NỘI DUNG CHÍNH

Lời giới thiệu

PHẦN THỨ NHẤT : LƯỢC SỬ
TRUYỀN THỐNG ĐẤU TRANH

Chương I:  Lược sử hình thành và phát triển thành phố Đà Lạt

Chương II: Truyền thống đấu tranh cách mạng

PHẦN THỨ HAI : TỰ NHIÊN
VÀ DÂN CƯ

Chương I: Tự nhiên

Chương II: Dân cư

PHẦN THỨ BA : KINH TẾ

Chương I : Nông nghiệp – lâm nghiệp

Chương II :  Du lịch và dịch vụ

Chương III: Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp

Chương IV : Cơ sở hạ tầng kỹ thuật

PHẦN THỨ TƯ : VĂN HÓA XÃ HỘI

Chương I:   Văn học nghệ thuật, thiết chế văn hóa và báo chí

Chương II: Quy hoạch và kiến trúc

Chương III: Y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ

Chương IV: Tín ngưỡng và tôn giáo

TỔNG LUẬN

Niên biểu thành phố Đà Lạt

Danh sách Bà mẹ Việt Nam anh hùng thành phố Đà Lạt

Danh sách các đơn vị được tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”

Danh sách các Bí thư chi bộ, Thành uỷ Đà Lạt qua các thời kỳ

Danh sách các Thị trưởng Đà Lạt (1901-1975)

Danh sách các Chủ tịch Uỷ ban quân quản, Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Lạt

Alexandre Yersin

Về phong cách Đà Lạt

Người Cơ Ho ở Đà Lạt

Đường phố Đà Lạt

Danh mục các ngôi đình ở Đà Lạt

PHẦN THỨ HAI

TỰ NHIÊN VÀ DÂN CƯ

 

2. ĐỊA CHẤT

1.1   Địa chất kiến tạo

1.1.1  Hoạt động kiến tạo

Căn cứ vào các kết quả nghiên cứu có liên quan về đới kiến tạo Đà Lạt, có thể chia quá trình hình thành lãnh thổ Đà Lạt ra ba thời kỳ :

- Thời kỳ biển;

- Thời kỳ hình thành lục địa;

- Thời kỳ hình thành bậc thềm.

Thời kỳ biển

Vào đại Thái cổ (Ackeozoi, cách đây khoảng 3.000 triệu năm), vỏ lục địa của đới Kon Tum đã ra đời, trong lúc đó phía nam của khối Kon Tum là biển. Trên địa phận Đà Lạt, chế độ biển vẫn tồn tại qua cả đại Nguyên sinh (Proteozoi, cách đây khoảng 2.000 triệu năm) và đại Cổ sinh (Paleozoi, cách đây khoảng 600 triệu năm).

Thời kỳ hình thành lục địa

Thời kỳ này bắt đầu từ cuối kỷ Jura kéo dài đến hết kỷ Kreta, cuối đại Trung sinh (cách đây khoảng 100 triệu năm). Trong thời kỳ này đã diễn ra nhiều hoạt động macma mãnh liệt tạo ra các thành hệ xâm nhập và thành hệ phun trào đã chia cắt, làm biến dạng, biến chất và bao phủ lên các trầm tích có trước. Các thành hệ phun trào đaxit, anñezit đã tạo nên những khối núi to lớn, địa hình sắc sảo. Các thành hệ xâm nhập đã tạo nên các khối, dãy núi granit ở ven vùng địa khối như tây nam Du Sinh, giáp với Nam Ban, Tà Nung,... Cùng với đá mạch lampocfia, đá phun trào (riolit, riođaxit, tuf núi lửa,…) được tìm thấy ở khu vực phía đông bắc, đông nam Đà Lạt, từ Datanla đến Fimnom). Các hoạt động này kéo dài suốt 30 triệu năm của kỷ Kreta, được các nhà địa chất xác định thành nhiều pha riêng biệt. Móng trực tiếp của địa khối là các đá trầm tích Jura giữa – muộn hiện lộ ra ở một số nơi, còn phần lớn đã bị các xâm nhập Kreta xuyên cắt qua hoặc phủ chồng lên. Các thành tạo tuổi Kreta bao gồm các đá trầm tích và phun trào lục địa, phân bố điển hình quanh Đà Lạt.

