NỘI DUNG CHÍNH

Lời giới thiệu

PHẦN THỨ NHẤT : LƯỢC SỬ
TRUYỀN THỐNG ĐẤU TRANH

Chương I:  Lược sử hình thành và phát triển thành phố Đà Lạt

Chương II: Truyền thống đấu tranh cách mạng

PHẦN THỨ HAI : TỰ NHIÊN
VÀ DÂN CƯ

Chương I: Tự nhiên

Chương II: Dân cư

PHẦN THỨ BA : KINH TẾ

Chương I : Nông nghiệp – lâm nghiệp

Chương II :  Du lịch và dịch vụ

Chương III: Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp

Chương IV : Cơ sở hạ tầng kỹ thuật

PHẦN THỨ TƯ : VĂN HÓA XÃ HỘI

Chương I:   Văn học nghệ thuật, thiết chế văn hóa và báo chí

Chương II: Quy hoạch và kiến trúc

Chương III: Y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ

Chương IV: Tín ngưỡng và tôn giáo

TỔNG LUẬN

Niên biểu thành phố Đà Lạt

Danh sách Bà mẹ Việt Nam anh hùng thành phố Đà Lạt

Danh sách các đơn vị được tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”

Danh sách các Bí thư chi bộ, Thành uỷ Đà Lạt qua các thời kỳ

Danh sách các Thị trưởng Đà Lạt (1901-1975)

Danh sách các Chủ tịch Uỷ ban quân quản, Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Lạt

Alexandre Yersin

Về phong cách Đà Lạt

Người Cơ Ho ở Đà Lạt

Đường phố Đà Lạt

Danh mục các ngôi đình ở Đà Lạt

PHẦN THỨ HAI

TỰ NHIÊN VÀ DÂN CƯ

 

6. KHÍ HẬU

Với ưu thế về độ cao và quần hệ thực vật rừng, đặc biệt là rừng thông, Đà Lạt thừa hưởng khí hậu miền núi ôn hòa, dịu mát quanh năm.

6.1 Bức xạ mặt trời

6.1.1 Độ cao mặt trời và thời gian chiếu sáng

Ở Đà Lạt trong năm có hai lần mặt trời đi qua thiên đỉnh: lần thứ nhất vào ngày 22 tháng IV, lần thứ hai vào ngày 22 tháng VIII. Thời gian giữa hai lần mặt trời đi qua thiên đỉnh là 4 tháng. Tháng IV và tháng VIII là những tháng có độ cao mặt trời lớn nhất, tháng XII bé nhất.

Độ dài ngày trong các mùa không chênh lệch nhau mấy: trung bình mỗi ngày có khoảng từ 11 đến ít hơn 12 giờ (trong mùa đông) và trên 12 giờ (trong mùa hè).

6.1.2 Mức độ phân bố bức xạ

Lượng bức xạ tổng cộng lý tưởng trung bình năm ở Đà Lạt là 140 kCalo/cm2/năm. Sự phân bố bức xạ tổng cộng lý tưởng giữa các tháng trong năm khác nhau: tháng nhiều nhất là tháng IV (trên 16 kCalo/cm2), tháng ít nhất là tháng VIII (chỉ đạt 9,3 kCalo/cm2). Điều này liên quan đến biến trình năm của độ cao mặt trời. Độ cao mặt trời càng lớn thì lượng bức xạ lý tưởng càng cao.

Vào mùa mưa lượng bức xạ thu nhập giảm dần. Tháng IX mưa nhiều, lượng mây tổng quan trung bình đạt trên 8/10 bầu trời, đây là tháng bức xạ thu nhập đạt giá trị thấp nhất trong năm.

Trong mùa khô bức xạ hữu hiệu lớn hơn làm nhiệt độ mặt đất hạ thấp về ban đêm. Đó cũng là một trong những nguyên nhân của sự hình thành sương muối trong tháng I và II ở Đà Lạt.

Lượng bức xạ mặt đất nhận được trong các tháng đều lớn hơn nhiều so với lượng đã bị mất đi. Kết quả này được biểu thị trong cán cân bức xạ. Giá trị cực đại của thang bức xạ ở Đà Lạt rơi vào tháng IV và cực tiểu vào tháng XII. Cường độ bức xạ trung bình, quanh năm lớn đã đem lại cho Đà Lạt nguồn năng lượng dồi dào. Ngoài độ cao địa hình, mức độ phân bố bức xạ là nhân tố quyết định chế độ nhiệt nên nền nhiệt độ ở Đà Lạt thấp so với những vùng đồng bằng lân cận.

