NỘI DUNG CHÍNH

Lời giới thiệu

PHẦN THỨ NHẤT : LƯỢC SỬ
TRUYỀN THỐNG ĐẤU TRANH

Chương I:  Lược sử hình thành và phát triển thành phố Đà Lạt

Chương II: Truyền thống đấu tranh cách mạng

PHẦN THỨ HAI : TỰ NHIÊN
VÀ DÂN CƯ

Chương I: Tự nhiên

Chương II: Dân cư

PHẦN THỨ BA : KINH TẾ

Chương I : Nông nghiệp – lâm nghiệp

Chương II :  Du lịch và dịch vụ

Chương III: Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp

Chương IV : Cơ sở hạ tầng kỹ thuật

PHẦN THỨ TƯ : VĂN HÓA XÃ HỘI

Chương I:   Văn học nghệ thuật, thiết chế văn hóa và báo chí

Chương II: Quy hoạch và kiến trúc

Chương III: Y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ

Chương IV: Tín ngưỡng và tôn giáo

TỔNG LUẬN

Niên biểu thành phố Đà Lạt

Danh sách Bà mẹ Việt Nam anh hùng thành phố Đà Lạt

Danh sách các đơn vị được tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”

Danh sách các Bí thư chi bộ, Thành uỷ Đà Lạt qua các thời kỳ

Danh sách các Thị trưởng Đà Lạt (1901-1975)

Danh sách các Chủ tịch Uỷ ban quân quản, Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Lạt

Alexandre Yersin

Về phong cách Đà Lạt

Người Cơ Ho ở Đà Lạt

Đường phố Đà Lạt

Danh mục các ngôi đình ở Đà Lạt

TỔNG LUẬN

 

Đà Lạt từ lâu đã trở thành một địa danh quen thuộc với nhiều người Việt Nam và trên thế giới.

Đến Đà Lạt từ phía đông, sau khi vượt qua những tháp Chàm cổ kính, rêu phong, du khách gặp đèo Ngoạn Mục - một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, đường lượn quanh co, uốn khúc giữa muôn ngàn trùng điệp của núi rừng. Nếu đến từ phía nam bằng đường bộ, du khách sẽ được phóng tầm mắt, thỏa sức chiêm ngưỡng những đồi trà, cà phê, nương dâu bạt ngàn nhấp nhô lượn sóng. Qua khỏi đèo Prenn, ẩn mình, uốn lượn dưới rừng thông xanh thẳm, Đà Lạt chợt hiện ra như một bức tranh thủy mặc với muôn ngàn màu sắc rực rỡ.

Đà Lạt là nơi tập trung của nhiều loại rau quả, đặc biệt là rau ôn đới. Đà Lạt còn nổi tiếng bởi hàng ngàn biệt thự ẩn mình lặng lẽ dưới ngàn thông xanh và sau những dãy dã quỳ. Khí hậu trong lành và mát mẻ, thiên nhiên thơ mộng của Đà Lạt không những tạo cho cây trái nơi đây bốn mùa rực rỡ, mà khiến cho các đời chủ nhân của thành phố không chỉ muốn tô điểm cho một nơi du lịch nghỉ dưỡng, mà nhiều lần quy hoạch thành phố thành trung tâm giáo dục, trung tâm nghiên cứu khoa học và có một thời thành “thủ đô mùa hè” của Đông Dương.

Từ những người phu, người làm công… từ khắp mọi miền của Tổ quốc đến nhập cư, những người dân Đà Lạt góp phần tạo dựng  nên Đà Lạt thành một vùng văn hóa du lịch đa sắc màu. Rời Đà Lạt, nhiều người vẫn còn lưu luyến mãi phong thái hiền hòa, thanh lịch và mến khách rất riêng của cư dân Đà Lạt. Trong không gian tĩnh lặng, thiên nhiên và cảnh quan như thực như mơ ấy, tình người vừa có nét đôn hậu, chất phác của người Việt lại vừa mang nét lịch sự, thanh nhã của người phương Tây, lắng lại trong lòng du khách một niềm thổn thức:

“…Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều

   Để nghe dưới đáy nước hồ reo

Để nghe tơ liễu run trong gió

     Và để xem trời giải nghĩa yêu…”

                                  (Hàn Mặc Tử)

Đà Lạt trở nên nổi tiếng và được vinh danh là “thành phố sương mù”, “tiểu Paris”, “thành phố ngàn thông”, “thành phố ngàn hoa”, “xứ hoa Anh Đào”, “thành phố học đường”. Có người gọi Đà Lạt là Đa Lạc (nhiều niềm vui) hay giải thích là viết tắt từ câu tiếng La tinh “Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem” (cho người nay niềm vui, cho người kia sự mát mẻ) mà thành DALAT.

Hệ thống giao thông đường bộ đối ngoại của Đà Lạt, mạng lưới giao thông vận tải vùng Tây Nguyên là một bộ phận của hệ thống mạng lưới vận tải chung của cả nước. Quốc lộ 20 dài 293km vẫn là tuyến quan trọng nhất nối thành phố Đà Lạt với quốc lộ 1 (tại ngã ba Dầu Giây, tỉnh Đồng Nai) về Thành phố Hồ Chí Minh và nối với quốc lộ 27 tại Dran để về Phan Rang (110km). Quốc lộ 28 nối  Phan Thiết với quốc lộ 20 để về Đà Lạt (150km). Đường Trường Sơn Đông với 671 km đang thi công, xuất phát từ Quảng Nam, qua 7 tỉnh nối với tỉnh lộ 722 đến Đà Lạt. Tỉnh lộ 723 nối trực tiếp Đà Lạt với Nha Trang rút ngắn 98km so với lộ trình cũ Đà Lạt – Phan Rang – Nha Trang (dài 228km). Tỉnh lộ 725 từ sân bay Cam Ly đi qua xã Tà Nung (Đà Lạt), qua Nam Ban, Đinh Văn (Lâm Hà), Đinh Trang Thượng (Di Linh), Tân Rai (huyện Bảo Lâm) về Lộc Bắc và điểm cuối là thị trấn Đạ Tẻh.

Sân bay Liên Khương đã được xác định có vị trí quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội, chính trị của Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng cũng như của c khu vực Nam Tây Nguyên. Hiện nay, Hàng không Việt Nam  có một chuyến bay hàng ngày từ Tân Sơn Nhất đi Liên Khương và ngược lại. Tuyến Liên Khương – Nội Bài và ngược lại có 4 chuyến/tuần. Năm 2006, Bộ Giao thông - Vận tải đã phê duyệt quy hoạch tổng thể cảng hàng không Liên Khương giai đoạn 2015 đạt cấp 4D và sân bay quân sự cấp II, với chức năng sử dụng chung quân sự và dân sự, vận chuyển nội địa và có hoạt động bay quốc tế.

Đà Lạt - Lâm Đồng nằm trên đường phân thủy của dãy Trường Sơn, khu vực rừng đầu nguồn của sông Đồng Nai, nơi cung cấp nguồn nước cho nhiều trạm thủy điện: Ankroët, Đa Nhim - Sông Pha, Đại Ninh, Trị An và đang xây dựng Đồng Nai 1-2. Đà Lạt - Lâm Đồng là lá phổi của miền Đông Nam Bộ với hai Vườn Quốc gia nổi tiếng Cát Tiên - Cát Lộc và Bi Đúp -  Núi Bà.

