NỘI DUNG CHÍNH

Lời giới thiệu

PHẦN THỨ NHẤT : LƯỢC SỬ
TRUYỀN THỐNG ĐẤU TRANH

Chương I:  Lược sử hình thành và phát triển thành phố Đà Lạt

Chương II: Truyền thống đấu tranh cách mạng

PHẦN THỨ HAI : TỰ NHIÊN
VÀ DÂN CƯ

Chương I: Tự nhiên

Chương II: Dân cư

PHẦN THỨ BA : KINH TẾ

Chương I : Nông nghiệp – lâm nghiệp

Chương II :  Du lịch và dịch vụ

Chương III: Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp

Chương IV : Cơ sở hạ tầng kỹ thuật

PHẦN THỨ TƯ : VĂN HÓA XÃ HỘI

Chương I:   Văn học nghệ thuật, thiết chế văn hóa và báo chí

Chương II: Quy hoạch và kiến trúc

Chương III: Y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ

Chương IV: Tín ngưỡng và tôn giáo

TỔNG LUẬN

Niên biểu thành phố Đà Lạt

Danh sách Bà mẹ Việt Nam anh hùng thành phố Đà Lạt

Danh sách các đơn vị được tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”

Danh sách các Bí thư chi bộ, Thành uỷ Đà Lạt qua các thời kỳ

Danh sách các Thị trưởng Đà Lạt (1901-1975)

Danh sách các Chủ tịch Uỷ ban quân quản, Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Lạt

Alexandre Yersin

Về phong cách Đà Lạt

Người Cơ Ho ở Đà Lạt

Đường phố Đà Lạt

Danh mục các ngôi đình ở Đà Lạt

PHẦN THỨ HAI

TỰ NHIÊN VÀ DÂN CƯ

 

7.  THỦY VĂN

7.1     Đặc điểm nguồn nước các dòng suối

Trên địa bàn thành phố Đà Lạt có trên 20 dòng suối có chiều dài hơn 4km, toàn bộ đều là những dòng suối đầu nguồn thuộc lưu vực sông Đồng Nai, trong đó có 14 suối bắt nguồn từ độ cao trên 1.500m.

Là các suối đầu nguồn nên số lượng các suối cạn chiếm trên 50% số dòng chảy. Đây là những suối có dòng chảy vào mùa mưa, cạn kiệt vào mùa khô.

Các dòng suối đều chảy trên một khu vực miền núi có độ cao địa hình lớn, mức độ chia cắt địa hình mạnh nên độ dốc bình quân trên một số lưu vực có nơi lên đến 30 - 40%. Dòng chảy bị chi phối chủ yếu do địa hình, thường men vào các thung lũng giữa núi, các hợp thuỷ.

Mật độ lưới dòng chảy khá dày, dao động trong khoảng 0,6 – 0,9 km/km2, khu vực đồi núi cao phía bắc, đông và nam thành phố là những nơi có mạng dòng chảy dày đặc nhất. Do hầu hết các dòng suối chưa đạt đến trắc diện cân bằng nên xâm thực sâu trên các dòng suối chiếm ưu thế, lòng sâu và hẹp, sườn dốc đứng, thường không có bậc thềm, hệ số uốn khúc thấp.

Chịu sự chi phối trực tiếp của môi trường địa lý (khí hậu, địa hình, địa chất, thổ nhưỡng, thảm thực vật) tới sự hình thành dòng chảy, môđun dòng chảy toàn năm trên các dòng suối dao động 35 - 40 l/s/km2.

Mưa ở Tây Nguyên nói chung cũng như ở Đà Lạt nói riêng mang tính rải đều theo thời gian, số ngày mưa khá lớn, phân bố mưa trong ngày cũng không tập trung với cường độ lớn nên đã giảm lượng dòng chảy mặt, tăng dòng chảy ngầm, do đó tính chất lũ cũng không gay gắt như các vùng khác.

Địa hình, địa chất và đất có ảnh hưởng đến chế độ thuỷ văn thông qua tính thấm nước và giữ nước.

Tại các vùng núi cao phía bắc, đông, nam thành phố Đà Lạt và các núi sót, mặc dù địa hình có độ dốc lớn, thành phần thạch học chủ yếu là đá macma axit có độ thấm nước thấp nhưng trên các tầng đá gốc là các vỏ phong hóa khá dày, thảm thực vật phần lớn là rừng thông che phủ nên có tác dụng tích cực trong giữ nước, làm giảm dòng chảy mặt và tăng lượng nước thấm vào đất. Mặt khác, các dòng suối trong vùng này thường có lòng sâu dễ dàng nhận được sự cung cấp từ nguồn nước ngầm, do đó chế độ thuỷ văn của các dòng suối trong vùng khá điều hoà. Cá biệt tại các vùng đất trống, đồi trọc ở phía tây và tây - nam thành phố, do không có lớp phủ thực vật điều tiết nên sự phân hoá lũ kiệt trong dòng chảy khá gay gắt.

