Việt Nam Thánh Mẫu (91 Ngô Quyền),  Bảo Hương linh từ  (7B Trần Phú),  Suối Cát linh từ (75 Đào Duy Từ). Ngoài ra, rải rác trong thành phố còn hàng chục cơ sở thờ Mẫu khác nhưng chỉ mang tính chất tư gia - những am thờ của các gia đình. Cũng giống như nhiều cơ sở thờ Mẫu khác ở Việt Nam, bố cục bên trong điện thờ Mẫu ở các ngôi đền nói trên khá giống nhau: Ở gian giữa thờ Cửu Thiên huyền nữ, tả ban thờ Mẫu Thượng Ngàn và hữu ban thờ Mẫu Thoải (Thuỷ). Nét đáng chú ý là tính tổng hợp của loại hình tín ngưỡng này ở Đà Lạt. Cửu Thiên huyền nữ còn được đồng nhất với thờ Thiên Y A Na Thánh Mẫu (Ponagar) của người Chăm; Mẫu Thượng Ngàn còn được xem là Mẫu Âu Cơ, Mẫu Thoải còn được xem là Long Nữ (vợ của Kinh Dương Vương, mẹ của Lạc Long Quân). Ở đền Linh Bửu, cách bàn thờ Cửu Thiên huyền nữ một khoảng 4m về phía trước, còn có một bàn thờ với linh vị Quốc Tổ Việt Nam (Hùng Vương), Quan Thánh Đế Quân (Quan Công) và Như Lai Phật Tổ. Ở sân và vườn trước đền Linh Bửu còn thờ các vị Ngũ Hành nương nương, Thành Hoàng, Thổ Địa… Ở đền Thánh Mẫu tại số 91 đường Ngô Quyền, từ điện thờ Mẫu có cửa thông sang điện thờ Đức Thánh Trần và liền kề với điện này là điện thờ Quốc Tổ Hùng Vương.

2.2.5 Tục thờ gia thần

Cũng như những người Kinh ở mọi miền đất nước, nhất là người Kinh ở phía Nam, bên cạnh việc thờ phụng những vị thần mang tính cộng đồng - những vị thần của cả làng, cả nước, nhu cầu của đời sống tâm linh của người Kinh ở Đà Lạt cũng cần đến những vị thần riêng cho mỗi gia đình - các vị gia thần. Đó chính là tục thờ các vị Thổ Công  - Thổ Địa, các vị Thần Tài, Thần Lộc,…. Đó cũng chính là lý do của việc thờ cúng các vị gia thần (nhất là thờ Ông Táo và Thổ Công - Thổ Địa) thường được tiến hành kết hợp với những dịp giỗ kỵ tổ tiên, ông bà. Trong những dịp đó, các vị gia thần được mời tham dự như những người chứng kiến thái độ thành tâm của gia chủ trước vong linh của ông bà, cha mẹ. Ngoài những dịp trên đây, việc thờ phụng Táo quân còn được tiến hành đều đặn hàng năm vào ngày 23 tháng Chạp theo quan niệm dân gian là ngày “Ông Táo chầu Trời”; còn thờ Thổ Công - Thổ Địa hầu như là “bắt buộc” trong những dịp “động thổ” xây nhà, mở ngõ hay khi trong nhà xảy ra tai biến bất ngờ. Việc thờ Thần Tài, Thần Lộc được tiến hành thường xuyên hơn. Sẽ không mấy khó khăn để nhận ra một khám thờ nhỏ hầu như lúc nào cũng có hoa quả và thắp hương trong góc phòng khách của nhiều gia đình hay các quầy/sạp hàng ở Đà Lạt. Trong khẩu ngữ dân gian, hiện tượng này thường được gọi là “thờ Ông Địa”.

