|
||||||||
PHẦN THỨ NHẤT LƯỢC SỬ VÀ TRUYỀN THỐNG ĐẤU TRANH 4. THỜI KỲ SAU NĂM 1975Mùa xuân 1975 đã mở đầu một trang sử mới của dân tộc, trong đó có Đà Lạt. Ngày 3-4-1975, chính quyền cách mạng, chính quyền của nhân dân, đã làm chủ thành phố. Lúc này thành phố Đà Lạt, cũng như các địa phương khác ở miền Nam nước ta, đều trong chế độ quân quản. Thời gian ban đầu Đà Lạt trực thuộc tỉnh Tuyên Đức (4-4-1975), sau đó chuyển sang khu VI (6-5-1975). Ngày 5-6-1976, Đà Lạt được xác định là thành phố tỉnh lị của tỉnh Lâm Đồng. Tình hình kinh tế hậu chiến của cả nước gặp không ít khó khăn. Thành phố du lịch Đà Lạt, trong bối cảnh chung đó, càng gặp khó khăn hơn. 4.1 Giai đoạn 1975 – 1985 Về tổ chức hành chính, Đà Lạt có những thay đổi: Theo Quyết định ngày 20-9-1975 của Bộ Chính trị, Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn, Đà Lạt trực thuộc Trung ương. Ngày 20-12-1975, Bộ Chính trị ra quyết định điều chỉnh lại việc hợp nhất trên, Đà Lạt trực thuộc khu VI. Tháng 2-1976, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra nghị định hợp nhất thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Tuyên Đức thành tỉnh Lâm Đồng. Đà Lạt gồm 3 khu phố trực thuộc tỉnh Lâm Đồng. Đến tháng 2-1979, Đà Lạt được bổ sung thêm phần đất vùng kinh tế mới Tà In (xã Đà Loan, huyện Đức Trọng ngày nay). Ngày 14-3-1979, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 116 - CP chia một số huyện thuộc Lâm Đồng, xác định Đà Lạt gồm 6 phường và 3 xã (Tà Nung mới thành lập và xã Xuân Trường, Xuân Thọ). Công tác an ninh, ổn định chính trị, cải tạo xã hội được đặt lên hàng đầu, khách du lịch trong và ngoài nước vắng hẳn, thỉnh thoảng mới có một vài đoàn du lịch đi theo chế độ bao cấp. Mục tiêu của Đà Lạt lúc này là tập trung ổn định các cư dân vùng nông thôn, mở rộng địa giới Đà Lạt ra các vùng ven như Thái Phiên (1975), Xuân Trường, Xuân Thọ (1979), đặc biệt là ổn định vùng đồng bào dân tộc ít người với việc sáp nhập thêm xã dân tộc ít người Tà Nung vào thành phố Đà Lạt. Vùng nông nghiệp được kiến thiết lại, đường sá ở các khu vực này được sửa sang và làm mới. Hệ thống mạng lưới điện đưa vào phục vụ nông thôn và sản xuất nông nghiệp ngày càng mở rộng. Các hồ được nạo vét và xây dựng như: - Đập I Đa Thiện (1977). - Hồ Chiến Thắng (1981). - Hồ Xuân Hương (1983 – 1984). - Hồ Tuyền Lâm (1984). Nông dân Đà Lạt trong giai đoạn này sớm tiếp cận với việc ứng dụng phương pháp nuôi cấy mô vào sản xuất khoai tây. Đến năm 1978, diện tích khai hoang tăng 40%, trồng rừng 43%. Chăn nuôi được khuyến khích với đàn bò 3.746 con, đàn heo 7.500 con, xí nghiệp gà Đà Lạt 30.000 con (1981). Nghề trồng hoa vẫn được duy trì như trước đây, một vài ngành như trồng lan xuất khẩu được rộ lên trong giai đoạn này do nhu cầu thị trường Liên Xô và Đông Âu, nhưng lại lắng xuống do biến động chính trị, kinh tế du lịch gặp nhiều khó khăn. Hình thức du lịch công đoàn mang lại cho du lịch Đà Lạt nét khởi sắc. Một vài thắng cảnh được tôn tạo như khu vực thác Datanla, hồ Tuyền Lâm, Thung lũng Tình Yêu, thác Cam Ly,… Một số dinh thự và biệt thự được đưa vào phục vụ du lịch với hình thức liên doanh. Nhà nghỉ Đồng Tháp, khách sạn Hải Sơn được khởi công vào những năm cuối của giai đoạn này. Một số công trình văn hóa được đầu tư xây dựng: Nghĩa trang Liệt sỹ, Nhà Thiếu nhi Lâm Đồng, Đài Phát thanh - Truyền hình… làm tăng thêm cơ sở sinh hoạt văn hóa của Đà Lạt. Ngoài việc mở rộng mạng lưới điện