6.2 Hoàn lưu khí quyển

Ở Đà Lạt có hai mùa rõ rệt : mùa khô và mùa mưa.

Mùa khô trùng với mùa gió mùa đông bắc, kéo dài từ tháng XI hàng năm đến tháng IV năm sau.

Mùa mưa trùng với mùa gió mùa tây nam bắt đầu từ tháng V và kết thúc vào tháng X.

Trong mùa khô, Đà Lạt chịu ảnh hưởng của khối không khí biển Đông. Đây là khối không khí chủ yếu của gió mùa đông, mang lại thời tiết nắng ấm, ít mây, không mưa, nhiệt độ về ban đêm hạ thấp, biên độ nhiệt lớn. Tuy nhiên, vào những tháng XI, XII và tháng I, khối không khí này thỉnh thoảng bị thay thế bởi khối không khí cực đới biến tính. Khi những khối không khí này hoạt động mạnh ở miền Bắc thì ở Đà Lạt trời nhiều mây, có mưa nhỏ, gió mạnh, tốc độ gió mạnh nhất có thể lên tới trên 20m/s.

Trong mùa mưa, từ tháng V trở đi, gió mùa đông bắc hầu như không còn ảnh hưởng đến Đà Lạt nữa, thay vào đó là khối không khí xích đạo từ phía Nam tràn lên phía Bắc, khống chế bán đảo Đông Dương. Gió mùa tây nam được thiết lập và phát huy ảnh hưởng ở khu vực này mang lại nguồn ẩm chủ yếu cho những trận mưa lớn và những đợt mưa dài ngày. Trong mùa này thời tiết xấu, trời nhiều mây và có mưa, nhiệt độ trung bình ngày và độ ẩm không khí cao. Tuy nhiên, khối không khí nhiệt đới Thái Bình Dương thỉnh thoảng vẫn khống chế Đà Lạt trong chế độ rìa cao áp, do đó trong mùa mưa ở đây vẫn có những thời kỳ thời tiết trở nên trong sáng, tạnh ráo.

6.3 Chế độ nhiệt

6.3.1 Nhiệt độ không khí trung bình

Đà Lạt có nền nhiệt độ thấp. Nhiệt độ trung bình tháng (TBT) dao động trong khoảng 15,8-19,3oC, trong những tháng nóng nhất nhiệt độ TBT không vượt quá 20oC, trong những tháng lạnh nhất nhiệt độ TBT cũng không thấp hơn 14oC.

Theo số liệu thống kê trung bình nhiều năm (TBNN), từ năm 1964 đến năm 1998, nhiệt độ trung bình năm (TBN) là 17,9oC, năm có nhiệt độ TBN cao nhất là năm 1973 (18,5oC), năm có nhiệt độ TBN thấp nhất là năm 1967 (17,4oC), giá trị nhiệt độ TBN dao động trong khoảng 17,4- 18,5oC.

YẾU TỐ NHIỆT ĐỘ TBNN THÁNG (oC) Ở TRẠM ĐÀ LẠT
(1964 - 1998)

 

Yếu tố

I

II

III

IV

V

VI

VII

VIII

IX

X

XI

XII

Cả năm

T.Tb

15,8

16,7

17,8

18,9

19,3

19,0

18,6

18,5

18,4

18,1

17,3

16,2

17,9

T.x

28,5

29,2

29,8

29,2

27,6

26,7

26,4

26,7

26,4

25,9

25,9

26,0

29,8

Tx.tb

22,3

24,0

25,0

25,2

24,5

23,4

22,8

22,5

22,8

22,5

21,7

21,4

20,6

T.n

4,3

5,3

6,2

10,8

11,3

12,3

13,0

12,8

12,3

8,7

8,0

5,4

4,3

Tn.tb

11,3

11,7

12,6

14,4

16,0

16,3

16,0

16,1

15,8

15,1

14,3

12,8

14,3

T.tb            :     nhiệt độ không khí TBNN tháng
T.x             :     nhiệt độ không khí cao nhất tháng
T.n             :     nhiệt độ không khí thấp nhất tháng
Tx.tb         :     nhiệt độ không khí cao nhất TBNN tháng
Tn.tb         :     nhiệt độ không khí thấp nhất TBNN tháng
 

Ở Đà Lạt tháng I là tháng lạnh nhất trong năm với nhiệt độ TBT là 15,8oC. Từ tháng II trở đi, nhiệt độ TBT tăng dần và đạt giá trị lớn nhất vào tháng V (nhiệt độ TBT là 19,3oC), sau đó lại giảm dần cho đến cuối năm. Theo số liệu TBNN, nhiệt độ TBT thấp nhất là 14,3oC (tháng I năm 1965). Trong tháng lạnh nhất nhiệt độ TBT ở Đà Lạt vẫn lớn hơn 14oC.

