NỘI DUNG CHÍNH

Lời giới thiệu

PHẦN THỨ NHẤT : LƯỢC SỬ
TRUYỀN THỐNG ĐẤU TRANH

Chương I:  Lược sử hình thành và phát triển thành phố Đà Lạt

Chương II: Truyền thống đấu tranh cách mạng

PHẦN THỨ HAI : TỰ NHIÊN
VÀ DÂN CƯ

Chương I: Tự nhiên

Chương II: Dân cư

PHẦN THỨ BA : KINH TẾ

Chương I : Nông nghiệp – lâm nghiệp

Chương II :  Du lịch và dịch vụ

Chương III: Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp

Chương IV : Cơ sở hạ tầng kỹ thuật

PHẦN THỨ TƯ : VĂN HÓA XÃ HỘI

Chương I:   Văn học nghệ thuật, thiết chế văn hóa và báo chí

Chương II: Quy hoạch và kiến trúc

Chương III: Y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ

Chương IV: Tín ngưỡng và tôn giáo

TỔNG LUẬN

Niên biểu thành phố Đà Lạt

Danh sách Bà mẹ Việt Nam anh hùng thành phố Đà Lạt

Danh sách các đơn vị được tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”

Danh sách các Bí thư chi bộ, Thành uỷ Đà Lạt qua các thời kỳ

Danh sách các Thị trưởng Đà Lạt (1901-1975)

Danh sách các Chủ tịch Uỷ ban quân quản, Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Lạt

Alexandre Yersin

Về phong cách Đà Lạt

Người Cơ Ho ở Đà Lạt

Đường phố Đà Lạt

Danh mục các ngôi đình ở Đà Lạt

CHƯƠNG II

DÂN CƯ

 

2.  THÀNH PHẦN DÂN CƯ VÀ SỰ PHÂN BỐ DÂN CƯ ĐÀ LẠT

Thành phố Đà Lạt được khai sinh vào những năm cuối cùng của thế kỷ thứ XIX. Nguồn gốc dân cư Đà Lạt phong phú, đa dạng. Bởi vậy, thành phần dân cư Đà Lạt có đặc điểm khá riêng biệt, không giống như nhiều thành phố khác trong cả nước. Điểm khác biệt đó là nhóm cư dân người Việt, người Âu, người Hoa và các tộc người thiểu số phía Bắc do sự biến động của lịch sử đã cùng tụ cư với nhóm dân bản địa sinh sống trong một cộng đồng thống nhất.

2.1  Các dân tộc bản địa

Cư dân bản địa thành phố Đà Lạt là dân tộc Cơ Ho* gồm  ba tộc người chính là Lạch, Chil và Srê. 

Buôn dân tộc

2.1.1 Người Lạch

Người Lạch (hay còn gọi là Làc, Lat, M’Lates) là tên gọi của một nhóm cư dân  người Cơ Ho, sống lâu đời trên cao nguyên Lang Biang. Theo tiếng Cơ Ho, “Lạch” ám chỉ vùng rừng thông và đồi trọc từ dãy núi Lang Biang trải dài xuống phía tây nam bao gồm cả thành phố Đà Lạt ngày nay. Người Lạch có quan hệ nguồn gốc gần gũi với người Chil về mặt ngôn ngữ, sự trùng hợp về dòng họ và phong tục tập quán. Địa bàn cư trú chính của người Lạch là thành phố Đà Lạt và xã Lát thuộc huyện Lạc Dương ngày nay. Trên vùng đất rộng lớn nhưng với cư dân ít ỏi nên người Lạch sống và canh tác theo từng buôn nhỏ, mỗi buôn chỉ trên dưới chục ngôi nhà. Tuy sống tương đối ổn định trên một vùng đất của buôn nhưng người Lạch trong suốt chiều dài lịch sử đã có không ít những cuộc dời buôn bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong các loại hình kinh tế của người Lạch, lúa nước được đặt lên hàng đầu. Ruộng người Lạch tập trung ở các thung lũng, ven suối và hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết nên chỉ canh tác mỗi năm được một vụ. Về sau, ruộng của người Lạch được chuyển lên vùng cao hơn và được làm bậc thang. Bổ sung cho nền kinh tế trồng trọt, người Lạch còn chăn nuôi ngựa, trâu, dê, heo, gà, vịt,… và sau này là bò. Địa bàn cư trú chính của họ hiện nay là thị trấn Lạc Dương và xã Lát (huyện Lạc Dương). Trong suốt thời kỳ lịch sử, nhờ tiếp xúc với nền văn hóa phát triển hơn, đặc biệt là văn minh phương Tây trước đây và người Việt sau này, nên người Lạch đã từ bỏ nhiều hủ tục và có sự cởi mở hơn trong việc tiếp thu các nền văn hóa mới

2.1.2 Người Chil

Địa bàn cư trú của người Chil tập trung chủ yếu ở vùng phía bắc, nam và đông bắc núi Lang Biang kéo dài đến phía nam tỉnh Đắc Lắc, từ vùng sông Đa Nhim đến sông Krông Knô. Đầu thế kỷ XX, một bộ phận người Chil từ vùng đất Đam Rông đã dần đến Tà Nung theo lối sống du canh du cư. Khi người Pháp lập đồn điền canh-ki-na, một số người Chil đã vào làm công trong đồn điền. Đến năm 1965, một bộ phận người Chil chuyển xuống cư trú ở vùng Đinh Văn ngày nay, một bộ phận khác tiếp tục sống tại Tà Nung bởi có quan hệ hôn nhân với người Srê.

