|
||
PHẦN THỨ HAI TỰ NHIÊN VÀ DÂN CƯ 9. ĐỘNG VẬT 9.1 Động vật hoang dã Vùng rừng núi trên địa bàn thành phố Đà Lạt từ xa xưa đã là giang sơn của cọp, voi, gấu, bò rừng, nai, hươu, cà tông, cheo, heo rừng, vượn, khỉ,... và các loài thú rừng nhỏ: thỏ, gà gô, gà rừng, công, vịt trời,... Trong những năm đầu thế kỷ XX, cọp vẫn là nỗi kinh hoàng của những người sống ở Đà Lạt. Duclaux đã đến Đà Lạt vào năm 1908 nhận xét: “Chuyện cọp là chuyện thường ngày, không phải là chuyện vui đùa bịa đặt mà là một thực tế đáng lo ngại. Chó, ngựa, nhiều người giúp việc, nhiều người bưu trạm đã bị cọp vồ; nhiều người Âu cũng cùng chung số phận.” Năm 1960, ở khu vực đường Prenn cũ (Khe Sanh, Mimosa hiện nay) còn bắn được cọp. Năm 1979, trên đường từ Phát Chi vào hồ Tiên (xã Xuân Trường), một cán bộ lâm nghiệp còn gặp cọp. Năm 1940, ở Phát Chi có một đàn voi và trên bản đồ cũ ở khu vực này còn ghi địa danh “Đường voi” (Piste des Éléphants). Cà tông là một loài nai cao 1,15m, dễ thương, thường gặp trên Đường vòng Lâm Viên trong những năm 1950. Đà Lạt có 45 loài chim hấp dẫn các nhà điễu học, trong đó có 4 loài chim đặc hữu của Việt Nam: mi Lang Biang (Crocias langbianis), khướu đầu đen má xám (Garrulax yersini), trèo cây mỏ vàng (Sitta solangiae), sẻ thông họng vàng (Carduelis monguilloti). Chim sẻ và chim yến cằm trắng là hai loài chim quen thuộc với nhân dân nội thành Đà Lạt thường xuất hiện trên bầu trời và làm tổ dưới mái nhà ngói hay trong rừng cây. Năm 1921, khu bảo tồn Le Bosquet rộng 8.000ha ở khu Tam Giác Đà Lạt - Dran - Fimnom được thành lập đã góp phần bảo vệ động, thực vật trong khu vực nằm giữa các quốc lộ 20, 11 và 21. Ngày 26-1-1951, Bảo Đại ký Dụ số 7/QT/TD và ngày 12-2-1951, Nghị định số 67 quy định về việc săn bắn trên lãnh thổ Hoàng triều Cương thổ. Theo các văn bản pháp quy này, rừng Đà Lạt là khu rừng cấm, dành cho muôn thú trú ẩn, không được săn bắn, chỉ được săn bắn ở vùng quanh Đà Lạt tại những khu vực không phải là khu rừng cấm và vùng dự trữ tạm thời cho săn bắn. Tuy nhiên, do nạn săn bắn bừa bãi và sự thu hẹp, xuống cấp của rừng ở Đà Lạt đã kéo theo sự giảm sút về số lượng loài cũng như số lượng cá thể các loài động vật rừng. Hiện nay chỉ còn một số loài động vật hoang dã phân bố chủ yếu tại vùng quanh hồ Tuyền Lâm, thác Datanla, Prenn, núi Voi và ba xã : Tà Nung, Xuân Thọ, Xuân Trường. Thành phần các loài động vật hoang dã phân bố trên địa bàn Đà Lạt hiện có : báo gấm, báo lửa, cầy giông sọc, cầy hương, cầy mò cua, cầy vằn bắc, cầy vôi mốc, chồn bạc má bắc, chồn vàng, dùi mốc lớn, hoẵng (đỏ), gấu ngựa, khỉ đuôi lợn, lỏn tranh, lửng lợn, mang lớn, mèo cá, mèo gấm, mèo rừng, nai xám, nhím, rái cá thường, sóc bay lớn, sóc chân vàng, sóc chuột, sói đỏ, sơn dương, triết bụng vàng,... 9.2 Động vật nuôi Nông dân Đà Lạt nuôi bò, lợn, ngựa, gà, thỏ. Ngày 23-12-1900, kỹ sư A. D’André mang từ Phan Rang lên 10 con cừu, trong đó có một con cừu đực. Số cừu này là giống lai giữa cừu Ấn Độ và cừu Trung Hoa cho loại len dài nhưng thô. Hiện nay, nông dân Đà Lạt không còn nuôi cừu. 9.3 Động vật phù du Động vật phù du là các loài thức ăn có giá trị như sữa mẹ của các loài động vật trên mặt đất, rất cần thiết cho sự sống và tăng trọng của cá. Trong các ao hồ, sông suối ở Đà Lạt có 20 loài Rotatoria (trùng bánh xe), 5 loài Cladocera, 1 loài Daphnia, 1 loài Moina, 1 loài Copepoda, 1 loài Cyclops, 1 loài Asplanchua (Rotifer). Các loài động vật phù du được phân bố rộng và thay đổi số lượng tuỳ theo vùng và mùa vụ. Hồ Xuân Hương có rất nhiều Moina, đôi khi 8.600 con trong 1 lít nước. Trong 1m3 khối nước có khoảng 100.000 con Moina, 25.000 - 60.000 con Rotatoria, 20.000 con Daphnia. 9.4 Động vật sống dưới nước Các loài sinh vật đang sống tự nhiên trong các ao hồ, suối ở Đà Lạt gồm có lươn, ốc, rùa đá và các loài cá : cá bạc đầu, cá bống đá, cá diếc, cá chạch bông, cá tràu, cá bươm bướm, cá thia, cá hồng nhao, cá rô đồng, cá trắng, cá ngựa, cá lòng tong mương,... Các loài cá tự nhiên ở Đà Lạt có từ lâu đời, không có các loài cá khác từ vùng thấp lên vùng cao vì suối bị các ghềnh thác cắt ngang, các loài cá ở vùng đồng bằng theo suối không thể lên cao được. Về sau, người ta phóng sinh, thả vào hồ cá chép, cá trê, cá diếc,... Năm 1950, một đoàn du lịch - thể thao ở Pháp sang đã thả cá Black Bass vào Hồ Lớn (hồ Xuân Hương ngày nay) để du khách bơi thuyền, liệng mồi câu. Giống cá này đã sinh sản rất nhiều cá con. Ty Ngư nghiệp Đà Lạt - Tuyên Đức đã thả vào hồ cá chép, cá trôi, cá trắm, cá mè để thực nghiệm, theo dõi sự tăng trọng và sinh sản. Năm 1966, Ty Ngư nghiệp đã thả vào hồ Xuân Hương trứng cá trì hương của Nhật Bản. Cá nở rất tốt, tăng trọng nhanh. Rất tiếc, cá Black Bass và cá trì hương không còn nữa vì thuốc trừ sâu và xả hồ. Hiện nay, trong các ao, hồ, còn nuôi các loài cá: cá chép, cá rô phi, cá trắm, cá mè, cá trôi, cá lóc, cá trê, cá tràu, cá tai tượng, cá sặt,... Ngoài ra, các người chơi cá cảnh cũng đã nuôi nhiều loài cá cảnh chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh lên.
|
||
|
|
|
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH
PHỐ ĐÀ LẠT |