Sau khi hình thành lục địa, lãnh thổ Đà Lạt trải qua một giai đoạn yên tĩnh về kiến tạo và chịu sự tác động của ngoại lực. Các quá trình phong hóa, xói mòn, rửa trôi, lắng đọng,… đã gọt giũa dần bề mặt địa hình khiến cho các địa hình cổ đã bị san phẳng gần hết. Các hoạt động kiến tạo trong thời kỳ này xảy ra trên diện hẹp, quy mô nhỏ và yếu nên không làm biến đổi lớn vỏ lục địa đã hình thành. Thời kỳ này kéo dài suốt kỷ Paleogen của đại Tân Sinh (Kainozoi) khoảng 30 triệu năm. Đến cuối kỷ Paleogen, một đồng bằng rộng lớn kiểu bóc mòn bằng phẳng, hơi lượn sóng với các đồi núi sót cao 300-400m có sườn thoải đã bao trùm cả Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ.

Thời kỳ hình thành cao nguyên bậc thềm

Cách đây hơn 25 triệu năm, vùng Tây Nguyên chưa phải là cao nguyên. Sự hình thành cao nguyên diễn ra trong thời kỳ tân kiến tạo từ kỷ Neogen đến kỷ Đệ Tứ thuộc đại Tân sinh.

Trong quá trình tạo thành cao nguyên bậc thềm đã xảy ra 3 đợt lớn:

Đợt 1 : Vào Mioxen giữa (có tác giả cho rằng còn sớm hơn, vào cuối Oligoxen), sự hoạt hoá kiến tạo mạnh kèm theo xâm nhập đã nâng cao địa hình với cự ly nơi mạnh nhất khoảng 500-700m. Do đợt vận động tạo núi này, toàn bộ khu vực Lâm Đồng đều được nâng lên, trong đó vùng Đà Lạt được nâng lên cao hơn hẳn so với vùng chung quanh. Đợt vận động này cũng đẩy lên cao hơn các khối núi granit thâm nhập thấp đã có từ trước và như vậy vùng nổi cao Đà Lạt đã được hình thành.

Tiếp đó, các vận động nâng cao chậm và yếu dần nhường chỗ cho quá trình phá hủy của ngoại lực, từ đó đã tạo ra các bề mặt bằng phẳng dạng thung lũng rộng với các dãy núi cao trên 1.000m. Đây là các dãy núi sót hoặc các đỉnh do các khối granit xâm nhập lộ ra.

Đợt 2 : Đến giữa Plioxen các hoạt động phun trào macma (chủ yếu là bazan) xảy ra rầm rộ kèm với các hoạt động xâm nhập, một lần nữa địa hình được nâng lên 500 - 600m. Quá trình phát triển các hệ thống đứt gãy mới, mở rộng diện tích các vùng võng hạ đã tạo tiền đề cho các hoạt động phun trào bazan mạnh mẽ, rộng khắp lãnh thổ Tây Nguyên trong Plioxen. Quá trình kiến tạo xảy ra mạnh mẽ và phân dị rõ, bên cạnh các vùng được nâng lên với cường độ khác nhau còn tồn tại các bộ phận tương đối yên tĩnh. Các biểu hiện kiến tạo như vậy, cộng với các quá trình ngoại sinh đã làm biến dạng bề mặt san bằng tuổi Oligoxen trước đó, thậm chí biến cải để tạo nên địa hình đồi và núi thấp, các phần trũng được lấp đầy bởi các vật liệu phun trào, trạng thái địa hình tương phản của địa hình giảm đi đáng kể. Chính cảnh quan núi lửa với trạng thái địa hình ít tương phản đã tạo điều kiện để lắng đọng tập trầm tích hạt mịn, cũng như tạo các lớp sét bentonit và điatomit.

Trong thời gian này hoạt động phun trào bazan xảy ra mạnh mẽ phủ lên một vùng rộng lớn từ Bảo Lộc - Di Linh đến Đức Trọng - Lâm Hà một lớp bazan có tuổi Neogen. Tuy nhiên, tại vùng Đà Lạt hầu như chỉ chịu tác động của hoạt động xâm nhập mà không có phun trào nên tiếp tục được nâng cao làm cho các thành tạo trước đó bị uốn nếp mạnh mẽ, các dãy núi phía đông, tây và bắc Đà Lạt được nâng cao thêm. Đến cuối Plioxen địa hình Lâm Đồng đã có dạng bậc rõ ràng, hoạt động nâng cao địa hình và phun trào giảm dần và đi vào thời kỳ yên tĩnh nhường chỗ cho quá trình ngoại sinh san phẳng địa hình.