Tổ chức quản lý xã hội truyền thống của người Chil chủ yếu là òn (bon giống như buôn, plei,… của các tộc người thiểu số Tây Nguyên khác và cũng giống như chòm xóm của người Việt). Mỗi bon của người Chil trước đây thường gồm vài ngôi nhà dài và mỗi một ngôi nhà dài là một đại gia đình huyết tộc. Các bon của người Chil thường nằm gần các sông suối, hồ và trong các thung lũng. Trước đây, việc chuyển bon thường diễn ra theo chu kỳ kinh tế rẫy (10 – 15 năm một lần, nhưng người Chil thường giữ lại tên làng cũ khi đến nơi ở mới). Ngày nay, tình trạng du canh du cư cơ bản không còn nữa. Đồng thời, những ngôi nhà dài có nhiều bếp lửa sống theo đại gia đình huyết tộc cũng đã dần dần bị phá vỡ.

2.1.3 Người Srê

Người Srê tự gọi mình là Cau Srê, có nghĩa là người làm ruộng. Theo nhiều nhà nghiên cứu dân tộc học, người Srê là nhóm người có số dân đông nhất trong các nhóm thuộc người Cơ Ho. Lối sống của người Srê là định cư luân khoảnh với địa bàn cư trú trong một khu vực nhất định. Srê là tộc người biết kỹ thuật canh tác lúa nước khá sớm cùng với khả năng canh tác rẫy với trình độ tiến bộ hơn một số dân tộc bản địa khác nên cuộc sống của họ tương đối ổn định và có chiều hướng phát triển. Ở Đà Lạt đa số người Srê sống trong xã Tà Nung.

Xã Tà Nung nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt 17km về phía tây nam, có độ cao trên 800m so với mặt biển. Đây là vùng đất có địa hình lòng chảo giữa những đồi núi. Diện tích xã Tà Nung là 45,4998km2, trong đó có 802,58ha đất nông nghiệp; 2.386,83ha đất lâm nghiệp; 125,35ha đất chuyên dùng; 34,81ha đất ở. Theo thống kê ngày 1-4-1999, xã Tà Nung có 3.245 nhân khẩu, trong đó nữ chiếm 1.621 người; đồng bào dân tộc thiểu số có 327 hộ với 1.796 người.

Tà Nung thuở sơ khai là vùng đất của người Srê, có tên là òn Tơrnun (Teurnoun) - một công xã có tính huyết thống cao với một dòng họ duy nhất là Dacat (Đạ Chát). Về sau, nhiều dòng họ từ nơi khác đến lập nghiệp đã làm cho cộng đồng cư dân ở đây phong phú dần lên, trong đó đáng kể là từ đầu thế kỷ XX, một nhóm người Chil từ Đam Rông đã chuyển dịch đến Tà Nung theo lối du canh du cư. Khoảng đầu những năm 1950, một nhóm người Chil khác cũng từ vùng Lạc Dương dich chuyển theo hướng tây nam cũng đã đến sinh sống trên vùng đồi ở hướng tây bắc Tà Nung. Năm 1965, tại Tơrnun xảy ra một vụ hoả hoạn làm hầu hết nhà cửa của đồng bào bị thiêu rụi. Do đó một bộ phận người Chil và người Srê dịch chuyển ra vùng Cam Ly để sinh sống.

Sau năm 1975, Tà Nung là khu quy hoạch định canh định cư của người dân tộc thiểu số. Các nhóm dân thiểu số cũ ở Tà Nung được quy hoạch đưa về định canh định cư. Đồng thời, một nhóm người Chil ở Đưng Knớ, Đạ Chais, Đạ Long (huyện Lạc Dương) cũng được chuyển đến Tà Nung theo chính sách định canh định cư. Bên cạnh đó, trong hai năm 1978-1979, theo quy hoạch, một nhóm người Lạch ở vùng Măng Lin (phường 7) cũng được đưa vào Tà Nung. Từ những năm 1980, một bộ phận người Kinh cũng được di chuyển vào Tà Nung theo chính sách kinh tế mới.

Hiện nay, đa số cư dân ở xã Tà Nung sống về nông nghiệp, trồng lúa, bắp, dâu tằm, cà phê, chè,..

2.2   Người Hoa

Vào những năm đầu thế kỷ XX, những thương gia người Hoa bắt đầu đến Đà Lạt. Điều kiện để thương nhân người Hoa đến được Đà Lạt lúc bấy giờ là đường xe lửa Đông Dương đi qua chặng Tháp Chàm (Ninh Thuận). Từ Tháp Chàm, bằng nhiều cách, người Hoa mang hàng hóa lên buôn bán với cư dân ở vùng rừng núi Lang Biang. Sự có mặt của người Hoa tại Đà Lạt lúc đầu chỉ đơn thuần là nhằm mục đích buôn bán, trao đổi hàng hóa. Dần dần về sau, một bộ phận trong số đó đã định cư tại Đà Lạt. Đến năm 1935, số người Hoa định cư tại Đà Lạt là 333 người, sinh sống chủ yếu bằng các nghề buôn bán (52,6%), công nhân (17%), giúp việc (25%) và làm vườn (5,4%). Đến năm 1952, tại Đà Lạt có 752 người Hoa sinh sống. Trong 50 năm, với những thăng trầm của lịch sử Việt Nam cùng với những biến động về kinh tế – xã hội của Đà Lạt, người Hoa đến với cao nguyên Lang Biang đã dần hòa nhập vào cộng đồng người Việt và có quốc tịch Việt Nam, cùng chung xây dựng thành phố Đà Lạt.

Theo thống kê ngày 1-4-1999, người Hoa ở Đà Lạt có 1.812 người. Quê quán của những người Hoa này thuộc các bang của Trung Quốc là Quảng Đông, Hải Nam, Phúc Kiến, Triều Châu, Sơn Đông. Người Hoa ở Đà Lạt sống tập trung tại phường 1, phường 2 và xã Xuân Trường; một số sống rải rác ở các phường khác. Nghề nghiệp chủ yếu của người Hoa ở Đà Lạt là buôn bán, làm dịch vụ và làm các nghề tiểu thủ công nghiệp.

