NỘI DUNG CHÍNH

Lời giới thiệu

PHẦN THỨ NHẤT : LƯỢC SỬ
TRUYỀN THỐNG ĐẤU TRANH

Chương I:  Lược sử hình thành và phát triển thành phố Đà Lạt

Chương II: Truyền thống đấu tranh cách mạng

PHẦN THỨ HAI : TỰ NHIÊN
VÀ DÂN CƯ

Chương I: Tự nhiên

Chương II: Dân cư

PHẦN THỨ BA : KINH TẾ

Chương I : Nông nghiệp – lâm nghiệp

Chương II :  Du lịch và dịch vụ

Chương III: Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp

Chương IV : Cơ sở hạ tầng kỹ thuật

PHẦN THỨ TƯ : VĂN HÓA XÃ HỘI

Chương I:   Văn học nghệ thuật, thiết chế văn hóa và báo chí

Chương II: Quy hoạch và kiến trúc

Chương III: Y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ

Chương IV: Tín ngưỡng và tôn giáo

TỔNG LUẬN

Niên biểu thành phố Đà Lạt

Danh sách Bà mẹ Việt Nam anh hùng thành phố Đà Lạt

Danh sách các đơn vị được tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”

Danh sách các Bí thư chi bộ, Thành uỷ Đà Lạt qua các thời kỳ

Danh sách các Thị trưởng Đà Lạt (1901-1975)

Danh sách các Chủ tịch Uỷ ban quân quản, Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Lạt

Alexandre Yersin

Về phong cách Đà Lạt

Người Cơ Ho ở Đà Lạt

Đường phố Đà Lạt

Danh mục các ngôi đình ở Đà Lạt

PHẦN THỨ HAI

TỰ NHIÊN VÀ DÂN CƯ

 

3. KHOÁNG SẢN

3.1 Khoáng sản phi kim loại

Khoáng sản phi kim loại gồm có: kaolin và vật liệu xây dựng.

3.1.1 Kaolin

Kaolin được hình thành do quá trình phong hóa của felspat, được gọi là quá trình kaolin hóa.

Trong thành phần cấu tạo của các loại đá macma thường gặp ở Đà Lạt như đá hoa cương, đá đaxit, đá bazan có các tinh khoáng chủ yếu như: thạch anh, felspat, mica, amphibol, peridot, pirotxen,… Khi đá bị phong hoá giải phóng ra các tinh khoáng, trong đó có felspat.

Felspat là những tinh thể màu trắng hoặc hồng rất dễ biến đổi thành sét, đó là những silicat alumin hợp thêm hoặc với Ca (plariocla) hay Na (anbit).

Kaolin ở Đà Lạt có nguồn gốc chủ yếu là sản phẩm phong hóa từ đá granit pha phức hệ Cà Ná và đá felsit, ryolit hệ tầng Đơn Dương.

Chất lượng kaolin tốt hay xấu phụ thuộc vào lượng khoáng vật màu biotit, hocblen trong đá granit có nhiều hay ít và nơi đó địa mạo có thuận lợi cho khai thác hay không.

Căn cứ vào nguồn gốc phong hóa, kaolin ở Đà Lạt có thể chia ra:

* Kaolin có nguồn gốc phong hóa từ granit biotit phức hệ Cà Ná

Loại kaolin này phát triển rộng rãi ở đới phong hóa từ đá granit pha 2 phức hệ Cà Ná, đã phát hiện tại Trại Mát, phía tây Đà Lạt, Láp-bê Nam,... Chúng phân bố rộng và có 2 phụ biểu:

- Kaolinit – gipxit: điển hình là mỏ kaolin Trại Mát.

Đây là mỏ có chất lượng khá tốt do lượng khoáng vật màu biotit, hocblen thấp. Độ mịn của kaolin khá cao: thu hồi qua rây 0,1mm chiếm 31,5 - 47,4%.

Qua rây 0,1mm, độ hạt của kaolin có đường kính 1,1 - 0,05mm chiếm 58,55%, đường kính 0,05 - 0,01mm chiếm 18,43%, đường kính 0,01 - 0,005mm chiếm 12,37%.