Năm 1996, Viện Nghiên cứu và Phát triển Du lịch Việt Nam và UBND tỉnh Lâm Đồng đã hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng thời kỳ 1996 – 2010. Ngày 18 - 1 - 2002, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra Nghị quyết số 10/NQ-TW khẳng định: “…xây dựng và phát triển Đà Lạt thành khu du lịch lớn của cả nước, tiến tới là khu du lịch có tầm cỡ quốc tế”.

Hoạt động du lịch - nghỉ dưỡng của Đà Lạt, ngay từ những năm đầu khi đô thị mới được hình thành, luôn được các nhà quản lý chú ý đầu tư phát triển. Từ những cơ sở nhỏ lẻ ban đầu, đến nay, sau 115 năm hình thành và phát triển, du lịch Đà Lạt ngày càng khẳng định được vị thế của mình trong cơ cấu kinh tế của địa phương.

Đà Lạt, vùng khí hậu trong lành

Mục đích đầu tiên của người Pháp khi xây dựng Đà Lạt là nhằm tìm một địa điểm phù hợp để xây dựng một khu vực nghỉ dưỡng cho số quân nhân trong bộ máy cai trị của Pháp tại Việt Nam và Đông Dương. Đà Lạt được chọn vì trước hết đây là vùng đất thoả mãn được các yêu cầu của người Pháp: một vùng có khí hậu trong lành, mát mẻ. Với độ cao trung bình 1.500m so với mặt nước biển, Đà Lạt cả bốn mùa đều ôn hoà, nhiệt độ không bao giờ xuống quá thấp hoặc lên quá cao. Đà Lạt - Lâm Đồng nằm ở vùng Nam Tây Nguyên có hai mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng  5 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Trong mùa mưa, lượng mưa trung bình hàng năm lớn (1.739 mm). Đà Lạt có cán cân bức xạ tương đối lớn cùng với độ cao địa hình tạo nên vùng tiểu khí hậu có nhiệt độ thấp hơn so với các tỉnh lân cận: nhiệt độ trung bình trong một trăm năm qua chỉ xê dịch trên dưới 18°C, so với Thành phố Hồ Chí Minh thấp hơn gần 9ºC. Đà Lạt là nơi có rừng thông chuyên biệt và rừng thường xanh nhiệt đới. Thông xuất hiện ở khắp mọi nơi trong thành phố và là bộ lọc khổng lồ, tạo ra không khí trong lành mát mẻ. Chính những điều kiện trên đây góp phần quan trọng để Đà Lạt trở thành một nơi nghỉ dưỡng lý tưởng. Không khí luôn trong sạch, ít hơi nước, làm cho hô hấp dễ dàng, hồng cầu có điều kiện để tái sinh nhanh. Ở Đà Lạt, người ta có cảm giác ăn uống ngon hơn và nhất là hoạt động trí óc ít mệt mỏi hơn.

Khí hậu và thiên nhiên Đà Lạt ngay từ đầu đã hấp dẫn những người làm công tác quy hoạch, từ “trạm nghỉ dưỡng vùng cao”, mảnh đất trên cao nguyên Lâm Viên này được dự phóng ngay từ ngày đầu khảo sát là sẽ trở thành thủ phủ Đông Dương để tránh cái rét giá buốt gió mùa đông bắc, cái nóng nực và oi bức của mùa hè ở các tỉnh phía Bắc Việt Nam. Từ ý tưởng quy hoạch “thành phố châu Âu” đầu tiên của Paul Champoudry (1905) đến “thành phố phong cảnh” của Jean O’Neil (1919) và Ernest Hébrard (1923), Jacques Lagisquet đã quy hoạch Đà Lạt thành "thủ đô mùa hè" (1942-1944). Hệ quả của cách nhìn đó kéo theo việc phát triển Đà Lạt thành nơi sinh hoạt trí thức, mở ra hàng loạt trường học danh tiếng, trung tâm nghiên cứu, tu viện các dòng tu và nhiều loại hình sinh hoạt văn hóa phong phú.

Cảnh quan Đà Lạt ngoạn mục

Trước hết, thiên nhiên Đà Lạt thơ mộng là nhờ rừng thông và sự đa dạng sinh học của rừng nhiệt đới ẩm. Tổng diện tích rừng và đất rừng của thành phố Đà Lạt có 25.646ha (chiếm gần 73,9%). Ở độ cao trên 900 mét trở lên xuất hiện cây lá kim (thông ba lá, thông hai lá, thông năm lá), nhưng càng xuống thấp có nhiều loài cây lá rộng, cây bụi, dây leo và các loại thực vật phụ sinh khác. Rừng thông 3 lá có diện tích 14.628 ha. Do điều kiện tự nhiên, đặc biệt là địa hình và khí hậu, một thảm thực vật rất đa dạng đã được tạo ra với các kiểu rừng khác nhau, phong phú về số loài. Do sự chia cắt các dãy núi cao, nhiều loại thực vật cổ xưa và nhiều loài quý hiếm được bảo tồn, dùng làm hương liệu, dược liệu. Những loài có giới hạn sinh thái rộng hầu như phổ biến ở nhiều vùng, ngược lại những loài có giới hạn sinh thái hẹp chỉ có những vùng tiểu khí hậu nhất định. Rừng Đà Lạt là nơi thích hợp cho nhiều hoa dại, hoa rừng và các loài lan sinh sống và phát triển. Rừng còn cung cấp nhiều loại cây cảnh thường xanh. Đà Lạt có điều kiện tốt nhất cho các loài động vật về sinh sống, tạo nên tính đa dạng sinh học cho khu hệ động vật vùng Đà Lạt. Nhiều loài chim đặc hữu, nhiều loài thú mới được phát hiện ở Việt Nam cũng thấy phân bố ở Đà Lạt, nhiều loài động vật làm cảnh, giải trí, làm dược liệu cũng thấy hiện diện nơi này... Theo đánh giá chung, khu hệ động vật Đà Lạt và vùng phụ cận có đến 2/3 số lượng loài động vật quý hiếm của toàn vùng Tây Nguyên, một số loài có tên trong sách đỏ Việt Nam. Tuy nhiên, mức độ tổn thất về đa dạng sinh học và sự diệt vong của các loài động, thực vật ở Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nó chung vẫn còn rất cao do nhiều nguyên nhân, trong đó có cả các chương trình phát triển đô thị, phát triển du lịch… Du lịch sinh thái ở Đà Lạt sẽ thật sự hấp dẫn hơn nếu cảnh quan môi trường được giữ gìn, bảo tồn tốt hơn các khu rừng nguyên sinh vẫn còn những nét độc đáo riêng của nó, tài nguyên trong các cánh rừng vẫn phong phú và đa dạng.

Thứ đến, với độ dốc cao và ngắn, những dòng chảy trên cao nguyên Lâm Viên đã tạo ra những thác nước nổi tiếng, dâng cho Tổ quốc những cảnh đẹp thiên nhiên kỳ thú. Du khách khi đến với thành phố Đà Lạt xinh đẹp không thể nào không bị quyến rũ khi đối mặt với những dòng thác bạc nổi tiếng như: thác Prenn, thác Cam Ly, thác Datanla, thác Hang Cọp,… Ba thác đầu đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích thắng cảnh. Ngoài ra, gần các con đường đến Đà Lạt, chúng ta còn có thể  ngắm nhiều thác đẹp nổi tiếng khác như: thác Dam Bri, thác Mười Tầng (Bảo Lộc), thác Bô Bla (Di Linh), thác Bảo Đại, thác Pông Gua, thác Gu Ga, thác Liên Khương (Đức Trọng), thác Bảy Tầng (Lạc Dương).