Mặc dù nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhưng ở Đà Lạt hầu như không có ngày nào nền nhiệt độ trung bình ngày lớn hơn hoặc bằng 25oC hay thấp hơn 10oC.

6.3.2 Nhiệt độ không khí cao nhất,  thấp nhất

Nhiệt độ cao nhất TBT dao động 21,4 - 25,2oC, giá trị cực đại của nhiệt độ cao nhất TBT là 26,6oC (tháng III năm 1964) và giá trị cực tiểu của nhiệt độ cao nhất TBT là 19,3oC (tháng XII năm 1995).

Nhiệt độ thấp nhất TBT dao động 12,8 - 16,3oC, giá trị cực đại của nhiệt độ cao nhất TBT là 16,9oC (năm 1973 và 1987) và giá trị cực tiểu của nhiệt độ cao nhất TBT là 8,9oC (tháng I năm 1965).

Theo chuỗi số liệu quan trắc được từ năm 1981 đến năm 1998, nhiệt độ cao nhất trong tháng ở Đà Lạt dao động trong khoảng 25,9 - 29,8oC và giá trị nhiệt độ cao nhất tuyệt đối là 29,8oC (tháng III năm 1998). Nhiệt độ thấp nhất trong tháng ở Đà Lạt dao động trong khoảng 4,3-13oC và giá trị nhiệt độ thấp nhất tuyệt đối là 4,3oC (tháng I năm 1996).

6.3.3 Biên độ nhiệt độ

Biên độ nhiệt độ ngày đêm ở Đà Lạt rất lớn, biên độ trung bình năm là 11oC. Trong các tháng giữa mùa khô (I - III) biên độ rất lớn (có thể đạt tới giá trị 13 - 14oC) và giữa mùa mưa biên độ nhiệt độ ngày đêm lại nhỏ (chỉ ở khoảng 6 - 7oC). Nếu so với một số tỉnh khác thuộc Tây Nguyên thì Đà Lạt là nơi có biên độ nhiệt độ ngày đêm rất lớn. Bên cạnh đó biên độ nhiệt độ TBNN ở Đà Lạt giữa các tháng lại nhỏ, chênh lệch giữa tháng ấm nhất và lạnh nhất khoảng 3,5oC. Từ tháng này sang tháng khác nhiệt độ ít thay đổi, trong mùa mưa sự thay đổi này không đáng kể, về mùa khô sự chênh lệch này có tăng lên đôi chút, song cũng chỉ dao động 1 - 1,5oC.

6.3.4 Biến động nhiệt độ

Nhiệt độ luôn luôn thay đổi từ năm này sang năm khác. Ở miền Bắc sự thay đổi này khá lớn, nhiệt độ trung bình một tháng trong từng năm cụ thể đều dao động xung quanh giá trị trung bình 3 - 4oC, trong khi đó ở Đà Lạt giá trị này không vượt quá 1oC. Trong mùa mưa, sự biến động nhiệt độ không đáng kể (trị số biến động chỉ đạt 0,1 - 0,3oC), tuy nhiên trong mùa khô trị số biến động này lại lớn, nhưng cũng chỉ đạt tới 0,9oC.

6.3.5 Sự tích nhiệt

Ở Đà Lạt tích nhiệt hoạt động năm của các cấp 5, 10, 15 nhỏ, chỉ từ 6.200 đến 6.500oC, vụ đông xuân 2.200 - 2.500oC, vụ mùa khoảng 4.000oC. Tích nhiệt hữu hiệu toàn năm t ≥ 5oC là 4.700oC, t ≥ 10oC là 2.800oC, t ≥ 15oC là 1.000oC. Do điều kiện thời tiết mỗi năm không giống nhau, mùa đông có thể đến sớm hay muộn, dài hay ngắn, vì thế tổng tích nhiệt của các năm có sự chênh lệch.