Kaolin Trại Mát ở dạng phong hóa felspat triệt để, do đó ở dạng nguyên khai có độ trắng hơn nhiều so với các nơi khác.

Thành phần khoáng vật và hóa học của kaolin phụ thuộc vào mức độ phong hóa mạnh trung bình hay yếu, loại kaolin cao nhôm và kaolin kiềm có hàm lượng Al2O3 khá cao, chiếm 20- 45% và có hàm lượng Fe2O3 thấp (0,42 - 1,9%).

Trong phẩu diện hàm lượng Al203 cũng thay đổi giảm dần từ trên xuống dưới.

Với độ chịu lửa khá cao (1.680 - 1.760oC), có thể sử dụng loại kaolin cao nhôm để sản xuất sứ cao cấp, sứ cách điện, sứ bền nhiệt, gạch chịu lửa sa mốt và loại kaolin kiềm cao để làm cốt sứ nung ở nhiệt độ thấp, sứ dân dụng cao cấp, chất độn cho công nghiệp giấy, sản xuất sunphat alumin,…

Độ dẻo của kaolin (<0,1mm): 16,35 - 23,17.

Độ pH : 4,8 - 6,4, trung bình 5,61.

Trữ lượng : khoảng 55.910.000 tấn.

- Kaolinit - gipxit - gơtit phân bố ở mỏ Cam Ly – phía tây Đà Lạt.

Loại kaolin này có thành phần SiO2 47,3- 64,9%, Al2O3 21,7 - 32,2%, Fe2O3 3,4 - 3,6%, TiO2 0,25 - 0,28%, độ chịu lửa 1.670 - 1.770oC. Do có hàm lượng sắt cao nên không sử dụng được cho sản xuất sứ, có thể dùng để sản xuất gạch chịu lửa hoặc điều chế sunphat alumin (phèn nhôm). Trữ lượng đánh giá sơ bộ đạt 38 triệu tấn.

* Kaolin có nguồn gốc phong hóa từ đá riolit, felsit hệ tầng Đơn Dương

Loại kaolin này phân bố điển hình ở mỏ Prenn và Datanla. Kaolin ở Prenn và Datanla được phong hóa từ đá felsit nên chất lượng khá tốt hơn những loại phong hóa từ đá riolit vì ít hàm lượng Fe2O3 và khoáng vật màu.

Mỏ kaolin Prenn có dạng kaolin bán phong hóa, trong đó có lẫn những vi thể felspat. Thân mỏ có phương đông bắc - tây nam dài 4 km, rộng 1,3 km. Vì phân hóa từ đá felsit nên kaolin có độ hạt rất mịn, do đó không cần phải lọc và nghiền trước khi tạo sản phẩm.

Thành phần Al2O3 của kaolin không cao nên nhiệt kết khối thấp hơn kaolin Trại Mát; thạch anh ở dạng vi tinh, hàm lượng Fe2O3 khá cao, có thể dùng để sản xuất xương sứ dân dụng.

Trữ lượng 73.144.421 tấn, trong đó kaolin dạng bột: 23.727.841 tấn, kaolin dạng cục: 49.416.580 tấn.

3.1.2        Khoáng sản vật liệu xây dựng

Tiềm năng khoáng sản vật liệu xây dựng của Đà Lạt khá lớn. Từ năm 1996, Trung tâm Kiến tạo, Tai biến và Môi trường của Liên đoàn Địa chất 6 đã thu thập tài liệu, khảo sát thực địa, lấy mẫu và sơ bộ đánh giá tiềm năng về vật liệu xây dựng của tỉnh Lâm Đồng, trong đó có những mỏ thuộc địa bàn thành phố Đà Lạt. Theo tài liệu này, vật liệu xây dựng của Đà Lạt bao gồm các loại: đá xây dựng, sét gạch ngói,…

Đá xây dựng

Đá xây dựng trên địa bàn Đà Lạt được thành tạo từ các loại:

- Đá granit phức hệ Cà Ná;

- Đá bazan hệ tầng Xuân Lộc;

- Đá riolit - đaxit hệ tầng Đơn Dương.