Bề mặt vùng trung tâm có dạng thung lũng cổ, khá bằng phẳng, thành phần thạch học là đá phiến sét và granit, trên các tầng đá gốc là các vỏ phong hóa khá dày có độ thấm nước trung bình nhưng lớp phủ thực vật quá mỏng (vườn rau hoặc đất thổ cư) nên mùa lũ trên các dòng suối thường đến và kết thúc gần như trùng với mùa mưa, phân hoá lũ kiệt trên dòng chảy cũng khắc nghiệt hơn. Trên khu vực này tỷ lệ những khe suối cạn có nước một mùa cũng nhiều hơn khu vực trên, suối có lòng chia cắt không sâu vì độ dốc lòng suối bé. Tính chất này được thể hiện rõ đối với những dòng suối xuất phát trong vùng trũng trung tâm thành phố Đà Lạt (suối Phước Thành), các dòng suối khác không được thể hiện rõ vì hầu hết xuất phát tại các vùng đồi núi cao và chảy qua vùng trũng trung tâm thành phố.

Chế độ dòng chảy ở Đà Lạt phụ thuộc vào khí hậu và phân ra hai mùa rõ rệt: mùa lũ và mùa kiệt.

Tháng V Đà Lạt bước vào thời kỳ mùa mưa, dòng suối sau thời kỳ khô đã kiệt nước, vì thế những trận mưa đầu mùa không sinh ra được dòng chảy mặt mà thấm vào đất đai, nhờ tính thấm khá nên mùa lũ trên suối đến chậm hơn mùa mưa 1,5 - 2 tháng.

Thời kỳ từ tháng V đến tháng VII là mùa chuyển tiếp từ kiệt sang lũ trên các dòng suối của Đà Lạt. Trong mùa chuyển tiếp lưu vực được tích thêm ẩm và bước vào mùa lũ trong tháng VII trùng với những tháng mưa lớn và kéo dài của mùa mưa.

Mùa mưa kết thúc vào tháng XI, sự chuyển tiếp từ lũ sang kiệt không đột ngột, nước suối từ từ rút xuống và trong quá trình rút thường có những trận lũ khá lớn do những trận mưa cuối mùa rơi trên lưu vực đã no nước. Trong thời gian chuyển tiếp từ lũ sang kiệt, vai trò của nước ngầm điều tiết lại lượng nước trong các dòng suối rất đáng kể, làm giảm sự phân hoá trong chế độ dòng chảy, mùa lũ thực sự chấm dứt vào cuối tháng XI.

Vào mùa lũ, lượng nước trong các dòng suối chiếm khoảng 70% lượng nước toàn năm, tháng lũ lớn nhất thường xảy ra vào tháng IX, X, lượng nước vào tháng này chiếm khoảng 20% lượng nước toàn năm. Lũ đầu mùa thường do những đợt mưa dông gây ra, lũ lớn trong mùa lũ chính do ảnh hưởng bão và dãi hội tụ nhiệt đới, lũ cuối mùa thường do ảnh hưởng bão hoặc đôi khi là những đợt mưa phông.

Ngay khi mùa mưa kết thúc, nước trong các suối bắt đầu rút, đến tháng IV có lượng dòng chảy bé nhất, chiếm khoảng 2% lượng nước toàn năm. Các suối có lưu vực nhỏ (<5km2) tại vùng tây- nam, đông - nam thành phố bắt nguồn tại những độ cao không có thực vật rừng che phủ, lớp phong hoá mỏng nên thường bị cạn kiệt, không còn dòng chảy.

7.2     Hệ thống sông, suối

7.2.1 Hệ thống suối phía bắc thành phố Đà Lạt

Hệ thống này gồm suối Phước Thành và suối Đa Thiện phân bố ở phía bắc thành phố Đà Lạt và đổ vào hồ Đan Kia. Suối có 2 nhánh : suối Phước Thành và suối Đa Thiện.

Suối Phước Thành dài 4,1km, xuất phát từ khóm (ấp) Đa Thành, độ cao bắt nguồn cao nhất 1.566m. Suối chảy theo hướng nam - bắc giữa các thung lũng trong vùng địa hình đồi núi và nhập vào suối Dô đổ vào hồ Đan Kia. Lưu vực phần lớn là đồi núi trọc, đất trồng rau và thổ cư nên khả năng điều tiết nước kém, môđun dòng chảy kiệt nhất trong năm đo được là 7,4 l/s/km2.