2.2.6 Lễ hội dân gian

Lễ hội dân gian là một hoạt động có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với tôn giáo và tín ngưỡng, nhất là với tín ngưỡng dân gian (tục thờ Thành Hoàng, sùng bái vĩ nhân). Bản thân khái niệm lễ hội đã hàm chứa 2 bộ phận lễ - thờ phụng (linh thiêng) và hội là những hoạt động văn nghệ dân gian vui vẻ (trò diễn) kéo dài trong suốt nhiều ngày với những cuộc thi đấu vật, nấu cơm, đá cầu, đánh phết… cùng với những sinh hoạt diễn xướng như hát dân ca hay diễn các tích trò… và đặc biệt là thường có những đám rước tưng bừng với cờ quạt, tàn lọng rợp trời, trống chiêng dậy đất cùng với sự tham gia đầy hứng khởi của hết thảy dân làng. Ở Đà Lạt chưa có những lễ hội quy mô hoành tráng nói trên (trừ các dịp kỷ niệm lớn có sự chỉ đạo của các cấp chính quyền). Những kỳ tế lễ Thành Hoàng (cúng đình) thường khá đơn giản, hầu như chỉ có phần lễ mà chưa có phần hội. Các dịp Giỗ Tổ Hùng Vương hay hoá nhật của Đức Thánh Trần cũng chỉ dừng lại ở các nghi thức dâng hương và bó hẹp trong những phạm vi dân cư không lớn lắm, chứ chưa mang tính toàn thành phố.

Tuy không có những lễ hội tưng bừng gắn với tục thờ Thành Hoàng hay sùng bái vĩ nhân, nhưng vào những dịp lễ hội khác như Tết Nguyên Đán hay Tết Trung Thu, phố núi cao nguyên lại rộn rã với nhiều hoạt động không kém phần sôi động và giàu ý nghĩa. Ngay từ đầu tháng Chạp, không khí Tết đã bắt đầu “nóng dần” lên trên các phố phường. Cảnh sắc càng thêm nhộn nhịp kể từ ngày 23 tháng Chạp - ngày “ông Táo chầu Trời”. Trong những ngày áp Tết, cả thành phố trở nên xáo động bởi muôn vàn sắc hoa, không khí mua sắm Tết nhộn nhịp và các hoạt động vui chơi, giải trí. Đêm giao thừa, mọi người ùa ra các phố phường trung tâm thành phố và khu vực hồ Xuân Hương để cùng đón chào Xuân mới, xem biểu diễn nghệ thuật, bắn pháo hoa, thả mình trong Hội Hoa Xuân. Liên tiếp trong những ngày mồng một, mồng hai sau đó là dịp mọi người thăm viếng, chúc tụng nhau những điều tốt lành trong năm mới. Tiếp đến là thời điểm mở đầu mùa du lịch, nhiều du khách từ các tỉnh miền Trung, Nam Bộ và nhất là từ Thành phố Hồ Chí Minh lên Đà Lạt. Thành phố vốn được xem là thanh bình, yên ả bỗng chốc trở nên náo nhiệt, chật chội bởi sự góp mặt của hàng chục vạn khách du xuân.

 Tết Trung Thu (rằm tháng Tám âm lịch) là Tết trăng, Tết của thiếu nhi. Tuy nhiên, ngay từ hàng tuần trước đêm rước đèn phá cỗ, tiếng trống múa lân đã vang lên rộn ràng ở nhiều khối phố. Các bậc phụ huynh đã bận rộn với việc mua sắm, chuẩn bị mọi thứ cho trẻ con bày cỗ thưởng trăng và đám rước đèn. Trung tâm điểm của Tết Trung Thu là đêm 14 rạng ngày 15 âm lịch. Màn đêm vừa buông xuống, cả thành phố đã sôi động bởi tiếng trống múa lân và lung linh, huyền ảo bởi từng đoàn em nhỏ ríu rít rước đèn. Những tốp múa lân tưng bừng diễu qua các phố, dừng lại trước mỗi căn nhà với những điệu múa sôi nổi, hào hứng nhằm đem mọi điều may mắn đến với các hộ gia đình. Để thưởng công và tăng thêm phần hấp dẫn, chủ hộ thường có những khoản tiền nhỏ treo ở những chỗ cao (xà ngang hay lưng chừng mái). Hào hứng hơn cả tất nhiên là những em nhỏ. Trăng sáng lung linh, những ngọn đèn đủ màu sắc trong muôn vàn hình dạng ngộ nghĩnh đáng yêu, không khí tươi vui, sự quan tâm của người lớn cùng những chiếc bánh Trung Thu thơm ngon hẳn sẽ là những kỷ niệm khó quên đối với những tâm hồn trẻ thơ.