* Đá granit phức hệ Cà Ná

Qua nghiên cứu tham số phóng xạ của đá granit phức hệ Cà Ná cho thấy suất liều tương đương luôn lớn hơn mức giới hạn cho phép. Đặc biệt, trong các công trình xây dựng bằng đá granit và xây trên nền đá granit thì độ phóng xạ ở các phòng kín cao hơn rất nhiều so với những nơi thoáng khí.

Về thành phần thạch học, hoá học, cơ lý, đá granit phức hệ Cà Ná đạt chất lượng xây dựng, có cường độ kháng nén cao có thể sử dụng làm đá rải đường, sản xuất bêtông, đá hộc, đá chẻ cho các công trình trên cạn và dưới nước. Về quy mô, trữ lượng của đá granit phức hệ Cà Ná rất lớn, từng khu vực có thể đạt vài triệu đến vài chục triệu mét khối. Tuy nhiên, độ phóng xạ đo được tại các mỏ khai thác và các công trình xây dựng bằng đá granit phức hệ Cà Ná cao hơn tiêu chuẩn cho phép.

Hiện nay trên bản đồ khoáng sản đã đăng ký được 10 mỏ ở Cam Ly, Tà Nung, Trại Mát,... Các mỏ đều nằm cạnh đường giao thông, diện tích phân bố từ vài km2 đến vài chục km2.

* Đá bazan hệ tầng Xuân Lộc

Đá bazan hệ tầng Xuân Lộc phân bố ở khu vực Măng Lin, sân bay Cam Ly, khu vực Prenn – Datanla, Xuân Trường, Xuân Thọ,… tạo thành những khối nhỏ có diện tích phân bố từ vài km2 đến vài chục km2. Trữ lượng ước khoảng 1 triệu m3.

Đá có cường độ kháng nén cao, chất lượng thích hợp để làm đá xây dựng, làm đường, sản xuất bêtông; đá hộc, đá chẻ cho các công trình trên cạn và dưới nước. Độ hút vôi khá cao có thể sử dụng làm phụ gia xi măng, gạch không nung. Độ phóng xạ thấp nên thích hợp cho các công trình xây dựng có độ thoáng khí kém. Tuy nhiên, hầu hết các mỏ này đều phân bố xa đường giao thông, lớp phong hóa dày (5 - 10m) nên hạn chế trong việc chọn điểm khai thác, mỏ có triển vọng là mỏ đá xây dựng Datanla với chiều dài điểm mỏ 250m, chiều rộng 200m, dày 20m, trữ lượng khoảng 1 triệu m3 và mỏ Prenn - Định An với chiều dài điểm mỏ 400m, chiều rộng 200m, dày 10m, trữ lượng khoảng 0,8 triệu m3.

* Đá riolit - đaxit hệ tầng Đơn Dương

Đá riolit - đaxit hệ tầng Đơn Dương lộ ra trên diện tích 300km2, kéo dài thành một dải có chiều ngang 5 - 15km, chiều dài trên 35km từ Lâm Hà qua Prenn - Datanla, Xuân Thọ đến thượng nguồn sông Đa Nhim, ngoài ra còn gặp ở Tà Nung.

Diện phân bố của đá hệ tầng Đơn Dương nằm cạnh quốc lộ 20 và các trục đường thuận tiện giao thông nên dễ dàng trong khai thác và vận chuyển.

Đá riolit - đaxit hệ tầng Đơn Dương có cường độ kháng nén cao, đạt chất lượng làm đá xây dựng, làm đường, các công trình trên cạn và dưới nước. Độ phóng xạ của đá thấp, thích hợp để xây dựng các công trình có độ thoáng khí kém.

