NỘI DUNG CHÍNH

Lời giới thiệu

PHẦN THỨ NHẤT : LƯỢC SỬ
TRUYỀN THỐNG ĐẤU TRANH

Chương I:  Lược sử hình thành và phát triển thành phố Đà Lạt

Chương II: Truyền thống đấu tranh cách mạng

PHẦN THỨ HAI : TỰ NHIÊN
VÀ DÂN CƯ

Chương I: Tự nhiên

Chương II: Dân cư

PHẦN THỨ BA : KINH TẾ

Chương I : Nông nghiệp – lâm nghiệp

Chương II :  Du lịch và dịch vụ

Chương III: Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp

Chương IV : Cơ sở hạ tầng kỹ thuật

PHẦN THỨ TƯ : VĂN HÓA XÃ HỘI

Chương I:   Văn học nghệ thuật, thiết chế văn hóa và báo chí

Chương II: Quy hoạch và kiến trúc

Chương III: Y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ

Chương IV: Tín ngưỡng và tôn giáo

TỔNG LUẬN

Niên biểu thành phố Đà Lạt

Danh sách Bà mẹ Việt Nam anh hùng thành phố Đà Lạt

Danh sách các đơn vị được tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”

Danh sách các Bí thư chi bộ, Thành uỷ Đà Lạt qua các thời kỳ

Danh sách các Thị trưởng Đà Lạt (1901-1975)

Danh sách các Chủ tịch Uỷ ban quân quản, Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Lạt

Alexandre Yersin

Về phong cách Đà Lạt

Người Cơ Ho ở Đà Lạt

Đường phố Đà Lạt

Danh mục các ngôi đình ở Đà Lạt

PHẦN THỨ NHẤT

LƯỢC SỬ VÀ TRUYỀN THỐNG ĐẤU TRANH

 

3.        PHONG TRÀO CÁCH MẠNG ĐÀ LẠT TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ (1954 - 1975)

Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, các cơ quan đơn vị và hầu hết cán bộ, đảng viên hoạt động ở Đà Lạt chuyển xuống chiến khu Lê Hồng Phong (Bình Thuận) để thực hiện việc chuyển quân tập kết theo tinh thần Hiệp định Genève.

Được sự hậu thuẫn của Mỹ, chính quyền Ngô Đình Diệm trắng trợn phá hoại Hiệp định Genève, thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng, đi ngược lại nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nhân dân. Tại Đà Lạt, địch tập trung xây dựng bộ máy ngụy quyền các cấp, thực hiện chính sách “tố cộng”, “diệt cộng” nhằm truy bức quần chúng, khủng bố cơ sở cách mạng, cán bộ, đảng viên.

Trước tình hình quần chúng đang bị địch kìm kẹp, cán bộ đảng viên bị truy lùng gắt gao, tháng 10 năm 1954, Ban Cán sự Đảng Cực Nam bố trí một số cán bộ lên Đà Lạt hoạt động hợp pháp, bất hợp pháp  để xây dựng cơ sở, lãnh đạo quần chúng đấu tranh.

Hưởng ứng phong trào bảo vệ hoà bình của nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn, giữa năm 1955, Ban Cán sự Đảng Đà Lạt chủ trương thành lập Uỷ ban bảo vệ hoà bình ở địa phương, tập hợp những người yêu nước tán thành Hiệp định Genève, ủng hộ hoà bình. Uỷ ban đã in và phát hành các loại tài liệu để giải thích, tuyên truyền Hiệp định; tập hợp đại diện các tầng lớp nhân dân kéo lên tòa thị chính Đà Lạt đưa kiến nghị đòi chính quyền thực hiện hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất nước nhà, tự do dân chủ, tự do đi lại làm ăn.

Nhằm tiếp thêm sức mạnh cho phong trào, tháng 8 năm 1955, nghiệp đoàn tiểu thương chợ Đà Lạt vận động trên 300 chị em bãi thị, cử đại diện gặp chính quyền yêu cầu thực hiện nghiêm chỉnh Hiệp định, Mỹ không được can thiệp vào miền Nam Việt Nam, đòi giảm thuế chợ và cho nhân dân tự do đi lại buôn bán.

