|
||||
PHẦN THỨ NHẤT LƯỢC SỬ VÀ TRUYỀN THỐNG ĐẤU TRANH
ĐÀ LẠT, 30 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN (1975 - 2005) 1. TỪNG BƯỚC ỔN ĐỊNH TÌNH HÌNH CHÍNH TRỊ , THỰC HIỆN NHIỆM VỤ XÂY DỰNG THỰC LỰC CÁCH MẠNG, KHÔI PHỤC VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI SAU CHIẾN TRANH (1975 - 1977) Đà Lạt là một trong những địa phương được giải phóng tương đối sớm. Khi địch rút chạy, lực lượng cách mạng đã tổ chức tiếp quản cơ sở vật chất, kỹ thuật hầu như nguyên vẹn. Ngày 3-4-1975, thành phố Đà Lạt hoàn toàn giải phóng, kết thúc hơn hai mươi năm tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ đầy gian khổ, hy sinh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, quân và dân Đà Lạt cùng cả nước bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên hoà bình, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội. Để kịp thời chỉ đạo các mặt hoạt động của thành phố, tối ngày 4-4-1975, Uỷ ban quân quản thành phố được thành lập. Sau khi Uỷ ban quân quản đi vào hoạt động, chính quyền cách mạng một số phường cũng được tổ chức. Quần chúng nhân dân phấn khởi, tỏ rõ niềm tin vào các chủ trương mới của Đảng, hăng hái tham gia công tác cách mạng, tích cực tố giác và đấu tranh với các phần tử phản cách mạng. Ngày 6-4-1975, Khu uỷ VI ra quyết định thành lập Thành uỷ Đà Lạt. Ban Chấp hành gồm có 11 thành viên, ông Huỳnh Minh Nhựt giữ chức vụ Bí thư Thành ủy. Thành phố Đà Lạt tách khỏi tỉnh Tuyên Đức và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Khu uỷ VI. Thực hiện chủ trương của Khu uỷ, Thành uỷ Đà Lạt đề ra nhiệm vụ : Tiếp tục xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng mạnh về mọi mặt; phát động quần chúng tiến hành truy quét ngụy quân, ngụy quyền ngoan cố không chịu ra trình diện; kêu gọi quần chúng đã di tản trở về; vận động nhân dân đẩy mạnh tăng gia sản xuất để giải quyết một phần lương thực cứu đói; huy động sức người, sức của cho chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam. Sáng ngày 14-4-1975, hơn mười ngàn nhân dân Đà Lạt tham gia cuộc mít tinh mừng quê hương giải phóng và đón đoàn cán bộ Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam. Tại buổi lễ, Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát thay mặt Chính phủ đã tặng thưởng cho Đảng bộ, quân dân thành phố Đà Lạt Huân chương Thành đồng hạng nhất.
Dưới sự chỉ đạo của Thành uỷ Đà Lạt và các cấp chính quyền cách mạng, tính đến cuối tháng 4 năm 1975, chính quyền đã được xây dựng ở 36 trên tổng số 39 ấp và xã Thái Phiên; phát triển thêm hàng ngàn du kích ấp, hàng trăm tự vệ thoát ly; thành lập các ban chấp hành Công đoàn, Phụ nữ, Thanh niên. Trong khi tỉnh Tuyên Đức, Đà Lạt và nhiều địa phương khác đã giải phóng thì cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975 bước vào những giờ phút quyết định. Để góp phần vào nhiệm vụ chung của cách mạng, quân dân Đà Lạt đã góp người, góp của phục vụ cho chiến dịch. Nha Địa dư Đà Lạt đã huy động hết công suất cả ngày đêm in hàng vạn ảnh Bác Hồ, cờ Mặt trận, cờ đỏ sao vàng, bản đồ thành phố Sài Gòn - Gia Định để kịp thời chuyển cho các đơn vị chủ lực trên đường tiến quân thần tốc. Tuy đang gặp nhiều khó khăn, nhưng trước yêu cầu của cách mạng, thành phố Đà Lạt đã chuyển hàng trăm tấn gạo, hàng ngàn lít xăng dầu phục vụ cho chiến dịch Hồ Chí Minh. Những đóng góp về sức người, sức của đã thể hiện tinh thần cách mạng lớn lao của quân dân thành phố, góp phần vào chiến thắng vẻ vang của dân tộc, hoàn toàn giải phóng miền Nam vào ngày 