NỘI DUNG CHÍNH

Lời giới thiệu

PHẦN THỨ NHẤT : LƯỢC SỬ
TRUYỀN THỐNG ĐẤU TRANH

Chương I:  Lược sử hình thành và phát triển thành phố Đà Lạt

Chương II: Truyền thống đấu tranh cách mạng

PHẦN THỨ HAI : TỰ NHIÊN
VÀ DÂN CƯ

Chương I: Tự nhiên

Chương II: Dân cư

PHẦN THỨ BA : KINH TẾ

Chương I : Nông nghiệp – lâm nghiệp

Chương II :  Du lịch và dịch vụ

Chương III: Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp

Chương IV : Cơ sở hạ tầng kỹ thuật

PHẦN THỨ TƯ : VĂN HÓA XÃ HỘI

Chương I:   Văn học nghệ thuật, thiết chế văn hóa và báo chí

Chương II: Quy hoạch và kiến trúc

Chương III: Y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ

Chương IV: Tín ngưỡng và tôn giáo

TỔNG LUẬN

Niên biểu thành phố Đà Lạt

Danh sách Bà mẹ Việt Nam anh hùng thành phố Đà Lạt

Danh sách các đơn vị được tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”

Danh sách các Bí thư chi bộ, Thành uỷ Đà Lạt qua các thời kỳ

Danh sách các Thị trưởng Đà Lạt (1901-1975)

Danh sách các Chủ tịch Uỷ ban quân quản, Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Lạt

Alexandre Yersin

Về phong cách Đà Lạt

Người Cơ Ho ở Đà Lạt

Đường phố Đà Lạt

Danh mục các ngôi đình ở Đà Lạt

CHƯƠNG IV

TÍN NGƯỠNG VÀ TÔN GIÁO

 

3.  TÔN GIÁO

3.1 Khái quát về tôn giáo ở Đà Lạt

Tương tự như tín ngưỡng dân gian, tôn giáo trong cộng đồng cư dân ở Đà Lạt cũng không kém phần đa dạng. Hầu như các tôn giáo lớn của đất nước đều tìm được chỗ đứng của mình trên xứ sở “thác đổ thông reo”, trong đó đạo Phật có số lượng tín đồ đông đảo nhất, kế đến là đạo Công giáo, Đại đạo Tam Kỳ Phổ Độ (đạo Cao Đài) và đạo Tin Lành. Theo dòng lịch sử, các tôn giáo đã được du nhập vào vùng cao nguyên Lang Biang khá sớm, sự tăng trưởng về số lượng tín đồ, cơ sở thờ tự cũng như đội ngũ hành đạo chuyên nghiệp của các tôn giáo đều gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của thành phố. Điều đó cũng có nghĩa là cho đến những thập niên gần đây, sự tăng trưởng tín đồ tôn giáo ở thành phố cao nguyên này chủ yếu là tăng cơ học. Dường như, cứ mỗi cuộc di dân đến Đà Lạt lại đem đến cho thành phố thêm một số lượng tín đồ cùng sự hình thành một số cơ sở thờ tự mới. Đó cũng chính là lý do giải thích hiện tượng trên một phạm vi diện tích không lớn, dân số không nhiều mà Đà Lạt đã có tới 101 cơ sở thờ tự tôn giáo (55 chùa và tịnh xá, 43 nhà thờ, tu viện và 3 thánh thất Cao Đài). Về trình tự trước sau, đạo Công giáo là tôn giáo có mặt sớm nhất trên vùng đất này – ngay từ thập niên thứ hai của thế kỷ XX. Muộn hơn một chút là sự hoằng dương của Phật giáo và sự du  nhập của đạo Tin Lành và đạo Cao Đài (cuối những năm 30 của thế kỷ trước). Theo số liệu của UBND thành phố Đà Lạt vào năm 2002 có khoảng 63% số hộ và 67% số nhân khẩu là tín đồ của các tôn giáo nói trên. Phải nhắc lại một điều, tuy thành phố hội đủ các loại hình tôn giáo khác nhau nhưng trong suốt hơn tám thập kỷ qua, ở đây không hề có xung đột tôn giáo. Không hiếm trường hợp thánh đường Công giáo được xây dựng rất gần chùa chiền Phật giáo và cách đó không xa có thể là thánh thất Cao Đài. Tương tự như ở nhiều vùng miền khác trên đất nước ta, các ngày lễ trọng của các tôn giáo như Phật Đản, Vu Lan hay Giáng Sinh ở Đà Lạt không chỉ là những lễ hội của những người theo đạo mà còn là ngày vui chung của mọi người dân thành phố, bất luận đức tin của họ hướng vào Phật Thích Ca Mâu Ni hay Chúa Jésus Christ hoặc Tổ tiên - Ông Bà. Tín hữu Công giáo, thiện nam - tín nữ Phật giáo hay tín đồ Cao Đài cũng như những người không theo tôn giáo đều là con dân nước Việt, đều có chung cội nguồn dòng dõi Lạc Hồng, họ đã sống hoà thuận với nhau trên quê hương mới, chung sức đồng lòng để điểm tô cho thành phố ngày một đẹp tươi hơn.

3.2 Phật giáo

Đạo Phật có mặt tại Đà Lạt từ những năm đầu tiên trong thập kỷ thứ ba của thế kỷ XX, gắn với quá trình phôi thai của một đô thị nhỏ trên cao nguyên nằm dưới chân dãy Lang Biang hùng vĩ. Cái mốc đánh dấu sự hiện diện của đạo Phật trên vùng đất này là sự xuất hiện một ngôi thảo am thờ Phật bằng gỗ ở gần cuối đường Hai Bà Trưng do Hoà thượng Thích Nhơn Thứ (thế danh Trần Xin, quê ở Bình Định) tạo dựng nhằm đáp ứng nhu cầu của một bộ phận nhân công theo đạo Phật được các nhà thầu Pháp chiêu mộ từ các tỉnh miền Trung để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng và các đồn điền của tư bản Pháp. Đến năm 1921, ngôi thảo am được xây dựng thành một ngôi chùa nhỏ với tên gọi Linh Quang tự (chùa Linh Quang).

Theo đề nghị của bà Từ Cung - mẹ vua Bảo Đại, được sự hưởng ứng của Phật tử Đà Lạt và nhiều nơi trong cả nước, đặc biệt của hai ông Võ Đình Dung và Nguyễn Văn Tiếng, chùa Linh Sơn được khởi công xây dựng vào năm 1938 và khánh thành vào năm 1940. Hoà thượng Thích Trí Thủ được cử làm vị trụ trì đầu tiên của ngôi chùa này.

Vào khoảng thời gian này, theo đà phát triển của thành phố, sự mở mang cơ sở hạ tầng đô thị, quy mô dân số Đà Lạt cũng có bước tăng trưởng mới và số tín đồ Phật giáo cũng ngày một đông hơn, những cơ sở thờ tự đã có không đủ đáp ứng nhu cầu hành lễ của Phật tử; do vậy một số chùa chiền, tịnh xá, niệm Phật đường mới đã lần lượt được thiết lập.

Một sự kiện có tầm quan trọng đặc biệt đối với quá trình hoằng dương Phật pháp trên đất Đà Lạt là sự ra đời của Hội Phật giáo Lâm Viên vào năm 1940. Sự kiện này đánh dấu một thời kỳ phát triển của đạo Phật ở Đà Lạt. Về mặt tổ chức, theo bản Hiến chương ngày 20-11-1963, các chùa chiền, tịnh xá trong thành phố trực thuộc một Ban Đại diện nằm trong Tỉnh giáo hội Tuyên Đức thuộc miền Khuông Việt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất.

Từ sau ngày đất nước thống nhất đến nay, đặc biệt từ khi Đảng ta chủ trương đổi mới, cùng với đà tăng trưởng mọi mặt của đất nước, đời sống của các tầng lớp nhân dân, trong đó có bà con Phật tử, đã có những cải thiện đáng kể; và đây chính là cơ duyên để cho các cơ sở thờ tự Phật giáo trong cả nước nói chung, tại Đà Lạt nói riêng phát triển. Hầu hết các cơ sở thờ tự cũ đã được trùng tu - tôn tạo hoặc xây dựng lại với quy mô to lớn gấp nhiều lần so với trước. Nhiều ngôi chùa sau nhiều năm khép nép dưới tán thông già, nay được trùng tu thành những nơi thờ tự khang trang bề thế, ngang tầm với những ngôi chùa nổi tiếng của quốc gia. Tiêu biểu cho xu thế này là các ngôi chùa Linh Giác, chùa Vạn Hạnh, chùa Linh Phước. Bên cạnh sự gia cố, sửa chữa những ngôi chùa cũ, trong những năm gần đây còn xuất hiện thêm 2 cơ sở thờ tự mới - Trúc Lâm Thiền viện bên hồ Tuyền Lâm - một danh thắng nổi tiếng của thành phố vào năm 1993 và chùa Vạn Đức ở xã Tà Nung – cơ sở Phật giáo đầu tiên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Những người đã xa thành phố chừng độ mươi năm có dịp trở lại, hẳn không khỏi ngỡ ngàng trước những thay đổi to lớn đó.

Về mặt tổ chức, sau Đại hội lần thứ nhất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1981), mỗi chùa chiền, tịnh xá là một đơn vị cơ sở, có một Ban hộ tự gồm 4 - 5 thành viên do Phật tử bầu ra, có trách nhiệm giúp đỡ vị sư trụ trì quản lý, điều hành Phật sự ở đơn vị mình. Ở cấp toàn thành phố có một Ban đại diện Phật giáo (nhiệm kỳ 5 năm) trực thuộc Tỉnh hội Phật giáo Lâm Đồng.

Về quy mô, theo số liệu thống kê năm 2002 của UBND Thành phố Đà Lạt, toàn thành phố có 56 cơ sở thờ tự Phật giáo, bao gồm 41 ngôi chùa, 8 tịnh xá, 3 tịnh thất, 2 niệm Phật đường và 2 thiền viện. Hầu hết các cơ sở thờ tự trên đây đều được thiết lập từ trước 1975, phân bố hầu khắp các khu vực trong thành phố, trong đó tập trung ở các phường 2,3 và đặc biệt là ở phường 10.

Năm 2003, Đà Lạt có 123 tăng ni (bao gồm 35 tăng và 88 ni), trong đó có 5 hoà thượng, 8 thượng toạ, 22 đại đức, 4 ni trưởng, 18 ni sư và 13.085 hộ gia đình với 70.554 thiện nam - tín nữ, chiếm 40,7% cư dân toàn thành phố.

Năm 1990, Tỉnh hội Phật giáo Lâm Đồng đã thành lập Trường cơ bản Phật học hệ trung cấp (4 năm) đặt tại chùa Linh Sơn do Hoà thượng Thích Từ Mãn làm hiệu trưởng. Đến năm 2003, trường đã hoàn thành 3 khoá đào tạo với 337 tăng ni sinh tốt nghiệp Trung cấp Phật học và 19 tăng ni sinh tốt nghiệp Cao đẳng Phật học. Nhân dịp khai giảng khoá III, Trường đã chính thức đổi tên thành Trường trung cấp Phật học với 3 hệ đào tạo sơ cấp, trung cấp và cao đẳng Phật học.

