NỘI DUNG CHÍNH

Lời giới thiệu

PHẦN THỨ NHẤT : LƯỢC SỬ
TRUYỀN THỐNG ĐẤU TRANH

Chương I:  Lược sử hình thành và phát triển thành phố Đà Lạt

Chương II: Truyền thống đấu tranh cách mạng

PHẦN THỨ HAI : TỰ NHIÊN
VÀ DÂN CƯ

Chương I: Tự nhiên

Chương II: Dân cư

PHẦN THỨ BA : KINH TẾ

Chương I : Nông nghiệp – lâm nghiệp

Chương II :  Du lịch và dịch vụ

Chương III: Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp

Chương IV : Cơ sở hạ tầng kỹ thuật

PHẦN THỨ TƯ : VĂN HÓA XÃ HỘI

Chương I:   Văn học nghệ thuật, thiết chế văn hóa và báo chí

Chương II: Quy hoạch và kiến trúc

Chương III: Y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ

Chương IV: Tín ngưỡng và tôn giáo

TỔNG LUẬN

Niên biểu thành phố Đà Lạt

Danh sách Bà mẹ Việt Nam anh hùng thành phố Đà Lạt

Danh sách các đơn vị được tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”

Danh sách các Bí thư chi bộ, Thành uỷ Đà Lạt qua các thời kỳ

Danh sách các Thị trưởng Đà Lạt (1901-1975)

Danh sách các Chủ tịch Uỷ ban quân quản, Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Lạt

Alexandre Yersin

Về phong cách Đà Lạt

Người Cơ Ho ở Đà Lạt

Đường phố Đà Lạt

Danh mục các ngôi đình ở Đà Lạt

PHẦN THỨ HAI

TỰ NHIÊN VÀ DÂN CƯ

 

5.  KIẾN TẠO ĐỊA CHẤT

Lịch sử địa chất và các hoạt động kiến tạo phức tạp trên địa bàn thành phố Đà Lạt đã hình thành nhiều loại đá mẹ như : đá macma, đá trầm tích, đá biến chất và trầm tích sông suối hiện đại. Các loại đá phụ thuộc vào điều kiện hình thành (xâm nhập hay phun trào), thành phần và đặc điểm cấu tạo, dưới ảnh hưởng của các yếu tố : khí hậu, địa hình, thủy văn, hệ thực vật, hoạt động của con người,… theo thời gian đã phong hóa hình thành những lớp phủ thổ nhưỡng với các loại đất khác nhau.

5.1 Các loại đá mẹ

Trên địa bàn Đà Lạt có nhiều loại đá mẹ được hình thành trong những hoàn cảnh địa chất kiến tạo và thời kỳ địa chất khác nhau: đá macma, đá trầm tích, đá biến chất.

5.1.1 Đá macma

Ở dạng xâm nhập hoặc phun trào, trong đá macma có các tinh khoáng chủ yếu như: thạch anh, felspat, mica, amphibol, peridot, pirotxen.

Các loại đá macma thường gặp ở Đà Lạt là đá granit, đá đaxit, đá bazan.

Đá granit (đá hoa cương) là đá macma axit rất cứng do núi lửa phun ra nên còn gọi là phún xuất thạch. Lớp đá chưa tan rã nằm sâu trong lòng đất khoảng 1 - 10m, vẫn còn giữ nguyên màu xám hay trắng, đen của những phần tử cấu tạo là thạch anh (SiO2), tràng thạch (felspat) và mica.

Đá granit rất phổ biến, phân bố ở khu vực đông nam Đà Lạt (Trại Hầm, Trại Mát), Sầm Sơn, chung quanh khu vực Tà Nung,… với diện lộ rộng, trong đó có nhiều mỏ đã được khai thác.

Đá đaxit cũng là một thứ đá hoa cương nhưng các hạt rất bé, phân bố ở khu vực đèo Prenn, Ngô Quyền, Đa Cát và khu vực phía bắc thành phố Đà Lạt.

Đá bazan (đá huyền vũ) là đá macma bazơ có màu đen, nặng cũng do núi lửa phun ra. Lớp đá này ở rất sâu từ 3 đến 10m trở xuống, khi chưa tan rã có màu đen và xám ô-liu của pirotxen (chứa Mg, Fe), từ thiết (chứa nhiều Fe) và vi tràng thạch.

Đá bazan phân bố ở khu vực Vạn Thành, sân bay Cam Ly, trung tâm xã Tà Nung, Cầu Đất với diện lộ nhỏ.

Trong đá macma axit các hạt thạch anh rất cứng khó bị huỷ hoại, còn các tinh thể felspat trái lại rất dễ biến đổi thành sét.

Trong đá macma, felspat kali (ortoze) thường khó bị phân huỷ hơn các felspat canxi, natri (anorti hay lơxit), còn các silicat sắt và mangan (như pyrotxen, ôlivin) rất dễ bị hủy hoại.

