|
||
CHƯƠNG II DÂN CƯ 3. CÁC LOẠI HÌNH CƯ TRÚQuá trình hình thành và phát triển thành phố Đà Lạt cũng là quá trình hình thành các loại hình cư trú của các nhóm cư dân ở đây. Với người thiểu số bản địa, đó là những điểm quần cư nhỏ lẻ từ mươi đến dăm mươi nóc nhà mà ở đó, con người phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên. Cùng với các điểm quần cư của cư dân bản địa, hành trình tìm đất mới của người Kinh là người có nguồn gốc từ các miền đã giúp cho Đà Lạt có thêm một hệ thống quần cư quanh khu vực trung tâm hồ Xuân Hương và phụ cận với những phong cách, đặc điểm, tính chất mang đậm dấu ấn Việt của từng vùng. Tuy nhiên, tựu trung thì cư dân Đà Lạt có hai loại hình cư trú chính là loại hình cư trú nội thành và loại hình cư trú ngoại thành. Việc phân chia các loại hình cư trú này cũng chỉ là tương đối, loại hình cư trú ngoại thành cũng có thể nhìn thấy ngay trong nội thành và ngược lại. 3.1 Loại hình cư trú nội thànhHiện nay, Đà Lạt là tỉnh lị của tỉnh Lâm Đồng. Với chức năng là trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, văn hóa - giáo dục, nghiên cứu khoa học, Đà Lạt đã có những bước phát triển đáng kể. Sự phát triển đó đã có tác động không nhỏ đến quá trình đô thị hóa, đồng thời tạo lập cho mình một loại hình cư trú tương ứng, phù hợp với những hoạt động chính là: thương nghiệp - dịch vụ - du lịch; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; cơ quan hành chính - kinh tế - văn hóa. Lúc mới phát hiện, Đà Lạt chưa có được loại hình cư trú nội thành bởi những năm đầu thế kỷ XX, vùng đất này vẫn còn rất hoang vắng nhưng đó chính là cơ sở ban đầu để Đà Lạt định hình loại hình cư trú nội thành về sau. Sự hình thành và phát triển loại hình cư trú nội thành Đà Lạt phụ thuộc rất lớn vào quy hoạch của người Pháp và dòng di cư của người Kinh cùng một bộ phận người nước ngoài khác về sau này. Sau hơn 45 năm xây dựng, từ 1899 - 1945, Đà Lạt đã thực sự trở thành một thành phố với đầy đủ các thiết chế xã hội. Có thể nói, đây cũng là giai đoạn hình thành và hoàn chỉnh một cách cơ bản loại hình cư trú nội thành của Đà Lạt. Đến nay, loại hình cư trú này càng rõ nét hơn bởi sự phát triển đi lên của thành phố. 3.2 Loại hình cư trú ngoại thànhNgoài hơn 88% cư dân Đà Lạt sống trong nội thành, Đà Lạt còn có 11,6% dân số sống ở ngoại thành. Người ngoại thành Đà Lạt sống chủ yếu bằng nông nghiệp, lâm nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, trong đó nông nghiệp chiếm một phần quan trọng. Loại hình cư trú ngoại thành Đà Lạt là loại hình cư trú kết hợp giữa nông - lâm nghiệp với tiểu thủ công nghiệp, hoạt động sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng khá cao. Khu vực ngoại thành của Đà Lạt rõ nét nhất là các xã Xuân Trường, Xuân Thọ và Tà Nung. Ở những địa phương này, ngoài Tà Nung, tại hai xã Xuân Trường và Xuân Thọ bộ phận người Việt chiếm đa số. Đây là dòng người Kinh di cư từ các vùng khác đến theo nhiều nguồn như: đi làm công nhân, bị bắt lính, di dân theo kế hoạch và có cả những người trốn chạy chính quyền cũ. Trong số họ, hầu hết là những nông dân nghèo khó. Lúc đầu, những người nông dân này đến vùng đất mới có thể là làm công nhân trong các đồn điền, hoặc đi lính, làm thuê cho các công sở,… Về sau họ đứng ra xin lập làng, khai khẩn đất hoang làm nghề nông nhằm mục đích ổn định cuộc sống gia đình. Bởi vậy, ở loại hình ngoại thành, hình thức cư