Giữa lúc phong trào đấu tranh đòi hoà bình đang trên đà phát triển thì bị địch khủng bố, một số cán bộ lãnh đạo Uỷ ban và cơ sở nòng cốt bị bắt nên đến đầu năm 1956 phong trào ngưng hoạt động. Tuy nhiên, ở hầu hết các địa bàn, cơ sở cách mạng được khôi phục và tiếp tục phát triển, kết nạp đảng viên và thành lập thêm hai chi bộ.

Sau một thời gian tập trung đánh phá phong trào cách mạng ở các tỉnh đồng bằng, đầu năm 1957, chính quyền Ngô Đình Diệm chuyển hướng hoạt động, tăng cường đánh phá phong trào miền núi. Chúng vừa tiến hành nhiều cuộc hành quân càn quét vào vùng căn cứ kháng chiến, vừa đẩy mạnh đôn quân bắt lính bổ sung cho lực lượng bảo an, dân vệ, thanh niên chiến đấu.

Từ giữa năm 1961, đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược “chiến tranh đặc biệt” nhằm bình định miền Nam trong vòng 18 tháng. Ở hầu hết các vùng ở nông thôn, địch dồn dân vào các khu tập trung, ấp chiến lược hòng cắt đứt sự liên lạc giữa lực lượng cách mạng ở bên ngoài với cơ sở và quần chúng trong vùng địch kiểm soát. Tại Đà Lạt, địch vừa tập trung củng cố bộ máy chính quyền các cấp, đánh phá cơ sở cách mạng, vừa tăng cường kiểm soát các ấp vùng ven và vùng nông thôn như Xuân Thành, Đất Làng, Trường Sơn, Xuân Sơn,…

Trước những âm mưu và thủ đoạn mới của địch, lực lượng vũ trang của tỉnh nhiều lần đột nhập vào các ấp tiêu diệt và làm tan rã bộ máy kìm kẹp, lực lượng dân vệ, thanh niên chiến đấu. Ở bên trong, tổ chức Đảng và cơ sở cốt cán đã vận động, lãnh đạo tiểu thương chợ Đà Lạt cử đại diện gặp Thị trưởng đòi bãi bỏ việc tăng thuế chợ. Nhân dân các ấp vùng ven đấu tranh tẩy chay cuộc bầu cử Hội đồng thành phố, yêu cầu chính quyền phải chăm lo hơn nữa đời sống của dân. Năm 1963, nhiều tăng ni, Phật tử đấu tranh bất bạo động chống địch khủng bố Phật giáo ở Sài Gòn, Huế, đòi huỷ bỏ các luật lệ ngăn cấm, khủng bố, đàn áp Phật giáo.

Từ năm 1966, với phương châm đánh địch bằng hai chân ba mũi, phong trào cách mạng Đà Lạt đã có sự chuyển biến đáng kể. Các đơn vị bộ đội địa phương, đội công tác liên tục đột nhập vào các ấp dọc đường 11, tiêu diệt nhiều tên ác ôn, hỗ trợ nhân dân nổi dậy giành quyền làm chủ ở nhiều mức độ khác nhau. Các đơn vị biệt động, đặc công đánh mìn khách sạn Lê Rơ-vin (Les Revines), tập kích sân bay Cam Ly, gây cho địch nhiều thiệt hại. Đơn vị 810 và 870 chặn đánh đoàn xe chở cố vấn Mỹ tại Hầm Xẻ, Dốc Đu đi từ Đà Lạt xuống đài ra-đa Cầu Đất tiêu diệt nhiều tên và thu nhiều vũ khí.

Phối hợp với phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, từ cuối tháng 3 năm 1966, nhân dân Đà Lạt, trong đó học sinh sinh viên là lực lượng xung kích đã tiến hành cuộc đấu tranh với qui mô lớn. Tối 26-3-1966, tại chùa Linh Sơn, đại diện công nhân, tiểu thương, học sinh, sinh viên thành lập “Lực lượng nhân dân, sinh viên, học sinh tranh thủ dân chủ”, bầu Ban Chấp hành và quyết định phát động cuộc đấu tranh vào ngày 28 - 3 - 1966.