2.3   Người Pháp ở Đà Lạt

Sau bước chân thám hiểm của bác sỹ người Pháp A. Yersin, những người Pháp đầu tiên đặt chân lên cao nguyên Lang Biang chính là các trắc địa viên cùng đoàn tuỳ tùng. Trong đó, đáng kể là các phái đoàn Beylié (1903), Bennequin (1904), Grall (1904), Bizar (1905), Garnier (1906), Cunhac (1907),… Trong năm 1907, Hôtel du Lac (Khách sạn Hồ) là khách sạn đầu tiên được xây cất trên đất Đà Lạt – đây chính là “quán trọ” (khách sạn chỉ được làm bằng gỗ đơn sơ) dành chủ yếu cho người Pháp nghỉ khi đến Đà Lạt. Trong số những người Pháp đầu tiên đến cao nguyên Lang Biang có Missigbrott - một người lính Pháp trong phái đoàn trắc địa đã ở lại Dankia để biến khu vực này thành những khu vườn trồng rau cải và bắt đầu chăn nuôi một ít súc vật để tiếp tế lương thực, thực phẩm cho phái đoàn. Việc làm này đã đặt nền móng cho nông trại Dankia của người Pháp ra đời sau đó. Song song với chương trình mở mang của chính phủ, ngoài những doanh nhân, viên chức, công chức, binh sỹ người Pháp phục vụ trong các công sở và trường học, trên vùng rừng núi Lang Biang lúc đó cũng đã xuất hiện một nhóm người Pháp đến để khai phá đất đai thành lập những nông trại, đồn điền,… trong đó có những cơ sở thường được nhắc đến như Trại chăn nuôi Dankia, Sở trà Cầu Đất, Đồn điền Cam Ly, các nông trại ở Tân Lạc, Suối Tía, Trại Hầm,... Đặc biệt, cũng trong giai đoạn này, sự mở mang của Đà Lạt về nhiều mặt cũng đã làm cho không ít công dân Pháp tìm đến nơi này để xây dựng các nhà hàng, khách sạn với mục đích kinh doanh.

Từ năm 1935, tổng số người Pháp ở Đà Lạt đã là một con số đáng kể: 470 người. Con số đó tăng dần vào các năm 1940 với 750 người, 1944 có 1.130 người, đỉnh điểm là vào năm 1952: 1.217 người. Tuy nhiên, do biến động của chiến tranh, đến năm 1955, số người Pháp ở Đà Lạt chỉ còn 608 người.

2.4  Người Kinh ở Đà Lạt

2.4.1 Những  làng, ấp đầu tiên

Làng Đa Lạc

Làng Đa Lạc nằm ở hữu ngạn suối Cam Ly, có Quảng trường Chợ (Place du Mar ché) và các con đường: Annam, Van Vollenhoven, Foch, Gia Long, Đồng Khánh, Khải Định, Minh Mạng, Cầu Quẹo, Lò Gạch,… (nay là Khu Hoà Bình và các con đường: Nguyễn Văn Trỗi, Phan Bội Châu, 3 tháng 2, Lê Đại Hành, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Văn Cừ, Trương Công Định, Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu,…).

Không rõ làng Đa Lạc được thành lập từ năm nào, chỉ biết đình Đa Lạc được xây dựng từ năm 1920, hiện còn một bức hoành phi ghi 3 chữ “Đa Lạc đình”.

Trong bài Le Langbian đăng trong Tạp chí Đông Dương (Revue indochinoise), số 53-54, xuất bản tại Hà Nội vào năm 1907, bác sỹ J.J.Vassal có cho biết trong khu vực người Kinh ở Đà Lạt có 18 cái giếng và 365 mái nhà tranh; 24/47 học sinh bị đau mắt hột.

Làng Đa Lạc có nhiều dốc, trong đó một con dốc gọi là dốc Nhà Làng (nay là đường Nguyễn Biểu) dẫn đến Nhà Làng - nơi hội họp của nhân dân trong làng.

Đa số cư dân là người quê quán ở miền Trung, sống bằng nghề buôn bán, xây dựng nhà cửa, cưa xẻ gỗ, trồng rau, sản xuất gạch, làm công trong các công sở, nhà hàng, khách sạn của người Pháp.

Lúc đầu, người Kinh sống tập trung tại làng Đa Lạc. Về sau, họ phát triển dần ra ở các khu vực phía bắc và các ấp ở phía nam suối Cam Ly.

Hiện nay, khu vực làng Đa Lạc thuộc về một phần của phường 1, phường 2 và phường 5.

Ấp Tân Lạc và ấp Xuân An

Đây là những ấp nằm ở tả ngạn suối Cam Ly được hình thành sau làng Đa Lạc.

Ấp Tân Lạc được thành lập vào năm 1920. Đình Tân Lạc đầu tiên được dựng tại khu vực chân đồi Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng hiện nay. Sau hai lần di dời, đình được xây dựng trên địa điểm mới gần Khu du lịch Cáp Treo.

Cư dân của ấp Tân Lạc và ấp Xuân An ban đầu sống ở ven suối, về sau họ đào giếng nước và đắp đập, dần dần phát triển lên phía sườn đồi.

Công việc làm của người Kinh trong hai ấp lúc bấy giờ là buôn bán, làm vườn, công tư chức, thợ xây dựng, làm công trong các khách sạn, nhà hàng, khu thương mại Poinsard et Veyret (nay là Le café de la poste), nông trại Grillet và Farraut.

Ấp Đa Lợi

Thuở ban đầu, ở khu vực ấp Đa Lợi có một lán trại của ông Hầm cùng một vài người dân làm nghề khai thác đá nên về sau được mang địa danh ấp Trại Hầm.