2.2.7 Tín ngưỡng dân gian của cư dân bản địa

Cũng giống như các tộc người Thượng Trường Sơn Tây Nguyên, ở khối cư dân Chil, Lạch, Srê (các nhóm địa phương thuộc dân tộc Cơ Ho) tại xã Tà Nung (tây nam thành phố) và ở thôn Măng Lin (phường 7) trước đây rất thịnh hành tín ngưỡng thờ Yàng, về sau này đại bộ phận người Thượng ở đây đã theo Công giáo hoặc Tin Lành nên tục này bị mai một dần, chỉ còn được bảo lưu ở một bộ phận trong khối cộng đồng Srê ở xã Tà Nung. Theo họ, Yàng có mặt ở mọi nơi, mọi lúc, trong mọi hiện tượng mà họ không giải thích được. Cả buôn có Yàng Bon, trong mỗi gia đình có Yàng Hìu, ngoài rừng có Yàng Bri, nơi sông/suối có Yàng Dà,… Tóm lại, đó là những biểu hiện của hình thái tín ngưỡng rất gần với các hình thái tín ngưỡng sơ khai ở nhiều tộc người trên thế giới vẫn được biết đến dưới các phạm trù “vạn vật hữu linh” hay “đa thần giáo”. Trong những năm gần đây, việc thờ phụng Yàng không diễn ra theo những chu kỳ cố định mà thường được tiến hành vào những dịp lễ bơthi bồc (bỏ mả). Vào những dịp này, nghi thức cúng Yàng thường gắn với việc sử dụng trâu làm vật hiến tế - nên được gọi là nhô sa rơpu (nghĩa đen là “uống ăn trâu”) mà người Kinh thường gọi là “lễ đâm trâu”.

2.2.8  Tín ngưỡng dân gian của người Hoa

Người Hoa là một bộ phận cư dân chiếm tỷ lệ không lớn trong khối cộng đồng cư dân Đà Lạt, tuy nhiên trong sinh hoạt văn hoá của họ nói chung, và đặc biệt trong đời sống tâm linh của họ nói riêng, có khá nhiều nét đặc sắc. Do người Hoa ở Đà Lạt có nguồn gốc khác nhau (Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến,…), tới Đà Lạt vào những khoảng thời gian khác nhau (sớm nhất là từ thập niên 20 của thế kỷ trước), lại cư trú không tập trung, nên trong thờ phụng của họ cũng có không ít những điểm dị biệt, song nhìn chung vẫn là khá thống nhất.

Tương tự như người Hoa ở nhiều địa phương khác của đất nước, hình thái phổ biến nhất trong đời sống tín ngưỡng của người Hoa ở Đà Lạt vẫn là thờ cúng tổ tiên. Tuy nhiên, so sánh hình thái thờ phụng này ở người Kinh với người Hoa vẫn có những điểm khác biệt nhất định. Người Kinh chủ yếu thực hiện việc thờ cúng trong những dịp giỗ/kị, còn với người Hoa, ngoài những dịp “lễ trọng” như vậy, họ còn tiến hành thường xuyên hơn - ngày nào cũng thắp hương lên bàn thờ tổ tiên vài ba lần.

Ngoài thờ cúng tổ tiên, một hình thái thờ phụng khác cũng rất phổ biến ở người Hoa nói chung, người Hoa ở Đà Lạt nói riêng là thờ Quan Thánh Đế Quân, tức Quan Vân Trường - một nhân vật lịch sử đời Hán được tôn vinh như một biểu tượng sáng ngời về lòng trung nghĩa, khi mất đã hiển Thánh. Hầu như vào nhà người Hoa nào chúng ta cũng bắt gặp bàn thờ và chân dung Quan Công.