Suối Phước Thành là nguồn nước tưới cho rau hoa của vùng rau phía bắc thành phố (Tùng Lâm, Đa Phú, Phước Thành, Thánh Mẫu). Trong mùa khô, cường độ khai thác nước lớn làm kiệt dòng chảy.

Suối Đa Thiện dài 10,5km, bắt nguồn gần một ngọn núi cao 1.550m gần đường địa giới hành chính giữa thành phố Đà Lạt và huyện Lạc Dương. Suối chảy theo hướng bắc - nam giữa các thung lũng trong vùng địa hình đồi núi, sau đó chuyển dòng theo hướng đông - tây và đổ vào suối Phước Thành. Năm 1973, trên thượng nguồn của suối, một đập tràn được xây dựng để lấy nước tưới cho vùng rau Đa Thiện. Hồ Đa Thiện nằm giữa những đồi thông xanh đã trở thành khu du lịch Thung lũng Tình yêu.

7.2.2 Hệ thống suối Cam Ly

Suối Cam Ly dài 64,1km là hệ thống suối lớn nhất thành phố Đà Lạt, có vai trò quan trọng trong việc tạo ra cảnh quan cho khu vực trung tâm thành phố. Dòng chảy trung bình nhiều năm tại hồ Xuân Hương là 0,7 m3/s, tổng lượng nước đến bình quân hằng năm là 22,1 triệu m3.

Thượng nguồn có 2 nhánh suối lớn:

Nhánh 1 dài 3,7km, bắt nguồn gần hồ Đa Thiện, chảy theo hướng bắc - nam, diện tích lưu vực nhỏ, phần lớn là đất nông nghiệp nên lưu lượng không lớn và điều tiết kém. Trên suối có 2 đập nhỏ được xây dựng để lấy nước tưới rau: đập I và đập II Đa Thiện.

Nhánh 2 dài 5,4km bắt nguồn gần một ngọn núi cao 1.583m thuộc xã Đạ Sar (huyện Lạc Dương), chảy theo hướng đông bắc - tây nam. Năm 1981, một đập được xây dựng hình thành nên hồ Chiến Thắng.

Suối Phan Đình Phùng là một nhánh của suối Cam Ly, có chiều dài 5,7km. Bắt nguồn tại khu vực Thánh Mẫu, độ cao bắt nguồn cao nhất 1.566m, suối chảy theo hướng bắc - nam gần đường Xô Viết Nghệ Tĩnh. Sau khi chảy qua cầu trên đường La Sơn Phu Tử, suối chảy giữa hai đường Phan Đình Phùng và Hai Bà Trưng, gặp suối Cam Ly tại gần cuối đường Nguyễn Thị Định. Suối Phan Đình Phùng là tuyến thoát nước tự nhiên theo trục bắc – nam của một số khu vực các phường: 1, 2, 6.

Trước đây tại khu vực gần trường Trần Hưng Đạo (cũ), người Pháp đã đắp một đập ngăn dòng suối và hình thành nên hồ Đa Thành (hồ Vạn Kiếp), về sau hồ bị bồi lấp và trở thành vườn rau.

Suối Cam Ly bắt nguồn từ khu vực Đa-ra-hoa (huyện Lạc Dương) và nhận nước từ các núi Láp-bê Nam, Láp-bê Bắc. Suối chảy theo hướng bắc - nam, nhận nước từ nhánh 1 và nhánh 2, sau đó đổ vào hồ Xuân Hương.

Năm 1938, người Pháp đã đắp một đập nhỏ trên dòng suối tạo thành hồ Than Thở, nhà máy nước được xây dựng bên cạnh để cung cấp nước sinh hoạt.

Sau khi hoàn thành đập hồ Than Thở, một đập nhỏ phía hạ lưu cũng được xây dựng, hình thành hồ Saint Benoit (hồ Mê Linh), đến nay đã bị bồi lắng hoàn toàn.

Sau khi qua đập của hồ Xuân Hương (cầu Ông Đạo), suối Cam Ly chảy theo hướng đông - tây gần khóm (ấp) Ánh Sáng và các đường Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Định,...

Cách trung tâm thành phố 2km dòng nước chảy trên các phiến đá granit tạo thành thác Cam Ly.

Đến khu vực gần sân bay Cam Ly, suối Cam Ly uốn lượn và chảy về phía tây thành phố. Cách trung tâm thành phố Đà Lạt 10km, trong địa phận xã Tà Nung, suối Cam Ly đổi hướng bắc-nam và chảy trên nền đá bazan với nhiều đứt gãy tạo nên thác Cửa Thần (Liang Pong Yang). Hạ lưu thác có hồ Cam Ly Thượng được hình thành từ năm 1995 do ngăn đập thuỷ lợi.