Theo số liệu quan trắc được, năm lạnh nhất là năm 1967 :

t ≥ 5oC   : 6.356oC     

t ≥ 10oC : 6.356oC     

t ≥ 15oC : 5.92oC

Năm nóng nhất là năm 1973 :

t ≥ 5oC   : 6.718oC     

t ≥ 10oC : 6.718oC     

t ≥ 15oC : 6.656oC

6.3.6 So sánh nền nhiệt độ ở Đà Lạt ở thời gian đầu và cuối thế kỷ XX

Nhiệt độ TBN ở hai giai đoạn B (1964 - 1980) và C (1981 - 1988) không có sự chênh lệch lớn. Nhiệt độ trung bình giữa các tháng và nhiệt độ cao nhất, thấp nhất có chênh lệch, nhưng sự chênh lệch ở mức độ cho phép. Như vậy, nền nhiệt độ ở Đà Lạt từ năm 1964 đến năm 1998 rất ổn định.

Nhiệt độ TBN ở giai đoạn A (1918 - 1940) lớn hơn B và C từ 0,4 đến 0,5oC, có tháng sự chênh lệch này lên tới 1oC. Nhiệt độ TBN ở giai đoạn A cao hơn giai đoạn B và C, nhưng có thể nói sự chênh lệch này không lớn lắm.

Yếu tố nhiệt độ cao nhất ở giai đoạn A cao hơn hẳn 2 giai đoạn sau và nhiệt độ thấp nhất ở giai đoạn A lại thấp hơn hẳn 2 giai đoạn B, C. Sự chênh lệch rất lớn và hầu như những giá trị cực đại, cực tiểu đều xảy ra ở thời kỳ A, không hề xảy ra ở hai giai đoạn sau.

Có mấy nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch này, trong đó vị trí đo đạc số liệu, phương pháp quan trắc, máy móc tuy đóng một vai trò quan trọng nhưng nguyên nhân này không lớn lắm.

Một nguyên nhân khác là sự hoạt động của con người làm cho môi trường sống thay đổi và dẫn đến sự biến động một số yếu tố khí hậu.

Từ năm 1918 đến năm 1940, thời tiết ở Đà Lạt tương đối khắc nghiệt. Sự khắc nghiệt này biểu hiện rõ ở biên độ nhiệt độ ngày đêm (trong mùa khô có những thời điểm nhiệt độ cao nhất quan trắc được đạt tới 31,5oC, nhưng ban đêm lại xuống dưới 0oC). Rõ ràng là ban ngày thì nóng và ban đêm rất lạnh. Nhưng từ năm 1964 trở về đây, hầu như không có năm nào nhiệt độ cao nhất lên tới 30oC và nhiệt độ thấp nhất xuống dưới 0oC. Sự chênh lệch nhiệt độ TBN của thời gian đầu và thời gian cuối thế kỷ XX này là không lớn lắm.

NHIỆT ĐỘ Ở ĐÀ LẠT QUA CÁC GIAI ĐOẠN

Giai đoạn

Yếu tố

I

II

III

IV

V

VI

VII

VIII

IX

X

XI

XII

Cả năm

1918- 1940

(A)

T.tb

16,7

16,9

18,2

19,2

29,8

19,6

19,1

19,0

18,8

18,3

17,7

16,2

18,3

T.x

30,0

31,0

31,5

31,2

30,6

30,0

29,2

29,3

29,7

30,0

29,2

29,4

31,5

T.n

-0,1

-0,6

4,2

4,0

10,0

10,9

10,4

10,6

10,0

8,1

4,4

2,6

-0,6

1964-

1980

(B)

T.tb

15,8

17,0

17,9

18,9

19,1

19,0

18,5

18,4

18,3

18,1

17,2

16,5

17,9

T.x

28,7

28,1

28,9

28,9

27,0

26,5

26,3

26,0

26,5

25,5

26,3

26,2

28,9

T.n

4,9

5,0

6,4

8,9

12,9

12,5

12,9

13,0

12,2

10,2

8,0

6,8

4,9

1981-

1988

(C)

T.tb

15,7

16,1

17,9

18,8

19,4

19,1

18,6

18,5

18,4

18,0

17,2

16,0

17,8

T.x

28,5

29,2

29,8

29,2

27,6

26,7

26,4

26,7

26,4

25,9

25,9

26,0

29,8

T.n

4,3

5,3

6,2

10,8

11,3

13,4

13,0

12,8

12,4

11,0

8,0

6,4

4,3

  

6.3.7 So sánh nền nhiệt độ ở Đà Lạt với nền nhiệt độ ở Thành phố Hồ Chí Minh

Đà Lạt và Thành phố Hồ Chí Minh đều nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa song lại có sự khác biệt lớn về nền nhiệt độ TBNN vì ở hai vị trí địa lý khác nhau và có sự chênh lệch lớn về độ cao so với mặt biển.