Và cuối cùng, chính con người đã xây dựng nên một bảo tàng mỹ thuật kiến trúc ngoài trời giữa khung cảnh hoang sơ nhưng kỳ vĩ này ở cuối mảnh đất Tây Nguyên. Kiến trúc công trình là tiện nghi sinh hoạt của con người cũng là điểm nhấn, nét chấm phá của phong cảnh. Cảnh quan của thành phố Đà Lạt là một bức tranh có sự phối hợp hài hòa của bốn yếu tố hình khối: địa hình đồi núi, mặt nước suối hồ, cây xanh và không gian kiến trúc. 

Địa hình là sườn của bức tranh, do đó việc bảo vệ các đường cong của đồi núi, giữ các điểm cao là những hình dạng căn bản của cao nguyên, kiểm soát chặt chẽ việc san ủi mặt bằng không cho thay đổi địa hình trong các tầm nhìn cảnh quan chính của thành phố làm cho bức tranh phố núi thêm sinh động. Thành phố có một không gian đủ thoáng rộng với địa hình nhấp nhô vừa phải nên nhiều du khách thừa nhận Đà Lạt quyến rũ và duyên dáng hơn nhiều đô thị vùng cao khác. Du khách dạo chơi trên đường phố Đà Lạt uốn lượn vòng vèo theo độ dốc không khỏi ngỡ ngàng và hứng khởi khi bất chợt bắt gặp sau mỗi khúc quanh một cảnh trí lạ mắt thấp thoáng trong rừng thông, nhìn sang bên kia sườn đồi lại thấy nhà cửa và cây cối xếp chồng lên nhau trông thật ngộ nghĩnh. Đêm xuống, khi thành phố lên đèn, thành phố giống như cây thông Noël được thắp nến.

Mặt nước tô điểm cảnh vật tác động đến nội tâm con người. Bên cạnh các thác nước nói trên, Đà Lạt còn có nhiều thắng cảnh trữ tình, thơ mộng, được xếp hạng là di tích thắng cảnh khác như hồ Xuân Hương, hồ Than Thở, hồ Đa Thiện - Thung Lũng Tình Yêu, hồ Tuyền Lâm và xa hơn, hồ Đan Kia – Suối Vàng, ở các huyện lân cận có hồ Đa Nhim, hồ Đại Ninh…Thành phố hiện nay đang sử dụng hàng loạt biện pháp bảo vệ lưu vực các suối chính chống sự ô nhiễm và bồi lắng: nhà máy và hệ thống xử lý nước thải được hoàn thiện trong năm 2008; tiếp tục đầu tư khôi phục, chỉnh trang các suối hồ đã bị bồi lấp để tăng diện tích mặt nước (hồ Than Thở, hồ Mê Linh, hồ Vạn Kiếp, Đập I Đa Thiện).

Cây xanh là màu nền chính của cảnh và là bộ lọc không khí và tiếng ồn. Với tầm nhìn rất rộng, kế tục tư tưởng của O’Neil là xây dựng một thành phố phong cảnh, Hébrard phác thảo một đồ án thành phố vùng cao nguyên dưới chân rặng núi Lang Biang hùng vĩ. Ngoài phạm vi thành phố là cảnh quan của đồi núi và rừng thiên nhiên được giữ gìn như lúc ban sơ, với con đường vòng Lâm Viên làm đường giao thông phục vụ cho nhu cầu du lịch, ngoạn cảnh và săn bắn. Ý tưởng của tác giả là thiết lập một thành phố hoa viên: thành phố trong rừng và rừng trong thành phố và suối Cam Ly được tôn tạo thành một chuỗi hồ nhân tạo lớn nhỏ có các trục đường bao quanh men theo sườn các thung lũng, mỗi hồ là nhân của một phân khu chức năng.

Phía Đông Bắc được bố trí một trung tâm hành chính trung ương ở xung quanh hồ nhân tạo. Trục đường Đông - Tây từ nhà ga đến thác Cam Ly (dọc các con đường Hùng Vương, Trần Hưng Đạo, Trần Phú… ngày nay), ở đây bố trí các cơ sở quan trọng, trung tâm công cộng và hành chính của thành phố, ngoài ra còn có ngân khố, bưu điện, cảnh sát, công chánh, trường học, thư viện, khách sạn, khu thương mại người Âu, văn phòng giao dịch… phía Tây Nam là các dinh Toàn quyền nằm rải rác trên các đồi, nằm cạnh đó là Viện điều dưỡng.

Những ý tưởng chủ đạo đó tạo cho Đà Lạt tầm nhìn thoáng đãng về phía Lang Biang hùng vĩ. Các công trình kiến trúc nhà ở chỉ thấp thoáng rải rác trong rừng thông, tránh tình trạng phá vỡ cảnh quan Đà Lạt. Đà Lạt soi bóng xuống “những tấm gương khổng lồ” rất nên thơ và ngoạn mục, Đà Lạt trở thành một thành phố du lịch trên cao.

Mặc dù những năm gần đây, bộ mặt kiến trúc của Đà Lạt đang có nhiều biến động, nhất là khu vực trung tâm Hoà Bình, nhưng với hàng ngàn ngôi biệt thự kiểu dáng khác nhau, ẩn mình giữa ngàn thông và hoa thắm, Đà Lạt vẫn là thành phố châu Âu đặc biệt của xứ sở nhiệt đới này. Các biệt thự với nhiều kiểu dáng khác nhau, hoà trong vẻ kiều diễm của muôn sắc hoa. Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã phải thốt lên:

"…Ôi màu xanh, màu xanh, màu xanh

Thắm trong mưa, màu xanh kỳ lạ quá

Đường trong cây thấp thoáng nhà trong lá

Bất chợt mưa, bất chợt nắng vàng…"

 Nét đẹp quy hoạch của Đà Lạt

Đà Lạt đẹp lạ lùng: cái thiên tạo và nhân tạo như hòa thành một thể thống nhất. Nói cách khác, người ta xây dựng Đà Lạt giống như vẽ một bức tranh. Quả vậy, khác với nhiều thành phố khác, Đà Lạt hình thành theo ý tưởng hội họa trong quy hoạch và được phát triển bằng một thể chế đặc biệt với những luật định nghiêm ngặt.

Ngay từ khi phát hiện ra Đà Lạt, người Pháp đã bắt tay vào quy hoạch, thiết kế ban đầu xây dựng cơ sở vật chất cho một trung tâm nghỉ dưỡng, chính trị sau này. Đà Lạt giai đoạn này được đặt một trạm hành chính với thể chế cũng rất đặc biệt, có một hội đồng thành phố và một thị trưởng. Vốn là một trắc địa viên và từng tham gia Hội đồng Thị chính Paris, Champoudry với vốn kinh nghiệm của mình đã phác thảo một họa đồ quy hoạch và phân lô cho một đô thị Đà Lạt. Dự án được ông thiết lập theo phương pháp “phân lô” (zoning) (1905). Điều đó thể hiện ranh giới giữa những phân khu có chức năng khác nhau, trong đề án có phần đất dự trữ cho các công trình tương lai cho trung tâm công cộng và hành chính, trung tâm thương mại… Trục lộ chính được thiết kế với mặt đường rộng 20m và các đường loại hai rộng từ 12 -16m. Từ khi hình thành, thành phố đã được quy hoạch theo dạng một đô thị châu Âu.

