NỘI DUNG CHÍNH

Lời giới thiệu

PHẦN THỨ NHẤT : LƯỢC SỬ
TRUYỀN THỐNG ĐẤU TRANH

Chương I:  Lược sử hình thành và phát triển thành phố Đà Lạt

Chương II: Truyền thống đấu tranh cách mạng

PHẦN THỨ HAI : TỰ NHIÊN
VÀ DÂN CƯ

Chương I: Tự nhiên

Chương II: Dân cư

PHẦN THỨ BA : KINH TẾ

Chương I : Nông nghiệp – lâm nghiệp

Chương II :  Du lịch và dịch vụ

Chương III: Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp

Chương IV : Cơ sở hạ tầng kỹ thuật

PHẦN THỨ TƯ : VĂN HÓA XÃ HỘI

Chương I:   Văn học nghệ thuật, thiết chế văn hóa và báo chí

Chương II: Quy hoạch và kiến trúc

Chương III: Y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ

Chương IV: Tín ngưỡng và tôn giáo

TỔNG LUẬN

Niên biểu thành phố Đà Lạt

Danh sách Bà mẹ Việt Nam anh hùng thành phố Đà Lạt

Danh sách các đơn vị được tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”

Danh sách các Bí thư chi bộ, Thành uỷ Đà Lạt qua các thời kỳ

Danh sách các Thị trưởng Đà Lạt (1901-1975)

Danh sách các Chủ tịch Uỷ ban quân quản, Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Lạt

Alexandre Yersin

Về phong cách Đà Lạt

Người Cơ Ho ở Đà Lạt

Đường phố Đà Lạt

Danh mục các ngôi đình ở Đà Lạt

PHẦN THỨ NHẤT

LƯỢC SỬ VÀ TRUYỀN THỐNG ĐẤU TRANH

 

2.    PHONG TRÀO CÁCH MẠNG ĐÀ LẠT TRONG 9 NĂM KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP (1945-1954)

Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vừa mới ra đời đã phải đương đầu với nhiều khó khăn, phức tạp. Chính sách cai trị, bóc lột của thực dân Pháp, phát xít Nhật đã để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, văn hoá, xã hội. Bọn đế quốc và bè lũ tay sai cấu kết với nhau, âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng.

Tại Đà Lạt, Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời và Mặt trận Việt Minh đã đề ra một số chủ trương và nhiệm vụ trước mắt:

1.         Giải tán bộ máy chính quyền cũ, thành lập chính quyền cách mạng từ tỉnh xuống cơ sở.

2.         Củng cố Mặt trận Việt Minh và tổ chức các đoàn thể quần chúng như Công nhân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc.

3.         Thi hành sắc lệnh bãi bỏ thuế thân, thực hiện ngày làm việc 8 giờ.

4.         Thực hiện sắc lệnh thanh toán nạn mù chữ, tổ chức cơ quan bình dân học vụ, mở các lớp học ban đêm.

5.         Tịch thu và sung công quỹ tài sản của chính quyền thực dân Pháp. Thành lập các ban tự quản trong công nhân để quản lý các nhà máy, đồn điền, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất.

6.         Giải tán các đội bảo an, các cơ quan cảnh sát, mật thám của Nhật, Pháp, tổ chức các đơn vị vệ quốc đoàn và dân quân tự vệ. Thu nhận một số binh lính Nhật, lính bảo an tình nguyện tham gia cách mạng.

7.         Quyết định bắt giam và giải ra Trung Bộ xét xử Trần Văn Lý, Ưng An và một số tên ác ôn.

8.         Tổ chức phong trào quyên góp giúp đồng bào miền Bắc bị đói. Hưởng ứng “quỹ độc lập”, “tuần lễ vàng”, “tuần lễ đồng”.

Những chủ trương và nhiệm vụ trên đã được các tầng lớp nhân dân đồng tình và thực hiện có hiệu quả.