Phật giáo là một tôn giáo “thống nhất trong đa dạng”. Từ một cội nguồn chung, khi ra khỏi biên giới Ấn Độ, lan toả tới các quốc gia/dân tộc khác ở Đông Á và Đông Nam Á, trên những vùng đất mới, tôn giáo này đã hoà mình vào văn hoá, tín ngưỡng của các cư dân bản địa với nhiều sắc thái biểu hiện phong phú, thậm chí khác xa với những cơ sở giáo lý ban đầu, trong đó đáng kể nhất là sự xuất hiện của Phật giáo Đại thừa với các sơn môn, tông phái Hoa Nghiêm, Thiên Thai, Kim Cương,Tịnh Độ, Mật Tông,… và đặc biệt là Thiền Tông. Sự đa dạng về tông phái của Phật giáo trên đây cũng thể hiện khá rõ nét trong bức tranh Phật giáo Việt Nam nói chung, Phật giáo Đà Lạt nói riêng. Trong bức tranh đó, phổ biến là các tông phái thuộc hệ phái Phật giáo đại thừa  như Thiền Tông, Tịnh Độ tông, Hoa Nghiêm tông và không ít trường hợp là sự pha trộn giữa các tông phái khác nhau, nhất là sự dung hợp giữa Thiền tông với Mật tông. Phái Khất sĩ  hiện diện trên đất Đà Lạt từ năm 1958 do Ni sư Huỳnh Liên - một trong những những đại đệ tử của giáo đoàn do Tổ sư Minh Đăng Quang thành lập từ năm 1957, du nhập vào. Cơ sở đầu tiên của sơn môn này ở Đà Lạt là Tịnh xá Ngọc Cảnh. Phái Hoa Nghiêm tông đánh dấu sự có mặt của mình tại Đà Lạt vào năm 1958 với việc kiến lập Thiên Vương cổ sát (phường 10) nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của một bộ phận Phật tử người Hoa ở đây. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử cũng đã chính thức khẳng định phạm vi ảnh hưởng đến thành phố cao nguyên xa xôi này bằng sự ra đời của Thiền viện Trúc Lâm tại phường 3 vào năm 1993.

Nhìn chung, cũng giống như phần đông tín đồ Phật giáo ở Việt Nam, thiện nam - tín nữ Đà Lạt ít bận tâm đến những vấn đề môn phái. Điều mà họ quan tâm là tinh thần từ bi, hỷ xả của Đức Phật Tổ, là sự huyền diệu của Phật pháp, là sự thanh tĩnh của tâm hồn, lưu lại phúc ấm cho con cháu. Đây cũng chính là đặc điểm chung của Phật giáo Việt Nam - Phật giáo mang đậm tính dân gian.

*

Xuất hiện trong bối cảnh đất nước đang rên xiết dưới ách thống trị của các thế lực thực dân, đế quốc, ngay từ khi mới phôi thai trên thành phố cao nguyên, tăng ni, Phật tử Đà Lạt đã sớm có mặt trong các phong trào yêu nước và cách mạng, nhất là trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thiện nam - tín nữ thành phố luôn luôn là một trong những mũi xung kích trong cuộc đấu tranh chính trị công khai của quần chúng chống lại những mưu đồ thâm độc của Mỹ - ngụy, đòi tự do, bình đẳng tôn giáo, hoà bình, độc lập và thống nhất Tổ quốc.

Ngay sau khi Hiệp định Genève (7-1954), tập đoàn độc tài Ngô Đình Diệm - Ngô Đình Thục thi hành chính sách kỳ thị tôn giáo, đã làm bùng lên khắp các đô thị phía Nam những cuộc mít tinh, biểu tình, tự thiêu,… phản đối chính sách của gia đình họ Ngô. Tại Đà Lạt, chùa Linh Sơn đã trở thành một trong những trung tâm lớn của phong trào Phật tử đấu tranh cho tự do, độc lập của Phật giáo toàn miền Nam. Ngày 7-6-1963, tăng ni Đà Lạt đã biểu tình trước toà thị chính thành phố, bày tỏ sự căm phẫn sâu sắc cuộc tàn sát đẫm máu của chính quyền Diệm - Nhu đối với Phật giáo ở Huế trong dịp Phật đản 2507 (7-5-1963). Thượng toạ Thích Bích Nguyên, Hội trưởng Hội Phật học Tuyên Đức và Thượng toạ Thích Đạo Quang, Chánh đại diện Phật giáo miền Khuông Việt đã thay mặt tăng ni, Phật tử Đà Lạt đưa kiến nghị yêu cầu nhà cầm quyền phải thực thi quyền tự do và bình đẳng tôn giáo.

Đêm 20 rạng ngày 21-8-1963, cảnh sát ngụy mở chiến dịch vây hãm, ruồng bố các tự viện ở Đà Lạt, bắt đi 16 tăng ni và nhiều Phật tử ở chùa Linh Sơn. Sự tàn bạo của kẻ thù không làm cho các tín đồ trong thành phố nao núng, trái lại càng làm cho ngọn lửa căm hờn của họ bốc cao. Đông đảo quần chúng theo đạo Phật đã biểu tình trước Ty Cảnh sát phản đối lệnh giới nghiêm, đả đảo những hành động vấy máu thiền môn và đòi trả tự do cho những người bị bắt.

Từ năm 1966, được hậu thuẫn của nửa triệu quân Mỹ và các nước chư hầu, địch càng điên cuồng khủng bố các phong trào đấu tranh của quần chúng. Dưới sự lãnh đạo của Khu uỷ Khu VI và Thị uỷ Đà Lạt, Đoàn Sinh viên Phật tử thành phố đã châm ngòi cho nhiều cuộc xuống đường rầm rộ của Phật tử và các tầng lớp nhân dân trong suốt từ tháng 4 đến tháng 6-1966. Ngày 30-5-1966, tại chùa Linh Sơn, Đại đức Thích Quảng Thiện đã tự thiêu để phản đối chính quyền tay sai Thiệu - Kỳ - Hương. Liền ngay sau đó, hơn một vạn Phật tử Đà Lạt đã xuống đường tuần hành nhân lễ đưa tang vị cố đại đức quyên sinh vì nghĩa cả. Đỉnh cao của phong trào này là cuộc đấu tranh của Giáo hội Phật giáo tổ chức ngày 10-6-1966, Phật tử đã đưa bàn thờ Phật xuống đường phố cầu nguyện cho hoà bình. Thành phố cao nguyên trở nên trang nghiêm, hào hùng và bi tráng trong nghi ngút khói hương. Hai tuần sau đó, ngày 23-6-1966, nữ sinh Phật tử Đặng Thị Ngọc Tuyền đã chặt đứt ngón tay lấy máu viết thư yêu cầu Tổng thống Mỹ W. Johnson phải rút quân về nước, nhanh chóng chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Sau đó, cô đã tự thiêu trước chùa Linh Sơn để bày tỏ chính kiến của mình. Ngọn lửa tự thiêu của Đặng Thị Ngọc Tuyền đã làm bùng lên phong trào đấu tranh chống Mỹ, tẩy chay hàng hoá Hoa Kỳ trong khắp thành phố do Đoàn Sinh viên - Học sinh Phật tử Đà Lạt làm nòng cốt.

Từ sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968), dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Thị uỷ Đà Lạt, những cuộc mít tinh, biểu tình của sinh viên - học sinh và thanh niên thành phố cùng với “những đêm không ngủ”, “hát cho đồng bào tôi nghe”, “dậy mà đi” đã làm cho thành phố được xem là yên ả trở nên sôi động không khí cách mạng. Tiêu biểu trong phong trào này là cuộc đấu tranh kéo dài từ 28-9 đến 3-10-1971 của hàng ngàn quần chúng chống trò hề bịp bợm “bầu cử độc diễn” vào ngày 3-10-1971 của Nguyễn Văn Thiệu.

Sau Hiệp định Paris (27-1-1973), phong trào đấu tranh công khai đòi Mỹ - ngụy thi hành nghiêm chỉnh hiệp định đã ký kết, thực hiện hoà giải hoà hợp dân tộc, đòi cải thiện chế độ lao tù, chống quân sự hoá học đường,… đã được tăng ni, Phật tử thành phố hưởng ứng tích cực. Lễ Phật đản 2517 (15-5-1973) đã trở thành lễ mừng hoà bình thu hút sự góp mặt của đông đảo Phật tử và nhân dân thành phố chưa từng thấy trước đó. 

Bên cạnh những cuộc xuống đường vì độc lập, tự do, hoà bình và thống nhất đất nước, hơn 80 năm qua, hoạt động từ thiện là một phong trào có tính xuyên suốt trong giới tăng ni, Phật tử Đà Lạt - một trong những nghĩa cử cao cả thể hiện tinh thần từ bi - hỷ xả của đạo Phật, mà trước hết là sự quan tâm đặc biệt đến việc học hành của những em nhỏ bị thiệt thòi bởi cảnh ngộ éo le, lận đận.

Ngay từ năm 1950, Sư bà Từ Hương đã đứng ra thành lập ký nhi viện Nhị Trưng - một trong những nhà trẻ tư thục sớm nhất ở Đà Lạt. Hằng năm, ký nhi viện đã nhận chăm sóc, dạy dỗ khoảng 120 cháu mồ côi và con em những gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở khu vực gần trường. Năm 1964, Tỉnh hội Phật giáo Tuyên Đức cũng đã mở thêm ký nhi viện Kiều Đàm và giao cho ni cô Thích Nữ Huệ Bảo phụ trách với quy mô mỗi năm thu nhận trên dưới 160 trẻ mồ côi hay có hoàn cảnh đặc biệt. Kinh phí xây dựng và duy trì hoạt động của các ký nhi viện hoàn toàn do sự tự nguyện đóng góp của bà con Phật tử cùng với sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm.

Bên cạnh loại hình ký nhi viện, trong những năm 1957-1958, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của những em nhỏ ở xa các trường công lập tại các khu vực trung tâm thành phố, được sự nhiệt tình đóng góp của bà con Phật tử, Tỉnh hội Phật giáo Tuyên Đức cũng đã mở một số trường tiểu học ở các vùng ven đô. Đó là các trường tiểu học Lộc Uyển, Trúc Lâm, Viên Giác. Ngoài ra, Tỉnh hội Phật giáo cũng mở thêm 2 trường trung học cơ sở - trường Tuệ Quang (tại chùa Linh Quang) và trường Bồ Đề (tại chùa Linh Sơn). Trừ trường Tuệ Quang bị máy bay địch ném bom làm hư hỏng nặng vào năm 1968 nên ngừng hoạt động, các trường còn lại vẫn được duy trì cho đến ngày giải phóng Đà Lạt (3-4-1975), một đóng góp không nhỏ trong việc trang bị kiến thức và giáo dục nhân cách cho một bộ phận thiếu niên thành phố.