Theo kế hoạch đã định, sáng 28 tháng 3, sau khi lễ chào cờ ở trường Trần Hưng Đạo kết thúc, cơ sở cốt cán trong học sinh phát động cuộc đấu tranh, cùng lúc đó trong sân trường xuất hiện nhiều truyền đơn, biểu ngữ, học sinh bãi khoá. Khi học sinh trường Trần Hưng Đạo xuống đường biểu tình, đi qua khu vực Viện Đại học, trường Bùi Thị Xuân, Bồ Đề (nay là trường trung học phổ thông Nguyễn Du) đã có thêm hàng ngàn sinh viên, học sinh tham gia. Tại khu Hoà Bình, một cuộc biểu tình có trên 5.000 người gồm học sinh, sinh viên, tiểu thương, công nhân và nhân dân lao động. Lãnh đạo Ban Chấp hành “Lực lượng nhân dân, sinh viên, học sinh tranh thủ dân chủ” tuyên bố mục tiêu đấu tranh và kêu gọi nhân dân tích cực hưởng ứng.

Phong trào đấu tranh của nhân dân và sinh viên, học sinh Đà Lạt năm 1966

Từ ngày 29-3 đến ngày 7-5-1966, nhân dân Đà Lạt, sinh viên, học sinh tiến hành nhiều cuộc mít tinh, biểu tình đòi dân sinh dân chủ, đòi Mỹ rút về nước và không can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Lực lượng đấu tranh đã chiếm Đài phát thanh từ ngày 30 tháng 3 đến sáng ngày 4 tháng 4, tuyệt thực 24 giờ và tổ chức đêm không ngủ tại trung tâm Hoà Bình, bắt tên đại uý chỉ huy lực lượng cảnh sát, chiếm Hợp tác xã rau làm trụ sở. Trong cuộc đấu tranh này đã có 5 thanh niên anh dũng hy sinh, 37 người bị thương và hàng chục người bị bắt. Nội dung và khẩu hiệu đấu tranh phù hợp với nguyện vọng quần chúng nên thu hút được hàng chục ngàn lượt người tham gia, đồng thời làm cho nội bộ địch mâu thuẫn, chia rẽ lẫn nhau. Trong quá trình đấu tranh đã phát triển thêm 140 cơ sở, 10 du kích mật, hình thành các lõm chính trị ở Nam Thiên, Đa Thiện, Xuân An, An Hoà, đường Hai Bà Trưng, Trương Công Định, Thung lũng Kim Khuê, Thiên Thành,… Ở các lõm chính trị, phần lớn quần chúng đều hướng về cách mạng, có tổ chức Đảng trực tiếp lãnh đạo, lực lượng thanh niên làm nòng cốt, bộ máy ngụy quyền cơ sở chỉ tồn tại trên hình thức.

Sau hai cuộc phản công chiến lược bị thất bại, chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ đứng trước nguy cơ phá sản. Trước tình hình đó, tháng 12 năm 1967, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp và quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân (1968) nhằm giáng một đòn sấm sét vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ.

Nằm trong vị trí chiến lược quan trọng ở Nam Tây Nguyên nên trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân, Khu uỷ Khu 6 chọn Đà Lạt làm trọng điểm 2 (thị xã Phan Thiết là trọng điểm 1), đồng thời tăng cường hai tiểu đoàn 145, 186 cùng lực lượng vũ trang tỉnh Tuyên Đức phối hợp tấn công địch, hỗ trợ nhân dân nổi dậy giành quyền làm chủ.

Theo kế hoạch chung của toàn Miền Nam, đêm 30-1-1968 (tức đêm giao thừa Tết Mậu Thân) các đơn vị được lệnh tấn công nhưng do công tác chuẩn bị và nắm tình hình chưa chu đáo nên cả 3 hướng ta đều không vào được trong thị xã, phải rút ra ngoài để củng cố lực lượng. Đêm 31 tháng 1, cả 3 hướng đều đồng loạt tấn công địch.

Ở hướng Tây Nam, các đơn vị đánh chiếm Viện Pasteur, các công sở và một phần Tiểu khu. Ngày hôm sau, địch phản kích quyết liệt nên phải rút ra các ấp Saint Jean, Du Sinh, Nam Thiên, An Lạc, trụ lại đánh địch phản kích và pháo kích sân bay Cam Ly.

Ở hướng Tây Bắc, các đơn vị tiến công vào nội thị, đánh các mục tiêu quan trọng như Tỉnh đoàn Bảo an, Lữ quán Thanh niên, dinh Tỉnh trưởng, Ty công an nhưng không dứt điểm. Trước sự phản kích ác liệt của địch, các đơn vị phải rút ra, trụ lại đánh địch suốt 11 ngày đêm, hỗ trợ nhân dân các ấp Đa Cát, Đa Phú nổi dậy giành quyền làm chủ, thành lập chính quyền cách mạng.