Tại đây có ba nông trại của người Pháp: một nông trại ở đầu ấp (đường Hoàng Hoa Thám) nuôi bò sữa, một nông trại trồng hồng ở cuối ấp và một nông trại trồng mận ở chân đèo Prenn. Người Kinh đến ấp Đa Lợi để làm công trong các nông trại này ngày càng tăng.

Năm 1930, do khu dân cư gần đường xe lửa bị giải toả, ông Huỳnh Chuẩn và một số người dân xin đất để tái định cư. Chính quyền Đà Lạt cho phép nhóm dân này được cư trú tại ấp Đa Lợi.

Ấp Đa Lợi nổi tiếng với cây mận (mận Trại Hầm) và các giống hồng ăn trái. Hiện nay, ngoài các hộ sống bằng nghề làm vườn, khu vực này đang thu hút một số cư dân về sống tại các khu chung cư và các biệt thự mới được xây dựng.

Làng Đa Phú

Trong những năm đầu thế kỷ XX, một số người Kinh quê ở miền Bắc , Thừa Thiên và Quảng Nam sống trong làng Đa Phú ở Cây số 13 thuộc vùng Dankia (huyện Lạc Dương ngày nay). Cư dân sống bằng nghề làm vườn, buôn bán với người Lạch và làm công trong nông trại sản xuất rau và chăn nuôi bò sữa của người Pháp.

Năm 1944, hồ Dankia được xây dựng để cung cấp thêm nước cho nhà máy thủy điện Ankroët. Nước hồ dâng cao ngập làng Đa Phú, 25 hộ dân phải dời về Cây số 7, gần đường Ankroët, xây dựng làng Đa Phú với diện tích gần 100ha.

Năm 1947, lập hai ấp Tây Thuận và Trung An.

Năm 1953, sau khi xây dựng xong tu viện Dòng Chúa cứu thế, một số công nhân không về quê nhưng ở lại lập ấp Đông Hòa.

Năm 1954, một số đồng bào miền Bắc di cư vào Đà Lạt, sống trong ấp Tây Thuận, thường gọi là Liên gia 3 Cựu binh sĩ.

Hiện nay, ấp Tây Thuận, Trung An và Đông Hòa thuộc khu phố 7, phường 7, thành phố Đà Lạt. 

Làng Trường Xuân

 Năm 1922, Sở Trà Cầu Đất được thành lập. Đến cuối năm 1927, ông Nguyễn Đình Sung cùng với 10 người khác (Trương Tiến Đức, Nguyễn Lục Trạch, Hoàng Trí, Huỳnh Thân, Tô Thế Lộc, Lưu Trọng Nhơn, Võ Hòa, Kiều Bút, Hồ Thông và Trần Mạnh Trung) đứng ra xin thành lập làng Trường Xuân và làng được công nhận chính thức vào ngày 23 - 4 - 1929.

 Làng Trường Xuân ban đầu chỉ có diện tích 3,5ha, sau đó mở rộng lên 30ha thuộc khu vực đất Quảng Thắng để thành lập khu Đất Làng. Cũng trong năm 1927, 5 người khác (Nguyễn Khoa Đài, Trần Vinh, Lương Tùng, Đỗ Hoặc và Nguyễn Khoa Hy) đứng ra xin chính quyền thành lập làng Trạm Hành. Làng Xuân Sơn được các ông  Nguyễn Danh, Nguyễn Xin, Bùi Văn Pháp, Phùng Liên,… xây dựng và được công nhận vào năm 1946.

2.4.2  Người Kinh gốc miền Bắc và các tỉnh bắc Trung Bộ

Người Kinh gốc miền Bắc và các tỉnh bắc Trung Bộ là một bộ phận quan trọng trong cộng đồng dân cư Đà Lạt. Sự phát hiện ra cao nguyên Lâm Viên cùng với ý đồ xây dựng ở nơi này một thành phố du lịch và nghỉ dưỡng của người Pháp đã hình thành nên một làn sóng di cư từ nơi khác tìm đến đây với nhiều mục đích khác nhau, trong đó có nhóm cư dân thuộc các tỉnh bắc Trung Bộ và miền Bắc Việt Nam.

Người Nghệ An, Hà Tĩnh vào Đà Lạt từ những năm 1928 để làm công nhân, viên chức, tạp vụ,... Sau đó, từ đầu những năm 1930 trở đi, dưới sự hướng dẫn của ông Nguyễn Thái Hiến, đã tiến hành thành lập các vườn rau tại ấp Tân Lạc, Xuân An, dọc suối Phan Đình Phùng, Trại Mát (1934), Đất Làng (1937),...

Từ năm 1938, nhiều cụm dân cư mới được hình thành : ấp Hà Đông (1938), ấp Nghệ Tĩnh (1940), ấp Đa Thiện (1953),... Sau Hiệp định Genève (20-7-1954), với chính sách di dân của chính quyền Ngô Đình Diệm, một bộ phận dân cư gồm người Việt và một số tộc người thiểu số phía Bắc đã có thêm một cơ hội để vào Lâm Đồng nói chung và Đà Lạt nói riêng. Sau ngày đất nước thống nhất, dân số Đà Lạt lại một lần nữa biến động, trong đó có tác nhân thuộc nhóm cư dân các tỉnh phía Bắc và bắc Trung Bộ. Đáng kể là những cán bộ miền Bắc được tăng cường đã đem theo cả gia đình vào lập cư tại Đà Lạt, sau đó là bà con, dòng họ. Tương tự như vậy, lực lượng cán bộ thuộc quân đội, công an, các trường đại học, trung học chuyên nghiệp và cả người đi xây dựng kinh tế mới là người Bắc và người các tỉnh bắc Trung Bộ cũng góp phần không nhỏ vào việc làm gia tăng dân số Đà Lạt. Nhìn chung, mặc dầu, nhóm cư dân này  vào định cư tại Đà Lạt với nhiều mục đích khác nhau, có nhiều dạng khác nhau nhưng về cơ bản, họ đã sống hòa nhập vào cộng đồng các dân tộc bản địa và người Việt đến từ các nơi trên đất nước Việt Nam. Có thể xem các ấp Hà Đông, Nghệ Tĩnh, Đa Thiện là “hiện thân” của làng xã miền Bắc và các tỉnh Bắc Trung Bộ trên cao nguyên Lang Biang từ thuở khai sinh đến nay.