Nhiệt độ TBNN ở Đà Lạt thấp hơn nhiệt độ TBNN ở Thành phố Hồ Chí Minh 9,1oC. Tháng có sự chênh lệch lớn nhất là tháng III (10oC), tháng có sự chênh lệch nhỏ nhất là tháng IX (8,3oC). Chênh lệch nhiệt độ giữa các tháng ở Đà Lạt và Thành phố Hồ Chí Minh là tương đối lớn, dao động trong khoảng 8,3 - 10oC.

6.4 Chế độ nắng

Đà Lạt là nơi có tổng số giờ nắng trong năm tương đối cao : năm có tổng số giờ nắng cao nhất là năm 1987 (2.507 giờ) và năm có tổng số giờ nắng thấp nhất là năm 1996 (1.883 giờ). Tổng số giờ nắng trong năm ở Đà Lạt dao động trong khoảng từ 2.507 đến 1.883 giờ. Trung bình trong một năm có khoảng 2.258 giờ có nắng, tổng số giờ nắng trong năm tập trung chủ yếu vào các tháng XII, I, II, III trong mùa khô.

Tháng có tổng số giờ nắng TBNN cao nhất là tháng III (263 giờ) và tháng có tổng số giờ nắng TBNN thấp nhất là tháng IX (126 giờ). Tổng số giờ nắng TBNN giữa các tháng dao động trong khoảng 126 - 263 giờ.

6.5 Lượng mây

Lượng mây tổng quan TBNN ở Đà Lạt dao động từ 5 phần bầu trời (PBT) đến 9 PBT nhưng biến đổi theo mùa. Lượng mây tổng quan TBNN là 7 PBT, lượng mây dưới TBNN là 5PBT. Tỷ lệ giữa lượng mây dưới và lượng mây tổng quan TBNN là 74%.

Từ tháng IV, tháng V, lượng mây tăng nhanh lên cho đến tháng VIII và tháng IX thì đạt giá trị cực đại trong năm (9 PBT). Đó cũng là thời kỳ khí đoàn nhiệt đới Ấn Độ Dương hoạt động mạnh nhất. Lượng mây trung  bình  các  tháng  mùa mưa có từ 6 PBT đến 9 PBT.

Thường vào cuối tháng X, đầu tháng XI, khi gió mùa tây nam hoàn toàn mất ảnh hưởng trên cao nguyên Lang Biang thì lượng mây cũng giảm đi rõ rệt. Đặc biệt từ tháng I đến tháng III là thời gian khí đoàn cực đới hoạt động chủ yếu, lượng mây rất ít, chỉ vào khoảng từ 2 PBT đến 3 PBT.

Biến trình của lượng mây dưới tuy cũng giống với lượng mây tổng quan. Lượng mây dưới lớn nhất vào các tháng VI, VII, VIII và nhỏ nhất vào các tháng I, II, III.

6.6 Độ ẩm tương đối của không khí

Độ ẩm tương đối TBT của không khí ở Đà Lạt có giá trị cực đại vào tháng VIII (91%) và giá trị cực tiểu vào tháng III (77%), dao động trong khoảng 77 - 91%.

ĐỘ ẨM KHÔNG KHÍ TBNN (%)

Yếu tố

I

II

III

IV

V

VI

VII

VIII

IX

X

XI

XII

Cả năm

U.tb

82

78

77

84

87

88

90

91

90

89

85

84

85

U.n

17

13

9

20

43

47

53

48

51

39

27

24

9

 
U.tb : độ ẩm không khí TBNN (1964 - 1998)            U.n : độ ẩm không khí thấp nhất (1983 - 1998)
 

Nhìn chung, vào các tháng mùa mưa (từ tháng V đến tháng X), độ ẩm tương đối TBNN của không khí ở Đà Lạt cao (87 - 91%), nhưng vào mùa khô giá trị này chỉ dao động trong khoảng 77-85% .

Năm có độ ẩm TBNN cao nhất là năm 1966 (88%), năm có độ ẩm TBNN thấp nhất là năm 1977 (81%), như vậy biên độ độ ẩm tương đối TBNN ở Đà Lạt là 7%.