Ở hướng Đông Nam, các đơn vị đánh địch ở Trại Hầm, ga xe lửa, Nha Địa dư và làm chủ khu vực trường Yersin, đánh lui nhiều đợt phản kích của địch, sau đó rút ra vùng ven để củng cố lực lượng.

Phối hợp với các mũi tấn công quân sự, sau khi khu vực từ Đa Cát đến Đa Phú được giải phóng, hàng ngàn  nhân dân kéo về nội thị để cùng nhân dân khu trung tâm nổi dậy giành  quyền làm chủ. Khi đoàn người đến gần ngã ba Chùa, máy bay địch bắn chặn ác liệt nên phải quay trở lại.

Trong suốt 11 ngày đêm bám trụ tại khu vực Đa Cát, các đơn vị đã đánh lui nhiều đợt phản kích của địch có xe tăng, pháo binh và máy bay yểm trợ, đồng thời tổ chức cho nhân dân sơ tán về hướng Kim Thạch, Tùng Lâm, dòng Chúa cứu thế. Ở những vùng mới giải phóng, lực lượng tự vệ, dân quân được thành lập, tổ chức các đội dân công phục vụ vận chuyển vũ khí, tiếp tế, đào hầm hào, cứu chữa thương binh,…

Sau khi bị tổn thất khá nặng nề, địch tăng cường đến Đà Lạt một tiểu đoàn lính Cộng hoà và một biệt đoàn cảnh sát để phối hợp với lực lượng tại chỗ tổ chức  phòng thủ xung quanh thị xã, ngăn chặn các cuộc tiến công của ta.

Ngày 17-2-1968, các đơn vị bước vào đợt 2 của chiến dịch, tiếp tục đánh vào thị xã trên 3 hướng.

Trong 4 ngày chiến đấu ác liệt, ta không chiếm lĩnh được các mục tiêu đã định nên đến ngày 21 tháng 2 chỉ để lại 1/3 lực lượng còn phần lớn rút ra hoạt động ở vùng nông thôn.

Từ đầu năm 1969, đế quốc Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”. Bản chất của chiến lược này là tìm cách rút dần quân Mỹ về nước mà vẫn duy trì được chính quyền tay sai, duy trì chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ ở miền Nam nước ta.

Tại Đà Lạt, địch tập trung củng cố bộ máy kèm ở cơ sở, đưa lực lượng bảo an, các đoàn bình định xuống các ấp, phát triển điệp ngầm để theo dõi hoạt động của lực lượng cách mạng và đánh phá cơ sở cách mạng bên trong. Trong chương trình bình định có trọng điểm, địch tập trung vào những nơi có phong trào cách mạng phát triển như Xuân Trường, Xuân Thọ. Ở các vùng bàn đạp, chúng tăng cường các cuộc hành quân càn quét, dùng pháo tầm xa bắn vào những khu vực nghi ta đóng quân, phá hoại kho tàng và các cơ sở sản xuất.

Thực hiện chủ trương về vũ trang hoá cơ sở chính trị, đặc công hoá lực lượng vũ trang, từ năm 1969, lực lượng vũ trang tỉnh Tuyên Đức và các đơn vị biệt động, du kích mật, tự vệ mật Đà Lạt đã đánh những trận táo bạo, bất ngờ, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, phá huỷ nhiều phương tiện chiến tranh, tiêu biểu là trận đánh vào Trường Chiến tranh chính trị (3-3-1969), sân bay Cam Ly (20-3-1969), diệt tên Phó Ty Cảnh sát kiêm Trưởng phòng Cảnh sát đặc biệt (22-4-1969), Trung tâm Vô tuyến Viễn thông,…

Trong đợt hoạt động Xuân- Hè năm 1970 (lấy tên là chiến dịch TK), Tỉnh uỷ Tuyên Đức chọn Đà Lạt làm trọng điểm. Chiến dịch TK tấn công vào Đà Lạt bắt đầu lúc 18 giờ ngày 28-5-1970 được triển khai trên 3 hướng:

-   Ở hướng chủ yếu đánh vào Trường Võ bị, Trung tâm Vô tuyến Viễn thông, Lữ quán  Thanh niên, Dinh Thị trưởng và Tỉnh đoàn Bảo an.