đưa vào phục vụ tận các làng nông nghiệp, một thành tựu quan trọng khác là hoàn thành việc xây dựng nhà máy nước Suối Vàng với sự viện trợ của Đan Mạch vào năm 1984 (công suất 18.000m3/ngày), bảo đảm cho nhân dân Đà Lạt và du khách đủ lượng nước cần dùng với chất lượng cao hơn. Những năm đầu tiên của chế độ mới, chính quyền và nhân dân Đà Lạt đã làm được khá nhiều việc để giải quyết những khó khăn. Tuy nhiên, nhiều khó khăn và lo toan trước mắt đã cản trở tầm nhìn xa của Đà Lạt. Vẻ đẹp của thành phố bị xuống cấp ngày một rõ rệt. Trước hết đường sá nội thị bị hư hỏng vì vốn đầu tư ít ỏi lại tập trung cho các con đường ngoại vi. Việc mở rộng diện tích nông nghiệp làm cho các hồ bị bồi lấp nhanh chóng. Việc khai thác rừng làm cho khí hậu và cảnh quan ngày một xấu. Quan trọng hơn, nguồn nước của các nhà máy thủy điện Đa Nhim và Trị An ngày càng bị thiếu hụt vào mùa khô. 4.2 Giai đoạn từ sau năm 1986 Ngày 6-6-1986, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 67-HĐBT điều chỉnh địa giới hành chính: Đà Lạt từ 6 phường lên 12 phường và 3 xã như trước. Đà Lạt được xác định là một trong những trung tâm du lịch - nghỉ dưỡng của cả nước, ngành du lịch - dịch vụ trở thành kinh tế động lực của địa phương. Dự án VIE/89/003 của Tổ chức du lịch quốc tế (OMT) cũng đã xác nhận Đà Lạt là một trong các hạt nhân của tổ chức đó. Năm 1994, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể xây dựng thành phố Đà Lạt xác định là Trung tâm du lịch - nghỉ dưỡng cả nước và quốc tế. Năm 1996, Viện Nghiên cứu và Phát triển Du lịch Việt Nam và UBND tỉnh Lâm Đồng đã hoàn thành Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng thời kỳ 1996 - 2010. Ngày 24-7-1999, Đà Lạt được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là đô thị loại hai. Ngày 27-5-2002, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng và vùng phụ cận đến năm 2020. Căn cứ vào những chức năng và tính chất được xác định, Tỉnh uỷ và Uỷ ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng, Thành uỷ và Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Lạt đã ban hành một số văn bản pháp lý về phát triển du lịch Đà Lạt.
Ngày 20-11-2001, Hội nghị Tỉnh uỷ lần thứ V (khoá VII) thông qua Nghị quyết 03-NQ/TU về phát triển kinh tế du lịch thời kỳ 2001 – 2005 và định hướng đến năm 2010. Nghị quyết nêu rõ: “Phấn đấu đến năm 2010, xây dựng Đà Lạt xứng đáng là một trong những trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng lớn của cả nước; đưa ngành du lịch – dịch vụ thật sự trở thành ngành kinh tế động lực của tỉnh” và đề ra bốn nhiệm vụ và giải pháp lớn như sau: a. Nâng cao chất lượng các dịch vụ và sản phẩm du lịch hiện có, phát triển mạnh các sản phẩm du lịch mới. b. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng; bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái phục vụ du lịch. c. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức, cán bộ trên lĩnh vực dịch vụ du lịch. d. Xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm khai thác tối đa các nguồn lực để phát triển du lịch. Năm 1986, dân số Đà Lạt là 112.000 người và đến năm 2007 là 197.013 người. Công tác dân số – gia đình – trẻ em đạt kết quả khả quan, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi qua các năm đều giảm, năm 2007 còn ở mức 11,5%; mức độ tăng tự nhiên dân số hàng năm giảm từ 2% (năm 1993) xuống còn 1,76% (năm 2000) và đến năm 2007 chỉ còn 1,37% nhưng lại gia tăng cơ học.