Giá trị độ ẩm tương đối TBT lớn nhất của không khí là 94% (tháng VIII năm 1990) và giá trị độ ẩm tương đối TBT nhỏ nhất của không khí là 64% (tháng III năm 1964).

Tuy nhiên, trong mùa mưa có ngày giá trị độ ẩm tương đối của không khí đạt tới 100%, ngược lại cũng có ngày giá trị này chỉ đạt 9% (tháng III năm 1998).

6.7 Chế độ gió

Mặc dù điều kiện địa hình tác động không ít đến hướng gió, song gió ở Đà Lạt vẫn giữ được hai hướng chính và tiêu biểu: Mùa khô (từ đầu tháng XI đến hết tháng IV năm sau) hướng gió thịnh hành là hướng đông bắc;

- Mùa mưa (từ đầu tháng V đến hết tháng X) hướng gió thịnh hành chủ yếu là hướng tây.

Từ tháng X gió đông bắc đã ảnh hưởng đến thời tiết Đà Lạt. Trường gió này hoạt động mạnh vào các tháng XI, XII và tháng I năm sau với tần suất 45 - 65%. Sang tháng II tần suất gió đông bắc giảm chỉ còn đạt khoảng 26% và tháng III, tháng IV gió đông lại chiếm ưu thế hơn so với gió đông bắc song tần suất cũng ít khi vượt quá 20%.

Từ tháng V đến tháng IX là thời kỳ hoạt động của trường gió tây, xen kẽ với gió tây nam và tây bắc với tần suất khoảng 10 - 15%. Gió tây hoạt động mạnh nhất vào tháng VIII với tần suất khoảng trên 60%.

Do ảnh hưởng của độ cao địa hình nên tốc độ gió ở Đà Lạt tương đối lớn, tốc độ gió trung bình năm đạt khoảng 2,2m/s.

Căn cứ vào tốc độ gió trung bình và tần suất lặng gió, có thể chia gió ở Đà Lạt ra làm ba thời kỳ:

- Thời kỳ lặng gió là thời kỳ có tốc độ gió trung bình tháng 1,2 - 1,3m/s, tần suất lặng gió trên 50%, thường xảy ra vào các tháng II, III, IV.

- Thời kỳ gió nhẹ là thời kỳ có tốc độ gió trung bình tháng 1,5 - 2,1m/s, tần suất lặng gió khoảng 30 - 45%, thường xảy ra vào các tháng I, V và IX, X.

- Thời kỳ gió mạnh là thời kỳ có tốc độ gió trung bình tháng trên 2,5m/s, tần suất lặng gió khoảng 15 - 30%, thường xảy ra vào các tháng VI, VII, VIII và XI, XII.

Thời kỳ gió mạnh ở Đà Lạt được chia làm hai giai đoạn:

Giai đoạn thứ nhất do trường gió tây nam hoạt động mạnh kết hợp với các nhiễu động như bão, áp thấp nhiệt đới thường xảy ra vào các tháng VI, VII, VIII. Tốc độ gió mạnh nhất của giai đoạn này đã quan sát được trên 20m/s.

Bước sang tháng XI, XII và tháng I năm sau, khi gió mùa đông bắc tràn về mạnh ở phía Bắc nước ta thì ở Đà Lạt lại xuất hiện giai đoạn gió mạnh thứ hai trong năm. Gió mùa đông bắc thường ít ảnh hưởng đến các vùng phía Nam, nhưng do Đà Lạt ở độ cao trên 1.500m so với mặt biển nên ảnh hưởng của trường gió này thể hiện khá rõ nét và mạnh. Vào các tháng trên tốc độ gió trung bình ở đây lên đến 3 - 3,5m/s. Tốc độ gió mạnh nhất có thể lên tới trên 20m/s. Gió mạnh xảy ra từng đợt liên tục, mỗi đợt kéo dài vài ngày, có khi đến 5 - 6 ngày.

Do ảnh hưởng của các nhiễu động nhiệt đới đổ bộ vào một số tỉnh lân cận, trong các tháng IX, X và thậm chí tháng XI những đợt gió mạnh tuy xảy ra không thường xuyên hằng năm, song với gió mạnh cấp 6 - 7, gió giật cấp 8 - 9 thổi liên tục trong nhiều giờ, kết hợp với mưa to, mang lại những thiệt hại lớn cho đời sống và sản xuất của nhân dân.