     Ấp Hà Đông

Nhận thấy Đà Lạt là nơi đất rộng người thưa và khí hậu quanh năm mát mẻ, rất thuận tiện cho việc trồng rau hoa nên và năm 1936, ông quản đạo Trần Văn Lý đã bàn bạc với các ông Hoàng Trọng Phu, Lê Văn Định và một vài viên chức có thế lực can thiệp với chính phủ nhằm thực hiện một cuộc di dân từ miền Bắc vào đây. Được sự đồng ý của chính phủ, nhóm cư dân đầu tiên của ấp Hà Đông gồm 33 người thuộc các làng Ngọc Hà, Quảng Bá, Nghi Tàm, Xuân Tảo, Tây Tựu và Vạn Phúc của tỉnh Hà Đông đã đến Đà Lạt. Những người này khi đến Đà Lạt đã tụ cư quanh một con suối nhỏ và khai khẩn đất hoang để sử dụng vào mục đích trồng rau. Bắt đầu từ cuối những năm 1930, việc trồng rau ở Đà Lạt khá phát đạt. Sự phát đạt của nghề trồng rau đã làm cho tình hình nhân công bị thiếu một cách nghiêm trọng. Bởi vậy, nhiều chủ vườn ở ấp Hà Đông từ 1939 đến 1942 đã phải trở ra miền Bắc chiêu mộ nhân công từ các tỉnh Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh… vào Đà Lạt làm công. Ấp Hà Đông được chính thức thành lập vào năm 1938. Từ 1954, ấp Hà Đông không còn thuần tuý dân miền Bắc mà còn có cả người miền Trung đến lập nghiệp, chủ yếu là làm công cho các chủ vườn. Tuy nhiên, tại ấp Hà Đông, người gốc miền Bắc vẫn chiếm đa số.

Ấp Nghệ Tĩnh

Do yêu cầu lấy đất để xây dựng trường Adran, một số vườn ở ấp Tân Lạc bị giải toả. Nhiều hộ  không còn đất để sản xuất và di dời nhà mới nảy ý tưởng xin đất, đồng thời xin luôn đất cho một số bà con Nghệ Tĩnh vào Đà Lạt đã khá đông muốn làm vườn nhưng chưa có đất.

Ông Nguyễn Thái Hiến, ông Nghiêm Trang cùng một số bà con trong Hội Hoan Châu Ái Hữu làm đơn xin đất lập ấp. Được sự ủng hộ và tận tình giúp đỡ của ông Phạm Khắc Hoè – quản đạo Đà Lạt, ấp Nghệ Tĩnh được chính thức thành lập vào năm 1940.

Ấp Nghệ Tĩnh lúc bấy giờ có khoảng 36ha đất cấp cho 70 hộ, người dân của ấp này sống bằng nghề làm công cho các công sở và khai hoang làm vườn. Nông dân ở ấp Nghệ Tĩnh trồng các loại rau ôn đới và một diện tích nhất định được trồng cây a-ti-sô. Kể từ năm 1954, ấp Nghệ Tĩnh đã tiếp nhận thêm một bộ phận dân cư mới là người gốc Nam - Ngãi - Bình - Phú.

Ấp Đa Thiện

So với hai ấp Hà Đông và Nghệ Tĩnh thì ấp Đa Thiện được thành lập muộn hơn – năm 1953 – nhưng diện tích lại tương đối rộng rãi (500ha). Ấp Đa Thiện ngay từ khi thành lập đã có đủ người dân miền Bắc lẫn người miền Trung. Một bộ phận cư dân miền Bắc thuộc ấp Đa Thiện ngay từ đầu là 55 người dân của ấp Hà Đông, Nghệ Tĩnh  đến khai phá đất đai. Bên cạnh đó còn có những cựu nhân viên trong Uỷ ban Hành chính Khu phố IX. Về sau, Đa Thiện còn có một bộ phận khác của cư dân miền Bắc quê quán ở Đức Ninh thuộc tỉnh Thái Bình do công vụ hoặc di dân đã tụ lại để cùng chung sống với nhóm cư dân miền Bắc đã đến từ trước đó.

Các ấp khác

Tháng 11-1954, khoảng 40 hộ Công giáo người Bắc ở Hà Đông, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình,… quen biết với linh mục Bửu Dưỡng, đã di cư vào Đà Lạt và quy tụ lại lập trại định cư Du Sinh. Đến năm 1960, Du Sinh chính thức trở thành tên của một ấp ở Đà Lạt. Vào khoảng cuối tháng 3 đầu tháng 4 năm 1955, dưới sự hướng dẫn của linh mục Mạnh Trọng Bích, khoảng 400 giáo dân làng Nghị Yên, Cầu Khống thuộc huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) đã di dân vào Đà Lạt và lập nên trại định cư Thánh Mẫu,  sau đó khai phá đất đai lập nên ấp Thánh Mẫu. Cùng thời điểm này, khoảng 3.000 giáo dân gốc Hải Phòng, Nam Định, Hà Nội, Thái Bình và Bắc Ninh được linh mục Đỗ Ngọc Bích đưa vào Đà Lạt lập nên trại định cư Đa Minh. Đến năm 1957, trại định cư giải tán, khoảng 2.000 người di chuyển xuống Đồng Nai, chỉ còn 1.000 người ở lại trong khóm Nam Thiên. Năm 1957, linh mục Mai Đức Thạc đã đưa khoảng 600 giáo dân vùng Phát Diệm vào Đà Lạt lập nghiệp tại Phát Chi.  