trú theo thôn xóm là chủ yếu. Tại các xã Xuân Trường, Xuân Thọ ngày nay, người dân vẫn chủ yếu sống bằng nông nghiệp và lâm nghiệp. Trong nông nghiệp, người dân sống bằng nghề trồng rau, canh tác cây công nghiệp dài ngày như trà, cà phê và một số loại cây ăn quả khác như hồng, bơ,… Đặc biệt, khác với lúc còn ở quê, đến vùng đất mới trên cao nguyên, nhóm cư dân này còn có thêm một nghề mới trong canh tác nông nghiệp là nghề trồng hoa. Trong khi đó, cây lúa là loại cây trồng chính trước đây của họ đã không còn nữa. Sự thay đổi trong canh tác nông nghiệp này được quy định bởi nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố về khí hậu, thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên,… Tuy cư trú theo loại hình ngoại thành nhưng ngay trong loại hình này vẫn có yếu tố nội thành và ngược lại. 3.3 Các điểm cư dân mớiVùng ngoại thành Đà Lạt còn có các nhóm cư dân là người dân tộc thiểu số ở Măng Lin (phường 7) và xã Tà Nung quần cư ổn định và có hoạt động kinh tế nông – lâm nghiệp khá tiêu biểu. Sau 1975, vùng đất Tà Nung được quy hoạch thành đơn vị hành chính thuộc thành phố Đà Lạt. Đây là xã định canh định cư của người dân tộc thiểu số bản địa. Người Chil ở đây bao gồm nhiều dòng họ khác nhau ở bon Đưng Knớ, Đạ Long, Đạ Chais, Nthol Hạ,… Mặt khác, người Lạch ở vùng Măng Lin cũng đã được đưa đến vùng Tà Nung 2 vào tháng 8-1978 theo chính sách định canh định cư. Năm 1982, nhóm người Lạch này được chuyển ra vùng Tà Nung 1, cư trú trong một cộng đồng mới gồm các tộc người Srê, Chil, Lạch với cuộc sống chuyên canh cây lúa nước, trồng hoa màu và cây công nghiệp (chủ yếu là cà phê). Trước đây, cũng như hầu hết các dân tộc bản địa khác của Lâm Đồng, nhóm người thiểu số Đà Lạt có đơn vị cư trú là bon. Mỗi bon thường có từ vài ba dòng họ trở lên (cũng có bon chỉ duy nhất một dòng họ). Đời sống kinh tế của họ thời xa xưa chủ yếu dựa vào thiên nhiên với hai hình thức chính là săn bắt và hái lượm. Về sau, nhóm cư dân này tiến dần đến canh tác lúa rẫy (Chil) và lúa nước (Srê, Lạch). Tuy nhiên, yếu tố kinh tế chiếm đoạt vẫn còn khá rõ nét. Về sau, do tiếp xúc khá sớm với các nền văn minh khác nên xã hội của các tộc người thiểu số Đà Lạt cũng sớm có những biến đổi. Đến nay, nhóm người thiểu số này đã lấy nghề trồng trọt làm chính trong sinh hoạt kinh tế của mình, trong đó chủ yếu là trồng cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả ôn đới. Bên cạnh đó, chăn nuôi hiện nay cũng đã bắt đầu phát triển trong cộng đồng dân tộc thiểu số ở Đà Lạt. Cũng sau năm 1975, thành phố Đà Lạt còn tiếp nhận nhiều luồng nhập cư từ các nơi khác đến theo chính sách di dân khai phá các vùng đất mới để phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội vùng Tây Nguyên. Đồng thời, nhân dân địa phương cũng được chuyển đến các vùng đất khác để xây dựng đời sống mới theo chính sách giãn dân xây dựng kinh tế mới. Hiện nay, các vùng kinh tế mới của Đà Lạt tại Tân Hội và Tà In đã được bàn giao cho huyện Đức Trọng. Trong những năm gần đây, theo chủ trương của chính quyền thành phố Đà Lạt về việc ổn định cuộc sống cho cán bộ, công nhân viên; đồng thời thực hiện chính sách phát triển ngoại vi thành phố bằng những việc làm cụ thể như xây chung cư cho thuê, quy hoạch đất đai để cấp và bán với giá ưu tiên nên Đà Lạt đã hình thành một số khu dân cư mới như chung cư Đặng Thái Thân, Dinh I, C5, khu Trường Đại học Đà Lạt, khu