Nhân dân Đà Lạt được hưởng những ngày độc lập tự do chưa được bao lâu lại phải bước vào cuộc chiến mới.

Dựa vào thế lực quân Anh, thực dân Pháp buộc quân Nhật phải chiếm lại những nơi bị mất và bàn giao lại cho Pháp. Trước những âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Pháp và phát xít Nhật, Uỷ ban nhân dân tỉnh Lâm Viên chủ trương dùng lực lượng quần chúng đòi quân Nhật trả lại những nơi mà chúng còn chiếm giữ. Sáng ngày 3-10-1945, nhân dân Đà Lạt tập trung tại khu vực chợ họp mít tinh hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh ủng hộ Nam Bộ kháng chiến, sau đó tổ chức các đoàn đến bao vây viện Pasteur, khách sạn Palace, nhà máy đèn, kho bạc, đồn lính thuỷ. Trong hai ngày cuộc chiến đấu diễn ra không cân sức, nhân dân Đà Lạt tuy chỉ có vũ khí thô sơ, nhưng với tinh thần chiến đấu dũng cảm đã tiêu diệt 20 tên Nhật, bắn bị thương nhiều tên khác.

Lực lượng cách mạng có 40 đồng bào và chiến sĩ anh dũng hy sinh và 80 người khác bị thương.

Cuối tháng 10 năm 1945, thực dân Pháp tiếp tục đánh chiếm các tỉnh Nam Bộ và chuẩn bị tiến công các tỉnh Nam Trung Bộ. Trước tình hình đó, Uỷ ban nhân dân tỉnh Lâm Viên quyết định đưa các cơ quan, đoàn thể và phần lớn nhân dân Đà Lạt tản cư về Cầu Đất; xây dựng phòng tuyến Trại Mát, từ cây số 6 đến cây số 8 trên đường 11. Tỉnh chỉ để lại một bộ phận thường trực và bộ phận thanh niên, tự vệ làm nhiệm vụ tuần tra canh gác, sẵn sàng chiến đấu.

Tại phòng tuyến Trại Mát, lực lượng cách mạng có một đại đội vũ trang, lực lượng tự vệ, thanh niên, công nhân và các đơn vị vệ quốc đoàn của tỉnh. Phòng tuyến được bố trí thành nhiều tuyến, có hầm hào, công sự chiến đấu và chướng ngại vật nhằm ngăn chặn quân địch từ Đà Lạt xuống, bảo vệ các cơ quan, đoàn thể và nhân dân tản cư ở Cầu Đất.

Nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, ngày 6-1-1946, cả nước tổ chức Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tại Đà Lạt, tuy hoàn cảnh gặp nhiều khó khăn nhưng cuộc bầu cử vẫn tiến hành khẩn trương và bảo đảm đúng nguyên tắc. Trong vùng địch kiểm soát, ta tổ chức các hòm phiếu bí mật đưa đến từng nhà để cử tri bỏ phiếu. Ở khu vực Cầu Đất và những vùng ta làm chủ, cuộc bầu cử được tổ chức chu đáo, có đông cử tri bỏ phiếu. Lần đầu tiên nhân dân được quyền lựa chọn đại biểu xứng đáng vào cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Kết quả, ông Ngô Huy Diễn trúng cử đại biểu Quốc hội của tỉnh Lâm Viên.

Sau khi chiếm xong các tỉnh Nam Bộ, thực dân Pháp tập trung lực lượng đánh chiếm các tỉnh Nam Trung Bộ. Ngày 27-1-1946, thực dân Pháp đưa một lực lượng lớn từ Sài Gòn lên Đà Lạt. Ngày 28 tháng 1, phối hợp với  quân Nhật tại chỗ, chúng tấn công vào phòng tuyến Trại Mát. Tại đây, các đơn vị bộ đội và lực lượng tự vệ đã chiến đấu dũng cảm, gây cho địch nhiều thiệt hại. Do lực lượng quá chênh lệch nên chiều hôm đó lực lượng ta phải rút xuống Cầu Đất và cùng các cơ quan, đồng bào tản cư xuống Ninh Thuận. Từ đây, nhân dân Đà Lạt lại bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp  xâm lược.