Ngoài ra, cũng có những nhóm người miền Bắc đến Đà Lạt rồi nhập cư vào những ấp đã được thành lập từ trước như ấp Tùng Lâm.

Năm 1949, một số gia đình người Kinh, từ Huế qua Lào rồi trở về Việt Nam, lập ấp ở vùng đất thuộc Cây số 7 trên đường Đà Lạt – Lạc Dương. Năm 1954, người Bắc nhập cư vào ấp, đa số là người làng Thạch Bích (Hà Đông - Hà Nội), được các linh mục đưa đến hai trại: Tùng Lâm và Kim Thạch, sinh sống nhờ vào việc đi làm thuê cho những người Huế đã vào trước đó. Dần dần họ khai phá đất và chuyển sang nghề làm vườn, trồng chủ yếu hành, sú, khoai tây,…

2.4.3  Người Kinh gốc Thừa Thiên – Huế

Trước đây, nhóm cư dân gốc Thừa Thiên – Huế đến Đà Lạt thường theo những hành trình nhỏ lẻ từ những năm 1920. Điều này rất khác so với nhóm cư dân miền Bắc đến Đà Lạt trong cùng thời kỳ. Những cư dân Thừa Thiên – Huế đến Đà Lạt đại đa số là những thanh niên và lao công ở các đồn điền. Họ đến đây chủ yếu bằng đôi chân của mình với thời gian khoảng trên dưới một tháng ròng rã và chịu nhiều gian khổ trên đường đi lẫn khi đặt chân định cư ở vùng đất mới. Người Thừa Thiên – Huế rời quê hương đến Đà Lạt lập nghiệp chủ yếu là những người muốn xa lánh sự tàn phá của chiến tranh, muốn thoát khỏi chính sách tô thuế nặng nề của chế độ đương thời, tìm một vùng đất mới mà ở đó có điều kiện sống thuận lợi hơn so với điều kiện ở quê hương. Bên cạnh đó, một bộ phận người Thừa Thiên – Huế đã đến Đà Lạt làm công cho các chủ người Pháp, khi mãn hạn cũng không muốn trở về quê hương mà ở lại tìm đất khai hoang sinh sống.

Cộng đồng dân cư Thừa Thiên - Huế sống tập trung ở các ấp Ánh Sáng, Đa Thuận, Đa Thành, Thái Phiên, khu Hòa Bình và sống đều khắp ở các phường xã trong thành phố Đà Lạt.

Đối với người gốc Thừa Thiên – Huế ở Đà Lạt, yếu tố đồng hương có tính quan trọng trong việc tụ cư để hình thành một đơn vị hành chính, trong đó ấp Ánh Sáng là một ví dụ.

Ấp Ánh Sáng

Ấp Ánh Sáng là điểm tụ cư đầu tiên của cư dân Thừa Thiên – Huế trên đất Đà Lạt. Ấp Ánh Sáng nằm ở gần trung tâm thành phố Đà Lạt, trước đây chỉ là những mảnh vườn nhỏ trên các mô đất cao, về sau được khai phá và lập nên những vườn rau mới. Năm 1946, dân Đà Lạt tản cư nên vùng ấp Ánh Sáng chỉ còn lại vài ba gia đình. Từ năm 1947 trở đi, dân Huế lại tụ tập về đây và đến năm 1952 ấp Ánh Sáng đã có 36 gia đình cư ngụ. Ấp Ánh Sáng được thành lập vào năm 1952 dưới sự giúp đỡ của Thị trưởng Đà Lạt Cao Minh Hiệu. Đến những năm 1960, do tình hình chính trị rối ren ở các đô thị miền Nam và nhất là do chiến sự năm Mậu Thân với trận tuyến Trị - Thiên vô cùng ác liệt nên hàng loạt gia đình đã phải giã từ cố đô Huế để tìm đến Đà Lạt sinh cơ lập nghiệp, ấp Ánh Sáng là một trong những nơi để họ đến. Ngày nay, ấp Ánh Sáng có khá đông dân cư là người gốc Thừa Thiên - Huế vẫn còn lưu giữ những nét Huế cổ xưa rất đáng trân trọng.

2.4.4  Người Kinh gốc Nam – Ngãi – Bình – Phú

Người gốc Nam – Ngãi – Bình – Phú (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên) là một bộ phận dân cư quan trọng trong cộng đồng dân cư Đà Lạt.

Người Nam – Ngãi – Bình – Phú có mặt ở Đà Lạt từ rất sớm. Đó là những phu cầu đường tham gia xây dựng các quốc lộ 1, 20, 27 và đường xe lửa Tháp Chàm – Đà Lạt.

Khi Sở trà Cầu Đất được thành lập cũng là lúc hệ thống đường sá nơi đây được mở mang. Người Pháp lúc bấy giờ rất cần đến nhân công vừa làm việc trong Sở trà vừa làm việc trên các tuyến giao thông. Nguồn nhân công đó là người gốc Nam – Ngãi – Bình – Phú. Họ đã thành lập nên làng Trường Xuân (xã Xuân Trường ngày nay) vào năm 1929, một trong những làng người Việt đầu tiên của Đà Lạt. Ngoài làng Trường Xuân, người Nam – Ngãi – Bình Phú còn sống trong các khu dân cư khác như Tân Lạc, Xuân An, Trại Hầm, Trại Mát, Nam Hồ, Thái Phiên, Xuân Thọ,…

Xã Xuân Trường

Xã Xuân Trường nằm ở phía đông nam Đà Lạt và cách thành phố Đà Lạt khoảng 22km. Vùng đất này có độ cao 1.600m so với mặt biển, có tổng diện tích tự nhiên là 32km2. Đất đai ở đây thích hợp cho việc trồng rau, hoa và các loại cây ăn quả. Xuân Trường là cửa ngõ của Đà Lạt ở hướng đông, nằm trên quốc lộ 11 trước đây và hiện nay là quốc lộ 20 trải dài.