Nhìn chung, với dự án ban đầu, Đà Lạt có chức năng hành chính hơn là nghỉ dưỡng. Tuy nhiên Đà Lạt thời kỳ này là nơi nghỉ mát sơ sài dành cho người Pháp, sản phẩn du lịch chính là săn bắn.

Đến năm 1916, Đà Lạt phát triển nhanh chóng. Chính quyền Đông Dương nhận thấy cần phải có một đồ án chỉnh trang tổng quát. Sau đề án của O’Neil (1919), Toàn quyền Maurice Long đã mời từ Pháp sang kiến trúc sư Ernest Hébrard - một trong những kiến trúc sư nổi tiếng đã từng tham gia trùng tu thành phố cổ Salonique ở Hy Lạp. Ý tưởng phố núi phong cảnh với chuỗi hồ nhân tạo được phân lô thành các khu chức năng đã biến Đà Lạt thành một công viên khổng lồ. Quy hoạch cho phép các kiến trúc sư mặc sức sáng tạo nhưng vẫn không phá hỏng nét đẹp chủ đạo nói trên. Bên cạnh các kiểu phong cách kiến trúc châu Âu, đặc biệt của Pháp trong các khu công sở, biệt thự, nhà thờ, trường học trên các khu trung tâm và trục lộ chính, người ta không quên quy hoạch những đình chùa mái cong cổ kính cùng với những ngôi nhà kiểu “làng An Nam” xưa. Đà Lạt hoa nở suốt bốn mùa: mùa xuân là vườn cảnh hoa lan và anh đào, mùa hè thu khoe muôn sắc nhiều loài hoa và khi mùa mưa kết thúc cả thành phố vàng rực sắc hoa Dã Quỳ.

Sau hơn 10 năm phát triển, đồ án Hébrard được Pineau nghiên cứu chỉnh trang lại vào năm 1933. Đồ án chỉnh trang của Pineau, với ý tưởng quy hoạch thành phố khách sạn có vẻ thực tế hơn vì trước mắt Đà Lạt chưa thể trở thành thủ đô hành chính mà chỉ phát triển thành một nơi nghỉ mát: khách sạn và biệt thự thi nhau mọc lên.  Pineau đã đề ra biện pháp bảo vệ cảnh quan thành phố: mở rộng hồ nước và các công viên, xây dựng phải phù hợp với cảnh trí và điều kiện của khí hậu Đà Lạt, dự trù nhiều khoảng trống, mở rộng về phía Bắc cho cư dân về sinh sống, thị xã kéo dài từ  phía Tây đến Đông Bắc nằm bao quanh hồ. Bảo vệ tầm nhìn toàn cảnh cao nguyên về phía rặng núi Lang Biang bằng cách xác lập một vùng bất kiến tạo với tầm nhìn rộng rãi.

Đến năm 1940, Đà Lạt được kiến trúc sư Mondet chỉnh trang tiếp. Dự án này có phần nào giữ lại quan điểm của Hébrard. Các công trình xây dựng thường bám dọc các trục đường lớn, xây dựng và phát triển nhưng vẫn bảo vệ được cảnh quan. Chính vì vậy Mondet đề ra phương án không kéo dài thành phố, mà tổ chức hợp nhóm lại và mở rộng ra bằng cách ưu tiên sử dụng những lô đất gần trung tâm. Thời kỳ này để lại nhiều công trình kiến trúc tiêu biểu.

Chiến tranh thế giới xảy ra, dòng người ồ ạt kéo lên Đà Lạt, điều đó tạo cơ hội cho Đà Lạt phát triển với tốc độ nhanh hơn. Trước tình hình này chính quyền Đông Dương quyết định lập ngay một “đề án chỉnh trang và phát triển Đà Lạt” để thực hiện ý đồ của những người tiền nhiệm: biến Đà Lạt thành thủ đô mùa hè của Đông Dương. Đồ án quy hoạch được giao cho kiến trúc sư J. Lagisquet. Về cơ bản, Lagisquet giữ nguyên tư tưởng của Hébrard cho một thành phố phong cảnh, nhưng phát triển Đà Lạt theo bề sâu, xây dựng khu trung tâm hành chính, khu thương mại, khu vực khách sạn, bệnh viện, trường học…. Mở rộng các đường chính Đông - Tây,  tạo lập những con đường, ngã phố nhiều chiều để tránh sự nguy hiểm và tạo sự thoải mái. Trước đó Toàn quyền Đông Dương đã ra nghị định và một số biện pháp như bãi bỏ việc sang nhượng đất đai, kiểm soát các hầm đá, quy định về phân lô chia đất được áp dụng một cách nghiêm ngặt nhằm phục vụ cho mục đích quy hoạch. Việc chỉnh trang thành phố Đà Lạt đã được thực hiện theo một bản đồ của Chương trình địa dịch.

Chương trình địa dịch đã góp phần cho việc giữ gìn vẻ đẹp kiến trúc cảnh quan Đà Lạt đến tận sau này.

Vùng đất hoa trái bốn mùa

Khí hậu mát mẻ ở Đà Lạt là điều kiện thuận lợi để phát triển nhiều loại rau xuất xứ từ châu Âu. Trừ một số ít giống rau nhập từ miền Bắc, hầu hết các giống rau Đà Lạt đều nhập từ Nhật, Mỹ, Đài Loan, Đức, Hà Lan, Pháp… Các loại cây ăn trái ở đây có hồng, táo tây, mận, đào và dâu tây với chất lượng cao. So với các vùng phụ cận thì rau Đà Lạt vẫn có ưu thế riêng, có nhiều chủng loại có phẩm cấp “vượt trội, điều này đã được ghi nhận thực tế tại các thị trường tiêu thụ. Cây công nghiệp có trà, cà phê:  trà Cầu Đất, nhất là trà Ô Long, cà phê chè có giá trị xuất khẩu cao. Ngày nay, quy mô sản xuất, công nghệ, giống, năng suất cây trồng của ngành rau Đà Lạt đã có một bước tiến vượt trội so với ba, bốn mươi năm trước; thị trường tiêu thụ rau cũng được mở rộng hơn. Trên địa bàn thành phố hiện có 10 doanh nghiệp, 15 hợp tác xã, 200 trang trại và 11.330 hộ nông dân sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, trong đó có một số doanh nghiệp đang đầu tư sản xuất rau sạch và rau an toàn nhằm vươn ra thị trường nước ngoài.

Đà Lạt có nhiều loài hoa: hoa dại, hoa rừng, hoa trồng vườn cảnh và cắt cành. Thành phố Đà Lạt là nơi có khí hậu trong lành và mát mẻ, có nắng ấm sương mờ, biên độ nhiệt khá điều hòa quanh năm, rất thích hợp cho các loài hoa ôn đới. Đà Lạt có khoảng hơn 400 loài hoa. Nhiều loài có nguồn gốc từ các nước châu Á, châu Âu và châu Phi. Đà Lạt còn là nơi trồng được rất nhiều loại hoa hiếm thấy như: mai anh đào, phượng tím, forget-me-not, hoa cẩm chướng, hoa cẩm tú cầu, hoa pensée, hoa mimosa,… Mỗi loại hoa có rất nhiều giống, như hoa hồng có 25 giống, cúc 60 giống, đồng tiền 20 giống... Đặc biệt, lan Đà Lạt rất phong phú: gần 300 loài, trong đó có nhiều loài đặc hữu, quý hiếm của Việt Nam và nhiều loài cho hoa đẹp về màu sắc, hương thơm rất đa dạng, được nhiều người ưa chuộng.  