Một trong những mảng hoạt động từ thiện rõ nét và bền bỉ của Phật giáo Đà Lạt là các hoạt động nhân đạo cứu trợ những đồng bào bị thiên tai, những người gặp tai nạn hay ốm đau bệnh tật; chữa trị và chăm sóc sức khoẻ cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Năm 1972, Ban Đại diện Phật giáo Đà Lạt đã mở Chẩn y viện - một phòng mạch khám chữa bệnh miễn phí cho những bệnh nhân nghèo khó, neo đơn do sư cô Huệ Tâm làm Giám đốc và bác sỹ Hoàng Ngọc Đính phụ trách chuyên môn. Những hoạt động từ thiện, cứu trợ xã hội, nhất là giúp đỡ vùng bị thiên tai, đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa vẫn được các cơ sở Phật giáo và Phật tử thành phố tiếp tục duy trì và phát huy trong suốt nhiều năm qua, như là một biểu hiện của sự thông cảm, sẻ chia với những người gặp cảnh ngộ bất hạnh theo tinh thần từ bi của Đức Phật.

Để có được những phong trào đấu tranh cho tự do, độc lập và các hoạt động từ thiện rất đáng khích lệ trên đây, không thể không kể đến vai trò của các tổ chức Phật giáo trong thành phố như Gia đình Phật tử và Sinh viên Phật tử Đà Lạt.

Tổ chức Gia đình Phật hoá phổ Lâm Viên chính thức được thành lập vào năm 1949 tại chùa Linh Sơn với số lượng ban đầu gồm 30 thành viên, về sau đổi thành Gia đình Phật tử. Từ năm 1963, tổ chức này đã có một bước phát triển đáng kể, tính đến đầu tháng 4-1975, đã thu hút khoảng 3.000 đoàn sinh và huynh trưởng tham gia. Để phục vụ công tác huấn luyện kỹ năng hoạt động, họ đã lập ra cơ sở huấn luyện là Trại trường Gia đình Phật tử (gần hồ Than Thở).

Đoàn Sinh viên Phật tử Đà Lạt trực thuộc Tổng vụ Thanh niên của Viện Hoá Đạo, ra đời sau ngày 1-11-1963, nhằm hướng dẫn phong trào sinh viên Viện Đại học Đà Lạt đấu tranh chống kỳ thị Phật giáo, đòi tự do dân chủ. Từ năm 1965, được sự chỉ đạo của Thị uỷ Đà Lạt (thông qua việc đưa cán bộ cài cắm vào trong sinh viên), tính chính trị của phong trào này càng đậm nét. Mục tiêu đấu tranh đã hướng tới hoà bình, độc lập và thống nhất Tổ quốc.

Cùng với Đoàn Sinh viên Phật tử, từ năm 1970, trong phong trào Phật giáo thành phố còn có sự xuất hiện của tổ chức Học sinh Phật tử Đà Lạt với mục đích tập hợp học sinh những gia đình theo đạo Phật vào các hoạt động vui chơi tập thể lành mạnh, hướng thiện, giáo dục lòng yêu nước, yêu dân tộc, giữ gìn vệ sinh môi trường, nêu cao đạo pháp, xa lánh các tệ nạn xã hội xấu xa, suy đồi đang lan tràn trong các đô thị miền Nam lúc đó.

Từ sau ngày Tổ quốc thống nhất, dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng và chính quyền địa phương, thiện nam - tín nữ Đà Lạt càng vui mừng phấn khởi trước sự quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi trong việc xây dựng cuộc sống mới cũng như trong sinh hoạt tín ngưỡng và tôn giáo của Đảng và Nhà nước. Như đã nói ở trên, trong vòng chưa đầy hai thập kỷ từ khi Đảng ta chủ trương đổi mới đất nước, Phật giáo Đà Lạt đã có nhiều khởi sắc cả về phương diện tổ chức của Giáo hội, cơ sở thờ tự, quy mô tín đồ cho đến phương châm hành đạo. Đội ngũ chức sắc, tu sỹ, Phật tử thành phố tiếp tục nêu cao tinh thần yêu nước, đoàn kết, thương yêu, đùm bọc, vừa ra sức tu tập, vừa giữ gìn đạo pháp, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng thành phố giàu đẹp, đưa Đà Lạt thành một trong những trung tâm du lịch của quốc gia và khu vực. Đó cũng chính là những hành động sáng ngời truyền thống của Phật giáo Việt Nam - tinh thần nhập thế, luôn luôn gắn bó với dân tộc, Tổ quốc, thể hiện rõ nét phương châm “Đạo pháp, dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, kết hợp “khế lý - khế cơ” của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

3.3 Công giáo

Công giáo là tôn giáo có mặt sớm nhất trên đất Đà Lạt. Trong thành phần đoàn khảo sát cao nguyên Lang Biang của A. Yersin năm 1893 có sự góp mặt của Linh mục Robert thuộc Hội Thừa sai Paris tại Viễn Đông. Tuy nhiên, sự kiện đó cũng chỉ là một “dấu ấn thoáng qua”, bởi phải mất hơn 2 thập niên sau đó, những đề xuất của A. Yersin mới bước đầu trở thành hiện thực - sự ra đời của thị tứ Đà Lạt theo một đạo dụ của vua Duy Tân ngày 20-4-1916. Một năm sau đó, năm 1917, Linh mục Nicolas Couvreur - người kế nhiệm Linh mục Robert, đã tới thị tứ hoang vắng này thực hiện sứ mạng mở mang phạm vi ảnh hưởng của Thiên Chúa giữa những người Pháp và một ít người Việt trong buổi đầu xây dựng thành phố. Một năm sau đó, năm 1918, cũng chính Linh mục N. Couvreur đã cho dựng lên trên quả đồi ở khu vực trung tâm thị tứ một dưỡng viện giáo đồ (sanatorium presbytère) - vừa làm nơi điều dưỡng, vừa làm nhà thờ xứ cho số tín hữu ít ỏi hiện có ở xứ sở thơ mộng này (nay là nhà xứ Đà Lạt).

Cũng trong năm 1918, Giám mục Lucien Mossard - Giám quản Tông toà Sài Gòn đã tới Đà Lạt.

Cuối tháng 4-1920, Giám mục Quinton - Giám quản Tông toà Sài Gòn đã quyết định thành lập Giáo sở Đà Lạt và bổ nhiệm Linh mục Frédéric Sidor làm cha sở đầu tiên ở xứ này. Phạm vi cai quản của giáo sở lúc bấy giờ không chỉ dừng lại trong thị xã Đà Lạt, mà còn trải rộng xuống các khu vực phụ cận như Fyan, Fimnom và Dran (các huyện Lâm Hà, Đức Trọng, Đơn Dương ngày nay). Ngày 10-5-1920, Linh mục Frédéric Sidot làm lễ nhậm chức và liền ngay sau đó, ngài đã cho khởi công xây dựng ngôi nhà nguyện đầu tiên ở Đà Lạt. Ngôi nhà nguyện này nằm cạnh Dưỡng viện giáo đồ, hiện nay là Phòng truyền thống của giáo xứ Đà Lạt. Lúc này, số lượng giáo dân Đà Lạt đã lên tới khoảng 200 người, cư trú rải rác ở nhiều nơi trong thị xã. Trong những năm tiếp theo, số lượng tín đồ tiếp tục tăng. Ngôi nhà nguyện mới xây được vài năm đã trở nên chật hẹp, do đó, ngày 5-7-1922, Giám mục Quinton đã ra quyết định cho phép giáo sở Đà Lạt xây dựng thánh đường mới bề thế và rộng rãi hơn với kích cỡ 26m x 8m và tháp chuông cao 16m. Sau hơn nửa năm xây cất, ngày 17-2-1923, thánh đường mới đã được khánh thành (nhà thờ này ngày nay không còn nữa).

Theo đà phát triển của một đô thị du lịch - nghỉ dưỡng trên cao nguyên, số lượng giáo dân cũng gia tăng đáng kể. Vì vậy, vào năm 1929, Cha sở Giáo xứ Đà Lạt lúc đó là Céleste Nicolas đã đệ trình lên Giám mục Isidore Dumortier đề án xây dựng một nhà thờ mới với quy mô hoành tráng, thể hiện dấu ấn mạnh mẽ của Thiên Chúa trên cao nguyên Lang Biang hùng vĩ. Ngày 19-7-1931, Linh mục Colomban Dreyer - Khâm sứ Toà thánh tại Đông Dương và Thái Lan - đã đặt viên đá khởi công cho lần thứ 3 xây dựng toà thánh đường. Sau 11 năm xây cất, vào ngày 25-1-1942, toà thánh đường mới đã được khánh thành – tức nhà thờ Chánh Toà Đà Lạt hiện nay.

 Từ giáo xứ đầu tiên ở khu vực trung tâm Đà Lạt, ảnh hưởng của Công giáo đã lan toả tới các vùng phụ cận, mà trước hết là khu vực Cầu Đất (nay thuộc xã Xuân Trường) - nơi mà vào những năm 20 của thế kỷ trước đã hình thành nên những đồn điền trà cùng với những xưởng chế biến của các ông chủ tư bản Pháp; trong số những nhân công làm việc tại đây có một bộ phận là giáo dân được tuyển mộ từ các tỉnh miền Trung tới. Trong những năm đầu, thi thoảng đồng bào theo đạo ở đây mới lên Đà Lạt đi lễ hay chịu các bí tích. Với thời gian, số lượng giáo dân Cầu Đất tăng dần lên và để đáp ứng nhu cầu tâm linh của bộ phận tín hữu này, vào năm 1936, bà bề trên Dòng nữ thánh Augustin (còn gọi là Dòng Oiseaux, Couvent des Oiseaux hay Dòng Đức Bà) đã mua đất và dựng lên một ngôi nhà nguyện nhỏ. Đến năm 1941, Linh mục Phêrô Huỳnh Thanh Ninh - cha xứ đầu tiên của Giáo xứ Cầu Đất, đã cho xây cạnh nhà nguyện một ngôi nhà thờ bằng gỗ. Từ năm 1948, Cha xứ Phaolô Nguyễn Văn Bình đã cho xây thêm tháp chuông, hoàn chỉnh kiến trúc nhà thờ.