Đợt 3 : Vào giai đoạn đầu của kỷ Đệ Tứ (cách đây độ 3 triệu năm), hoạt động kiến tạo lại bùng nổ, lãnh thổ Lâm Đồng được nâng cao với cự ly 400 - 500m. Một mặt các dung nham bazan (tuổi Plioxen hay Đệ Tứ) trào ra theo khe nứt rất phổ biến và đã phủ lên các đồng bằng bóc mòn tích tụ vốn là địa hình thấp nhất lúc bấy giờ. Cùng với phun trào, các hoạt động nâng lên vẫn tiếp tục dọc theo các nếp oằn và đứt gãy đã hoạt động lâu dài từ trước. Các khối tảng như Đà Lạt được tiếp tục nâng cao và sự tương phản địa hình càng rõ nét. Phun trào bazan cũng làm đổi dòng các sông suối, nhiều hệ thống sông suối được đổi mới và trẻ hoá. Các dịch chuyển theo đứt gãy làm đảo lộn các lớp đá Neogen và bazan, tạo nên tính chất khối tảng của địa hình.

Các hoạt động phun trào bazan này diễn ra dưới dạng vừa chảy tràn vừa phun nổ, do đó các lớp đá bazan hình thành có nhiều lỗ hổng, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phong hoá sau này để hình thành nên lớp đất có phẩu diện rất dày và cấu trúc tốt. Trong giai đoạn này địa khối Đà Lạt chỉ chịu sự tác động yếu ớt, bazan phun trào xảy ra ở diện nhỏ và lẻ tẻ ở Datanla, Cam Ly, Tà Nung, Xuân Trường, Xuân Thọ với chiều dày mỏng; vùng Đà Lạt qua chu kỳ này càng vượt cao và uốn nếp tăng thêm. Phần lớn các nhà địa chất cho rằng đợt phun trào bazan này là đợt cuối trên lãnh thổ.

Nửa sau của kỷ Đệ Tứ, lãnh thổ Đà Lạt vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng của các vận động kiến tạo nhưng với cường độ yếu kiểu mạch động nhưng vắng bóng hẳn các hoạt động phun trào.

Sau 3 đợt nói trên, lãnh thổ Đà Lạt có dạng cao nguyên bậc thềm. Từ đó đến nay hoạt động ngoại sinh hoàn thiện dần bộ mặt như hiện nay.

1.1.2       Các địa tầng và đứt gãy kiến tạo

Địa tầng

Thành phố Đà Lạt nằm trong “trũng Đà Lạt” là một đơn vị cấu trúc trong cấu trúc Đông Nam Bộ - Nam Bộ, nằm ở phía nam địa khối Kon Tum và phía đông nam đới rifter Cửu Long.

Đây là miền hoạt hoá macma kiến tạo trên nền với mức độ hoạt động mạnh. Các đơn vị cấu trúc chính gồm có :

-        Các thành hệ kiến trúc trước Mezozoi muộn.

-        Thành hệ kiến trúc hoạt hoá macma kiến tạo Mezozoi muộn – Kainozoi gồm có 3 thành hệ:

* Phụ thành hệ dưới (T2) lấp đầy các vật liệu tướng biển nông. Đây là thời kỳ nếp võng tương đối, kiểu khối tảng, không có nghịch đảo kiến tạo, uốn nếp.

* Phụ thành hệ giữa (J3-K) lấp đầy bởi các vật liệu núi lửa và xâm nhập nhiều thời kỳ và nhiều thành phần. Đây là giai đoạn bột phát, bồn trũng bị phân di mạnh, hoạt động xâm nhập, phun trào mãnh liệt.

* Phụ thành hệ trên (N-Q) lấp đầy bởi các vật liệu núi lửa trên lục địa.

Các địa tầng chính trên lãnh thổ Đà Lạt gồm hai giới : Mezozoi và Kainozoi.