Các vườn rau, hoa và trái cây ngày càng đòi hỏi sự phát triển công nghệ sau thu hoạch, các ngành tiểu thủ công, chế biến nông sản và đã cho ra thị trường nhiều mặt hàng nổi tiếng: những chai rượu vang Đà Lạt cùng các gói mứt, kẹo, các giỏ trái cây, rau hoa đặc sản Đà Lạt.  

Đà Lạt, nơi hấp dẫn cho sinh hoạt trí thức

Do đặc điểm khí hậu quanh năm ôn hoà, mát mẻ, thành phố được bao bọc và xen lẫn giữa ngàn thông trùng điệp, Đà Lạt luôn giữ được cái tĩnh lặng rất phù hợp với công việc học tập và nghiên cứu khoa học. Từ chức năng du lịch và nghỉ dưỡng, các nhà quy hoạch mong muốn biến Đà Lạt thành đô thị thủ đô và hệ quả tất yếu đã hình thành một trung tâm văn hóa lớn: giáo dục và khoa học cùng phát triển theo.

Ngay từ những năm đầu sau khi được thành lập, Đà Lạt đã được chú ý đến việc xây dựng các trường học. Petit Lycée (1927), Grand Lycée (1935). Sau này trường Grand Lycée lấy tên là Lycée Yersin vào ngày 28-6-1935. Nhiều trường trung tiểu học quy mô nhỏ cũng được xây dựng như trường Couvent des Oiseaux (1935). Với hệ thống trường quan trọng đó, Đà Lạt là nơi thu hút con em từ nhiều nơi đến đây học tập, kể cả các nước ở Đông Dương, Thái Lan, các giới quan chức gửi con em lên đây học tập.

Tính đến năm 1945, Đà Lạt được coi là một trong bốn trung tâm giáo dục có uy tín của khu vực (bên cạnh Hà Nội, Huế, Sài Gòn).

Sau này, chính quyền của Bảo Đại cũng như Sài Gòn đều có kế hoạch phát triển hệ thống giáo dục Đà Lạt khá quy mô. Ngoài chức năng du lịch nghỉ dưỡng, họ muốn dựng Đà Lạt thành một trung tâm nghiên cứu khoa học và đào tạo giáo dục nổi tiếng nhất bấy giờ. Hệ thống trường ở Đà Lạt như Lycée Yersin, Couvent des Oiseaux, Bảo Long  (Trần Hưng Đạo), Phương Mai (Bùi Thị Xuân), Adran, Vin Đại học Đà Lạt, Trưng Võ bị Quốc gia, Giáo hoàng Học viện... không những thu hút giáo viên giỏi, mà còn hấp dẫn  sinh viên, học sinh nhiều nơi trong và ngoài nước đến học tập, tu nghiệp.

Sau 1975, giáo dục Đà Lạt chững lại ít nhiều vì những  lý do khác nhau. Đến nay, hệ thống giáo dục ở Đà Lạt đã được thiết lập lại tương đối hoàn chỉnh từ các trường mầm non đến đại học. Đà Lạt còn mở lại và thêm một số trường trung cấp, cao đẳng và đại học như: Trường Đại học Đà Lạt, Trường Đại học dân lập Yersin Đà Lạt, Học viện Lục quân Đà Lạt, Trung tâm Đào tạo - Bồi dưỡng Cán bộ tại chức Lâm Đồng, Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt, Trường Trung     học Kinh tế - Kỹ thuật Lâm Đồng, Trường Trung học Y tế,…

Trong tương lai, Đà Lạt được định hướng phát triển thêm một số trường đại học mới.

Cơ sở nghiên cứu khoa học đầu tiên được xây dựng trên cao nguyên Lang Biang vào năm 1898 là Trạm Khí tượng và Trạm Thực nghiệm Nông nghiệp. Năm 1936, theo đề nghị của bác sỹ Yersin, Viện Pasteur Đà Lạt (hiện nay là Công ty Vắcxin Pasteur Đà Lạt) được thành lập. Đến năm 1947, Trạm Thực nghiệm Lâm học Manline đi vào hoạt động. Tháng 4-1961, Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử Đà Lạt được khởi công xây dựng và hoàn thành vào tháng 12-1962. Một số cơ sở khác cũng đã được thành lập như: Trung tâm sơn cước, Phòng Thống kê địa phương, Trung tâm Văn hóa Pháp, Hội Việt - Mỹ, Chi nhánh Văn khố quốc gia, Thư viện Đà Lạt ... Sau năm 1975, Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt mới có điều kiện thuận lợi để phát triển quy mô hơn và nhiều cơ sở nghiên cứu khoa học lần lượt được thành lập: Trung tâm Nghiên cứu Cây Thực phẩm Đà Lạt, Viện Sinh học Tây Nguyên, Trung tâm Ứng dụng Kỹ thuật Nông nghiệp Đà Lạt, Trung tâm Trồng và Chế biến Cây thuốc Đà Lạt, đặc biệt là các trường cao đẳng, đại học đóng tại địa bàn.

Với 151 cơ sở thờ tự tôn giáo và tín ngưỡng (50 đình đền, 56 chùa và tịnh xá, 43 nhà thờ, tu viện và 3 thánh thất Cao Đài), gần 100 trường học tạo một không khí trang nghiêm của sinh hoạt trí thức và tu tập. Lực lượng giáo viên, công nhân viên chức các cấp học của Đà Lạt hiện có hơn 3.000 người với gần 70 ngàn người đi học làm cho tỷ lệ người đi học cao nhất nước: ba người có một người đi học. Cố học giả Trần Bạch Đằng đã phải khen ngợi đây là “thành phố trí thức, thành phố học đường”.

Đà Lạt , trung tâm  dịch vụ và du lịch

Ngay sau khi được chọn là nơi nghỉ dưỡng, Đà Lạt đã nhanh chóng được quan tâm xây dựng. Đầu tiên là hệ thống đường giao thông được thiết lập để tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển đến Đà Lạt, và sau đó là khách sạn, biệt thự… Năm 1935, một công ty du lịch được thành lập với 80 nhân viên chứng tỏ sự phát triển bề thế ngành du lịch lúc bấy giờ.

Đầu năm 1940, J. Lagisquet chủ trì xây dựng đồ án chỉnh trang và phát triển thành phố Đà Lạt. Đến năm 1942 đồ án được hoàn thành và một năm sau được phê duyệt cùng với việc ban hành chức năng chủ yếu của Đà Lạt là "trung tâm hành chính trung ương, trạm nghỉ mát vùng cao, thành phố nghỉ dưỡng..."

Nhìn chung, từ năm 1945 đến 1954, do tình hình chính trị có nhiều biến động nên việc xây dựng và phát triển Đà Lạt dường như bị chững lại. Sau năm 1954, chính quyền Sài Gòn đã lập kế hoạch phát triển Đà Lạt với quy mô lớn, trong đó có chú ý đến việc thiết lập ở đây một số công trình văn hoá, cơ sở giáo dục và khoa học, cho phép xây dựng một số biệt thự và cơ sở nghỉ mát.