30-4-1975, đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn. Đầu tháng 5 năm 1975, nhiều cơ sở kinh tế - xã hội đã hoạt động trở lại như giao thông công chánh, bưu điện, nhà máy nước, nhà máy điện, nhà máy thủy điện Suối Vàng, ngân khố, các cơ sở y tế, bệnh viện, Viện Pasteur, các trường học như: Trần Hưng Đạo, Bùi Thị Xuân, Trung tâm Giáo dục Hùng Vương. Sau ngày giải phóng, hàng ngàn ngụy quân, ngụy quyền tan rã tại chỗ, bộ máy cơ sở của địch chưa bị quét sạch, một số tên ngoan cố không chịu trình diện, cải tạo đã cấu kết với bọn tay sai của địch cài lại, ngấm ngầm âm mưu chống lại cách mạng. Cuối tháng 5 năm 1975, bọn FULRO có sự cấu kết của một số tên phản động trong các tôn giáo đã nổi dậy hoạt động ở một số địa bàn nông thôn, rừng núi xung yếu. Một trong những khó khăn lớn do chiến tranh để lại là gần một vạn người thất nghiệp; một số phần tử tệ nạn xã hội đã gây cho tình hình xã hội thêm phức tạp. Đời sống nhân dân gặp vô vàn khó khăn, nhất là việc thiếu hụt lương thực trầm trọng, trong khi đó các sản phẩm như rau, hoa không có thị trường tiêu thụ; các loại vật tư thiết yếu như giống, phân bón, thuốc trừ sâu, xăng dầu không đủ phục vụ cho nhu cầu sản xuất và đời sống. Chính quyền cách mạng mới thành lập được một số nơi, còn mới mẻ, non yếu, chưa đảm đương được mọi công việc, nhất là thiết lập trật tự trị an và ổn định đời sống nhân dân. Tháng 2 năm 1976, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam ra nghị định giải thể cấp khu, hợp nhất một số tỉnh ở miền Nam. Theo nghị định này, tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Tuyên Đức và thành phố Đà Lạt được sáp nhập thành tỉnh Lâm Đồng như hiện nay; thành phố Đà Lạt trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của tỉnh; về bộ máy hành chính, Đà Lạt giải thể 8 phường và thành lập 3 khu phố trực thuộc tỉnh. Qua hơn hai năm, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương, của Khu uỷ VI, Tỉnh uỷ Tuyên Đức, Tỉnh uỷ Lâm Đồng, Đảng bộ và quân dân Đà Lạt đã phát huy cao độ truyền thống cách mạng, vượt qua khó khăn gian khổ, hy sinh và đã đạt được nhiều thành tích cao trên tất cả các lĩnh vực, làm thay đổi tình hình, tạo được chuyển biến tiến bộ, từng bước khắc phục những hậu quả do chiến tranh để lại, nhanh chóng khôi phục và phát triển sản xuất, tăng trưởng kinh tế, xây dựng đời sống văn hoá, giải quyết khó khăn trong đời sống, giữ vững trật tự xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng, các đoàn thể quần chúng, dân quân tự vệ và lực lượng vũ trang, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động trên tất cả các mặt. Công tác truy quét bọn phản cách mạng, bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội Thực hiện chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước đối với những người trước đây đứng trong hàng ngũ của địch, trong hơn hai năm đã có 12.134 binh lính, nhân viên ngụy quyền ra trình diện, phần lớn họ được tổ chức học tập, cải tạo tại phường. Sau khi học tập, quản chế tại địa phương, hơn 90% được phục hồi quyền công dân trong dịp bầu cử Quốc hội, các ngày lễ lớn. Kết quả đó đã tạo được sự an tâm, phấn khởi, tin tưởng của những gia đình có người tham gia chế độ cũ. Qua các đợt học tập chính trị, quần chúng đã hiểu rõ đường lối, nhiệm vụ của cách mạng trong giai đoạn mới, hiểu rõ trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của người công dân, tạo được sự chuyển biến trong thực hiện quyền làm chủ tập thể, từng bước khắc phục những nhận thức lệch lạc, mơ hồ về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, những