-   Hướng thứ yếu 1 từ phía Nam đánh vào dinh II, trại Cao Thắng, trận địa pháo Tân Lạc.

-   Hướng thứ yếu 2 từ phía Tây Bắc tiến vào chiếm lĩnh Lãnh địa Đức Bà, Đa Cát, đồi Đất Đỏ.

Chiến dịch TK không những có ý nghĩa lớn đối với phong trào cách mạng địa phương mà còn có ảnh hưởng đến toàn miền Nam. Dư luận thế giới ca  ngợi thắng lợi có ý nghĩa to lớn của chiến dịch này. Báo Le monde (Thế giới) của Pháp cho rằng “Diễn biến và kết quả cuộc tiến công Đà Lạt là một thí dụ nổi bật nhất từ trước đến nay của sự phối hợp hành động giữa những bộ phận tiến công từ bên ngoài và những bộ phận đã xâm nhập vào bên trong thành phố.”

Cùng với hoạt động vũ trang, phong trào đấu tranh chính trị ở Đà Lạt tiếp tục phát triển nhằm đòi dân sinh, dân chủ, chống khủng bố, đàn áp, chống bắt lính. Tháng 4 năm 1970, sinh viên Viện Đại học Đà Lạt tổ chức nhiều cuộc hội thảo, bãi khoá để phản đối chính quyền Sài Gòn đàn áp học sinh, sinh viên, đòi quyền tự trị đại học. Tháng 7 năm 1970, sinh viên lại tổ chức đấu tranh chống chủ trương “Quân sự hoá học đường” của Mỹ - Thiệu.

Tiêu biểu cho phong trào đấu tranh chính trị thời kỳ này là cuộc đấu tranh của nhân dân Đà Lạt từ ngày 28-9 đến ngày 3-10-1971 chống cuộc bầu cử độc diễn của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu.

Trước khi phát động cuộc đấu tranh, Thị uỷ Đà Lạt chỉ đạo cơ sở cốt cán hoạt động trong các tổ chức công khai hợp pháp như: Mặt trận nhân dân tranh thủ hoà bình, Phong trào phụ nữ đòi quyền sống, Mặt trận bảo vệ văn hoá dân tộc, Đoàn Sinh viên Phật tử và Tổng đoàn Học sinh Đà Lạt để thống nhất nội dung và chương trình đấu tranh. Đêm 27 tháng 9, tại chùa Linh Sơn, sinh viên, học sinh tổ chức cuộc hội thảo với chủ đề “Sinh viên, học sinh trước hiện tình của đất nước” nhằm vạch trần bản chất độc tài của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, đòi dân sinh dân chủ, đòi hoà bình, chấm dứt chiến tranh.

Phong trào học sinh, sinh viên đấu tranh chống độc diễn bầu cử năm 1971

Sáng ngày 28 tháng 9, Ban lãnh đạo các tổ chức công khai hợp pháp tổ chức cuộc hội thảo “Nhận định về cuộc bầu cử độc diễn ngày 3-10”. Tham dự hội thảo còn có đại diện Mặt trận nhân dân tranh thủ hoà bình Sài Gòn; Phong trào sinh viên, học sinh Sài Gòn; Giáo hội Phật giáo và một số nhà báo. Những người dự hội thảo phản đối trò hề bầu cử bịp bợm của Mỹ- Thiệu, đốt thẻ cử tri, các bích chương cổ động cuộc bầu cử, thành lập “Uỷ ban nhân dân Đà Lạt - Tuyên Đức chống bầu cử bịp bợm ngày 3-10” và ra Bản Tuyên bố chung đòi huỷ bỏ cuộc bầu cử, đòi Mỹ rút về nước, trả lại quyền tự quyết cho đồng bào miền Nam.

Liên tục từ tối 28 tháng 9 đến ngày 2 tháng 10, các tầng lớp nhân dân Đà Lạt và sinh viên, học sinh tổ chức nhiều cuộc mít tinh, biểu tình. Các tổ xung kích và sinh viên, học sinh tổ chức đêm không ngủ, hát vang những bài ca yêu nước do học sinh, sinh viên sáng tác; làm nhiệm vụ rải truyền đơn, căng biểu ngữ, phân phát Bản Tuyên bố chung; mỗi ngày tổ chức 3 buổi phát thanh để phản đối cuộc bầu cử, thông báo tình hình đấu tranh, kêu gọi nhân dân trong ngày bầu cử không đi bỏ phiếu.