Các felspat axit chứa nhiều oxyt silic (SiO2) khó bị huỷ hoại. Các felspat kiềm chứa ít SiO2 (dưới 52%) dễ bị huỷ hoại, do đó các đá macma bazơ bị huỷ hoại nhanh hơn các đá macma axit. Trên các đá này tầng phong hoá thường dày hơn.

Đá macma bazơ huỷ hoại nhanh hơn, các sản phẩm tạo nên chứa ít thạch anh và nhiều sét. Ngoài ra, các đá đó đều chứa sắt và mangan nên khi huỷ hoại tạo nên oxyt sắt làm cho đất có màu đỏ, nâu đỏ hay đỏ vàng tuỳ theo mức thuỷ hợp của các oxyt đó.

5.1.2 Đá trầm tích

Trên địa bàn Đà Lạt có các loại đá phiến sét, bột kết, cát kết. Các loại đá này thường gồm nhiều hạt thạch anh liên kết lại bởi một thứ xi măng silic. Đá trầm tích lục nguyên có tuổi Mezozoi giữa phân bố ở vùng trũng trung tâm thành phố, khu vực phía bắc, tây bắc và đông của trung tâm thành phố.

Khi xi măng liên kết bị huỷ hoại sẽ phóng thích các hạt thạch anh và do đó đất được tạo ra có nhiều cát.

5.1.3 Đá biến chất

Đá biến chất giống như đá macma vì có tinh thể và giống đá trầm tích vì xếp thành các lớp song song. Đây là những đá trầm tích bị vùi sâu và nóng chảy, tái kết tinh trở thành đá biến chất.

Đá biến chất phân bố với diện lộ nhỏ ở khu vực tây suối Phước Thành, phía nam phường 11.

Đá biến chất tuy có kiến trúc hình hạt nhưng thường các tinh khoáng mica xếp thành lớp mỏng song song lần lượt xen kẽ với các lớp thạch anh và felspat màu nhạt nên dễ bị khoáng hoá hơn các đá macma.

5.2 Quá trình khoáng hoá

5.2.1 Quá trình feralit

Tại những nơi dễ thoát nước và trên đá mẹ dễ thấm nước, giàu canxi và nghèo silic, chất silic bị phóng thích sẽ hoàn toàn hòa tan và bị nước thoát thuỷ lôi cuốn theo cùng với canxi, magie. Đất sẽ rất giàu oxyt sắt (Fe2O3), oxyt nhôm (Al2O3), đặc biệt là Al2O3 tự do. Đó là các đất sắt nhôm chính, có tỷ số SiO2/Al2O3 của thành phần sét nhỏ thua 1,7. Tại Đà Lạt thường thấy các loại đất này trên đá bazan, trên các sườn đồi thoát nước tốt và có mực thuỷ cấp sâu.

Tại những nơi sự trực di của silic không hoàn toàn vì đá mẹ giàu silic (trên đá hoa cương) hoặc vì sự thoát nước không đầy đủ (mực thuỷ cấp cạn, do địa hình bằng phẳng hay trũng thấp) thì có sự tạo thành kaolinit do silic hợp với oxyt nhôm để tạo ra kaolin, đây là đất sắt-nhôm hơi yếu, giàu kaolinit, nghèo Al2O3 tự do, có tỷ số SiO2/ Al2O3 nhỏ thua 2. Tại Đà Lạt thường thấy các loại đất này trên đá macma axit, trên các địa hình bằng phẳng và có mực thuỷ cấp cạn.

Tại những nơi ẩm ướt, ít có sự thoát nước thì oxyt silic (SiO2) cũng như các bazơ không thể bị trực di (đất lầy úng, mực thuỷ cấp ngay trên mặt đất), nếu đá mẹ phóng thích ra nhiều canxi, magie (như đá bazan) thì tạo ra nhiều loại sét giàu silic như các montmorilonit. Tại Đà Lạt thường thấy các loại đất này trong các vùng trũng thấp, thoát nước kém.

Hầu hết đất trên địa bàn thành phố Đà Lạt đều được xếp vào loại đất feralit, có màu từ nâu đỏ, đỏ đến nâu vàng, đỏ vàng, vàng đỏ và vàng do sự hiện diện của oxyt sắt trong đất. Càng lên cao quá trình feralit càng yếu đi, trong đất chỉ thấy tích lũy nhôm mà ít tích lũy sắt; vì vậy tỷ lệ SiO2/Al2O3 trong cấp hạt sét cao hơn vành đai đất dưới 1.000m.

Tại những nơi có quá trình feralit mạnh mẽ và có sự tập trung oxyt sắt-nhôm trong một tầng trắc diện (do được mang đến từ các tầng trên hoặc do sự mất đi hoàn toàn các chất bazơ và vì thiếu silic nên không có sự tạo thành kaolinit được, đất rất giàu Al2O3 tự do) sẽ tạo thành các lớp laterit trong đất.