Trong những năm Chiến tranh thế giới lần thứ hai, dân số Đà Lạt tăng vọt từ 11.500 vào năm 1939 lên 25.000 vào năm 1944 và kéo theo đó là sự gia tăng số lượng tín hữu Công giáo. Ngoài giáo xứ Chánh Toà đã có từ trước còn có thêm một vài họ đạo mới ra đời như các xóm đạo Mai Anh (vào năm 1940), xóm đạo Đa Lộc (vào năm 1942). Sau năm 1945, thực dân Pháp trở lại xâm lược Đông Dương lần thứ hai, ảnh hưởng của Thiên Chúa giáo tại Đà Lạt vẫn tiếp tục được mở rộng với sự xuất hiện thêm khá nhiều giáo xứ/họ đạo mới, nhất là tại các khu vực ven đô, như giáo họ Trại Hầm (vào năm1947), giáo xứ An Bình (từ 1947), giáo xứ Tùng Lâm (vào năm 1949), giáo xứ Vinh Sơn (từ năm 1950), giáo xứ Hà Đông (vào năm 1950) và giáo xứ Lang Biang (từ năm 1950).

Sau Hiệp định Genève (1954), một bộ phận đông đảo giáo dân từ các tỉnh phía Bắc di cư vào miền Nam. Số lượng giáo dân này được chính quyền Sài Gòn trước đây bố trí định cư chủ yếu tại khu vực Biên Hoà, Đồng Nai, dọc quốc lộ 20 (Dầu Giây - Đà Lạt) và có một bộ phận cư trú tại nội thành  Đà Lạt. Đó cũng chính là lý do giải thích vì sao chỉ trong vòng 5 năm (1955-1960), tại thành phố nhỏ này đã có thêm 9 xứ đạo cùng với sự tăng trưởng đáng kể về số lượng tín đồ Thiên Chúa giáo, hình thành nên các giáo sở, giáo xứ mới. Đó là các giáo sở/giáo xứ Chi Lăng (từ 1955), Du Sinh (từ 1955), Đa Thiện (từ 1957), Minh Giáo (từ 1955), Thánh Mẫu (từ 1955), Phát Chi (từ 1957), Vạn Thành (tách ra từ giáo xứ Du Sinh vào năm 1959), Bạch Đằng (từ 1960) và đặc biệt có thêm một xứ đạo cho những đồng bào dân tộc thiểu số - giáo xứ Cam Ly (từ 1960).

Trong những năm tiếp đó, ngoài các giáo xứ đã có, các linh mục còn lập thêm 2 xứ đạo nữa - xứ đạo Tạo Tác (từ 1967) và xứ đạo Thiện Lâm (tách ra từ giáo xứ Thánh Mẫu vào năm 1971). Theo số liệu thống kê năm 1964, ở Đà Lạt đã có 13.700 giáo dân, chiếm 18,2% cư dân toàn thành phố. Về mặt tổ chức, năm 1960, giáo phận Đà Lạt được thành lập gồm thị xã Đà Lạt và 4 tỉnh Tuyên Đức, Quảng Đức, Phước Long và Lâm Đồng; năm 1967 thu gọn lại còn Đà Lạt và 2 tỉnh Tuyên Đức, Lâm Đồng, ranh giới này duy trì đến năm 1975 và hiện nay nằm gọn trong địa giới của tỉnh Lâm Đồng với 5 giáo hạt (Đà Lạt, Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lộc), Toà Giám mục Đà Lạt đặt trụ sở tại số 9 đường Nguyễn Thái Học, Đà Lạt.

Sau ngày đất nước thống nhất, về cơ bản, các cơ sở họ đạo nói trên vẫn tiếp tục được duy trì. Tại xã Tà Nung, đức tin vào Thiên Chúa cũng đã ngự trị trong đa số tân tòng là người thuộc các nhóm thiểu số Chil, Lạch, Srê. Tín đồ người Lạch ở Măng Lin (phường 7) tuy chưa có nhà thờ, nhưng vào những ngày chủ nhật hay những dịp lễ trọng vẫn về hành lễ tại nhà thờ Tùng Lâm.

Cùng với sự hình thành các họ đạo/giáo xứ là sự xuất hiện của các dòng tu trên đất Đà Lạt. Trong thành phố hiện có 22 dòng tu nam và nữ với 29 cơ sở tu hành, bao gồm cả những dòng tu quốc tế (do các linh mục người nước ngoài lập và quản lý) và những dòng tu địa phương (được các linh mục người Việt hoặc người nước ngoài lập ra, nhưng do vị giám mục sở tại điều hành).

Về các dòng tu nam, ở Đà Lạt hiện có 9 dòng tu với 10 cơ sở là dòng Anh em hèn mọn (Phanxicô) tại tu viện Phan Sinh - Du Sinh, dòng Chúa Cứu thế (Nhà thờ Tùng Lâm, phường 7), dòng Đa Minh (đường Hà Huy Tập), dòng Don Bosco (Chủng viện Don Bosco, 4G Bùi Thị Xuân), dòng Tên (4G Bùi Thị Xuân), dòng Vinh Sơn (2 cơ sở: 40 Trần Phú và nhà thờ Vinh Sơn), dòng Sư huynh Lasan (đường Hà Huy Tập), dòng Sư huynh Giuse, Tu hội tận hiến (giáo xứ Minh Giáo).

Về các dòng nữ tu trong thành phố có 13 dòng với 19 cơ sở là dòng Chúa Quan phòng (25 Quang Trung), dòng Đức Bà truyền giáo (65 Hoàng Diệu), dòng Đức mẹ thừa sai Phan Sinh (6 Cô Giang), dòng Nữ tử Bác Ái (Nhà thờ Mai Anh), dòng Thánh Phaolô thành Chartres (20 Trần Phú), dòng Mân Côi (1 Thông Thiên Học), dòng Mến Thánh giá Đà Lạt (2 cơ sở: 230B/42 Đa Thiện và 253 Phan Đình Phùng), dòng Mến Thánh giá Hà Nội (4 cơ sở: 2 và 8 Huyền Trân Công Chúa, nhà thờ Cam Ly và nhà thờ Thánh Mẫu), dòng Mến Thánh giá Phát Diệm (9 Bà Triệu), dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm (3 cơ sở: 5 Thủ Khoa Huân, nhà thờ An Bình, nhà thờ Cầu Đất), dòng Mến Thánh giá Gò Thị Quy Nhơn (nhà thờ Thiện Lâm), dòng Tiểu muội Chúa Giêsu (15C Trần Phú).

Bên cạnh sứ mạng chung là tận hiến cho giáo hội, giúp đỡ người nghèo, thăng tiến bản thân, mỗi dòng tu còn có  các mục đích riêng. Phần lớn các dòng tu ở Đà Lạt đều quan tâm tới việc đào tạo nghề nghiệp hay trang bị kiến thức phổ thông cho những thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn (mở các trường/lớp trung tiểu học tư thục hay dạy nghề). Chẳng hạn, Trường Nữ trung học Couvent des Oiseaux (còn gọi là Notre Dame du Lang Bian) được thành lập từ năm 1935 (nay là Trường Dân tộc nội trú tỉnh Lâm Đồng), Trường Adran (thành lập từ 1941, nay là trụ sở của Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng), Trường Trí Đức (nay là Trường Trung học cơ sở Quang Trung), Trường Kỹ thuật Lasan (nay là Trường Kinh tế - Kỹ thuật Lâm Đồng)… Đặc biệt, vào năm 1958, một cơ sở đào tạo bậc cử nhân trực thuộc giáo hội đã được mở - Viện Đại học Đà Lạt do Giám mục Ngô Đình Thục làm Chưởng ấn.

Ngoài ra, vào năm 1958, Giáo hoàng học viện Pio X đã được thành lập tại Đà Lạt với chức năng thu nhận chủng sinh và đào tạo linh mục cho các nước trong khu vực Đông Nam Á theo chương trình hệ 8 năm. Tiếp đó, trong những năm 1962-1963, Tiểu chủng viện Simon Hoà, đặt cơ sở tại trại Farraut (khu Chi Lăng) cũng đã được thiết lập và tiếp nhận 80 chủng sinh đầu tiên. Đến năm 1967, Tiểu chủng viện này dời cơ sở về khu Đa Thiện. Năm 1972, giáo phận mở thêm cư xá Minh Hoà và đến năm 1980, sáp nhập Tiểu chủng viện Simon Hoà và cư xá nói trên thành Chủng viện Minh Hoà. Tính đến 10-1991, đã có 23 linh mục xuất thân từ chủng viện này.

Sau hơn 80 năm, kể từ ngày các giáo sỹ phương Tây đến rao giảng Tin mừng trên đất Đà Lạt, Công giáo đã ngày càng bám rễ bền chặt và lan toả sâu rộng trong đời sống tâm linh của một bộ phận cư dân thành phố. Toàn thành phố có 48 vị linh mục (26 linh mục triều và 22 linh mục dòng), 133 tu sĩ (106 nữ tu và 27 nam tu), 21 ban hành giáo với 149 thành viên. Số lượng giáo dân trong thành phố tính đến 2002 vừa qua là 3.319 hộ gia đình với 17.404 người, chiếm 12,02% dân cư Đà Lạt.

Khác với nhiều tôn giáo lớn khác, Công giáo là một tôn giáo có hệ thống tổ chức chặt chẽ từ cơ sở (giáo họ, giáo sở, giáo xứ), qua các cấp trung gian (giáo hạt, giáo phận, giáo tỉnh) cho tới toàn thế giới (Giáo triều Vatican). Tại Đà Lạt có trụ sở của Giáo phận Đà Lạt (trực thuộc Giáo tỉnh Thành phố Hồ Chí Minh, có sứ mệnh cai quản, chăn dắt giáo dân của 5 giáo hạt thuộc tỉnh Lâm Đồng) do một vị Giám mục đứng đầu. Giáo hạt Đà Lạt bao gồm 15 giáo xứ và 7 giáo họ do một vị linh mục quản hạt kiêm Tổng đại diện giáo phận đảm trách (hiện nay là Linh mục Lê Đức Huân). Mỗi xứ đạo lại do một vị linh mục quản xứ cai quản và một Ban hành giáo do giáo dân bầu ra để giúp linh mục trong coi mục vụ trong xứ. Từ năm 1992 lại đây, ở cấp giáo hạt có thêm Ban Đoàn kết Công giáo nhằm tập hợp, động viên bà con theo đạo phát huy tinh thần yêu nước, xây dựng giáo hạt vững mạnh, đảm bảo an ninh, tôn vinh sự đạo, tận tụy việc đời, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong những năm qua Ban Đoàn kết Công giáo thành phố luôn luôn là một thành viên tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Lạt. Hiện nay, cương vị Trưởng Ban Đoàn kết Công giáo thành phố do Linh mục Giuse Trần Minh Tiến - Chánh xứ Thiện Lâm đảm nhiệm.