Sau ngày giải phóng, kinh tế du lịch phát triển chậm lại, nhưng từ năm 1986 đến nay, thành phố Đà Lạt đã được tỉnh và Trung ương đầu tư xây dựng trên nhiều lĩnh vực. Đây cũng là giai đoạn mà Đảng bộ và người dân thành phố Đà Lạt triển khai thực hiện Nghị quyết của Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần thứ VI "Đẩy nhanh tốc độ phát triển du lịch và dịch vụ, trong đó tập trung đầu tư xây dựng ngành du lịch trở thành ngành kinh tế  động lực…" và đến Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII đã khẳng định: "Du lịch và dịch vụ là kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế thành phố Đà Lạt". Dự án VIE/89/003 của tổ chức du lịch thế giới cũng xác định: "Đà Lạt là hạt nhân thuộc một trong bốn vùng du lịch của cả nước".

Thực hiện sự chỉ đạo trên, du lịch Đà Lạt đã có những bước chuyển mình đáng kể. Trước hết, đó là việc Quy hoạch tổng thể phát triển ngành du lịch tỉnh Lâm Đồng đến năm 2010 đã được Uỷ ban Nhân dân tỉnh phê duyệt. Trên cơ sở này, các cấp, các ngành đã phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc triển khai các hoạt động du lịch và phục vụ du lịch, đồng thời tỉnh đã ban hành một số quy định phù hợp để kêu gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch (xây dựng các khách sạn, cơ sở ăn uống và một số dịch vụ khác). Nhằm phát triển có hiệu quả hoạt động du lịch, tỉnh Lâm Đồng và thành phố Đà Lạt đã và đang có nhiều kế hoạch và biện pháp để kêu gọi vốn đầu tư vào Đà Lạt. Năm 2000, Uỷ ban Nhân dân tỉnh đã phối hợp với Tổng cục Du lịch và các ngành hữu quan tiến hành quy hoạch khu du lịch hồ Tuyền Lâm; cụm du lịch Đa Thiện; cụm du lịch Dankia - Suối Vàng; cụm du lịch thác Prenn; cụm du lịch thác Cam Ly,… Đến nay một số dự án được phê duyệt hiện đang triển khai thực hiện. Từ một đô thị loại III, đến nay Đà Lạt đã trở thành một đô thị loại II của cả nước, với việc phát triển một cách có hệ thống và toàn diện trên mọi lĩnh vực kinh tế, an ninh quốc phòng và văn hoá xã hội. Đà Lạt đã và đang có những bước đi mạnh mẽ và vững chắc trên con đường hướng tới một đô thị du lịch và nghỉ dưỡng hiện đại của cả nước. Cùng với việc mở rộng và hiện đại hoá sân bay Liên Khương là việc xây dựng đường cao tốc Liên Khương – Prenn. Hệ thống các đường giao thông, cung cấp điện, nước,… được cải tạo, nâng cấp đủ để đáp ứng mọi nhu cầu của xã hội. Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch được đầu tư đồng bộ và khá hoàn chỉnh.

Chính nhờ sự phát triển theo định hướng này một cách nhất quán trong các thời kỳ mà việc chuyển dịch cơ cấu ngành nghề và tỷ trọng của ngành du lịch và dịch vụ tăng nhanh: đến năm 2007 chiếm xấp xỉ 70% GDP của thành phố. Rau, hoa Đà Lạt không còn là thương phẩm bình thường cho thị trường nói chung mà còn là đặc sản du lịch và du lịch làng nghề. Các ngành thủ công mỹ nghệ như dệt thổ cẩm, chạm lửa, tranh thêu, đan dệt len cung cấp nhiều sản phẩm hấp dẫn khách hàng với chất nghệ thuật và thẩm mỹ cao. Các hoạt động dịch vụ như vận chuyển, lưu trú, ăn uống… sẽ phát triển khi hệ thống trường học nội trú, trường đại cũng như các loại hình du lịch phong phú hơn.

Hiện tại, du khách lên Đà Lạt có thể tham quan thắng cảnh rừng, thác, di tích, làng dân tộc bản địa, làng rau – hoa, chùa chiền hoặc có thể giải trí bằng cách đi cắm trại, đi câu, cưỡi ngựa, voi, đi cáp treo. Trong tương lai, Đà Lạt phát triển du lịch sinh thái - văn hóa: du lịch nghiên cứu - khảo sát, dã ngoại vùng ven và văn hóa dân tộc bản địa, tham gia lễ hội tổ chức định kỳ, lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên. Ở Đà Lạt loại hình du lịch thể thao và thể thao mạo hiểm cũng khá phong phú như : đi bộ, đi xe đạp, đi xe máy, đi ngựa, leo núi, đi xuồng độc mộc, vượt ghềnh bằng xuồng cao su, dù lượn. Hiện nay Đà Lạt có sân golf được đánh giá là sân golf đẹp nhất Đông Nam Á. Thành phố còn có hàng chục sân tennis đạt yêu cầu, các sân bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, cầu lông,... Du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, liên hoan, triển lãm, hội chợ, hội thao… là tiềm năng lớn cho phát triển du lịch sau này khi sự hội nhập ngày một gia tăng.        

Đà Lạt một vùng văn hóa đa sắc màu

Từ một thành phố mà buổi ban đầu theo miêu tả của bác sĩ Yersin là "vùng đất dân cư thưa thớt, với một vài làng người Lạch được tập trung ở chân núi…" và chỉ sau một thời gian ngắn, dân số của Đà Lạt đã tăng lên một cách đáng kể. Khi nghiên cứu về dân tộc học ở vùng Đông Nam Á lục địa, Georges Condominas đã nhận xét: “Tất cả các nước Đông Nam Á đều là các quốc gia đa dân tộc. Có thể ở những nơi khác cũng có các quốc gia đa dân tộc, nhưng ở khu vực này, các nhóm tộc người chen chúc dày đặc, cho nên trông cái bản đồ dân tộc - ngôn ngữ của Đông Nam Á giống như một bức khảm …” Đất Tây Nguyên lưu giữ một kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú. Tất cả từ cái ăn cái mặc đến nhà cửa,… đều là sản phẩm của núi rừng, của văn hóa rừng: rượu cần, tượng nhà mồ, nhà rông… cùng bài ca, điệu nhảy, dàn cồng chiêng hoành tráng tạo nên một không gian văn hóa huyền ảo của nơi “xứ sở của thần linh”. Ngôn ngữ, văn học dân gian, phong tục tập quán… và cả “sự hoang sơ nguyên thủy” của vùng đất này đã, đang và sẽ vẫn còn là những vấn đề hấp dẫn cho nhiều nhà nghiên cứu và du khách tìm đến chiêm ngưỡng và khám phá.

Là một thành phố trẻ, dân cư Đà Lạt có nguồn gốc rất phong phú, đa dạng. Vùng đất này (Lâm Đồng và cả Tây Nguyên) đã là nơi tụ cư lâu đời của nhiều nhóm tộc người bản địa và nhiều dân tộc đến từ khắp mọi miền của Tổ quốc và thế giới. Trước hết, ta phải kể đến văn hóa của cư dân bản địa đầu tiên trên vùng đất Tây Nguyên này. Những khai quật khảo cổ Núi Voi (Đức Trọng), Đạ Đờn (Lâm Hà), Đại Lào (Bảo Lộc) chứng minh rằng: các cư dân Nam Á cổ có mặt tại đây từ thời kỳ đồ đá. Có thể họ là chủ nhân của nền văn hóa Phù Nam với di chỉ khảo cổ Cát Tiên. Thứ đến văn hóa Chămpa cũng đóng góp không ít: nghề trồng lúa nước và một số phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số, tháp cổ Đơn Dương, nghề kim hoàn, làm gốm ở Tu Tra. Người Pháp, sau đến người Mỹ là những người mang những tiến bộ khoa học kỹ thuật, những nét đẹp lạ lùng nhưng hấp dẫn của nền văn minh phương Tây. Cuối cùng là nhóm cư dân các dân tộc từ khắp mọi miền của Việt Nam mang sắc thái văn hóa quê hương mình đến cùng tô điểm cho bức khảm văn hóa Đà Lạt ngày thêm rực rỡ.