Phật Bà (phường 8), khu trường Bùi Thị Xuân, khu Đài Viễn thông cũ, khu nhà ở của cán bộ ngân hàng, thủy lợi,… 3.3.1 Khu C5 Khu C5 là một trong những điểm dân cư mới nằm ở đường Nguyễn Trung Trực trên địa bàn khu phố 6, phường 4, Đà Lạt. Gọi C5 là cách gọi theo ký hiệu trên bản đồ ảnh. Khu C5 còn có cách gọi kèm “C5 Đào Duy Từ”, hoặc “C5 Trại Gia Binh”. Cách gọi C5 Đào Duy Từ là gọi kèm với tên đường Đào Duy Từ cũ, còn gọi “C5 Trại Gia Binh” là do trước 1975, khu vực này vốn là nơi dành riêng cho gia đình quân nhân của quân đội Sài Gòn. Trước năm 1975, khu vực này có 20 gia đình của quân đội thuộc chế độ cũ cư trú. Sau năm 1975, dân cư các khu vực khác đổ về làm dân số tăng nhanh. Đến khoảng năm 1996 – 1997, khu C5 được quy hoạch thành khu dân cư. Năm 1999, 4 dãy nhà tập thể ở đây được hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng, mỗi dãy có 18 hộ gia đình, tổng cộng có 72 hộ. Đến năm 2001, nơi này có thêm 3 dãy tập thể nữa được xây dựng với quy mô mỗi dãy 24 hộ, tổng cộng là 72 hộ. Cùng với 2 dãy nhà tập thể được xây dựng theo quy hoạch, trong thời gian này còn có khoảng 20 hộ dân không thuộc diện quy hoạch đến đây sang nhượng đất đai để làm nhà. Hiện nay, khu C5 có tổng số 168 hộ, 672 khẩu, trong đó dân tộc Cơ Ho có 4 hộ (12 khẩu). Khu C5 có đến 90% là hộ cán bộ, công nhân viên nhà nước, 10% còn lại là dân nông nghiệp và buôn bán nhỏ.
Cư xá C5 3.3.2 Khu phố Lâm ViênKhu phố Lâm Viên ở đường Hồ Xuân Hương thuộc phường 9, thành phố Đà Lạt. Khu phố này còn có các tên gọi khác là Cư xá Lâm Viên - khu gia đình sỹ quan quân đội Sài Gòn trước đây hay khu tập thể gia đình Lâm Viên Học viện Lục quân Đà Lạt - nơi ở của gia đình cán bộ, công nhân viên Học viện Lục quân Đà Lạt sau năm 1975. Cư xá Lâm Viên được ra đời theo yêu cầu xây dựng Trường Võ bị Đà Lạt, được xây cất từ những năm 1965 – 1970. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, nơi đây chưa thực sự là một khu dân cư mà chỉ là những dãy nhà dành riêng cho gia đình sỹ quan quân đội Sài Gòn. Năm 1976, Học viện Lục quân Đà Lạt tiếp quản khu vực này, tiến hành sửa chữa và phân cho cán bộ Học viện ở. Đến năm 1990, khu vực này còn tiếp nhận thêm 11 hộ của Đoàn Địa chất 601. Trong giai đoạn 1985 – 1993, khu này vẫn là khu tập thể của gia đình cán bộ Học viện Lục quân do Học viện Lục quân quản lý, có Ban cán sự khu phố riêng và đặt dưới sự chỉ đạo, điều hành của Học viện Lục quân. Tháng 5-1994, Uỷ ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng ra quyết định thành lập khu phố Lâm Viên thuộc phường 9, gồm 2 khu tập thể: Khu tập thể Học viện Lục quân và khu tập thể Đoàn Địa chất 601. Dân số của khu phố Lâm Viên qua các giai đoạn: từ 1976 – 1994 có 88 hộ gia đình; từ 1994 – 2000 tăng lên 104 hộ; từ 2000 có 114 hộ với tổng số 501 khẩu. Địa giới hành chính: Phía đông giáp Thái Phiên (phường 12), tây giáp khu phố Mê Linh (phường 9), nam giáp đồi Tùng Nguyên và khu du lịch hồ Than Thở, bắc giáp khu vực dân cư phường 12. Khu phố Lâm Viên có số hộ chủ yếu sống bằng lương nhà nước, trong đó đa số cán bộ thuộc diện hưu trí. Cả khu phố có 11 hộ chuyên trồng rau hoa và 9 hộ sống bằng nghề buôn bán nhỏ. Có thể nói, các điểm dân cư mới đã góp phần làm thay đổi diện mạo cư trú của cư dân Đà Lạt và có ảnh hưởng nhất định đến sự biến động dân số của thành phố.
|
||
|
|
|
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH
PHỐ ĐÀ LẠT |