6.8 Chế độ mưa

6.8.1 Thời gian bắt đầu và kết thúc mùa mưa

Mùa mưa ở Đà Lạt thường bắt đầu từ cuối tháng IV, đầu tháng V và kết thúc vào cuối tháng X sang đầu tháng XI. Tuy nhiên, hằng năm mùa mưa có thể xê dịch, thời gian bắt đầu và kết thúc khác nhau, sớm hay muộn, nhưng nhìn chung ở Đà Lạt mùa mưa kéo dài khoảng hơn 6 tháng.

6.8.2 Tổng lượng mưa và tính chất mưa

Tổng lượng mưa tháng TBNN ở Đà Lạt là 1.739mm. Lượng mưa trong năm tập trung chủ yếu vào các tháng VII, IX và X là 3 tháng có sự hoạt động mạnh của trường gió mùa tây nam. Năm có tổng lượng mưa cả năm lớn nhất là năm 1973 (2.191mm) và năm có tổng lượng mưa năm nhỏ nhất là năm 1965 (1.076mm). Trong mùa mưa, tháng có tổng lượng mưa lớn nhất là tháng IX năm 1973 (493mm) và tháng có tổng lượng mưa nhỏ nhất là tháng V năm 1988 (41mm).

Tổng lượng mưa trong mùa mưa chiếm khoảng 78,7% của tổng lượng mưa cả năm (nếu lấy trung bình từ tháng V đến tháng X). Trong mùa khô tổng lượng mưa chỉ chiếm khoảng 21,3% của tổng lượng mưa năm.

LƯỢNG MƯA TRUNG BÌNH NHIỀU NĂM (mm)

Yếu tố

I

II

III

IV

V

VI

VII

VIII

IX

X

XI

XII

Cả năm

RRR

11

24

62

170

191

213

229

214

282

239

97

36

1.739

JJ

2

2

5

11

18

20

23

22

23

19

10

5

161

 RRR : tổng lượng mưa TBNN trong tháng (mm)
     JJ : số ngày có mưa TBNN trong tháng (ngày)
 

Khi bắt đầu vào mùa mưa thường có mưa rào và dông vào buổi chiều. Những trận mưa này tuy không kéo dài song cường độ mưa lại nhanh nên cũng mang lại một lượng mưa đáng kể (tháng V, VI). Khi bắt đầu bước sang tháng VII, gió mùa tây nam hoạt động mạnh và dày lên, thường có mưa vừa, mưa to, liên tục kéo dài nhiều ngày. Tháng IX, X là hai tháng thường có mưa liên tục nhiều nhất, thậm chí có mưa rất to do ảnh hưởng kết hợp của gió mùa tây nam và một số nhiễu động nhiệt đới (bão, áp thấp nhiệt đới, dải hội tụ nhiệt đới,...), lượng mưa ngày lớn nhất có thể đo được trên 140 mm/24 giờ. Mưa lớn và kéo dài đã làm cho tổng lượng mưa trong hai tháng này ở Đà Lạt thường đạt giá trị lớn nhất trong mùa mưa.

6.8.3 Số ngày mưa

Trung bình trong một năm có khoảng 161 ngày có mưa. Năm có tổng số ngày có mưa nhiều nhất là năm 1996 (206 ngày), năm có tổng số ngày có mưa ít nhất là năm 1965 (96 ngày).

Tháng có tổng số ngày có mưa nhiều nhất là các tháng VII, VIII, IX và X và tháng có tổng số ngày có mưa ít nhất trong năm thường rơi vào tháng II và III.

6.9 Các hiện tượng thời tiết khác

6.9.1 Dông

Trung bình mỗi tháng ở Đà Lạt có khoảng 5 - 6 ngày có dông. Tháng có số ngày có dông nhiều nhất là hai tháng IV và V (13 - 14 ngày có dông trong tháng). Trong hai tháng XII và I hầu như không có dông hoạt động, đây là hai tháng thịnh hành của gió mùa đông bắc.

Tuy nhiên, tổng số ngày có dông xuất hiện trong một năm nhiều hay ít cũng còn phụ thuộc vào chế độ thời tiết của năm đó. Theo chuỗi số liệu thống kê TBNN, năm có tổng số ngày có dông xuất hiện nhiều nhất là năm 1997 (106 ngày), năm có tổng số ngày có dông xuất hiện ít nhất là năm 1984 (37 ngày).