Từ khi chiếm Đà Lạt, thực dân Pháp tổ chức lại bộ máy cai trị, kêu gọi nhân dân, công nhân hồi cư, nhất là công nhân nhà máy điện. Mặt khác, chúng khủng bố những người tình nghi hoạt động cách mạng hoặc có hành động phá hoại.

Để tiếp tục đẩy mạnh phong trào cách mạng ở Đà Lạt, Uỷ ban kháng chiến tỉnh Lâm Viên chủ trương đưa một số nhân dân, công nhân và cán bộ trở về Đà Lạt xây dựng cơ sở cách mạng trong vùng địch kiểm soát; tổ chức đường dây liên lạc theo đường hợp pháp để đưa tài liệu, truyền đơn và cán bộ lên hoạt động tại Đà Lạt.

Các đội công tác và cán bộ được tăng cường lên hoạt động ở Đà Lạt, Cầu Đất và dọc đường 11 đều bám sát nhân dân để tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng và Mặt trận Việt Minh, chống mọi luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của địch, xây dựng cơ sở cách mạng trong quần chúng.

Vận dụng hình thức hoạt động hợp pháp và bất hợp pháp, ta đã củng cố và phát triển các tổ chức quần chúng và hội “Phổ hiếu” ở một số địa bàn. Tổ chức công đoàn được thành lập ở nhà  máy đèn với trên 20 hội viên do ông Đinh Văn Hội phụ trách. Nhiệm vụ của công đoàn là tham gia và ủng hộ kháng chiến; phối hợp cắt điện ở những địa bàn ta tổ chức treo cờ, rải truyền đơn; lấy tin tức qua Đài Tiếng nói Việt Nam để tuyên truyền, giác ngộ công nhân. Hoạt động của công đoàn nhà máy đã có ảnh hưởng lớn trong công nhân và kết nạp được nhiều đoàn viên mới.

Tại Sở Địa dư Đà Lạt (nay là Xí nghiệp Bản đồ Đà Lạt), mặc dù địch kiểm soát, theo dõi chặt chẽ nhưng một số cơ sở vẫn tìm cách tuyên truyền và giác ngộ cách mạng cho công nhân, cung cấp nhiều bản đồ, tài liệu và tin tức quan trọng có ý nghĩa chiến lược để ta có kế hoạch đối phó, làm thất bại nhiều âm mưu và hoạt động quân sự của địch. Đêm 13-3-1947, hai cơ sở đã lấy súng và đồ dùng trong kho đưa ra chiến khu.

Từ năm 1946 đến năm 1949, cơ sở cách mạng được xây dựng ở hầu khắp các địa bàn, nhiều cán bộ hoạt động hợp pháp đã tìm cách vào làm ở nhà máy đèn, sở Địa dư, khách sạn Palace để tuyên truyền giác ngộ và xây dựng cơ sở trong công nhân. Ở khu vực vùng ven, ta xây dựng các mật khu, chiến khu để đưa cán bộ lên hoạt động và chỉ đạo phong trào cách mạng địa phương.

Nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ở các tỉnh Cực Nam, tháng 4 năm 1949, Liên Khu uỷ V thành lập Ban Cán sự Đảng tỉnh Lâm Viên do ông Lê Tự Nhiên làm Bí thư và tháng 1 năm 1950, Thị uỷ Đà Lạt được thành lập do ông Phan Như Thạch làm Bí thư. Đây là sự kiện quan trọng, lần đầu tiên tỉnh Lâm Viên và Đà Lạt có tổ chức Đảng cao nhất trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương.