Du nhập vào Đà Lạt từ những năm cuối thập kỷ thứ 2 của thế kỷ trước, Công giáo đã tìm thấy được một chỗ dựa của gần 2 vạn con chiên Đà Lạt. Cũng giống như đại đa số đồng bào theo Công giáo trong cả nước, tín hữu Đà Lạt sau trước vẫn là con dân nước Việt, vẫn luôn luôn ý thức sâu sắc cội nguồn của mình. Giáo dân của thành phố vẫn giữ được truyền thống dân tộc, hăng say làm việc để cải thiện cuộc sống của mình và góp phần xây dựng thành phố ngày một đẹp giàu, giữ gìn nền nếp, gia phong theo những chuẩn mực của giáo lý Công giáo, vừa làm tròn nghĩa vụ, trách nhiệm công dân trước Tổ Quốc, vừa làm tròn bổn phận tín hữu trước Thiên Chúa, sống tốt đời - đẹp đạo theo đường lối “thích nghi với thời đại” của Công đồng Vatican II và tinh thần Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam 1980 - “kính Chúa yêu nước”, “sống Phúc Âm trong lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”. Trong công cuộc đổi mới đất nước hôm nay, đời sống của bà con theo Công giáo trong thành phố đã có nhiều khởi sắc, bộ mặt của các xứ đạo ngày một khang trang, các cơ sở thờ phụng Thiên Chúa đều được tôn tạo với những thiết bị âm thanh, ánh sáng hiện đại, các thánh đường càng trở nên tôn nghiêm, lộng lẫy so với trước đây. Tín hữu thành phố đã có nhiều đóng góp  đáng kể trong các hoạt động từ thiện như mở các lớp nuôi trẻ miễn phí, các lớp học tình thương cho trẻ em lang thang, cơ nhỡ, tham gia đóng góp vào các quỹ khuyến học, khuyến tài, khám chữa bệnh cho người nghèo,… Không ít giáo dân là những tấm gương điển hình trong phong trào đoàn kết, thi đua lao động sáng tạo, phong trào xây dựng gia đình/khu phố văn hoá, giữ gìn trật tự trị an. Được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng và chính quyền, mối quan hệ giữa đạo với đời ngày một nồng thắm. Tương tự như ở nhiều vùng miền khác của đất nước, vào dịp lễ Giáng Sinh 25-12 hàng năm, cả Đà Lạt ngập tràn không khí lễ hội. Khắp các ngả đường dẫn tới nhà thờ Chánh Toà đều chật ních người. Không chỉ có các tín hữu Công giáo tham dự vào các nghi lễ tôn vinh Thiên Chúa, mà đông đảo nhân dân, nhất là nam nữ thanh thiếu niên khác đạo và ngoại đạo, cũng đổ về đây để cùng vui chung với bà con giáo dân trong ngày lễ trọng.

3.4 Đạo Tin Lành

Năm 1926, mục sư A. H. Jackson đã lên Tây Nguyên thăm dò địa bàn truyền giáo mới. Năm 1929, vợ chồng mục sư này quyết định lên truyền giáo ở Đà Lạt. Cộng tác với vợ chồng H.A. Jackson là mục sư Lê Văn Quế (thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam). Cơ sở đầu tiên của đạo là một căn nhà nhỏ ở đường Minh Mạng (nay là đường Trương Công Định). Tuy nhiên, việc mở mang ảnh hưởng của đạo này thực sự đáng kể từ năm 1935 khi cơ sở và đội ngũ truyền giáo Tin Lành được tăng cường trên đất Đà Lạt.

Năm 1936, Hội thánh Tin Lành đầu tiên tại Đà Lạt ra đời với khoảng 20 tín đồ. Năm 1942, với sự nỗ lực của mục sư Duy Các Lâm - quê ở Quảng Nam, Chủ toạ Hội thánh Tin Lành Đà Lạt, nhà thờ Tin Lành đầu tiên ở Đà Lạt tại ngọn đồi cạnh đường Hàm Nghi (72 đường Nguyễn Văn Trỗi hiện nay) được khánh thành. Năm 1960, nhà thờ này được trùng tu và về cơ bản vẫn duy trì cho đến tận ngày nay.

 Từ năm 1940, một hệ phái khác của đạo Tin Lành - phái Tin Lành Cơ đốc Phục lâm do giáo sỹ Benge (quốc tịch Pháp) truyền vào Đà Lạt. Cơ sở ban đầu của hệ phái này đặt tại số 2 đường Bà Triệu, về sau chuyển đến số 268 đường Phan Đình Phùng (do giáo sỹ Stoss - quốc tịch Anh xây dựng). Tuy nhiên, sau ngày giải phóng Đà Lạt (3-4-1975), ảnh hưởng của hệ phái này tại Đà Lạt không đáng kể.

Trong những năm 1950 - 1975, được sự hỗ trợ, khuyến khích từ phía Hoa Kỳ và các tổ chức Tin Lành Quốc tế, nhiều hệ phái Tin Lành đã du nhập vào miền Nam Việt Nam, trong đó có Đà Lạt - như phái Baptiste, phái Ngũ tuần, phái Hội thánh đấng Christ,… Tuy nhiên, ảnh hưởng của những phái này xếp sau khá xa so với CMA – hệ phái có số lượng tín đồ lớn nhất ở miền Nam Việt Nam nói chung, tại Đà Lạt nói riêng, kể cả lúc bấy giờ và vị thế đó vẫn được tiếp tục duy trì cho đến tận hôm nay. Theo số liệu vào năm 1970, Hội thánh Tin Lành Đà Lạt có 783 tín đồ, trong đó số thực hiện nghi thức báp-tem là 338. Về mặt tổ chức, lúc đó ở Đà Lạt có 2 chi hội cơ sở của người Kinh (chi hội tại số 72 đường Hàm Nghi và chi hội Trạm Hành) thuộc Nam Trung hạt (bao gồm các tỉnh Nam Trung Bộ từ Phú Yên đến Phan Thiết, đặt Văn phòng tại Nha Trang) và 1 chi hội sắc tộc (dân tộc thiểu số) thuộc Nam Thượng hạt (bao gồm khu vực Nam Tây Nguyên: Bình Long, Phước Long, Quảng Đức, Long Khánh, Tuyên Đức, Lâm Đồng và miền Tây các tỉnh Khánh Hoà, Bình Thuận). Năm 1959, được sự hỗ trợ của Chính phủ Pháp, Tổng liên hội Hội Thánh Tin Lành (miền Nam) còn mở Trường Kinh Thánh đào tạo chức sắc Tin Lành hệ trung cấp phục vụ việc truyền đạo tại vùng các dân tộc thiểu số trên cao nguyên Trung Phần. Văn phòng Chủ nhiệm Ban Trị sự Nam Thượng hạt của mục sư Lơ Mu Ha Brông cũng được đặt tại đây.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, các hệ phái và cơ sở đạo Tin Lành ở phía Nam đất nước tạm ngưng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng hay tự động giải thể. Phần đông tín đồ Tin Lành đều thu hẹp sinh hoạt tín ngưỡng của mình lại trong phạm vi gia đình hay cá nhân. Một bộ phận chức sắc, tín đồ Tin Lành đã bị các thế lực phản động lợi dụng, có những hoạt động chống phá chính quyền cách mạng, tham gia vào tổ chức FULRO. Trong bối cảnh đó, đức tin của khá đông tín đồ theo tôn giáo này tại Đà Lạt đương nhiên khó tránh khỏi tình trạng sa sút.

Một số tổ chức giáo hội của các hệ phái Tin Lành không có cơ sở bền chặt trong tín đồ đã tự giải thể; một số cơ sở hỗ trợ của hệ phái Tin Lành CMA còn lại vẫn được các cấp chính quyền địa phương cho phép duy trì các sinh hoạt tôn giáo bình thường. Vào những dịp lễ trọng, tại nhà thờ Tin Lành (72 đường Nguyễn Văn Trỗi) vẫn cử hành những nghi thức tôn vinh Thiên Chúa trọng thể với sự tham gia của các tín đồ trong thành phố và các vùng phụ cận như Lạc Dương, Đức Trọng.

Sau một thời gian gián đoạn, khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, tương tự các cơ sở đạo Tin Lành ở phía Nam đất nước, các hệ phái Tin Lành ở Đà Lạt đã có nhiều khởi sắc, các sinh hoạt tôn giáo trở lại khá sôi động. Ngày 9-2-2001, Đại hội Tổng Liên hội Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) lần thứ nhất (lần thứ 43 theo lịch sử giáo hội) đã được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đại hội đã đánh dấu sự phục hồi và cải tổ về tổ chức và hoạt động của Hội Thánh sau một phần tư thế kỷ ngưng trệ.

Ngày 16-3-2001, Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) đã được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân. Theo Hiến chương 2001 của Hội thánh, các tín đồ không phân biệt dân tộc đều cùng sinh hoạt với nhau trong một chi hội cơ sở.

Theo tinh thần đó, trong năm 2002 các chi hội Tin Lành tại Đà Lạt đã tiến hành Hội đồng để sắp xếp lại tổ chức, nhân sự và ổn định các sinh hoạt tôn giáo.

Hiện nay, trong thành phố có 3 chi hội Tin Lành: Chi hội tại số 72 đường Nguyễn Văn Trỗi, Chi hội Trạm Hành và Chi hội Tà Nung với tổng số 2.330 tín đồ, trong đó đã báp-tem hơn 1.300 người. Số tín đồ là người dân tộc thiểu số có 1.215 người, báp-tem hơn 520 người. Đội ngũ chức sắc gồm 3 mục sư, trong đó một mục sư là người dân tộc thiểu số.

Tương tự như Công giáo, đạo Tin Lành ở Đà Lạt đặc biệt chú trọng các hoạt động xã hội, nhất là trong lĩnh vực từ thiện nhân đạo, xem đây như là một phương thức hữu hiệu trong việc mở mang phạm vi ảnh hưởng của tôn giáo này. Từ sau khi được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân (2001), chức sắc, tín đồ Tin Lành thành phố đã rất phấn khởi, ra sức lao động, phấn đấu theo tinh thần “sống Phúc âm, phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc và Dân tộc” của Hiến chương 2001, góp phần vào sự nghiệp xây dựng quê hương, Tổ quốc giàu mạnh.

3.5 Đạo Cao Đài

Sự du nhập của hệ phái Cao Đài Tây Ninh đến Đà Lạt vào năm 1938 gắn với tên tuổi của Lễ sanh Ngọc Ngọ Thanh (tục danh Trần Văn Ngọ) khi ông được Toà Thánh Tây Ninh cử làm Quyền Khâm Châu phụ trách Tỉnh đạo Lâm Đồng. Tín đồ đầu tiên của đạo Cao đài trên đất Đà Lạt là ông Nguyễn Văn Chất (1891-1972), còn gọi là Chánh Cao. Cơ sở thờ tự có hình Thiên nhãn đầu tiên trên thành phố cao nguyên này là Thánh thất Đa Phước (phường 11) và vị đầu tộc đạo đầu tiên của hệ phái Cao Đài Tây Ninh là Lễ sanh Ngọc Cao Thanh. Năm 1941, tại khu vực Đa Phước, tín đồ Cao Đài ở đây đã trùng tu thánh thất và xây thêm điện thờ Phật mẫu. Năm 1942, Toà Thánh Tây Ninh cử ông Đặng Phước Hoà lên Đà Lạt để đẩy mạnh việc “mở mang nền đạo”, tiếp tục phát triển các hương đạo của tôn giáo này ở xung quanh thành phố. Vào đầu những năm 50 của thế kỷ trước, Toà Thánh Tây Ninh có dự án nâng cấp thánh thất Đa Phước thành trung tâm của hệ phái tại khu vực Lâm Đồng. Năm 1952, Hộ pháp Phạm Công Tắc đã lên đây và thực hiện nghi lễ đặt viên đá đầu tiên khởi công cho việc xây dựng thánh thất mới. Tuy nhiên, những biến động của thời cuộc sau đó đã làm ngưng trệ việc triển khai dự án đó.