Để đối phó với cuộc biểu tình lớn có thể nổ ra, trong ngày 3 tháng 10, địch huy động toàn bộ lực lượng bao vây chùa Linh Sơn, chặn các con đường vào trung tâm thị xã, làm cho tình hình Đà Lạt hết sức căng thẳng. Trong ngày hôm đó, toàn Đà Lạt bãi thị, bãi khoá để phản đối bầu cử.

Trong những năm 1971 - 1972, mặc dù địch tăng cường thêm lực lượng, đẩy mạnh các hoạt động quân sự, chính trị nhưng phong trào cách mạng Đà Lạt vẫn giữ vững, làm thất bại, âm mưu và kế hoạch bình định của địch.

Thắng lợi của quân và dân ta trên cả hai miền Nam - Bắc đã buộc chính phủ Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam vào ngày 27-1-1973. Đây là thắng lợi có ý nghĩa lịch sử, đánh dấu sự thay đổi lớn về so sánh lực lượng có lợi cho ta, tạo ra khả năng hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam.

Tại Đà Lạt, cơ sở bên trong hướng dẫn sinh viên, học sinh tổ chức nhiều cuộc hội thảo, hoạt động văn nghệ và phát hành một số tập san công khai, nửa công khai với chủ đề “Quê hương và hoà bình”, “Chính sách hoà hợp dân tộc”. Những tập san của sinh viên, Phật tử, phong trào Phụ nữ đòi quyền sống đều đăng tải các văn kiện của Hiệp định và phát hành rộng rãi trong nhân dân.

Đối phó với những âm mưu, thủ đoạn của địch, trong 2 năm 1973 - 1974, ta vừa đẩy mạnh hoạt động vũ trang để ngăn chặn và làm thất bại kế hoạch bình định, lấn chiếm của địch, vừa vận động nhân dân tiến hành hàng chục cuộc đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Paris, đòi dân sinh dân chủ. Tuy nhiên, do sự đánh phá, khủng bố ác liệt của địch, nhiều đảng viên, cơ sở bị bắt nên thực lực cách mạng ở Đà Lạt giảm nhiều so với những năm trước.

Đầu năm 1975, thắng lợi vang dội, dồn dập trên các chiến trường đã tạo ra bước ngoặt mới của cách mạng miền Nam. Trước thời cơ ngàn năm có một và được sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ Tuyên Đức, Thị uỷ Đà Lạt giao nhiệm vụ cho các chi bộ bên trong và cơ sở cốt cán trong lực lượng sinh viên, học sinh in truyền đơn kêu gọi nhân dân nổi dậy giải phóng quê hương, kêu gọi sĩ quan, binh lính, địch làm binh biến. Giữa tháng 3 năm 1975, Thị uỷ tổ chức cho một số cán bộ, đảng viên, cơ sở nội thị ra căn cứ để học tập tình hình và nhiệm vụ mới, phổ biến kế hoạch tự giải phóng khi có thời cơ, chiếm lĩnh và bảo vệ các cơ sở quan trọng.

Sau khi giải phóng Tây Nguyên và một số tỉnh duyên hải miền Trung, quân địch ở Đà Lạt hoang mang cực độ và trong đêm 31-3-1975 chúng rút chạy xuống Phan Rang. Một số đảng viên và cơ sở bên trong nhanh chóng thành lập Ban Tự quản, tổ chức lực lượng tự vệ để tiếp quản các vị trí quan trọng như Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử, nhà máy điện, nhà máy nước, bưu điện,… đồng thời trấn áp những phần tử phá hoại, gây rối an ninh trật tự. Ngày 1 và 2-4-1975, nhân dân ở các ấp vùng ven đã hoàn toàn làm chủ tình hình. Sáng ngày 3-4-1975, cờ cách mạng tung bay trên Toà Hành chính tỉnh Tuyên Đức và Toà Thị chính Đà Lạt, đánh dấu giờ phút lịch sử: Tuyên Đức và thị xã Đà Lạt hoàn toàn giải phóng.

 

 

Về đầu trang

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT
NHÀ XUẤT BẢN TỔNG HỢP TP. HỒ CHÍ MINH
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Thiết kế trang web: Sở KH&CN Lâm Đồng