|
||
PHẦN THỨ NHẤT LƯỢC SỬ VÀ TRUYỀN THỐNG ĐẤU TRANH
ĐÀ LẠT, 30 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN (1975 - 2005) 2. PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG, THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CẢI TẠO VÀ XÂY DỰNG QUAN HỆ SẢN XUẤT MỚI XÃ HỘI CHỦ NGHĨA (1977 - 1986) Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Đà Lạt lần thứ nhất Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Đà Lạt lần thứ nhất được tiến hành từ ngày 26 đến ngày 28-8-1977. Về dự Đại hội có 63 đại biểu thay mặt cho 180 đảng viên trong toàn Đảng bộ. Đại hội quán triệt đường lối chung và đường lối kinh tế của Đảng, nắm chắc hai mục tiêu cơ bản và cấp bách trước mắt là: Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội và cải thiện một bước đời sống của nhân dân. Củng cố một bước vững chắc an ninh chính trị và trật tự xã hội; dấy lên một khí thế cách mạng sôi nổi trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân để đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất nhằm xây dựng chế độ mới, nền kinh tế mới, con người mới mà trọng tâm trước mắt là phát triển mạnh mẽ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thực hiện mục tiêu hàng đầu là giải quyết cơ bản vấn đề lương thực tại chỗ. Đại hội đề ra nhiệm vụ, mục tiêu của thành phố trong hai năm là: “Trên cơ sở phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, ra sức xây dựng hệ thống chuyên chính vô sản ngày càng vững mạnh là cơ sở đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội cả bên trong và bên ngoài thành phố ngày càng tốt hơn, tiến lên thật sự ổn định. Ra sức xây dựng phát triển kinh tế và văn hóa theo hướng vừa giữ vững sản xuất rau vừa nhanh chóng phát triển các ngành tiểu thủ công nghiệp, từng bước xây dựng nền văn hóa mới, con người mới. Đồng thời khẩn trương đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội theo hướng hoàn thành công cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, giao thông vận tải, nhà đất, đẩy mạnh cải tạo nông nghiệp, kết chặt tổ chức sản xuất, phân bổ lại lực lượng lao động, chuyển một phần lớn tiểu thương sang sản xuất, nhằm xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố lao động sản xuất, trung tâm văn hóa, du lịch, nghỉ dưỡng”. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố gồm 17 uỷ viên chính thức, 2 uỷ viên dự khuyết; Ban Chấp hành đã bầu 6 uỷ viên Ban Thường vụ, ông Huỳnh Minh Nhựt giữ chức Bí thư Thành uỷ. Thực hiện phương hướng mục tiêu nhiệm vụ do Đại hội đại biểu lần thứ nhất thành phố đề ra trong điều kiện chung của cả nước gặp nhiều khó khăn do liên tiếp bị thiên tai, đặc biệt là cuộc chiến tranh ở hai đầu biên giới phía Bắc và Tây Nam, đã ảnh hưởng trực tiếp tới địa phương. Khó khăn nhất vẫn là lương thực và các vật tư phục vụ sản xuất và đời sống, bộ máy và đội ngũ cán bộ các cấp vừa thiếu lại vừa yếu, nhiều ban ngành chưa được hình thành, việc phân cấp quản lý trong quá trình chuyển giao có nhiều mặt còn chồng chéo, nhất là các cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ sản xuất, phục vụ đời sống, trong điều kiện đó các cấp chính quyền vừa triển khai công việc vừa tiếp tục sắp xếp, xây dựng củng cố bộ máy từ thành phố đến phường. Tiến hành phân bổ lại lao động, chuyển cho được số người không có nghề nghiệp, việc làm về sản xuất nông nghiệp ở nông thôn, khai hoang phục hóa, xây dựng vùng kinh tế mới, chuyển một số lao động tiểu thủ công sang trồng rừng và chăn nuôi. Phát triển các loại cây rau, hoa, dược liệu, tăng thêm diện tích, năng suất và sản lượng. Đối với ngành tiểu thủ công nghiệp, củng cố và mở rộng hợp tác xã, tổ chức sản xuất với yêu cầu dựa vào nguồn nguyên liệu của địa phương là chủ yếu, tăng khối lượng hàng hóa và chủng loại phục vụ cho sản xuất, đời sống và xuất khẩu, giải quyết một phần lương thực, thực phẩm tại chỗ, đẩy mạnh sản xuất màu, chăn nuôi. Về nông nghiệp, đi đôi với công tác cải tạo là tổ chức, đẩy mạnh phát triển sản