Sau Hiệp định Genève 1954, do chính sách thiên vị Kitô giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm, các tôn giáo ngoài Kitô nói chung và đạo Cao Đài nói riêng, gặp không ít khó khăn trở ngại. Sau vụ đảo chính 1-11-1963, dưới thời “đệ nhị cộng hoà” của chính quyền Sài Gòn, tôn giáo ở miền Nam hoạt động dễ dàng hơn. Năm 1973, Khâm Trấn (miền đạo) Tuyên Đức - Ninh Thuận đã đặt trụ sở tại Đà Lạt (số 8 đường Nguyễn Tri Phương) và cử Giáo sư Thượng Tiến Thanh (tục danh Đặng Nhật Tiến) đứng đầu Khâm Trấn. Theo đó, đạo Cao Đài ở Đà Lạt cũng có một sự tăng trưởng nhất định, đến năm 1975 đã có 16 hương đạo và 6.500 đạo hữu. Sau năm 1975, theo Đạo lệnh 001 của Toà thánh Tây Ninh, hệ thống tổ chức của hệ phái này bị giải thể, các chức sắc, chức việc và tín đồ thực hiện các nghi lễ tại nhà riêng. Ở Đà Lạt, chính quyền địa phương cho phép các tín đồ Cao Đài được lập ban cai quản và duy trì các sinh hoạt. Năm 1997, Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân, bà con trong các họ đạo đã vô cùng phấn khởi và tiếp tục duy trì các nghi lễ tôn giáo của mình. Theo số liệu thống kê của UBND thành phố Đà Lạt, tính đến tháng 4-2001, hệ phái Cao đài Tây Ninh ở Đà Lạt đã có 1 họ đạo với quy mô khá lớn: 54 chức sắc, chức việc và hơn 8.000 đạo hữu.

*

Cùng với sự xuất hiện của hệ phái Cao Đài Tây Ninh trên đất Đà Lạt, hệ phái Cao Đài Ban chỉnh đạo cũng bắt đầu khẳng định sự có mặt  của mình trên xứ sở ngàn hoa từ năm 1938. Vào năm đó, trong một chuyến tham quan Đà Lạt, Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương - người khai sáng ra hệ phái Cao Đài Ban chỉnh đạo từ 1934 đã mua một căn nhà ván 4m x 6m ở ấp Đa Thành và giao cho Giáo sư Thượng Hậu Thanh (tục danh Nguyễn Văn Hậu) và một số chức sắc, chức việc khác sửa sang lại làm cơ sở thờ tự và căn cứ truyền giáo của hệ phái mình trên đất cao nguyên với vị đầu họ đạo đầu tiên là Giáo sư Thượng Vận Thanh (Nguyễn Văn Vận). Đó chính là khởi điểm để sau vài ba thập niên, hệ phái Cao Đài Ban chỉnh đạo Bến Tre đã tìm được chỗ đứng vững chắc trong đức tin của ngót 1.000 tín đồ Đà Lạt. Từ xuất phát điểm này, hệ phái Cao Đài Bến Tre đã vươn tới những bộ phận cư dân khác trong và ngoài thành phố - các cơ sở ở Xuân Sơn (xã Xuân Trường), Phú Sơn (huyện Lâm Hà) và các huyện Đơn Dương, Đức Trọng. Sau 3 lần trùng tu vào các năm 1949, 1969 và năm 2000, thánh thất Đa Thành (20 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 7) đã được trùng tu khá khang trang theo đúng những chuẩn mực của một thánh thất Cao Đài.

 

Họ đạo Cao Đài Xuân Sơn xuất hiện trong khoảng những năm 1940-1941 từ số công nhân vốn là tín đồ đạo Cao Đài của hệ phái này từ các tỉnh Nam - Ngãi - Bình - Phú vào làm việc trong Sở trà Cầu Đất và xưởng cưa ở đây. Năm 1941, ông Võ Trả (sau này là Phối sư Ngọc Trả Thanh) đã nguyện hiến đất để xây dựng một thánh thất bằng gỗ đầu tiên ở Xuân Sơn. Năm 1951, do thánh thất bị xuống cấp trầm trọng, các tín đồ họ đạo đã xin phép chính quyền sở tại xây thánh thất mới ở khu đồi khá cao ráo trên đường vào thôn hiện nay.

Tương tự như hệ phái Cao Đài Tây Ninh nói trên, hệ phái Cao Đài Ban chỉnh đạo cũng trải qua không ít thăng trầm. Trong khoảng gần 30 năm đầu (1938-1965), sự tăng trưởng của tín đồ hệ phái khá chậm chạp. Đến năm 1965, hệ phái này có số lượng khoảng 50 chức sắc, chức việc và 1.000 tín đồ. Từ năm 1965-1970, trong khoảng một thời gian ngắn, hệ phái này có một bước tăng trưởng vượt bậc trên đất Đà Lạt (2.500 tín đồ). Sau thời kỳ hưng thịnh đó, từ năm 1970 về sau, do những mâu thuẫn trong nội bộ Hội thánh Cao Đài Ban chỉnh đạo, cơ đạo bị chững lại, các sinh hoạt tôn giáo ngưng trệ, số lượng tín đồ có chiều suy giảm. Tình trạng đó tiếp tục kéo dài cho đến sau năm 1975. Nhiều tu sĩ, tín đồ đã chuyển hướng trở về tu tại gia. Năm 1985, theo Tri châu 901 của Toà thánh Bến Tre, Hội thánh Cao Đài Ban chỉnh đạo đã giải thể từ cấp trung ương đến cơ sở. Ngày 8-8-1997, theo Quyết định số 26/QĐ/TGCP của Ban Tôn giáo Chính phủ, Hội thánh Cao Đài Ban chỉnh đạo được Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận tư cách pháp nhân và trong bối cảnh đó, các sinh hoạt tôn giáo của hệ phái này tại 2 họ đạo Đa Thành và Xuân Sơn đều được khởi sắc. Hiện nay, hệ phái Cao Đài Ban chỉnh đạo ở Đà Lạt có 23 chức sắc, chức việc và khoảng 1.000 tín đồ (số liệu năm 2001).

*

Ngoài 2 hệ phái có tổ chức cơ sở họ đạo và thánh thất nêu trên, ở Đà Lạt còn có gần 30 hộ gia đình theo hệ phái Truyền giáo (miền Trung) được du nhập tới thành phố trong khoảng đầu những năm 60 của thế  kỷ trước, liên quan tới những đồng bào theo đạo Cao Đài quê ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi đến đây lánh nạn khủng bố của chính quyền Ngô Đình Diệm.

Khác với 2 hệ phái trên, do chưa có thánh thất riêng, nên số bà con theo hệ phái Hội thánh Truyền giáo Cao Đài chỉ thực hiện các nghi lễ tôn giáo tại nhà riêng (tu tại gia). Vào các ngày đại lễ (vía Đức Chí Tôn – 9 tháng Giêng âm lịch và vía Đức Diêu Trì Kim Mẫu – 15 tháng Tám âm lịch), những tín đồ có điều kiện thường về dự lễ tại Thánh thất Trung Dương (Lạc Nghiệp, Đơn Dương).

Cũng nằm trong hệ thống của các hệ phái đạo Cao Đài lớn, hệ phái này ở Đà Lạt không có khác biệt gì nhiều so với những họ đạo khác trong các chi phái của Đại đạo tam kỳ phổ độ. Sự thống nhất này thể hiện rõ nét trong giáo lý, giáo quy, cơ cấu tổ chức,… cho đến hệ biểu trưng - biểu tượng, các nghi thức hành lễ và bố cục nội thất giáo đường. Sự khác biệt, nếu có, lại nằm ở quy mô khiêm nhường của những tòa thánh thất, mức độ khiêm tốn của số lượng tín đồ và phạm vi ảnh hưởng hữu hạn của tôn giáo này đối với những người khác đạo và ngoại đạo. Không phải ngẫu nhiên mà không ít người dân thành phố đã gọi những thánh thất của tôn giáo này là “chùa Cao Đài” - một sự đồng nhất hay ngộ nhận đạo Cao Đài với Phật giáo. Điều đó thể hiện rõ nét tính hoà đồng của tín đồ đạo Cao Đài trong cuộc sống trên thành phố ngàn hoa.

*

So với các tôn giáo khác tại Đà Lạt, số lượng chức sắc, chức việc và đạo hữu Cao Đài ở đây không lớn (3 hệ phái với hơn 9.000 đạo hữu). Tuy nhiên, cũng giống như đại bộ phận đồng bào có đạo khác trong thành phố, bà con theo đạo Cao Đài luôn luôn có tinh thần đoàn kết giữa những tín đồ đồng đạo với những người khác đạo cũng như ngoại đạo và đã có những đóng góp nhất định trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước và thành phố quê hương hiện nay. Đặc biệt, trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thánh thất Xuân Sơn đã từng là cơ sở cách mạng, nơi nuôi giấu nhiều cán bộ thành hoạt động bí mật trước sự săn lùng của kẻ thù. Các quyết định số 10/QĐ/TGCP ngày 24 - 9 - 1996 và 26/QĐ/TGCP ngày 8 - 8 - 1997 của Ban Tôn giáo Chính phủ đã thực sự thổi một luồng gió mới đến đồng bào theo đạo Cao Đài trong thành phố. Bà con trong các họ đạo đã gạt được mặc cảm, phấn khởi, hồ hởi, vừa tích cực lao động sản xuất, vừa hăng hái tham gia việc đạo theo tinh thần “phụng đạo, yêu nước”, “nước vinh đạo sáng”, “tốt đạo, đẹp đời” để việc đạo - việc đời ngày một hưng thịnh trên thành phố quê hương.