Đạo Phật, đạo Công giáo, đạo Tin Lành và đạo Cao Đài với 63% số hộ và 67% số nhân khẩu là tín đồ đã góp phần tô điểm cho bức tranh văn hóa thêm thắm sắc màu.

Đà Lạt “buồn” với những người hiếu động và trẻ trung, nhưng đủ tĩnh lặng cho ai cần ngồi với chính mình để nghe tiếng “tơ lòng” ngân nga cất tiếng hát: Đà Lạt chính là nguồn thi hứng cho các nghệ sỹ. Đà Lạt trước hết là bài thơ đẹp của mỹ thuật kiến trúc, là đề tài nhiều sáng tác thơ ca, hội họa và nhiếp ảnh. 

Sống tại một trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, trung tâm giáo dục và nghiên cứu khoa học, nơi tập trung nhiều nhà tu hành, người dân Đà Lạt đã từ lâu hình thành nên một phong cách của văn hóa dịch vụ. Người nông dân Đà Lạt vốn gốc từ các miền quê nghèo đến làm thuê, làm phu, công nhân đồn điền,... dần chuyển sang trồng rau hoa, cây công nghiệp, mất đi thói quen tiểu nông “tự cung tự cấp”, thành thạo trong ứng dụng khoa học kỹ thuật, chấp nhận sự khắc nghiệt của của thị trường. Tuy lao động nông nghiệp chiếm tỷ lệ 38%, nhưng đa số các hộ gia đình nông dân Đà Lạt ít có hộ thuần nông, tham gia nhiều ngành nghề khác nhau. Đó là chưa kể họ sống trong một đô thị rất đặc biệt: phải tiếp xúc với giới công chức, trí thức, tăng lữ, và du khách các hạng, lâu dần “hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”, để thay vào đó họ mang nét lịch sự của công dân thành phố du lịch và dịch vụ. Nét thanh lịch của họ không tao nhã, lịch lãm đậm nét như của người Tràng An, không ngọt ngào, kiểu cách của xứ Huế, nhưng chất phác, thuần hậu, bộc trực của người con rừng núi và thôn quê pha trộn với nét thẳng thắn, lịch thiệp của văn hóa Pháp. Họ là người Cơ Ho Lạch rất mến khách: mời bạn đến nhà uống rượu cần, xem biểu diễn cồng chiêng, nhưng có người có thể nói tiếng Anh, tiếng Pháp và nhảy với bạn những điệu van, tăng gô một cách thành thục. Người dân Đà Lạt không còn là nông dân khép kín trong lũy tre làng xưa, họ mang nhiều nét quảng giao hơn, phóng khoáng hơn của những người xa xứ đến chinh phục miền đất mới. Là những trí thức, công chức, giáo chức, nhà tu hành…, người dân Đà Lạt góp phần không khí trí thức cho thành phố thêm phần thơ mộng. Chính văn hóa Đà Lạt đã góp phần tạo cho nền du lịch hai tính chất thiết yếu: an ninh và bầu không khí thân thiện, tôn trọng lẫn nhau.

Cần cù và sáng tạo trong lao động, nhân dân Đà Lạt cũng rất dũng cảm trong đấu tranh cách mạng. Dòng máu anh hùng đó vốn bắt nguồn từ truyền thống yêu nước của cha anh, được phát huy và tôi luyện qua cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và cuộc đấu tranh giành thống nhất nước nhà. Vì những đóng góp to lớn đó, thành phố Đà Lạt được phong tặng "Thành phố Anh hùng".

Phát triển bền vững Đà Lạt

Một trăm mười lăm năm hình thành và phát triển, từ trạm nghỉ dưỡng vùng cao, Đà Lạt hôm nay là một trong ba thành phố còn sót và giữ lại được vẻ đẹp duyên dáng như xưa so với 40 trạm vùng cao cùng thời ở Nam Á.

Những kết quả của khảo sát và nghiên cứu khoa học về cảnh quan thiên nhiên đã giúp cho những nhà quản lý, những người tham gia thiết kế quy hoạch Đà Lạt qua nhiều thời kỳ có một định hướng đúng đắn cho sự phát triển của thành phố. Nhưng trước hết và xuyên suốt mọi tư tưởng – Đà Lạt là một vùng du lịch và nghỉ dưỡng lý tưởng ở Việt Nam và với cái nhìn lạc quan hơn, là ở Viễn Đông. Đà Lạt còn là vùng lý tưởng cho sinh hoạt trí thức, từng bước phát triển thành trung tâm văn hóa giáo dục và nghiên cứu khoa học. Nền kinh tế công nghiệp, thương nghiệp và thậm chí cả nông nghiệp được xem xét khá dè dặt trong quá khứ, bởi một vấn đề nhức nhối được đặt ra là làm thế nào phát triển đô thị nhưng không được đánh mất chức năng chủ đạo: bảo đảm cân bằng sinh thái và giữ môi trường Đà Lạt nguyên vẹn với trạng thái tự nhiên. Những ý muốn Đà Lạt thành “trung tâm hành chính”, “thành phố công nghiệp”, “đô thị hiện đại” hay “vùng kinh tế toàn diện” dễ dàng trở nên lạc hậu khi nền kinh tế thị trường ngày đang được mở rộng, khi dịch vụ trở thành chủ đạo và quan trọng. Du lịch là một ngành công nghiệp tổng hợp không khói : tất cả sản phẩm của các ngành kinh tế khác thông qua dịch vụ du lịch đều được nâng giá.

Xuất phát từ quan niệm đúng đắn đó, chúng ta mới có cách nhìn Đà Lạt một cách biện chứng hơn từ nhiều khía cạnh. Đó là phải thấy được không gian du lịch nghỉ dưỡng Đà Lạt không còn bó hẹp trong phạm vi hành chính của nó, mà là vùng đất bao gồm khu vực nội thị và khu vực ngoại vi rộng hơn, chí ít là cả cao nguyên Lang Biang. Chính khu vực ngoại vi đó là vành đai che chở, là cái nôi nuôi dưỡng tài nguyên thiên nhiên du lịch tuyệt mỹ của Đà Lạt. Những sự cắt xén địa giới Đà Lạt từ thập niên 60-70, những đợt khai thác rừng “ngoài Đà Lạt” từ đấy và về sau này đã gây cho chúng ta ở hiện tại và trong tương lai những hậu quả tai hại khó lường.