Trong những năm
1990, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm xã hội (GDP) bình quân hàng
năm là 13,3%, cao hơn mức trung bình của cả nước và toàn tỉnh. Trước
thềm thiên niên kỷ mới GDP có chiều hướng tăng lên, tốc độ tăng
trưởng kinh tế năm 2007 là 17%. Tổng kim ngạch xuất khẩu 23 triệu
USD và tạo việc làm mới cho 3.000 lao động. Hộ đói nghèo đã giảm,
đời sống xã hội được nâng lên. Trong những năm 1990, tỷ lệ hộ đói
nghèo từ 5 đến 8%, đến nay chỉ còn ở mức 3,2% tổng số hộ trên địa
bàn (theo tiêu chuẩn quy định mới). Năm 2007, thu nhập bình quân đầu
người hàng năm của thành phố Đà Lạt đạt Tổng thu ngân sách trên địa bàn thành phố hàng năm đều tăng, nhất là từ năm 1996 trở lại đây, tỷ lệ thu tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế nhờ có nhiều biện pháp quản lý thu tích cực và những năm gần đây có cơ chế giao khoán quyền sử dụng đất để tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Trong quá trình phát triển, Đà Lạt luôn là đơn vị đóng góp cho ngân sách toàn tỉnh lớn nhất, bình quân cả thời kỳ hàng năm chiếm tỷ lệ hơn 45%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn tăng đều theo các năm, năm 1994 đạt 91 tỷ đồng thì đến năm 2002 đạt 238 tỷ đồng và đến năm 2007 đạt 325 tỷ. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng về du lịch - dịch vụ từ 51,13% (1993) lên 61,94% (2000) và đạt tới 72,1% (2007), công nghiệp - xây dựng từ 23,45% giảm xuống còn 16,1% và trên lĩnh vực nông - lâm nghiệp ở mức 25,42% giảm xuống còn 11,8%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2007 đạt 1.518 tỷ đồng. Đến nay, cơ sở hạ tầng của Đà Lạt phát triển khá tốt. Toàn bộ mạng lưới hệ thống cấp điện nội thành đã được cải tạo với 30km dây dẫn trung - cao thế bằng cáp ngầm và hệ thống hạ thế bằng cáp xoắn có vỏ bọc cách điện ở các khu vực tập trung dân cư trên địa bàn. Đầu năm 2003 đã khởi công xây dựng nhà máy xử lý nước thải, cải tạo suối Phan Đình Phùng, suối Cam Ly. Hàng loạt khách sạn, nhà hàng được xây dựng, tân trang. Nhiều biệt thự ở khu vực đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Du, Lê Lai, đường 3 tháng 4,… được đưa vào phục vụ du lịch. Hệ thống điện thoại tự động 2.000 số được xây dựng, mạng lưới điện mở rộng, hệ thống cấp nước nâng lên 25.000m3/ngày vào năm 2000. Nâng cấp sân golf, khách sạn Palace, chợ Đà Lạt,... Sản xuất nông lâm nghiệp giảm về tỷ trọng nhưng tổng sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi hàng năm đều tăng. Đà Lạt vẫn là một trung tâm rau hoa, đặc biệt là những chủng loại rau hoa ôn đới. Thủ công nghiệp Đà Lạt những năm gần đây được chú ý. Hàng mỹ nghệ mây tre và chạm bút lửa phụ thuộc thị trường nên lên xuống thất thường, nay được thay thế bằng nghề đan thêu ngày càng thu hút nhiều lao động của thành phố (hiện nay có 2.500 người có tay nghề cao). Giáo dục Đà Lạt mở ra những triển vọng mới, thu hút nhiều học sinh và sinh viên từ các địa phương khác đến đây học tập. Loại hình trường công lập, trường dân lập, trường tư thục, trường chuyên, trường dân tộc nội trú,… làm cho hệ thống trường lớp ở Đà Lạt đa dạng hơn. Đến đầu năm học 2007 - 2008, trên toàn địa bàn có 53.530 học sinh các cấp. Số lượng sinh viên các trường đại học và cao đẳng là 20.000 người, chưa kể các lớp học ngắn hạn, ban đêm do các Trường Đại học Đà Lạt, Trường Đại học dân lập Yersin Đà Lạt, Trường Cao đẳng Sư phạm Lâm Đồng, Trung tâm Bồi dưỡng - Đào tạo Cán bộ tại chức tỉnh,… tổ chức. Việc giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường, chống những biểu hiện vi phạm trật tự quản lý đô thị, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ quan, đơn vị và trên địa bàn dân cư đã từng bước trở thành ý thức của cả cộng đồng.
Năm 1993, lễ hội kỷ niệm 100 năm Đà Lạt hình thành và phát triển được tổ chức trọng thể tại sân vận động thành phố Đà Lạt. Từ đó về sau, nhiều lễ hội tiếp tục được tổ chức: kỷ niệm 110 năm Đà Lạt hình thành và phát triển (2003), kỷ niệm 30 năm giải phóng Đà Lạt (2005), lễ hội văn hoá trà (2006), lễ hội hoa Đà Lạt (2005 và 2007). Cùng với không khí tưng bừng của ngày hội với những sân khấu hoành tráng, khu hội chợ nhộn nhịp, nhiều công trình được xây dựng hay tôn tạo: đường Hoàng Văn Thụ, đường ven hồ Tuyền Lâm, công viên Yersin, công viên Ánh Sáng, vườn hoa thành phố,… Nhân dịp lễ hội, thực hiện chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhiều con đường hẻm, cầu nhỏ, hội trường, vườn hoa,… cũng được nhân dân đóng góp xây dựng tại các khu phố, thôn xã làm cho bộ mặt đô thị Đà Lạt ngày càng khang trang, sạch đẹp và văn minh hơn.
|
||||||||
|
|
|||||||
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH
PHỐ ĐÀ LẠT |