Trên một nhánh suối Cam Ly, tại thị trấn Nam Ban có thác Voi rất hùng vĩ.

Suối Cam Ly tiếp tục chảy qua huyện Lâm Hà và nhập vào sông Đạ Đờng (Đa Dâng, thượng nguồn sông Đồng Nai) tại xã Tân Văn.

7.2.3 Hệ thống suối Đa Tam

Đây là hệ thống suối lớn phân bố ở khu vực phía nam thành phố. Suối Đa Tam có 3 nhánh suối lớn : Datanla, Prenn, Đa R’Cao.

Suối Datanla có nhiều nhánh, nhánh dài nhất bắt nguồn gần ngọn núi Pin Hatt thường gọi là suối Tía (Đa Trea) dài 6,1km. Lưu vực là địa hình đồi núi cao với thảm thực vật là rừng thông dày. Năm 1984, suối Tía được chặn lại tạo thành hồ Tuyền Lâm để lấy nước tưới cho cánh đồng huyện Đức Trọng. Đây là một hồ lớn với nhiều nhánh nhỏ, sơn thủy hữu tình. 

Hồ Tuyền Lâm

Suối Datanla chảy men theo các thung lũng giữa núi dài 6,7km.

Đến gần thác Datanla, suối đổi hướng tây bắc - đông nam, chảy trên địa hình rất dốc, men theo thung lũng ven đèo Prenn. Suối chảy trên nền đá granit có nhiều đứt gãy địa chất nên có lòng sâu, bờ dốc đứng, có nhiều thác ghềnh, trong đó thác Datanla là cảnh quan du lịch. Hạ lưu thác còn có nhiều thác nhỏ nhưng chưa được khai thác do bờ dốc đứng. Ven suối là rừng hành lang với các loài cây rừng ẩm á nhiệt đới góp phần tăng thêm nét hoang dã và hùng vĩ. Suối Datanla hợp lưu với suối Prenn tại khu vực gần cầu Prenn.

Suối Prenn bắt nguồn từ khu vực gần đường Hùng Vương, có độ dài 11,7km, lưu lượng khá điều hòa, chảy theo hướng bắc - nam. Về phía hạ lưu, dưới chân đèo Prenn có thác Prenn. Đây là một thác đẹp và gần đường giao thông nên được nhiều du khách ghé thăm.

Suối Đa R’Cao bắt nguồn tại khu vực thôn Túy Sơn (xã Xuân Thọ). Lưu vực khá rộng lớn nằm trên địa bàn phường 11, xã Xuân Thọ và Xuân Trường. Suối dài 24,2km, trong đó thuộc địa phận thành phố Đà Lạt 15,6km, các phụ lưu là suối nhỏ. Lưu vực phần lớn là rừng núi, xa đường giao thông nên ít có giá trị trong nông nghiệp và du lịch.

7.2.4 Hệ thống sông Đa Nhim

Thượng lưu hồ Đa Nhim có 2 nhánh sông là Đa Nhim và Krông Klet, phát nguyên từ khu vực núi cao thuộc huyện Lạc Dương. Nhánh sông Đa Nhim là một phần địa giới tự nhiên giữa thành phố Đà Lạt và huyện Đơn Dương.

Các phụ lưu sông Đa Nhim trong lưu vực thuộc thành phố Đà Lạt xuất phát từ khu vực xã Xuân Thọ, Xuân Trường có độ cao 1.450 - 1.550m chảy theo hướng tây - đông. Trên lưu vực sông Đa Nhim mạng lưới suối khá dày do địa hình phân cắt lớn, phần lớn là các suối nhỏ chảy men các thung lũng giữa núi, có nước thường xuyên do lớp phủ rừng khá dày.

Do chảy trên phần rìa của bậc địa hình nên độ chênh cao 400 - 500m, chiều dài các suối 4 - 6 km nên độ dốc lớn, lòng sâu và có nhiều ghềnh thác.

Trong địa phận Đà Lạt, dòng chảy lớn nhất là Đa Dousoung (sông La Bá) dài 19,2km xuất phát từ chân một ngọn núi cao 1.604m ở xã Đạ Sar (huyện Lạc Dương), chảy qua xã Xuân Thọ và đổ vào sông Đa Nhim.

Sông La Bá

 

 

Về đầu trang

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT
NHÀ XUẤT BẢN TỔNG HỢP TP. HỒ CHÍ MINH
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Thiết kế trang web: Sở KH&CN Lâm Đồng