3.6 Một số cơ sở thờ tự ở Đà Lạt

     Nhìn chung, các cơ sở thờ tự của các tôn giáo ở Đà Lạt không có khác biệt lớn so với các cơ sở thờ tự của các tôn giáo ở những vùng miền khác của đất nước. Tuy vậy, vẫn có thể nhận ra những “nét Đà Lạt” của các kiến trúc tôn giáo ở đây thông qua việc tổ chức không gian kiến trúc - thế đất, cỏ cây, và ở một mức độ nào đó là sự pha trộn, đan xen, kết hợp với những “yếu tố Thượng” trong những kiến trúc loại này. Quy mô của các chùa chiền, thiền viện, thánh đường, thánh thất,… ở Đà Lạt thường không nguy nga, đồ sộ như những cơ sở thờ tự tôn giáo ở những thành phố lớn; song không vì thế mà nó mất đi dáng vẻ uy nghi, hoành tráng; trái lại với “thế đứng” trên những quả đồi lộng gió, bao quanh thường là những khoảng không gian thoáng rộng, tiền cảnh ngoạn mục tạo nên một hiệu quả thẩm mỹ độc đáo mà có lẽ chưa dễ tìm thấy ở một nơi nào.

3.6.1 Các cơ sở thờ tự Phật giáo

Trong các loại hình kiến trúc tôn giáo ở Đà Lạt, trước hết phải kể tới những công trình kiến trúc Phật giáo bởi lẽ số lượng chùa chiền, tịnh xá, thiền viện ở đây rất lớn đã đành (trên 50 hạng mục), song quan trọng hơn là ở đây có khá nhiều ngôi chùa có quy mô khá đồ sộ và có giá trị kiến trúc rất cao - một trong những đóng góp đáng kể làm tăng thêm vẻ đẹp của thành phố, có sức cuốn hút mạnh mẽ đối với du khách thập phương.

Nét độc đáo trong các kiến trúc Phật giáo ở Đà Lạt thể hiện rõ nét trong việc lựa chọn không gian kiến trúc, sự phối trí hài hoà giữa thiên nhiên với phần nhân tạo. Không ít những ngôi chùa đã đạt đến mức làm say đắm lòng người trước khung cảnh thiên nhiên tuyệt mỹ xen lẫn với những mái cong mềm mại. Cảm giác cô tịch của chốn thiền môn dường như bị lấn át bởi cảnh sắc sơn thuỷ hữu tình, trăm hoa đua màu, khoe sắc.

Hầu như ngôi chùa nào cũng được xây dựng ở một vị trí khá cao - trên đỉnh của những quả đồi - một điều không dễ gì có được ở những khu vực đồng bằng, song lại không mấy khó khăn ở địa hình của một vùng sơn nguyên lắm đồi, nhiều núi.

Trong số 56 ngôi chùa, thiền viện, tịnh xá ở Đà Lạt, nổi lên là các chùa Linh Quang, Linh Sơn, Linh Phong, Linh Phước, Thiên Vương cổ sát (chùa Tàu), Trúc Lâm thiền viện.

Chùa Linh Quang

Chùa Linh Quang toạ lạc tại số 133 đường Hai Bà Trưng, Đà Lạt, là ngôi chùa được xây dựng đầu tiên ở Lâm Đồng, vì vậy nên còn được gọi là “Linh Quang tổ đình”. Năm 1938, chùa được vua Bảo Đại ban Sắc tứ và được trùng kiến vào năm 1972.

Từ phía mặt đường Hai Bà Trưng, qua một chiếc cổng xây có bảng hiệu Linh Quang tự và năm tháng tạo lập bằng Hán tự (một bên là Mạnh Xuân Ất Tỵ niên (1-1965) và bên kia Phật lịch nhị thiên ngũ bách linh cửu - tức năm 2509 theo Phật lịch) là một con đường vòng theo chân đồi dẫn tới dãy bậc cấp lên toà chính điện.

Toà chính điện của ngôi chùa dài 20m, chỗ rộng nhất 15m, gồm 3 gian nhà kết cấu liên thông nhau. Ngôi nhà tiền sảnh là một kiến trúc 3 gian 2 chái có mái kép (chồng diêm). Từ phía ngoài nhìn vào, trên hai đầu đỉnh nóc có gắn hình 2 con rồng theo thế hồi long, cùng chầu vào một mặt hổ phù. Phía trên mặt hổ phù là bánh xe chuyển pháp luân. Trên các đầu đao của mái trên là các cặp lưỡng phụng, lưỡng long chầu vào. Ở hai đầu đao mái dưới là một cặp lưỡng long vươn ra. Khoảng giữa của hai mái chồng diêm là các bức trang trí hồi long đối xứng qua biển hiệu bằng chữ Hán “Linh Quang tự” màu xanh trên nền hoa văn hình chữ vạn cách điệu màu đỏ.

Tiền điện chùa có 4 trụ cột đắp rồng và sát 2 cột ngoài cùng là 2 mảng tường hẹp có đắp nổi phong cảnh trong vườn Lộc Uyển. Chùa có 3 cửa chính vào nội viện, phía trên cửa giữa là dòng chữ “Chùa Linh Quang”.

Trong chính điện thờ tượng Phật Thích Ca ngồi trên đài sen, hào quang toả sáng. Phía sau chính điện là nhà Tổ thờ Bồ Đề Đạt Ma, chư vị Hoà thượng quá cố, hai bên thờ nam nữ hương linh. Trong khuôn viên chùa, ngoài 3 bảo tháp còn có một tượng đài Quan Thế Âm thị hiện trên thân rồng dài 100m, vườn Lâm Tỳ Ni, cảnh thái tử Tất Đạt Đa xuất gia.

     Chùa Linh Sơn

Chùa Linh Sơn là một ngôi chùa lâu đời ở Đà Lạt, toạ lạc trên một quả đồi cao, cách trung tâm thành phố Đà Lạt chừng 700m (120 đường Nguyễn Văn Trỗi). Đây còn là nơi đặt văn phòng Tỉnh hội Phật giáo Lâm Đồng.

 

Chùa được khởi công xây dựng vào năm 1938. Linh Sơn tự là một quần thể kiến trúc bao gồm nhiều hạng mục lớn nhỏ khác nhau phân bố trên một khoảng không gian chừng 4ha. Chùa có 2 lối vào. Cửa tam quan trông về phía tây nam. Theo một lối lên bằng nhiều bậc cấp, du khách tới khoảng sân tiền điện.

Toà chính điện gồm 2 ngôi nhà nối liền nhau theo hình chữ đinh. Ngay lối vào tiền sảnh là những bậc cấp với hai bên là tượng 2 con rồng uốn khúc, há miệng, được đắp bằng xi măng. Toà tiền sảnh uy nghi, phía trước có 4 trụ lớn và bên dưới diềm mái là mảng trang trí hoa văn hình chữ vạn cách điệu. Bên phải tiền sảnh là tượng Hộ pháp Vi Đà, bên trái là tượng Tiêu Diện Đại Sỹ. Trong chính điện thờ tượng Phật Thích Ca bằng đồng toạ trên toà sen cao 1,8m, nặng 1.250kg, được đúc vào năm 1952. Cách không xa chính điện về phía bên phải là bảo tháp hình bát giác. Phía sau chính điện là Tổ đường thờ Bồ Đề Đạt Ma và chư hương linh tăng sĩ và Phật tử. Ngoài ra, chùa còn có phòng phát hành kinh sách, nhà vãng sinh, giảng đường được xây dựng từ năm 1972, nay là Trường Trung cấp Phật học tỉnh Lâm Đồng.

     Chùa Linh Phong

Chùa Linh Phong toạ lạc trên một cụm đồi cao (72C Hoàng Hoa Thám) là một ni tự. Sơ khởi vốn là một nơi thờ Phật lợp tranh, vách ván dựng lên vào năm 1940. Khuôn viên này được Hoà thượng Thích Bích Nguyên chuyển giao lại cho Sư bà Thích Nữ Từ Hương vào năm 1946. Sư bà đã cho xây dựng từng bước ngôi chùa như hiện nay.

Muốn vào Linh Phong tự, trước hết phải leo hết một dãy bậc cấp dài chừng 40m mới tới cổng tam quan. Tam quan ở đây gồm 2 tầng có mái lợp ngói ống. Phía dưới gồm 3 cửa cuốn hình vòng cung trông về phía tây bắc. Phía trên có một cửa hình chữ nhật uốn góc với biển hiệu “Chùa Linh Phong” và tượng Hộ pháp. Nóc trên mái tam quan có trang trí lưỡng long triều nguyệt, các đầu đao và nóc dưới là hoa văn hồi long. Phía trước chính điện là một khoảng sân khá rộng. Giữa sân là pho tượng Phật Bà Quan Âm bằng thạch cao trắng đứng trên đài sen đặt trên chiếc đỉnh đắp bằng xi măng.

Trong chính điện thờ tượng Phật A Di Đà cao 1,8m, toàn thân sơn son, tạc vào năm 1949. Phía trước thờ tượng Quan Thế Âm và Đại Thế Chí bằng đồng bóng loáng. Phía sau chính điện là nơi thờ Tổ Đạt Ma và chư hương linh. Bên ngoài là hai dãy nhà dùng làm nơi sinh hoạt cho các ni cô, giảng đường và nhà khách. Đối diện nhà hậu Tổ là nhà Âm linh thờ Tiêu Diện Đại Sỹ. Phía sau là một bảo tháp 3 tầng được xây dựng vào năm 1988 - nơi tôn trí hợp thể của Sư bà sau khi viên tịch.

     Chùa Linh Phước

Chùa Linh Phước toạ lạc tại Trại Mát (phường 11), được khởi công xây dựng vào năm 1949 do sự đóng góp công đức của Phật tử địa phương và đã được trùng tu trong suốt nhiều năm liên tục từ 1990 đến nay.

 

Đặc điểm nổi bật của ngôi chùa này là các mảng trang trí hình rồng bằng phương thức đắp nổi có gắn các mảnh gốm, sứ, thuỷ tinh tương tự như tại lăng Khải Định ở Huế.

Trong chính điện thờ tượng Phật Thích Ca toạ thiền dưới gốc bồ đề cao hơn 4,9m (cốt bê tông, nhũ vàng). Chạy suốt 2 bên phía dưới mái chồng diêm là các bức phù điêu khảm bằng sành sứ diễn tả cuộc đời Đức Phật Thích Ca từ lúc đản sinh đến khi nhập Niết bàn. Mặt trước của chùa là tiền đường gồm lầu Đại Bi và tháp Đa Bảo cao 27m. Trong tháp có một đại hồng chung cao 4,3m, miệng rộng 2,3m được đúc vào năm 1999.

Ngay sát cạnh chùa là Long Hoa viên độc đáo. Cổng ra vào là một con rồng lớn với 3 nếp uốn lượn tạo thành 3 cửa ra vào. Phía trên lưng rồng là tượng Văn Thù Bồ Tát. Phía trong hoa viên là một con rồng dài 49m, uốn mình lên xuống trong cả không gian vườn hoa. Đầu rồng vươn cao che chở cho tượng Đức Di Lặc.

     Thiên Vương cổ sát (Chùa Tàu)

Thiên Vương cổ sát - thường được gọi một cách dân dã là Chùa Tàu - toạ lạc tại số 385 đường Khe Sanh, Đà Lạt, do các nhà sư và Phật tử người Hoa xây dựng từ năm 1958 và được khánh thành vào năm 1995 thuộc dòng Hoa Nghiêm Tông (Trung Quốc).