Từ cuối năm 1950, phong trào cách mạng Đà Lạt có sự chuyển biến đáng kể, toàn thị xã xây dựng được trên hàng ngàn cơ sở cách mạng, hàng trăm công nhân, thanh niên, học sinh thoát ly ra chiến khu tham gia kháng chiến. Tại chợ Đà Lạt, chị em thành lập tổ chức phụ nữ “Minh Khai” với nhiệm vụ tuyên truyền, vận động ủng hộ kháng chiến, tiếp tế cho chiến khu. Cuộc vận động quyên góp “áo mùa đông chiến sĩ” được đông đảo chị em tham gia. Chỉ trong một thời gian ngắn, chị em đã quyên góp được hàng trăm áo len, quần áo và bí mật chuyển ra chiến khu.

Đầu năm 1951, Thị uỷ Đà Lạt tuyển chọn một số công nhân, thanh niên, học sinh thoát ly ra chiến khu dự lớp huấn luyện quân sự, sau đó thành lập đội cảm tử Phan Như Thạch, 13 tổ cảm tử và các đội vũ trang tuyên truyền làm nhiệm vụ xây dựng cơ sở cách mạng và đẩy mạnh diệt tề trừ gian. Trong 6 tháng đầu năm 1951, nhiều tên mật thám ác ôn đã bị trừng trị.

Đầu tháng 5 năm 1951, đội cảm tử Phan Như Thạch được giao nhiệm vụ đột nhập vào thị xã diệt ác trừ gian, hỗ trợ phong trào đấu tranh chính trị lập thành tích kỷ niệm ngày sinh nhật Bác Hồ. Với vinh dự đó, toàn đội rất phấn khởi tự hào, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Sau khi đưa ra một số mục tiêu quan trọng, đội quyết định đột nhập vào nhà tên Haasz, chánh  thanh tra mật thám Đà Lạt để bắt sống, thu tài liệu và dùng tên này làm con tin buộc địch phải trao trả những chiến sĩ và đồng bào đang bị giam giữ.

Sau mấy ngày điều tra nắm tình hình và vạch kế hoạch cụ thể, ngày 11-5-1951, đội cảm tử cử một tổ gồm 7 người đột nhập vào nhà tên  Haasz tại biệt thự Hoa Hồng (nay là nhà số 17 đường Huỳnh Thúc Kháng). Đến 17 giờ, tên Haasz về nhà, phát hiện có lực lượng ta đang mai phục nên bỏ chạy, biết không thể bắt sống được, anh Nguyễn Lại bắn 3 phát súng tiểu liên, tên Haasz ngã gục giữa sân. Các chiến sỹ đội cảm tử nhanh chóng thu tài liệu, chiến lợi phẩm và rút về chiến khu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiêu diệt tên mật thám cáo già của thực dân Pháp.

Để trả thù cách mạng và trấn an tinh thần binh lính, lúc 19 giờ cùng ngày, địch đưa 20 tù nhân ở nhà lao Đà Lạt đi bắn tại một khu rừng gần sân bay Cam Ly, 19 người đã hy sinh, riêng chị Nguyễn Thị Lan bị thương nặng còn sống sót.

Tượng đài Cam Ly tưởng niệm 19 tù nhân bị thảm sát năm 1951

Trước hành động trả thù dã man của địch, ngày 12-5-1951, hàng ngàn nhân dân Đà Lạt xuống đường biểu tình đòi trừng trị những tên gây tội ác, đòi bồi thường thiệt hại cho những gia đình có người bị giết hại và chị Nguyễn Thị Lan. Trước sức mạnh đấu tranh của nhân dân, địch không dám đàn áp, bắt bớ, tìm cách xoa dịu, đưa những tên gây ra vụ thảm sát lên Buôn Ma Thuột. Trong cuộc đấu tranh này, chúng ta đã tranh thủ được sự ủng hộ của bà Từ Cung (mẹ  của vua Bảo Đại). Chính bà cử người lo chăm sóc, nuôi dưỡng và bảo vệ tính mạng cho chị Nguyễn Thị Lan.