Tương tự các cộng đồng người Hoa ở nhiều nơi trên đất nước Việt Nam, người Hoa ở Đà Lạt phần lớn sống bằng các nghề buôn bán, dịch vụ, thủ công, thợ hồ, cơ khí nhỏ,… với mức thu nhập hàng ngày thường cao thấp khác nhau nên việc “cầu may” thông qua hình thái thờ Thần Tài, Thần Lộc đều có mặt trong mỗi gia đình người Hoa ở đây. Ngoài các khám thờ nhỏ đặt ở góc nhà, biểu hiện dễ nhận của dạng thức tâm linh này là những dòng chữ Hán (thường là nhũ vàng trên nền đỏ) như “Phát tài phát lộc”, “Tấn tài tấn lộc”, “Vạn sự như ý”, "Kim ngọc mãn đình",… và hình tượng “tam đa” (đa phúc, đa lộc, đa thọ) được treo la liệt trên tường, tạo nên một nét đặc trưng dễ phân biệt giữa nhà người Hoa với nhà người Việt. Ước vọng đa tài, lắm lộc còn thể hiện rõ nét qua tục hái lộc đầu xuân của khối cư dân này.

Có một hình thức tôn giáo pha trộn với tín ngưỡng dân gian ở người Hoa nói chung và người Hoa ở Đà Lạt nói riêng, cũng rất dễ nhận ra - đó là thờ Nam Hải Quan Âm. Đành rằng hình thái thờ phụng này có liên quan tới Phật giáo, song có lẽ phải nhấn mạnh thêm là “Phật giáo Trung Hoa”. Điều cần lưu ý là tại sao trong nhà người Hoa không có bàn thờ Phật Tổ, mà chỉ có bàn thờ Nam Hải Quan Âm. Phải chăng trên đường vượt biển từ Trung Hoa tới Việt Nam, họ đã phải viện tới sự che chở của vị Thần/Phật này trước những hiểm nguy của sóng to, gió cả khi phải lênh đênh nhiều ngày trên biển lớn.

2.2.9   Một số cơ sở thờ phụng tín ngưỡng dân gian tiêu biểu

Đình Đà Lạt (Đa Lạc)

Đình Đà Lạt tọa lạc tại số 2A đường Nguyễn Văn Cừ. Là ngôi đình đầu tiên của thành phố, đình Đà Lạt trở thành điểm thu hút sự chú ý đối với những ai quan tâm đến lịch sử và văn hoá của thành phố Đà Lạt.

Về lịch sử, sự ra đời của ngôi đình gắn với việc hình thành cộng đồng cư dân đầu tiên của Đà Lạt vào khoảng đầu những năm 20 của thế kỷ trước. Theo ký ức của các bậc cao niên, vào tháng Sáu năm Khải Định thứ 4 (7-1920), nhà vua đã ân tứ cho đình bức hoành phi bằng gỗ khảm xà cừ với 4 chữ “Hảo nghĩa khả gia”. Năm Bảo Đại thứ 9 (1936), đình đã được trùng tu và giữ nguyên dáng vẻ cho đến tận hôm nay.

Về mặt kiến trúc, quy mô của đình Đà Lạt khá khiêm tốn, đó là một kiến trúc vật lợp ngói dập (ngói Tây) mang phong cách kiến trúc Nam Bộ. Trên đỉnh mái có đắp hình lưỡng long triều nguyệt. Mặt phía trước là 3 vòm cuốn ứng với 3 cửa ra vào. Ở phần ứng với 2 hiên bên hông xây kín có đắp hình chữ "thọ" cách điệu. Trên sáu trụ cột đều gắn câu đối bằng Hán tự thể chân. Ngay trên cửa giữa có bức hoành phi với 3 chữ đại tự “Đa Lạc đình” và dòng chữ nhỏ chạy dọc ghi niên hiệu Bảo Đại thập bát niên (1943). Phía trước đình là một khuôn viên khá rộng rãi và yên ắng cùng mấy gốc thông già. Ngay chính diện là một lư hương lớn làm bằng xi măng. Bên cạnh có am nhỏ để thờ cô hồn. Phía trong ngôi đình, ngoài các đồ nghi trượng (tàn lọng, bát bửu…) trên vách chỉ có một chữ “thần” bằng Hán tự. Theo cụ Trần Văn Tú - một bậc cao niên ở phường 4 cho biết, trước đây đình này có sắc phong Thành Hoàng của vua Khải Định, nhưng không rõ danh vị. Trong chúc văn đọc vào dịp Xuân tế hay Thu tế hằng năm, vị thủ xướng cung thỉnh “Đại Càn quốc Nam hải tứ vị nương, Thiên Y A Na Diễm Ngọc Phi chư thánh nương…” đủ thấy người dân ở đây không mấy quan tâm đến vấn đề thờ ai, thậm chí không ngần ngại đọc lại bản sao chúc văn của một làng nào đó ở miền Nam đất nước, trong đó nổi lên là tục thờ Mẫu.  