*

Hình ảnh của thành phố Đà Lạt được gắn liền với khí hậu mát mẻ, với sương mù, với các quả đồi và rừng thông nhấp nhô trải dài đến tận chân trời, với hình ảnh phẳng lặng của mặt nước hồ và các thắng cảnh nổi tiếng như thác Cam Ly, thác Prenn, hồ Than thở, Thung lũng Tình yêu, hồ Xuân Hương, Đồi Cù, Suối Vàng, hồ Tuyền Lâm và các công trình kiến trúc… tất cả đã tô điểm thành bức tranh phong cảnh đầy cảm xúc cho con người, tạo nên sức hút lãng mạn cho du khách. Nhiều người thừa nhận vẻ đẹp có một không hai của thành phố như một di sản văn hóa,  nhưng chỉ có một số ít người mới nhận ra được tính chất di sản kiến trúc đô thị  tuyệt vời của Đà Lạt nằm trong các di tích thắng cảnh và di tích kiến trúc được công nhận ở cấp quốc gia. Thành phố được xây dựng với kiến trúc đa dạng, đa phong cách và với quy định về tỷ lệ xây dựng công trình “dưới 20%, không được xây cao hơn ngọn cây, cách đường 50 m, trồng hoa, hàng rào thưa và xây không quá  cao, san ủi không được phá vỡ địa hình v.v...”. Tất cả đã tạo cho Đà Lạt đạt được hệ tỷ lệ xích không gian tinh tế. Mất đi hệ tỷ lệ xích này sẽ làm tan vỡ di sản đô thị Đà Lạt.

 Cư dân Đà Lạt trong hơn 100 năm qua cũng đã tạo dựng cho mình một phong cách văn hóa du lịch dịch vụ: hiền hòa, thanh lịch, mến khách. Du khách lên Đà Lạt đâu chỉ tham quan thắng cảnh mà còn chiêm ngưỡng phong thái của người Đà Lạt, đâu phải thưởng thức đặc sản mà ngắm nhìn những ánh mắt và nụ cười hiền lành của họ, không phải thuê phòng trọ mà là đi tìm những giấc mơ đẹp cho mình. Triết lý phát triển Đà Lạt là phải giữ gìn và bảo vệ hình ảnh đó của Đà Lạt trong con mắt và tâm trí mọi người. Hình ảnh đó có thể gói gọn trong mấy câu sau: “Môi trường trong lành, Cảnh quan ngoạn mục, Hoa trái bốn mùa, Tình người ấm áp”.

Trong hơn 100 năm qua, Đà Lạt đã được phát triển để trở thành một thành phố nghỉ mát và du lịch nổi tiếng. Nhiều đồ án quy hoạch được thiết lập và định hướng cho sự phát triển, biến đổi vùng cao nguyên hoang vu trở thành một thành phố có tương đối đủ các cơ sở hạ tầng phục vụ đô thị. Bước ban đầu, thành phố Đà Lạt có cường độ phát triển thấp, quy mô thành phố được giới hạn và không lớn, thành phố có cơ cấu tổ chức đơn giản với mật độ dân số và mật độ xây dựng thấp, tỷ lệ không gian đô thị nhỏ so với không gian của cảnh quan tự nhiên, thành phố như hoà lẫn trong đồi núi và rừng thông. Quy mô hợp lý này của thành phố đã tạo cho con người được sự gần gũi với thiên nhiên, bảo đảm được sự cân bằng sinh thái. Trong giai đoạn này ngành du lịch đã được hình thành và trở nên nổi tiếng trong và ngoài nước, thu hút nhiều du khách và trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố .

Những định hướng và quy hoạch phát triển Đà Lạt gần đây vẫn kế tục được triết lý chung cho thành phố. Tuy nhiên bài toán đặt ra cho thành phố là với năm chức năng của đô thị loại hai nói trên, Đà Lạt vẫn phải là thành phố - trung tâm du lịch nghỉ dưỡng vùng cao và các chức năng khác (trung tâm hành chính, giáo dục, khoa học…) như là hệ quả tất yếu của sự phát triển. Với sự gia tăng dân số Đà Lạt  một cách nhanh chóng và sự phát triển cao của ngành du lịch - dịch vụ và nông nghiệp; với cơ cấu đô thị phức tạp hơn, có thêm chức năng của thành phố tỉnh lị như đã nói trên, quá trình đô thị hoá đã chuyển qua bước phát triển có cường độ cao hơn tác động đến quy mô của thành phố Đà Lạt. Cơ cấu kinh tế, cơ cấu dân cư và phân bổ đất đai thay đổi, một phần dân cư đáng kể tham gia vào hoạt động du lịch - dịch vụ. Mật độ dân số và mật độ xây dựng tăng cao, với các công trình tập trung dày đặc trong khu vực trung tâm.  Sự phát triển về công nghệ và giao thông đã tạo điều kiện mở rộng thành phố về không gian, thành phố không ngừng mở rộng về diện tích, diện tích các khu nhà ở và đất sản xuất nông nghiệp phát triển tăng lên đã làm thu hẹp phạm vi của đồi núi, rừng thông tự nhiên ảnh hưởng đến không gian cảnh quan chung của thành phố. Không gian đô thị với các công trình xây dựng phát triển ngày càng lớn so với cảnh quan thiên nhiên, quy mô thành phố được mở rộng không giới hạn, cùng với hiện tượng ô nhiễm môi trường về rác thải - nước thải, suối, hồ bị bồi lắng, lấn chiếm đã tạo nên một môi trường mới có nguy cơ đánh mất “tỷ lệ xích” trong cấu trúc của thành phố phong cảnh, làm giảm cảm xúc với thiên nhiên của con người và giảm sự hấp dẫn đối với du khách.

Về mặt quy hoạch, vấn đề xác định quy mô hợp lý của các thành phố từ lâu đã là mối quan tâm hàng đầu của các nhà quy hoạch. Qua thực tế về sự phát triển các đô thị trên thế giới cho thấy rằng quy mô thành phố quá lớn hoặc quá nhỏ đều có những mặt không hợp lý. Nếu quy mô quá nhỏ thì không phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, đời sống cư dân và tổ chức quản lý. Tuy nhiên, nếu quy mô quá lớn sẽ tạo nên những hiện tượng xấu ở nhiều phương diện của đô thị như về cơ cấu sử dụng đất đai; các vấn đề về sản xuất, giao thông và nhất là môi trường cảnh quan tự nhiên của thành phố bị ảnh hưởng.

Vấn đề này đặc biệt quan trọng đối với Đà Lạt khi mà quá trình đô thị hoá ở mức cao với quy mô thành phố lớn hơn đã đặt ra những vấn đề thử thách cho sự phát triển cân đối của thành phố, tác động bất lợi đến khí hậu - cảnh quan tự nhiên là nền tảng mang tính đặc thù riêng của ngành du lịch, nghỉ dưỡng - một ngành kinh tế mà sự tham gia của nhiều thành phần, đặc biệt của người dân, mang tính quyết định trong sự  phát triển thành phố.

Do đó, xem xét sự phát triển du lịch Đà Lạt không thể tách rời với các giải pháp quy hoạch xác định quy mô hợp lý của thành phố và các giải pháp  bảo vệ, tôn tạo môi trường cảnh quan tự nhiên. Giải pháp có tính nguyên tắc là tổ chức thành phố  theo một đồ án quy hoạch chung trong đó đã xác định được một giới hạn nhất định về quy mô thành phố, có hướng giải quyết không gian nhằm bảo đảm sự phát triển hài hoà cân đối của thành phố với thiên nhiên.

 

 

Về đầu trang

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT
NHÀ XUẤT BẢN TỔNG HỢP TP. HỒ CHÍ MINH
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Thiết kế trang web: Sở KH&CN Lâm Đồng