Tháng 7-1955, ấp Phát Chi ở khu vực này cũng được thành lập với trên 600 đồng bào Thiên Chúa giáo từ miền Bắc di cư vào. Trước năm 1975, bằng Nghị định số 592 – BVN/HC/P7/NĐ, chính quyền Sài Gòn đã lập nên xã Xuân Trường bao gồm 5 làng: Trường Xuân, Trạm Hành, Xuân Sơn, Trường Sơn và Phát Chi với trên 3.000 dân. Xã Xuân Trường trực thuộc tổng Lạc Xuân, quận Đơn Dương. Từ năm 1979, xã Xuân Trường trực thuộc thành phố Đà Lạt đến nay.

Nhìn chung, từ khi thành lập các làng và sáp nhập thành xã, dân số của Xuân Trường đã gia tăng một cách đáng kể về cơ học lẫn tự nhiên. Năm 1933, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế nên nhiều người thất nghiệp từ nhiều nơi đã tìm đến Xuân Trường để làm công nhân đồn điền hoặc định cư trồng rau và hoa. Sau 1945, một số cán bộ, đảng viên cộng sản và đồng bào các tỉnh miền Trung bị địch khủng bố đã tìm cách vào Xuân Trường, Đà Lạt để sinh sống và tiếp tục hoạt động nên dân số ở đây đã gia tăng lên khoảng 4.000 người. Theo điều tra dân số ngày 2-4-1967 của chính quyền Sài Gòn, dân số xã Xuân Trường đã lên đến 5.556 người. Từ 1975 đến nay, dân số Xuân Trường tăng lên khá nhanh: Theo tổng điều tra dân số ngày 1-4-1999, đã có 9.392 người, trong đó có 520 người là đồng bào dân tộc thiểu số.

Xuân Trường là vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Theo thống kê, Xuân Trường có 19 liệt sỹ trong kháng chiến chống Pháp, 127 liệt sỹ trong kháng chiến chống Mỹ, 9 liệt sỹ trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, 6 người được công nhận là Bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Xã Xuân Trường đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Xã Xuân Thọ

Xã Xuân Thọ nằm ở phía đông Đà Lạt, cách trung tâm thành phố 10km trên trục quốc lộ 20. Xuân Thọ có tổng diện tích tự nhiên là 43,32km2, trong đó phần lớn là đất lâm nghiệp thuộc rừng đặc dụng Đà Lạt.

Xuân Thọ là xã nằm giữa Xuân Trường và khu vực trung tâm Đà Lạt nhưng mãi đến năm 1940 mới có một số người Kinh từ miền Trung vào đây sinh sống và lập nghiệp. Theo thống kê, trước 1945, dân số xã Xuân Thọ chỉ có 200 người. Vào những năm từ 1963 – 1967, cuộc chiến ở miền Trung càng trở nên ác liệt nên nhiều hộ dân Nam – Ngãi – Bình – Phú đã  vào Xuân Thọ để sinh sống và hoạt động cách mạng. Đến Mậu Thân 1968, một số hộ dân từ Huế cũng đã rời quê hương vào đây. Sau 1975, dân số xã Xuân Thọ tăng nhanh bởi các cuộc di dân trong kế hoạch, di dân tự do và kể cả việc giãn dân ra vùng ven.

Trong kháng chiến chống Pháp, Xuân Thọ thuộc huyện Chiến Thắng, tỉnh Lâm Viên. Từ 1954 – 1975, Xuân Thọ là một xã của quận Lạc Dương, tỉnh Tuyên Đức. Từ 1975 – 1979, xã Xuân Thọ thuộc huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. Từ 1979 đến nay, Xuân Thọ là một xã của thành phố Đà Lạt.

Xuân Thọ là xã được hình thành khá muộn (Sắc lệnh 261/NV ngày 19-5-1958 của chính quyền Sài Gòn). Dân số Xuân Thọ từ chưa đến 200 người trước 1945 đã tăng nhanh vào các năm 1963 – 1965, 1968. Hiện toàn xã có 1.115 hộ với 5.250 khẩu, trong đó nam chiếm 2.613 người.

Phường 11 (Nam Hồ - Tự Phước)

Phường 11 còn gọi là khu Nam Hồ – Tự Phước, nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt 5km về phía đông nam. Diện tích tự nhiên: 16,56km2, trong đó có 601ha đất nông nghiệp.

Vùng Trại Mát – Đà Lạt khoảng năm 1928 đã có người Kinh đến sinh sống, chủ yếu là trồng rau, hoa và làm công trong các trang trại của người Pháp. Cũng trong năm này, một người Kinh gốc Thừa Thiên – Huế tên là Ngô Thiện đã đến định cư tại Đà Lạt. Đến 1938, ông Thiện chuyển đến Trại Mát, mua lại đất của ông Xã Tiến và định cư tại đây. Ông Thiện là một trong năm người đã lập ra chùa Linh Phước vào năm 1940 và đình Đa Phước vào năm 1942 tại khu vực Trại Mát. Tiếp theo, khoảng năm 1943 – 1944, khu vực Tây Hồ trong vùng cũng đã có khoảng 5 – 10 hộ người Kinh đến sinh sống. Đến trước 1945, khu vực phường 11 hiện nay chỉ có khoảng 100 dân sinh sống rải rác dọc theo quốc lộ 11.

Từ năm 1950 - 1952, ấp Sào Nam trong khu vực này được thành lập. Đồng thời, đình cũng được phép xây dựng; một trong những người đầu tiên sáng lập đình Sào Nam là ông Nguyễn Sỹ Vinh.