-             Giới Mezozoi

* Hệ Jura, bậc giữa (J2)

Trầm tích Jura gồm toàn hướng biến chất và uốn nếp mạnh. Mặt cắt bắt đầu bằng một tập cơ sở dày 350 - 400m gồm những lớp cuội kết, sạn kết và cát kết đa khoáng hạt thô, có đôi lớp xen sét vôi và bột kết chứa hóa thạch động vật biển thuộc bậc Sinêmus của thống dưới hệ Jura. Phần giữa gồm bột kết, đá phiến sét, đá vôi sét và cát kết hạt mịn chứa các hóa thạch chân rìu và các hóa thạch Jura sớm. Phần trên cùng gồm các lớp phiến sét, bột kết và cát kết hạt thô chứa các hóa thạch biển thuộc phần cao của Jura sớm và bậc alen của Jura giữa. Cả điệp này dày trên 2.000m.

Các trầm tích Jura giữa này thường bị uốn nếp mạnh, nhiều nơi bị xâm nhập Kreta xuyên qua, gây nên nhiều diện rộng bị sừng hóa. Đồng thời ở nhiều nơi chúng bị phủ không chỉnh hợp bởi các thành tạo Kreta, Neogen và kỷ Đệ Tứ.

* Hệ Kreta

Hệ tầng Đơn Dương tuổi Kreta bao gồm các đá trầm tích và phun trào lục địa, phân bố quanh vùng Đà Lạt. Ở vùng Đà Lạt - Đơn Dương hệ tầng này dày khoảng 1.000-2.000m.

Phần dưới cùng gồm cuội kết, sạn kết, cuội kết tuf, xen những lớp mỏng fenzit, riolit pocfia, cát kết, bột kết màu đỏ gu, dày khoảng 200m. Tập này nằm thoải trên các khối granitoit tuổi Kreta sớm và trầm tích Jura.

Tầng kế gồm riolit pocfia, riolito - đaxit pocfia, đaxit oandezit pocfia, xen đôi lớp mỏng cát kết, bột kếp tuf và sạn hoặc cát kết, chiều dày khoảng 350 - 450m.

Tiếp theo là tầng cát kết, bột kết tuf, đá phiến sét đỏ gụ xen lẫn nhau, dày khoảng 150m.

Tầng trên cùng là đaxit pocfia, tuf đaxit, riolit đaxit, riolit pocfia, dày khoảng 400m. Trong bột kết hệ tầng Đơn Dương chỉ phát hiện được loài Lygodium sp., Picea sp. Oedrus sp. là các phấn hoa thường gặp trong Kreta sớm. Xuyên qua các hệ tầng có các xâm nhập granit Kreta muộn.

- Giới Kainozoi

Bazan ở Đà Lạt được xếp vào loại bazan Pleixtoxen giữa - muộn, phát triển không nhiều ở phía tây và đông nam thành phố Đà Lạt. Đó là các bazan clivin kiềm, đolerit clivin kiềm, dày khoảng 90 - 120m. Trong các diện bazan này thường gặp các thành tạo phun nổ và các thể đá siêu mafic kiềm, meimetrit, pirit, okeanit, ankaramit, các bao thể và khoáng vật olivin, ogit, anbit, zircon, magnetit, ilmenit, cromspinen, grơna, các mảnh đá phiến kết tinh, granit,… Các bazan này gồm 1- 4 lớp cách nhau bởi các bề mặt phong hóa đất đỏ laterit hóa yếu, đôi khi có xen vài lớp sa khoáng vôi và vật liệu bở rời (2 - 15cm) phủ trên các thềm sông cổ.

* Hệ Đệ Tứ

Ở Tây Nguyên nói chung và lãnh thổ Đà Lạt nói riêng, trầm tích bở rời hệ Đệ Tứ ít phát triển. Loại bồi tích hiện đại phát triển ở nhiều nơi, dày khoảng 4 - 5m, có thành phần mặt cắt rất thay đổi gồm : cuội, sỏi, cát, bột, sét, có nơi có than bùn như tại vùng Măng Lin. Vỏ phong hóa rất phát triển và thay đổi tùy theo các thành tạo địa chất và địa hình. Chiều dày phong hóa thay đổi từ 0 đến vài chục mét, đáng chú ý là vỏ phong hóa kiểu caolinit trên một số đá axit.

Macma xâm nhập

Trên lãnh thổ Đà Lạt, các thành tạo macma xâm nhập phổ biến và đa dạng, thường tạo ra những thể xâm nhập có diện lộ khá lớn.