Trong các loại đá này thường có chứa các mạch quặng đi kèm như quặng thiếc, vàng, asen,…

Sét gạch ngói

Sét gạch ngói có hai nguồn gốc : phong hóa và trầm tích. Do đặc điểm địa hình, tại Đà Lạt không phổ biến sét có nguồn gốc trầm tích.

Sét gạch ngói Đà Lạt có nguồn gốc phong hóa từ sét kết, bột kết của hệ tầng La Ngà được phát hiện tại phía đông bắc thôn Măng Lin, phân bố khá rộng trên diện tích khoảng 30km2 từ nam huyện Lạc Dương đến bắc thành phố Đà Lạt. Chiều dày lớp phong hóa có thể đạt đến hơn 10m.

Sét có màu vàng, vàng nâu, nâu đỏ, đôi chỗ loang lỗ trắng, trong sét còn gặp tàn dư của các mạch mỏng thạch anh màu trắng có chiều dày khoảng 1cm.

So với các loại sét có nguồn gốc trầm tích thì độ hạt của sét có nguồn gốc phong hóa kém mịn hơn, nhưng sét tại khu vực này có độ hạt khá mịn, đạt yêu cầu làm gạch ngói, nhưng thành phần Al2O3 khá cao, SiO2 thấp, thành phần khoáng của sét chủ yếu là kaolinit và hydromyca, không chứa monmorylonit, vì vậy loại sét này khi nung đến 1.050oC vẫn chưa chín nên độ hút nước cao, cường độ kháng nén thấp, phải pha thêm sét có hàm lượng SiO2 cao vào để hạ thấp nhiệt độ nung và tăng chất lượng gạch ngói. Ngoài ra, loại sét này có độ hút vôi lớn nên có thể dùng làm phụ gia cho xi măng, gạch không nung.

3.2 Khoáng sản kim loại

Khoáng sản kim loại gồm có thiếc và vàng.

3.2.1 Thiếc

Quặng thiếc ở Lâm Đồng nói chung và thành phố Đà Lạt nói riêng thuộc loại quặng caxiterit, nằm trong phụ đới sinh khoáng Đà Lạt - Bảo Lộc.

Một kết quả phân tích theo phương pháp kích hoạt cho thấy, với mẫu nghiền mịn, hàm lượng thiếc là 64%, stibi: 0,7%, asen: 0,008%, đồng: 0,04%, vonfram: 0,09%, scandi: 0,003%, natri: 0,5%, nhôm: 2,5%, mănggan: 0,0013%, magie: 0,6%, vanadi: 0,003%.

Có hai loại thiếc: thiếc gốc và thiếc sa khoáng.

* Thiếc gốc có nguồn gốc nhiệt dịch và pegmatit, quặng thiếc có liên quan tới đá granit phức hệ Ankroet, tập trung trong đá biến đổi berezit hóa, greizen hóa có nguồn gốc nhiệt dịch nhiệt độ cao.

Đến nay đã phát hiện được trên địa bàn Đà Lạt 3 mỏ lớn ở núi Cao, Thái Phiên và Đa Thiện, 3 điểm quặng phía đông Thái Phiên, Đa Thiện, núi Khôn, trữ lượng tổng cộng ước khoảng 10.000 - 12.000 tấn.

* Thiếc sa khoáng phân bố khá rộng rãi trong tích tụ aluvi, deluvi, proluvi tại khu vực phía bắc Đà Lạt đến Đạ Chais, trữ lượng chưa được đánh giá đầy đủ, ước tính khoảng 1.600 -1.800 tấn SnO2.

3.2.2 Vàng

Vàng gồm hai loại: vàng gốc và vàng sa khoáng.

* Vàng gốc gồm có các thành hệ:

- Thành hệ thạch anh - sunfua vàng phát triển khá rộng rãi và chiếm tỷ trọng lớn. Các mạch thường có kích thước vài centimet đến 1 mét, phân bố theo dạng mạch đơn hoặc tạo thành đới mạch, hàm lượng 0,8 – 5,5g/tấn. Tại Đà Lạt các điểm mỏ ở khu vực Đa Thiện, Trại Hầm có nhiều triển vọng nhưng mới ở mức độ lộ trình tìm kiếm nên chưa xác định được trữ lượng.