6.9.2 Mưa đá

Mưa đá là dạng mưa băng đặc biệt. Mưa đá thường xuất hiện vào thời kỳ nóng trong năm. Ở Đà Lạt mưa đá thường xuất hiện vào các tháng IV, V và VI, nhất là hai tháng đầu mùa mưa. Trong thời kỳ này mặt đệm nhận được lượng bức xạ lớn, về trưa và chiều trời nóng, dòng thăng phát triển mạnh, điều kiện nhiệt động lực thuận lợi cho sự hình thành những cơn dông mạnh, mây vũ tích phát triển rất nhanh, đỉnh mây rất cao nên mưa đá dễ dàng phát sinh.

Kích thước những hạt mưa đá lớn nhỏ tuỳ thuộc vào điều kiện hình thành của nó. Thông thường hạt mưa đá to bằng khoảng hạt đậu, cũng có trường hợp lớn hơn nhưng không nhiều.

Mưa đá ít khi xảy ra, nhưng khi có mưa đá xảy ra thì gây thiệt hại không ít cho sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là do tác động cơ giới làm gãy dập cây trồng, nhất là cây con, rau màu.

6.9.3 Sương mù

Sương mù là hiện tượng hơi nước trong khí quyển ngưng kết lại thành những hạt nước rất nhỏ lơ lửng trong không khí.

Ở Đà Lạt phổ biến nhất là loại sương mù bức xạ được hình thành khi mặt đệm (mặt đất) bị lạnh đi nhiều do bức xạ vào lúc trời quang, lặng gió. Hiệu ứng của sự thăng động không khí ẩm ướt trên triền núi đưa ra gió cũng đóng góp vào sự hình thành sương mù. Khi ánh nắng mặt trời hâm nóng mặt đất lên thì sương mù tan biến nhanh chóng, ở một số thung lũng ẩm ướt và lạnh sương mù có thể tồn tại lâu hơn.

Sương mù dày tương đối ít xảy ra hơn. Mùa mưa thường có loại sương mù này hơn mùa nắng, nhất là tháng IX và tháng X, trung bình có khoảng 4 - 5 ngày có sương mù dày. Nguyên nhân chủ yếu là trong hai tháng này có mưa nhiều, độ ẩm không khí cao, gió yếu, đêm dài và năng lượng của mặt trời mà mặt đất hấp thụ được ít, do đó nền nhiệt độ hạ thấp tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành và phát triển sương mù.

Ở Đà Lạt trung bình hằng năm có khoảng từ 80 đến 85 ngày có sương mù xuất hiện. Năm có tổng số ngày có sương mù xuất hiện nhiều nhất là năm 1998 (128 ngày), năm có tổng số ngày sương mù xuất hiện ít nhất là năm 1985 (45 ngày).

Tần suất xuất hiện sương mù nhiều nhất là các tháng II - V và IX - X. Tháng có số ngày có sương mù nhiều nhất là tháng III. Đây là thời kỳ mà mặt đất bị đốt nóng nhiều nhất trong khoảng thời gian 6 - 16 giờ mỗi ngày, sau đó thường có mưa rào và dông vào chiều tối, dễ tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành của sương mù bức xạ.

6.9.4 Sương muối

Sương muối được hình thành trong những điều kiện sau:

- Nền nhiệt độ không khí và đất thấp;

- Tốc độ gió nhỏ hay lặng gió;

- Bầu trời thường ít hay quang mây.

Ở Đà Lạt sương muối thường xảy ra vào các tháng I và II. Vào tháng III hiện tượng sương muối có thể xảy ra nhưng nhẹ. Sương muối gây tác hại đáng kể đối với cây trồng.

6.10  Áp suất không khí

Áp suất không khí ở Đà Lạt thấp hơn vùng đồng bằng, trung bình chỉ 644mm Hg (thủy ngân), tạo nên cảm giác nhẹ nhàng, khoan khoái. Không khí khô chứa nhiều khí oxy và ít hơi nước làm cho hô hấp dễ dàng, hồng huyết cầu tái sinh nhanh, người ta cảm thấy dễ chịu, người lao động trí óc ít bị căng thẳng thần kinh, làm việc ít mệt nhọc, bền bỉ, dẻo dai hơn.

 

 

Về đầu trang

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT
NHÀ XUẤT BẢN TỔNG HỢP TP. HỒ CHÍ MINH
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Thiết kế trang web: Sở KH&CN Lâm Đồng