Các thành tạo xâm nhập Mezozoi muộn – Kainozoi phổ biến rộng rãi ở khu vực phía nam Tây Nguyên, tạo thành nhiều thể xâm nhập có kích thước từ vừa đến lớn, rải rác xuyên qua các thành tạo cổ hơn, mức độ gây biến chất các đá chung quanh khá mạnh mẽ, có nơi được các thành tạo mới hơn phủ lên và bao gồm hai loại : xâm nhập granodiorit và granit, xâm nhập granit - granoxienit.

* Xâm nhập granodiorit và granit thường tạo thành các thể xâm nhập từ vừa đến lớn. Các thể xâm nhập thường có diện lộ không đều, có khi là những khối kéo dài theo phương đông bắc - tây nam. Chúng gây biến chất các đá chung quanh và tạo thành đá sừng (cocdierit biotit, cocdierit chiastolit) trong các đá trầm tích Jura. Thành phần thạch học của đá granodiorit và granit ở đới tiếp xúc trong phổ biến là xienit diorit, pyrotxen,...

Đá mạch nói chung ít phổ biến, thường chỉ gặp granodiorit pocfia, aplit. Đá mạch phân bố chủ yếu trong phạm vi khối hoặc ở đới ven rìa dưới dạng những đai mạch nhỏ kéo dài hàng chục mét.

Thành phần khoáng vật chủ yếu là plagiocla, octocla, thạch anh, hocblen, biotit và py­rotxen.

Nhìn chung, granodiorit và granit khá phổ biến ở Đà Lạt, phân bố ở Prenn, Datanla, Tà Nung,… Granit thường tạo thành các thể xâm nhập độc lập. Các granit này có khi bị anbit hóa, thạch anh hóa. Đi kèm với chúng có khoáng hóa đặc trưng.

Tuổi của chúng xếp vào Jura muộn – Krêta, chúng xuyên qua trầm tích Jura hạ và có tuổi tuyệt đối khoảng 100 triệu năm.

* Xâm nhập granit – granoxienit phân bố khá rộng rãi ở phía bắc và tây Đà Lạt, Cam Ly - Tà Nung, Láp-bê Nam, Trại Mát, Trại Hầm,… thường tạo thành các thể xâm nhập từ vừa đến lớn.

Đứt gãy kiến tạo

Trong suốt lịch sử hình thành, địa khối Đà Lạt còn bị các chấn động địa cầu khu vực tác động, cộng với các lực co rút của các khối đá macma đã làm biến dạng, méo mó các khối xâm nhập, làm xê dịch, uốn nếp, vò nhàu, dập nát các lớp đá trước đó và làm biến cải bình đồ kiến tạo.

Tại thành phố Đà Lạt hoạt động đứt gãy khá phong phú với nhiều phương khác nhau, trong đó phổ biến nhất là theo phương đông bắc - tây nam (lộ rõ ở khu vực thác Cam Ly, thác Datanla).

Các đứt gãy xuất hiện vào cuối kỷ Kreta trong Paleogen, phát triển chủ yếu theo phương đông bắc - tây nam kéo dài hàng trăm cây số, xuyên cắt suốt từ bắc địa khối, qua hết cao nguyên Di Linh xuống đến Đồng Nai, hình thành các đới cà nát. Chúng bộc lộ rõ rệt trên các vùng được tạo dựng bởi xâm nhập granit tuổi Kreta với các phun trào cùng tuổi và bị trầm tích bazan phủ lấp.

Lực co rút theo phương ngược lại yếu và muộn hơn, tạo nên hệ thống đứt gãy ngược phương. Đi kèm với các đứt gãy là hệ thống khe nứt dạng lông chim hoặc các đứt gãy đi cùng mà sau này các sông suối đặt lòng trên đó. Suối Cam Ly cũng là một vết đứt gãy mà các thung lũng hẹp dọc sân Cù, chợ Đà Lạt, suối Phan Đình Phùng thuộc hệ thống chân chim của vết đứt gãy đó.

1.2 Địa chất công trình

Có thể phân vùng địa chất công trình của thành phố Đà Lạt ra thành 3 nhóm:

1.2.1 Nhóm vùng kiến tạo - xâm thực núi trung bình

Nhóm này phân bố ở khu vực núi cao trung bình phía bắc và sườn phía đông Đà Lạt, khu vực đèo Prenn. Tham gia vào kiến trúc địa chất của vùng có đá biến chất kết tinh, đá xâm nhập, phun trào axit và một ít phun trào Kainozoi cũng như lục nguyên Paleozoi và Mezozoi.