Đình Trường Xuân

Từ trung tâm Đà Lạt, theo quốc lộ 11 (nay là QL 20) về phía đông 18km, ta sẽ đến với một sơn thôn có bề dày tuổi tác đáng nể vì nhất nhì Đà Lạt - thôn Trường Xuân thuộc xã Xuân Trường, địa phương đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý - Anh hùng lực lượng vũ trang (1998). Theo những nguồn tư liệu hiện có cùng ký ức của các bậc cao niên, xóm núi này được hình thành từ giữa những năm 20 của thế kỷ trước, khi mà các ông chủ tư bản Pháp đến lập Sở Trà Cầu Đất tại nơi đây. Những người phu đồn điền và công nhân nhà máy chè vốn có nguồn gốc từ các địa phương khác nhau ở miền  Trung đất nước đã quần tụ thành làng và nhu cầu cố kết với nhau dưới sự che chở của một vị Thành Hoàng đã dẫn tới việc ra đời của một ngôi đình nhỏ trên quê mới. Ngôi đình nhỏ bằng gỗ đá đơn sơ hẳn cũng đã được dựng lên ngay từ những năm 1930, nay không còn nữa. Trận hoả hoạn năm Mậu Tý (1948) đã thiêu trụi ngôi đình. Sau đó dân làng đã xây dựng lại một ngôi đình mới lợp tôn. Đến năm 1964, bà con lối xóm một lần nữa đã quyên góp và trùng tu, nâng cấp để ngôi đình có được dáng vẻ khá khang trang bề thế hiện nay.

Không nhuốm màu thời gian bằng rêu phong ảm đạm, không có những bộ vì kèo chạm trổ công phu, cũng không có điều gì đặc sắc khiến người chiêm ngưỡng phải sửng sốt giật mình, đình Trường Xuân trầm ngâm hướng về phía những đồi chè xanh bát ngát, xoay lưng lại với phố phường nhộn nhịp kẻ bán người mua. Chính vì vậy mà tuy không gian nội thất ngôi đình không có gì đặc sắc, vẫn cảm thấy ngập tràn không khí cô tịch của một chốn thờ tự linh thiêng. Trên tường phía hậu cung có một chữ thần bằng Hán tự. Bên dưới là một long ngai, phía trên có một hộp gỗ sơn son thếp vàng có đựng một bản sắc phong của vua Khải Định.

Đình Trường Xuân đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2008. Ngày chính tế của đình Trường Xuân là ngày 16 tháng Bảy âm lịch hàng năm.

Đình Ngh Tĩnh

Năm 1940, sau khi được cấp thẩm quyền đương thời chấp thuận cho lập ấp Nghệ Tĩnh, các ông Nguyễn Thái Hiến, Trần Hữu Lục, Xu Phôn, Nguyễn Thái Thanh, Nguyễn Thái Biền (tức Điền), Nghiêm Tín, Nguyễn Thái Biềng, Tôn Gia Huồng, Nghiêm Trang,… đã vận động bà con trong ấp xây dựng ngôi đình để làm nơi cúng tế và đồng thời là nơi tụ họp bà con trao đổi cách thức làm ăn, kế thừa truyền thống của Hội Hoan Châu Ái Hữu.