Vụ thảm sát 20 tù nhân ở Cam Ly không những gây chấn động lớn ở Đông Dương mà còn cả ở nước Pháp. Chủ tịch Quốc hội Pháp công kích chính phủ và quân đội Pháp ở Việt Nam không đảm bảo trật tự an ninh. Những đảng viên Đảng Cộng sản Pháp là nghị sĩ Quốc hội đưa vụ này ra chất vấn và tố cáo trước Quốc hội, yêu cầu phải chấm dứt ngay những hành động tội ác đối với các nước thuộc địa, nhất là ở Việt Nam.

Nhân dịp kỷ niệm ngày sinh nhật Bác Hồ, Thị uỷ chủ trương vận động nhân dân bãi thị, ngừng các hoạt động trong ngày 19 tháng 5. Đêm 18 tháng 5, lực lượng cảm tử đột nhập vào thị xã rải truyền đơn, treo cờ, dán áp phích và lúc 4 giờ 30 phút ngày 19 tháng 5 đã cho nổ 3 quả lựu đạn ở những đường phố lớn và gài 3 quả không nổ ở trước chợ Đà Lạt để cảnh cáo địch. Suốt ngày 19 tháng 5, chợ Đà Lạt không họp, học sinh nghỉ học, đường phố vắng người, các cửa hiệu đóng cửa. Cuộc bãi thị gây được ấn tượng sâu sắc, thể hiện tình cảm của các tầng lớp nhân dân Đà Lạt đối với Bác Hồ kính yêu.

Để đối phó với các hoạt động của ta, địch điều một tiểu đoàn com-măng-đô (commando) từ Sài Gòn lên tăng cường cho Đà Lạt. Đội cảm tử được giao nhiệm vụ đột nhập vào thị xã để nắm tình hình hoạt động và có phương án tiêu diệt bọn này. Đêm 27-6-1951, anh Lê Trần Thái, chính trị viên đội cảm tử Phan Như Thạch cùng một tiểu đội đến dấu quân tại nhà xác bệnh viện. Sáng hôm sau, anh Lê Trần Thái đến nhà một cơ sở (nay là nhà số 9 đường Hai Bà Trưng) gặp anh Sinh cán bộ tình báo. Khoảng 9 giờ sáng, do có người khai báo nên một đại đội com-măng-đô đến bao vây căn nhà để bắt sống hai anh. Quyết không để bị địch bắt, hai anh đóng chặt cửa và rút lên lầu đốt tài liệu, con dấu của đội cảm tử, sau đó mở cửa sổ ném lựu đạn, dùng súng ngắn tiêu diệt bọn địch đang bao vây căn nhà. Sau 30 phút chiến đấu, hai anh đã tiêu diệt 6 tên địch và anh dũng hy sinh bằng 2 viên đạn còn lại của mình. Khi đưa hai thi hài về nhà xác bệnh viện, địch phát hiện tiểu đội cảm tử đang dấu quân tại đây. Tuy ở trong thế bị bao vây, nhưng các chiến sĩ cảm tử đã dũng cảm vượt ra khỏi nhà xác, vừa chiến đấu, vừa rút lui, anh Nguyễn Lại, tiểu đội trưởng anh dũng hy sinh. Cuộc chiến đấu diễn ra không cân sức nhưng các chiến sĩ cảm tử đã tiêu diệt 4 tên địch, thoát khỏi vòng vây và trở về chiến khu.