xuất, bảo đảm đời sống nhân dân. Từ kinh nghiệm xây dựng tập đoàn sản xuất rau Tự Phước, trong hai năm 1978-1979 đã có 70 đến 80% hộ nông dân trồng rau vào các tập đoàn sản xuất với hình thức tập thể hóa toàn bộ tư liệu sản xuất, số còn lại tham gia vào tổ sản xuất với hình thức thấp. Các cấp đã chỉ đạo việc điều tra cơ bản về đất đai, vật tư, lao động, chuẩn bị đội ngũ cán bộ quản lý tập đoàn, xây dựng cơ sở nòng cốt cho công tác phát động, giải quyết chính sách cho nông dân, thành lập ban cải tạo của thành phố và các phường, các ban vận động theo khu vực tập đoàn, đánh giá tư liệu để công hữu hóa, xác định quy mô tập đoàn phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương. Về cải tạo nông nghiệp, phương hướng và nhiệm vụ cơ bản là: “Không chỉ nhằm thay đổi chế độ sở hữu về tư liệu sản xuất mà chính là nhằm tổ chức lại sản xuất và phát triển sản xuất, tổ chức phân công lại lao động, nâng cao năng suất lao động, cải thiện đời sống, tăng tích luỹ, tăng xuất khẩu. Từng bước gắn cải tạo ngành sản xuất rau theo hướng tập trung chuyên canh, thâm canh, gắn quy hoạch vùng rau với quy hoạch chung của thành phố…”. Cải tạo quan hệ sản xuất cũ, xây dựng quan hệ sản xuất mới xã hội chủ nghĩa là một cuộc vận động cách mạng có ảnh hưởng sâu sắc trong nông thôn và tác động mạnh mẽ đến nông nghiệp, công thương nghiệp, giao thông vận tải và sự phát triển của các ngành khác. Về lâm nghiệp, thực hiện việc khoanh cấm 42.000 ha rừng thông ở Đà Lạt và chăm sóc, tu bổ, trồng rừng, bảo vệ rừng nhằm góp phần phát triển kinh tế, giữ được vẻ mỹ quan và không khí trong lành của thành phố. Công tác y tế, giáo dục, xã hội, thương binh xã hội, thông tin văn hóa đã có nhiều cố gắng trong việc chăm lo đời sống tinh thần và sức khỏe cho nhân dân, mạng lưới y tế từ thành phố đến phường đã có sự chấn chỉnh và đi vào hoạt động nề nếp, nhất là trong công tác tiêm phòng dịch bệnh, phát động phong trào vệ sinh trong nhân dân, đã quan tâm nhiều đến vùng kinh tế mới, đồng bào dân tộc vùng ven. Ngày 10-7-1978, Ban Thường vụ Thành uỷ ra Nghị quyết 04/TVTU về nhiệm vụ công tác quân sự địa phương trong những năm 1978-1980, chỉ rõ một số tình hình nổi bật trong nước cũng như ở địa phương : Đế quốc Mỹ vẫn đang âm mưu dùng các lực lượng phản động mà chúng đã nuôi dưỡng trước đây câu kết với lực lượng ngụy quân, ngụy quyền, đảng phái phản động tan rã tại chỗ để tìm mọi cách gây bạo loạn lật đổ. Trong khi đó, bọn phản động bên ngoài tiến hành gây chiến tranh ở biên giới phía Bắc và Tây Nam của Tổ quốc nhằm phá hoại sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa của nước ta. Tại địa phương, âm mưu hoạt động của địch là móc nối xây dựng cơ sở, xây dựng lực lượng vũ trang và bán vũ trang trong các tổ chức phản động FULRO, “Lực lượng phục hưng quốc gia”, “Cộng hòa Tây Nguyên tự trị”. Chúng đã hình thành các bộ khung từ tiểu đoàn, phân chi khu, tiểu khu và phân chia địa bàn hoạt động. Bọn phản động đội lốt tôn giáo hoạt động ngày càng tinh vi hơn, đẩy mạnh tuyên truyền xuyên tạc phong trào làm ăn tập thể, tổ chức nắm quần chúng giáo dân, một số ngụy quân, ngụy quyền, đảng phái phản động tiếp tục hoạt động chống phá cách mạng. Xuất phát từ tình hình trên, Đảng bộ Đà Lạt chủ trương đẩy mạnh phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, kiện toàn các tổ chức đoàn thể, dân quân du kích, xây dựng lực lượng vũ trang, mở các đợt truy quét bọn FULRO và các tổ chức phản động khác, kết hợp giữa đẩy mạnh sản xuất và sẵn sàng chiến đấu. Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Đà Lạt lần thứ II Từ ngày 8 đến ngày 10-6-1979, Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Đà Lạt được tổ chức. Về dự Đại hội có 125 đại biểu thay mặt cho hơn 1.300 đảng viên thuộc 83 tổ chức cơ sở Đảng trong toàn thành phố. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành khóa II gồm 25 thành viên, Ban Thường vụ có 7 ủy viên, ông Huỳnh Minh Nhựt được bầu làm Bí thư. Trên cơ sở đánh giá những thành tựu, khuyết điểm yếu kém trong nhiệm kỳ trước, Đại hội đã xác định phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 1979-1982 là: “Nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của tập thể nhân dân lao động, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn, ra sức sản xuất, phát triển kinh tế theo yêu cầu: giữ vững sản xuất rau và các loại cây đặc sản khác, đẩy mạnh chăn nuôi, tăng cường lương thực, tích cực phát triển tiểu thủ công nghiệp, tăng nguồn hàng xuất khẩu; khẩn trương cải tạo quan hệ sản xuất trên mọi lĩnh vực, kết hợp tích cực phân công lao động trên phạm vi thành phố. Tăng cường xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật theo hướng từng bước hình thành cơ cấu công-nông nghiệp. Trong hướng đi lên lâu dài xây dựng Đà Lạt thành thành phố văn hóa, khoa học kỹ thuật, du lịch và nghỉ dưỡng. Ra sức xây dựng, củng cố quốc phòng, tăng cường công tác an ninh đi đôi với phát triển kinh tế, đẩy mạnh phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, xã hội nhằm từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Xây dựng Đảng, chính quyền, các đoàn thể ngày càng vững mạnh bảo đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới”. Để thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ, mục tiêu trên đây chính quyền các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh, từng bước tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất, phân phối lưu thông, quản lý thị trường nên đã tạo được động lực, cách nhìn nhận mới trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện trên một số lĩnh vực quan trọng. Trên cơ sở vận dụng các chủ trương, chính sách của Đảng, Thành uỷ Đà Lạt đã tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn để giữ vững việc ổn định sản xuất các loại rau thương phẩm, đẩy mạnh sản xuất màu và từng bước vận động nhân dân trồng cây dài ngày, chủ yếu là cây cà phê và cây hồng; phát động phong trào “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để xây dựng cơ sở vật chất cho vùng rau. Đối với việc sản xuất rau thương phẩm, tuy tình hình chung vẫn còn nhiều khó khăn, song thuận lợi cơ bản là có các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, nhất là sự chỉ đạo trực tiếp của tỉnh, một số chủ trương chính sách mới nên sản xuất đã có xu hướng bung ra, chuyển cơ cấu cây trồng, giá cả thu mua theo thời vụ, đi đôi với việc khoán sản phẩm, thực hiện hợp đồng hai chiều trong các đơn vị sản xuất tập thể. Nhờ đó, tình hình sản xuất nông nghiệp đã có một số mặt phát triển hơn những năm trước. Sản xuất tiểu thủ công nghiệp tuy còn nhiều khó khăn song đã tập trung tháo gỡ vướng mắc để duy trì sản xuất ở một số ngành có chiều hướng phát triển khá như gia công đan thêu, ngành mỹ nghệ, hóa chất. Tổng giá trị hàng năm ước tính trên dưới 15 triệu đồng. Về hoạt động kinh doanh thương nghiệp, Thành uỷ chỉ đạo đẩy mạnh việc thu mua, nắm nguồn hàng, tăng cường công tác quản lý thị trường, quản lý việc buôn bán của tư thương, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh của các hợp tác xã tiêu thụ, quản lý sản phẩm và thực hiện một số chủ trương về giá cả, do vậy việc thu mua đạt được một số kết quả. Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Đà Lạt lần thứ III Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ III được tiến hành từ ngày 3 đến ngày 6-2-1983. Đại hội xác định phương hướng nhiệm vụ chung cho nhiệm kỳ 1983-1985 là: “Tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần tự lực, tự cường; nâng cao nhận thức đường lối chủ trương của Đảng, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực quản lý của chính quyền và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân, đẩy mạnh công cuộc cải tạo và xây dựng kinh tế-xã hội, củng cố quan hệ sản xuất mới, tạo điều kiện cho những năm sau phát triển mạnh mẽ hơn, trên cơ sở đó ổn định và từng bước cải thiện đời sống nhân dân. Nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, tăng cường thực lực cách mạng, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường sức mạnh vật chất tinh thần, xây dựng Đà Lạt thành trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của tỉnh, hướng mọi hoạt động của thành phố phù hợp với phương hướng xây dựng Đà Lạt thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng của cả nước, một thành phố xã hội chủ nghĩa giàu đẹp.” Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ khóa III (nhiệm kỳ 1983-1985) gồm có 29 thành viên, ông Nguyễn Xuân Khanh được bầu làm Bí thư Thành ủy, ông Nguyễn Duy Anh - Phó Bí thư. Trước yêu cầu nhiệm vụ chính trị xây dựng Đà Lạt thành một thành phố du lịch, nghỉ dưỡng, một trong những trung tâm nghiên cứu khoa học kỹ thuật của cả nước; trung tâm chính trị, văn hóa của tỉnh Lâm Đồng, đó là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, là vấn đề chiến lược phải tiến hành lâu dài nhưng đồng thời là yêu cầu cấp bách nhằm biến đường lối, nghị quyết của Đảng thành hiện thực bằng các phong trào hành động cách mạng của quần chúng. Chương trình hành động cho những năm 1983-1985 là: “Động viên mọi nỗ lực của Đảng, chính quyền, các đoàn thể và toàn dân tiếp tục phát huy cao độ ý chí tự lực, tự cường, tinh thần cách mạng tiến công, sức mạnh làm chủ tập thể, sức mạnh tổng hợp, chủ động sáng tạo khai thác tốt nhất các tiềm năng, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh với năng suất, chất lượng hiệu quả ngày càng cao, làm chuyển biến một bước trong công tác quản lý kinh tế của thành phố, gắn với việc hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế xã hội.” Những mục tiêu chính là tập trung sức tạo chuyển biến một bước tình hình các đơn vị cơ sở, phải từ cơ sở đi lên, lấy phục vụ cho các đơn vị cơ sở, tạo chuyển biến ở các đơn vị cơ sở là tiêu chuẩn hàng đầu để đánh giá hiệu quả mọi hoạt động của các cấp, các ngành. Thực hiện cải tiến quản lý kinh tế, cải tiến phân phối, nhất là trong chính sách đòn bẩy kinh tế, cải tiến trong công tác khoán, thực hành khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong các tập đoàn sản xuất và trong hợp tác xã nông nghiệp. Cùng với khôi phục và phát triển sản xuất đã tiến hành củng cố, tăng cường một bước quan hệ sản xuất mới và xây dựng thêm cơ sở vật chất kỹ thuật cho vùng rau, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, xây dựng mới nhiều công trình thủy lợi nhỏ, hạ thế điện để phục vụ cho sản xuất và đời sống. Những cố gắng và tiến bộ bước đầu trong cải tiến quản lý kinh tế đã có tác dụng thúc đẩy sản xuất phát triển, nhất là trong nông nghiệp, năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất đã có bước tiến bộ, chuyển biến theo hướng đi lên, ổn định và phát triển. Về lâm nghiệp, từng bước quy hoạch, đẩy mạnh khâu lâm sinh, khai thác chế biến lâm sản đáp ứng được một phần cho nhu cầu sản xuất, phục vụ đời sống nhân dân, hạn chế việc khai thác rừng bừa bãi và diện tích rừng bị cháy. Ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, tuy gặp khó khăn về cung ứng nguyên liệu, vật tư và thị trường nhưng đã cố gắng duy trì sản xuất, mở rộng diện gia công, nâng tỉ trọng hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu và giải quyết thêm việc làm cho người lao động, giá trị sản lượng tiểu thủ công nghiệp hàng năm đều tăng. Lĩnh vực phân phối lưu thông và dịch vụ tuy vẫn còn nhiều khó khăn phức tạp, nhưng đã có những chuyển biến tiến bộ trong việc nắm hàng, nắm tiền, quản lý giá cả, giữ vững hai mặt hàng trọng yếu là gạo và thịt. Thương nghiệp xã hội chủ nghĩa trong ba năm có bước phát triển cả số lượng và chất lượng, mạng lưới phục vụ, kinh doanh mở rộng hơn trước và bước đầu sắp xếp bố trí hợp lý hơn. Hoạt động tài chính và ngân hàng có nhiều tiến bộ, thu ngân sách và tiền mặt hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch, góp phần quan trọng vào nguồn thu của tỉnh và bảo đảm cơ bản nhu cầu chi của thành phố.
|
||
|
|
|
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH
PHỐ ĐÀ LẠT |