tư tưởng và hành động tiêu cực; đấu tranh phê phán những sai trái trong nội bộ, phát huy tinh thần đoàn kết tương trợ giúp đỡ nhau. Qua học tập, phát động, nhiều cốt cán được chọn lọc bổ sung cho đội ngũ cán bộ chính quyền các cấp, giúp cho chính quyền phát huy hiệu lực trong thực hiện chức năng quản lý hành chính, quản lý kinh tế, quản lý đời sống nhân dân. Công tác khôi phục và phát triển kinh tế, văn hoá, chăm lo đời sống nhân dân Các ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, điện, nước đã khắc phục việc thiếu hụt thiết bị, duy trì hoạt động, giữ vững công suất hàng triệu kW giờ điện, gần 3 triệu m3 nước phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Các xưởng cơ khí nhỏ đã bảo đảm việc sửa chữa các phương tiện vận tải, máy móc nông nghiệp, cải tiến, chế tạo một số máy móc, công cụ chế biến nông sản thực phẩm. Những sản phẩm làm ra tuy chưa nhiều, chất lượng chưa cao nhưng đã biểu hiện sự cố gắng của ngành cơ khí đang rất nhỏ bé sau chiến tranh. Một số xí nghiệp, cơ sở sản xuất như xưởng cao lanh Trại Mát, xí nghiệp phân bón Trại Mát, nhà máy sứ Thiên Nhiên, các công trường khai thác đá đã khắc phục khó khăn về nhiên liệu, máy móc, thiết bị sửa chữa thay thế để duy trì hoạt động bảo đảm chỉ tiêu kế hoạch. Về nông nghiệp, sản phẩm rau ở Đà Lạt được xác định chiếm vị trí quan trọng đối với toàn bộ nền kinh tế của thành phố. Do vậy, ngay từ đầu các tầng lớp nhân dân đã tập trung mọi cố gắng, khắc phục khó khăn về giống, phân bón, thuốc trừ sâu để từng bước phát triển sản xuất rau cả về diện tích, năng suất và sản lượng. Trên mặt trận lưu thông phân phối, thành phần thương nghiệp quốc doanh có nhiều cố gắng để từng bước quản lý những mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống, nhờ vậy đã góp phần làm cho giá cả thị trường ít biến động lớn, hạn chế nạn đầu cơ tích trữ, nâng giá. Về công tác quản lý lao động, trên cơ sở đẩy mạnh sản xuất, khôi phục, phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản, từng bước bảo đảm việc làm cho số đông người có nghề, giảm bớt số thất nghiệp. Riêng số người không có hoặc thiếu đất sản xuất đã thực hiện chủ trương đi xây dựng vùng kinh tế mới. Tính đến giữa năm 1976, 756 hộ gồm 4.275 người đi xây dựng vùng kinh tế mới ở các huyện Di Linh, Đức Trọng, Đơn Dương. Hầu hết người đi xây dựng vùng kinh tế mới đều cần cù lao động, khắc phục khó khăn, khai hoang phục hóa, đẩy mạnh sản xuất. Các ngành giao thông vận tải, thương nghiệp, vật tư, xây dựng cơ bản, tài chính, ngân hàng đều nỗ lực củng cố và ổn định tổ chức, đưa hoạt động của ngành đi dần vào nề nếp, đúng phương hướng và bước đầu phục vụ cho sản xuất và đời sống nhân dân. Cùng với đẩy mạnh sản xuất, sự nghiệp văn hoá, giáo dục, y tế và xã hội cũng từng bước hoạt động có hiệu quả. Công tác thông tin - văn hoá bằng nhiều hình thức, phong phú đã tích cực góp phần vào việc tuyên truyền giáo dục, động viên quần chúng thực hiện đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương, xây dựng nếp sống văn hoá vui tươi lành mạnh, nâng cao tinh thần làm chủ tập thể, ý thức lao động sản xuất, xây dựng đất nước, đấu tranh bài trừ tàn dư của các loại văn hoá phẩm phản động, đồi trụy. Các chính sách thương binh xã hội từng bước triển khai tốt, tổ chức cho nhân dân học tập các chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác thương binh, liệt sỹ, bước đầu đã công nhận và giải quyết chính sách cho 109 gia đình thương binh, liệt sỹ.
|
||||
|
|
|||
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH
PHỐ ĐÀ LẠT |