Ấp Nam Hồ (2007)

Đến năm 1953, 40 hộ đồng bào di cư từ Lào về đã tạm định cư tại Sào Nam và sau đó (1955) chuyển qua vùng Thái Phiên. Sau 1954, do địch khủng bố ở các tỉnh miền Trung, nhiều hộ đã chuyển từ miền Trung vào Đà Lạt nói chung và khu vực Nam Hồ – Tự Phước nói riêng để làm ăn sinh sống. Dân số phường 11 lúc ấy (gồm Sào Nam, Tây Hồ, Đa Phước, Tự Tạo) đã tăng lên khoảng 1.000 người. Đến trước 1975, dân số phường 11 là 3.000 người; hiện nay trên 6.000 người.

Đa phần cư dân ở phường 11 là người gốc Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên. Nhóm cư dân này chuyển từ miền Trung vào đây bởi nhiều lý do nhưng chủ yếu là do tính ác liệt của cuộc chiến tranh. Trong kháng chiến, phường 11 là vùng tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch bởi địa bàn này nằm sát với Trung tâm Cảnh sát dã chiến và Trung tâm Cảnh sát cơ bản của chính quyền Sài Gòn. Trong vùng, nhân dân đã đào rất nhiều hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ cách mạng. Trong kháng chiến, phường 11 có 47 thanh niên thoát ly theo cách mạng. Theo thống kê của địa phương, phường 11 có 17 liệt sỹ, 67 cán bộ bị tù đày, 130 gia đình có công với cách mạng.

Phường 12 (Thái Phiên)

Phường 12 (Thái Phiên) nằm ở phía đông bắc Đà Lạt, cách trung tâm thành phố 7km, có diện tích 13,35km2, trong đó đất nông nghiệp chiếm 500ha.

Trước 1945, Thái Phiên là một khu rừng rậm dành cho việc săn bắn và du lịch dã ngoại của người Pháp và vua Bảo Đại. Trong kháng chiến chống Pháp, vùng rừng này là địa bàn hoạt động của các chiến sỹ cách mạng. Tháng 3-1955, Ngô Đình Diệm ban Dụ số 21 bãi bỏ Hoàng triều Cương thổ và mở rộng quyền sử dụng đất đai nên Thái Phiên được hình thành trong thời gian này. Năm 1953, 40 hộ gia đình người Kinh ở Lào về nước, ban đầu định cư tại Sào Nam (phường 11), về sau sang định cư tại ấp Thái Phiên. Các ông Lê Phương Miễng, Lê Xuân Sính, Trần Quang Liêm. Những người này đã cùng với các ông Ngô Thành, Nguyễn Xuân Lâm, Nguyễn Bình và thầy giáo Hạp làm đơn xin chính quyền bấy giờ thành lập nên ấp Thái Phiên. Thị trưởng Đà Lạt lúc bấy giờ là Cao Minh Hiệu đã đồng ý ký quyết định cho thành lập. Lúc đầu, 40 hộ dân nói trên sống tập trung dưới chân núi Hòn Bồ, sinh sống bằng nghề trồng rau hoa. Đến năm 1956, khu vực ấp Ánh Sáng bị giải tỏa để dự định lập chợ, 20 hộ dân của ấp này cùng một số hộ từ Cầu Đất dịch chuyển đến Thái Phiên để lập nghiệp. Từ 1956 – 1957, trước làn sóng khủng bố của chính quyền Ngô Đình Diệm ở miền Trung, một số hộ dân từ vùng kháng chiến Quảng Nam, Quảng Ngãi và Huế phải di cư lên Đà Lạt và tìm đến vùng đất Thái Phiên để sinh sống. Đến năm 1960, dân Thái Phiên đã có 400 người. Từ 1963-1966, cuộc chiến ở miền Trung càng trở nên ác liệt. Do vậy, làn sóng di cư từ miền Trung vào Đà Lạt ngày càng nhiều, đặc biệt sau sự kiện Tết Mậu Thân 1968 và kéo dài cho đến 1975. Sau 1975, một số hộ ở miền Trung đã di cư tự do tìm đến những người bà con ở Thái Phiên và định cư tại đây.

Thái Phiên (2007)

 Tên gọi hành chính của Thái Phiên qua các thời kỳ: Từ 1955 – 1958: Thái Phiên thuộc khu phố IV Đa Lợi. Ngày 19-5-1958, chính quyền Sài Gòn ban hành sắc lệnh 261 – NV thành lập tỉnh Tuyên Đức, xã Thái Phiên thuộc tổng Phước Thọ, quận Lạc Dương cho đến ngày giải phóng. Từ tháng 5-1975 – 8-1976 đổi tên thành phường 8. Từ tháng 8-1976 – 1977, khóm Thái Phiên thuộc khu phố III, thành phố Đà Lạt. Từ 1977 – 1988, khóm Thái Phiên thuộc phường 6. Từ 1998 đến nay đổi tên thành phường 12.

Phường 12 Đà Lạt cũng như nhiều vùng khác là nơi tập trung của cư dân từ nhiều vùng đất nước, đặc biệt là cư dân các tỉnh miền Trung. Theo thống kê ngày 1-4-1999, dân số phường 12 có 5.693 khẩu (1.563 hộ), trong đó nam chiếm 2.860  người. Trong số dân của phường 12, người gốc Quảng chiếm 40%, Thừa Thiên – Huế chiếm 35%, số còn lại thuộc các địa phương khác. Sau 1975, vì nhu cầu làm vườn và do đất hẹp người đông nên một số hộ đã tự tách ra khỏi vùng trung tâm để định cư ở những vùng ven.


 

 


*  Nhiều tư liệu ghi là Cơho, Kơho, K’Ho,… Quy định về tổng điều tra dân số năm 1999 sử dụng chính thức từ Cơ Ho.

 

Về đầu trang

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT
NHÀ XUẤT BẢN TỔNG HỢP TP. HỒ CHÍ MINH
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Thiết kế trang web: Sở KH&CN Lâm Đồng