- Thành hệ thạch anh - asen vàng có nguồn gốc nhiệt dịch cao. Loại thành hệ này không phổ biến, chỉ mới tìm thấy điểm quặng ở khu vực Trại Hầm, Măng Lin, Sào Nam. Vàng phân bố trong các mạch thạch anh, chiều của mạch thạch anh 1 - 2cm, có nơi đạt 50cm, đá vây quanh là granit biotit phức hệ Ankroet bị greizen hóa. Hàm lượng vàng: 2,55 g/tấn, bạc: 4,8 g/tấn.

- Thành hệ sunfua vàng - bạc phát triển tương đối phổ biến trong đá phun trào hệ tầng Đơn Dương, hàm lượng thấp (0,1 - 1,7 g/tấn), phân bố ở khu vực Datanla.

* Vàng sa khoáng có dạng vẩy, hạt trong các bãi bồi thung lũng ven sông suối, quy mô nhỏ và hàm lượng thấp.

3.3 Đá bán quý

Các đá ngọc ở Đà Lạt có nguồn gốc liên quan với phun trào bazan và phun trào đaxit, đã phát hiện 3 loại : opan - caxedoan, saphia, tectit.

3.3.1 Opan – caxedoan

Opan - caxedoan có mặt ở phần thấp của mặt cắt phun trào bazan Pleitoxen. Bề dày của lớp đá ngọc này là 10 - 30cm. Đá có mặt vỡ vỏ chai, láng bóng, ánh thủy tinh, có thể chế tác thành đồ trang sức mỹ nghệ.

3.3.2 Saphia

Nguồn gốc sinh thành saphia là đá bazan kiềm. Nơi chứa là các trầm tích bãi bồi aluvi, deluvi. Phát hiện điểm quặng ở khu vực Xuân Trường, chưa được nghiên cứu và đánh giá.

3.3.3 Tectit

Tectit được tìm thấy tại nhiều nơi, nằm trên bề mặt bào mòn xảy ra trong Pleitoxen, nhiều nơi tectit bị đưa xuống lắng đọng trong các bậc thềm, bãi bồi của thung lũng cổ tuổi từ Pleitoxen giữa đến Holoxen. Tectit là sản phẩm phun trào bazan có phụt nổ trong thời kỳ Pleitoxen. Do phụt nổ, đá vừa cháy vừa bay trong không khí nên có nhiều người cho rằng đá tectit có nguồn gốc vũ trụ. Đá tectit là một loại đá thủy tinh dạng viên, có hình thon dài, giọt nước, hạt đào ; màu xám đen đến đen huyền, ánh và bóng, được dùng để làm đồ trang sức và mỹ nghệ.

3.4  Nhóm xạ

Các đá bazan, andezit,… bị greizen hóa có cường độ phóng xạ 50-70 μRh, nhưng tại các điểm dị thường xạ cường độ phóng xạ cao (70 - 170μRh).

Trong phạm vi thành phố Đà Lạt có điểm dị thường xạ Prenn.

Điểm xạ Prenn nằm trong đá fensit hệ tầng Đơn Dương, mạch đá cấu tạo dạng dòng chảy hoặc vi uốn nếp, rộng 1 - 2m, phương đông bắc - tây nam, xuyên cắt đá tuf phun trào hệ tầng Đơn Dương, diện lộ quan sát được dài 100 - 150m, rộng 50 - 70m. Độ  phóng xạ cao, đạt 1.700μRh, cường độ xạ của đá vây quạnh mạch felsit pocphia là 26 - 28μRh. Hàm lượng U:52,9g/tấn; Th:18,0g/tấn; Ce:55,7g/tấn; La:38,6g/tấn.

 

 

Về đầu trang

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT
NHÀ XUẤT BẢN TỔNG HỢP TP. HỒ CHÍ MINH
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Thiết kế trang web: Sở KH&CN Lâm Đồng