Địa hình có độ cao tuyệt đối 1.200 - 1.500m, phân cắt sâu 300 - 500m, phân cắt ngang 0,8 - 1km/km2, thung lũng sông thường hẹp, dốc đứng, nhiều thác ghềnh, mặt cắt dọc sông có độ dốc lớn (10 - 15o, có khi lớn hơn). Tầng chứa nước liên tục hầu như không gặp, nước dưới đất phần lớn tồn tại trong mùa mưa lũ.

Vận động tân kiến tạo khá mạnh, các quá trình ngoại sinh chủ yếu là phong hoá, xâm thực của nước tràn bề mặt và dòng chảy, đổ đá, sụt đá và trượt lỡ.

Đất đá cấu tạo nền thuộc loại đá cứng, đất mềm rời thường lẫn nhiều dăm vụn và bề dày mỏng đất trung bình. Ở đáy sông có cuội, đá tảng nhưng hiếm cát. Đá cuội, đá tảng được sử dụng làm vật liệu xây dựng chất lượng tốt.

Khu vực vùng kiến tạo - xâm thực núi trung bình này không thích hợp cho xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp, đường dây tải điện, đường ống. Ở đây có thể xây dựng đường giao thông, các công trình thuỷ lợi loại nhỏ đến trung bình cũng như các công trình quốc phòng.

1.2.2 Nhóm vùng xâm thực bào mòn núi thấp xen đồi

Nằm kề khu vực trên là lãnh thổ các vùng xâm thực bào mòn núi thấp xen đồi, phân bố ở khu vực Xuân Trường, Xuân Thọ, phía tây Đà Lạt. Trong kiến trúc địa chất khu vực này có sự tham gia của đá biến chất Proterozoi, đá xâm nhập Paleozoi, Mezozoi, các thành tạo lục nguyên phun trào Paleozoi, Mezozoi, trầm tích lục nguyên Mezozoi muộn và một ít phun trào Kainozoi.

Các núi, đồi thường có độ cao 1.200 – 1.300m, phân cắt ngang trung bình 0,5 - 0,7km/km2, sườn thoải, mương xói phát triển nhiều nơi.

Các khu vực này tương đối thuận lợi cho xây dựng các loại công trình vì đá nền cứng, cung cấp nước khá thuận lợi vì nước dưới đất ở những chỗ thấp, thoải đã hình thành tầng chứa nước liên tục, vật liệu xây dựng khá phong phú.

1.2.3 Nhóm vùng bóc mòn - xâm thực bình sơn và cao nguyên

Đặc trưng là bình sơn nguyên Đà Lạt, có độ cao tuyệt đối 1.400 - 1.500m, lãnh thổ được cấu tạo từ đá biến chất Proterozoi, đá xâm nhập và lục nguyên phun trào Mezozoi, lục nguyên Paleozoi, Mezozoi giữa và ít phun trào bazan Kainozoi. Do tác động của quá trình bình nguyên hóa trong kỷ Neogen nên lãnh thổ địa hình cao nguyên khá bằng phẳng. Thỉnh thoảng gặp một số đồi núi sót vượt cao so với chung quanh 50 - 200m, cá biệt có đỉnh cao hơn, sườn thoải, mức độ phân cắt sâu 50 - 100m. Nước dưới đất đã hình thành tầng chứa nước liên tục, song độ phong phú nước thấp, tầng chứa nước nằm sâu 5 - 10m có khả năng ăn mòn bêtông yếu.

Vận động tân kiến tạo yếu, quá trình phong hóa feralit và mương xói, xói mòn bề mặt phổ biến.

Lãnh thổ các vùng này hoàn toàn có khả năng xây dựng các công trình, nhất là công trình công nghiệp, dân dụng, đường dây tải điện, đường ống, đường giao thông. Công trình thủy lợi chỉ thích hợp với quy mô nhỏ đến trung bình. Sức chịu tải của nền đất đạt tới 3-5 kg/cm3. Vật liệu đất, đá, cát, cuội, sỏi khá phong phú.

 

 

Về đầu trang

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT
NHÀ XUẤT BẢN TỔNG HỢP TP. HỒ CHÍ MINH
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Thiết kế trang web: Sở KH&CN Lâm Đồng