Đình có kiến trúc hình chữ nhật, ba gian, có thượng điện và tả hữu ban. Thượng điện là nơi thờ cúng tổ tiên, thổ thần, các vị tiền hiền có công khai phá, mở mang, sinh cơ lập ấp và các anh hùng liệt sỹ hy sinh vì phong trào Xô-viết - Nghệ Tĩnh. Bên phải thờ cúng vong linh các vị là nam giới, bên trái thờ vong linh các vị là nữ giới. Trên nóc đình có lưỡng long triều nguyệt, bốn bên mái lượn uốn cong. Hai cột của thượng điện có hai câu đối:

Công đức tổ tông, tiền khai lưu vạn tuế
Ân thâm tôn tử, hậu thế tạc thiên thu.

Từ năm 1940 đến nay, hàng năm nhân dân trong ấp và một số vùng lân cận không phân biệt Trung, Nam, Bắc thường về dự lễ tế Xuân và tế Thu ở đình. Lễ túc yết được tiến hành vào đêm giao thừa (nếu là tế Xuân) và đêm rằm tháng Bảy âm lịch (nếu là tế Thu). Ngày chính tế của đình Nghệ Tĩnh được tiến hành vào lúc 9 giờ sáng ngày mồng một tháng Giêng và ngày 16 tháng Bảy âm lịch. Hình thức cúng tế ở đình không mang màu sắc mê tín nhưng chỉ lưu truyền truyền thống uống nước nhớ nguồn, giữ gìn gia phong, cố gắng làm ăn, học hành tấn tới để góp phần bảo vệ và xây dựng quê hương đất nước.

Năm 2008, đình Nghệ Tĩnh được công nhận là di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh là niềm tự hào của cư dân ấp Nghệ Tĩnh đã góp công sức để xây dựng, tôn tạo và bảo vệ ngôi đình hơn 65 năm qua.

 Đền Âu Lạc

Khi tới tham quan thác Prenn, hẳn du khách sẽ khó lòng không đến ngôi đền Âu Lạc - một hạng mục kiến trúc nằm trong quần thể khu danh thắng. Đền Thượng đã được khánh thành trong dịp đầu xuân Quý Mùi 2003 và đền Trung cũng khai trương nhân dịp giỗ tổ Hùng Vương (mồng 10 tháng Ba Giáp Thân 2004).

Ý tưởng về việc xây dựng một khu tưởng niệm các bậc thuỷ tổ của dân tộc bên đầu nguồn dòng thác đẹp quả là độc đáo - nơi bắt đầu của một dòng sông cũng là điểm khởi nguyên của dân tộc. Từ chân thác Prenn nhìn sang bên phải, chúng ta sẽ bắt gặp một quả đồi thơ mộng rợp mát bóng thông - đồi Hùng Vương, và tấm biển đề “Lối đi lên đền Âu Lạc”. Theo mũi tên chỉ đường, trước mắt du khách sẽ là dãy bậc cấp cheo leo, uốn lượn dưới những gốc thông già, gợi sự liên tưởng tới những bậc đá trên sườn Nghĩa Lĩnh dẫn tới đền Hùng ở Phong Châu đất Tổ. Lên hết 750 bậc cấp, chúng ta sẽ bắt gặp tượng đài Lạc Long Quân - Âu Cơ hùng tráng, nhưng rất đỗi gần gũi, nhân từ với lớp cháu con đang hành hương về bên tiên tổ.

Đi thêm ít nữa là ngôi đền Âu Lạc trang nghiêm, lặng lẽ giữa ngàn thông. Không nguy nga, bề thế, phô trương, dáng vẻ khiêm nhường của đền Âu Lạc như đưa ta về với những ngôi từ đường quen thuộc trên nhiều vùng quê đất Việt.