Theo một lối đi lát đá uốn cong mềm mại, rì rào tiếng thông reo, qua cổng tam quan, khách sẽ đi vào toà Từ Tôn Bảo Điện. Ngay giữa trung tâm bảo điện này là pho tượng Đức Phật Di Lặc. Bốn góc bảo điện là bốn bức tượng Thiên Vương uy nghi.

Qua một khoảng sân nhỏ có đặt 3 chiếc đỉnh lớn là toà Quang Minh Bảo Điện. Toà bảo điện này có hình tứ giác (mỗi chiều 15m, cao 12m) với hai tầng mái kép. Trên đỉnh nóc mái có đắp hình 2 con rồng theo thế hồi long, cùng chầu vào một tháp nhỏ ở trung tâm của mái. Các đầu đao của 2 tầng mái trên, mái dưới đều có gắn các cặp lưỡng long vươn đầu ra phía ngoài. Trong điện thờ ba pho tượng Tây Phương Tam Thánh Phật bằng gỗ long não (mỗi pho cao 4m, nặng 1.500kg) được Hoà thượng Thọ Dã thỉnh từ Hồng Công về năm 1958.

Phía sau Quang Minh bảo điện, trên đỉnh đồi thông là tượng đài Đức Phật Thích Ca lộ thiên, cao 18m.

     Trúc Lâm thiền viện

Trúc Lâm thiền viện là một công trình mới được Hoà thượng Thích Thanh Từ chủ trì xây cất cách đây chưa lâu (khởi công ngày 28-5-1993, khánh thành ngày 19-3-1994), song tiếng tăm của nó đã trở nên rất đỗi quen thuộc đối với khách thập phương. Toạ lạc trên một khuôn viên rộng 24ha xào xạc tiếng thông reo cách Đà Lạt chừng 6km về phía nam. Thiền viện không chỉ là nơi thờ Phật, tu thiền mà còn thực sự là một điểm tham quan lý tưởng không những đối với du khách bốn phương mà còn với cả cư dân Đà Lạt. Phía trước thiền viện là hồ Tuyền Lâm mênh mang sóng nước. Giữa hồ nổi lên một gò đảo xanh mướt một rừng thông.

 

Toà chính điện là một kiến trúc vật trang nhã hình tứ giác, mái kép. Khác với nhiều ngôi chùa khác, nóc mái của Thiền viện Trúc Lâm không có các mô típ trang trí long, lân, quy, phượng, mà chỉ có biểu tượng bánh xe chuyển pháp luân ở đỉnh nóc mái. Các đầu đao cũng không đắp hình long phượng như nhiều tự viện khác, mà chỉ hơi vút lên một cách hết sức mềm mại. Phần cửa ra vào và các cửa sổ đều làm bằng gỗ, chạm trổ tinh xảo. Trong chính điện thờ tượng Phật Thích Ca Mâu Ni cao 2m, tay phải cầm hoa sen đưa lên, thuật ngữ trong nhà Thiền gọi là “niêm hoa vi tiếu”. Chạy dọc phía dưới mái chồng diêm là những bức tranh và những mô típ trang trí bằng gỗ khắc chạm sống động. Hai bên chính điện là tham vấn đường, phòng trưng bày hình ảnh Phật giáo, thư viện,… xen giữa những lối đi râm mát bóng thông và thơm ngát hương hoa. Hai bên tả hữu toà đại điện là gác chuông, gác trống xinh xắn cùng các chậu hoa, cây cảnh muôn hồng, ngàn tía được cúng dường bởi thiện nam, tín nữ từ nhiều địa phương phía Nam đất nước. Phía trước thiền viện là hồ Tĩnh Tâm soi bóng mây trời.

3.6.2 Các cơ sở thờ tự Kitô giáo

Các kiến trúc liên quan đến Kitô giáo là những hạng mục kiến trúc tôn giáo xuất hiện sớm nhất trên đất Đà Lạt. Ngay từ những năm cuối thế kỷ trước, các giáo sỹ thuộc Hội thừa sai Pa-ri đã trèo đèo, lội suối tới tận miền đất cao nguyên xa  xăm này và nhà thờ, nhà nguyện cũng ra đời để làm nơi thờ phụng Chúa và là chỗ để các con chiên của Người cầu nguyện. Tuy vậy, cũng phải đợi tới những thập kỷ 30-60 của thế kỷ XX mới hình thành nên những nhà thờ có tầm cỡ về phương diện kiến trúc.

Trong số trên 40 nhà thờ, tu viện Kitô giáo ở Đà Lạt, phải kể tới nhà thờ Chánh toà, Domaine de Marie, Cam Ly.

     Nhà thờ Chánh Toà Đà Lạt

Vừa hết đèo Prenn để vào nội thị Đà Lạt, đập ngay vào mắt du khách là một tháp chuông cao vút - đó là tháp chuông của nhà thờ Chánh Toà Đà Lạt mà dân chúng quen gọi bằng một cái tên dân dã hơn - “nhà thờ con gà”.

 

Nhà thờ Chánh Toà được khởi công vào ngày 19-7-1931 và tiến hành xây cất trong suốt 11 năm, tới ngày 25-1-1942 mới chính thức khánh thành. Đây là kiểu nhà thờ theo trường phái miền Bắc nước Pháp với quy mô khá đồ sộ (dài 65m, chỗ rộng nhất 14m, tháp chuông cao 47m). Trên đỉnh tháp có gắn một con gà bằng đồng dài 0,66m, cao 0,58m dùng thay mũi tên chỉ hướng gió. Cửa chính của nhà thờ trông về phía núi Lang Biang. Ở phần áp mái được trang trí bằng 70 tấm kính màu (được chế tạo từ Pháp) làm cho không gian nội thất thánh đường càng thêm lung linh, huyền ảo. Trên tường còn được gắn các bức phù điêu với kích thước 1 x 0,8m do nhà điêu khắc Xuân Thi thể hiện. Phía trước nhà thờ - đối diện qua đường Yersin (nay là đường Trần Phú) là tượng Chúa Chiên Lành (Bon Pasteur). Tường phía ngoài nhà thờ sơn màu hồng sẫm càng làm tôn thêm sự trang nghiêm của một thánh đường.

Mỗi khi hoàng hôn buông xuống, tiếng chuông nhà thờ Chánh Toà ngân vang, tín hữu trong giáo xứ lại đến nơi đây để làm lễ tôn vinh Thiên Chúa. Mỗi sáng chủ nhật, quang cảnh nhà thờ càng thêm tấp nập bởi sự góp mặt không chỉ giáo dân sở tại mà còn có sự tham gia hành lễ của nhiều người theo đạo ở thăm thành phố cao nguyên. Vào dịp lễ Thiên Chúa Giáng Sinh hàng năm, không chỉ ở giáo đường mà cả khu vực xung quanh nhà thờ ngập tràn không khí lễ hội. Hàng vạn người, kể cả những người ngoại đạo, đều đổ về đây để cùng chia vui với các tín hữu Công giáo trong ngày lễ trọng.

     Nhà thờ Domaine de Marie

Nhà thờ Domaine de Marie toạ lạc trên quả đồi lộng gió có cùng tên gọi ở phía tây bắc thành phố Đà Lạt (còn gọi là đồi Mai Anh) thuộc giáo xứ Mai Anh Đà Lạt, được xây dựng từ những năm 40 của thế kỷ trước, nằm trong quần thể kiến trúc của Tu viện dòng nữ tu Bác Ái.

Ngôi nhà thờ hiện nay là kết quả của một quá trình trùng tu, tôn tạo từ một căn nhà nguyện của các sơ từ những năm 1940.

 

Nhà thờ là sự kết hợp khá hài hoà giữa phong cách kiến trúc Tây phương với kiến trúc dân gian đồng bào dân tộc thiểu số. Từ phía trước nhìn vào, kiến trúc vật mang dáng dấp của một mái nhà rông, đỉnh nhọn của nóc mái cũng là nơi gắn thánh giá. Lối vào thánh đường được che phủ bởi một mái phụ và 2 lối lên từ hai phía với những bậc tam cấp phảng phất các bậc cầu thang vào những ngôi nhà sàn Thượng. Tường được xây đá chẻ tới ngang bệ cửa sổ theo phong cách Normandie. Không gian nội thất nhà thờ được chiếu sáng bởi những khung kính màu để tăng phần lung linh, huyền ảo.

     Nhà thờ Cam Ly

Nhà thờ Cam Ly được xây dựng cho những giáo dân là người dân tộc thiểu số, do vậy kiến trúc vật này mang một sắc thái độc đáo, khác hẳn với các thánh đường dành cho những giáo dân người Kinh.

Cách không xa dòng thác Cam Ly, trên một quả đồi thơ mộng, vào năm 1960, Linh mục Boutary và nhà thầu Nguyễn Thanh Hồ đã khởi công xây dựng một thánh đường mang đậm phong cách kiến trúc của các cư dân bản địa. Công việc tạo tác này kéo dài trong suốt 6 năm, tới năm 1966 mới khánh thành.

 

Toàn bộ thánh đường trông tựa một ngôi nhà rông của đồng bào Thượng với hai mái dốc đứng cao 17m, được lợp bằng 80.000 viên ngói với tổng trọng lượng tương đương 90 tấn. Ngay tiền đường có đặt hình hổ và phượng hoàng - những con vật quen thuộc với những cư dân thiểu số; một con tượng trưng cho sức mạnh, một con tượng trưng cho sự tinh khôn. Không gian nội thất thánh đường được chiếu sáng bởi những khung hình tam giác được bao bọc trong những khung hình vuông. Cung thánh có đặt một  bàn  thờ  kích  thước  3,9m x 0,9m  làm

bằng gỗ một cây thông đem từ núi Lang Biang về. Dưới thánh giá có treo 3 đầu trâu - loài vật linh thiêng mà người Thượng thường dùng làm vật phẩm tế Yàng của họ, và trong trường hợp này họ kính dâng lên Thiên Chúa. Ở đây cũng bắt gặp tượng một con nai và một con phượng hoàng - biểu trưng cho sự hồn nhiên của các giáo dân Thượng và sự thành đạt của họ khi được Chúa Trời cải biến.

Rõ ràng, những kiến trúc sư xây dựng thánh đường này đã khá thành công khi họ biết sử dụng một hình thức kiến trúc gần gũi với các cư dân Thượng để bắc một nhịp cầu dẫn dắt những người xa lạ với tín ngưỡng Công giáo làm quen với giáo lý của Công giáo.

Sau 1975, bà con người dân tộc bản địa ở đây đã trở về làng cũ. Từ đó đến nay, cơ sở này do các nữ tu dòng Mến Thánh giá Hà Nội trông nom.

 

Về đầu trang

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT
NHÀ XUẤT BẢN TỔNG HỢP TP. HỒ CHÍ MINH
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Thiết kế trang web: Sở KH&CN Lâm Đồng