Được tin 3 chiến sỹ cảm tử anh dũng hy sinh, hàng ngàn nhân dân Đà Lạt đến nhà xác bệnh viện thăm viếng, tỏ lòng thương tiếc vô hạn. Lúc đầu địch tìm  cách ngăn cản nhưng đồng bào vừa dùng lý lẽ đấu tranh hợp pháp vừa kiên quyết đòi được vào nhà xác, nên chúng phải nhượng bộ. Suốt 3 ngày liền, đồng bào mang đến viếng thi hài 3 chiến sỹ những bó hoa tươi, các loại nước hoa đắt tiền, sau đó quyên góp tiền mua quan tài, vải liệm và tiễn đưa 3 người con yêu quý về nơi an nghỉ cuối cùng. Bọn địch tuy rất căm tức nhưng không dám đàn áp vì sợ nổ ra cuộc biểu tình lớn.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng Đà Lạt, từ tháng 11 năm 1951, địch tập trung lực lượng đánh phá. Chúng điều quân từ Buôn Ma Thuột, Djiring, Dran đến phối hợp với lực lượng tại chỗ liên tục khủng bố bên trong và hành quân càn quét đánh vào chiến khu và kho tàng của ta ở vùng ven, gây nhiều khó khăn, tổn thất cho cách mạng. Trước tình hình đó, cuối năm 1951, Ban Cán sự Đảng Cực Nam chủ trương chuyển phương châm, phương thức hoạt động mới: “Kiên trì vận động cách mạng, tiến hành gây cơ sở”. Các đội vũ trang tuyên truyền, lực lượng cảm tử được tổ chức thành các đội xây dựng cơ sở, đồng thời giảm biên chế trong các cơ quan, đơn vị.

Sau hơn 2 năm thực hiện chủ trương chuyển phương châm, phương thức hoạt động  mới,  phong  trào cách mạng Đà Lạt đã vượt qua những khó khăn thử thách, gian khổ ác liệt và tiếp tục phát triển. Trên địa bàn đã móc nối được các cơ sở cũ, phát triển thêm cơ sở mới nhưng vẫn bảo đảm bí mật. Những cuộc đấu tranh của nhân dân chống lập hợp tác xã rau, hợp tác xã gạo, đòi giảm thuế chợ đã buộc địch phải nhượng bộ và chấp nhận các yêu sách. Cuộc đấu tranh chính trị lớn nhất thời gian này là đám tang bà Nguyễn Thị Xuân (tức bà Xu Nguyên), một cơ sở cách mạng trung kiên ở Dran. Bà Nguyễn Thị Xuân thường tiếp tế cho đội công tác và có quan hệ với nhiều cơ sở ở Đà Lạt. Bà bị địch bắt đưa về giam tại nhà lao Đà Lạt và tra tấn rất dã man hòng buộc bà khai báo những cơ sở cách mạng ở Dran, Đà Lạt. Tuy còn đang mang thai, nhưng những đòn tra khảo của kẻ thù không làm bà Nguyễn Thị Xuân run sợ, bà vẫn giữ vững khí tiết đến hơi thở cuối cùng. Biết bà Xuân là một tín đồ đạo Tin Lành, lực lượng cách mạng đã vận động và tranh thủ mục sư Phạm Đình Liệu, người có uy tín trong đạo Tin Lành ở Đà Lạt xin đưa xác bà Xuân về làm lễ chôn cất. Lúc đầu địch không cho nhưng ông Phạm Đình Liệu kiên quyết đấu tranh và nói với chúng: “Tôi chưa thấy một chế độ nào dã man như chế độ này. Phần xác các ông đã đánh chết người ta, còn phần hồn là của đạo chúng tôi các ông cũng muốn cướp đi”. Cuối cùng địch đuối lý phải để ta tổ chức đám tang. Cơ sở bên trong đã vận động hàng ngàn đồng bào tham gia, biến đám tang thành một cuộc biểu tình tố cáo hành động và tội ác dã man của địch. Trong ngày hôm  đó, cơ quan Thị uỷ và các đội xây dựng cơ sở tổ chức lễ truy điệu bà Nguyễn Thị Xuân, một cơ sở cách mạng, một phụ nữ trung kiên đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng.

 

Về đầu trang

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT
NHÀ XUẤT BẢN TỔNG HỢP TP. HỒ CHÍ MINH
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Thiết kế trang web: Sở KH&CN Lâm Đồng