   Đền Thượng trong khu vực đền Âu Lạc

Vẫn lối kiến trúc cổ truyền với đỉnh mái trang trí “lưỡng long triều nguyệt” và các đầu đao cong vút thanh thoát, nhẹ nhàng; vẫn kiểu bố cục bình đồ theo hình chữ “đinh” mà ta thường gặp, phần hậu cung ngôi đền trở nên trầm mặc, sâu lắng, linh thiêng trong nghi ngút khói hương; vẫn những bức hoành phi - câu đối sơn son thếp vàng ngời lên ân thâm nghĩa trọng của các bậc sinh thành ra Đức Quốc Tổ Hùng Vương.

Đền thờ Đức Thánh Trần

Như đã trình bày ở phần trên, Đức Thánh Trần là cách gọi tôn xưng vị anh hùng dân tộc kiệt xuất của dân tộc và nhân loại, vị Quốc công tiết chế triều Trần đã chỉ huy thắng lợi cuộc kháng chiến của quân dân Đại Việt chống giặc Nguyên - Mông – tên đế quốc hung hãn nhất thế kỷ XIII, đập tan cuồng vọng bành trướng của chúng xuống vùng Đông nam châu Á – Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.

Cũng như nhiều địa phương khác của đất nước, nhân dân Đà Lạt luôn luôn khắc ghi công lao trời biển của Hưng Đạo Vương đối với non sông đất nước Việt. Tại thành phố này có hai ngôi đền thờ phụng Ngài tại số 91 đường Ngô Quyền và số 2 đường An Dương Vương (khóm Mỹ Lộc – Phường 2).

Nếu ở số 91 đường Ngô Quyền là cả một quần thể đền thờ liền kề nhau với quy mô không lớn (thờ Mẫu, thờ Hùng Vương, thờ Đức Thánh Trần), thì ở khóm Mỹ Lộc, đây là ngôi đền chuyên biệt để thờ phụng vị Quốc công tiết chế Trần triều. Ngôi đền này do ông Nguyễn Văn Định, bà con khu phố và một số phường ấp khác trong thành phố đã dựng lên từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước. Ngôi đền có quy mô không lớn lắm, chỉ tương đương với một căn nhà 3 gian 2 chái thường gặp ở nhiều nơi. Phần nội điện cũng có đầy đủ những đồ nghi trượng như khám thờ, long ngai, bài vị, tàn lọng, bát bửu, trống chiêng và hoành phi câu đối ca tụng công đức của Đức Thánh Trần cũng như thái độ thành kính của nhân dân đối với vị anh hùng kiệt xuất. Phía trước là một khoảng sân khá rộng làm nơi hành lễ trong các kỳ cúng tế. Ở đây có cột cờ để kéo đại kỳ lễ hội trong dịp hoá nhật của Ngài.

Vào dịp “giỗ Cha” (20 tháng Tám âm lịch hằng năm), khóm phố Mỹ Lộc vốn rất yên tĩnh đã trở nên sôi động bởi tiếng chiêng, tiếng trống và tiếng loa phóng thanh phát đi các bản nhạc lễ hội truyền thống. Tham gia tổ chức ngoài ông Nguyễn Văn Định - chủ tế, còn có sự phối hợp của một ban nghi lễ với các vị Đông xướng Tây xướng, bồi tế, người đọc chúc văn, những người dâng hương, rượu, trà, ban nhạc lễ,… cùng toàn thể bà con trong khu phố cũng như nhiều người dân từ các phường ấp khác. Những năm gần đây, trước khi tiến hành các nghi thức theo điển tế, ban tổ chức còn mời các chuyên gia về lịch sử nói chuyện với đồng bào dự lễ về thân thế và công nghiệp của Đức Thánh Trần. Các kỳ tế lễ đều diễn ra trong không khí trang nghiêm, trọng thể và sự thành kính của đông đảo quần chúng nhân dân.

Ngoài dịp chính tế nói trên, vào dịp giỗ Tổ Hùng Vương (mồng 10 tháng Ba âm lịch hàng năm), tại ngôi đền này cũng tiến hành nghi thức tưởng niệm các vị vua đã có công tạo dựng giang sơn đất Việt.

 

Về đầu trang

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT
NHÀ XUẤT BẢN TỔNG HỢP TP. HỒ CHÍ MINH
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Thiết kế trang web: Sở KH&CN Lâm Đồng