 Nếu trên đất này xảy ra sự xói mòn rất mạnh do thiếu lớp phủ thực vật thì các lớp đất mặt sẽ bị trôi đi, lộ ra lớp laterit và Fe++ dễ hoà tan trong nước bị ôxyt hoá thành Fe+++ trở nên cứng chắc, đây là một trong các nguy cơ để đất bị trơ sỏi đá. Hiện tượng này gặp trên các đồi trọc khu vực Cam Ly, Phước Thành, Nam Hồ, Trại Mát,… với quy mô nhỏ.

5.2.2 Quá trình tích lũy mùn

Càng lên cao nhiệt độ giảm dần nên quá trình feralit, quá trình khoáng hoá càng yếu đi và nhường chỗ cho quá trình tích lũy mùn phát triển. Tuy nhiên, Đà Lạt không quá cao để cho quá trình trên chấm dứt hẳn và nhường chỗ hoàn toàn cho quá trình tích lũy mùn.

Trên các khu vực cao của Đà Lạt, nhiệt độ thấp, thảm thực vật rừng còn khá tốt, địa hình khá hiểm trở, ít được khai thác nên tỷ lệ chất hữu cơ trong đất cao, giàu mùn. Thành phần thực vật chủ yếu là thông 3 lá có tỷ lệ các chất khó phân huỷ cao nên tỷ lệ mùn trong đất khá cao.

5.2.3 Quá trình bào mòn, rửa trôi, tích tụ

Quá trình dịch chuyển đất đá trên sườn dốc

Có thể chia quá trình dịch chuyển đất đá thành 3 loại:

- Đá đổ gặp nhiều trên các sườn núi cao và dốc trên 40o, dưới chân núi hoặc trong lòng suối, đá đổ ngổn ngang tạo thành dòng hoặc bãi đá rộng.

- Sụt hay lở đá thường gặp nhiều ở những sườn dốc lớn hơn 30o được cấu tạo từ đá macma, biến chất bị phong hóa.

- Trượt đất đá phát triển trên các sườn đồi núi, tập trung vào những địa hình bị nâng kiến tạo mạnh, sườn núi dốc và hoạt động xâm thực mạnh mẽ.

Các loại trên thường thấy trên đèo Prenn, trên đường Đà Lạt - Tà Nung.

Quá trình xói mòn và mương xói

Do đặc điểm mưa Đà Lạt tập trung theo mùa với cường độ lớn nên quá trình này xảy ra mạnh mẽ, đặc biệt trên các sườn đồi có lớp phủ thực vật mỏng.

Nước tràn bề mặt bào mòn, rửa trôi các chất màu, khoét nên các khe rãnh, mương xói dài 10-20m đến hàng trăm mét, sâu 0,5 - 5m. Hiện tượng bào mòn rửa trôi xảy ra mạnh trên vùng đất dốc trồng rau hoa (khu vực Tây Hồ, Nam Hồ, Trại Mát, Tùng Lâm, Đa Thiện, Sầm Sơn,...) và trên đất trống, đồi trọc chung quanh thành phố Đà Lạt.

Có nhiều nơi nước xói mòn rửa trôi hết tầng canh tác và lộ đến tầng đá mẹ, hình thành loại đất xói mòn trơ sỏi đá, thường gặp ở các đỉnh và sườn đồi khu vực Đa Thiện, Tùng Lâm, Xuân Trường, Xuân Thọ.

Trong phẫu diện đất sự rửa trôi cũng xảy ra theo chiều dọc, nước từ các tầng trên thấm xuống mang theo các vật chất dễ hoà tan và tích tụ lại những chất khó hoà tan.

Quá trình xâm thực

Các dòng suối tại Đà Lạt hầu hết rất dốc và chưa đạt đến trắc diện cân bằng, lưu lượng giữa các mùa chênh lệch rất lớn, nên vào mùa lũ quá trình xâm thực xảy ra rất dữ dội. Vào mùa lũ nước dâng cao, chảy siết, xâm thực lòng suối và xói lở, gây sụp đổ bờ, cuốn theo nhiều sản phẩm xâm thực.

Quá trình tích tụ, bồi tụ

Dưới tác động của các quá trình phong hóa và bị dòng nước xâm thực, các loại đá ở vùng thượng lưu bị hủy hoại dần, đá to vỡ thành đá nhỏ, đá nhỏ thành tinh khoáng, tinh khoáng bị quá trình thủy phân, thủy hợp, oxy hóa,… tác động hủy hoại thành các hợp chất vô cơ đơn giản và được dòng nước lôi cuốn vào các dòng suối chuyên chở đi. Dòng chảy vận chuyển các vật chất rắn, khi đến nơi có độ dốc thấp, vận tốc chậm lại, các sản phẩm đất đá mang theo được lắng đọng lại và bồi lấp dòng chảy ở những đoạn nhất định.

 

 

Về đầu trang

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT
NHÀ XUẤT BẢN TỔNG HỢP TP. HỒ CHÍ MINH
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Thiết kế trang web: Sở KH&CN Lâm Đồng